KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 91
Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang 65. Mời xem kinh văn:
“Sanh nhân thiên trung, thọ thắng diệu lạc. Thị nhân quyến thuộc như hữu phước lực, dĩ sanh nhân thiên, thọ thắng diệu lạc giả, tức thừa tư công đức chuyển tăng thánh nhân, thọ vô lượng lạc.”
(Được sanh lên cõi trời cõi người hưởng quả vui thù thắng vi diệu. Còn như quyến thuộc đã sớm khuất của người đó có phước lành, đã được sanh lên cõi trời cõi người hưởng thọ quả vui thù thắng vi diệu rồi, thời nhờ công đức này càng thêm lớn nghiệp nhơn về bực Thánh, hưởng vô lượng quả vui.)
Trong chú giải vừa mở đầu bèn nói: “Dĩ sanh thiện đạo, tăng ích công huân, vị thoát khổ luân, tảo sanh Tịnh Độ.” (Đã sanh vào cõi thiện, tăng thêm công lao, chưa thoát nỗi khổ luân hồi, sớm sanh về cõi Tịnh Độ.) Giống như ý nghĩa của đoạn kinh văn này. Điều này là nói rõ, nếu như người thân quyến thuộc trong lúc còn sống có hành thiện tu phước, thì đời sau vẫn có thể được thân người. Nếu như lực phước đức của thiện hạnh rất lớn, thì họ có thể sanh về cõi trời để hưởng phước. Quyến thuộc cúng dường hình tượng Bồ Tát Địa Tạng cho họ, dựa theo phương pháp trong kinh điển chỉ dạy mà tu học, để siêu độ họ, vun bồi phước cho họ. Họ thành tựu được công đức như thế này, trong kinh nói rất rõ ràng. “Thị nhân quyến thuộc, như hữu phước lực.” (Còn như quyến thuộc đã sớm khuất của người đó có phước lành.) Dựa theo phương pháp này tu học là tu phước, loại tu học này họ có được lợi ích hay không? Có thể được lợi ích. Khiến cho phước đức của họ tăng trưởng thêm, mở rộng thêm. Chỗ này nói: “Thừa tư công đức, chuyển tăng thánh nhân.” (Thời nhờ công đức này càng thêm lớn nghiệp nhơn về bực Thánh.) “Thánh nhân” (Nghiệp nhân về bậc thánh) là cơ duyên của Phật pháp. Lúc họ đang thọ phước báo cõi trời người, có duyên gặp được Phật pháp. Đương nhiên loại tình trạng này chúng ta có thể tưởng tượng được, là nhờ oai thần Bồ Tát Địa Tạng gia trì, khiến cho họ có thể tiếp nhận được Phật pháp, tín ngưỡng Phật pháp, hiểu được Phật pháp, y giáo tu hành, vậy thì họ được quả báo sẽ thù thắng. “Thọ vô lượng lạc” (Hưởng vô lượng quả vui.) “Vô lượng lạc” là một tiêu chuẩn. Đến khi nào mới thật sự được vô lượng quả vui? Tóm lại quay về pháp môn Tịnh Độ mới thật sự được vô lượng quả vui. Hơn nữa ở trong thời gian rất ngắn là có thể đạt được. Cổ đức thường nói: “Thành tựu Phật pháp ngay trong đời” chứ không cần đợi đến đời thứ hai. Từ đó cho thấy, pháp môn này thật sự là giống như lời Đại Sư Thiện Đạo nói. Đích thân Ngài nói cho chúng ta biết: “Vãng sanh cửu phẩm, tóm lại do gặp duyên khác nhau.” Từ ý nghĩa trong câu nói này của Ngài chúng ta cũng có thể hiểu được, sau khi con người chết đi, họ đầu thai vào cõi nào cũng là do gặp duyên khác nhau. Quý vị thử nghĩ có đúng không? Chúng ta ở trong đời này nếu như gặp phải duyên ác, môi trường nhân sự, môi trường vật chất đều không tốt, trong tâm thấy bực bội, thường hay khởi lên tham, sân, si, mạn, vậy liền rơi vào ba ác đạo rồi. Tại sao vào ba ác đạo? Gặp duyên khác nhau. Nếu như trong đời này gặp được thiện tri thức, gia đình tốt, trường học tốt, thầy cô tốt, bạn bè tốt, bạn nhất định là tâm thiện. Tâm thiện, hạnh thiện thì bạn nhất định về ba đường thiện. Có thể thấy mối quan hệ của duyên là rất quan trọng. Trong Phật pháp nói duyên, người thế gian hiện nay gọi là cơ hội, tuy ngôn từ khác nhau, nhưng ý nghĩa không có khác. Cho nên chúng ta đọc thấy trong sách cổ: “Mẹ Mạnh Tử ba lần dời nhà” là có đạo lý. Mẹ của Mạnh Tử đã ba lần dời nhà. Quý vị phải biết, hiện nay dời nhà là chuyện rất bình thường, nhất là ở nước ngoài, dân tộc du mục thường hay dời nhà. Thời xưa ở Trung Quốc không dễ gì mà dời nhà, họ sống ở nơi này bao nhiêu đời cũng ở nơi này. Là quê hương, đâu có chuyện thường hay dời nhà? Tại sao mẹ của Mạnh Tử phải dời nhà ba lần? Đều là vì con cái, vì môi trường sống của con cái. Ở nơi này duyên không tốt liền nhanh chóng dời đi, chọn những nơi hàng xóm, láng giềng này đều là người thiện, đều là người tốt, để cho con trẻ sống ở trong môi trường này, từ nhỏ nó đã có sự huân tập lương thiện. Sở dĩ Mạnh Tử có thể trở thành thánh nhân là nhờ vào công mẹ dạy, người mẹ chăm sóc tốt. Hiện nay chúng ta nhìn thấy rất nhiều gia đình, họ thường nói là con cái hay trái ý, con cái không nghe dạy bảo, là nguyên nhân gì? Do những bạn bè mà nó tiếp xúc, môi trường sống của nó không lành mạnh, nhân tố này là rất lớn. Chúng ta học Phật, nếu muốn thành tựu ngay trong đời này, chúng ta cần chọn một môi trường tốt để học Phật. Đây chính là tại sao những năm gần đây chúng tôi thường hay nghĩ đến việc xây dựng làng Di Đà, xây dựng niệm Phật đường? Chẳng qua là muốn tạo nên một môi trường tốt để tu hành. Thế giới Tây Phương Cực Lạc mọi người biết, tại sao thành tựu nhanh chóng như vậy? Môi trường tu học tốt. Cõi nước chư Phật mười phương đều không thể sánh bằng thế giới Tây Phương. Thế giới Tây Phương là nơi các bậc thượng thiện tập trung về. Bạn nói môi trường này tốt biết bao? Đại đức xưa giải thích cho chúng ta biết chữ “thượng thiện”. Thượng thiện là chỉ những người nào vậy? Là Bồ Tát Đẳng Giác. Bồ Tát Thập Địa rất thiện rồi, nhưng vẫn còn trên nữa. Cho nên mới quy định thượng thiện là đẳng giác. Từ đó cho thấy, Bồ Tát thế giới Tây Phương đều là Bồ Tát đẳng giác. Bạn tu học ở trong môi trường này, làm sao bạn không thành Phật được? Đây là điểm mà cõi nước chư Phật mười phương đều không thể sánh bằng nơi đó được, đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta lựa chọn môi trường tu học, tại sao lựa chọn thế giới Cực Lạc? Tại sao chư Phật Như Lai khuyên chúng ta nên chọn thế giới Cực Lạc? Đạo lý là ở chỗ này. Tuy môi trường tu học của cõi nước mười phương là tốt, nhưng đâu thể tìm được nhiều Bồ Tát đẳng giác cùng ở chung với nhau như vậy được? Không thể tìm ra. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều có, vả lại tu học thành tựu có thứ lớp, vẫn phải từ thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, dần dần nâng lên cao. Nhưng thế giới Tây Phương cho dù vãng sanh hạ hạ phẩm, sanh về nơi đó “Đều làm Bồ Tát A Duy Việt Trí.” Đây là lời của đức Phật A Di Đà nói ở trong nguyện thứ bốn mươi tám. Câu này là công đức bổn nguyện của đức Di Đà, nguyện của Ngài đều thành hiện thực, cho nên Ngài thành Phật. Sinh về thế giới Tây Phương liền làm Bồ Tát A Duy Việt Trí, đây là pháp khó tin. Ai có thể tin được? Đây là lời đức Phật nói. Đức Phật không thể có lời vọng ngữ được, lời đức Phật nói chắc chắn là chân thật, chúng ta cần phải tin sâu không nghi, cho nên chúng ta cần lựa chọn môi trường tu học. Tuy câu này không có nói rõ, nhưng ý nghĩa “Càng thêm lớn nghiệp nhơn về bậc Thánh, hưởng vô lượng quả vui) đã hàm chứa ở trong đó rồi. Xem tiếp kinh văn dưới đây:
“Thị nhân cánh năng tam thất nhật trung, nhất tâm chiêm lễ Địa Tạng hình tượng, niệm kỳ danh tự mãn ư vạn biến, đương đắc Bồ Tát hiện vô biên thân, cụ cáo thị nhân quyến thuộc sanh giới.”
(Như người đó lại có thể trong hai mươi mốt ngày, chuyên lòng chiêm lễ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát và niệm lấy danh hiệu của Ngài đủ số một muôn biến, sẽ đặng Địa-Tạng Bồ Tát hiện vô biên thân, mách cho người đó rõ nơi cõi của hàng thân quyến sớm khuất kia đã sanh về.)
Phía trước là nói kỳ hạn tu hành là một ngày cho đến bảy ngày, không thối thất tâm ban đầu. Ở đây tiến thêm một bước nữa là: “Cánh năng tam thất nhật trung” (Lại có thể trong hai mươi mốt ngày). Tu hành mấu chốt quan trọng nhất là ở chỗ “Nhất tâm”, hai chữ này rất quan trọng. Nếu như là tâm loạn động, tâm xen tạp, thì sẽ không có hiệu quả, chỉ có thể được một chút phước báo. Cho nên trong kinh nói, nhất tâm, nhất lễ, nhất chiêm, kiểu chữ này rất nhiều. Ở đây nói rõ ràng hơn so với phần trước: “Nhất tâm chiêm lễ Địa Tạng hình tượng, niệm kỳ danh tự mãn ư vạn biến.” (Chuyên lòng chiêm lễ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát và niệm lấy danh hiệu của Ngài đủ số một muôn biến.) Chữ “vạn” ở đây không phải là con số, là biểu thị cho ý nghĩa viên mãn. Viên mãn là trong tam thất, là hai mươi mốt ngày bạn phải niệm hết sức. Nói thực ra niệm cũng không phải ở niệm bao nhiêu danh hiệu. Quan trọng là niệm cho tương ưng, điều này quan trọng. Niệm nhiều đi nữa nếu không tương ưng, đó chính là lời người xưa nói: “Gào rát cổ họng cũng uổng công.” Cho nên quan trọng nhất là phải tương ưng. “Một niệm tương ưng thì Phật một niệm. Niệm nào cũng tương ưng thì niệm nào cũng là Phật.” Mấu chốt là ở chỗ tương ưng này. Thế nào gọi là tương ưng? Khi niệm Bồ Tát Địa Tạng, thì tâm là tâm của Bồ Tát Địa Tạng. Tâm của Bồ Tát Địa Tạng là tâm gì? Độ thoát tất cả chúng sanh khổ nạn trong pháp giới, đây là tâm Địa Tạng. Hiếu kính với tất cả chúng sanh trong pháp giới, đây là tâm Địa Tạng. Tâm của chúng ta tương ưng với tâm Bồ Tát Địa Tạng. Hạnh phải tương ưng. Hạnh là hành vi. Thật sự là dâng hiến thân tâm này, vì tất cả chúng sanh phục vụ, làm tăng thượng duyên được độ cho tất cả chúng sanh, đây là hạnh. Mọi lúc mọi nơi hết lòng hết sức khuyến hóa tất cả chúng sanh, giúp tất cả chúng sanh hiểu rõ tình trạng của mười pháp giới, đặc biệt là trong lục đạo. Chúng ta phải giảng cho họ nghe, để họ hiểu rõ tình trạng trong lục đạo, mà biết lấy bỏ. Không những phải giảng cho họ nghe, mà còn làm nên tấm gương cho họ thấy, giúp họ giác ngộ. Nếu như bạn chỉ có thể giảng mà không làm được, người khác nghe xong không thể tin được. Bạn phải làm được, mọi người thấy rồi liền có thể tiếp nhận, có thể tin, có thể học tập. Vậy là hạnh tương ưng. Tâm hạnh tương ưng như vậy gọi là niệm. Nhất tâm xưng niệm, cùng với chư Phật Bồ Tát không có niệm thứ hai, chỉ có giúp đỡ chúng sanh, đây là điểm chúng ta cần phải học tập. Nhất tâm, là chân thành đến cực điểm. Lời cổ nhân nói là: “Thành tắc linh”. Linh là cảm ứng. Chân thành đến cực điểm thì cảm ứng sẽ đặc biệt rõ ràng, là có thể cảm ứng được Bồ Tát Địa Tạng hiện thân. Ngài sẽ nói cho bạn biết người thân quyến thuộc của bạn hiện nay đang ở nơi nào. Chẳng phải là bạn rất quan tâm sao? Vì quan tâm muốn biết người thân quyến thuộc ở nơi nào, bạn mới nghiêm túc nhất tâm tu học pháp môn này. Bồ Tát sẽ không cô phụ bạn, sẽ hiện thân thuyết pháp cho bạn. Nhất tâm, trong chú giải cũng nói sự nhất tâm và lý nhất tâm. Bạn có thể chuyên tâm lễ bái, lễ bái hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, chuyên tâm niệm thánh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, đây là sự nhất tâm. Cũng chính là chúng ta thường gọi là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, đây là sự nhất tâm. Dưới đây nói:
“Khế nhập như hư không vô biên.” Đây là lý nhất tâm. Ý nghĩa này chính là nói, tương ưng với chân như tự tánh chính là lý nhất tâm. Hoặc giả nói tương ưng với nhất chân là lý nhất tâm. Nhất chân chính là pháp giới, nhất chân chính là chân như, nhất chân chính là tự tánh. Tâm tánh rộng lớn như hư không, không có bờ mé. Vào cảnh giới này vậy là thoát khỏi thập pháp giới. Thập pháp giới là có bờ mé, là có phạm vi. Cho nên thoát khỏi thập pháp giới, đây là lý nhất tâm. Cảnh giới này rất khó hiểu, rất khó đạt đến. Trong những kinh thông thường đức Phật nói, chúng ta tương đối dễ nhận ra, phải niệm đến khi phiền não dứt hết. Phá phiền não chướng rồi, sở tri chướng cũng phá rồi, đây là lý nhất tâm. Phiền não chướng rất rộng, kiến tư phiền não, trần sa phiền não. Trần sa, vô minh là thuộc về sở tri chướng. Kiến tư là phiền não chướng. Quý vị đều biết rất rõ, chúng ta có năng lực đoạn hết hay không? Khởi tâm động niệm vẫn còn nhân ngã thị phi, là chúng ta bị phiền não trói buộc, không có năng lực trừ chướng. Nhưng chư Phật Bồ Tát, tổ sư đại đức đều nói cho chúng ta biết, phiền não là hư vọng, không phải chân thật. Đã là hư vọng thì chắc chắn có thể đoạn trừ. Tự tánh, chân tâm là cái vốn có. Đã là vốn có thì chắc chắn có thể chứng được. Làm sao có thể tiêu trừ phiền não, chứng được chân như, đều ở trong khoảng một niệm. Trong khoảng một niệm này, nhất định phải tự người đó thực hiện công phu, chứ không ai có thể giúp được. Sở dĩ Phật tổ các Ngài có thể giúp đỡ chúng ta, chỉ là đem những chân tướng sự thật này nói rõ ràng, nói minh bạch, đem những kinh nghiệm, phương pháp đoạn phiền não chứng nhập tự tánh đó của bản thân họ cung cấp cho chúng ta làm tham khảo, họ chỉ có thể làm đến đây thôi, còn những việc khác thì không thể giúp được. Đạo lý này chúng ta nhất định phải biết. Đây là nói lời chân thật với bạn. Người thật sự giúp được mình vẫn phải dựa vào chính mình. Nghĩa là tự mình ngộ, tự mình tu, tự mình chứng, chứ không có bảo bạn dựa vào người khác. Chúng ta nghe Phật Bồ Tát, nghe tổ sư đại đức giảng kinh thuyết pháp, tự mình giác ngộ rồi. Sau khi giác ngộ rồi, tự mình chịu tu. Tu cái gì? Điều chỉnh tất cả sai lầm. Trước đây chúng ta đối với người, với sự, với vật, chúng ta nghĩ sai rồi, thấy sai rồi, chúng ta nói sai, làm sai, mới khiến tạo nghiệp. Sai lầm chính là tạo nghiệp, mới chiêu cảm nên khổ báo trong tam đồ, lục đạo, đây là phàm phu. Gọi là tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi, việc chúng ta làm là việc này. Trong đời này chúng ta gặp được duyên thù thắng, hy hữu khó gặp. Thật sự sáng tỏ rồi mới sinh khởi tâm cảm ơn, biết ơn báo ơn. Ân đức của Phật pháp đối với chúng ta quá lớn quá lớn. Nếu như đời này không gặp được thì làm sao bạn có thể có cơ hội thoát khỏi luân hồi? Không có cơ hội, chắc chắn vẫn là tạo nghiệp. Cho nên có duyên gặp được liền tỉnh ngộ trở lại. Sau khi tỉnh ngộ trở lại phải thật sự tu. Tu cái gì? Nhất định không tạo nghiệp nữa. Không những không tạo ác nghiệp, nói thêm với quý vị là nghiệp thiện cũng không tạo. Nói như vậy mọi người phải hiểu. Nếu như nói là thật sự nghiệp thiện cũng không tạo, vậy đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh thuyết pháp có phải là nghiệp thiện không? Độ chúng sanh có phải là việc tốt không? Việc tốt không tạo, vậy thì Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Bát Niết Bàn rồi, không cần giảng kinh thuyết pháp nữa. Phật Bồ Tát vẫn cứ thị hiện những việc đoạn ác tu thiện như thường để cho người ta thấy. Các Ngài là hai bên thiện ác đều không tạo. Không tạo ác thì chúng ta dễ hiểu. Không tạo thiện là sao? Các Ngài tu tất cả thiện pháp mà hoàn toàn không có ý mong cầu quả thiện, như vậy gọi là không tạo thiện, tuyệt đối không mong cầu quả thiện. Người thế gian gieo nhân thiện muốn được quả thiện. Tại sao họ tu thiện? Bởi vì được quả thiện, họ mới chịu tu thiện. Phật Bồ Tát thật sự giác ngộ rồi, nên không cầu quả thiện, đó gọi là không cho là ác, không cho là thiện, hai đầu thiện ác đều đoạn dứt rồi, người này gọi là người tu hành đích thực. Bạn quan sát tỉ mỉ thấy họ thật sự vô cùng tự tại. Chỉ có đoạn dứt hai đầu thiện ác rồi mới được tự tại. Vẫn còn ý mong cầu quả thiện thì họ không được tự tại. Quả báo của họ ở cõi trời người. Cõi trời người có quả thiện, họ không thể ra khỏi tam giới, không thể ra khỏi thập pháp giới được, là bởi vì cái ý nghĩ mong cầu quả báo này chưa có dứt. Đây là điểm chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Nếu như chúng ta cắt đứt ý nghĩ quả báo phước thiện cõi trời người này, thì bạn chắc chắn sẽ thoát khỏi tam giới, bạn mới có thể thoát khỏi thập pháp giới. Nếu như ở trong đời sống thường ngày có thể công phu được như vậy thì không những là nhất định vãng sanh, hơn nữa chắc chắn vãng sanh về cõi Thực Báo, chứ không ở cõi Đồng Cư, cũng không về cõi Phương Tiện. Bạn thấy bao nhiêu người niệm Phật cầu vãng sanh, mong cầu về thế giới Tây Phương Cực Lạc, mong cầu gặp đức Phật A Di Đà, họ có cái tâm này. Chúng ta thường hay nói đới nghiệp vãng sanh, sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc là sanh về cõi Đồng Cư, cõi Phương Tiện. Nhưng cõi Đồng Cư và Phương Tiện ở Tây Phương khác với thế giới mười phương, cõi đó ngang với cõi Thực Báo. Đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Cho nên đây là pháp mà chư Phật gọi là pháp khó tin. Chúng ta hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật ở trong đó thì nhất định phải mong cầu tương ưng. Tương ưng như thế nào? Bạn hãy tự mình tư duy, thì bạn chắc chắn có thể nhận ra được. Một niệm tương ưng thì Phật một niệm. Cho nên ở trên sự tướng mỗi ngày có cần phải lễ bái Bồ Tát Địa Tạng không? Cần, rất cần thiết. Có cần xưng niệm không? Cần. Chúng ta chuyên tu Tịnh Tông, mỗi ngày lễ bái Phật A Di Đà, xưng niệm Phật A Di Đà là tốt. Nếu như chúng ta kính ngưỡng Bồ Tát Địa Tạng, thì có thể thỉnh một bức hình tượng Bồ Tát Địa Tạng thờ bên cạnh đức Phật A Di Đà. Chúng ta xưng niệm Phật A Di Đà là bao gồm cả Bồ Tát Địa Tạng ở trong đó, chúng ta lễ bái Phật A Di Đà là cũng bao gồm cả Bồ Tát Địa Tạng ở trong đó, như vậy sẽ dễ đạt đến nhất tâm. Ta không cần phải niệm bao nhiêu danh hiệu Phật A Di Đà, sau đó lại niệm bao nhiêu danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, lại đi niệm bao nhiêu danh hiệu Bồ Tát Quan Âm, vậy là phân tâm rồi. Cho nên Tây Phương Tam Thánh đều thờ chung với nhau. Niệm một câu A Di Đà Phật là đủ hết tất cả rồi, như vậy sẽ tương đối dễ nhiếp tâm. Đoạn này là nói nhớ nghĩ người thân quyến thuộc trước đây, thậm chí là chưa hề gặp mặt bao giờ, hoặc giả lúc nhỏ có gặp mặt, nhưng sau khi lớn lên thì dần dần quên mất. Thường hay nhớ nghĩ người thân quyến thuộc đang ở đâu, dùng loại phương pháp tu học này, thì Bồ Tát sẽ nói cho bạn biết. Trong cảm ứng sẽ nói cho bạn biết, người thân quyến thuộc của bạn hiện nay sanh về cõi nào? “Sanh giới” chính là cõi nào. Xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây:
“Hoặc ư mộng trung, Bồ Tát hiện đại thần lực thân lãnh thị nhân, ư chư thế giới kiến chư quyến thuộc.”
(Hoặc trong giấc mộng, Địa-Tạng Bồ Tát hiện sức thần thông lớn, tự dắt người đó đến các thế giới thấy hàng quyến thuộc)
Cái này là cảm ứng rất rõ ràng. Hoặc giả ở trong mộng bạn thấy Bồ Tát, Bồ Tát dắt bạn đi du lịch đến thế giới phương khác, bạn sẽ nhìn thấy người thân quyến thuộc trước đây của bạn. Đoạn chú giải này chúng ta hãy đọc qua một chút. “Thượng thị hiển cơ hiển ứng. Cố ư xưng lễ chi tế hiện thân cáo tri kỳ giới.” (Trên đây hiển thị cảm ứng rõ ràng, nhờ xưng niệm lễ bái nên Bồ Tát hiện thân cho biết họ sanh về cõi nào) Đây là chỉ đoạn phía trước, là tổng kết đoạn phía trước. Hiển cảm hiển ứng rất rõ ràng. Giống như cô Bà La Môn ở phía trước vậy, là vô cùng rõ ràng. Tuy đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương không có hiện hình, nhưng có âm thanh nói cho cô biết mẹ cô ở cõi nào? Đây là rất rõ ràng. “Quyến thuộc minh cơ minh ứng. Cố ư mộng trung tương cáo.” (Quyến thuộc cảm ứng âm thầm. Cho nên trong mộng nói cho biết.) Đoạn này là nói ở trong mộng. Trong mộng thấy Phật Bồ Tát đến chỉ dạy bạn rất nhiều, chúng ta thường hay gặp, thường hay nghe nói. Cảm ứng rõ ràng tương đối ít, còn cảm ứng âm thầm thì nhiều. Bên dưới Ngài có nêu ra ví dụ, sự việc này “Tức đồng thiện kiến luật thiên nhân hiện mộng, nãi thực mộng dã.” (Giống như chuyện người cõi trời hiện ra trong mộng như trong luật Thiện Kiến nói, đấy chính là giấc mộng chân thật.) Giấc mộng này không phải do bạn vọng tưởng biến hiện ra. Hầu hết phàm phu nằm mộng đều là do vọng tưởng trong ý thức hiện hành. Giấc mộng này thật sự là do Phật Bồ Tát, hoặc giả là thiện thần cảm ứng ra cảnh mộng này. Loại cảnh mộng này là đáng tin. Phía sau Ngài nói ba câu rất hay “Nhiên tu liễu tri thiện ác phàm thánh chi sự vô phi thị mộng” (Vì thế nên rõ biết những chuyện thiện ác, phàm thánh chẳng qua cũng là mộng) Đây chính là trong “Kinh Kim Cang” đức Phật nói cho chúng ta biết: “Tất cả pháp hữu vi đều là mộng huyễn bọt bóng.” Thế gian này hiện nay của chúng ta, chúng ta sống ở trong thế gian này, bạn hãy quan sát thật kỹ, là cảnh mộng. Hôm qua, hôm qua đã qua rồi, hôm qua sẽ vĩnh viễn không trở lại. Sự việc hôm qua nhớ rất rõ ràng, rất minh bạch, là cảnh mộng. Nói hôm nay, hôm nay lại trở thành quá khứ rồi. Chúng ta sống một trăm năm, mỗi ngày đang nằm mộng, đâu có gì là thật đâu? Ở trong mộng đừng tạo nghiệp nữa, là coi như bạn giác ngộ rồi. Không có gì là thật cả, việc gì phải so đo? Tại sao ở trong mộng không làm việc tốt, không làm nhiều việc thiện một chút? Tích lũy công đức để sau này bạn còn tiếp tục thấy mộng lành. Nếu như bạn tạo tác tội nghiệp, thì giấc mộng sau này của bạn toàn là ác mộng. Không muốn thấy ác mộng, mỗi ngày muốn thấy mộng đẹp, thì bạn cần phải làm việc tốt. Biết niệm nào cũng là ở trong cảnh mộng, mỗi ngày đều là ở trong cảnh mộng, chúng ta mới thật sự khâm phục đức Phật Thích Ca Mâu Ni năm vóc sát đất. Lời ngài nói là chân tướng: “Mộng huyễn bọt bóng, như sương như điện chớp.” Có phải thật sự tồn tại hay không? Không có. Biến đổi theo “từng sát-na”. Tối hôm qua trong buổi giảng kinh Hoa Nghiêm tôi có làm tổng kết đoạn kinh văn Đâu Suất Thiên Vương này, quy kết về niệm Phật, quý vị phải hiểu cho thật kỹ. Nguyên lý, nguyên tắc ở trong đây, người học Phật chúng ta phải biết, nhất định phải hiểu sâu nghĩa thú. Trong ” Hoa Nghiêm” đức Phật nói, tất cả pháp bao gồm thế gian và xuất thế gian, bao gồm hư không pháp giới là “Duy tâm sở hiện”. Cái tướng này hiện nay của chúng ta, tướng từ đâu mà có vậy? Là tâm hiện, tâm hiện tướng. Tất cả mọi thứ tạo tác ở trong tướng này của chúng ta, đó là thức, “duy thức sở biến”, thức đang tạo tác, tâm hiện tướng. Nói cho chúng ta biết, tướng là vọng tướng, thức cũng là vọng thức, đều không phải thật. Cho nên tướng sở hiện và thức sở biến, bạn thấy trong Bách Pháp đều là thuộc về pháp hữu vi. Pháp hữu vi là giả, là mộng huyễn bọt bóng. Cái hay hiện tướng đó là thật, là chân như vô vi. Chúng ta ngay nơi giả tướng, vọng thức bỗng nhiên giác ngộ, có thể tương ưng với chân như vô vi, vậy bèn gọi là Phật, gọi là Bồ Tát. Tương ưng là hoàn toàn không xả bỏ tướng, không xả bỏ thức, dùng giả tướng, vọng thức để tiếp dẫn tất cả chúng sanh, giúp tất cả chúng sanh giác ngộ. Đây là hạnh Bồ Tát. Bồ Tát nói năng, Bồ Tát sinh hoạt, Bồ Tát khởi tâm động niệm, tất cả tạo tác chẳng qua là nhằm giác ngộ chúng sanh. Tuy giác ngộ chúng sanh mà không có mảy may ý nghĩ mong cầu. Chỉ cần có một ý nghĩ mong cầu liền không tương ưng với tự tánh. Ngày nay chúng ta khuyên mọi người cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, có phải là mong cầu không? Phải. Có tương ưng với tự tánh không? Không tương ưng. Tuy không tương ưng, nhưng đi đúng vào con đường, đúng phương hướng, đúng mục tiêu tương ưng tự tánh này, dần dần tiếp cận với minh tâm kiến tánh. Về thế giới Cực Lạc để làm gì? Để minh tâm kiến tánh. Môi trường tu học ở nơi đó rất tốt, đạo lý là ở chỗ này. Đây gọi là đới nghiệp vãng sanh. Đới nghiệp vãng sanh về thế giới Cực Lạc là tốt nhất, thù thắng nhất. Sau khi chúng ta sáng tỏ mới không còn hoài nghi nữa, mới quyết một lòng một dạ tu học pháp môn này. Đối với tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều không còn mong cầu, đều buông xả, chỉ cầu vãng sanh Tịnh Độ, chỉ cầu gặp được Phật A Di Đà, như vậy gọi là đới nghiệp. Đây là việc mà phàm phu chúng ta trong một đời chắc chắn có thể thành tựu, khẳng định không vô ích. Khi sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, sau đó đem tâm mong cầu này xả bỏ sạch sẽ, thế là viên thành Phật đạo. Điều khó xả nhất của đồng tu học Phật hiện nay chính là tâm cầu nguyện. Những thứ họ cầu, họ nguyện đều là hư vọng. Họ muốn cầu giàu sang trước mắt, muốn cầu phước đức trước mắt. Nói thực ra cũng có thể đạt được, vậy thì bạn phải hiểu được đạo lý nhân quả. Bạn muốn được quả thiện, thì bạn nhất định phải tu nhân thiện. Tâm hạnh của bạn bất thiện, thì chắc chắn bạn không thể được quả thiện. Đây là mong cầu phước báo trong lục đạo, chưa có rốt ráo. Nhưng tuyệt đại đa số mọi người chỉ thấy trước mắt, chứ không có tầm nhìn xa rộng. Chỉ có người thật sự giác ngộ, mới thật sự phát tâm ra khỏi lục đạo luân hồi, cái tâm đó là thuần thiện. Mong cầu vãng sanh, mong cầu thoát khỏi lục đạo luân hồi mà niệm niệm vẫn đang tạo nghiệp, thì bạn sẽ vĩnh viễn không thể đạt được nguyện vọng này. Tại sao vậy? Vì những gì bạn tạo tác trái ngược lại với tâm nguyện của bạn, thì sao bạn có thể thỏa mãn nguyện vọng được đây?
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.