Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 31

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 31 

Mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển trung, trang 4, kinh văn hàng thứ hai:

  “Hữu đại địa ngục hiệu Cực Vô Gián, hựu hữu địa ngục danh đại A Tỳ” (Trong đó có địa ngục lớn tên là Cực Vô Gián. Lại có địa ngục tên là Đại A Tỳ.)

  Hôm qua giới thiệu đến chỗ này, ý nghĩa ở trong đây rất sâu rất rộng. Nếu nói tường tận nói thực ra là không thể nói hết. Nhưng điểm quan trọng chúng ta phải hiểu, là do nguyên nhân gì tạo thành địa ngục? Tại sao lại ở trong đây thọ những khổ báo này? Điểm này vô cùng quan trọng. Trong “Kinh Địa Tạng Thập Luận” nói: Tội ngũ nghịch là tội cực ác. Ngũ nghịch phần sau sẽ nói rõ tỉ mỉ. Đây là giết cha, giết mẹ. Ơn đức của cha mẹ quá lớn, mạng sống của chúng ta có được từ cha mẹ. Nếu như chúng ta có thể quan sát tỉ mỉ, khi cha mẹ chăm sóc con cái cẩn thận tỉ mỉ từng li từng tí, từ khi mới sinh ra cho đến ba tuổi, đứa bé không thể rời khỏi vòng tay người mẹ, từng giây từng phút được mẹ quan tâm yêu thương bảo vệ, mới không đến nỗi tổn thương đến tính mạng. Còn người cha, hiện nay người làm cha làm tròn trách nhiệm với con cái không bằng người xưa. Người xưa làm cha, không những là phải dạy lúc còn nhỏ, phải dạy lúc còn ẵm bồng, mà lúc người mẹ mang thai đã phải dạy rồi, gọi là thai giáo, đây mới là làm tròn trách nhiệm của một người cha. Cho nên ơn đức của cha mẹ rất lớn, ở trong pháp thế gian không có gì có thể sánh bằng. Không biết ơn đức, không biết báo ơn, lại còn thêm chuyện giết hại, thì tội này cực nặng, bị đọa Cực Vô Gián, đọa Đại A Tỳ.

  Loại tội nghiệp thứ hai là giết A-la-hán. A-la-hán là thánh nhân tu hành chứng quả, là bậc thầy mô phạm của nhân thiên, là ruộng phước đích thực của thế gian. Nơi họ cư trú là nơi để tất cả chúng sanh gieo phước. Bạn giết A-la-hán, tức là phá hủy mất ruộng phước của chúng sanh gieo phước, khiến người nơi này đều không có phước báo, nên tội này là nặng rồi! Cho nên giết A-la-hán, là không phải kết tội với một mình A-la-hán, không phải kết tội với họ, mà là kết tội với tất cả chúng sanh ở nơi này, nên tội này rất nặng. Hiện nay thế gian này có A-la-hán không? Chúng tôi tin là nhất định có A-la-hán ứng hóa thật, Phật, Bồ-tát hóa thân ở thế gian cũng rất nhiều. Làm gì nói không có A-la-hán chứ? Nhưng phàm phu chúng ta không nhận biết. Bạn muốn tìm A-la-hán để giết cũng không thể tìm được, nhưng vẫn có loại tội tương đương. Tương đương nghĩa là tội ngang bằng với tội giết A-la-hán. Tội ngang bằng là ai vậy? Thiện tri thức. Ở trong địa phương này, người có đức hạnh, có học vấn, vừa có thể từ bi giáo hóa chúng sanh nơi đó, giết hại loại người này là ngang bằng với giết hại A-la-hán, cái tội này là rất nặng. Không những không được phép giết hại, mà ngay cả phỉ báng tội cũng không nhẹ, đây là điều chúng ta nhất định phải biết. Nhưng thế gian có một số người không biết, hữu ý hay vô ý tạo ra những lời phỉ báng đối với thiện tri thức. Vô ý là không biết. Hữu ý đó là có ý đồ riêng. Ở trong có ý đồ riêng thì đố kỵ là chiếm phần lớn. Hiện nay còn có một số người có những sách lược, làm sao đề cao thân phận của mình, đề cao mức độ nổi tiếng của mình, đề cao danh vọng của mình ở trong đại chúng xã hội. Dùng phương pháp gì? Họ phê phán, bài bác người nổi tiếng được đại chúng ở nơi đó ngưỡng mộ, để nâng họ lên. Đây là có ý đồ riêng, tạo tác tội nghiệp đều là tội nghiệp địa ngục A Tỳ, Vô Gián. Đây là trong tâm ôm giữ ý tà ác cực nặng, họ không sợ nhân quả báo ứng. Vì chút danh lợi trước mắt, lợi ích trước mắt, mà dám tạo loại tội nghiệp rất nghiêm trọng này, đây là nghiệp nhân của địa ngục Vô Gián.

  Loại thứ ba là làm cho thân Phật chảy máu. Phật hiện nay không còn tại thế nữa, nên có tội tương đương, chính là dùng tâm ác phá hoại hình ảnh của Phật. Bất kể là tượng Phật bằng xi măng, hay điêu khắc gỗ, hoặc giả là đúc bằng kim loại, hoặc là tranh vẽ, vẽ những hình ảnh Phật Bồ-tát này, họ dùng tâm sân hận phá hoại những hình tượng đó, thì tội này chính là tội ngũ nghịch. Nếu như nói là vô ý thì sao? Vô ý làm tổn hại là lỗi chứ không phải tội, là rất nhẹ, là do vô ý. Sám hối được không? Được, có thể sám hối. Ác ý thì không thể sám hối được.

  Điều sau cùng là phá hòa hợp Tăng, chính là phá hoại Tăng đoàn. Tăng, tăng đoàn hòa hợp, thật sự là rất khó gặp được. Ở trong đây cũng có tội tương đương, là phá hoại tín ngưỡng của người khác, phá hoại tâm nguyện của người khác, phá hoại việc tu học của người khác, là có tội ngang với phá hòa hợp Tăng, tội này cũng là nặng vô cùng, chúng ta không thể không biết. Ở trong đây cũng có cố ý và vô ý, cũng cần phải phân biệt rõ ràng. Cố ý là ác ý. Vô ý là đối với những lý luận và chân tướng sự thật này chưa có hiểu rõ thấu triệt. Ví dụ trong kinh thường nói đến “tự tán hủy tha”, là tự mình tán thán pháp môn tu học của mình, và mặc tình phỉ báng những pháp môn tu học khác, cũng là thuộc vào loại tội nghiệp này. Hiện nay ở thế gian, rất nhiều nơi chúng ta nghe thấy người tạo tác những tội nghiệp này, và chuyện tạo tác tội nghiệp này, chúng ta cần phải hiểu rõ. Phật, Bồ-tát thuyết pháp là ứng cơ mà thuyết. Cho nên Phật pháp không có pháp cố định, trong “Kinh Bát Nhã” nói rất rõ ràng: Phật không những không có pháp cố định để nói, mà Phật cũng không có pháp để nói. Thậm chí là nói đến chỗ cùng tột, nếu như có người nói Phật thuyết pháp, chính là phỉ báng Phật. Nói đến chỗ này, những lời khai thị này của Phật, chúng ta phải thâm nhập thể hội thật kỹ, sau đó mới không tạo tội phỉ báng pháp, bạn mới không còn tạo nữa. Bởi vì Ngài là ứng cơ mà tiến hành dạy bảo. Căn tánh của tôi với căn tánh của bạn không hoàn toàn giống nhau, tức là cùng tu pháp môn Tịnh Độ, cùng niệm A-Di-Đà Phật, cũng không hoàn toàn giống nhau. Nghĩa là thế nào? Tôi thích truy đỉnh niệm Phật là A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật… câu nọ tiếp nối câu kia. Họ thích niệm từ từ, A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật. Vậy hai người này là khác nhau rồi, hai người đều có thể vãng sanh. Người này nói cách niệm này của tôi chính xác, cách niệm đó của anh chắc chắn sai lầm! Thế chẳng phải đánh nhau sao? Khác nhau mà. Cho nên nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Cùng là bị bệnh cảm mạo giống nhau, thầy thuốc kê toa cho bạn, đương nhiên thuốc đại thể là giống nhau, nhưng cũng có khác nhau. Bạn uống thuốc này thấy khỏe rồi, nhìn thấy trên toa thuốc đó của bạn có một vài vị thuốc không đúng. Sai rồi! Bạn bèn phê bình họ! Thể chất của họ khác với thể chất của bạn. Cùng một toa thuốc, cùng là một vị thầy thuốc, nhưng liều lượng cho tôi và liều lượng cho bạn khác nhau. Cho tôi chỉ ba đồng, nhưng cho bạn tốn đến bốn đồng. Thế hai người bạn còn muốn đánh nhau không? Rốt cuộc cái nào đúng, cái nào không đúng? Thể chất khác nhau. Phật giảng kinh thuyết pháp độ chúng sanh là giống như loại tình hình này vậy. Cho nên nếu bạn nói cái này đúng, cái kia sai, thì bạn chính là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Tại sao vậy? Tất cả Kinh đều là do Phật thuyết, bạn phỉ báng Phật. Bạn tùy tiện phê bình Kinh điển, lấy bộ kinh này đi phê bình bộ kinh kia, lấy bộ kinh kia đi phê bình bộ kinh này, là phỉ báng pháp. Người dựa theo Kinh luận này tu hành chứng quả, đây là Tăng. Bạn tùy tiện phê bình, phỉ báng Tam Bảo tạo tội nghiệp Vô Gián, là tạo cái tội này, đây đều là ngu muội vô tri, chúng ta phải biết.

  Các vị tổ sư đại đức, chúng ta xem thấy ở trong chú sớ của các Ngài có phê bình. Chúng ta có dám học hay không? Không dám học. Họ phê bình là có đối tượng, ứng cơ mà nói. Các bạn nghe qua công án của Tông Môn: Nam Tuyền chém mèo. Bạn có thể học không? Bạn có thể nhìn thấy mèo bèn giết nó, nhìn thấy chó cũng giết nó, bạn có dám làm hay không? Đơn Hà có thể đem tượng Phật bằng gỗ chẻ ra để nhóm lửa, bạn cũng có thể làm sao? Tại sao họ làm như vậy. Vì họ có người đương cơ, hành động này của họ, có thể khiến cho người đó khai ngộ làm Phật, cho nên họ không phạm tội. Nếu chúng ta đem tượng Phật chẻ ra để nhóm lửa, vậy chúng ta là phạm trọng tội làm cho thân Phật chảy máu. Họ không phạm, họ là người cấp bậc nào, chúng ta sao dám làm loại việc này được? Cho nên điều này là nhất định phải biết. Trước đây học Phật có thầy truyền thừa, tức là chúng ta học Phật đã có bảo đảm, là giống như trẻ sơ sinh vậy, trẻ con vài ba tuối có cha mẹ chăm sóc. Hiện nay học Phật không có người chăm sóc, trẻ con hai ba tuổi, tạo những sự việc này sống hay chết nó cũng không biết, gặp phải nguy hiểm có khi mất mạng, mà bản thân nó không biết. Hiện nay người học Phật chúng ta là giống như loại tình trạng này vậy. Bạn nói đáng sợ biết bao! Phật hiểu rõ tình trạng của chúng sanh thời kỳ Mạt Pháp, biết sự khổ nạn của chúng sanh thời Mạt Pháp, nên đã từ bi đến cực điểm, có sự gợi mở đặc biệt đối với chúng sanh thời Mạt Pháp. Trong “Kinh Đại Tập” dạy chúng ta: “Chúng sanh thời Mạt Pháp tu Tịnh Độ sẽ thành tựu”, đây là lời khai thị quan trọng. Chúng ta sinh vào thời đại Mạt Pháp. Chúng ta học Phật lựa chọn pháp môn nào? Phật nói là tu Tịnh Độ sẽ thành tựu, nên chúng ta chọn pháp môn Tịnh Độ, đây là vâng theo lời di giáo của đức Phật. Đức Phật lại có truyền dạy Tứ Y Pháp cho người đời sau, để cho chúng ta không đến nỗi đi sai đường. Nếu không có thiện hữu tri thức quan tâm, chúng ta tuân thủ theo Tứ Y Pháp, thì chắc chắn không bị đi sai đường.

  Điều thứ nhất là “Y pháp bất y nhân”. Pháp là kinh điển. Nhất định phải dùng Kinh Điển để làm căn cứ. Kinh là do Phật nói.

  Điều thứ hai dạy chúng ta: “Y nghĩa bất y ngữ”. Câu này vô cùng quan trọng. Tại sao vậy? Để tránh cho người đời sau tranh luận về Kinh Điển. Đức Phật biết Kinh Điển sẽ lưu thông toàn thế giới, nhất định phải dựa vào phiên dịch. Là cùng một bộ Kinh giống nhau, cùng một bản gốc tiếng Phạn như nhau, người phiên dịch khác nhau, ý nghĩa câu chữ bên trong đương nhiên sẽ có chỗ không nhất quán. Ví dụ chúng ta hiện nay nhìn thấy bản dịch của “Kinh Kim Cang”, ở trong “Đại Tạng Kinh” thì “Kinh Kim Cang” có 6 loại bản dịch khác nhau. Bản mà mọi người chúng ta hiện nay đọc đều là chọn bản của Ngài Cưu Ma La Thập. 6 loại bản dịch quý vị đối chiếu để xem, văn tự bên trong khác nhau, nhưng ý nghĩa đại thể giống nhau. Rốt cuộc chỗ nào dịch đúng, chỗ nào phiên dịch sai? Vậy chẳng phải lại phiền phức rồi sao! Cho nên Phật dạy chúng ta dựa theo nghĩa chứ đừng dựa theo lời nói, vậy mới được. Ý nghĩa đúng là được rồi. Nói nhiều một chút hay nói ít một chút cũng không sao. Phiên dịch dùng chữ này, dùng chữ kia cũng không có sao cả, chỉ cần đúng ý nghĩa là được rồi, tránh được rất nhiều tranh luận. Đặc biệt là “Kinh Vô Lượng Thọ”. “Kinh Vô Lượng Thọ” đến hiện nay có 9 bản dịch. 5 loại bản dịch gốc, ba loại bản Hội Tập, và một loại bản Tiết Hiệu của Bành Tế Thanh. Chúng ta hiểu được y nghĩa bất y ngữ, thì sẽ không còn tranh luận này nữa, không cần phải khăng khăng giữ một nhà nào cả. Bản thân chúng ta tu học thì có thể nắm chắc một bản, nhưng đối với những bản còn lại nhất định phải tôn trọng, nhất định không có phê bình. Chúng ta không có tư cách phê bình, không có năng lực phê bình. Cho nên Tứ Y Pháp này của đức Phật bạn thấy quan trọng biết bao!

  Thứ ba, đức Phật dạy chúng ta: “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa” (Theo cái đã rõ nghĩa, không theo cái không rõ nghĩa) Thế nào là liễu nghĩa? Đời này chắc chắn có thể thành Phật, đây là liễu nghĩa rốt ráo. Ở mức thấp nhất phải ở trong đời này thoát khỏi lục đạo luân hồi mới được xem là liễu nghĩa. Nếu như bạn tu học, bạn trong đời này không thể thoát khỏi tam giới, lục đạo, vẫn còn tạo lục đạo luân hồi, thì những gì bạn học là không liễu nghĩa. Bất kể tu tốt như thế nào, bạn không thể ra khỏi lục đạo luân hồi. Không thể ra khỏi lục đạo luân hồi, hay nói cách khác, bạn chắc chắn không thể tránh khỏi quả báo Tam Đồ, là đạo lý nhất định, cho nên là không có thành tựu. Nếu muốn thoát khỏi lục đạo luân hồi, Kinh Luận Đại Tiểu Thừa đều là cùng một đạo lý, phải đoạn kiến tư phiền não. Bạn có thể đoạn nổi không? Kiến tư phiền não suy cho cùng, một cái nguyên tắc chung đó là phá chấp ngã. Bạn đối với pháp thế gian và xuất thế gian vẫn còn chấp trước như vậy, được không? Không được. Điều này quý vị đều biết rõ. Phá chấp trước bạn liền ra khỏi Tam Giới. Lìa phân biệt bạn liền ra khỏi thập pháp giới. Đoạn sạch vọng tưởng rồi, bạn liền thành Phật cứu cánh viên mãn. Đạo lý lớn này đức Phật ở trong Kinh Điển Đại Thừa nói quá nhiều rồi. Đức Phật đã nói ra gốc bệnh của chúng ta là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Quý vị thử nghĩ xem, những thứ này chúng ta có hay không? Việc này là không thể không biết rõ. Nhất định phải dựa theo kinh liễu nghĩa. Hôm nay nói liễu nghĩa, không những liễu nghĩa, mà phải liễu nghĩa rốt ráo. Kinh Vãng Sanh, hiện nay tức là nói năm Kinh một luận của Tịnh Tông, gọi là Kinh Vãng Sanh, là liễu nghĩa cứu cánh. Sáu bộ Kinh Luận này, dùng bất kỳ một bộ nào cũng có thể thành công, đều có thể thoát khỏi Tam Giới, thoát khỏi thập pháp giới vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ, thật sự không thể nghĩ bàn. Nhưng bạn nương theo bất kỳ một bộ Kinh nào, cũng không được hoài nghi. Hiện nay có người nương theo “Kinh Vô Lượng Thọ” thì hoài nghi Bản Hội Tập của Hạ Liên Cư. Nếu họ thật thà niệm Phật có thể vãng sanh hay không? Có thể vãng sanh, sanh về Biên Địa Nghi Thành. Trong kinh này nói, bạn phải niệm thật, thật sự tin có Phật A-Di-Đà, thật sự tin Tịnh Độ. Bạn có hoài nghi đối với bản Hội Tập của Kinh này, thì sẽ sinh về Biên Địa Nghi Thành. Cho nên tại sao chúng ta làm cái việc này? Bạn có nghi đối với bản này, vậy bạn không dựa vào nó là được rồi. Ở trong chín loại bản này, bạn dựa theo một bản khác, cũng được. Thậm chí là nói không dựa theo bản “Kinh Vô Lượng Thọ” này, bạn dựa theo “Kinh A-Di-Đà” cũng được. Nhiều bản Kinh như vậy, bạn dựa theo bất kỳ một bản nào cũng có thể vãng sanh. Nhưng đối với những bản khác, tuyệt đối không hoài nghi, để tránh đọa về Biên Địa Nghi Thành, vậy là có lợi ích lớn đối với mình. Nhưng người thông minh, người có trí tuệ, người có phước báo, trong tâm họ biết rõ. Pháp môn niệm Phật của Tịnh Tông này, trong những năm gần đây, tại sao có thể phổ biến hoằng dương đến toàn thế giới, nhiều người sinh khởi tín tâm phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ như vậy, là do nhân duyên nào thúc đẩy? Là do bản Hội Tập của Lão cư sĩ Hạ thúc đẩy, đây là sự thật. Nếu như chúng ta hiểu rõ sự thật này, nếu bạn muốn phỉ báng bản Hội Tập này, là bạn tạo tội nghiệp, chắc chắn là địa ngục A Tỳ. Bạn có thể trốn nổi không? Bạn niệm Phật có thể vãng sanh không? Là không thể. Tại sao không thể vậy? Tập khí nghiệp chướng quá nặng. Tuy niệm A-Di-Đà Phật, mà vọng tưởng, phân biệt, chấp trước không có đoạn được một mảy may nào, vẫn phạm lỗi lầm nghiêm trọng phỉ báng Tam Bảo. Trước tiên đọa địa ngục, sau khi thọ xong tội báo địa ngục ra, có lẽ sau đó gặp được duyên, ở trong a-lại-da thức vẫn còn hạt giống A-Di-Đà Phật, tiếp tục làm tiếp. Sự việc này nói ra cũng không có gì lạ, trong đời quá khứ chúng ta cũng đã từng làm, chúng ta cũng đã đọa qua địa ngục rồi, từng thọ qua tai nạn vô lượng kiếp, tội đó thọ xong rồi, đời này mới được thân người, gặp được pháp môn này. Suy nghĩ thấy trước đây làm cái việc khờ dại này, phải bị những nỗi khổ đó, nghĩ lại còn rùng mình. Hiện nay chúng ta quay đầu rồi, chúng ta hiểu rõ rồi, không làm việc khờ dại nữa. Cho nên ngay hiện tiền bất kể người phỉ báng ta, người làm nhục ta, người hãm hại ta, thậm chí là người giết hại ta, ta đều chắp tay tán thán, mang ơn đội nghĩa, không có một chút xíu tâm oán hận. Tại sao vậy? Bởi vì ta biết, thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi những người thượng thiện tụ tập về. Ta phải tu tập cho mình thành tiêu chuẩn thượng thiện, thì mới có thể về thế giới Tây Phương Cực Lạc được đại chúng hoan nghênh, không có một mảy may ác ý nào. Đối với tất cả người, tất cả sự, tất cả vật chỉ có một lòng mang ơn đội nghĩa. Bạn muốn hỏi những người hãm hại bạn này, thậm chí là người giết hại bạn, họ có ơn đức gì đối với bạn mà bạn phải cảm ơn họ, phải báo đáp họ? Có ơn đức đấy. Sự phỉ báng, làm nhục, hãm hại của họ, là giống như người thầy đến kiểm tra bạn vậy. Cửa này ta thông qua rồi, họ đến kiểm tra, cửa này của ta thông qua rồi. Sao lại không có ơn đức được? Không có bài kiểm tra này, ta vẫn không biết công phu của mình đến giai đoạn nào? Không biết. Nếu họ giết ta đi, ta càng phải cảm ơn họ hơn nữa. Tại sao vậy? Về thế giới Cực lạc sớm hơn một chút, họ giúp đưa mình đi rồi. Thế gian này quá khổ rồi, trí tuệ phước báo của bạn rất lớn rồi, không nên ở đây thọ khổ nữa, mau mau đi thôi! Thế sao không có ơn đức được? Chết sớm, vãng sanh sớm, chết sớm hưởng phước sớm, ơn đức đó quá lớn rồi. Tội phước, thiện ác chỉ trong khoảng một niệm. Cho nên một niệm giác đi tu phước, thì có nơi nào không phải là nơi tu phước đâu? Có lúc nào không phải là lúc tu phước đâu? Có việc nào không phải là việc tu phước đâu? Vấn đề là bạn có giác ngộ hay không thôi? Cho nên chư Phật, Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác đối với tất cả chúng sanh chỉ có một tâm cảm ơn. Đại Bồ-tát đăng địa lúc nào cũng biết ơn báo ơn, tư tưởng quan niệm quả thật là khác với phàm phu chúng ta. Ngoài tội ngũ nghịch trong Kinh nói ra, trong “Kinh Thập Luân” nói, trong kinh này cũng nói. Phật còn nói với Tăng Hộ, Ngài nói có 9 loại người, thường xuyên đọa lạc vào trong đại địa ngục A Tỳ. Lại tăng thêm bốn điều so với ngũ nghịch này.

  Thêm bốn điều, điều thứ nhất là thực tăng vật, là ăn thức ăn của người xuất gia. Chúng ta nghe thấy quá sợ hãi rồi! Rất nhiều cư sĩ tại gia, đến đạo tràng để ăn thức ăn của người xuất gia, vậy thì làm thế nào? May mà Tịnh Tông Học Hội và Cư Sĩ Lâm đều là đạo tràng của người tại gia. Người xuất gia chúng tôi đến ăn đồ ăn của người tại gia, không phải người tại gia đến ăn thức ăn của người xuất gia. Chúng ta ở đạo tràng này, là người xuất gia đến ăn đồ của người tại gia. Đây là nói thập phương thường trụ. Cách ăn như thế nào vậy? Ăn với tâm trộm cắp, ăn với tâm tham, vậy là có tội rồi. Bạn vào trong chùa chiền, người trụ trì trong chùa chiền mời bạn ăn, vậy thì không có tội lỗi. Đây là quý vị đều biết, trước đây ở trong tùng lâm tự viện, người cư sĩ đến xin tu gieo duyên rất nhiều. Nếu quý vị ở Trung Quốc đại lục thấy tùng lâm tự viện lớn, nó phân ra nội viện và ngoại viện. Nội viện là dành cho người xuất gia ở, ngoại viện là dành cho cư sĩ ở. Bởi vì chế độ xã hội vào thời xưa với hiện nay khác nhau, là thời đại nông nghiệp. Trong xã hội nông nghiệp, thời gian nhàn rỗi dài. Lúc họ không phải ở trong thời gian canh tác, thì mọi người đều nhàn rỗi. Lúc nhàn rỗi, có rất nhiều người vào trong tự viện để xin tu gieo duyên, trú lại đến mấy tháng. Đến tự viện để làm gì vậy? Nghe kinh, niệm Phật, tham thiền, cho nên họ vào trong tự viện. Vào trong tự viện xin ở lại, là xin ở lại sống trong đó. Ở trong tự viện cũng phân chia công việc cho bạn làm giống như người xuất gia, vậy cái ăn này là không có vấn đề gì cả, đây không phải là ăn không ngồi rồi, là có phân chia công việc cho bạn làm. Thông thường người có học được phân chia công việc phần lớn là chép Kinh. Trước đây chưa có kỹ thuật in ấn, chỉ có chép. Người có học bạn đến đây là rất được hoan nghênh, bạn chép Kinh thay tôi, sao chép bản Kinh. Ở trong lầu tàng kinh Kinh Tạng rất phong phú. Vốn dĩ chỉ có một bộ kinh, bạn có thể viết thêm một bộ thì nó sẽ có thêm một bộ nữa, chép thêm hai bộ thì nó sẽ có thêm hai bộ nữa. Cho nên thông thường người có học vào trong chùa chiền làm việc nhất định là mời họ chép Kinh. Nếu không phải chép Kinh thì sắp xếp cho vào những công việc tương đối lao lực một chút, như những việc quét dọn môi trường, giúp việc trong nhà bếp hay giã gạo chẻ củi… Bởi vì trước đây chúng ở trong tự viện đông, đời sống cũng khó khăn, trong nhà bếp hay dùng củi để nấu, nấu củi thì phải có người đi chặt củi. Chặt củi về còn phải chẻ củi, đều là công việc rất nặng nhọc. Gạo đều phải giã, từ hạt lúa giã ra thành gạo lứt, từ gạo lứt phải giã thành gạo, giã gạo, sau đó giã cho trắng sạch, đều cần đến nhân công. Cho nên khi xin ở trong tự viện, phần lớn phải làm thêm những công việc này. Cho nên vào trong tự viện để ở, thật sự là phước huệ song tu, thế thì không có vấn đề gì. Nếu như bạn vào trong tự viện là ăn không ngồi rồi, thì tội lỗi này là rất nặng. Nên thực Tăng vật phải giảng cho rõ ràng, không giảng rõ ràng thì mọi người sẽ sợ, không dám đến tự viện.

  Thứ hai là Phật vật. Là tùy tiện dùng những phẩm vật cúng Phật này, cái tội này là rất nặng. Cho nên tất cả phẩm vật là cúng Phật Tăng trước, sau đó bản thân chúng ta mới được thọ dụng.

  Thứ ba là giết cha, thứ tư là giết mẹ, thứ năm là giết A-la-hán, thứ sáu phá hòa hợp Tăng, đây là có trong tội ngũ nghịch. Thứ bảy là phá Tỳ Kheo tịnh giới. Xúi giục, sai khiến Tỳ Kheo phạm giới, đây là tội đọa địa ngục A Tỳ. Thứ tám là phạm tịnh hạnh ni. Là Tỳ Kheo ni, Tỳ Kheo ni thanh tịnh, bạn xâm phạm họ sẽ bị đọa địa ngục A Tỳ. Thứ chín là làm Nhất Xiển Đề, Nhất Xiển Đề là tiếng Phạn, dịch qua ý nghĩa của tiếng Trung Quốc là người không có thiện căn. Tức là chúng ta thông thường nói trong tâm tràn đầy tà ác, niệm niệm đều là tương ưng với tà tri tà kiến và mười nghiệp ác, người như vậy chính là Nhất Xiển Đề. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm không có gì không phải tà ác, cho nên nói họ không có thiện căn. Phật nói chín loại người này thường xuyên ở địa ngục. Sau khi ở địa ngục ra, quý vị phải biết, họ vẫn còn tập khí ác. Mặc dù đời trước tu có phước báo được thân người, nhưng tập khí này vẫn còn, dường như họ không làm ác họ sẽ thấy rất khó chịu, họ không thể sống nổi vậy, đây là tâm ác, ý ác, lời nói ác, hành vi ác đã thành thói quen rồi, đây là vô cùng vô cùng đáng sợ. Cho nên thời gian đến cõi nhân thiên không dài, họ lại tạo tội nghiệp rồi. Sau khi mất thân người họ lại quay về địa ngục. Kinh này nói rất tường tận về sự việc này, làm nhọc Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Địa Tạng là thật sự từ bi. Trong “Kinh Chánh Pháp Niệm” nói, nỗi khổ trong địa ngục A Tỳ, khổ hơn gấp ngàn lần trong mười địa ngục lớn. Trong Kinh chúng ta thường nói đến tám địa ngục nóng, tám địa ngục lạnh, mười tám tầng địa ngục. Nỗi khổ trong địa ngục A Tỳ và địa ngục Vô Gián còn khổ hơn gấp ngàn lần so với họ. Người tuổi thọ ngắn thì một kiếp. Một kiếp này xin thưa với quý vị, là đại kiếp chứ không phải tiểu kiếp. Tạo tác nghiệp nhân địa ngục rất dễ dàng, nhưng sau khi đọa lạc vào địa ngục muốn ra thì quá khó quá khó. Cho nên nghiệp nhân quả báo này chúng ta phải biết rõ, phải rõ ràng, phải nhớ kỹ, loại sự việc này dứt khoát không được làm, tuyệt đối không được tham một chút lợi nhỏ trước mắt, mà tạo tác tội ác nặng như vậy. Đọc “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” để đề cao cảnh giác của mình, cảnh giác cao độ. Cho nên kinh này quả thật sự mà nói, phải thường xuyên đọc, chúng ta nên đọc nó như là đọc Giới Kinh vậy. Giới Kinh nửa tháng tụng giới, mỗi nửa tháng phải đọc một lần. Căn tánh của người hiện nay khác với trước đây, nửa tháng đã không còn hiệu quả nữa, bữa đực bữa cái. Cho nên tôi yêu cầu đồng tu niệm Phật, sau thời khóa tối mỗi ngày, đem “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”, “Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn” đọc một lần, đem nó xếp vào trong thời khóa tối. Hai quyển sách này văn tự cũng không dài, hai quyển hợp chung lại có lẽ chỉ có hai ngàn chữ, không dài lắm, xem nó như là Giới Luật để đọc, hằng ngày nhắc nhở mình, từng giây từng phút soi lại, thì mới có thể giữ được thân người không bị đọa lạc ác đạo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *