KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 34
“Địa Tạng Bồ-tát cáo Phổ Hiền Bồ-tát ngôn: Nhân Giả! Thử giả giai thị Nam Diêm Phù Đề hành ác chúng sanh nghiệp hoặc như thị.” (Ngài Địa Tạng Bồ-tát nói với Ngài Phổ Hiền Bồ-tát rằng: ‘ Thưa Nhơn Giả! Đó đều là do chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề làm những điều ác mà tùy nghiệp chiêu cảm ra những địa ngục như thế.’)
Địa ngục từ đâu mà có vậy? Do nghiệp cảm ứng hiện ra. Cho nên tất cả tướng cảnh giới, không phải do người khác tạo ra cho bạn thọ nhận. Hay nói cách khác, thiên đường cũng không phải do Thượng Đế sau khi tạo ra rồi để cho bạn đến hưởng phước, địa ngục cũng không phải do vua Diêm La tạo nên để bạn đến thọ tội, không phải vậy, toàn là do nghiệp cảm. Bạn tạo tác nghiệp thiện, bạn cảm được là thiên đường. Bạn tạo tác nghiệp ác, nó biến hiện ra là địa ngục. Cảnh giới đó đang chuyển biến theo từng sát-na. Đây là chúng ta thường nói, đều là căn cứ theo lời Phật nói: “Vạn pháp đều không, nhân quả chẳng không.” Nhân quả chẳng không nói từ đâu vậy? Chuyển biến chẳng có không. Tướng cảnh giới bên ngoài đang chuyển biến theo từng sát-na. Cách chuyển biến như thế nào? Tùy tâm mà biến. Tâm chính là ý nghĩ. Ý nghĩ là năng biến. Cảnh giới là sở biến. Mọi người tâm thiện thì hoàn cảnh liền thiện. Mọi người tạo ác thì hoàn cảnh sẽ ác. Hiện nay hoàn cảnh thế gian chúng ta rất ác, thiên tai nhân họa, chúng ta mở trang báo ra, bậc ti vi lên, cảm thấy thân tâm bất an, nơm nớp lo sợ. Nguyên nhân gì vậy? Mọi người đều tạo ác nghiệp. Vậy thì nguy hiểm làm sao! Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật, hết lòng hết sức làm một chút công việc khuyến thiện, cũng chỉ là hết lòng mà thôi, trọn bổn phận mà thôi. Người khác có nghe hay không? Có hiểu hay không? Có chịu quay đầu không? Đó là việc của họ. Bản thân chúng ta tâm thiện, lời nói thiện, hành vi thiện, ở trong nghiệp chung có quả báo riêng. Đạo lý này không thể không hiểu rõ, không thể không cảnh giác. Làm thế nào ở trong môi trường đầy tai biến hiện nay cứu được mình, giúp đỡ người thân quyến thuộc, bạn bè thân thích của mình? Chỉ cần họ chịu nghe, chịu tin, chịu tiếp nhận, thì không có người nào không được cứu. Cho dù tạo tác tội nghiệp địa ngục, mà bạn hiện nay vẫn còn chút hơi tàn, bạn cũng được cứu. Chết rồi đọa lạc vào địa ngục, thế thì vô phương rồi! Phật, Bồ-tát cũng không thể giúp được. Chỉ cần bạn vẫn chưa đọa địa ngục, thì vẫn còn cứu được. Cách cứu như thế nào? Chư Phật Như-lai có diệu pháp, dạy bạn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Niệm Phật là pháp sám hối chân thật. Đem tất cả pháp thế gian và xuất thế gian thảy đều buông xả. Buông xả chính là không còn tạo tác nữa. Chỉ cần không tạo tác là quay đầu rồi. Đem hạt giống nghiệp ác trong a-lại-da thức, không cộng thêm tăng thượng duyên cho nó nữa, tuy có hạt giống ác nghiệp nhưng không khởi hiện hành. Không khởi hiện hành chính là chứng tỏ không thọ nhân quả báo. Pháp Phật dạy cho chúng ta thật sự là có đạo lý, không phải không có đạo lý. Nhân muốn biến thành quả trong đó phải có duyên. Nhân và quả không có cách khống chế, nhưng duyên thì có cách khống chế được. Ví dụ hạt dưa là nhân của trái dưa. Nhưng hạt dưa, duyên của nó cần có đất đai, cần có ánh sáng, cần có nước, cần có phân bón, điều kiện của nó đầy đủ thì hạt giống mới có thể lớn lên thành dưa được, mới kết quả được, nó cần có duyên. Nếu như chúng ta cắt đứt mất duyên của nó, đem hạt dưa để vào trong ly trà, để đến 100 năm nó cũng không thể kết thành quả dưa được. Tại sao vậy? Cắt đứt mất duyên rồi. Phật dạy chúng ta tự độ chính mình, là đạo lý như vậy. Vô lượng vô biên hạt giống nghiệp nhân trong a-lại-da thức, hiện nay đem tất cả duyên thảy đều cắt đứt hết. Tuy có hạt giống mà không khởi hiện hành, hiện nay chỉ thêm một cái duyên, là duyên niệm Phật. Trong a-lại-da thức chúng ta có hạt giống Phật A-Di-Đà, có hạt giống thế giới Tây Phương Cực Lạc, chỉ bồi dưỡng hạt giống này cho thật tốt, cắt đứt toàn bộ tất cả các duyên khác. Trong niệm Phật đường chính là làm cái việc này, là cắt đứt tất cả các duyên hạt giống tập khí khác, toàn lực tăng cường tập trung tất cả duyên lại, tăng cường cái duyên niệm Phật này, cho nên cái duyên niệm Phật này sẽ thành tựu rất nhanh chóng. Ba năm, năm năm nhất định thành tựu. Lời Phật nói trong kinh không phải lời giả dối: “Nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền, tương lai chắc chắn thấy Phật.” Khi thấy Phật rồi thì cái gì cũng viên mãn. Bản thân chúng ta ngày nay nếu muốn đi làm công tác hoằng pháp lợi sinh. Cách làm của bạn như thế nào? Bạn làm thế nào mới có thể làm viên mãn? Mới có thể làm được vừa lòng thỏa ý? Không thể làm được, vì không có trí tuệ, không có phước đức. Biện pháp duy nhất là gặp được Phật A-Di-Đà trước. Gặp được Phật A-Di-Đà thì phước tuệ của bạn đầy đủ rồi. Bạn có trí tuệ, có phước đức lớn. Bất kể bạn làm việc gì, “ở trong cửa Phật có cầu ắt ứng”. Bạn còn chướng ngại gì nữa? Còn khó khăn gì nữa? Huống chi sau khi gặp được Phật rồi thì không gian sống của chúng ta được mở rộng rồi. Ngày nay chúng ta là phàm phu sinh tử, chúng ta sống ở thế gian này, không gian sống của chúng ta là địa cầu, không có cách gì thoát khỏi địa cầu được, đi như thế nào cũng chỉ ở trên bề mặt địa cầu. Hiện nay vẫn chưa có năng lực đi đến những tinh cầu khác. Chúng ta cũng thường hay nghe nói, nghe nói có người ngoài không gian, người ngoài hành tinh đến thăm viếng địa cầu chúng ta. Những người có thể đến được địa cầu đó, quả đích thực là ở cõi người, chắc chắn không phải cõi trời. Tại sao vậy? Cõi trời không cần phải lái đĩa bay, điều khiển công cụ bay, không cần thiết, ở cõi người mới cần. Người cõi trời muốn đi đến nơi nào, không cần những công cụ này. Ở đây họ vẫn dùng công cụ bay, khoa học kỹ thuật phát triển hơn chúng ta, cho nên vẫn là ở cõi người, chắc chắn không phải cõi trời. Họ không thể sánh với ngay cả Tứ Vương Thiên. Tứ Vương Thiên nếu bay ở trong vũ trụ thì không cần công cụ. Người ngoài không gian hiện nay được đăng tin rất nhiều, sách vở loại này cũng rất nhiều. Chúng ta thấy toàn là người ở cõi người, không phải người trên địa cầu chúng ta.
Thế giới Ta Bà, phạm vi của cõi người là rất lớn, rất lớn, không chỉ là địa cầu thôi. Trên rất nhiều hành tinh khác cũng có người. Nhưng trí tuệ, năng lực của con người không giống nhau, phước báo khác nhau, đến đầu thai ở địa cầu nào, sống ở hành tinh nào, mỗi người nghiệp báo đều khác nhau, đều là quả báo. Phật, Bồ-tát ở trong kinh này đặc biệt chuyên chỉ cho “Nam Diêm Phù Đề”. Nam Diêm Phù Đề là địa cầu này của chúng ta. Phần trước đã nói qua: Chúng sanh cõi Diêm Phù Đề chí tánh không ổn định, tập tạo nghiệp ác. Tập là tập khí. Vô tình họ là tạo ác, cho nên chiêu cảm nên khổ báo địa ngục. Bốn câu nói dưới đây vô cùng quan trọng, chúng ta nên nhớ kỹ. Toàn bộ kinh văn không thể nhớ được, nhưng mấy câu này phải luôn nhớ kỹ.
“Nam Phù Đề hành ác chúng sanh nghiệp cảm như thị” (Chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề làm những điều ác mà tùy nghiệp chiêu cảm ra những địa ngục như thế.)
Ba câu này phải nhớ kỹ, từng giây từng phút nhắc nhở mình. Tiếp đó lại nói:
“Nghiệp lực thậm đại, năng địch Tu Di, năng thâm cự hải, năng chướng thánh đạo.” (Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu Di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh)
Nghiệp lực rất lớn, lớn đến mức độ nào vậy? Bên dưới nêu ra ba sự việc. “Tu Di” đây là núi lớn. Nghiệp lực có thể dời núi lấp biển. Núi lớn biển sâu không chống nổi nghiệp lực. Nghiệp lực có thể ngăn cản đạo thánh, khiến bạn đời này không thể thành tựu đạo nghiệp được. Bất kể bạn dũng mãnh tinh tấn tu hành như thế nào, bạn cũng không thể thoát ly nổi lục đạo luân hồi. Nguyên nhân gì vậy? Nghiệp lực. Cho nên Phật pháp giáo hóa tất cả chúng sanh, trọng điểm là ở tâm, tâm lý. Thiền Tông khởi xướng tu hành phải tu từ căn bản. Căn bản chính là ý nghĩ ở trong tâm. Tông Môn như vậy, thì Giáo Hạ lại đâu có chuyện không như vậy được? Cũng như vậy. Hay nói cách khác, tu hành phải thay đổi tâm lý, thay đổi tư tưởng, thay đổi quan niệm. Trước đây tâm lý, tư tưởng, quan niệm của chúng ta niệm niệm đều là vì mình, lấy mình làm trung tâm, đây chính là tạo nghiệp luân hồi, đây là tâm luân hồi. Phật dạy chúng ta đem ý nghĩ này chuyển đổi. Chuyển trở lại cái gì? Chúng ta niệm niệm vì chúng sanh, chúng ta khởi tâm động niệm, tư tưởng kiến giải, lời nói việc làm thảy đều vì chúng sanh, không vì mình, vậy thì tốt. Phật nói cho chúng ta biết lục đạo do đâu mà có? Lục đạo là do chấp trước mới có lục đạo. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước ba cái đều có thì biến hiện lục đạo. Nếu như chỉ có vọng tưởng, phân biệt, không có chấp trước, thì sẽ không có lục đạo, có thập pháp giới, có pháp giới Tứ Thánh; Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật, biến hiện ra pháp giới Tứ Thánh. Nếu như phân biệt cũng không có nữa, thì pháp giới Tứ Thánh đó cũng không có, thập pháp giới cũng không có rồi, hiện ra gọi là nhất chân pháp giới. Ở trong nhất chân pháp giới, trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói, còn có 41 cấp bậc, Bồ-tát có 41 cấp bậc: thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa. Cấp bậc từ đâu mà có vậy? Vọng tưởng chưa đoạn dứt, từ vọng tưởng biến hiện ra. Sau khi vọng tưởng đoạn hết rồi, thì không còn cấp bậc nữa, đó chính là Phật quả cứu cánh, thật sự bình đẳng rồi, Phật Phật đạo đồng, thật sự bình đẳng, không còn giai cấp nữa. Đây là giải thích rõ nhất chân pháp giới, thập pháp giới, tam đồ lục đạo hình thành như thế nào. Chỉ cần khởi tâm động niệm có ta, đây là của ta, thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn có cả rồi. Bạn còn có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi sao? Nếu quý vị thật sự khế nhập thể hội từ chỗ này, vậy là bạn thật sự giác ngộ rồi, bạn không phải giác ngộ giả. Giác ngộ rồi liền siêu phàm nhập thánh. Thánh chính là giác, phàm tức là mê. Phàm phu chính là có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng không bàn đến. Phân biệt, chấp trước là phàm phu, xả bỏ hết phân biệt, chấp trước chính là thánh nhân, chính là Phật, Bồ-tát. Phật, Bồ-tát khác với phàm phu chỉ trong một niệm, bạn chuyển đổi ý nghĩ trở lại liền siêu phàm nhập thánh. Ai có thể chuyển trở lại? Ở chính mình. Bạn có chịu chuyển hay không? Bạn chịu chuyển trở lại lập tức liền thay đổi ngay. Tôi hiểu rõ đạo lý này, tôi chuyển đổi rồi. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên hiểu rõ đạo lý này, ông cũng chuyển đổi rồi. Sau khi chuyển trở lại, chúng ta vì tất cả chúng sanh phục vụ, tất cả chúng sanh là chủ nhân của chúng ta, tất cả chúng sanh là ông chủ của chúng ta, chúng ta là người làm công phục vụ cho họ, vô ngã, chúng ta mới thật sự đạt được sự thọ dụng của Phật pháp, đem nghiệp lực chuyển thành trí tuệ, đem nghiệp lực chuyển đổi thành năng lực. Nhà Phật nói thần thông đạo lực. Là ở trên ý nghĩ vừa chuyển thì nghiệp lực liền chuyển trở lại rồi. Thông thường chúng ta nói nguyện lực, đem nghiệp lực chuyển thành nguyện lực. Nghiệp lực rất lớn có thể ngăn cản đạo thánh, nguyện lực rất lớn có thể thành đạo thánh. Tại sao không chuyển? Nếu như không chuyển thì trong vô lượng kiếp vẫn phải tạo sanh tử luân hồi, không bao giờ dứt. Việc gì phải gây nên cái phiền phức này? Kinh văn phía sau tiếp theo còn có mấy câu quan trọng.
“Thị cố chúng sanh mạc khinh tiểu ác dĩ vi vô tội, tử hậu hữu báo tiêm hào thọ chi.” (Vì thế chúng sanh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo dầu đến mảy mún đều phải chịu lấy.)
Mấy câu này phải nhớ kỹ, thường xuyên nhắc nhở mình, không nên cho rằng không có báo ứng, thế là chính bạn hiểu sai rồi. Một ý niệm ác yếu ớt đi nữa cũng cảm thọ quả báo. Nghĩa là “Không phải không báo, vì chưa đến giờ.” Giờ là gì? Là duyên chưa đầy đủ. Giờ là nói từ trên duyên. Duyên đầy đủ thì quả báo lập tức liền hiện tiền. Nếu như quý vị thật bình tĩnh, lắng lòng trong sáng mà quan sát thế giới. Hiện nay quả báo này gọi là quả báo hiện đời, báo rất nhanh, là ngay trước mắt. Nếu chúng ta thật sự muốn cứu mình, quý vị nhất định phải biết, mạng sống không quan trọng, không đáng tiếc. Chúng ta ở thế gian có thể sống được mấy năm, thời gian trăm năm chỉ trong nháy mắt. Tôi chín tuổi là đã rời khỏi quê nhà, cách Cửu Hoa Sơn rất gần. Những hình ảnh lúc tôi rời khỏi đó, vẫn còn nhớ rất rõ ràng, là giống như mới hôm qua vậy. Nhưng những người lớn, bạn bè thân thích vào thời đó ở cố hương, nay hết bảy tám phần đều không còn nữa, bạn bè thuở nhỏ nay cũng không còn nữa, đúng là đời người như khói mây, như giấc mộng. Mộng này phải tỉnh ngộ trở lại, tỉnh ngộ trở lại chính là quay đầu là bờ, phải hạ công phu ở trên khởi tâm động niệm, không khởi một niệm ác, niệm niệm vì phước báo của chúng sanh. Chúng ta toàn tâm toàn lực tạo phước, để cho chúng sanh hưởng phước, vậy mới tốt, không nên hưởng phước một mình, người như vậy nhất định thành tựu, người như vậy được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần phù hộ. Dũng mãnh tinh tấn, siêng năng không biếng nhác đang tạo phước, giúp đỡ xã hội, giúp đỡ đại chúng. Đời sống của mình sống rất đạm bạc, không lãng phí chút nào cả, biết tiết kiệm, dùng một xu cũng phải luôn nghĩ đến tất cả chúng sanh khổ nạn này. Ta có thể tiết kiệm được một đồng, thì họ được thọ dụng thêm một đồng. Thường xuyên có cái quan niệm này. Phật ở trong kinh nói, tất cả người tu hành trong thế gian, tại sao tu hành không thể đạt được kết quả? Đều là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nhiều, hết ý nghĩ này đến ý nghĩ khác. Trong kinh nói với chúng ta một cái khảy móng tay có 60 sát-na, một sát-na có 900 lần sinh diệt, đó là nói ý nghĩ vi tế, tức là ý nghĩ rất thô thì vô cùng khủng khiếp. Từ sáng đến tối bao nhiêu ý nghĩ sinh diệt? Chúng ta tự mình có thể cảm nhận được. Niệm trước diệt rồi thì niệm sau lập tức liền sinh lên. Ở trong đây đều có nhân quả, một niệm thiện chính là quả báo thiện, một niệm ác đó chính là quả báo ác. Đừng nói là lời nói việc làm, quả báo đó là càng nghiêm trọng hơn rồi. Mà khởi tâm động niệm thảy đều có quả báo. Cho nên Bồ-tát ở chỗ này khuyên bảo chúng ta, khuyến khích chúng ta, cảnh sách chúng ta: Chớ coi thường ác nhỏ mà cho là không có tội. Đến khi bạn thọ báo thì hối hận không kịp. Mấy câu dưới đây nói rất rõ ràng:
“Phụ tử chí thân, kỳ lộ các biệt, tung nhiên tương phùng, vô khẳng đại thọ.” (Chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường, dầu có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ cho nhau.)
Quả báo tự làm tự chịu, người nào cũng không cách gì thay thế được. Chư Phật Như-lai đại từ đại bi cũng không có cách gì đi thọ báo thay cho bạn được. Nếu như chịu khổ thay được thì Phật, Bồ-tát đều chịu thay rồi, không có cách gì chịu thay được, đây là tự mình làm tự mình chịu, cảnh giới là do chính mình biến hiện ra. Đúng như lời cư sĩ Chương Thái Viêm nói, tôi nghe lão cư sĩ Chu Kính Trụ kể với tôi, lão cư sĩ Chu đem những sự việc này viết vào trong sách, cụ có viết vài tác phẩm. Chương Thái Viêm là cha vợ của cụ, đây không phải là lời giả dối. Lúc còn trẻ cụ vốn là người học khoa học, cụ không tin Phật pháp. Cha vợ của cụ có học Phật đã kể cho cụ nghe những chuyện này. Khi cụ nghe xong cho rằng đều là mê tín, đều là ngụ ngôn. Từ tuổi trung niên trở về sau, thời kỳ kháng chiến cụ ở Trùng Khánh, buổi tối đi trên đường gặp quỉ cụ mới tin. Nếu chính cụ không có đích thân gặp phải, dù người khác có nói cụ cũng không tin. Cụ đi đường cùng với quỉ trong đêm tối, đi được hơn nửa giờ đồng hồ, thời gian này rất dài không phải thời gian ngắn. Đi hơn nửa giờ đồng hồ cụ bỗng nhiên nghĩ, sao cô này nửa đêm lại đi có một mình thế này? Khi vừa nghĩ vậy thì thấy sởn tóc gáy, sau đó nhìn lại người phía trước đó chỉ thấy có nửa thân trên, không có nửa thân dưới, vậy là sợ điếng người! Vừa sợ vậy thì người phía trước này biến đâu mất. Cụ do vậy mà tin Phật. Nếu như không phải chính mắt trông thấy, đích thân trải nghiệm thì những người này sẽ không tin. Cho nên về sau nghĩ lại những chuyện mà cha vợ kể trước kia, cụ mới nghĩ đây là chuyện thật không phải giả. Chương Thái Viêm nói thọ những nỗi khổ sở này trong địa ngục, ông luôn cảm thấy quá không nhân đạo, quá tàn khốc, không nhân đạo, rất nhiều địa ngục cần phải hủy bỏ. Vua Diêm La nghe thấy kiến nghị này của ông thì sao? Cũng không nói năng gì, sai hai con tiểu quỉ dắt ông đi, đến địa ngục để ông xem hiện trường. Tiểu quỉ dắt ông đi, đi rất xa, đến nơi đó rồi, chỉ cho ông xem, ông không nhìn thấy, mới chợt hiểu ra. Trong kinh Phật nói không sai, do nghiệp lực biến hiện. Bạn không có nghiệp lực này thì không thể nhìn thấy. Trong kinh nói địa ngục chỉ có hai loại người có thể nhìn thấy, thứ nhất là người tạo tác tội nghiệp, họ thọ báo, biến hiện ra cảnh giới này. Ngoài ra là Bồ-tát, Bồ-tát có năng lực vào trong địa ngục để độ hóa chúng sanh, họ có thể nhìn thấy. Không phải độ chúng sanh trong địa ngục, không phải vào địa ngục để thọ tội, không phải hai loại duyên này thì địa ngục có ở trước mắt cũng không nhìn thấy. Cho nên vậy mới biết, không phải do vua Diêm La tạo ra địa ngục để cho những người này thọ tội, không phải vậy. Là do nghiệp lực của mình biến hiện ra cảnh giới, chúng ta hiểu rõ đạo lý này, sau đó mới biết, chí thân như cha với con cũng không cách gì thay thế cho nhau được. Tự mình nhất định phải nhận lấy. Xem tiếp kinh văn dưới đây:
“Ngã kim thừa Phật uy lực lược thuyết địa ngục tội báo chi sự. Duy nguyện Nhân Giả tạm thính thị ngôn.” (Nay tôi nương oai lực của đức Phật mà nói sơ lược những sự tội báo nơi địa ngục. Trông mong Nhơn Giả tạm nghe lời đó.)
Bồ-tát Địa Tạng rất khiêm nhường. Nói thực ra Bồ-tát Địa Tạng quá vĩ đại. Lúc pháp hội bắt đầu, chư Phật mười phương đều đến tham dự pháp hội, còn thù thắng hơn pháp hội Hoa Nghiêm. Trên pháp hội Hoa Nghiêm chúng ta nhìn thấy, đương nhiên tất cả chư Phật đều đến, các Ngài không phải dùng thân Phật, các Ngài là hiện đủ dạng thân phận khác nhau để đến tham gia. Pháp hội Địa Tạng là Phật dùng thân Phật đến thị hiện, tất cả chư Phật đều tham gia pháp hội này. Bồ-tát Địa Tạng là thầy của Phật, là thầy của chư Phật. Bạn thấy Ngài ở chỗ này khiêm nhường như vậy: “Nay tôi nương oai lực của đức Phật mà nói sơ lược những sự tội báo nơi địa ngục.” Ngài không dám nói tôi biết sự việc này, việc này tôi biết quá rõ ràng rồi, tôi nói cho bạn là được rồi. Người hiện nay nhất định là có loại thái độ như vậy. Quả thật Ngài biết rất rõ ràng, Ngài nói như vậy là để dạy chúng ta, bất kể vào lúc nào cũng phải khiêm nhường, phải cung kính, phải nhẫn nhịn, đây là tánh đức. Trong từng niệm phải hàng phục tập khí phiền não của mình. Tham sân si mạn là phiền não, là tạo nghiệp. Cho nên chúng ta xem thấy ở trong kinh, ngôn ngữ của các Ngài, sự bày tỏ thái độ của các Ngài có dụng ý sâu vô cùng. Bồ-tát Phổ Hiền là hạng người nào? Đều là do Như-lai lái ngược thuyền từ thị hiện. “Trông mong Nhơn Giả tạm nghe lời đó.” Bạn thấy lời nói này khiêm nhường biết bao, cung kính biết bao. Đây là dạy chúng ta, bình thường đối nhân xử thế phải luôn khiêm nhường cung kính.
“Phổ Hiền đáp ngôn: Ngô dĩ cửu tri tam ác đạo báo, vọng Nhân Giả thuyết lệnh hậu thế mạt pháp nhất thiết ác hạnh chúng sanh, văn Nhân Giả thuyết sử lệnh quy Phật.” (Ngài Phổ Hiền Bồ-tát đáp rằng: ‘Dầu từ lâu tôi đã rõ tội báo nơi ba đường ác đạo rồi, nhưng tôi muốn Nhơn Giả nói ra để làm cho tất cả chúng sanh có tâm hạnh ác trong đời mạt pháp sau này, nghe được lời dạy của Nhơn Giả, mà biết quy hướng về giáo pháp của Phật.’)
Hai vị Bồ-tát này một vị hỏi một vị đáp, mục đích là dạy chúng ta những chúng sanh tạo tác tội nghiệp này quay đầu là bờ. Thật sự quy y Tam Bảo. Quy là trở về. Thật sự trở về rồi. Nương theo lời chỉ dạy của Phật mà sống, nương theo lời chỉ dạy của Phật mà làm việc, đây gọi là quy y. Trong kinh nói, những việc nào dạy chúng ta phải nên làm thì chúng ta cố gắng nỗ lực mà làm. Những việc nào tuyệt đối không được phép làm thì chúng ta nhất định phải dứt trừ, vậy mới gọi là quy y Phật.
“Địa Tạng bạch ngôn: Nhân Giả, địa ngục tội báo kỳ sự như thị” (Ngài Địa Tạng Bồ-tát nói rằng: ‘Thưa Nhân Giả! Những sự tội báo trong chốn địa ngục như vậy:’)
Phía sau lại vì chúng ta nói sơ lược 14 loại.
“Hoặc hữu địa ngục thủ tội nhân thiệt sử ngưu canh chi. Hoặc hữu địa ngục thủ tội nhân tâm Dọa Xoa thực chi. Hoặc hữu địa ngục hoạch thang thạnh phất chử tội nhân thân.” (Hoặc có địa ngục kéo lưỡi người tội ra mà cho trâu cày trên đó, hoặc có địa ngục moi tim người tội để cho quỉ Dạ Xoa ăn, hoặc có địa ngục vạc dầu sôi sùng sục nấu thân người tội.”
Đây chính là tục ngữ gọi là vạc dầu, cho vào vạc dầu.
“Hoặc hữu địa ngục xích thiêu đồng trụ sử tội nhân bão. Hoặc hữu địa ngục sử chư hỏa thiêu sấn cập tội nhân. Hoặc hữu địa ngục nhất hướng hàn băng. Hoặc hữu địa ngục vô hạn phẫn niệu. Hoặc hữu địa ngục thuần phi tật lê. Hoặc hữu địa ngục đa toản hỏa thương. Hoặc hữu địa ngục duy chàng hung bối. Hoặc hữu địa ngục đãn thiêu thủ túc. Hoặc hữu địa ngục bàn kiểu thiết xà. Hoặc hữu địa ngục khu trục thiết cẩu. Hoặc hữu địa ngục tận giá thiết la.” (Hoặc có địa ngục đốt cột đồng cháy đỏ rồi bắt người tội ôm lấy. Hoặc có địa ngục từng bựng lửa lớn bay tấp vào người tội. Hoặc có địa ngục toàn cả thuần là băng giá, hoặc có địa ngục đầy vô hạn đồ phẩn tiểu, hoặc có địa ngục lao gai chông sắt, hoặc có địa ngục đâm nhiều giáo lửa. Hoặc có địa ngục chỉ đập vai lưng, hoặc có địa ngục chỉ đốt chân tay, hoặc có địa ngục cho rắn sắt cuốn cắn, hoặc có địa ngục xua đuổi chó sắt, hoặc có địa ngục đóng ách lừa sắt.)
Danh hiệu của địa ngục phần trước đã nói qua rồi. Chỗ này là nói tình trạng thọ quả báo ở trong địa ngục của những tội nhân thọ quả báo này. Câu thứ nhất, quả báo này là nói lưỡi hai chiều, nói lời thô ác, nói dối, nói thêu dệt tạo tác những tội nghiệp này. Phỉ báng Tam Bảo, phá hoại lòng tin đối với Phật pháp của người ta, sau khi chết đi sẽ đọa loại địa ngục này. Gọi là kéo lưỡi, trâu cày, nước đồng sôi rót vào miệng, lá sắt trói buộc thân, ở trong địa ngục này, muốn sống không được, cầu chết cũng không xong. Địa ngục tuyệt đối không phải vừa thọ tội thì người liền chết ngay, chết rồi liền siêu sanh ngay, họ không thể chết được. Ở trong địa ngục có gió nghiệp, gió vừa thổi họ lại sống trở lại. Sống trở lại thọ tiếp, một ngày một đêm muôn lần chết đi sống lại. Tình trạng này phải mãi cho đến khi tội báo của họ thọ xong. Thọ xong thời gian đều là tính bằng kiếp, vô số kiếp phải thọ khổ báo này. Tội báo chưa thọ xong, thì vĩnh viễn không thể lìa khỏi địa ngục. Nhưng cái tội báo đó là việc rất phiền phức. Ví dụ nói lời phỉ báng Tam Bảo, đoạn mất lòng tin của người ta. Đến khi nào nghiệp này mới có thể tiêu hết vậy? Sức ảnh hưởng của lời nói này của bạn hoàn toàn không còn nữa, thì bạn có thể lìa khỏi địa ngục. Nếu như sức ảnh hưởng này vẫn còn thì bạn không có cách gì thoát khỏi địa ngục được. Và sức ảnh hưởng này thường thường liên lụy đến rất nhiều đời. Hạt giống của duyên ác này khởi tác dụng trong a-lại-da thức của họ, gặp phải Tam Bảo họ liền khởi hoài nghi, họ không thể sinh khởi niềm tin được. Sức ảnh hưởng này lớn cỡ nào. Nếu giống như hiện nay, nói xong còn ghi âm, còn đem băng ghi âm đi phân phát khắp nơi, hoặc giả là mua bán, hoặc giả kết duyên. Nội dung mà bạn nói này là phá hoại Tam Bảo, chỉ cần có một cuộn băng đĩa vẫn còn tồn tại trên thế gian này thì bạn không có cách gì thoát khỏi địa ngục được. Nếu như bạn viết thành văn tự, thế gian này vẫn còn một cuốn sách tồn tại, thì bạn cũng không có cách gì thoát khỏi địa ngục được. Mới biết sự việc này thật đáng sợ. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về ngôn ngữ, văn tự của mình. Đúng như phần trước nói: “Chớ xem thường ác nhỏ mà cho là vô tội”.
Câu thứ hai: “Thủ tội nhân tâm, Dạ Xoa thực chi” (Moi tim người tội để cho quỉ Dạ Xoa ăn.)
Nghiệp nhân loại này, pháp sư Thanh Liên ở trong chú giải nói với chúng ta, là lúc ở cõi người, lấy trộm đồ vật của cha mẹ, sư trưởng, vì duyên ác này nên phải bị quả báo này. Tâm trộm cắp là tâm ác. Quý vị thử nghĩ xem ngay cả đồ vật của cha mẹ, sư trưởng họ còn lấy trộm, thì còn đồ của ai họ không dám trộm? Tâm này không tốt, đọa vào địa ngục quỉ Dạ Xoa sẽ ăn tim của họ. Thứ ba là, đây là nồi dầu, địa ngục Thang Hoạch. Hoạch là nồi, đỉnh cũng là nồi. Hiện nay người Phúc Kiến vẫn gọi nồi là đỉnh. Vào thời xưa, lúc đó vẫn còn chưa phát minh ra bếp. Nấu đồ ăn dùng cái gì vậy? Dùng đỉnh. Nồi có ba chân, đốt lửa phía dưới. Nấu một món ăn là dùng một cái đỉnh. Ở trong sách xưa nói bày đỉnh ra ăn, đó nghĩa là đồ ăn của họ có rất nhiều, rất phong phú. Bày đỉnh ra ăn, có một chút giống như tiệc búp-phê trong nhà hàng lớn của chúng ta hiện nay vậy. Tiệc búp-phê, đỉnh hiện nay rất đẹp, làm bằng thép không rỉ, nó có bốn cái chân, đốt lửa phía dưới để cho thức ăn được giữ ấm, không đến nỗi nguội. Vào thời xưa đỉnh có ba chân. Về sau sau khi phát minh ra bếp, bèn bỏ đi cái này. Đỉnh không còn chân nữa, biến thành cái nồi. Nồi với đỉnh là một thứ. Trong nghiệp nhân này nói phá giới, sát sanh cúng tế, hoặc giả là ăn thịt, ăn mặn, đốt núi rừng, thiêu đốt chúng sanh, nên bị quả báo này.
Câu thứ tư: “Hoặc hữu địa ngục, xích thiêu đồng trụ, sử tội nhân bão.” (Hoặc có địa ngục đốt cột đồng cháy đỏ rồi bắt người tội ôm lấy)
Đây là giống như trong tiểu thuyết nói hình phạt bào lạc. Trước đây cư sĩ Chương Thái Viêm đã thỉnh cầu Đông Nhạc Đại Đế hủy bỏ hình phạt này. Sau đó mới biết cảnh giới địa ngục là do nghiệp lực biến hiện ra, không phải do con người tạo nên. Câu dưới đây:
“Hoặc hữu địa ngục sử chư hỏa thiêu sấn cập tội nhân” (Hoặc có địa ngục từng bựng lửa lớn bay tấp vào người tội.)
Đây là từng mảng lửa lớn, chẳng có chỗ nào trốn thoát được, phải bị lửa thiêu chết tươi. Nhưng gió vừa thổi qua họ lại sống dậy rồi, bị thiêu tiếp, vĩnh viễn không có cách gì thoát khỏi được. Trong kinh nói, đây là quả báo của rất nhiều nghiệp bất thiện. Câu thứ sáu: “Nhất hướng hàn băng” (Toàn cả thuần là băng giá.) Địa ngục Hàn Băng cũng là quả báo của những nghiệp ác bất thiện. Câu thứ bảy “Vô hạn phẩn niệu” (Đầy vô hạn đồ phẩn tiểu). Phần trước cũng giảng qua với quý vị rồi, trong nghiệp nhân là do đời trước phá trai, phát nguyện trì bát quan trai giới, phá trai giới và những nghiệp ác không thanh tịnh chiêu cảm nên. “Hoặc hữu địa ngục thuần phi tật lê” (Hoặc có địa ngục lao gai, chông sắt.) Tật lê là một loại vũ khí của thời xưa, hiện nay tương đối ít thấy rồi. Nếu như ở trong viện bảo tàng chắc còn có thể nhìn thấy, là mũi tên rất nhỏ, thông thường gọi là ám khí. Lúc người ta chưa có phòng ngừa, phòng bị, họ bắn ra, phóng ra. Hiện nay không còn cái này nữa, hiện nay đổi thành súng ngắn rồi, chính là những vũ khí thuộc loại này. Từ đó cho thấy, quả báo này của họ chính là dùng những loại ám khí này đi kết oán thù với chúng sanh, giết hại tất cả chúng sanh, đặc biệt là đi săn. Đạn của súng săn khác với đạn thông thường. Bởi vì bạn đi săn, viên đạn thông thường của bạn không nhất định phải bắn chuẩn xác, sở dĩ đạn súng săn là đạn chùm, tức là đạn chùm bắn ra những viên đạn sắt. Sau khi bắn ra nó có một diện tích, ở trong diện tích này, thì những động vật này đều không thể chạy thoát. Nên thọ loại quả báo này. “Hỏa thương” (Súng lửa) là cùng ý nghĩa với Thông Thương ở phía trước, ở trong đây đa phần là lửa. “Duy chàng hung bối” (Chỉ đập vai lưng) Đây là ở trong “Kinh Lăng Nghiêm” có nói là cảm ứng của Xúc Báo, chiêu cảm nên loại quả báo này. Cho nên nói là do bạn đi đánh đập người khác, đặc biệt là chúng ta ngày nay nói là ngược đãi động vật, dùng loại hành vi này đối với động vật là thấy tương đối nhiều, đâu có biết rằng sẽ bị quả báo này? Câu thứ 11 “Đãn thiêu thủ túc” (chỉ đốt chân tay). Đây gọi là biệt nghiệp biệt báo. Tay bạn tạo nghiệp thì đốt tay, chân tạo nghiệp thì đốt chân.
“Thiết xà, thiết cẩu, tận giá thiết la” (Rắn sắt, chó sắt, đóng ách lừa sắt) Lừa là một loài thuộc họ ngựa, toàn thân cũng đều là lửa. Phật ở trong kinh cũng đã nói qua một công án. Công án này, pháp sư Thanh Liên có trích dẫn ở trong chú giải, nói tỳ kheo Tăng Hộ nhìn thấy một con lừa, con lừa này toàn thân đều là lửa thiêu đốt. Phật nói với tỳ kheo Tăng Hộ, nó không phải là lừa, vào thời đức Phật Ca Diếp nó là một người xuất gia. Lúc người xuất gia phân chia thức ăn, ông lúc nào cũng chia cho mình nhiều một chút, tạo nghiệp ác này, nên cảm thọ khổ báo như vậy. Trong kinh này nói: “Tận giá thiết la” (cưỡi lừa sắt mãi) Đại khái là người tội này cưỡi trên con lừa sắt, lừa sắt toàn thân đều là lửa, người tội thọ quả báo như vậy. Hình phạt, khổ báo trong địa ngục, thật sự mà nói là nói mãi không hết. Mời xem kinh văn dưới đây:
“Nhân Giả! Như thị đẳng báo, các các ngục trung hữu bách thiên chủng nghiệp đạo chi khí.” (Nhơn Giả! Những quả báo như thế trong mỗi mỗi ngục có trăm nghìn thứ khí cụ để hành hình.)
“Đạo nghiệp chi khí” chính là khí cụ để hành hình. Ngày nay chúng ta gọi là dụng cụ tra tấn.
“Vô phi thị đồng, thị thiết, thị thạch, thị hỏa. Thử tứ chủng vật chúng nghiệp hạnh cảm.” (Đều là bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, bằng lửa. Bốn loại khí cụ này do các hạnh nghiệp quấy ác của chúng sanh mà cảm vời ra.)
Trong dụng cụ tra tấn ấy đều là bằng đồng, sắt, đá, toàn là một biển lửa, bạn cảm thọ là những thứ này. Chúng ta thường hay nói, người đó tâm rất ác độc, tức là lòng dạ như sắt đá, cho nên ở trong địa ngục, biến hiện ra những dụng cụ tra tấn đều là những thứ này. Tâm địa thanh tịnh mềm mại thì nhất định không thể nhìn thấy hiện tượng này. Cho nên nhất định phải biết, tâm này là tâm địa độc ác. Cái oai phong này của bạn có thể thực hiện được mấy ngày? Sau mấy ngày oai phong này của bạn thực hiện xong, sau đó làm thế nào? Có nghĩ đến hay không? Hậu quả không thể tưởng tượng nổi, chúng ta nhất định phải hiểu. Trong Duy Thức Luận nói, giống như trong kinh nói những địa ngục này, có vua Diêm La trong địa ngục hay không? Có những con quỉ tốt trong địa ngục không? Thực ra không có. Đều là do tánh thức của mình biến hiện ra, là giống như nằm mộng vậy. Mộng nhất định đến khi tỉnh mộng mới biết là giả, là khói mây. Nhưng lúc bạn đang nằm mộng, bạn cho rằng đó đều là chân thật. Địa ngục, Tam Đồ là cảnh mộng, cùng một đạo lý giống nhau, con người chúng ta sống ở đời thời gian mấy chục năm, lại đâu có không phải là cảnh mộng? Nói đến thập pháp giới đi nữa cũng là cảnh mộng. Trong “Kinh Kim Cang” nói rất hay: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng.” Tất cả pháp hữu vi là đã bao gồm cả thập pháp giới rồi. Thập pháp giới đều là hữu vi. Nhất chân pháp giới mới là pháp vô vi. Cho nên Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Phật ở trong Quyền Giáo đều chưa có rời khỏi pháp hữu vi. Hay nói cách khác y chánh trang nghiêm của họ đều là mộng, huyễn, bọt, bóng. Tướng có thể không, sự có lý không đây mới là chân tướng của sự thật, là do nghiệp cảm biến hiện ra. Chúng ta xem câu kinh văn sau cùng này.
“Nhược quảng thuyết địa ngục tội báo đẳng sự” (Nếu tôi thuật rõ cả những sự về tội báo ở địa ngục.)
Nói ra từng sự việc.
“Nhất nhất ngục trung, cánh hữu bách thiên chủng khổ sở.” (Thời trong mỗi ngục lại còn có trăm nghìn thứ khổ sở.)
Mỗi địa ngục đã có trăm nghìn thứ khổ sở.
“Hà huống đa ngục” (Huống chi nhiều ngục)
Địa ngục nói mãi không hết.
“Ngã kim thừa Phật uy thần, cập Nhân Giả vấn lược thuyết như thị, nhược quảng giải thuyết cùng kiếp bất tận” (Nay tôi nương sức oai thần của Đức Phật và vì Nhơn Giả hỏi mà nói sơ lược như thế. Nếu nói rõ cả thời cùng kiếp nói cũng không hết.)
Lời Bồ-tát nói là lời chân thật. Nếu giải thích, chứng minh tỉ mỉ cho bạn, thì cùng kiếp nói cũng không hết. Lời nói này là thật chứ không phải giả. Cho nên chúng ta làm một cái tổng kết ở chỗ này. Địa ngục tuyệt đối không nên vào. Nếu muốn không vào địa ngục thì nhất định không được tạo tội nghiệp, tội nghiệp cực nhỏ cũng không được phép tạo. Nguyên nhân gì vậy? Bởi vì ở trong a-lại-da thức chúng ta hạt giống địa ngục rất nhiều, vô lượng kiếp ta tạo tác những tập khí này. Tội nghiệp nhỏ là gì? Chính là duyên. Tội nghiệp địa ngục trong a-lại-da thức của bạn, bạn lại tạo duyên cho nó, không cắt đứt duyên của nó thì rất có thể lại tạo quả báo này. Đây là điểm chúng ta cần phải cảnh giác. Cho nên tuyệt đối không được phép coi thường, xem nhẹ tội nghiệp nhỏ cho là không quan trọng, thế là bạn quá đỗi sai lầm rồi! Tội nghiệp nhỏ là duyên. Ở trong a-lại-da thức có nghiệp nhân của tội nghiệp địa ngục. Nhân gặp được duyên thì sẽ hiện cảnh giới này. Cảnh giới hiện tiền vô cùng đáng sợ, muốn ra khỏi là quá khó, quá khó! Cho nên phải thật sự hiểu rõ, thật sự giác ngộ, buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ, đây là phương pháp an toàn nhất, phương pháp nhanh chóng nhất, cũng là phương pháp ổn thỏa tốt đẹp nhất, vĩnh viễn thoát khỏi Tam Đồ, Lục Đạo.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.