KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 99
Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang 89, Mời xem kinh văn hàng thứ hai.
Chúc Lụy Nhân Thiên Phẩm Đệ Thập Tam. (Phẩm Thứ Mười Ba, Dặn Dò Cứu Độ Nhơn Thiên)
Đây là phẩm cuối cùng của bản kinh, cũng là lời di chúc cuối cùng của đức Thế Tôn, lời lẽ vô cùng khẩn thiết. Chúng ta đọc tụng phải hiểu cho thật kỹ càng. Mời xem kinh văn:
“Nhĩ thời Thế Tôn cử kim sắc tý, hựu ma Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát đảnh.)
(Lúc đó đức Thế-Tôn giơ cánh tay sắc vàng xoa đảnh Ngài Địa-Tạng đại Bồ Tát.)
“Nhĩ thời” là sau khi nói xong phần Thấy Nghe Được Lợi Ích rồi. Sau cùng đức Thế Tôn muốn giao phó sứ mệnh độ hóa chúng sanh này cho Bồ Tát Địa Tạng. Cho nên chỗ này là “Cử tý ma đảnh” (Giơ cánh tay xoa đảnh) Một mặt biểu thị sự an ủi, mặt khác là đại biểu cho sứ mệnh trọng đại phải giao phó cho Bồ Tát. Dưới đây đức Phật nói, đây là ở trang chín mươi của kinh văn.
“Nhi tác thị ngôn: “Địa Tạng! Địa Tạng!”
(Mà bảo rằng: ‘Địa-Tạng! Địa-Tạng!)
Đức Thế Tôn gọi liên tục tên của Bồ Tát Địa Tạng đến hai lần. Đây là biểu thị tình thương sâu đậm, giao phó trách nhiệm nặng nề. Ở chỗ này chúng ta có thể nhìn thấy tâm từ bi khẩn thiết và lời nói thành khẩn của Thế Tôn.
“Nhữ chi thần lực bất khả tư nghị.”
(Thần lực của ông không thể nghĩ bàn.)
Câu này là khen ngợi thân của Bồ Tát Địa Tạng, Ngài có thể hóa vô lượng vô biên thân, rộng độ tất cả chúng sanh khổ nạn trong hư không pháp giới, đây là do thần lực biến hiện, không thể nghĩ bàn.
“Nhữ chi từ bi bất khả tư nghị.”
(Đức từ bi của ông không thể nghĩ bàn.)
Đây là khen ngợi nghị lực của Ngài. Tâm từ bi của Ngài vĩnh viễn không thối chuyển, đây là điều vô cùng hiếm có. Chúng ta thử xem người phàm phu trong lục đạo, tuy có lòng từ bi, nhưng nếu như gặp phải nghịch duyên, cũng có người ở trong cảnh thuận họ bị thoái chuyển. Không thể sánh bằng Bồ Tát Địa Tạng, tâm nguyện ban vui cứu khổ của Ngài vĩnh viễn không suy thoái, điều này là không thể nghĩ bàn.
“Nhữ chi trí huệ bất khả tư nghị.”
(Trí tuệ của ông không thể nghĩ bàn.)
“Trí tuệ” sâu rộng, biện tài vô ngại. Bồ Tát hiện thân cũng không có khác gì so với Bồ Tát Quán Âm, tùy loại hiện thân, tùy cơ thuyết pháp. Chúng ta biết Bồ Tát Quán Âm không có thân tướng nhất định. Chúng ta xem thấy ở trong sách hội họa của người xưa vẽ “Quán Thế Âm Bồ Tát biến tướng đồ” có đến hơn năm trăm loại thân tướng khác nhau. Chứng tỏ ba mươi hai ứng thân, đó là ba mươi hai loại lớn. Trong mỗi loại lại hiện vô lượng vô biên thân tướng. Bồ Tát Địa Tạng cũng như vậy, cũng vì chúng ta thị hiện đủ dạng, phàm phu chúng ta có gặp mà không nhận ra. Đây là trí tuệ sâu rộng, biện tài vô ngại không thể nghĩ bàn. Dưới đây là biện tài:
“Nhữ chi biện tài bất khả tư nghị.”
(Biện tài của ông không thể nghĩ bàn)
“Biện tài” là nói về khẩu nghiệp. Bạn thấy thân, ngữ, ý và trí tuệ đều là không thể nghĩ bàn. Đây là chính Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Địa Tạng ở trong pháp hội. Không chỉ như vậy, sau đó lại nói:
“Chánh sử thập phương chư Phật tán thán tuyên thuyết nhữ chi bất tư nghị sự, thiên vạn kiếp trung bất năng đắc tận.”
(Dầu cho các Đức Phật ở mười phương khen ngợi tuyên nói những sự chẳng thể nghĩ bàn của ông trong nghìn muôn kiếp cũng chẳng hết đặng.)
Khen ngợi như vậy là đến cực điểm rồi. Không chỉ một mình đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi Ngài là không thể nghĩ bàn, mà tất cả chư Phật Như Lai ở mười phương đồng thanh khen ngợi trí tuệ, đức năng, thân, ngữ, ý, từ bi giáo hóa của Ngài. “Thiên vạn kiếp trung” (Trong nghìn muôn kiếp) đây là nói thời gian dài. “Thập phương chư Phật” (Chư Phật mười phương) là nói số người nhiều. Khen ngợi ông trong thời gian dài như vậy cũng không thể khen ngợi hết. Đoạn kinh văn này chúng ta nhất định không được lơ là. Và thực tế biểu hiện đó là tánh đức trong tự tánh chúng ta, một phần hiếu kính trong tánh đức. Đức hạnh này là không thể nghĩ bàn, dù chư Phật Như Lai khen ngợi cũng không thể khen ngợi hết được. Bồ Tát tánh đức khai mở, hiển lộ rồi. Mỗi người chúng ta cũng có đức năng giống như Bồ Tát vậy, nhưng rất đáng tiếc đức năng này chưa có khai mở hiển lộ ra được. Làm sao khai mở hiển lộ đây? Dựa theo phương pháp trong bộ kinh điển này dạy mà tu học là có thể khai mở tánh đức. Cho nên danh hiệu của Bồ Tát, chủ đề của kinh điển, đều có hai chữ “Địa Tạng”. Địa biểu thị cho tâm địa. Tạng dụ cho kho báu. Tâm địa của chúng ta, chân tâm lý địa, trí tuệ, thần lực, từ bi, biện tài đều không thể nghĩ bàn. Vô lượng đức năng, ở đây chỉ nêu ra bốn năng lực, trên thực tế cái nào cũng không thể nghĩ bàn. Đó chính là một số nhà tôn giáo hiện đại khen ngợi thượng đế, khen ngợi thần. Trong lời khen ngợi ca tụng gọi là toàn tri toàn năng, không có gì không biết, không có gì không thể. Năng lực này nói thực ra là tánh đức trong tự tánh chúng ta. Ngày nay chúng ta hiểu rõ rồi, biết mình có đức năng này, thì cần phải giác ngộ, cần phải cố gắng nỗ lực khôi phục lại trí tuệ, đức năng của mình, không những độ mình, mà còn có thể độ tất cả chúng sanh. Từ đó cho thấy ở đây Thế Tôn giao phó ủy thác cho Bồ Tát Địa Tạng. Chúng ta thử nghĩ xem nó có quan hệ với chúng ta hay không? Nếu như bạn hiểu rõ, nhận ra được ý nghĩa này, sẽ thấy có quan hệ rất lớn với chúng ta, chúng ta nương nhờ cái duyên của Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát Địa Tạng ở đâu? Những gì trong bộ kinh này nói chính là Bồ Tát Địa Tạng. Chúng ta tin được, hiểu được, hành được chính là phân thân của Bồ Tát Địa Tạng. Không những chăm chỉ nỗ lực nâng cao cảnh giới của mình, đó chính là một trong vô tận phân thân của Bồ Tát Địa Tạng, vậy mới là thật sự tu học pháp môn này. Xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây:
“Địa Tạng, Địa Tạng.”
(Này Địa Tạng, Địa Tạng.)
Chúng ta xem thấy trong kinh văn ghi chép, chứng tỏ cho thấy Thế Tôn hết lòng đắng miệng, từ bi đến cực điểm.
“Ký ngô kim nhật, Đao Lợi chư thiên trung, ư bách thiên vạn ức bất khả thuyết, bất khả thuyết nhất thiết chư Phật, Bồ Tát, thiên long bát bộ, đại hội chi trung.”
(Ông nên nhớ hôm nay ta ở trong cung trời Đao Lợi, nơi pháp hội lớn có trăm nghìn muôn ức bất khả thuyết, bất khả thuyết tất cả các đức Phật, các vị Bồ Tát, các hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng đây)
Đoạn văn này, “Ký ngô” là lời Thế Tôn tự xưng. Ông phải nhớ kỹ, hôm nay ta ở “Đao Lợi chư thiên trung”. Trời Đao Lợi, tại sao lại thêm vào chữ “Chư thiên trung”? Ý nghĩa này rất rộng. Pháp hội này mọi người nên biết nó không có gì khác biệt so với pháp hội Hoa Nghiêm. Pháp hội Hoa Nghiêm là ở tại Bồ-đề tràng. Nơi này dung thông với hư không pháp giới, cho nên thành phần tham gia pháp hội này là hết thảy các loài chúng sanh trong tận hư không, khắp pháp giới không sót một loài nào cả, hải hội Hoa Nghiêm. Pháp hội này cũng không ngoại lệ, tuy nơi chốn giảng kinh là ở trời Đao Lợi, cung trời Đế Thích. Đại chúng tham dự pháp hội cũng là tận hư không, khắp pháp giới, trên đến chư Phật Như Lai, dưới đến trời người, còn bao gồm có quỷ thần ở trong đó. Bạn thấy pháp hội này thù thắng biết bao, lớn biết bao, cho nên xưng là chư thiên. Thiên thần cõi trời Dục Giới, trời Sắc Giới đều có tham gia pháp hội này. Cho nên bốn chữ này, chữ “Đao Lợi” là nói địa điểm mở ra pháp hội, chữ “Chư thiên” là nói thiên chúng tham dự pháp hội này.
“Ư bách thiên vạn ức bất khả thuyết bất khả thuyết nhất thiết chư Phật, Bồ Tát”
(Nơi pháp hội lớn có trăm nghìn muôn ức bất khả thuyết, bất khả thuyết tất cả các đức Phật, các vị Bồ Tát.)
Khi pháp hội vừa mở đầu chúng ta đã nhìn thấy rồi, pháp hội này vô cùng thù thắng, tất cả chư Phật mười phương ba đời đều tham gia pháp hội này. Ở trong tất cả kinh Đại Thừa xưa nay chúng ta chưa từng nhìn thấy cảnh giới thù thắng như vậy. Đâu có khi nào một lần giảng kinh mà có toàn bộ tất cả chư Phật đều đến tham gia, chưa từng nghe nói. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nhìn thấy cảnh giới này, trong hội “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh Di Đà” chúng ta cũng nhìn thấy cảnh giới này, nhưng không phải vừa mở đầu là đã đến tham gia. Trong kinh Tịnh Độ khi đến phần lưu thông, chư Phật mười phương khen ngợi. Mọi người đọc thấy trong “Kinh Di Đà” có sáu phương Phật, nhưng bản dịch của đại sư Huyền Trang là mười phương Phật. Vậy là chứng tỏ bản dịch của đại sư La Thập tỉnh lược bớt, tuy lược bớt nhưng ý nghĩa vẫn viên mãn. Hết thảy chư Phật khen ngợi, nhưng không có nói rõ ràng như trong kinh này. Pháp hội vừa bắt đầu thì chư Phật Như Lai đã tham gia rồi, mãi đến khi pháp hội kết thúc, đây là cuối pháp hội rồi. Chư Phật tham gia pháp hội này từ đầu đến cuối. Chúng Bồ Tát, thiên long bát bộ, chúng hộ pháp đi theo cùng chư Phật đến này, “Kinh Hoa Nghiêm” nói rất nhiều, nói rất tỉ mỉ về số đại chúng này, nói mười loại đại chúng. Tuy kinh này không có nói kỹ, nhưng ý nghĩa rất viên mãn, cũng giống như những gì “Kinh Hoa Nghiêm” nói vậy. Ở trong pháp hội lớn này:
“Tái dĩ nhân thiên chư chúng sanh đẳng, vị xuất Tam Giới tại hỏa trạch trung giả, phó chúc ư nhữ.”
(Một lần nữa đem các hàng chúng sanh, những kẻ ở trong nhà lửa chưa ra khỏi ba cõi, mà giao phó cho ông.)
Chữ tải và chữ tái mà chúng ta hiện nay dùng, ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Thời xưa thường hay dùng cách viết này. Chữ “Tái” tức là lại một lần nữa. Phía trước đã căn dặn rồi, bây giờ căn dặn lại một lần nữa, sợ Bồ Tát quên mất việc này. “Nhân thiên chư chúng sanh” (Các hàng chúng sanh) đây là chỉ chúng sanh trong lục đạo. “Vị xuất tam giới” (Chưa ra khỏi Tam Giới) Là chuyên chỉ tất cả chúng sanh trong lục đạo. “Tại hỏa trạch trung” (Ở trong nhà lửa) Nhà lửa là ví dụ. Ở trong “Kinh Pháp Hoa” Đức Phật nói: “Tam giới như nhà lửa”. Lửa là dụ cho phiền não. Chỉ cần phiền não chưa dứt, thì chắc chắn sẽ tạo tác nghiệp ác. Nhân quả tuần hoàn, biển khổ vô biên. Bạn tạo nhân ác cảm quả ác, khi thọ ác báo lại tạo nhân ác tiếp thì vĩnh viễn không có ngày ra khỏi. Loại chúng sanh này là vô cùng đáng thương. Trong kinh đức Phật thường nói “Kẻ đáng thương xót”, là đặc biệt chỉ chúng sanh trong lục đạo. Muốn đem trách nhiệm độ hết chúng sanh trong lục đạo này giao cho Bồ Tát Địa Tạng. Tại sao đức Phật giao cho Bồ Tát Địa Tạng mà không giao cho Bồ Tát khác? Nguyên nhân này phần trước đã nói qua với quý vị rồi. Địa Tạng là đại biểu cho pháp căn bản. Pháp căn bản là hiếu thảo cha mẹ, tôn kính thầy tổ. Nếu như không thể hiếu thảo cha mẹ, tôn kính thầy tổ thì bất kỳ pháp môn nào khác cũng không thể làm được. Cho nên người đức Phật giao phó chỉ có thể là Bồ Tát Địa Tạng, đạo lý là ở chỗ này.
“Vô lịnh thị chư chúng sanh đọa ác thú trung nhất nhật nhất dạ.”
(Ông chớ để các chúng sanh đó phải bị đọa vào các ác đạo dầu là chừng một ngày, một đêm.)
Đây là tâm bi của Thế Tôn. Nhất định không muốn nhìn thấy chúng sanh tạo nghiệp ác, đọa vào trong ba ác đạo, bao lâu vậy? “Nhất nhật nhất dạ” (Một ngày, một đêm), đức Phật cũng không muốn nhìn thấy. Chúng sanh đọa lạc vào Tam Đồ thật sự là tự làm tự chịu. Tuy đức Phật có tâm bi, nhìn thấy họ như vậy cũng đành chịu. Tại sao lại có loại hiện tượng này? Không chịu nghe chỉ dạy, không chịu nghe khuyên bảo, vậy thì có cách gì bây giờ? Đức Phật khuyên chúng sanh, còn ma thì lừa gạt chúng sanh. Đúng như câu nói tất cả chúng sanh thích nghe lừa gạt chứ không thích nghe khuyên bảo. Nếu đi theo ma thì vào ba ác đạo, nếu đi theo đức Phật mới có cơ hội ra khỏi Tam Giới. Dầu “Một ngày một đêm” đức Phật cũng không muốn nhìn thấy.
“Hà huống cánh lạc Ngũ Vô Gián cập A Tỳ địa ngục, động kinh thiên vạn ức kiếp vô hữu xuất kỳ”
(Huống chi lại để cho chúng nó phải bị đọa lạc vào địa ngục ngũ vô gián cùng địa ngục A Tỳ, mãi đến nghìn muôn ức kiếp không lúc nào ra khỏi ư.)
Đây là lời đức Phật nói tại nơi này. Đức Phật tuyệt đối không có nói lời hư dối. Bạn thấy thời gian đọa lạc vào trong địa ngục Vô Gián dài bao lâu? “Thiên vạn ức kiếp” (Nghìn muôn ức kiếp). Thời gian ở trong ba đường thiện không có dài được như vậy. Mọi người đều biết, tuổi thọ ở cõi trời phi tưởng phi phi tưởng, cũng chỉ có tám vạn đại kiếp. Khi nhìn như vậy chúng ta mới thật sự hiểu rõ, chúng sanh trong lục đạo nếu như không thể ra khỏi Tam Giới, thì chắc chắn thời gian ở trong ác đạo dài, thời gian ở trong ba đường thiện rất ngắn ngủi. Đọa lạc vào trong địa ngục Vô Gián, A Tỳ là rất dễ dàng. Tạo tội nghiệp này, đặc biệt là ở trong xã hội này hiện nay, người không hiếu thảo cha mẹ, không tôn kính thầy tổ, phỉ báng Tam Bảo, phá hòa hợp tăng, đây đều là nghiệp nhân của Vô Gián, A Tỳ. Chúng ta bình tĩnh quan sát xã hội này, hiện nay có bao nhiêu người tạo loại tội nghiệp này? Tội ngũ nghịch, thập ác. Mười nghiệp ác: “Thân” tạo giết, trộm, dâm. “Khẩu” nói dối, nói đôi chiều, nói thô ác, nói thêu dệt. “Ý” tham, sân, si. Có người nào không tạo những nghiệp này? Tuy chúng ta học Phật, hằng ngày lễ Phật, hằng ngày tụng kinh, nếu như ba nghiệp thân, ngữ, ý của chúng ta vẫn bất thiện như cũ, thì vẫn phải bị đọa lạc. Tuyệt đối không phải nói người lễ Phật, niệm Phật thì không bị đọa ba ác đạo. Mọi người thử xem phần cuối trong cuốn “Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao” lời pháp sư Quán Đảnh nói một trăm loại quả báo của niệm Phật. Một trăm loại quả báo khác nhau này, điều thứ nhất là địa ngục. Tại sao người niệm Phật bị rơi vào trong địa ngục? Chúng ta phải suy nghĩ thật kỹ. Đây là lời người xưa nói: “Miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, gào rát cổ họng cũng uổng công.” Trong tâm là ngũ nghịch, thập ác, miệng niệm Di Đà có tác dụng gì? Vẫn phải bị đọa vào địa ngục Vô Gián, A Tỳ. Đây là điều chúng ta phải biết, phải cảnh giác. Một người thật sự muốn tu học phải hạ công phu từ trên tâm địa, đối với tất cả chúng sanh tuyệt đối không có ác ý. Sao gọi là ác ý? Bất kỳ ý nghĩ nào trong thập ác cũng là ác ý. Tuyệt đối không có, không có ý nghĩ ngũ nghịch, thập ác thì chúng ta mới có thể giữ được thân người, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ mới có hy vọng. Sự việc này tuy nói là khó, nhưng người nào cũng có thể làm được, chứ không phải không làm được. Nhà Nho cũng dạy người ta “Khắc niệm tác thánh” (Khắc phục ý niệm để làm thánh). Niệm là vọng niệm, chính là những ý nghĩ ngũ nghịch, thập ác này. Bạn khắc phục được ý nghĩ này rồi, thì bạn chính là thánh nhân. Ở trong Phật pháp khắc niệm là làm Phật. Chúng ta biết những thứ này là tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp đến nay. Bởi vì thời gian của tập khí quá lâu, có sức rất mạnh, nó có thể khởi hiện hành bất cứ lúc nào. Chúng ta rất muốn khắc phục nó nhưng không khắc phục nổi. Đức Phật dạy cho chúng ta rất nhiều cách, là có đến tám vạn bốn nghìn pháp môn. Nhiều phương pháp như vậy, nhiều con đường như vậy, chẳng qua đều là biện pháp khắc phục tập khí vọng tưởng mà thôi. Có rất nhiều phương pháp như vậy, nhưng đối với chúng ta mà nói thuận tiện nhất, thù thắng nhất, dễ dàng nhất không có gì bằng niệm Phật. Ý nghĩ vừa sinh lên lập tức liền chuyển thành A Di Đà Phật. Làm được như vậy gọi là công phu đắc lực. Tuyệt đối không để cho niệm ác sinh khởi. Niệm thứ nhất sinh lên, niệm thứ hai liền chuyển trở lại, vậy gọi là người niệm Phật, người này là biết niệm Phật, lâu ngày dài tháng công phu đắc lực. Công phu đắc lực thì những ý nghĩ lung tung không khởi hiện hành. Hạt giống tập nghiệp hoàn toàn chưa có dứt, là do bạn công phu đắc lực, nên vọng niệm không khởi hiện hành. Công phu như vậy, trong pháp môn niệm Phật gọi đó là công phu thành khối. Ý nghĩa của công phu thành khối, là câu Phật hiệu này thật sự có thể hàng phục được phiền não, có thể khống chế được tập khí. Trong kinh đức Phật nói, có được công phu như vậy thì bạn chắc chắn được sanh Tịnh Độ, vậy là đới nghiệp vãng sanh. Trong kinh Tịnh Độ tuy nói có tứ độ, tam bối, cửu phẩm, chúng ta hiểu rõ rồi, đừng nên để tâm. Đối với những sự việc này biết rõ là trí tuệ. Không khởi phân biệt, chấp trước đó là công phu của bạn. Nếu như bạn chấp trước những thứ này từng tí, thì phẩm vị bạn sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ thấp, tập khí phiền não của bạn vẫn rất nặng. Chúng ta biết có sự việc như vậy nhưng tuyệt đối không để nó ở trong tâm, không khởi phân biệt, không khởi chấp trước về nó, tâm của bạn thanh tịnh biết bao. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, phẩm vị vãng sanh của bạn sẽ cao, đạo lý là ở chỗ này. Huống chi thế giới Tây Phương Cực Lạc là môi trường tu học đặc thù, không giống như tất cả cõi nước chư Phật mười phương. Tất cả cõi nước chư Phật ở trên sự tướng thật sự là không bình đẳng, nhưng thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới bình đẳng. Bồ Tát ở cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ với Bồ Tát ở cõi Thực Báo Trang Nghiêm Độ nghe kinh cùng nhau. Điều này quả thật ở trong kinh chúng ta chưa từng nhìn thấy, thế giới phương khác không có loại tình cảnh này. Vậy là chứng tỏ thế giới Tây Phương Cực Lạc là bình đẳng. Tuy có bốn cõi, nhưng bốn cõi hợp chung lại với nhau, bên trong không có ngăn ngại, không có ngăn cách, cũng không có chướng ngại, bốn cõi hợp chung với nhau, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Chư Phật gọi là pháp khó tin. Chúng tôi giảng đến những chỗ này, thường hay dùng một ví dụ đơn giản dễ hiểu, để mọi người dễ nhận ra, là giống như chúng ta đi học ở trường vậy. Trường học thông thường có lớp khác nhau, nhất định phải chia lớp ra để học; lớp một ở chung một phòng, lớp hai ở một phòng khác, lớp ba lại ở vào một phòng khác, không giống nhau. Tình hình ở thế giới Cực Lạc rất đặc thù, lớp mẫu giáo, tiểu học với tiến sĩ cùng học chung trong một giảng đường, là giống như loại tình hình này vậy, rất đặc biệt, chưa nghe nói bao giờ. Các trình độ khác nhau đều cùng học chung với nhau, đây là pháp giới bình đẳng. Trường học thông thường của chúng ta thì đại học với trung học tuyệt đối không học chung với nhau được, trung học với tiểu học cũng không học chung với nhau được, là không bình đẳng, còn họ là bình đẳng. Tuy là bình đẳng nhưng trình độ của mỗi người quả thật khác nhau. Ví dụ nói đều học chung với nhau trong một phòng học, nhưng Bồ Tát cõi Thực Báo thấy báo thân của Phật A Di Đà, còn Phàm Thánh Đồng Cư Độ nhìn thấy ứng thân của Phật A Di Đà, là khác nhau. Thấy tướng hảo quang minh của đức Phật cũng không giống nhau, nhưng ở cùng với nhau. Đức Phật không có hiện ra hai tướng, đức Phật chỉ hiện một tướng, do cách nhìn cảm nhận của mỗi người đều khác nhau, nhưng chắc chắn là ở chung với nhau, đây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Cho nên chư Phật khuyên chúng ta niệm Phật A Di Đà, vậy là rất có đạo lý. Khuyên chúng ta niệm Phật A Di Đà là hết sức yêu thương bảo vệ rồi, đây mới là pháp rốt ráo đích thực, lìa khổ rốt ráo, được vui rốt ráo vậy mới là thật sự viên mãn. Mời xem kinh văn dưới đây:
“Địa Tạng.”
(Này Địa Tạng)
Đây là lại gọi Bồ Tát Địa Tạng. Hễ là gọi tên thì chắc chắn có lời khai thị rất quan trọng. Gọi tên là đặc biệt nhắc nhở Bồ Tát.
“Thị Nam Diêm Phù Đề chúng sanh.”
(Chúng sanh ở cõi nam Diêm Phù Đề này)
“Nam Diêm Phù Đề” chính là chỉ địa cầu của chúng ta. Đức Phật xuất hiện ở khu vực này là Ngài đặc biệt quan tâm chúng sanh trong khu vực này.
“Chí tánh vô định, tập ác giả đa, túng phát thiện tâm tu du tức thoái, nhược ngộ ác duyên niệm niệm tăng trưởng.”
(Tâm tánh của họ không định, phần đông đều quen theo thói ác, thoảng hoặc có người phát tâm lành, nhưng rồi không bao lâu liền thối thất, nếu gặp duyên ác lại luôn luôn tăng trưởng.)
Sáu câu nói này, là đức Phật đã chẩn đoán ra gốc bệnh của những chúng sanh trong thế giới chúng ta rồi, đây là gốc bệnh của chúng ta, chúng ta phải biết.
“Chí tánh vô định” (Tâm tánh của họ không định). Câu này là vô cùng quan trọng. “Chí” có thể nói là nguyện vọng của họ. “Tánh” có thể gọi nó là tính cách. “Bất định” là thay đổi quá nhanh. Nói thực ra là luôn luôn khác nhau. Phật Bồ Tát gặp phải chúng sanh này cũng khó độ. Chí tánh vô định là tâm tánh suy nghĩ tán loạn. Người bình thường chúng ta nói người này không có chủ ý, không có lập trường.
“Tập ác giả đa” (Phần đông đều quen theo thói ác)
“Tập” là tập tánh. Tập tánh ác nhiều, thiện ít. Chúng ta xem thấy ở trong sách Nho, Mạnh Tử nói tánh người vốn thiện, Tuân Tử nói tánh người vốn ác. Hai vị này đều là người hiền. Vậy rốt cuộc tánh người là thiện hay là ác? Trong Phật pháp nói ác nhiều, thiện ít. Cách nói của thánh nhân so với cách nói của họ thật sự là cao siêu hơn một chút. Cách nói của Khổng Lão Phu Tử không giống như họ. Phu Tử nói: “Tánh tương cận, tập tương viễn” (Bản tánh thì giống, nhưng huân tập thành xa). Chữ tánh mà Khổng Tử nói là nói chân tánh. Chân tánh thì tất cả chúng sanh là giống nhau, không có khác biệt. Chân tâm bản tánh, tánh giống nhau, nhưng huân tập thành xa nhau, là tập tánh. Cho nên chữ tánh mà Tuân Tử và Mạnh Tử nói là không phải chân như bản tánh, đó là tập tánh. Tập tánh ngày nay chúng ta gọi là thói quen. Tập quen thành tự nhiên. Tập tánh không phải hình thành trong đời này, mà đời đời kiếp kiếp. Cho nên phiền não, nhà Phật nói có “Câu sanh phiền não”. Bạn sinh ra đã mang theo phiền não rồi, chứ không phải bạn học trong đời này, là tập khí trong đời quá khứ của bạn, cái này gọi là tập tánh. Tập tánh thì chắc chắn là ác nhiều, thiện ít. Quý vị đọc qua “Bách Pháp Minh Môn Luận”, trong Bách Pháp nói cho chúng ta biết phiền não, tâm sở phiền não có hai mươi sáu tâm. Nói cho chúng ta biết tâm sở thiện chỉ có mười một tâm. Bạn thấy cái nào nhiều? Mười một tâm sở thiện, hai mươi sáu tâm sở ác, là ác nhiều, thiện ít. Huống chi sức của ác là rất mạnh mẽ, còn sức của thiện thì yếu ớt. Cho nên hầu hết mọi người gặp phải pháp thiện: “Túng phát thiện tâm, tu du tức thoái.” (Có người phát tâm lành, nhưng rồi không bao lâu liền thối thất.) Rất khó giữ được. Gặp phải pháp ác, thì họ “Niệm niệm tăng trưởng” (Luôn luôn tăng trưởng) Chúng ta phải biết được đạo lý này. Gặp phải pháp thiện, tâm sở thiện quá ít, sức yếu ớt, không dễ gì giữ được. Tại sao gặp pháp ác họ liền tăng trưởng? Vì tâm sở ác quá nhiều, sức mạnh mẽ. Từ đó cho thấy, chúng ta nhìn thấy rất nhiều người, có cơ hội tiếp xúc được Phật pháp, họ thấy hay! Cũng đến nghe kinh, cũng đến niệm Phật, nhưng không bao lâu lại nghe nói họ đi học ngoại đạo, đi học pháp môn khác rồi. Nguyên nhân gì vậy? Đạo lý là ở chỗ này. Tuy có cơ hội tiếp xúc được pháp thiện, nhưng thiện căn của họ yếu ớt, không thể duy trì lâu dài, nhất định sẽ thối chuyển. Chúng ta nhìn thấy hiện tượng này, biết hiện tượng này là bình thường. Nếu như họ tiếp xúc pháp thiện mà không thối chuyển, đó là người không phải tầm thường, thật sự là trong nghìn vạn người khó có được một vài người như vậy, họ có thể không thối chuyển. Gặp phải ác duyên họ không bị tăng trưởng, gặp được thiện duyên họ sẽ tăng trưởng. Chúng ta mới biết loại người này thiện căn sâu dày, loại người này chúng ta có thể tưởng tượng được trong một đời họ chắc chắn thành tựu. Cho nên sáu câu nói này, Thế Tôn đối với chúng sanh cõi Diêm Phù Đề, kể cả chúng ta ở trong đó, Ngài đã đưa ra lời chẩn đoán chung. Chúng ta tự mình phải có tính cảnh giác cao độ. Thật sự phải học Bồ Tát Pháp Tạng, chúng ta phải “Trụ tuệ chân thật”. “Trụ tuệ chân thật” thì chí tánh liền định ngay. Nếu như không trụ tuệ chân thật thì chí tánh làm sao mà định được? Cho nên người bình thường hay thay đổi thì không có gì là lạ! Chí tánh họ bất định mà. Chỉ có trụ tuệ chân thật, thật sự biết tu hành đúng như đã dạy, quyết định xa lìa danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần thế gian thì chúng ta mới có thể bảo đảm đời này nhất định thành tựu. Pháp thế gian có thể ảnh hưởng, có thể cám dỗ người ta, chúng ta phải biết rõ, phải sáng tỏ, phải thấy rõ ràng đâu là chân vọng, hư thực, thiện ác, thị phi, lợi hại, mọi thứ đều có thể biện biệt rõ ràng, thì tự mình sẽ biết rõ cần phải đi theo con đường nào.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.