KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 56
Vị thứ 16 dưới đây là: “Chủ Thực Quỉ Vương”. Đây là ở trong tập tục dân gian xưng là thần Ngũ Cốc, thông thường gọi là Táo Thần, cũng là thuộc vào loại này. Chuyên quản lý việc ăn uống trong nhân gian, là quản lý loại này. Cũng là thuộc về cái mà chúng ta thông thường gọi là phước báo, phước báo này là thiên về ăn uống. Đây là điều mà ở trong đời sống thường ngày bất kỳ người nào cũng không thể rời khỏi. Cho nên ăn uống trong nhà Phật có lễ tiết. Trước khi ăn phải dùng tâm thanh tịnh, cung kính để cúng dường, đây là sự kính trọng đối với loại quỉ thần này, hy vọng họ có thể gia trì, hy vọng họ có thể phù hộ. Nếu như chúng ta ăn uống không có điều độ, không biết lễ tiết, thì những vị thần Chủ Thực này sẽ không vui. Nếu như là lãng phí lương thực, thì tội lỗi này sẽ rất nặng, cần phải biết rằng thế gian này vẫn còn rất nhiều nơi bị đói. Chúng ta được ăn uống có bao giờ nghĩ đến những người bị đói đó không? Mỗi lần bạn gặp ăn uống đều có thể nghĩ đến họ, đây là sự bộc lộ của tâm từ bi, đây chính là tích lũy công đức. Có ý nghĩ này trước rồi, khi gặp phải những tai nạn này, bạn nhất định sẽ giúp đỡ, bạn nhất định sẽ cứu giúp. Đừng nên xem thường chuyện này. Bậc thánh hiền thế gian và xuất thế gian đều nói với chúng ta, dạy chúng ta phải ngăn chặn sai lầm ngay từ đầu, mới có thể tránh khỏi tất cả tai họa. Vi, tiệm. Vi là nhỏ bé. Tiệm là chậm chạp. Những việc nhỏ này nếu bạn không phòng ngừa, dần dần sẽ biến thành tai họa lớn. Cho nên lễ nhỏ phải giữ, phải phòng ngừa lỗi lầm nhỏ. Không phòng ngừa lỗi lầm nhỏ, nó sẽ dần dần hình thành tai họa lớn, phải biết đạo lý này. Vi mà cổ thánh tiên hiền nói, vi là khởi tâm động niệm, phải ngăn ngừa từ chỗ này. Hễ ý nghĩ nào không có lợi cho chúng sanh, không có lợi cho xã hội, thì nhất định không được nghĩ. Khởi lên ý nghĩ này nhất định sẽ mang lại tai họa đối với mình. Luôn luôn nghĩ vì chúng sanh, luôn luôn nghĩ vì xã hội thì chắc chắn có lợi ích. Tuy trước mắt bạn không nhìn thấy lợi ích, nhưng quỉ thần đã nhìn thấy rất rõ ràng, đã ghi chép rất minh bạch. Tích thiện nhỏ sẽ thành thiện lớn, tích việc nhỏ sẽ thành việc lớn. Tích được dày, tích được nhiều, thì sẽ thọ báo ngay đời này, không cần đợi đến đời sau. Chúng ta xem thấy ở trong “Liễu Phàm Tứ Huấn”, sau khi Viên Liễu Phàm hiểu rõ đạo lý này rồi, thì cả gia đình ông đều tu tích công đức, ông được quả báo ngay hiện đời. Trong số mạng ông không có công danh, công danh trước đây là nói thi đỗ học vị tiến sĩ, học vị cao nhất này trong số mạng ông không có. Trong số mạng của ông chỉ có đỗ tú tài. Sau đó ông thi đỗ cử nhân, thi đỗ tiến sĩ, đều là do tu trong đời này. Tuổi thọ trong số mạng chỉ có 53 tuổi, ông đã sống hơn 70 tuổi, ông không có cầu trường thọ. Trong số mạng không có con trai, ông đã có được hai người con trai ngoan hiền. Đây chính là do hiện đời chuyển trở lại được, nhờ tu tích nhiều. Đây là tấm gương tốt cho chúng ta, là hình mẫu của chúng ta. Cho nên người thế gian, thường thường người nghèo khó vẫn có thể tu phước, vẫn vui lòng tu phước, đặc biệt là người giàu có thường hay lơ là, không biết tu phước, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều. Người càng giàu có càng keo kiệt, càng không dám xả, khi họ xài tiền nhất định phải có lợi ích cho họ. Dường như không có lợi ích ngay trước mắt cho họ, thì họ không chịu bỏ tiền. Họ rất coi trọng danh lợi, người như vậy, họ hưởng hết phước rồi sẽ không còn phước dư, đời sau phải nhận lấy tai ương, trừng phạt.
Thứ 17 dưới đây là “Chủ Tài Quỉ Vương”, đây là người thế gian chúng ta gọi là thần Tài. Chủ Tài Quỉ Vương chính là thần Tài. Trong chú giải Ngài chú giải cũng rất hay: “Trong phủ của Đông Nhạc có người làm chủ tiền tài.” Nhạc phủ là chỉ Đông Nhạc Đại Đế. Thực ra Ngũ Nhạc là Đại Quỉ Vương, địa vị của ông chỉ đứng sau Diêm La Vương. Diêm La giống như là vua của một nước vậy. Ngũ Nhạc họ quản lý khu vực rất lớn, quản lý rất nhiều tỉnh, cao hơn địa vị tỉnh trưởng rất nhiều. Đông Nhạc Đại Đế giống như quản lý 6-7 tỉnh vậy, họ có khu vực quản lý lớn như vậy. Trước đây Chương Thái Viêm, đã từng làm phán quan ở Đông Nhạc Đại Đế. Địa vị của phán quan rất cao, tương đương với chức bí thư trưởng của người thế gian chúng ta. Cho nên ông nói cho người ta biết rất nhiều, và nói rất tường tận về tình hình ở trong cõi quỉ. Dưới ông có vị quỉ vương chuyên quản lý về tài sản. Ở trong phủ Đông Nhạc gọi vị ấy là Chủ Tài Án Chủ. Chủ Tài Án Chủ chính là Chủ Tài Quỉ Vương. Người thế gian chúng ta xưng là Thần Tài. Thần Tài này có vị lớn, vị nhỏ. Dưới đây có hai câu chúng ta phải nhớ kỹ: “Vì vậy có tiền của mà không chịu bố thí thì quỉ nhìn thấy ganh ghét.” Bạn có tiền mà không chịu bố thí, thì quỉ cũng ghen ghét bạn, vậy thì phiền phức lớn rồi! Quỉ sẽ thường xuyên đến kiếm chuyện với bạn. “Vì thế Thái Thượng đặc biệt cấm ngặt việc cướp đoạt tài vật của người khác.” Đây là điều chúng ta phải đặc biệt nhớ kỹ. Cướp đoạt tiền của của người khác, tội lỗi đó là cực nặng, cực lớn. Nếu như chúng ta bình tĩnh quan sát thật kỹ, không cần đợi đến quả báo đời sau, hiện đời họ đã phải nhận lấy quả báo. Ác báo này, sự việc này là rất nhiều rất nhiều trong xã hội hiện nay. Chúng ta xem cổ phiếu trong thế gian. Cổ phiếu là gì? Cổ phiếu chính là đánh bạc, đều là cướp đoạt tiền của của người khác. Phát tài từ trên cổ phiếu, bạn thấy khi cổ phiếu bị tuột giá, họ bèn nhảy lầu tự sát, nhà tan cửa nát, là quả báo trước mắt. Những thứ thuộc loại này là rất nhiều, đây là thủ đoạn không chính đáng. Những gì họ có được, chúng ta vừa mới nói rồi, đều là của mà trong số mạng họ có. Nếu trong số mạng không có thì chắc chắn không thể có được. Cướp đoạt của người khác, vẫn là của mà trong số mạng mình có. Cũng như nói là hưởng thụ trước mà thôi, tổn hại đến người khác là tạo tội nghiệp. Phước báo của mình hưởng thụ trước hết rồi, cũng là tạo tội nghiệp. Cho nên chúng ta nhất định phải biết, tiền của nào cũng có chủ của nó cả. Tiền của bất nghĩa nhất định không được lấy, sau khi lấy rồi nhất định có tai nạn, chắc chắn không có lợi ích.
Phía sau có “Chủ Súc Quỉ Vương”. “Súc” là súc sanh, là vật nuôi trong nhà. Những súc sanh này cũng có quỉ thần giám sát. Chúng ta đối xử với những súc sanh này cũng phải có lễ. Súc sanh thông tánh người. Hôm kia cư sĩ Lý Mộc Nguyên kể cho chúng tôi nghe ở Quang Minh Sơn có nuôi chó, ở nơi đó có rất nhiều chó được phóng sanh. Họ quan sát thấy những con súc sanh này có linh tánh. Người ưa thích chó, người yêu chó, chó vừa nhìn thấy bạn liền vẫy đuôi rất thân thiết với bạn. Người ăn thịt chó, người giết chó, khi chó vừa nhìn thấy bạn từ xa đã cất tiếng sủa rồi, và có thái độ rất hung dữ đối với bạn. Nó có thể cảm nhận được, chó có thể cảm nhận được. Không chỉ là loại súc sanh này, mà toàn bộ tất cả loài súc sanh, bạn không hại chúng, thì chúng sẽ không làm tổn hại bạn. Chúng ta xem “Truyện Ký” của Pháp Sư Ấn Quang, đó là sự thật, tuyệt đối không có một mảy may khoa trương. Ấn Quang Đại Sư sau 70 tuổi, thì những con muỗi, bọ chét này thảy đều không còn quấy rầy Ngài nữa. Căn phòng này thật sự thường hay có những loại như ruồi, muỗi, kiến. Khi pháp sư Ấn Quang đến ở căn phòng này, thì số động vật nhỏ này bèn dời nhà đi hết rồi. Tại sao vậy? Cả đời Ấn Quang Đại Sư không làm tổn hại động vật nhỏ. Trước đây trong phòng cũng có những thứ này, những vị thị giả và tín đồ của Ngài, muốn dọn đuổi chúng đi. Lão pháp sư nói không cần, cứ để chúng ở lại đó. Tại sao vậy? Đức hạnh của tôi không đủ. Để chúng lại là nhằm cảnh tỉnh, sách tấn tôi, là để cảnh giác, cho nên mọi người mới không động đến. Lâu ngày thì số động vật nhỏ này đều được cảm hóa rồi. Đây là một ví dụ rất hay. Đại sư có thể làm được, tại sao chúng ta không làm được? Phải thường xuyên sinh tâm hổ thẹn, phải học tập theo pháp sư Ấn Quang. Vị thứ 19-20 dưới đây là “Chủ Cầm, Chủ Thú Quỉ Vương”. Đây là nói đến cầm thú. Mỗi loại cầm thú đều có một loại quỉ vương. Ngài ở trong đây cũng nói đến mười hai con giáp ở trong Ngũ Hành mà đại sư Thiên Thai nói. Mười hai con giáp đều là cầm thú cả, là thuộc về loại này. Những quỉ vương này cũng là Bồ-tát, pháp thân đại sĩ hóa thân ở trong đó.
Vị thứ 21 là “Chủ Mỵ Quỉ Vương”. “Mỵ” người bình thường chúng ta gọi là yêu quái, là thuộc vào loại này. Chúng sanh thuộc loại này, người đời thường nói chúng sống lâu năm sẽ biến thành yêu quái, biến thành yêu tinh. Ở Trung Quốc thần cây là nhiều nhất, cây cổ thụ lâu năm, cổ thụ nghìn năm đều có những quái vật này. Đây là gì vậy? Trong Phật pháp chúng ta gọi là thần cây. Lâu đời rồi nó dần dần sẽ thông linh, nó có thể biến hóa, nó cũng có tu hành. Nó tu phương pháp gì? Chúng ta không thể biết được. Ở trong tưởng tượng của chúng tôi, có lẽ cũng gần giống như cõi người chúng ta vậy, có rất nhiều pháp môn tu học. Chúng tu hành chưa có lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên mới biến thành loại quỉ mỵ này. Nếu như lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vậy thì tương ưng với đạo Phật rồi. Khác biệt giữa đạo Phật với tất cả đạo thế gian là ở chỗ này. Cho nên chúng tu hành mặc dù đắc thần thông, mặc dù đắc trí tuệ, cũng không thể thoát khỏi tam giới lục đạo, là chưa thể lìa khỏi phân biệt, chấp trước.
Vị dưới đây là: “Chủ Sản Quỉ Vương”. “Sản” là nói sinh sản. Chỗ này nói rất rõ ràng, là đưa rước bảo vệ sinh sản. Loại quỉ vương này rất được dân gian tôn trọng. Ở thành phố Đài Bắc hình như là có một cái miếu thờ Bảo Sanh Đại Đế, chúng tôi chưa vào, nhưng đã từng đi ngang qua cửa của họ, nhìn thấy trên tấm biển đề Bảo Sanh Đại Đế, chính là thuộc vào loại quỉ vương này. Loại quỉ vương này phần lớn là thân phận phụ nữ.
Vị thứ 23 là “Chủ Mệnh Quỉ Vương”. Đây là trong kinh Phật nói: “Tỳ Sa Môn chủ việc bảo vệ mạng sống của người trong bốn thiên hạ.” Tỳ Sa Môn là Bắc Phương Thiên Vương trong Tứ Đại Thiên Vương. Tứ Thiên Vương là tôn Bắc Phương Thiên Vương làm thủ lĩnh, cho nên gọi là Hộ Thế Thiên Vương. Đây là đức Phật căn dặn họ phải bảo vệ mạng người trong bốn thiên hạ.
Vị thứ 24 là “Chủ Tật Quỉ Vương”. “Tật” là bệnh tật. Hễ con người bị bệnh, thì quỉ vương này nhất định sẽ có mặt. Bị bệnh nói thực ra, người bệnh và thầy thuốc đều là có duyên với nhau. Cho nên trong lúc bị bệnh, quan trọng nhất là tâm địa phải thanh tịnh, từ bi, thành kính, thì bạn sẽ cảm được sự giúp đỡ của Chủ Tật Quỉ Vương. Bạn gặp được thầy thuốc, thầy thuốc kê toa thuốc cho bạn, cung cấp cho bạn những loại thuốc và phương pháp điều trị này, luôn luôn có quỉ thần ở đó giúp đỡ. Nếu như tâm địa của bạn không thanh tịnh, có rất nhiều vọng tưởng, đặc biệt là tư tưởng tà ác, thì quỉ vương đó sẽ gây phiền phức cho bạn, bệnh này của bạn sẽ rất khổ. Bạn phải biết đạo lý này.
Vị thứ 25 là “Chủ Hiểm Quỉ Vương”. Đây là nói đến núi cao, biển lớn những chỗ nguy hiểm này, đó là khu vực quản lý của họ. Hiện nay có rất nhiều người ưa thích leo núi, cũng có rất nhiều người thích đi biển. Đây đều là nơi rất dễ bị gặp nguy hiểm hoạn nạn, cực kỳ nguy hiểm. Phải biết những nơi này đều có quỉ thần quản lý cả. Chúng ta cũng có cơ hội đi du lịch ở những nơi này, hiện nay gọi là tham quan du lịch. Cho nên trong “Kinh Địa Tạng” có nói, trước khi chúng ta đi du lịch, tốt nhất trước khi đi du lịch một tuần phải tụng “Kinh Địa Tạng”, niệm danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng đủ vạn biến, thì hành trình du lịch của bạn sẽ được thiện thần phù hộ, trên hành trình được bình an. Tại sao đọc kinh này và niệm danh hiệu Địa Tạng có thể được bình an vậy? Những quỉ thần này quan hệ vô cùng mật thiết với Bồ-tát Địa Tạng. Bạn có thể tôn kính Bồ-tát Địa Tạng, tu học theo pháp môn Bồ-tát Địa Tạng, họ nhìn thấy sinh tâm hoan hỷ, họ sẽ lễ kính đối với bạn. Cho nên những chỗ nguy hiểm này, bạn luôn luôn có thể tránh được tai nạn, hung dữ.
Dưới đây nói: “Tam Mục Quỉ Vương”, “Tứ Mục Quỉ Vương”, “Ngũ Mục Quỉ Vương”. Đây là nói từ trên hình dạng của họ. Họ có ba con mắt, bốn con mắt, năm con mắt. “Kỳ Lợi Thất Vương”, trong chú giải nói ý nghĩa của cái tên này trong phiên dịch không có nói rõ ràng. Nhưng trong “Kinh Kim Quang Minh”, phiên dịch thành Đại Lực Thiên, cũng có khi phiên dịch thành Thần Lửa, là thuộc loại này. Chú giải này có thể tham khảo. Đức Phật năm xưa giảng kinh là ở Ấn Độ, thời gian giảng kinh ở lưu vực sông Hằng là tương đối dài. Đức Phật nói những quỉ thần này, Ngài nói Kỳ Lợi Thất Vương là ở phía bắc sông Hằng, khả năng là thuộc vào nhóm quỉ thần này của Ấn Độ, là tên của vị thần ở khu vực đó, ở phía nam, bắc sông Hằng.
“A Na Tra Vương”. Người Trung Quốc gọi là Na Tra, đây là thuộc về những vị ở giữa thiên thần và quỉ thần, là ranh giới giữa thiên thần với quỉ thần. Đại khái là do Tứ Vương Thiên cai quản. Tứ Vương Thiên cũng có thể gọi họ là thiên thần, cũng có thể gọi họ là quỉ thần. Họ là thủ lĩnh của quỉ thần, là do Đao Lợi Thiên Chủ cai quản, chịu sự quản lý của Đao Lợi Thiên Chủ. Cho nên nói thực ra họ cũng là đại quỉ vương. Tứ Thiên Vương là thủ lĩnh ở trong quỉ vương. Xem tiếp kinh văn dưới đây:
“Như thị đẳng đại quỷ vương, các các dữ bách thiên chư tiểu quỷ vương, tận cư Diêm Phù Ðề, các hữu sở chấp, các hữu sở chủ.”
(Những vị Ðại Quỉ Vương như thế v.v…. mỗi vị cùng với trăm nghìn Tiểu Quỉ Vương, cả thảy ở trong cõi Diêm Phù Ðề, đều có chức trách, đều có phần chủ trị.)
Đây là nói tổ chức xã hội ở trong cõi quỉ. Tình trạng của tổ chức này gần giống với nhân gian. Nói thực ra loại tình hình này ở trong lục đạo, thế giới Ta bà, thế giới chư Phật nơi khác đại thể đều giống nhau. Cái gọi là người cùng tâm ấy, tâm cùng lý ấy, về mặt kết cấu đại thể đều giống nhau. Những quỉ vương này mỗi vị đều có chức trách riêng của họ. “Các hữu sở chấp” tức là sự quản lý của họ. “Sở chủ” là phạm vi quản lý của họ. Họ quản lý những sự vật này.
“Thị chư quỷ vương dữ Diêm La thiên tử, thừa Phật oai thần cập Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát lực, câu nghệ Ðao Lợi tại nhất diện lập”
(Các vị Quỉ Vương đó cùng với Vua Diêm La nương sức oai thần của Ðức Phật và oai lực của Ngài Ðịa-Tạng Bồ Tát, đồng lên đến cung trời Ðao Lợi đứng qua một phía)
Đây là nói rõ tại sao họ có thể tham gia pháp hội tại cung trời Đao Lợi này. Đây là nhờ nương vào sức oai thần của đức Phật gia trì và Bồ-tát Địa Tạng thường ngày chỉ dạy. Bởi nhờ nhân duyên này, họ mới có thể cùng Bồ-tát Địa Tạng đến cung trời Đao Lợi tham gia pháp hội lần này của Phật Thích Ca Mâu Ni được. Trong pháp hội “Nhất diện lập”, là ở trong pháp hội có chỗ ngồi của họ. Đây là giới thiệu nhân vật ra cho chúng ta. Xem tiếp bên dưới những hoạt động của họ ở trong pháp hội.
“ Nhĩ thời Diêm La thiên tử hồ quỵ hiệp chưởng.”
(Bấy giờ Vua Diêm La quì gối chắp tay bạch cùng Ðức Phật rằng:)
Đây là chí kính.
(Bạch Phật ngôn: “Thế Tôn, ngã đẳng kim giả dữ chư quỷ vương, thừa Phật oai thần cập Ðịa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát lực, phương đắc nghệ thử Ðao Lợi đại hội, diệc thị ngã đẳng hoạch thiện lợi cố. Ngã kim hữu tiểu nghi sự cảm vấn Thế Tôn, duy nguyện Thế Tôn từ bi tuyên thuyết”.
(‘Bạch đức Thế-Tôn! Nay chúng con cùng các vị Quỉ Vương nương sức oai thần của Ðức Phật và oai lực của Ngài Ðịa-Tạng Bồ Tát mới được lên đến đại hội nơi cung trời Ðao Lợi này, mà cũng là vì chúng con đặng phước lành vậy. Nay chúng con có chút việc nghi ngờ, dám bạch hỏi đức Thế-Tôn, cúi xin đức Thế-Tôn từ bi vì chúng con mà chỉ dạy cho’)
Đây là hoạt động quan trọng của họ ở trong pháp hội, là đến thỉnh pháp. “Ngã đẳng”. Phạm vi của chữ “đẳng” rất rộng, có thể nói là tất cả giáo chủ cõi U Minh tận hư không khắp pháp giới. Ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là thế chủ, là chủ thế gian. Diêm La và Quỉ Vương cũng là một trong các thế chủ. Số lượng cũng là vô lượng vô biên. Pháp hội Hoa Nghiêm xứng tánh. Pháp hội Địa Tạng cũng xứng tánh. Trong kinh này chúng ta cũng nhìn thấy rất rõ ràng. Xứng tánh dùng cách nói hiện nay để nói là đột phá tất cả không gian, thời gian. Pháp hội này hiển thị chính là nhất chân pháp giới, pháp giới bình đẳng, không có khác gì so với Hoa Nghiêm. Được Phật lực của đức Phật gia trì, và oai thần của Bồ-tát Địa Tạng gia trì họ mới có cơ hội tham dự pháp hội lần này. Dưới đây nói:
“Diệc thị ngã đẳng hoạch thiện lợi cố.”
(Mà cũng là vì chúng con đặng phước lành vậy.)
Tham dự pháp hội này họ vô cùng hoan hỷ, họ được phước lành lớn, lợi ích lớn. Có thể ở trong pháp hội lần này nghe Phật và các Bồ-tát khai thị, đây chính là được phước lành. Nhưng sau khi nghe rồi họ vẫn còn nghi ngờ. Cho nên “Dám bạch hỏi đức Thế Tôn”, hy vọng Thế Tôn chỉ dạy cho họ biết, phá trừ nghi ngờ cho họ. Đây là đến thỉnh pháp.
“Phật cáo Diêm La thiên tử: “Tứ nhữ sở vấn, ngô vị nhữ thuyết”.
(Ðức Phật bảo Vua Diêm La rằng: ‘Cho phép ông hỏi, Ta sẽ vì ông mà dạy rõ’.)
Thế Tôn vô cùng từ bi, nói với những vị vua Diêm La này, các ông có nghi ngờ gì thì cứ nêu ra, các ông cứ tùy ý hỏi, đức Phật sẽ giải đáp hết. Trong Phật pháp, quan trọng nhất là phá mê sinh tín, có nghi ngờ nhất định phải hỏi. Nếu có nghi ngờ mà không hỏi, thì chắc chắn sẽ sinh ra chướng ngại rất lớn trong việc tu học. Chúng tôi nói tu học, quí vị nhất định phải hiểu, tu học chính là đời sống hiện thực của chúng ta, tu hành với đời sống là một sự việc, tuyệt đối không phải là hai sự việc. Hầu hết mọi người hiện nay thường hay xem việc tu học với đời sống thành hai sự việc, thế là hoàn toàn sai rồi! Cho nên họ ở trong đời sống không thể cải thiện được, họ không được lợi ích, không được tốt đẹp, chính là do quan niệm sai lầm này tạo nên.
“Thị thời Diêm La thiên tử chiêm lễ Thế Tôn, cập hồi thị Ðịa Tạng Bồ Tát.”
(Bấy giờ, Vua Diêm La chiêm ngưỡng đảnh lễ đức Thế-Tôn và ngó ngoái lại Ngài Ðịa-Tạng Bồ Tát.)
Đây là lễ tiết. Chỗ này chúng ta cũng phải học theo. Những người này là tùy tùng cùng đi với Bồ-tát Địa Tạng đến pháp hội này, họ thỉnh giáo đức Thế Tôn, nhất định không thể quên thầy của họ. Bồ-tát Địa Tạng là thầy của họ, cũng phải thăm hỏi thầy, chào hỏi thầy, đây là mong thầy gia trì.
“Nhi bạch Phật ngôn:”
(Rồi bạch Phật rằng:)
Rồi mới nói.
“Thế Tôn, ngã quán Ðịa Tạng Bồ Tát tại lục đạo trung, bách thiên phương tiện nhi độ tội khổ chúng sanh, bất từ bì quyện. Thị đại Bồ Tát hữu như thị bất khả tư nghị thần thông chi sự.”
(‘Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét Ngài Ðịa-Tạng Bồ Tát ở trong sáu đường dùng trăm nghìn phương chước để cứu độ những chúng sanh mắc phải tội khổ, Ngài không từ mệt nhọc. Ngài Ðịa-Tạng Bồ Tát đây có những sự thần thông không thể nghĩ bàn được như thế.)
Đây là khen ngợi trước. Thần lực từ bi của Bồ-tát Địa Tạng, các vua Diêm La biết rất rõ về Bồ-tát Địa Tạng. Đối với tâm từ bi và oai đức của Bồ-tát Địa Tạng, họ từ lâu đã vô cùng kính ngưỡng rồi. Lời Ngài nói toàn là sự thật. Bồ-tát Địa Tạng ở trong lục đạo, đặc biệt là Tam Đồ, chúng sanh nơi nào thọ nạn khổ nhất, thì Bồ-tát Địa Tạng nhất định sẽ đến nơi đó, nhất định không từ bỏ chúng sanh. Ngài giáo hóa chúng sanh có vô lượng vô biên phương pháp, ở trong kinh chỉ nói đại khái, chỉ nói cương lĩnh nguyên tắc mà thôi. Chúng ta từ trong bộ kinh này hãy thể hội thật kỹ, đâu chỉ có “Trăm nghìn phương tiện”? Độ hóa những chúng sanh tội khổ này, vĩnh viễn không có mệt mỏi, là giống như Bồ-tát Phổ Hiền vậy. Tột bờ mé vị lai cũng không có mệt mỏi, không mệt không chán. Câu cuối cùng là khen ngợi đối với Bồ-tát: “Có những sự thần thông không thể nghĩ bàn như thế”.
“Nhiên chư chúng sanh thoát hoạch tội báo, vị cửu chi gian hựu đọa ác đạo.”
(Nhưng sao hàng chúng sanh vừa đặng thoát khỏi tội báo, không bao lâu lại phải bị đọa vào ác đạo nữa?)
Đây chính là chỗ mà vua Diêm La nghi ngờ, không thể lý giải được, họ nói ra chỗ nghi ngờ rồi. Những chúng sanh này đã thoát khỏi ác đạo. “Tội báo” chính là chỉ ba ác đạo. “Thoát” là thoát khỏi. “Hoạch” là được thoát khỏi tội báo. Nhưng “Vị cửu chi gian, hựu đọa ác đạo.” “Vị cửu” là thời gian rất ngắn ngủi. Trong chú giải có nêu ra ví dụ, là nêu ra địa ngục Đẳng Hoạt ở trong địa ngục. Địa ngục Đẳng Hoạt là thuộc một trong tám địa ngục lớn. Tuổi thọ ở trong địa ngục này giống như Tứ Thiên Vương vậy. Năm mươi năm của nhân gian bằng một ngày trong địa ngục. Người này rời khỏi địa ngục đến nhân gian, ở nhân gian lại tạo tội nghiệp, cho dù sống đến một trăm tuổi, sau khi chết rồi lại trở về địa ngục. Ở địa ngục tính ra mới có hai ngày. Một trăm năm ở nhân gian bằng hai ngày ở địa ngục, họ đi sao mới hai ngày đã trở lại rồi? Sự việc này quá nhiều, quá nhiều. Thông thường ở trong cõi quỉ, quí vị biết, một ngày trong cõi quỉ, là một tháng của nhân gian chúng ta. Trải qua một năm ở nhân gian thì ở cõi ngạ quỉ mới có mười hai ngày. Cho nên họ có thể nhìn thấy những người này tiếp nhận sự giáo hóa của Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Địa Tạng hết lòng đắng miệng khuyên bảo, họ giác ngộ rồi, quay đầu rồi. Một niệm quay đầu như vậy họ liền thoát khỏi ác đạo. Cho dù ở địa ngục A Tỳ cũng không ngoại lệ, chỉ cần bạn một niệm hướng thiện, thì một niệm đó liền thoát khỏi ngay, đừng coi thường một niệm này. Người thế gian chúng ta niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ cũng là một niệm. Một niệm lúc lâm chung đó nếu như bạn niệm là Phật A-Di-Đà, bạn nghĩ đến là thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì một niệm đó liền vãng sanh ngay. Bình thường dạy chúng ta niệm Phật là huấn luyện, chỉ sợ lúc sắp mạng chung sẽ quên mất một niệm đó. Một niệm đó sai lầm là hỏng ngay! Bình thường là giống như luyện binh vậy, một niệm cuối cùng lúc lâm chung đó là giao chiến. Hơi thở này của bạn dứt rồi, bạn đến thọ sanh ở cõi nào là nương vào một niệm lúc lâm chung, cho nên chúng ta phải coi trọng một niệm này. Làm sao mới thật sự nắm chắc để cho một niệm này không bị mất đi? Nhất định phải biết tu phước. Người có phước báo, thật sự có phước báo, không phải hiện tiền có của cải, có địa vị, không phải vậy. Phước báo này là giả. Thật sự có phước báo là lúc mạng chung không có bệnh khổ, biết trước giờ đi, biết mình lúc nào sẽ đi, không bị bệnh, biết rất rõ ràng, sáng suốt, đi ở tư thế đứng, tư thế ngồi, vô cùng tự tại, người này gọi là đại phước báo. Tại sao nói họ là đại phước báo? Bởi vì họ vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, không tạo những nghiệp lục đạo này nữa. Nếu như họ quay trở lại nhân gian, quay trở lại lục đạo nữa, thì họ là Bồ-tát chứ không phải phàm phu. Họ đến thế gian là tùy loại hóa thân. Là giống như những vị vua Diêm La này vậy, là hóa thân đến. Họ là đến để cứu khổ cứu nạn, giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn này, tuyệt đối không phải tạo nghiệp thọ báo, đây gọi là đại phước báo, đây là phước báo đích thực. Chúng ta nhất định phải thấy rõ ràng, phải thấy minh bạch. Cho nên không nên cầu phước báo hữu lậu thế gian, chúng ta nên tu phước báo vô lậu, như vậy mới là người trí tuệ đích thực, người thật sự sáng suốt, nhà Phật gọi là người giác ngộ chân chánh. Đây là hiện tượng mà họ nhìn thấy, bèn thỉnh giáo Phật Thích Ca Mâu Ni. Thực ra những sự việc này đâu có chuyện họ không biết. Đây chính là biết rõ mà vẫn hỏi, để cho đức Phật nói ra thì mọi người mới tin. Bồ-tát nói ra, quỉ vương nói ra thì mọi người vẫn không đủ niềm tin, nên thỉnh Phật nói. Cho nên cách hỏi này là thuộc về cách hỏi nhằm lợi lạc cho hữu tình, chứ không phải họ không biết. Họ là hỏi thay cho chúng sanh, đây là điểm chúng ta nhất định phải học tập. Nếu muốn Phật pháp hoằng dương rộng khắp, nếu muốn Phật pháp trụ lâu ở thế gian thì nhất định phải biết nêu ra nghi vấn thay cho chúng sanh.
“Thế Tôn, thị Ðịa Tạng Bồ Tát ký hữu như thị bất khả tư nghị thần lực, vân hà chúng sanh nhi bất y chỉ thiện đạo vĩnh thủ giải thoát, duy nguyện Thế Tôn vị ngã giải thuyết.”
(Bạch đức Thế-Tôn! Ngài Ðịa-Tạng Bồ Tát đã có thần lực chẳng thể nghĩ bàn như thế, nhưng tại vì cớ sao hàng chúng sanh chẳng chịu nương về đường lành để được giải thoát mãi mãi? Cúi xin đức Thế-Tôn dạy rõ việc đó cho chúng con.)
Đây đích thực là nghi hoặc lớn lao của chúng ta. Các Ngài rất từ bi nêu ra câu hỏi thay cho chúng ta. Trí tuệ từ bi, thần thông, đạo lực của Bồ-tát Địa Tạng không có khác gì so với chư Phật Như-lai, điểm này chúng ta phải biết. Học trò của Bồ-tát Địa Tạng, người đã thành Phật không thể tính hết, không cách gì tính được. Nhưng vị thầy này vẫn ở địa vị Bồ-tát, đây là từ bi đến cực điểm. Tại sao Ngài cứ ở địa vị Bồ-tát mà không dùng địa vị Phật để độ chúng sanh? Điểm này mọi người nhất định phải biết, Phật là sư đạo. Pháp thế gian và xuất thế gian nhất định phải tôn sư trọng đạo, cho nên dùng thân phận thầy: “Chỉ văn lai học, vị văn vãng giáo.” Nghĩa là chỉ có bạn đến nơi đó để cầu học, chứ không có nghe nói thầy đến dạy bạn, không có đạo lý này. Hay nói cách khác, dùng thân phận Phật để độ chúng sanh sẽ có rất nhiều việc bất tiện, không thể chủ động đi giáo hóa chúng sanh, cũng không thể nói là không có người mời thỉnh đức Phật bèn nói. Nhất định phải có người mời thỉnh, nhất định phải để người ta tôn kính đối với pháp, tôn kính đối với học thuật thì thầy mới có thể dạy. Thân phận Bồ-tát thì khác, thân phận của Bồ-tát là bạn học, là thân phận học trưởng. Cho nên giống như lời trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói là: “Làm người bạn không mời”, đây là Bồ-tát. Phật thì không được. Cho nên Phật phải lui lại địa vị Bồ-tát mới có thể rộng độ chúng sanh. Trí tuệ, thần thông, đạo lực của Bồ-tát Địa Tạng thật sự không có khác gì so với tất cả Như-lai, tại sao những chúng sanh này không nghe lời? Không tuân theo sự dạy bảo của Bồ-tát để: “Vĩnh thủ giải thoát”. Nói thực ra chúng ta nhìn thấy những tôn giáo khác trong thế gian, thậm chí là nhìn thấy ở trong Nhất Quán Đạo, kinh điển của Nhất Quán Đạo, trong đó cũng có nhắc đến khuyên người ta niệm Phật A-Di-Đà, cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc để vĩnh viễn được giải thoát, trong đó cũng có khuyên người ta niệm Quan Thế Âm Bồ-tát tiêu tai miễn nạn. Tại sao người ta không chịu nghe? Chúng ta nói câu chung chung là tập khí nghiệp chướng quá nặng, cũng tức là tham-sân-si, vọng tưởng quá nặng, không buông xuống được. Bên trong có tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp đến nay, bên ngoài lại bị cám dỗ bởi ngũ dục lục trần, cảnh giới bên ngoài. Hiện nay trong ngũ dục lục trần lại cộng thêm yêu ma quỷ quái nữa thì sức mạnh càng lớn thêm. Thế nên vừa thoát ra khỏi địa ngục sanh đến cõi người chưa được bao lâu lại bị mê hoặc, lại tạo tội nghiệp, lại đọa lạc trở lại rồi. Không phải là Ðịa Tạng Bồ Tát không có năng lực này, mà vì chúng sanh không chịu nghe lời, không thể y giáo phụng hành, nên mới chuốc lấy những khổ nạn này.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi giảng đến đây thôi.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.