Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 12

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 12

Xin mời xem tiếp kinh văn: “Văn Thù Sư Lợi thời Trưởng Giả Tử nhân phát nguyện ngôn: Ngã kim tận vị lai tế bất khả kế kiếp, vi thị tội khổ lục đạo chúng sanh, quảng thiết phương tiện, tận lệnh giải thoát, nhi ngã tự thân phương thành Phật đạo”

(Này Văn-Thù Sư-Lợi! Trưởng-Giả tử nghe xong liền phát nguyện rằng: ‘Từ nay đến tột số chẳng thể kể xiết ở đời sau, tôi vì những chúng sanh tội khổ trong sáu đường mà giảng bày nhiều phương tiện làm cho chúng nó được giải thoát hết cả, rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật Ðạo)

Trong đoạn kinh văn này, chúng ta lại nhìn thấy Phật Thích Ca Mâu Ni gọi tên của ngài “Văn Thù Sư Lợi”, kinh văn này không được sơ ý, không được xem qua loa. “Trưởng giả” đúng là làm nên tấm gương, làm chuẩn mực, làm nên tấm gương tốt cho chúng ta thấy, khuyên chúng ta phát tâm. Ngài nghe Phật khai thị xong liền giác ngộ, liền quay đầu, cũng phát đại nguyện: “Ngã kim tận vị lai tế, bất khả kế kiếp”, là thời gian dài, không phải thời gian ngắn, đến vô tận kiếp chẳng thể tính ở đời vị lai. Hay nói cách khác là thời gian dài vô hạn vĩnh hằng. “Vi thị tội khổ lục đạo chúng sanh”, hoàn toàn tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Đà vì chúng sanh khổ nạn. Tất cả chúng sanh tạo tác hết thảy nhân khổ mà họ không biết, đến Khi quả khổ hiện tiền thì hối hận không kịp, đến lúc đó thì không kịp. Trưởng Giả Tử phát tâm này, tâm này chính là Bồ-tát Địa Tạng. Chúng ta ngày nay đọc đến kinh văn này có thể phát khởi được tâm này hay không? Nếu có thể phát được tâm này, chúng ta liền được thọ dụng chân thật từ trong “Kinh Địa Tạng”. Bản thân chúng ta sống khổ, phải nghĩ rằng thế gian này còn có người khổ hơn chúng ta. Chúng ta không sợ khổ, bởi vì chúng ta khổ mới có thể cảm nhận được tất cả chúng sanh khổ. Nếu chúng ta sống trong hoàn cảnh rất sung túc, người ta nói khổ, bạn không cảm nhận được. Chỉ có mình bước ra từ trong khổ này thì mới thật sự cảm nhận được khổ, và tâm giúp đỡ chúng sanh khổ nạn của bạn mới chân thành. Nếu chưa từng trải qua khổ nạn, mà bạn muốn vì chúng sanh khổ nạn này, thì cái tâm đó luôn bị cách mấy lớp, không thể cảm nhận được. Cho nên Phật dạy các đệ tử, một là lấy giới làm thầy, hai là lấy khổ làm thầy, đặc biệt người xuất gia sống cuộc sống khổ là tốt, sống cuộc sống khổ là thường xuyên cảnh giác. Khi hưởng thụ thì không có người nào không mê hoặc điên đảo. Cho nên nhất định phải biết, có phước, người xuất gia tu hành chân chánh nhất định là có phước báo. Phước báo đến rồi không được hưởng, vừa hưởng liền mê mờ. Phước báo đến rồi phải đem cho tất cả chúng sanh bị tội khổ trong lục đạo cùng hưởng, vậy bạn là đích thực độ khổ. Mấy hôm nay chúng tôi giảng “Kinh Hoa Nghiêm” đến phần Phật Tỳ-lô-giá-na xây dựng thế giới Hoa Tạng không phải để cho mình hưởng thụ, mà là để cho những bậc Bồ-tát phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân trong tất cả cõi nước 10 phương có chỗ yên thân gởi phận, có đạo tràng đường hoàng để tu hành, để cho họ hưởng thụ, chứ Phật không có hưởng thụ. Thế giới Tây Phương Cực Lạc của Phật A-Di-Đà xây dựng Cực lạc Tịnh Độ cũng không phải để cho mình hưởng thụ, mà là dành cho tất cả người niệm Phật 10 phương thế giới vãng sanh về nơi đó tu hành hưởng thụ. Đâu phải để cho mình hưởng thụ? Đây đều là làm nên hình ảnh tốt nhất cho chúng ta thấy. Cho nên những bậc tổ sư đại đức có đại phước đức này xây dựng đạo tràng bản thân có hưởng thụ hay không vậy? Không có. Căn nhà mình ở là phương trượng, ở một căn nhà nhỏ. Phước báo để cho những thanh chúng (đại chúng thanh tịnh) đến hưởng thụ. Tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh. Chỉ cần là người tu hành chân chánh không có chỗ nào ở, khi đến chỗ họ thì không có chuyện không thu nhận, không có chuyện không tiếp đãi, cho nên gọi là thập phương thường trụ, thập phương đạo tràng, chứ đâu phải vì danh vọng lợi dưỡng cá nhân? Phật chỉ dạy chúng ta và tự thân ngài thị hiện làm tấm gương cho chúng ta thấy, không giả dối chút nào cả. Chúng ta nhìn thấy Ngài phát tâm, không sợ thời gian dài, không sợ công việc dạy học gian khổ.

“Quảng thiết phương tiện, tận lệnh giải thoát nhi ngã tự thân phương thành Phật đạo” (Lập ra nhiều phương tiện làm cho họ được giải thoát hết cả rồi tự thân tôi mới chứng thành Phật đạo). Đây chính là nói chúng sanh không thành Phật thì tôi không thành Phật. Cho nên Bồ-tát Địa Tạng vĩnh viễn thị hiện ở quả vị Bồ-tát. Chúng ta ngày nay xem thấy trong kinh văn này nói 10 phương ba đời tất cả chư Phật Như-lai đều đến tham dự đạo tràng này, đều là người được Bồ-tát Địa Tạng độ hóa, đã độ, đang độ. Đã độ, đã thành tựu là chư Phật, còn Ngài vẫn ở quả vị Bồ-tát, thầy vẫn là Bồ-tát. Những chư Phật này đối với vị thầy này, không có người nào mà không mang ơn đội nghĩa. Ngày nay Phật Thích Ca Mâu Ni muốn tuyên dương pháp môn Địa Tạng, các ngài đến dự hội chính là báo ơn, đến làm chúng ảnh hưởng. Có Pháp hội nào mà chư Phật đến tham gia? Không có đạo lý này. Pháp hội này tất cả Phật đều đến đông đủ để trang nghiêm đạo tràng, trang nghiêm pháp hội, trang nghiêm pháp môn này, khiến cho tất cả chúng sanh cảnh giác được pháp môn này là vô cùng thù thắng, không học pháp môn này là không được, nó là cơ sở thành Phật của tất cả chư Phật, là căn bản của thành Phật. Nếu bạn từ bỏ pháp môn này thì bạn nhất định không thể thành tựu. Niệm Phật, nói lời thành thật cũng nhất định không thể vãng sanh. Bản thân tôi trong đời này, phàm là gặp phải đạo tràng nào mới xây dựng mời tôi giảng kinh, bộ kinh đầu tiên nhất định phải giảng là “Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện”. Có đất, chúng ta có mảnh đất; có đạo tràng, đây là cơ sở vật chất; “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” là phần thiết lập tâm địa, như vậy mới tương ưng. Đạo tràng xây dựng, đạo tràng khôi phục, bộ kinh đầu tiên giảng là gì vậy? Nhất định là “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”.

“Dĩ thị ư bỉ Phật tiền, lập tư đại nguyện ư kim bách thiên vạn ức na-do-tha bất khả thuyết kiếp thượng vi Bồ-tát.” (Bởi ở trước đức Phật Sư-Tử Phấn Tấn Cụ-Túc Vạn Hạnh Như-Lai, Ngài lập nguyện rộng đó, nên đến nay đã trải qua trăm nghìn muôn ức vô số bất-khả-thuyết kiếp, mà Ngài vẫn còn làm vị Bồ Tát)

Đây là điểm chúng ta cần phải học tập. Thế Tôn nói ra đoạn nhân duyên công án này, chúng ta cần thể hội cho được, dụng ý của ngài là sâu rộng vô hạn, việc dạy học của ngài là từ bi vô tận. Chúng ta biết rồi, sau đó mới có thể làm, mới có thể nói đến chuyện báo ơn, biết ơn báo ơn. Bạn đọc qua một cách qua loa chung chung, đoạn văn này không dài, xem qua loa cẩu thả, không có lợi ích.

**************

Xem tiếp đoạn này dưới đây, đây là công án thứ hai:

“Hựu ư quá khứ bất khả tư nghị a-tăng-kỳ-kiếp” (Lại thuở bất khả tư nghị vô số kiếp về trước)

Thời gian này là sau Đại Trưởng Giả. Đại Trưởng Giả là người đầu tiên, là người trước nhất.

“Thời thế hữu Phật hiệu viết Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai, bỉ Phật thọ mạng tứ bách thiên vạn ức a-tăng-kỳ-kiếp” (Lúc đó có đức Phật hiệu là: Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai, đức Phật ấy thọ đến bốn trăm ngàn muôn ức vô số kiếp).

Từ tuổi thọ của Phật có thể nhìn thấy chúng sanh thời đại đó phước báo rất lớn. Tuổi thọ là một trong những phước báo.

“Tượng pháp chi trung hữu nhất Bà La Môn nữ túc phước thâm hậu, chúng sở khâm kính, hành trụ tọa ngọa chư thiên vệ hộ”  (Trong thời tượng pháp có một người con gái dòng Bà La Môn, người này nhiều đời chứa phước sâu dày, mọi người đều kính nể, khi đi đứng lúc nằm ngồi, chư Thiên thường theo hộ vệ).

Tuổi thọ của Phật rất dài, nhưng duyên trụ thế giáo hóa chúng sanh đã hết, Phật thị hiện diệt độ. Sau khi diệt độ cũng giống như Thế Tôn chúng ta vậy, sau khi Phật diệt độ, pháp vận vẫn còn 3 thời kỳ: Chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp. Chánh pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni chúng ta là 1000 năm, là sau khi Phật diệt độ 1000 năm đầu tiên, tượng pháp 1000 năm, mạt pháp một vạn năm. Bất kể là cách nói của người Trung Quốc hay là cách nói của người nước ngoài, hiện nay đều là thời kỳ mạt pháp. Sau khi Phật diệt độ hai ngàn năm, đây là thời kỳ mạt pháp. Ở Trung Quốc, khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc là vào thời kỳ tượng pháp. Phật ở trong kinh có dự đoán, Phật nói thời kỳ chánh pháp thì giới luật thành tựu, dựa theo giới luật tu học là có thể chứng quả; Thời kỳ tượng pháp thì thiền định thành tựu, nên Thiền tông của Phật giáo Trung Quốc vô cùng hưng thịnh. Nguyên nhân gì vậy? Do truyền đến vào thời tượng pháp, rất tương ưng với lời Thế Tôn nói Thiền định thành tựu. Thời kỳ mạt pháp Tịnh Độ thành tựu, căn tánh của con người đại bộ phận không bằng trước đây, tu Thiền không những không thể khai ngộ, mà ngay cả đắc định cũng không thể. Chỉ có tu Tịnh Độ đới nghiệp vãng sanh mới có thể thành tựu.

Trong kinh nói đây là Giác Hoa Định Như-lai, trong thời kỳ tượng pháp của Ngài có một vị nữ dòng Bà La Môn. Vị nữ dòng Bà La Môn này cũng quy y Phật pháp, cũng là người học Phật. “Túc phước thâm hậu”, chúng ta nói thiện căn sâu dày. Túc là vun bồi phước, vun bồi thiện căn trong đời quá khứ rất sâu.

“Chúng sở khâm kính” (mọi người đều kính nể). Khâm là khâm phục, đối với cô rất tôn kính. Mọi người nhìn thấy cô, phía trước đã nói hình ảnh thù thắng, được phần lớn đại chúng trong xã hội tôn kính.

“Hành trụ tọa ngọa” (Khi đi đứng, lúc nằm ngồi), đây là nói bốn oai nghi, đều đủ để làm tấm gương tốt cho đại chúng trong xã hội, cho nên ngay cả thiên thần cũng tôn kính cô.

“Chư thiên vệ hộ” (Chư thiên thường theo hộ vệ), người thế gian chúng ta hiện nay gọi là thiên thần phù hộ, từng giây từng phút không xa rời cô gọi là hộ vệ. Quý vị đồng tu phải biết, hiện nay xã hội này người tạo ác nhiều, người hành thiện ít. Nếu như có một vài người hành thiện thì thiên thần hộ vệ sẽ đặc biệt nhiều. Trước đây người thiện nhiều, nên một số thiên thần theo hộ trì người này, một số thiên thần theo hộ trì người kia, cho nên số lượng thiên thần theo hộ trì mỗi người không nhiều. Thời bây giờ mọi người đều làm ác, chỉ có một vài người thiện, nên tất cả những vị thiên thần đó thảy đều đến hộ vệ cho bạn. Đây là thật, không phải giả. Tại sao không tu thiện? Tại sao phải tạo ác chứ? Chúng ta đoạn ác tu thiện, không cầu Bồ-tát, không cầu Phật, cũng không cầu thiên thần, chư Phật tự nhiên sẽ hộ niệm, thiên thần tự nhiên hộ vệ, đâu có cần chúng ta cầu họ? Chỗ này nói tin Phật là quá khó. Hiện nay người thế gian học Phật mà không tin Phật. Tại sao không tin Phật vậy? Đặc biệt là người xuất gia, Phật dạy chúng ta buông xả vạn duyên, thảy đều xả bỏ. Như vậy cuộc sống ngày mai làm sao sống? [nếu hỏi như vậy] là không tin Phật. Nếu bạn đích thực là người xuất gia, tâm địa thanh tịnh, đối với pháp thế gian này một mảy may tâm phan duyên cầu được thảy đều không có. Nếu bạn bị chết đói, chết rét, xin thưa với quý vị, tất cả thần hộ pháp đều phải bị xét xử cách chức. Đây là thật chứ không phải giả. Nhưng mọi người không tin, vẫn cứ muốn tự mình phan duyên, tự mình làm, thế thì thần hộ pháp nhìn thấy rất vui, rất tự tại, anh cứ tự làm đi, tốt quá, tôi không quan tâm nữa. Họ thong dong tự tại.

Có một năm nọ tôi ở Cơ Long Thập Phương Đại Giác Tự, lão hòa thượng mời tôi giảng “Kinh Lăng Nghiêm” trong mùa an cư kiết hạ. Giảng đường sát vách tường điện Vi Đà, tôi bèn nói với mọi người, chúng ta phải tin, không được phan duyên, ở trong chùa cố gắng tu hành, không cần làm Phật sự, không cần làm kinh sám, cũng không cần làm pháp hội, nếu bị đói chết thì Bồ-tát Vi Đà phải bị xét xử cách chức. Làm gì có loại đạo lý này? Cho nên ngay cả người xuất gia còn không tin Phật, thì bạn làm sao có thể dạy đại chúng thông thường tin Phật được? Không có đạo lý này. Chúng ta thật sự tin thì không sợ, vì có Phật, Bồ-tát phù hộ, thần hộ pháp hộ vệ. Có thể bị đói một vài bữa cũng chẳng sao, tuyệt đối không bị chết đói, bị rét một chút chứ không bị chết rét, họ nhất định sẽ đến, nhất định phải có niềm tin, như vậy mới gọi là học Phật, như vậy mới gọi là thật sự tin Phật. Những gì bạn cần, bạn mong cầu, nhân duyên chín mùi nhất định sẽ đến. Những đạo lý này là do đại sư Chương Gia truyền dạy cho tôi. Tôi có niềm tin đối với Ngài, Ngài không lừa dối tôi. Tôi vào lúc đó đời sống vô cùng gian khổ, muốn cúng dường lên đại sư Chương Gia mà một xu cũng không có, tôi không có khả năng này. Thầy biết nên thầy không trách tôi, thầy đối với tôi rất tốt, vô cùng từ bi, vô cùng quan tâm. Mỗi tuần tôi được gặp mặt thầy một lần. Tôi vào lúc đó đi làm, có công việc, đến ngày chủ nhật đến viếng thăm và thỉnh giáo thầy. Mỗi tuần thầy dành cho tôi hai giờ đồng hồ, lúc nào có việc bận thì một giờ. Nếu như có một vài lần tôi không đến được, thì thầy nhất định sai người hoặc là gọi điện đến hỏi thăm tôi tại sao không đến? Có phải bị bệnh không? Vô cùng quan tâm. Tâm yêu thương đó khiến cho bạn không thể không đến. Đây là lời thầy nói với tôi: “Ở trong cửa Phật, có cầu ắt ứng”. Bạn cầu không được là do bạn có nghiệp chướng. Nghiệp chướng của bạn tiêu trừ rồi thì không có chuyện không cảm ứng. Nhưng nhất định phải đúng như lý như pháp mà cầu. Bạn dùng tham sân si để cầu, Phật, Bồ-tát không thể làm cho bạn tăng trưởng tham sân si, Phật, Bồ-tát sẽ không giúp bạn tạo ác nghiệp. Nếu bạn là hành thiện, là vì chúng sanh, Phật, Bồ-tát sẽ cảm ứng đạo giao. Vì mình thì không được, tuyệt đối không có cảm ứng. Nếu vì mình mà có cảm ứng thì đó là tà ma, ma thúc đẩy dục vọng của bạn, ma giúp bạn làm việc xấu, chứ Phật, Bồ-tát không thể giúp bạn làm việc xấu, Phật, Bồ-tát chỉ cho bạn thiện duyên chứ không cho bạn ác duyên. Từ đó cho thấy, hễ là hỗ trợ tăng trưởng cho dục vọng của chúng ta, hỗ trợ tăng trưởng tham sân si thì mình phải có sự cảnh giác cao độ, đó là ác duyên, chứ không phải thiện duyên. Nhưng người có duyên này không có ai mà không ưa thích, không ai mà không bị đọa lạc, không có ai mà không mắc lừa ma, rơi vào tay của ma. Chỗ này phải có tâm cảnh giác cao độ. Cho nên lúc trẻ gần gũi thiện tri thức là rất tốt, đặt nền tảng vững rồi, nên cả đời đối nhân xử thế đều có tâm cảnh giác rất cao. Nếu chúng ta muốn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần hộ vệ, thì phải học ở chỗ này.

Xem tiếp kinh văn dưới đây: “Kỳ mẫu tín tà, thường khinh tam bảo, thị thời thánh nữ, quảng thiết phương tiện khuyến dụ kỳ mẫu lệnh sanh chánh kiến. Nhi thử nữ mẫu, vị toàn sanh tín bất cửu mệnh chung, hồn thần đọa tại, vô gián địa ngục” (Bà mẹ của người mê tín tà đạo, thường khinh khi ngôi Tam-Bảo. Thuở ấy, mặc dầu Thánh Nữ đem nhiều lời phương tiện khuyên nhủ bà mẹ người, hầu làm cho bàn mẹ người sanh chánh kiến, nhưng bà mẹ người chưa tin hẳn. Chẳng bao lâu bà ấy chết, thần hồn sa đoạn vào Vô-Gián địa ngục).

Tri kiến của mẹ cô bất chánh, tập khí phiền não rất nặng, đại khái cũng là do nhìn thấy người học Phật ít có hình ảnh tốt. Thời kỳ Tượng Pháp Phật pháp suy yếu, thời kỳ Chánh Pháp có nhiều hình ảnh tốt, tứ chúng đệ tử có nhiều hình ảnh tốt. Thời kỳ Tượng Pháp hình ảnh tốt ít rồi, thời kỳ Mạt Pháp thì ít hơn nữa, là hiếm có hơn. Cho nên thời kỳ Mạt Pháp, nếu chúng ta thật sự có thể tu hành đúng như đã dạy thì chư Phật sẽ vui hơn gấp nhiều lần so với thời Tượng Pháp, long thiên thiện thần hộ vệ cũng tăng thêm gấp bội, hy hữu khó gặp. Chúng ta gặp được duyên thù thắng như thế này, tại sao mình lại tự chà đạp mình? Như thế thì thật sự đáng tiếc! Tạo tác tội nghiệp nhất định đọa lạc. Tại sao bà lại khinh khi ngôi Tam Bảo, phỉ báng Tam Bảo vậy? Nói thực ra hình ảnh của người xuất gia chúng ta không tốt. Tại sao thời đại đó Phật và đệ tử của Phật được quốc vương, đại thần và tất cả đại chúng ở trong xã hội tôn kính? Nguyên nhân gì vậy? Chúng ta phải suy nghĩa thật kỹ, thời kỳ Mạt Pháp người xuất gia đi ra ngoài bị người ta coi thường, khinh chê, ở bên cạnh chỉ chỉ chỏ chỏ cười nhạo, Đây lại là nguyên nhân gì? Chúng ta có nên trách người ta không? Nếu trách người ta là hoàn toàn sai rồi. Hãy quay lại tự trách chính mình. Ngôn hạnh và hình ảnh của bản thân chúng ta không đáng được đại chúng xã hội tôn kính, bên trong vẫn còn tham sân si mạn, bên ngoài chỗ nào cũng phan duyên, những gì biểu hiện ra thật sự là mê tín, hướng dẫn cho đại chúng xã hội làm chuyện mê tín, thì bạn làm sao có thể được người ta tôn kính? Người ta dựa vào cái gì để tôn kính bạn? Người ta tôn kính bạn cũng đều là mê tín, mê mới tương ưng với mê được, giác nhất định không tương ưng với mê. Nhưng tạo tác tội nghiệp, bất kể là bạn cố ý tạo hay là vô ý tạo, quả báo chắc chắn là có. Không thể nói là vô ý tạo thì không có quả báo, không có chuyện này. Bạn hiểu pháp luật mà phạm pháp, không hiểu pháp luật mà bạn phạm pháp vẫn phải bị kết án, vẫn là có tội. Không thể nói là tôi không hiểu pháp luật nên tôi tạo tác việc phạm pháp này thì tôi không có tội lỗi. Không có chuyện này, việc đó trái lý. Cho nên mẹ của nữ Bà La Môn bị đọa vào địa ngục Vô Gián.

“Thử bà la môn nữ tri mẫu tại thế bất tín nhân quả kế đương tùy nghiệp tất sanh ác thú.” (Lúc đó, Thánh Nữ biết rằng người mẹ khi còn sống không tin nhân quả, liệu chắc phải theo nghiệp quấy mà sanh vào đường ác)

Đây là đứa con gái có hiếu của bà, cô có học Phật hiểu rõ đạo lý, biết mẹ của mình lúc còn sanh tiền không tin nhân quả báo ứng. Chữ “Kế” là trong tâm suy nghĩ, trong tâm đang suy đoán, suy nghĩ nghiệp mà cả đời mẹ mình tạo không biết tương lai quả báo ở nơi nào? Nghiệp thiện nhất định có quả thiện, nghiệp ác nhất định gặp ác báo. Cô suy nghĩ thấy nghiệp mẹ mình tạo tác nặng nề, phỉ báng Tam Bảo, nghiệp này rất nặng.

“Toại mại gia trạch, quảng cầu hương hoa cập chư cúng cụ, ư tiên Phật tháp tự đại hưng cúng dường.” (Thánh Nữ bèn bán nhà, đất, sắm nhiều hương hoa cùng những đồ lễ cúng, rồi đem cúng dường tại các chùa tháp thờ đức Phật Giáo Hoa Định Tự Tại Vương.)

Đây là cô tu phước cho mẹ.

“Ư tiên Phật tháp tự”. Tháp là nơi cất giữ xá-lợi của Phật. Chúng ta gọi nơi cúng dường xá-lợi Phật là tháp. “Tự” là nơi giáo hóa chúng sanh. Ý chính của tự, ý nghĩa của tự, trong “Khoa chú” chú giải rất rõ ràng. Giải thích ý nghĩa của chữ tự này như thế nào vậy? Tự có nghĩa là tiếp nối, kế thừa. Người bình thường chúng ta gọi là hậu duệ, tiếp nối. Sự nghiệp này phải vĩnh viễn tiếp nối mãi, đây gọi là tự. Nơi này là nơi tiếp nối huệ mạng Phật, nên gọi đó là tự. Người hiện nay đều không hiểu ý nghĩa này, nhìn thấy Tự nghĩ Tự là miếu, bên trong thờ quỷ thần, làm chuyện mê tín, họ không hiểu ý chính của chữ này. Trước đây cơ quan làm việc dưới quyền nhà vua đều gọi là tự, là muốn cơ nghiệp đế vương của họ truyền xuống vĩnh viễn tiếp tục không dứt. Ý nghĩa này rất hay, cũng rất sâu rộng. Sự nghiệp giáo dục chúng sanh của Phật, sự nghiệp giúp tất cả chúng sanh tu hành chứng quả phải vĩnh viễn tiếp tục không dứt, nơi này là để làm sự việc này, cho nên gọi nó là tự. Cúng Phật, nên nhớ kỹ phải dùng tài vật của mình, nếu dùng tài vật của người khác để tu phước là sai rồi, mình sẽ không được một chút nào cả. Nhất định phải dùng tài vật của mình, không được dùng của người khác. Cô không có tài lực, nên đem nhà cửa của mình bán đi. Có được số tiền này bèn sắm nhiều hương hoa và những đồ lễ cúng, rồi vào trong tháp Phật để tu cúng dường. Loại cúng dường này là hình thức, loại cúng dường hình thức này chúng ta hiện nay nhìn thấy rất nhiều, rất nhiều người đều biết. Cúng dường hình thức có hiệu quả hay không vậy? Phải xem dụng ý của họ trong và ngoài có tương ưng hay không? Trong ngoài tương ưng thì có công đức, trong ngoài không tương ưng thì không có công đức. Vẫn có một số người cúng dường nhưng lại tạo tội nghiệp, không những không có phước mà còn tạo họa. Những loại cúng dường nào vậy? Đến trước Phật, Bồ-tát tu cúng dường thật lớn để cầu phát tài, cầu thăng quan. Cầu nguyện trước Phật, Bồ-tát,  nếu con được thăng quan, được phát tài, con sẽ đến trả lễ, sẽ trở lại cúng dường lớn cho ngài. Ra điều kiện với Phật, Bồ-tát là hối lộ, xem Phật, Bồ-tát giống như tham quan ô lại. Loại cúng dường này không những không có phước, mà còn tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Ngài phù hộ cho con phát tài, con phát được một triệu, con nhất định sẽ đem mười ngàn đến cúng dường cho ngài. Phật, Bồ-tát đâu có khờ như vậy, để cho bạn được lợi đến 99 vạn, đâu có đạo lý này? Bạn coi Phật, Bồ-tát là hạng người nào? Cho nên cúng dường như vậy là tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp, vậy là đọa tam đồ. Đừng nhìn thấy người ta đến tu cúng dường bèn cho đó là việc tốt, chưa chắc là việc tốt. Bạn phải thăm dò xem động cơ của họ là gì, bạn mới biết họ là tạo phước hay là tạo họa. Cúng dường đó vừa không đạt được thăng quan cũng không thể phát tài được, còn quay lại oán hận Phật Bồ-tát, nói Phật, Bồ-tát này không linh, tôi cúng dường mà Phật, Bồ-tát không có phù hộ cho tôi phát tài, bèn oán hận, phỉ báng Tam Bảo nữa, nên tội nghiệp đó là càng tạo càng nặng.

Chúng ta xem kinh văn dưới đây: “Kiến Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai kỳ hình tượng tại nhất tự trung, tố họa uy dung đoan nghiêm tất bị” (Trong một ngôi chùa kia thấy hình tượng của đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai đắp vẽ oai dung đủ cách tôn nghiêm.)

Đây là nói cô Bà La Môn đến chùa miếu để cúng dường, cúng Phật. Phật không còn tại thế, đây là thời kỳ tượng pháp, nên trong tự viện này chỉ có hình tượng Phật. Tượng Phật được đắp hoặc đúc. Cúng dường ở trước tượng Phật, tượng Phật tạo rất trang nghiêm.

“Thời Bà La Môn nữ chiêm lễ tôn dung bội sanh kính ngưỡng.” (Thánh nữ chiêm bái tượng của đức Phật lại càng sanh lòng kính ngưỡng.)

Đây là chân thành. Những đồ lễ cúng này là bên ngoài, bên trong là tâm chân thành, hiển thị cho thấy trong ngoài nhất như. Cúng dường một chút vật phẩm, giống như chúng ta gặp một người nào đó, bất kể là người lạ hay người quen, rất lâu rồi không có gặp nhau, khi gặp nhau lúc nào cũng có chút quà. Quà không phải ở chỗ nhiều hay ít, mà là để biểu thị cho lòng tôn kính, biểu thị chúng ta đối với người này không có quên, thường hay nhớ ở trong tâm, biểu thị một chút lòng tôn kính. Cúng Phật, hơn nữa là tu phước cho mẹ, cho nên tâm này càng chân thành, khẩn thiết hơn nữa. Lòng chí thành thì có thể cảm, nên Phật liền có ứng, liền sinh ra cảm ứng đạo giao.

“Tư tự niệm ngôn, Phật danh đại giác, cụ nhất thiết trí, nhược tại thế thời, ngã mẫu tử hậu, thảng lai vấn Phật, tất tri xứ sở.” (Tự nghĩ thầm rằng: Đức Phật là đấng Đại-Giác đủ tất cả trí-huệ, nếu đức Phật còn trụ ở đời, thì khi mẹ tôt khuất, tôi đến bạch hỏi Phật, chắc thế nào cũng rõ mẹ tôi sanh vào chốn nào.)

Đây là hận mình phước báo không đủ, không có sanh vào lúc Phật còn tại thế, mà sanh vào thời tượng pháp của Phật, Phật không còn tại thế. Nếu như Phật còn tại thế thì Ngài có đại trí huệ, có đại thần thông, nếu mình đến thỉnh giáo Phật, sau khi mẹ con mất rồi sanh vào cõi nào? Phật nhất định sẽ nói cho mình biết. Đáng tiếc Phật không còn tại thế. Trong tâm có thầm nghĩ như vậy, không nhất định là nói ra, trong tâm có cái ý niệm này, cho thấy lòng hiếu thảo của cô, muốn giúp cho mẹ thoát khỏi khổ nạn.

“Thời bà la môn nữ, thùy khấp lương cửu, chiêm luyến Như-lai” (Nghĩ đến đó Thánh Nữ buồn tủi rơi lệ chăm nhìn tượng Như-lai mà lòng quyến luyến mãi)

Câu này là miêu tả, nguyện vọng ân cần chí thành khẩn thiết của Thánh Nữ Bà La Môn lúc đó ở trong tự viện. Chúng ta từ trong câu này có thể thể hội được sự kỳ vọng chân thành biết bao, tha thiết biết bao, như vậy là có thể cảm.

“Hốt văn không trung thanh viết, khấp giả thánh nữ vật chí bi ai, ngã kim thị nhữ, mẫu chi khứ xứ.” (Bỗng nghe trên hư không có tiếng bảo rằng: “Thánh Nữ đương khóc kia, thôi đừng có bi ai quá lắm! Nay ta sẽ bảo cho ngươi biết chỗ của mẹ ngươi).

Chí thành thì sẽ linh, cảm động Phật đến chỉ dẫn cho cô.

“Bà la môn nữ hợp chưởng hướng không nhi bạch không viết: “Thị hà thần đức khoan ngã ưu lự, ngã tự thất mẫu dĩ lai, trú dạ ức luyến vô xứ khả vấn, tri mẫu sanh giới.” (Thánh Nữ chắp tay hướng lên hư không mà vái rằng: “Đức thần nào đó mà giải bớt lòng sầu lo của tôi như thế? Từ khi mẹ tôi mất đến nay, tôi thương nhớ ngày đêm, không biết đâu để hỏi cho rõ mẹ tôi thác sanh vào chốn nào?).

Chữ “giới” tức là thế giới nào? Ở thế giới nào trong thập pháp giới? Ở đường nào trong lục đạo? Cô nhận được sự cảm ứng này nên vô cùng cảm kích. Cô không biết âm thanh này từ đâu đến? Cũng không biết là do ai nói? Cho nên cô chỉ có hướng lên hư không. Âm thanh là đến từ hư không, không có nhìn thấy hình ảnh, chỉ có nghe thấy âm thanh. Là đức thần nào đó?

“Thời không trung hữu thanh tái báo nữ viết: “Ngã thị nhữ sở chiêm lễ giả, quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai, kiến nhữ ức mẫu bội ư thường tình chúng sanh chi phần, cố lai cáo thị.” (Trên hư không lại có tiếng bảo Thánh Nữ rằng: “Ta là đức Phật quá khứ Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai mà ngươi đang chiêm bái đó. Thấy ngươi thương nhớ mẹ trội hơn thường tình của chúng sanh, nên ta đến chỉ bảo”).

Đây là đem cái nhân năng cảm nói ra. Đây đích thực là người con hiếu thảo. Chí thành có thể cảm được Phật. Cổ nhân Trung Quốc thường nói: Hiếu cảm động trời đất. Cho nên đã cảm động Phật đến chỉ bảo cho cô, thỏa mãn tâm nguyện của cô.

“Bà La Môn Nữ văn thử thanh dĩ, cử thân tự phác chi tiết giai tổn, tả hữu phù trì lương cửu phương tô, nhi bạch không viết: Nguyện Phật từ mẫn tốc thuyết ngã mẫu sanh giới, ngã kim thân tâm tương tử bất cửu.” (Thánh Nữ nghe nói xong liền té xỉu xuống, tay chân mình mẩy đều bị tổn thương. Những người đứng bên vội vàng đỡ dậy, một lát sau Thánh Nữ mới tỉnh lại rồi bạch cùng trên hư không rằng: “Cúi xin đức Phật xót thương bảo ngay cho rõ chỗ thác sanh của mẹ con, nay thân tâm của con sắp chết mất!).

Đây là biết âm thanh này là âm thanh của Phật, nên cảm động lễ bái năm vóc sát đất. Cách lễ bái này là toàn thân tiếp lễ, cho nên sau khi bái xuống thì tay chân mình mẩy đều bị tổn thương, đây là bái rất dũng mãnh. Người bình thường thế gian chúng ta nói là cúi đập đầu thành tiếng, đây là thể hiện cảm động quá sâu, khi bái lễ ngã xuống đất bất tỉnh, rất lâu mới tỉnh trở lại. Khi tỉnh dậy vội vàng cầu xin Phật nói cho biết nơi mà mẹ của cô thác sanh. Cô đau buồn đến cực điểm. “Tương tử bất cửu” (Sắp chết mất), đây là đau buồn đến cực điểm.

Thời Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai cáo Thánh Nữ viết: Nhữ cúng dường tất, đản tảo phản xá, đoan tọa tư duy ngô chi danh hiệu, tức đương tri mẫu sở sanh chi xứ.” (Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai bảo Thánh Nữ rằng: “Cúng dường xong ngươi mau mau trở về nhà, rồi ngồi ngay thẳng nghĩ tưởng danh hiệu của Ta, thời ngươi sẽ biết chỗ thác sanh của mẹ ngươi.”)

Phật không có nói cho cô biết, không có trực tiếp nói cho cô biết mẹ của cô hiện nay ở nơi nào, mà dạy cho cô phương pháp, cô làm theo phương pháp này, cô nhất định sẽ biết. Đây là phương pháp gì vậy? Dạy cho cô phương pháp niệm Phật. “Sau khi ngươi cúng dường xong, hãy mau mau trở về nhà”. Sau khi trở về nhà, nhất tâm chấp trì danh hiệu. Cô chỉ niệm danh hiệu Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai, nhất tâm xưng niệm, ngồi ngay thẳng nghĩ tưởng. Bồ-tát Đại Thế Chí dạy chúng ta: “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, nhất định thấy Phật”. Tư duy tức là nhớ nghĩ. Không có nói niệm ngoài cửa miệng. Ý nghĩa của dùng tư duy này là rất sâu. Chúng ta thông thường niệm Phật là miệng niệm mà tâm không niệm, đúng như chúng ta thường nói: “Gào rát cổ họng cũng uổng công”. Niệm Phật quan trọng nhất là trong tâm có Phật, tư duy mới là thật sự niệm Phật, trong tâm họ thật sự có Phật.

“Thời Bà La Môn nữ tầm lễ Phật dĩ, tức quy kỳ xá.” (Lễ Phật xong, Thánh Nữ liền trở về nhà.)

Nghe Phật nói hãy mau mau trở về nhà, sau khi thực hiện xong nghi thức cúng dường này cô vội trở về nhà.

“Dĩ ức mẫu cố đoan tọa niệm Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai, kinh nhất nhật nhất dạ” (Vì thương nhớ mẹ, nên Thánh Nữ ngồi ngay thẳng niệm danh hiệu của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai trải suốt một ngày một đêm.) 

Cô trở về y giáo phụng hành thật sự niệm, dùng tâm chân thành nhất tâm trì danh, hiệu quả hiện tiền ngay.

“Kinh nhất nhật nhất dạ” (Trải suốt một ngày một đêm.)

Thời gian không dài.

“Hốt kiến tự thân, đáo hải biên kỳ thủy dũng phất, đa chư ác thú, tận phúc thiết thân phi tẩu hải thượng, đông tây trì tục, kiến chư nam tử nữ nhân, bách thiên vạn số, xuất một hải trung, bị chư ác thú, tranh thủ thực đạm.” (Bỗng thấy thân mình đến một bờ biển kia. Nước trong biển đó sôi sùng sục, có rất nhiều thú dữ thân thể toàn bằng sắt bay nhảy trên mặt biển, chạy rảo bên này, xua đuổi bên kia. Thấy những trai cùng gái số nhiều đến nghìn muôn thoạt chìm thoạt nổi ở trong biển, bị các thú dữ giành nhau ăn thịt.)

Đây là cảnh giới ở trong định thấy. Quý vị phải biết, tại sao Phật dạy cô làm như vậy? Tại sao không trực tiếp nói cho cô biết mẹ của cô ở địa ngục? Thưa với quý vị, nói với cô như vậy sẽ không có tác dụng, không thể cứu được mẹ cô. Làm thế nào mới cứu được mẹ của cô vậy? Tự mình nhất định phải tu công đức, cô mới có thể khiến cho mẹ cô được độ. Suốt một ngày một đêm, cô là chuyên tâm, tâm địa chí thành, một ngày một đêm được nhất tâm bất loạn. Trong hết thảy các pháp môn tu hành, thì pháp môn này là nhanh nhất. Tu pháp môn khác muốn đạt được công phu này là rất khó, pháp môn niệm Phật dễ dàng, một ngày một đêm, trong “Kinh Di Đà” nói: Nếu một ngày, hoặc hai ngày cho đến 7 ngày. Cô niệm một ngày một đêm là được nhất tâm bất loạn, được nhất tâm bất loạn là chứng niệm Phật tam muội. Quý vị nên biết, niệm Phật tam muội có sâu cạn khác nhau. Niệm Phật tam muội cấp hạ phẩm là công phu thành khối, trung phẩm là sự nhất tâm bất loạn, thượng phẩm là lý nhất tâm bất loạn. Cô đây là được sự nhất tâm bất loạn. Sự nhất tâm bất loạn thì bản thân cô đã thành Bồ-tát rồi, mẹ cô đương nhiên được độ. Tại sao cô công phu một ngày là có thể chứng được nhất tâm bất loạn vậy? Nhờ duyên của mẹ cô. Nếu mẹ cô không đọa vào đường ác, thì cô sẽ không tinh tấn như vậy được, nên mẹ cô liền có phước ngay, nhờ mẹ cô giúp khiến cho cô dụng công như vậy, bỗng chốc chứng được quả vị Bồ-tát. Mẹ cô sanh thiên là căn cứ vào đạo lý này. Nếu Phật không dạy cho cô cách này, mà nói cho cô biết mẹ cô ở đâu, thì dù có khóc chết đi nữa cũng vô ích. Phật không thể độ mẹ cô được. Nếu Phật có thể độ được thì việc gì phải bảo cho chúng ta tu hành? Là không cần tu rồi, thảy đều được độ hết, như thế Phật là đại từ đại bi. Phật không thể độ.

Cô độ mẹ của mình là do nhờ cái duyên này của mẹ cô nên cô mới chăm chỉ tu hành, trong vòng một ngày mới có thể niệm đến sự nhất tâm bất loạn. Tại sao chân thành như vậy? Tại sao tinh tấn như vậy? Là bởi vì tâm tha thiết độ mẹ, nhờ sức mạnh này thúc đẩy cô, đạo lý là ở chỗ này. Sau đó bạn mới biết cửa Phật nói siêu độ, nguyên lý của nó là ở chỗ này. Siêu độ, nếu tâm của người siêu độ đó không chân thành khẩn thiết, tự mình không thể nâng cao cảnh giới lên tu hành chứng quả, thì người được siêu độ cũng không được lợi ích, họ không siêu được. Khi cô thành Bồ-tát, thì bà trở thành mẹ của Bồ-tát, hơn nữa mẹ của Bồ-tát có cống hiến rất lớn đối với vị Bồ-tát này, nên đương nhiên bà từ địa ngục sanh thiên, đây là đạo lý nhất định. Cho nên trong cửa Phật nói siêu độ là có lý ở trong đó. Bạn không hiểu lý, cho rằng tụng mấy quyển kinh là siêu độ, đâu có chuyện dễ dàng như vậy?

Trong thế gian người tạo rất nhiều tội nghiệp, đến cuối cùng mình cũng cảm thấy sợ hãi, bèn đi tìm mấy vị pháp sư đến tụng kinh, tiêu tai, cầu siêu. Cầu siêu không nổi, không có tác dụng. Nhưng chúng ta nói chung là làm tốt hơn không làm, vẫn cứ tìm mấy vị pháp sư tụng kinh, hồi hướng, vẫn biết mình có tội. Nhưng mà phải biết, phương pháp này hiệu lực rất kém, chẳng giúp được gì, chỉ có thể nói là gieo một chút thiện căn mà thôi, không thu được hiệu quả. Làm giống như Thánh Nữ vậy mới đạt được hiệu quả. Cho nên con cái hiếu thảo muốn siêu độ cho cha mẹ hay người thân quyến thuộc của mình khi qua đời thì phải hiểu đạo lý này. Thỉnh pháp sư tụng kinh siêu độ thì mình nhất định phải tham dự. Tại sao vậy? Mình không hiểu rõ nghi thức, không biết tụng niệm, cứ tụng niệm theo pháp sư. Ai siêu độ? Tự mình siêu độ, pháp sư chỉ là làm người trợ duyên kèm theo bạn, bản thân bạn phải thật tâm sám hối, phải khế nhập cảnh giới, bạn siêu độ thì người mất đó mới thật sự được độ, thật sự được phước. Nếu như chỉ đem việc siêu độ ủy thác hết cho mấy vị pháp sư, còn mình cứ ở đó xem như chẳng có việc gì xảy ra thì không có tác dụng, một chút cảm ứng cũng không có. Thậm chí là khi tôi vừa mới học Phật, chưa xuất gia, cũng chưa có quy y, mới tiếp xúc Phật pháp, có một hôm đi chơi, đến chùa miếu chơi, trong chùa đang làm Phật sự, đại khái là siêu độ cho cha mẹ của một người nọ, pháp sư ở ngoài tụng kinh, bên trong người nhà cười đùa, rất vui vẻ, còn ở đó đánh bài nữa. Tôi nhìn thấy thật chẳng ra thể thống gì! Giống cái gì vậy? Cha mẹ này chết tốt quá, rất vui vẻ, người trong nhà một chút tâm đau buồn cũng không có. Đến lúc pháp sư bảo ra lạy: “Ra đây! Các vị hãy lạy đi” thì “Dạ”, vội vàng lạy, vừa đứng lên lập tức ngồi vào bàn đánh bài, như thế chẳng ra làm sao cả! Người hiện nay là không hiểu lễ, không biết chân tướng sự thật, vô cùng vô cùng đáng thương. Thật sự giống như lời Phật nói trong kinh, là kẻ đáng thương xót. Chúng ta thể hội được ý nghĩa câu nói này của Phật.

Tốt rồi, hôm này thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *