KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 62
Đức Phật ở đây dạy cho chúng ta phương pháp, chúng ta phải nhớ kỹ.
“Thị chư quyến thuộc đương tu thiết đại cúng dường, chuyển độc tôn kinh, niệm Phật Bồ Tát danh hiệu. Như thị thiện duyên năng lệnh vong giả ly chư ác đạo, chư ma quỷ thần tất giai thoái tán.”
(Hàng thân quyến của người lâm chung đó, nên phải sắm sửa làm sự cúng dường lớn, tụng đọc Tôn Kinh, niệm danh hiệu của Phật và Bồ Tát, tu tạo nhơn duyên phúc lành như thế, có thể cho người chết thoát khỏi chốn ác đạo, các thứ ma, quỉ, ác thần thảy đều phải lui tan cả hết.)
Ở trong đây mấu chốt là “Đại cúng dường”. Người thân quyến thuộc có chịu làm hay không? Có rất nhiều người bị chứng sa sút trí tuệ người già, nói thực ra đều là những trưởng giả rất giàu có, gia đình giàu có. Người thân quyến thuộc của họ bận rộn tranh tài sản, ai còn đi làm việc cúng dường lớn cho họ chứ? Sống chết không có ai hỏi cả, nghĩ đủ mọi cách để đoạt tài sản. Người này thật đáng thương, bị đi vào ba ác đạo rồi. Nếu như người thân quyến thuộc thật sự là người thông minh, người rõ lý muốn cứu họ, thế thì phải đem toàn bộ tài sản của họ, đem ra để tu cúng dường lớn. Giống như Bà La Môn nữ và Quang Mục Nữ phía trước đã nói. Để cứu mẹ đã đem nhà cửa, đất đai của mình thảy đều bán hết để làm việc cúng dường. Ngày nay thế gian này, đến đâu để tìm con cháu hiếu thuận như vậy? Bạn sẽ không tìm ra, cũng tìm không ra bạn bè tin cậy để ủy thác. Nguy hiểm! Vô cùng nguy hiểm! Vậy làm thế nào? Không bằng hiện nay bèn tu cúng dường lớn. Trong kinh nói bạn tu lúc còn sống thì bạn được lợi ích trọn vẹn, bạn mới có thể tránh khỏi bệnh khổ lúc tuổi về già như thế này. Hiện nay phải giác ngộ, phải thật sự giác ngộ, con cái không thể tin cậy được, bạn bè cũng không thể tin cậy được, người thân đến cỡ nào đến cuối cùng họ cũng trở quẻ, không thể tin cậy được. Thật sự có thể tin cậy được là chính mình. Nhân lúc mình vẫn còn khỏe mạnh, hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta phải chăm chỉ tu đại cúng dường, hết lòng hết sức cúng dường. Cách tu cúng dường phải như thế nào? Việc này phải có trí tuệ, phải gần gũi thiện tri thức. Tu hành bất luận là Hiển Giáo hay Mật Giáo, Tông Môn hay Giáo Hạ, tại gia hay xuất gia, điều kiện tiên quyết là phải rõ lý, đối với đạo lý lớn về vũ trụ nhân sinh mà đức Phật nói không thể không hiểu rõ, không thể không hiểu rõ về hiện tượng của thập pháp giới y chánh trang nghiêm. Bạn hiểu rõ rồi, sáng tỏ rồi, bạn sẽ biết cần phải tu đại cúng dường như thế nào. Nếu như ở trong tình hình cụ thể trước mắt của chúng ta mà nói, nguyên lý, nguyên tắc cơ bản của nó là làm sao giúp tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, vậy việc cúng dường này là lớn rồi. Làm sao giúp tất cả chúng sanh lìa khổ được vui. Lìa khổ là lìa ba ác đạo, lìa lục đạo luân hồi, lìa thập pháp giới, đây là lìa khổ. Được vui, niềm vui đích thực là vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Quí vị các bạn có thể hiểu rõ rồi, ngày nay Cư Sĩ Lâm, Tịnh Tông Học Hội là tu đại cúng dường. Mỗi ngày có hai giờ đồng hồ giảng kinh, đây là đại cúng dường, giúp tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Hiện nay niệm Phật đường mỗi ngày mười hai giờ niệm Phật, là giúp mọi người lìa khổ được vui, đây là đại cúng dường. Cư sĩ Lý phát tâm, hy vọng có thể thực hiện đại cúng dường dài lâu, xây dựng thôn Di Đà, tiếp đón người thập phương thật sự phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, tạo đầy đủ điều kiện niệm Phật cho họ, đây là đại cúng dường. Ngoài ra những việc thiện khác, chúng ta nhìn thấy không thể không làm, cũng phải hết lòng hết sức đi làm, cũng là thuộc về đại cúng dường, như những thứ tai nạn trong nước hiện nay, nạn lũ lụt ở Trường Giang, nạn lũ lụt ở vùng Đông Bắc Nộn Giang, Tùng Hoa Giang, gây nên tai hại nặng nề, chúng ta nghe thấy rồi, chúng ta hết lòng hết sức tu cúng dường để cứu tai nạn. Không thể nói việc cúng dường này, có lẽ là việc cúng dường nhỏ nhoi, không phải. Việc cúng dường này cũng là đại cúng dường. Nhà Phật thường nói: “Phật không độ người không có duyên”. Phật muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, thì trước tiên phải bố thí kết duyên. Chúng ta đã kết pháp duyên, kết thiện duyên với tất cả chúng sanh này, tương lai nhân duyên chín muồi, họ sẽ rất vui vẻ tiếp nhận Phật pháp. Cho nên bố thí tài là điều kiện tiên quyết để Phật độ chúng sanh. Thử xem Tứ Nhiếp Pháp của Phật, điều thứ nhất là bố thí, tiếp đó là ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Xả tài tu phước, chỉ cần chịu xả thì của cải sẽ ùn ùn kéo đến không dứt. Cho nên tài vật tuyệt đối không nên hà tiện. Có tài vật phải biết bố thí, vui vẻ bố thí thì người này liền có phước, người này chắc chắn không bị thiếu hụt của cải, càng bố thí thì càng giàu có, càng giàu có càng phải bố thí. Mấy năm gần đây kinh tế khu vực Đông Nam Á bị suy thoái, đời sống nhân dân khốn khổ, nên thu nhập bị giảm sút rất lớn, giá nhà đất sụt giảm mất hơn một nửa, chúng ta đi ra đường nhìn thấy rất nhiều công trình xây dựng phải ngưng lại, nhà cửa không bán được. Nhưng chúng ta hãy xem Cư Sĩ Lâm, thu nhập của Cư Sĩ Lâm cũng bị ảnh hưởng, thu nhập của các tín đồ ít đi, nên việc quyên góp hỗ trợ cũng giảm bớt. Nhưng từ khi chúng ta khởi giảng “Kinh Hoa Nghiêm” đến nay, niệm Phật đường mở khóa, hiện nay cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với tôi, không những thu nhập của chúng ta không có giảm bớt so với trước đây, mà còn tăng thêm. Hiện tượng hưng vượng của Cư Sĩ Lâm, rất nhiều người nói với tôi, đây là điều trước đây chưa từng nhìn thấy. Tại sao vậy? Bố thí. Càng bố thí càng nhiều. Đức Phật nói những lời này ở trong kinh, chúng ta ở nơi đây tận mắt nhìn thấy rồi. Bạn bố thí tài, thì tài ùn ùn kéo đến không dứt. Bạn bố thí pháp, bạn chắc chắn được tăng trưởng thông minh trí tuệ. Bạn bố thí vô úy thì nhất định được khỏe mạnh trường thọ. Toàn bộ Phật pháp nếu quy nạp trở lại, chính là một từ “Bố thí”. Trong bố thí có bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy. Chúng ta ai cũng hy vọng là được giàu có, được thông minh, được khỏe mạnh trường thọ. Nếu bạn không tu nhân, thì làm sao bạn được quả báo? Chỉ cần bạn chịu tu nhân, thì nhất định được quả thiện. Đây đúng như lời trong nhà Phật nói: “Trong cửa nhà Phật có cầu ắt có cảm ứng.” Tôi rất hy vọng các đồng tu niệm Phật tất cả các nơi trên toàn thế giới, hy vọng mọi người đến nơi đây để tham học. Lời đức Phật nói trong kinh, những gì tôi giảng trong giảng đường, giảng không rõ ràng, giảng không minh bạch, bạn nghe xong cũng rất khó hiểu ra, cần phải đến nơi đây để đích thân trải nghiệm, bạn mới cảm nhận được. Lời giáo huấn trong Phật pháp là chân thật không hư dối, mới có thể tăng trưởng niềm tin của bạn, tăng trưởng tâm nguyện của bạn, khiến cho bạn tràn đầy niềm tin, y giáo phụng hành, tương lai của bạn sẽ tươi sáng rạng ngời. Gặp phải gian nan lớn đi nữa, tai nạn lớn đi nữa, bạn cũng có thể vượt qua một cách rất yên ổn. Bạn nhất định sẽ không mất đi tâm thanh tịnh, tự tại. Đây là lợi ích đạt được trước mắt khi chúng ta học Phật. Trước mắt có thể được lợi ích thù thắng như vậy, lợi ích về sau là càng vô lượng vô biên hơn nữa. Trước mắt nhà Phật thường nói là hoa báo, tương lai là quả báo. Quả báo chắc chắn vãng sanh thế giới Cực lạc, đó là sự thù thắng không gì sánh bằng. Cho nên phải biết tu đại cúng dường, phải gấp rút tu, không được chậm trễ. Sau khi cơ hội mất đi, gặp lại được là không dễ dàng. Người thật sự có trí tuệ, có phước đức, không có gì khác, họ có thể thấy ra cơ hội, có thể nắm lấy cơ hội để thành tựu vô lượng vô biên trí tuệ phước đức của họ. “Chuyển độc tôn kinh” Đây chính là đọc tụng Đại Thừa, mỗi ngày phải đọc mới không đến nỗi mê hoặc, mới không đến nỗi bị dao động bởi cảnh giới bên ngoài. Đọc kinh chính là nghe Phật Bồ-tát chỉ dạy. “Niệm Phật Bồ-tát danh hiệu”. Đây chính là trì danh niệm Phật, trong tu hành đó là phương pháp thù thắng nhất, ổn thỏa nhất, nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất. Đức Phật ở trong kinh dạy chúng ta: “Nhất tâm xưng niệm, A-Di-Đà Phật” Bạn phải biết nhất tâm xưng niệm, bạn sẽ được tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh sinh trí tuệ. Tâm không thanh tịnh sẽ sinh phiền não. Phiền não liền tạo tác ác nghiệp. Tâm thanh tịnh sinh trí tuệ. Trí tuệ mới tạo nên tất cả thiện nghiệp. Đây là đức Phật ở trong kinh, khai thị cho chúng ta mấy loại phương pháp. Cảnh giới ở trong mấy loại này đều vô cùng rộng lớn. “Như thị thiện duyên, năng lệnh vong giả ly chư ác đạo” (Tu tạo nhơn duyên phúc lành như thế, có thể cho người chết thoát khỏi chốn ác đạo.) Tu phước báo lớn như vậy, đây là tu phước. Trong kinh phía trước đã giảng rồi, những quyến thuộc giúp họ tu phước này sẽ được sáu phần bảy công đức. Người mất chỉ được một phần bảy, thật sự có thể giúp họ rời khỏi ác đạo. Tại sao vậy? khi họ lâm chung đầu óc hôn mê, chẳng biết gì cả, chắc chắn đọa ác đạo. Lúc này chúng ta nói trợ niệm, trợ niệm cũng không thể giúp được gì. Trợ niệm cần phải đầu óc tỉnh táo, vậy mới có thể vãng sanh. Ở trong tình trạng này thì trợ niệm không giúp được gì cả, họ chẳng biết gì cả. Bạn trợ niệm giúp họ, họ cũng không niệm Phật theo bạn, họ cũng không biết Phật là gì. Đây là lúc vô cùng đáng thương, sau khi chết sẽ đi về cõi nào? Đây là thời khắc mấu chốt. Nếu như người thân quyến thuộc của họ không có tâm từ bi, không có trí tuệ, thì họ sẽ vô cùng đáng thương. Người thân quyến thuộc thật sự hiếu thuận, từ bi, rõ lý được thì nhất định sẽ làm như thế này, và họ có thể thoát khỏi ác đạo, có thể sinh về ba đường thiện. Lúc lâm chung bởi vì họ có phước lớn như vậy nên những oan gia trái chủ, những quỉ thần này, tạm thời cũng không đến quấy nhiễu họ, cũng chỉ lui tránh ra. Tuy lui tránh ra, nhưng không có nghĩa là đã hết chuyện, xong chuyện rồi. Họ sẽ đợi cơ hội khác, đợi đến khi nào bạn mơ hồ không có ai giúp đỡ thì họ sẽ quay trở lại. Cho nên quí vị phải biết, kết oán với tất cả chúng sanh là không bao giờ dứt. Ai chịu dễ dàng tha thứ cho bạn? Sau khi hiểu rõ đạo lý này rồi, thì tuyệt đối không nên kết oán thù với tất cả chúng sanh. Ở thế gian chúng ta gặp một số người, có ấn tượng không tốt đối với chúng ta, nhìn thấy chướng mắt, là oan gia trong quá khứ. Họ ác ý phỉ báng, thậm chí là hãm hại, chúng ta phải đối xử như thế nào? Phải dùng chân thành cung kính để đối xử, chúng ta phải dùng tâm sám hối để đối xử, tuyệt đối không được có một niệm tâm lý báo thù. Bạn có một niệm tâm lý báo thù, thì mối oan kết này sẽ càng buộc chặt thêm, đời đời kiếp kiếp báo qua báo lại không bao giờ dứt. Không bằng tiếp nhận hoàn toàn mà không có lời than oán, không những không có ác ý đối với những người ác này, chúng ta còn có ý kính trọng, thì gút mắc này sẽ được hóa giải, món nợ này sẽ tiêu mất, xóa sạch món nợ, là việc tốt! Ở trong Văn Sao Ấn Quang Đại Sư dạy chúng ta “Luôn nghĩ là mình trả nợ”, thì không còn chuyện gì nữa rồi. Không kết oán thù với bất kỳ người nào, chúng ta nên học theo cách dùng đức báo đức, dùng đức báo oán, thì chúng ta sẽ giảm bớt rất nhiều chướng ngại ở trên đường Bồ đề. Ở thế gian cho dù chúng ta làm đủ thứ ngành nghề, cũng sẽ giảm bớt những trở ngại, cơ hội thành công của bạn sẽ rất nhiều. Nhất định phải hiểu rõ đạo lý này, phải biết cách làm người như thế nào. Xem tiếp kinh văn dưới đây:
“Thế Tôn, nhất thiết chúng sanh lâm mạng chung thời, nhược đắc văn nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh, hoặc Đại Thừa kinh điển, nhất cú nhất kệ, ngã quán như thị bối nhân trừ ngũ Vô Gián sát hại chi tội, tiểu tiểu ác nghiệp hiệp đọa ác thú giả, tầm tức giải thoát.”
(Bạch đức Thế-Tôn! ‘Tất cả chúng sanh lúc lâm chung nếu đặng nghe danh hiệu của một Ðức Phật, danh hiệu của một Bồ Tát, hoặc nghe một câu một bài kệ kinh điển đại thừa, con xem xét thấy hạng người ấy, trừ năm tội Vô Gián cùng tội sát hại, những nghiệp ác nho nhỏ đáng lẽ phải sa vào chốn ác đạo, liền đặng thoát khỏi cả’.)
Đoạn kinh văn này nói cho chúng ta biết sự đáng quý của việc tu thiện. Cho dù thiện nhỏ cũng hiếm có, huống chi là thiện lớn? Thời khắc then chốt, lúc sắp mạng chung. “Lâm mạng chung thời, nhược đắc văn nhất Phật danh, nhất Bồ Tát danh” (Lúc lâm chung nếu đặng nghe danh hiệu của một Ðức Phật, danh hiệu của một Bồ Tát.) Lúc này đầu óc của người lâm chung nhất định phải thật sáng suốt, vậy mới có thể làm được. Lúc sắp mạng chung đầu óc sáng suốt, biết rất rõ ràng, minh bạch. Nếu như có thiện tri thức ở bên cạnh giúp đỡ họ, chúng tôi có thể khẳng định chắc chắn họ sẽ không đọa ba ác đạo. Người đọa ba ác đạo đều là người ra đi đầu óc rất mơ hồ. Đâu có chuyện một người rất sáng suốt, rất minh bạch mà đi làm ngạ quỉ, làm súc sanh, không có đạo lý này? Chúng ta phải nghĩ rằng, người trạng thái tỉnh táo lúc lâm chung là rất ít, rất ít thấy, tám chín phần mười đều là mê man bất tỉnh, mơ mơ hồ hồ. Bạn nói vậy thì đáng sợ biết bao! Hễ là người đầu óc tỉnh táo lúc lâm chung, mặc dù tạo tác nghiệp ác, nhưng tâm địa của họ vẫn là rất lương thiện. Tạo tác nghiệp ác là do họ không biết, họ không biết đó là tạo nghiệp ác. Sát sanh ăn thịt, họ cảm thấy sát sanh ăn thịt là việc rất bình thường, họ không có cảm thấy đó là nghiệp ác. Nhưng người này râm địa vẫn là rất tốt, đây là chúng ta quan sát tỉ mỉ, quan sát thấy từng phương diện. Nếu như tâm người này bất thiện, thường hay nghĩ cách hại người, giành lấy tiền của của người khác, làm hết những việc tổn người lợi mình, người như vậy lúc sắp mạng chung, phần lớn đều là mê hoặc điên đảo. Cả đời cậy thế ức hiếp người, thậm chí lúc về già bị chứng mất trí, hoàn toàn mất hết trí nhớ, mê man bất tỉnh, nhưng hơi thở vẫn chưa dứt, nằm ở trên giường như vậy tám năm, mười năm, chúng ta nhìn thấy ở thời đại này rất nhiều. Cho nên tu thiện là vô cùng quan trọng. Đoạn này chúng ta phải nhớ kỹ, đây là căn cứ lý luận cho việc trợ niệm. Con người lúc lâm chung, nếu như chúng ta gặp phải, chúng ta giúp đỡ họ như thế nào. Lúc lâm chung, thời khắc mấu chốt có thời gian rất ngắn, phải có phương pháp hiệu quả nhất. Bất kể là họ cả đời học Phật hay là không học Phật, thậm chí là phản đối Phật, phỉ báng Phật cũng mặc kệ. Lúc sắp lâm chung họ bị bệnh nặng nằm ở trên giường, họ không thể làm chủ được, chúng ta làm chủ. Chúng ta niệm Phật A-Di-Đà để cho họ nghe, không nghe họ cũng phải nghe, gieo thiện căn cho họ. Hơn nữa phải khuyên bảo họ, tuyệt đại đa số lúc lâm chung, dù cả đời không tin Phật, đến lúc lâm chung có lẽ họ sẽ tin, lúc này nhắc nhở họ, nói cho họ biết lợi ích của niệm Phật. Vào lúc này họ có thể nghe được danh hiệu một vị Bồ-tát, hoặc danh hiệu một đức Phật. Vào lúc này dùng danh hiệu Phật Bồ-tát là có lợi ích nhất. “Đại Thừa kinh điển, nhất cú nhất kệ” (Hoặc nghe một câu một bài kệ kinh điển đại thừa.) “Nhất cú nhất kệ” là không cần đi tìm kinh nào khác. Thời khắc mấu chốt này buông xả vạn duyên, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Bất kể cảnh giới gì hiện tiền, nếu như bạn nói cho họ nghe một câu kinh văn như: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”, mọi thứ chẳng cần quan tâm, nói với họ chắc như đinh đóng cột, không có một mảy may nghi ngờ nào cả, vậy mới là thật sự giúp đỡ họ. Cho dù trong đời họ tạo tội nghiệp cực nặng, bởi nhờ thiện duyên này, nên tội báo của tội nghiệp đó không thể hiện tiền. Cho nên quỉ vương nói: “Ngã quán như thị bối nhân trừ ngũ Vô Gián sát hại chi tội.” (Con xem xét thấy hạng người ấy, trừ năm tội Vô Gián cùng tội sát hại.) Tội này thì vô phương. Tại sao vậy? Tội này quá nặng rồi! Năm tội vô gián là giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm cho thân Phật chảy máu, phá hòa hợp tăng, tội này quá nặng rồi. Quỉ Vương nói trừ năm tội Vô Gián sát hại, quỉ vương không thể giúp được. Nhưng chúng ta biết rõ, cho dù tạo tác năm tội nghiệp Vô Gián, lúc lâm chung nếu như đầu óc sáng suốt, có thể sám hối niệm Phật vẫn có thể vãng sanh. Trong kinh có nêu ví dụ, trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” nói với chúng ta, vua A Xà thế chính là người tạo tác tội sát hại ngũ Vô Gián. Lúc ông sắp mạng chung sám hối, niệm Phật cũng vãng sanh. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói cho chúng ta biết, ông vãng sanh phẩm vị rất cao, là thượng phẩm trung sanh. Cho nên chúng ta đối với người tạo tội nghiệp, cũng không dám xem thường họ, không chừng họ vãng sanh phẩm vị còn cao hơn chúng ta, không được phép coi thường, chỉ cần chưa chết đều có thể cứu được, đến phút lâm chung cuối cùng, chưa dứt hơi thở vẫn có thể cứu được. Hơi thở đó dứt rồi thì vô phương, vậy là hết cứu rồi. Giống như phía trước nói, người thân quyến thuộc giúp họ tu bố thí lớn, cũng chỉ có thể độ họ cao nhất chỉ có thể độ họ đến cõi trời Đao Lợi. Họ không thể vãng sanh, không thể ra khỏi tam giới. Lúc còn chưa dứt hơi thở có thể giúp họ vãng sanh. Khuyên họ thật sự tin tưởng, thật sự sám hối, thật sự niệm Phật cầu nguyện vãng sanh thì không có người nào không được độ. Cho nên pháp môn Tịnh Tông là không thể nghĩ bàn. Cả đời tạo nghiệp ác rất nhỏ, “Hiệp đọa ác thú giả” (Đáng lẽ phải sa vào chốn ác đạo) Đọa súc sanh, đọa ngạ quỉ, đọa tiểu địa ngục những tội nghiệp này, khi bạn tu những việc thiện này thì “tầm tức giải thoát” (liền đặng thoát khỏi cả) “Tầm” là thời gian rất ngắn. Cho nên công đức của việc nghe danh hiệu Phật là không thể nghĩ bàn. Đây là nhà niệm Phật thường nói: “Công đức của danh hiệu Phật là không thể nghĩ bàn”. Mời xem kinh văn dưới đây:
“Phật cáo Chủ Mạng quỷ vương: “Nhữ đại từ cố, năng phát như thị đại nguyện, ư sanh tử trung hộ chư chúng sanh.”
(Ðức Phật bảo Chủ Mạng Quỉ Vương rằng: ‘Ông vì có lòng đại từ nên có thể phát ra lời nguyện lớn ở trong sanh tử cứu hộ chúng sanh như thế.)
Đây là đức Phật khen ngợi Quỉ vương Chủ Mạng. “Đại từ” ở đây không có khác gì so với tâm đại từ bi của đức Phật hộ niệm tất cả chúng sanh. Quỉ vương lại có nguyện vọng ở trong sanh tử hộ niệm tất cả chúng sanh lớn như vậy, là không có khác gì so với bi nguyện của Bồ-tát. Cho nên những vị quỉ vương này đều là do Bồ-tát hóa hiện ở trong đó. Ở trong cõi này, cần dùng thân quỉ vương mà độ được, liền hiện thân quỉ vương mà thuyết pháp. Thật sự các Ngài không phải là người phàm.
“Nhược vị lai thế trung hữu nam tử nữ nhân chí sanh tử thời, nhữ mạc thoái thị nguyện, tổng lệnh giải thoát, vĩnh đắc an lạc.”
(Như về trong đời sau này, có kẻ nam người nữ nào đến lúc mạng chung, ông chớ quên lãng lời nguyện trên đó, đều nên làm cho giải thoát mãi mãi được an vui’.)
Mấy câu nói này là lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni khuyến khích quỉ vương, khuyên ông đừng thối tâm quên lãng lời hoằng nguyện từ bi đó. Lời khuyên này vô cùng quan trọng. Bởi vì càng vào thời mạt pháp thì chúng sanh tạo nghiệp ác sẽ càng nhiều tạo tội nghiệp càng sâu, càng nặng, càng rộng lớn. Trong tình trạng như vậy chỉ sợ quỉ thần nhìn thấy sẽ thối tâm. Cho nên lời căn dặn này vô cùng quan trọng. Chúng ta đọc kinh, hiểu rõ những tình trạng này cũng cần phát nguyện, hết lòng hết sức giúp tất cả chúng sanh đoạn ác tu thiện, làm được như vậy cũng là gián tiếp giúp cho những quỉ vương này sinh tâm hoan hỷ, làm kiên định tín nguyện của họ, không đến nỗi thối tâm. Tuy chúng sanh tạo nghiệp ác rất nhiều, vẫn còn một số người hành thiện. Tuy người mơ hồ nhiều, nhưng vẫn còn một số người sáng suốt, đây là niềm an ủi đối với quỉ vương. Mời xem kinh văn:
“Quỷ vương bạch Phật ngôn: “Nguyện bất hữu lự, ngã tất thị hình, niệm niệm ủng hộ Diêm Phù chúng sanh, sanh thời tử thời cụ đắc an lạc”
(Chủ Mạng Quỉ Vương bạch cùng Ðức Phật rằng: ‘Xin đức Thế-Tôn chớ lo! Trọn đời của con luôn luôn ủng hộ chúng sanh ở cõi Diêm Phù Ðề lúc sanh lúc tử đều làm cho được an vui cả.)
Quỉ vương là Bồ-tát thị hiện, chứ không phải phàm phu. Ngài là phát nguyện đến độ chúng sanh, nghe đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi khuyến khích Ngài, Ngài tiếp nhận lời giáo huấn của đức Phật. Bạch với đức Phật, xin đức Phật đừng lo lắng. “Nguyện bất hữu lự, ngã tất thị hình”. “Tất thị hình” tức là chúng ta gọi là hy sinh cả mạng sống và thân hình này. “Niệm niệm ủng hộ Diêm Phù chúng sanh.” Ngài hiện cái thân này, hiện ra thân phận quỉ vương, dấn thân vào sự nghiệp này. Sự nghiệp này chính là hộ niệm việc sinh tử của tất cả chúng sanh trong thế gian, hy vọng trong thời khắc bước ngoặc sinh tử ấy, đều có thể được an vui.
“Ðản nguyện chư chúng sanh ư sanh tử thời, tín thọ ngã ngữ, vô bất giải thoát, hoạch đại lợi ích.”
(Chỉ trông mong các chúng sanh trong lúc sanh cùng lúc tử, tin theo lời của con đã nói trên thời đều giải thoát đặng lợi ích lớn’.)
Đây là sự kỳ vọng của Chủ Mạng quỉ vương đối với chúng sanh lúc sinh tử. Chúng ta trong thời khắc sinh tử, phải nhớ kỹ lời của quỉ vương, vào lúc này nhất định phải đoạn ác tu thiện. Thật sự hiểu rõ rồi, lúc còn sống phải biết tu đại cúng dường, đại bố thí, thì quỉ vương này sẽ sinh tâm vô cùng hoan hỷ, và hết lòng hết sức ủng hộ bạn, bạn nhất định sẽ không bị đọa ba ác đạo. Ở trong chú giải, pháp sư Thanh Liên trích dẫn kinh để chứng minh, ở đây Ngài đã trích dẫn ba đoạn, ý nghĩa của ba đoạn đều hay. Đoạn thứ nhất ở trong “Kinh Thế Ký” đức Phật nói: “Nhất thiết nam tử nữ nhân, sơ thỉ sanh thời giai hữu quỉ thần tùy trục ủng hộ. Nhược kỳ tử thời, bỉ thủ hộ quỉ nhiếp kỳ tinh khí kỳ nhân tắc tử.” (Hết thảy người nam người nữ lúc mới sanh đều có quỷ thần đi theo ủng hộ. Lúc chết thì quỷ thủ hộ ấy thu hút tinh khí và người ấy sẽ chết). Cố là bởi vì nguyên nhân này. “Chủ Mạng quỉ vương nguyện nhân sinh thời, tử thời thận vật sát hại, ưng tu thiện duyên” (Chủ Mạng quỉ vương mong con người lúc sống lúc chết nên cẩn thận, đừng giết hại, nên làm việc thiện.) Điều này quan trọng, tuyệt đối không phải mê tín. Đoạn thứ hai trích dẫn, “Đại Tập Kinh vân: Nhược tu từ giả, đương xả thân mạng thời” (Trong Kinh Đại Tập nói rằng: “Nếu người tu hạnh từ bi, lúc xả thân mạng”) Xả thân mạng chính là lúc lâm chung. “Kiến thập phương Phật thủ ma kỳ đỉnh, mông thủ xúc cố, tâm an khoái lạc, tầm đắc vãng sanh thanh tịnh Phật độ.” (thấy mười phương Phật lấy tay xoa đảnh, nhờ tay xoa chạm vào mà tâm người đó được yên ổn, vui vẻ, liền được vãng sanh về cõi Phật thanh tịnh.) Đây là lúc lâm chung niệm Phật, lúc còn sống có tâm từ bi. Tâm từ bi là có thể xả được, vui vẻ bố thí cúng dường, phước tuệ song tu, lâm chung nhìn thấy Phật. Sau cùng trích dẫn một đoạn khai thị của đại sư Liên Trì. Tuy chỉ nói có hai câu, nhưng rất quan trọng: “Cố Vân Thê hữu tế tiên bất nghi sát sanh, dĩ tư minh phước.” (Do vậy, Ngài Vân Thê có dạy khi cúng tế tổ tiên chớ nên sát sanh, để tăng thêm phước cho người đã khuất.) Câu nói này là do Ngài đại sư Liên Trì nói, cúng tế ông bà tổ tiên không nên sát sanh. Bạn cúng tế ông bà tổ tiên mà sát sanh, món nợ nghiệp sát của sát sanh này sẽ trút lên đầu ông bà tổ tiên. Tại sao vậy? Vì họ mà giết. Không cúng tế là không sát rồi, vì họ mà giết. Cho nên tội này là bạn làm nặng thêm tội nghiệp của tổ tiên, đây gọi là đại bất hiếu. Nhưng nghiệp sát này giống như công đức nói ở phía trước vậy. Bạn không nên cho rằng tôi cúng tế tổ tiên, nghiệp sát này họ gánh rồi, tôi sẽ hết chuyện, vậy là bạn sai rồi! Nghiệp sát này có bảy phần, thì người sát sanh là chiếm sáu phần, còn tổ tiên chỉ một phần. Cùng đạo lý giống nhau, bạn phải biết là bạn vu oan giá họa cho họ, chứ họ không có bảo bạn giết. Bạn vì họ mà giết, cho nên trách nhiệm nghiệp sát này, mình vẫn phải gánh chịu sáu phần, còn tổ tiên chỉ gánh chịu một phần. Kẻ còn người mất đều bất lợi cả. Đại sư Liên Trì cũng là bậc tái lai, Ngài biết những chân tướng sự thật này. Chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn dưới đây. Trong phần khoa đề tựa là “Như Lai phát bổn” Nói rõ chân tướng sự thật này.
“Nhĩ thời Phật cáo Địa Tạng Bồ-tát”
(Bấy giờ Ðức Phật bảo Ngài Ðịa-Tạng Bồ Tát rằng)
Trên thực tế là nói với mọi người chúng ta.
“Thị đại quỉ vương chủ mạng giả. Dĩ tằng kinh bách thiên sanh tác đại quỷ vương, ư sanh tử trung ủng hộ chúng sanh”
(Vị đại Quỉ Vương cai quản về tuổi thọ của mọi người đây đã từng trải quan trăm nghìn đời làm vị Quỉ Vương, ủng hộ chúng sanh trong lúc sanh cùng khi tử.)
Vị quỉ vương này từ bi đến cực điểm.
“Thị đại sĩ từ bi nguyện cố, hiện đại quỷ thân, thực phi quỷ dã.”
(Ðó là bực Bồ Tát Ðại Sĩ vì lòng từ bi phát nguyện hiện thân đại Quỉ chớ thiệt thời không phải Quỉ.)
Ngài là Bồ-tát, pháp thân đại sĩ, Ngài không phải thật sự là quỉ. Thật sự là quỉ thì làm gì có tâm tốt như vậy. Bồ-tát thị hiện thân quỉ để chủ trì sự việc lúc sống lúc chết của tất cả chúng sanh. Chúng ta cần hiểu rõ những chân tướng sự thật này. Đại sư Thanh Liên ở trong chú giải, trang một trăm ba mươi mốt, hàng thứ nhất, từ trong đó Ngài có kể một câu chuyện. Ngài kể chuyện “Xưa kia Ngài Đạo Sanh thuyết pháp tại Hổ Khâu”. Đây là pháp sư Đạo Sanh, tôi nghĩ quí vị đều rất quen thuộc, rất nhiều người đến từ Tô Châu đều từng thấy Hổ Khâu. “Ngài Đạo Sanh thuyết pháp, ngay cả đá cũng gật đầu”. Mọi người cũng có thể đi xem thử những tích xưa này. Ngài kể có một lần pháp sư Đạo Sanh thuyết pháp, nhìn thấy một con quỉ, quỉ hiện thân mỗi ngày đến nghe pháp. Ngài Đạo Sanh bèn nói với con quỉ đó, ngươi hiện nay là quỉ, tại sao ngươi không đầu thai đến cõi người? Ngài Đạo Sanh khuyên con quỉ này đầu thai đến cõi người. Quỉ trả lời Ngài, quỉ dùng thơ đáp: “Tác quỉ kinh kim ngũ bách thu” (Làm quỉ đến nay đã năm trăm năm) Chứng tỏ ông ta làm quỉ đến nay đã năm trăm năm rồi. “Dã vô phiền não dã vô sầu” (Cũng không phiền não, cũng không sầu) Ông ta làm quỉ mà chẳng có phiền não, cũng chẳng có ưu sầu. “Sanh công khuyên ngã vi nhân khứ” (Ngài Đạo Sanh khuyên tôi hãy đi làm người). “Chỉ khủng vi nhân bất đáo đầu” (Chỉ sợ làm người không trọn vẹn) Ông ta nói làm quỉ vẫn tốt. Quỉ nghe kinh họ cũng khai ngộ. Cho nên Chủ Mạng quỉ vương, đây là đại quỉ vương ở trong vua Diêm La. Đại quỉ vương cai quản việc lớn sống chết của con người. Đây là Bồ-tát hóa thân đến, chứ không phải quỉ. Phía sau đức Phật còn nói thêm một đoạn, chúng ta hãy đọc qua một lần:
“Khước hậu quá nhất bách thất thập kiếp, đương đắc thành Phật hiệu viết Vô Tướng Như Lai, kiếp danh An Lạc, thế giới danh Tịnh Trụ. Kỳ Phật thọ mạng bất khả kế kiếp.”
(Quá một trăm bảy mươi kiếp sau, ông đó sẽ được thành Phật hiệu là Vô Tướng Như Lai, kiếp đó tên là An Lạc. Cõi nước tên là Tịnh Trụ, thọ mạng của đức Phật đó đến số kiếp không thể tính đếm được.)
Đây là đức Phật ở chỗ này thọ ký, nói rõ Chủ Mạng đại quỉ vương tương lai sau này ông ta thành Phật, hiện nay ông là dùng thân phận quỉ vương đang hành Bồ-tát đạo, đang tu pháp Lục Độ, đang hành Bồ-tát đạo. Cho nên hành Bồ-tát đạo, dùng đủ dạng thân phận khác nhau, đủ dạng ngành nghề khác nhau, là ngay trong đời sống hiện tiền của bạn, trong công việc hiện tiền của bạn mà tu học. Chủ Mạng quỉ vương đây cũng đã làm mẫu rất tốt cho chúng ta thấy.
Được rồi, hôm nay chỉ giảng đến đây.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.