KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 102 TẬP
Tập 3
Hôm qua giảng đến đề kinh, giới thiệu xong “Bồ-tát Địa Tạng”. Hôm nay chúng ta tiếp tục giới thiệu tiếp “Bổn Nguyện”. Đề mục có quan hệ rất lớn đối với việc chúng ta tu học, nhất định phải lý giải thật rõ ràng. Có rất nhiều các bạn đồng tu, không thể nói họ không dụng công, không thể nói họ không tinh tấn. Tại sao không thể đạt được thành tựu vậy? Thật sự là bởi vì đối với kho báu tâm địa chưa thể thật sự nhận thức rõ ràng. Người thế gian trong quá khứ, bất luận là ở ngành nghề nào, đặc biệt là người có ăn học, Phật pháp là càng không ngoại lệ. Ở trong thế pháp coi trọng lập chí. Một người không có chí hướng, họ cả đời phấn đấu, nỗ lực nhưng không có mục tiêu, thì đương nhiên sẽ không có kết quả. Phật pháp nói phát nguyện, phát nguyện với lập chí mà người thế gian nói có ý nghĩa giống nhau. Nhất định phải phát thệ nguyện lớn. Tại sao chúng ta không thể phát nguyện được vậy? Đạo lý này chẳng hề khó hiểu. Trong kinh Phật thường hay lấy ví dụ. Ví dụ như thực vật, tại sao hạt giống không thể nẩy mầm, không thể sinh trưởng? Vì hạt giống này không có gieo xuống đất. Chúng ta để hạt giống ở trên bàn, để ở trong tách trà, thì vĩnh viễn không thể nẩy mầm, phát triển. Cho nên, nguyện nhất định phải có chỗ dựa. Dựa vào cái gì vậy? Dựa vào đất, dựa vào tâm địa. Tâm địa không trong sáng, thì nguyện làm sao có thể sinh ra được? Là đạo lý nhất định. Cây cối phải dựa vào đất mới có thể mọc rễ, mới có thể tốt khỏe, ra hoa kết quả. Đại nguyện của chư Phật Bồ-tát đều là thiết lập từ trong tâm địa. Cho nên hai chữ Địa Tạng rất quan trọng.
Tại sao nói tu học đại thừa bắt đầu từ “Địa Tạng”? Tâm nguyện của bạn là thiết lập từ Địa Tạng, hạnh của bạn cũng thiết lập từ Địa Tạng. Trong tâm địa hàm chứa vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, bạn mới có thể phát huy được. Nếu như không rõ tâm địa, không biết tâm địa vốn có kho báu đức năng, thì bạn khổ tu như thế nào cũng không thể có thành tựu được. Nguyện là hạt giống. Ở chỗ này nói nguyện là hạt giống. Ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” ví tín tâm là hạt giống, cũng rất có đạo lý. Bạn không tin, thì nguyện của bạn sinh từ đâu?
Nguyện còn gọi là bổn nguyện. Buổi hôm trước có nhắc qua sơ lược với quý vị rồi. Bổn có hai ý nghĩa: Nói từ trên sự, vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp đều đã từng phát qua cái nguyện này rồi. Đã phát nguyện này nhưng tại sao bạn không thành tựu? Nguyện đã phát rồi, nhưng không phải phát từ trên tâm địa, không phải phát từ trong chân tâm bản tánh. Phát từ đâu vậy? Là phát từ tâm ý thức, là phát từ vọng tâm. Vọng tâm là tâm sinh diệt, nên cái nguyện đó của bạn sẽ diệt. Nếu như phát từ trong chân tâm, thì cái nguyện này không thể diệt. Chân tâm bất sanh bất diệt, nên sau khi nguyện này phát rồi sẽ không thối chuyển. Phát từ trong vọng tâm sẽ thối chuyển. Duyên tan rồi thì nguyện cũng mất luôn. Đời này lại sanh đến nhân gian, lại gặp được Phật pháp, lại khơi ra tiếp cái tâm nguyện trước đây. Sự việc là như vậy, cho nên gọi nó là bổn nguyện. Ý nghĩa này cạn.
Ý nghĩa sâu hơn một tầng nữa, “Bổn” chính là chân như bản tánh. Phát đại nguyện từ trong chân như bản tánh gọi là bổn nguyện. Quý vị nên biết, quả thật phát đại nguyện từ chân như bản tánh, thì bạn không phải phàm phu, mà chính là pháp thân đại sĩ trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói, bởi vì bạn biết dùng chân tâm. Dùng vọng tâm là phàm phu, dùng chân tâm là Bồ-tát. Nếu các bạn học qua “Bách Pháp Minh Môn”, một cuốn sách nhập môn của Pháp Tướng Duy Thức. Ở trong “Bách Pháp Minh Môn” nói với bạn: “Đồng sanh tánh, dị sanh tánh”. hai cái này đều là ý nghĩa của chữ “Bổn” này. Dị sanh tánh chính là dùng vọng tâm. Dị là khác nhau, là không giống như Phật Bồ-tát, dùng tâm không giống nhau. Phật Bồ-tát dùng chân tâm, bạn dùng vọng tâm. Bạn khác với Phật Bồ-tát nên gọi là dị sanh tánh. Những người nào là dị sanh tánh vậy? Thập pháp giới đều là dị sanh tánh. Đừng nói phàm phu lục đạo, mà Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát và Phật trong thập pháp giới, giống như tông Thiên Thai nói Phật Tạng Giáo, Phật Thông Giáo đều là dị sanh tánh. Những người nào là đồng sanh tánh vậy? Đồng sanh tánh là dùng chân tâm giống như chư Phật Như-lai vậy. Nếu như dùng cách nói của Tướng Tông để nói thì chuyển 8 thức thành bốn trí, đây là dùng chân tâm, chính là đồng sanh tánh. Đồng là giống như chư Phật Như-lai, là dùng tâm giống như Phật vậy, dùng chân tâm. Tâm của Phật giống như trăng ngày rằm vậy. Nếu như bạn biết dùng đồng sanh tánh, thì bạn cũng giống như là trăng non mồng hai, mồng ba vậy. Tuy ánh trăng non không giống như ánh sáng của trăng rằm, nhưng mà đều là chân thật, đều là ánh trăng đích thực, không phải giả. Dị sanh tánh, người xưa dụ nó như trăng trong nước, là bóng của mặt trăng, cái đó gọi là dị sanh tánh, cái đó khác nhau, là không phải thật. Tuy là trăng non, giống như Bồ-tát sơ trụ, Bồ-tát thập trụ thật sự là trăng non, đến thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa dần dần tăng thêm ánh sáng của nó, đến trên quả địa Như-lai đó chính là trăng tròn, thảy đều là dùng chân tâm.
Xây dựng lòng tin từ chân tâm, phát ra đại nguyện từ trong chân tâm, đây là bổn nguyện. Nguyện lực như vậy, cổ đức nói có thể qua được khảo nghiệm, sóng to gió lớn như thế nào họ cũng không bị dao động, bất kể cảnh thuận, cảnh nghịch như thế nào, họ nhất định sẽ không bị cảnh giới làm lay động. Tại sao vậy? Nguyện đó của họ là phát từ chân tâm, là dựa vào chân tâm. Nếu như không phải dựa vào chân tâm, mà nguyện phát từ vọng tâm, cái nguyện lực này không mạnh, nguyện lực rất yếu, rất dễ dàng bị cảnh giới lay chuyển, rất dễ bị mê mất phương hướng. Đây là điều chúng ta nhất định phải biết. Chân tâm là giống như đất vậy. Ở trong chân tâm vốn đầy đủ trí tuệ, đức năng, giống như là rễ vậy. Lập nguyện chính là gốc. Sau đó bạn hành trì, chúng tôi nói khởi tâm động niệm, lời nói việc làm giống như cành nhánh của cây vậy. Cành nhánh, hoa lá, kết quả tự nhiên sẽ xanh tươi. Cho nên, nguyện phải phát từ chân tâm. Chân tâm nhất định phải khẳng định kho báu tâm địa của mình không có khác gì so với 10 phương chư Phật Như-lai, bạn phải khẳng định. Từ chỗ này xây dựng lòng tin, từ chỗ này phát khởi đại nguyện.
Tuy chúng ta từ trong kinh giáo biết có sự việc như vậy, nhưng ở trong đời sống vọng tâm vẫn cứ làm chủ như thường. Một khi vọng thì tất cả đều vọng, không thể nói tôi phát tâm, phát nguyện là chân, còn những việc khác là vọng, không có đạo lý này. Một khi chân thì tất cả đều chân, một khi vọng thì tất cả đều vọng. Từ đó cho thấy chúng ta ở trong đời sống thường ngày cần phải sửa đổi những tập khí hư vọng. Nếu không hạ công phu ở những chỗ này, thì không gọi là tu hành. Đó là giả, giả tu, không phải chân tu. Chân tu, không chỉ có Tông Môn mới chú trọng đề xướng tu từ căn bản (cho nên Thiền Tông thành tựu nhanh, căn bản là tâm địa), Giáo Hạ đâu có lý nào ngoại lệ, Tịnh Tông cũng không ngoại lệ.
Tịnh Tông nếu như dùng chân tâm tu, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là sanh về Thực Báo Trang Nghiêm Độ, chứ không sanh về Phương Tiện Hữu Dư Độ, Phàm Thánh Đồng Cư Độ. Nhưng Tịnh Tông đích thực là pháp môn phương tiện, bất kỳ tông phái nào, bất kỳ pháp môn nào khác, nếu như không dùng chân tâm thì chắc chắn không thể thành tựu. Cái hay của Tịnh Độ Tông là ở chỗ này, vọng tâm cũng có thể sanh Phàm Thánh Đồng Cư. Điều này đã cho chúng ta sự thuận tiện rất lớn. Người nào tập khí phiền não chưa đoạn hết, nếu như có thể dựa theo đạo lý, phương pháp trong kinh luận Tịnh Tông nói mà tu học thì cũng có thể thành công, cũng có thể vãng sanh. Đây là điểm vô cùng thù thắng của Tịnh Độ.
Cho nên phát nguyện, bạn căn cứ vào cái gì để phát, bạn phát ra từ chỗ nào? Chúng ta không thể không biết. Chúng ta lại nói thực tiễn vào trong sự tướng. Ở trong sự tướng có thông, có biệt. Thông nghĩa là cùng chung. Hết thảy Bồ-tát, hết thảy chư Phật Như-lai cùng chung nguyện lớn, đây chính là tứ hoằng thệ nguyện. Tứ hoằng thệ nguyện là nguyện chung. Cái nguyện này thiết lập, phát sinh ra từ chỗ nào? Là từ Bát nhã và từ bi trong tự tánh. Bạn chưa có trí tuệ thì không thể phát ra được, không có từ bi cũng không thể phát ra được. Bởi vì có trí tuệ, có từ bi nhìn thấy chúng sanh khổ, đặc biệt là chúng sanh ở trong lục đạo, vô thủy kiếp đến nay bị đọa lạc lưu chuyển ở trong sáu nẻo, không có cách gì thoát ra được. Phật, Bồ-tát nhìn thấy, nên phát khởi “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Nguyện này là phát từ chỗ này. Ở trong Tứ Đế, nương vào Khổ Đế mà phát. Chúng ta phát nguyện có phát từ đây không? Chúng sanh thời nay khổ hơn thời xưa không biết là gấp bao nhiêu lần. Người chưa giác ngộ, tâm ý họ ngu muội, quan sát pháp thế gian mơ hồ chung chung, thấy không rõ ràng.
Khoa học kỹ thuật đem lại cho chúng ta một số thuận tiện trong đời sống. Những thứ âm thanh, ánh sáng, hóa học, điện ngày nay, thời xưa không có, nhưng bạn có nghĩ đến chúng ta hưởng sự tiện lợi của khoa học kỹ thuật phải trả cái giá là bao nhiêu hay không? Nếu bạn tư duy thật kỹ, như lời cổ nhân nói: “Lợi bất cập hại”. Chúng ta được cái lợi rất nhỏ, thời gian rất ngắn ngủi, mà chúng ta phải trả cái giá quá lớn, quá đắt. Hay nói cách khác, chúng tôi nói rõ ràng, sáng tỏ thêm một chút, là kéo dài thêm thời gian thọ khổ trong lục đạo, tăng thêm khổ nạn trong lục đạo, bạn nói có đáng hay không? Tại sao lại có hiện tượng này vậy? Đời sống văn minh vật chất này làm tăng trưởng tham, sân, si, mạn của chúng ta, thua kém rất xa so với thời xưa. Thời xưa hầu hết mọi người đều có ý niệm tham, sân, si, mạn, nhưng ít hơn hiện nay. Hay nói cách khác, thời gian luân hồi của họ có thể rút ngắn, thọ khổ ở trong lục đạo có thể giảm nhẹ. Chúng ta ngày nay thì không như thế. Không cần nói quá xa, nửa thế kỷ trước vẫn chưa có nghe thấy người ta nói trái đất bị bệnh, môi trường sinh thái mất cân bằng, chưa có nghe nói bao giờ. Không khí ô nhiễm, môi trường ô nhiễm, chưa từng nghe nói bao giờ. 50 năm trước, 100 năm trước không có những danh từ này. Hiện nay khoa học kỹ thuật tiến bộ, có thể nói là thay đổi từng ngày, nhưng đem lại tai hại ngoài sức tưởng tượng của bạn. Nếu như những nhà khoa học này bỗng nhiên giác ngộ rồi, thấy tai hại, mặt trái này quá lớn, tôi nghĩ họ sẽ dừng khoa học kỹ thuật này, không phát triển nữa, không làm nữa. Một người mà đầu óc sáng suốt, thật bình tĩnh mới có thể quan sát ra được.
Cho nên chúng sanh khổ, tuy văn minh vật chất tiến bộ, nhưng đời sống của chúng sanh so với trước đây khổ hơn. Về mặt hưởng thụ vật chất có chút ít tiện nghi, nhưng đau khổ trong tinh thần thì người nào cũng không thể tránh khỏi. Bạn ngày nay sống trong xã hội này, bạn có của cải rất nhiều, có địa vị rất cao, vẫn không thể tránh khỏi, đâu có được sống thong dong tự tại như người thời xưa. Chúng tôi đã đọc trong cổ văn rất nhiều, trước đây người làm quan, làm thủ trưởng địa phương, công việc của người lãnh đạo không bận lắm, mỗi ngày làm một vài giờ là xong việc rồi, thời gian còn lại đọc sách, viết văn, vẽ tranh, ngao du sơn thủy, là sống đời sống tràn đầy ý thơ. Đâu có giống như người hiện nay, người hiện nay sống là tranh thủ từng giây từng phút. Cuộc sống này có gì mà căng thẳng, khẩn trương, đau khổ như vậy? Hiểu rõ chân tướng sự thật, thì có còn muốn đến nhân gian để đầu thai không? Sẽ không đến nữa. Người giác ngộ chỉ có Phật và đại Bồ-tát đến, để cứu độ những chúng sanh khổ nạn này. Nói thực ra tứ hoằng thệ nguyện, nguyện này mới là bổn nguyện đích thực. Nếu phát nguyện độ chúng sanh, thì mình nhất định phải làm gương mẫu, làm mẫu mực cho chúng sanh, đó là đức hạnh. Tại sao chúng sanh bị khổ vậy? Bởi vì phiền não không đoạn, kiến tư phiền não mỗi ngày đang tăng trưởng, mỗi ngày đang mở rộng. Quả báo của việc này không thể nghĩ bàn. Cho nên Phật, Bồ-tát phải làm một gương tốt, đoạn phiền não. Người thế gian phạm lỗi lầm, không hiểu chân tướng của vũ trụ nhân sinh, tăng trưởng tham sân si mạn, dùng mọi thủ đoạn làm những việc hại người lợi mình, không biết định luật nhân quả.
Người thế gian thường nói: “Tổn người lợi mình”. Thực ra câu nói này là sai, vẫn chưa hiểu chân tướng sự thật. Hiểu rõ chân tướng sự thật, chúng ta biết tổn người chắc chắn không lợi mình, không có đạo lý này. Chỉ có lợi người mới có thể lợi mình, đây mới là đạo lý nhất định. Tổn người làm sao lợi mình được? Nhưng họ mê hoặc điên đảo, cho rằng lợi ích của mình nhất định là thiết lập trên sự tổn thất của người khác thì chúng ta được lợi ích. Đây là vọng tưởng, đây là tạo tội nghiệp cực nặng. Cho nên chúng ta cần phổ biến”Liễu Phàm Tứ Huấn”, để cho những người này đọc nhiều một chút. Sau đó họ mới biết trọn đời mỗi chúng sanh “giọt nước hạt cơm đều do tiền định”. Bạn dùng thủ đoạn không chính đáng đoạt lấy được vẫn là cái mà trong số mạng bạn có. Nếu trong số mạng bạn không có, bạn hãy thử xem, bạn đi cướp của người ta, bạn thử xem bạn có thể cướp được không? Trong số mạng bạn không có, bạn chưa kịp ra tay là đã bị cảnh sát bắt rồi. Hay nói cách khác, những gì bạn có thể trộm được, bạn có thể cướp được, bạn có thể chiếm đoạt được, thảy là những cái mà trong số mạng bạn có. Không dùng những thủ đoạn này cũng có được, thì bạn việc gì phải khổ vậy! Cho nên người sáng suốt thường nói: “Quân tử vui mà làm quân tử, tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân”. Lời nói này chính là nói, phước báo cả đời của bạn là do bạn đời trước tu, trong số mạng bạn có cái phước báo này, bất kỳ sức mạnh nào cũng không thể ngăn nổi, bạn quyết định sẽ được, bạn quyết định không thể mất, việc gì phải dùng những thủ đoạn không chính đáng này chứ? Vậy là sai rồi! Phật, Bồ-tát ở thế gian thị hiện tấm gương tốt nhất cho chúng sanh. Bạn dùng thủ đoạn không chính đáng để đạt được, tôi dùng cách thức chính đáng tôi cũng đạt được. Tại sao phải làm những việc hại người hại mình này chứ? Tại sao không làm nhiều thêm những việc lợi mình lợi người?
Phật Bồ-tát làm tấm gương như vậy, nên mới có nguyện thứ hai: “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Ở trong đây quan trọng nhất là đoạn cho người khác thấy, nhất định phải vì xã hội đại chúng làm nên hình mẫu tốt, xây dựng đức hạnh của mình mới có thể được quảng đại quần chúng xã hội kính ngưỡng. Con người bạn có đạo đức, họ mới mong muốn học theo bạn, bạn khuyên họ, họ mới chịu nghe. Nếu đức hạnh của mình có khiếm khuyết, dù lời bạn nói thật sự là hay, người ta nghe xong sẽ hoài nghi, không thể tin, không thể tiếp nhận. Cho nên chưa độ chúng sanh, trước tiên phải thị hiện đức tướng. Tiêu chuẩn của đức hạnh cũng không có nhất định, phải xem tình hình hiện tiền, thời đại này, khu vực này, hầu hết chúng sanh là phạm những lỗi lầm nào? Nhắm vào những bệnh trạng này mà hành động, mới có thể thu được hiệu quả. Chúng sanh hiện nay tâm tham nặng, ham muốn danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, thì Bồ-tát thị hiện đầu tiên là phải buông xả danh vọng lợi dưỡng, từ bỏ ngũ dục lục trần, là phải bắt tay làm từ chỗ này, đây gọi là tự lợi lợi tha, thành tựu chính mình cảm hóa chúng sanh. Nếu như chỉ có giảng kinh thuyết pháp, mà bản thân không tự cố gắng nỗ lực thực hiện, thì người khác nghe xong sẽ có nghi hoặc. Bản thân bạn nói hay như vậy, tại sao bạn không chịu làm? Hay nói cách khác, bạn sẽ không thể thu được hiệu quả độ chúng sanh. Cho nên nhất định phải tự mình làm được, nói được. Trước tiên phải làm được sau đó bạn hãy nói, như thế mọi người không dị nghị. Thứ đến là tôi trước tiên nói được, sau đó bản thân tôi cũng có thể làm được, phải thực hiện.
Hiện nay chúng sanh phiền não nặng, họ quên mất gốc. Ngay cả Nho gia cũng biết rằng: “Bổn lập nhi đạo sanh” (Tạm dịch: Gốc thiết lập rồi thì đạo mới sanh). Gốc quên mất rồi, vậy thì làm thế nào được? “Gốc” là gì vậy? Địa Tạng bổn nguyện. Gốc là hiếu thuận cha mẹ, phụng sự sư trưởng, đây là gốc. Cho nên chúng ta phải đề xướng đạo hiếu, phải đề xướng biết ơn báo ơn, không phải chỉ nói ngoài cửa miệng, chúng ta phải làm được. Hiện đại quan hệ giữa người với người chỉ nhìn thấy lợi hại. Hôm nay có lợi cho tôi thì chúng ta làm bạn bè, tôi cung kính bạn, bợ đỡ bạn. Ngày mai không có lợi nữa, thì thành người xa lạ, không biết nhau nữa. Nếu như có xung đột trên lợi hại, biến thành kẻ địch, đây là xã hội gì vậy? Nếu như muốn xã hội này không loạn là điều không thể. Đề xướng đạo hiếu, đề xướng tưởng niệm tổ tiên. Hiện nay nhà Phật vẫn đang làm, Thanh minh cúng tổ tiên, tết Trung Nguyên, tiết Đông Chí cúng tổ tiên, một năm có ba lần cúng tế trọng đại, đề xướng đạo hiếu.
Cả đời tôi phước mỏng, đời trước không tu phước, đây là trong kinh Phật nói: “Tu tuệ không tu phước”. Nhưng tôi vẫn chưa có rơi vào cảnh: “La-hán trì bát cũng trống không” tôi vẫn chưa đến nỗi này, vẫn có thể gắng gượng duy trì no ấm. Nếu như tôi có phước báo lớn, xin thưa với quý vị tôi không xây chùa chiền, tôi sẽ xây Từ Đường, đề xướng đạo hiếu. Lời này tôi đã nói mấy chục năm rồi, hy vọng có thể xây Từ Đường, xây nhà thờ trăm họ, mỗi năm vào ba ngày lễ này cử hành cúng tế long trọng, ở nơi đây tuyên dương hiếu cha mẹ. Hiện nay cúng tế hoàn toàn rơi vào hình thức, rất đáng tiếc. Ví dụ chúng ta Thanh Minh, Trung Nguyên, Đông Chí cúng tế tổ tiên, ngày lễ này cần phải kéo dài 7 ngày. Trong 7 ngày này, những ngày đầu là giảng giải đạo hiếu, biểu dương đạo hiếu. Đến ngày cuối cùng này mới cử hành nghi lễ. Như vậy mới có ý nghĩa, nếu không thì chỉ làm theo hình thức. Sao gọi là hiếu? Ý nghĩa của hiếu ở chỗ nào? Không biết. Vậy thì rất khó thu được hiệu quả. Quốc gia chúng ta lấy ngày sinh của Khổng Tử làm ngày lễ nhà giáo, đây là kỷ niệm thầy cô, mỗi năm có một lần. Phàm là cúng tế hiện nay đều cần phải làm 7 ngày. Phải đem tại sao phải tu đạo hiếu? Tại sao phải coi trọng sư đạo? Giảng rõ ràng, giảng minh bạch cho đại chúng xã hội thì lễ tế này mới có ý nghĩa, mới không đến nỗi chỉ rơi vào hình thức.
Ngay cả một số lễ nghi phép tắc bình thường ở trong nhà Phật chúng ta, ví dụ sau khi Tịnh Tông Học Hội thành lập, trưởng hội đề xướng Phật sự “Tam Thời Hệ Niệm”, nên chúng tôi đem Tam Thời Hệ Niệm giảng qua một lần rất tỉ mỉ. Trước khi muốn làm Tam Thời Hệ Niệm, nhất định phải đem Tam Thời Hệ Niệm giảng qua. Muốn lễ Lương Hoàng Sám, nhất định phải đem Lương Hoàng Sám giảng cho thật rõ ràng, thật minh bạch từ đầu đến cuối, sau đó mọi người đi lễ sám thì cái tâm này mới tương ưng, mới có thể thu được hiệu quả. Nếu đối với lý, sự, cảnh giới trong đó chẳng biết gì cả, cứ làm theo cái hình thức đó thì không thể thu được hiệu quả. Cho nên cách sám hối này của người xưa quả thật có lực dụng không thể nghĩ bàn. Người hiện nay chúng ta tu pháp sám hối này không thấy hiệu quả, đạo lý là ở chỗ này. Nếu như ai cũng hiểu rõ về những lý luận, cảnh giới này thì không cần phải giảng giải, cứ thực hiện nghi thức này thôi cũng được! Người hiện nay đều không hiểu, đối với những lễ nghi phép tắc này đều không hiểu, nên nhất định phải lên lớp học trước.
Pháp thế gian và xuất thế gian đều là xây dựng trên cơ sở của đạo hiếu. Nhà Nho lấy đạo hiếu làm cơ sở. “Lục Kinh” đều là chú giải cho “Hiếu Kinh”. Cùng một đạo lý giống nhau, Phật pháp đại thừa cũng xây dựng trên cơ sở của đạo hiếu. Có thể nói tất cả pháp mà Thế Tôn nói trong 49 năm đều là chú giải cho “Kinh Địa Tạng”. Quý vị nếu thật sự thâm nhập được, thì bạn sẽ thể hội được ý nghĩa này.
Hai nguyện này được thiết lập từ quan sát Tứ Đế. Quan sát thấy được Tứ Đế là trí tuệ, phát khởi được đại nguyện này là từ bi. Trí tuệ, từ bi đều xứng tánh, thiết lập từ trên tánh địa, đây gọi là bổn nguyện. Cho nên giống như Bồ-tát vậy. Bồ-tát dùng cái gì để giáo hóa chúng sanh, giúp chúng sanh lìa khổ được vui vậy? Bồ-tát dùng Đạo, dùng Diệt. Đạo này, chư Phật Như-lai trước đây cũng là phàm phu, các ngài là tu thành công từ phàm phu. Chư Phật Như-lai từ phàm phu tu thành Phật đạo, cái đường lối này, con đường này là đường thành Phật. Các ngài làm thế nào tu thành vậy? Dùng kinh nghiệm của các ngài, dùng phương pháp của các ngài truyền dạy cho những phàm phu còn chưa có phát tâm, những phàm phu còn mê hoặc điên đảo này, cho nên “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Bồ-tát trước tiên làm nên tấm gương tu học cho mọi người thấy, nói cho mọi người biết đây là đường chánh, đây là chân lý, đây là hưởng thụ cao nhất của đời người. Bạn phải làm cho họ giác ngộ, làm cho họ cùng học tập theo bạn.
Bắt đầu học từ đâu vậy? Bắt đầu học từ hiếu thân tôn sư. Pháp thế gian và xuất thế gian đều không ngoại lệ. Hiện nay trên thế gian này đạo hiếu không có người đề xướng, dần dần mất hẳn, quên mất rồi! Mà Sư đạo là xây dựng ở trên cơ sở của đạo hiếu. Họ không biết đạo hiếu thì làm sao biết tôn sư trọng đạo được? Đó là việc không thể. Cho nên hiện nay chúng ta nhìn thấy học trò không kính thầy cô thì chẳng có gì lạ. Nếu bạn quở trách họ, thì bạn sai rồi! Nên coi chuyện bất hiếu cha mẹ, bất kính sư trưởng là hiện tượng bình thường. Thời đại hiện nay là như vậy. Nếu nhìn thấy có người biết hiếu thân tôn sư, đó là rất không bình thường. Hay nói cách khác đó không phải người phàm. Ai dạy họ vậy? Không có ai dạy, họ tự biết, đó không phải người tái lai là gì chứ? Họ không phải người phàm. Hay nói cách khác là Phật Bồ-tát tái lai ứng hóa. Phàm phu là chắc chắn không làm được. Phàm phu bạn dạy họ, họ còn không thể tiếp nhận, thì sao có thể tự động làm được? Ngày nay chư Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian này là vì sinh tâm đại từ mẫn. Không những bạn không kính trọng họ, còn đi phỉ báng, còn muốn chà đạp, còn muốn làm nhục họ. Đây đều là nơi có biến cố lớn. Phật, Bồ-tát ứng hóa ở trong đó, như như bất động. Tại sao vậy? Bổn nguyện của các ngài là xây dựng từ trong chân tâm bản tánh. Bất kể bạn chà đạp như thế nào, Phật Bồ-tát thị hiện đến cuối cùng, sẽ có một ngày bạn giác ngộ, bạn biết hối lỗi. Việc này là phải dùng thời gian dài cảm hóa chúng sanh. Phật Bồ-tát biết tất cả chúng sanh nhất định sẽ được cảm hóa. Bởi vì tập khí nghiệp chướng của họ quá nặng, không phải thời gian ngắn là họ có thể giác ngộ, mà cần phải có khoảng thời gian dài, cần có nhận thức sâu sắc hơn, thì họ mới cảm động, mới chịu quay đầu. Sau đó nghiêm túc nỗ lực tu học, đạt đến mức có thể tiếp nối huệ mạng Phật, giúp đỡ chúng sanh, thành tựu mục tiêu dạy học cho chúng sanh.
“Hiếu thân tôn sư” 4 cái chữ này là tánh đức, đức hạnh vốn có trong tự tánh. Nếu bạn minh tâm kiến tánh, bạn nhất định sẽ làm rất viên mãn. Bạn làm không được là do bạn chưa kiến tánh, bạn đang mê hoặc điên đảo. Chỉ có tánh đức mới có thể khai phá được tự tánh. Làm thế nào mới có thể minh tâm kiến tánh vậy? Nhất định phải tánh tu mới có thể kiến tánh. Người hiện đại tu học kiến tánh là khó rồi! Bạn thấy lão pháp sư Đàm Hư ở trong “Niệm Phật Luận” nói với chúng ta là trong cả đời ngài chưa từng gặp người nào minh tâm kiến tánh; không những chưa từng gặp, cũng chưa từng nghe nói. Ngài nói người tham thiền đắc thiền định, ngài đã gặp. Tham thiền đắc thiền định, quả báo là sanh về trời Tứ Thiền. Người này là siêu lắm rồi, nhưng vẫn chưa thể ra khỏi tam giới. Tham thiền phải minh tâm kiến tánh mới có thể ra khỏi tam giới được. Nếu không minh tâm kiến tánh thì không thể ra khỏi tam giới được. Đây là lời của đích thân Ngài nói.
Ở thời đại này của chúng ta, tham thiền không bằng niệm Phật. Niệm Phật có thể đới nghiệp vãng sanh. Vãng sanh là ra khỏi tam giới rồi. Không những ra khỏi tam giới, mà còn ra khỏi thập pháp giới. Ngài là Tổ sư tông Thiên Thai, Ngài là niệm Phật vãng sanh. Lúc ngài vãng sanh là đang ngồi mà đi, rất hiếm có. Tổ sư các đời của Tông Thiên Thai niệm Phật vãng sanh rất nhiều, có lẽ là chịu sự ảnh hưởng của đại sư Trí Giả. Đại sư Trí Giả là người niệm Phật vãng sanh. Về sau tổ sư của họ thảy đều là niệm Phật, tuy tu chỉ quán, nhưng không bỏ niệm Phật, thật sự được lợi ích vẫn là niệm Phật. Nhưng tu học chỉ quán có thể nâng cao phẩm vị vãng sanh của họ, đây là sự thật. Người xưa thường nói: “Thiền Tịnh song tu”. Tông Thiên Thai quả thật là như vậy, tông đó thật sự là Thiền Tịnh song tu.
Cho nên đạo hiếu là rất quan trọng, rất quan trọng. Trước đây chúng ta ở trong các buổi giảng cũng thường nói chữ “Hiếu” này, cái ký hiệu này là đại biểu chân tâm bản tánh của chúng ta. Chỗ hoàn mỹ của văn tự Trung Quốc là hiếm thấy trên thế giới. Hình tượng, hình dáng của chữ này là chữ hội ý, khiến cho bạn nhìn thấy chữ này liền thể hội được ý nghĩa ở trong đó. Ý nghĩa của ký hiệu này, ký hiệu này nửa ở trên là chữ “lão”, nửa ở dưới là chữ “tử”. Hai chữ này tập hợp lại thành chữ “hiếu”, nghĩa là đời trước với đời sau là một thể. Chủ ý của chữ hiếu này là ở chỗ này. Đời trước còn có đời trước nữa, quá khứ vô thủy; đời sau còn có đời sau nữa, vị lai vô chung. Vô thủy vô chung là một thể, đây là nói theo chiều dọc. Có chiều dọc thì đương nhiên có chiều ngang. Cho nên cái ký hiệu này trên thực tế là đại biểu cái gì vậy? Ở trong Phật pháp nói là: “Dọc tận ba mé, ngang khắp 10 phương”. 10 phương, ba mé là một không phải hai. Hay nói cách khác, 10 phương ba mé là chính mình. Đây chẳng phải trong Phật pháp nói là pháp thân sao? Pháp thân chính là nói 10 phương, ba mé là một không phải hai. Chữ “hiếu” này trong Phật pháp nói là pháp thân lý thể. Tất cả pháp thế gian và xuất thế gian đều sinh ra từ cái thể này, đều là sinh ra từ hiếu. Bất hiếu thì làm sao được? Hiếu chính là nhất tâm, hiếu chính là nhất chân, hiếu chính là pháp giới. Chúng ta người tu học Đại Thừa không thể không biết về điều này. Cho nên tu học lấy nó làm căn bản, lấy nó làm cơ sở. Từ trong đây sinh ra đại từ đại bi, chính là pháp môn Quán Âm.
Quán Âm mọi người biết thiên thủ thiên nhãn. Biểu thị điều gì vậy? Biểu thị cho mắt đến, tay đến. Nhìn thấy chúng sanh có khổ, lập tức liền giúp đỡ họ, thiên thủ thiên nhãn là biểu thị ý nghĩa này. Bồ-tát Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn. Bồ-tát Văn Thù có thiên thủ thiên nhãn không? Bồ-tát Phổ Hiền có thiên thủ thiên nhãn không? Ở hai bên trong Phật đường chúng ta là thờ Văn Thù, Phổ Hiền thiên thủ thiên nhãn. Bồ-tát Địa Tạng cũng là thiên thủ thiên nhãn. Bất kỳ một vị Phật Bồ-tát nào cũng là thiên thủ thiên nhãn. Thiên thủ thiên nhãn đại biểu cho mắt đến, tay đến, đại biểu cái ý nghĩa này. Không phải thật sự 1000 cánh tay, 1000 con mắt. Thực ra chính là người thế gian chúng ta thường nói đôi tay vạn năng, chính là ý nghĩa này, là đại biểu cho ý nghĩa này, quan sát tinh tế, đôi tay vạn năng là biểu thị cái ý nghĩa này. Đây là điểm để cho chúng ta trong đời sống thường ngày cần phải học tập. Đối với chúng sanh là giúp chúng sanh đến mục tiêu cuối cùng. Thông thường nói mục tiêu này có ba loại: Mục tiêu thấp nhất là giải quyết khó khăn trước mắt của chúng sanh, giúp họ đời này có thể sống cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, đây là mục tiêu ngắn hạn, mức thấp. Mục tiêu mức trung bình là giúp họ đời sau còn được phước nữa. Không thể nói đời này hưởng phước, đời sau đọa ba đường ác, thế thì đáng thương, là rất sai lầm. Đời này hưởng phước, đời sau vẫn tiếp tục hưởng phước, hy vọng đời sau phước báo còn lớn hơn đời này nữa, thù thắng hơn đời này nữa, đây là mục tiêu độ sanh mức trung bình. Mục tiêu độ sanh lớn, tầm nhìn dài hạn là giúp họ chứng được Bồ đề vô thượng viên mãn. Hay nói cách khác, giúp họ thành Phật, thì mục tiêu này mới thật sự đạt đến viên mãn.