Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 1

Tập 1

  Tôi vào năm xưa, mỗi đạo tràng mới được xây dựng lên, bộ kinh đầu tiên nhất định là giảng Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện. Tại sao vì phải giảng bộ kinh này vậy? Phật pháp thiết lập, không thể tách rời cơ sở vật chất. Cách nói hiện nay của chúng ta là, nhất định phải có đất đai, phải có phòng ốc, phải có kiến trúc. Sau khi có cơ sở vững chãi rồi, chúng ta mới có một nơi tu đạo. Nhưng mà tu đạo phải dựa vào cái gì vậy? Chúng ta nhất định phải biết, tu đạo nhất định phải dựa vào “Tâm địa”. “Kinh Địa Tạng” chính là khóa trình đầu tiên của chúng ta. Sau khi đã có cơ sở vật chất rồi rồi, thì trong cơ sở tinh thần, cái quan trọng nhất là pháp môn Tâm Địa. Cho nên bộ đầu tiên chúng ta nhất định phải giảng giải là “Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện”, để làm cơ sở cho việc tu học đại thừa của chúng ta. Nếu như không biết được pháp môn tâm địa, không biết bắt đầu tu từ tâm địa, thì cuối cùng quyết định là chẳng có thành tựu gì cả. Hay nói cách khác, bất luận bạn dụng công như thế nào, nỗ lực như thế nào, phấn đấu như thế nào, tinh tấn như thế nào, bạn vẫn không thể ra khỏi lục đạo luân hồi như cũ. Những gì mà bạn tu chẳng qua là phước báo hữu lậu mà thôi.

Đại biểu cho Phật pháp đại thừa ở Trung Quốc là 4 vị Bồ-tát lớn. Vị thứ nhất chính là Bồ-tát Địa Tạng. Từ Bồ-tát Địa Tạng phát triển ra tiếp nữa là Bồ-tát Quán Thế Âm, là đại từ đại bi. Địa Tạng là hiếu kính. Ngày nay tại sao Phật pháp suy như vậy? Người tu học tại sao không có thành tựu rõ rệt giống trước đây? Mọi người quên mất gốc rồi. Bất hiếu, bất kính. Loại tu học này chính là thầy Lý trước đây thường hay nói là đùa giỡn Phật pháp. Họ không phải đang tu học Phật pháp, cũng không phải đang hoằng dương Phật pháp, mà là đùa giỡn Phật pháp, tiêu khiển Phật pháp. Không có việc làm, tiêu khiển cho vui, lấy Phật pháp để tiêu khiển. Thật sự như vậy. Lời thầy Lý nói một chút cũng không quá đáng. Chúng ta thử nghĩ bản thân chúng ta có phải là cũng đang tiêu khiển Phật pháp, cũng đang đùa giỡn Phật pháp không? Tu một chút phước báo hữu lậu mà thôi. Và chút phước báo này quyết định không hưởng ở nhân gian. Đến đâu để hưởng vậy? Hưởng ở đường súc sanh, ở đường ngạ quỷ, hưởng ở đường ác. Tại sao không thể hưởng ở cõi người vậy? Tư cách làm người của bạn không có, cho nên tu phước không hưởng ở cõi người. Chúng ta cần hiểu rõ. Làm người phải biết hiếu thân tôn sư. Trong tam phước của “Quán Kinh”, phước đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, bạn mới có thể được thân người. Phước báo mà bạn tu mới có thể hưởng ở trong cõi nhân thiên. Nếu như 4 câu này không làm được, thì phước báo mà bạn tu quyết định hưởng ở đường ác. Trong đường ác cũng có người phước báo rất lớn. Những lý và sự này chúng ta đều hiểu rõ, nhưng chúng ta không thể chuyển trở lại được. Hay nói cách khác, hiểu rõ mà không làm được. Tại sao không làm được vậy? Nói lời thành thật, đối với những Sự Lý này hiểu chưa đủ thấu triệt. Thật sự thấu triệt rồi, quyết định họ có thể sám trừ nghiệp chướng, họ có thể quay đầu là bờ. Cho nên đạo tràng mới thành lập, thì “Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện”  nhất định không thể thiếu, nhất định phải giảng.

Quý vị đồng tu đến nơi đây để tham học, chúng tôi hôm nay xếp khóa trình này là khóa trình chủ yếu. Tuy thời gian không nhiều, nhưng chúng ta nhất định nói kỹ phần trọng điểm. Bộ phận thứ yếu khác, cổ đức có chú giải tường tận. Pháp sư Thánh Nhất có bài giảng phổ thông, có thể giúp mọi người làm tham khảo. Tương lai quý vị hoằng dương Phật pháp ở trong nước, ngoài nước, phàm là đến một đạo tràng cũng cần phải giảng “Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện” trước, tiếp đó giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, khuyên họ niệm Phật vãng sanh. Đây là phép tắc nhất định.  

“Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” khoa chú là do pháp sư Linh Kiệt đầu thời nhà Thanh viết. Sư là người khoảng năm Khang Hy, là thời kỳ đầu triều Thanh. Chú giải hay vô cùng. Chúng ta đọc chú giải của sư cần phải thể hội thật tỉ mỉ. Nếu dùng ngôn ngữ hiện đại để biểu đạt, quan niệm của người hiện đại để thuyết minh, thì mọi người sẽ dễ dàng tiếp nhận. Ở phần trước Sư có Luận Quán. Luận Quán tức là trước khi giảng kinh văn, trước tiên giảng đại ý của toàn kinh, để giới thiệu tóm lược. Ở trong Luận Quán đã bao gồm 5 tầng huyền nghĩa. Đây là bộ phận thứ nhất. Bộ phận thứ hai, dạy chúng ta cách quán như thế nào, cũng chính là dạy chúng ta học tập bộ kinh này, làm sao đem quan niệm chuyển trở lại. Bộ phận thứ ba là giới thiệu đại ý toàn kinh. Luận Quán của sư viết rất dài. Bộ phận này vô cùng quan trọng. Ở trong bộ phận huyền nghĩa, hoàn toàn dựa theo phương thức của tông Thiên Thai, thuyết minh giải thích đề kinh. Biện thể (Phân biệt thể). Thể là căn cứ lý luận. Phật căn cứ vào cái gì để giảng bộ kinh này? Sau khi chúng ta hiểu rõ rồi, đối với bộ kinh này, đối với lời thuyết pháp của Phật mới có thể sinh ra niềm tin kiên định. Bộ phận thứ ba là minh tông. Minh tông là nói tu hành. Hay nói cách khác, làm sao đem những đạo lý này, những lý luận này, thực tiễn vào trong đời sống chúng ta. Bộ phận thứ tư là luận dụng. Chúng ta dựa vào cái phương pháp này tu học, sẽ đạt được những lợi ích công đức như thế nào. Một cái bộ phận sau cùng là nói giáo tướng. Giáo tướng đó là nói phương thức dạy học của Thế Tôn, nghi thức phép tắc dạy học.

Pháp sư ở trong 5 khoa mục này, đều dùng ba chữ “bất tư nghì”. Đề kinh là lấy Nhân Pháp bất tư nghì để đặt tên: “Bồ-tát Địa Tạng” bất khả tư nghì, “Bổn Nguyện” bất khả tư nghì. Bồ-tát Địa Tạng là nhân (người). Bổn nguyện là pháp. Ở trong phần Biện Thể, ngài nói Tánh Thức bất tư nghì làm thể. Tánh là chân như bản tánh, chỗ chứng của chư Phật Như-lai. Thức là dụng tâm của phàm phu 9 pháp giới. Phàm phu 9 pháp giới đang mê. Khi mê rồi thì không gọi là tánh, mà gọi là Thức. Tánh là chân tâm. Thức là vọng tâm. Hay nói cách khác, ngài là lấy tâm địa chân thật với tâm địa vọng tâm của chúng sanh 9 pháp giới để làm cơ sở cho lập luận. Vậy là quá hay rồi.

Phật giảng bộ kinh này căn cứ vào đâu vậy? Căn cứ vào chân tâm của bản thân chư Phật Như-lai, lại căn cứ theo vọng tâm của chúng sanh 9 pháp giới nữa, vì chúng ta mà thuyết bộ kinh điển này. Căn cứ lập luận của bộ kinh điển này có thể nói là quá chân thật rồi.

Tánh Địa bất khả tư nghì. Chúng ta nói Địa Tạng. Tánh Địa là chân tâm bất khả tư nghì. Vọng tâm của chúng sanh 9 pháp giới cũng bất khả tư nghì.

Tánh thức bất tư nghì làm thể của kinh. Lại lấy hạnh nguyện bất tư nghì làm tông. Tông chỉ của bản kinh, đại hạnh đại nguyện của Bồ-tát Địa Tạng đều bất khả tư nghì. Lại lấy phương tiện bất khả tư nghì làm dụng. Cái này có thể thấy được rất rõ ràng ở trong toàn kinh, khiến cho chúng ta biết làm thế nào học tập. Sau cùng là lấy bất khả tư nghì hiển bày ra vô thượng Bồ đề làm giáo tướng. Nếu như lấy 5 loại ví dụ này của cổ đại đức, ví dụ giáo tướng dùng sữa, váng sữa, kem, bơ, pho-mát để biểu thị cho 5 giai đoạn của Phật pháp. Địa Tạng Bổn Nguyện là đại pháp vô thượng Nền tảng là đại pháp vô thượng, thì thành tựu đương nhiên là Phật quả vô thượng. Cái này là tổng cương lĩnh của huyền nghĩa.  

Hôm nay chúng ta ở nơi đây giảng bộ “Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện” này có hai dụng ý, một cái là nhận lời mời của lão pháp sư Nhân Đức tại Cửu Hoa Sơn. Tôi nhận lời ngài trước ngày thánh đản của Bồ-tát Địa Tạng, vì đại chúng giới thiệu đại ý bổn nguyện của Bồ-tát Địa Tạng. Chúng tôi dự định ngày 1 tháng 9 khởi giảng, ngày 20 tháng 9 viên mãn. Ngày 20 chính là ngày 30 tháng 7 âm lịch, là ngày thánh đản Bồ-tát Địa Tạng. Ý nghĩa thứ hai là Tịnh Tông Học Hội Singapore, đạo tràng này xây dựng, chúng ta vẫn chưa có chính thức giảng một bộ kinh nào ở nơi này, hôm nay vì đạo tràng mới khai giảng “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” cũng là phù hợp với thường lệ giảng kinh mừng đạo tràng mới nhiều năm của chúng ta. Cho nên có hai tầng ý nghĩa này. Trước tiên tại Báo Ân Đường của Tịnh Tông Học Hội, vì chư vị đồng tu mà nói  bộ đại kinh này.

Trong huyền nghĩa đương nhiên điều quan trọng nhất là trước tiên phải giới thiệu đề kinh “Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện Kinh”. 7 chữ này, 6 chữ phía trước là biệt đề.

Chữ “kinh” này là thông đề. Tất cả pháp mà Phật nói đều gọi là kinh. Ở trong biệt đề lại phân thành nhân và pháp. 7 loại lập đề này chúng ta đã tỉnh lược bớt. Pháp sư Thánh Nhất ở trong Giảng Ký nói rất rõ ràng, quý vị có thể làm tham khảo. “Địa Tạng Bồ-tát” là nhân (người). “Bổn Nguyện” là pháp. Đề kinh này là do Phật Thích Ca Mâu Ni tự mình nói. Phật ở trong kinh nói Bộ kinh này có thể dùng ba đề kinh (3 tên gọi). Ba đề kinh này đều là do Phật nói. Cái thứ nhất là “Địa Tạng Bổn Nguyện”. Ở trong pháp hội này, Thế Tôn vì chúng ta tuyên thuyết “Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện”. Cũng có thể gọi là “Địa Tạng Bồ-tát bổn hạnh”. Hạnh và nguyện hỗ trợ nhau. Có nguyện nhất định có hạnh. Ý nghĩa của Hạnh dùng cách nói hiện nay để nói, là đời sống của Bồ-tát Địa Tạng, sự tu trì của Bồ-tát Địa Tạng, cách đối nhân xử thế của Bồ-tát Địa Tạng, những điều này đều là bản hạnh của ngài. Lại có thể gọi là “Địa Tạng Bồ-tát Bổn Thệ Lực Kinh”. Lực là hiển thị năng lực thù thắng của ngài. Hiện nay chúng ta đọc đề kinh “Địa Tạng Bổn Nguyện” này là do người phiên dịch từ trong ba đề kinh này chọn ra. Bởi vì ở trong bổn nguyện này đã bao hàm bổn hạnh, cũng đã bao gồm bổn thệ lực, ý nghĩa đều ở trong đó.

Chữ “Địa” trong từ “Địa Tạng”, nói ở trên sự là mặt đất. Mặt đất là nơi mà tất cả vạn vật dựa vào đó để sinh tồn. Bất kỳ một vật nào tách khỏi mặt đất thì không thể sinh tồn được. Cho nên ở Trung Quốc rất xem trọng đối với trời và đất. Ở trong bát quái tướng của Địa là quẻ Khôn, đức của Địa là mẹ. Ở trong “Kinh Dịch” nói: “Chí tai khôn nguyên”(tạm dịch: Quẻ Khôn lớn lao thay!). Chí là đến cực điểm. Đây là hình dung mặt đất nơi vạn vật dựa vào để sống, tất cả vạn vật đều sinh từ mặt đất. Cho nên đất có ý nghĩa là có thể duy trì, nuôi dưỡng, chuyên chở, sinh sản. Phật dùng cái này để dụ cho tâm địa của chúng ta. Tâm địa của chúng ta thật sự là có đủ ý nghĩa này. Dùng Phật pháp để nói có nghĩa là trụ trì, sinh trưởng, gánh vác. Trụ, tất cả vạn pháp đều từ chân tánh mà trụ, tất cả vạn pháp đều từ chân tánh mà sanh. Ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Chỗ trụ của chư Phật Như-lai là nhất chân pháp giới, chỗ trụ của chúng sanh 9 pháp giới là thập pháp giới. Y chánh trang nghiêm đều là từ trong tánh địa biến hiện ra. Tánh là năng biến. Vạn pháp là sở biến. Ở trong tự tánh vốn dĩ có đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, mọi thứ vô lượng vốn dĩ đầy đủ.

Phật pháp dạy học, mục đích là dạy chúng ta minh tâm kiến tánh. Tại sao lấy đó làm mục tiêu vậy? Sau khi minh tâm kiến tánh, thì tự nhiên vấn đề gì cũng đều được giải quyết. Vả lại, sự việc này là nhất định thực hiện được, chắc chắn có thể làm được. Tại sao khẳng định như vậy? Bởi vì mỗi người đều có chân tánh. Chân tánh không phải đến từ bên ngoài. Đến từ bên ngoài thì chưa chắc có thể làm được. Tự tánh vốn đầy đủ thì đâu có lý nào không thể làm được? Vấn đề chỉ cần chúng ta có thể khôi phục tự tánh. Thực ra tự tánh đâu có cần khôi phục. Ngày nay ở trên tánh đức của chúng ta có chướng ngại. Chỉ cần đem cái chướng ngại này bỏ đi, thì tự nhiên tánh đức hiện tiền ngay. Gọi là xua tan mây mù thì ánh mặt trời chiếu khắp. Ánh mặt trời ví dụ cho tánh đức của chúng ta. Mây mù ví dụ cho chướng ngại. Chướng ngại là giả. Ánh mặt trời là thật. Lìa vọng rồi thì chân liền hiện tiền ngay. Cho nên chân tánh không cần phải cầu. Bạn cầu đó chính là hư vọng, không cần phải cầu. Lìa vọng rồi chính là chân.

Phật nói với chúng ta, trong chân tâm có đầy đủ ba đức. Pháp thân. Pháp thân là thân thật của chúng ta, bất sanh bất diệt, không đến không đi, không nhơ không sạch. Ở trong Thiền Tông nói là: “Mặt mũi xưa nay trước khi cha mẹ chưa sanh”, chính là cái này. Đáng tiếc, chúng ta từ vô thủy đến nay khởi tâm động niệm, vọng tưởng chấp trước, làm chướng ngại đức dụng sáng suốt của tự tánh chúng ta. Hiện tiền, tác dụng này đã bị hao tổn rất lớn rồi. Tác dụng 100%, nhưng chúng ta hiện nay có thể cảm nhận được chưa đến 1%, 99% đức dụng không thể hiện tiền. Bạn nói đây không phải đáng tiếc sao! Tại sao lại có hiện tượng này? Mê mất rồi. Không biết mình vốn đầy đủ vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng. Mê mất rồi, mê quá lâu, mê quá sâu, mê quá rộng rồi. Phật nhìn thấy chúng ta mới sinh tâm thương xót, giúp chúng ta giác ngộ, giúp chúng ta khôi phục. Việc này cần phải chú trọng tu hành. Nhân tu vạn hạnh, quả viên vạn đức.

Phương pháp tu hành cũng là vô lượng vô biên. Ở trong vô lượng vô biên phương pháp, có pháp thuận tiện, cũng có pháp không thuận tiện, Phật đều nói cả. Cho nên Phật vì chúng sanh diễn thuyết vô lượng pháp môn. Ở trong tứ hoằng thệ nguyện nói là: Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Tại sao Phật phải nói vô lượng pháp môn vậy? Do căn tánh chúng sanh không giống nhau. Căn tánh của chúng sanh cũng vô lượng vô biên. Thuận theo căn tánh chúng sanh mà dạy học, thì học tập sẽ dễ dàng thành tựu. Nếu như không thuận căn tánh chúng sanh, thì việc tu học của họ sẽ cảm thấy khó khăn. Mà ở trong tất cả pháp môn, thuận tiện nhất, vững chắc nhất, dễ dàng nhất, không có gì bằng pháp môn niệm Phật. Phật ở trong kinh này chính là dạy chúng ta niệm Phật, chí tâm xưng danh, với trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói “Phát Bồ đề tâm nhất hướng chuyên niệm” là cùng một đạo lý, là một sự việc. Nếu như chúng ta không thể tiếp nhận pháp môn này, nghi hoặc pháp môn này, Phật lại mở ra cho bạn pháp môn phương tiện khác. Đây thật sự là Phật dạy người pháp môn đứng đầu. Tại sao nói pháp môn này là pháp môn đứng đầu vậy? Nếu như chúng ta quan sát thật kỹ, Phật ở trong kinh nói với chúng ta nguyên lý nguyên tắc căn bản thì có thể có thể nghĩ thông ngay, là có thể thể hội được ngay. Phật nói cho chúng ta biết, các pháp, tất cả pháp thế gian và pháp xuất thế gian đều là “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. 8 chữ này là căn bản, đã  nói tột cùng tất cả mọiđạo lý của muôn sự vạn pháp trong vũ trụ. Lại nói rõ ràng với chúng ta: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh chính là giải thích duy thức sở hiện. Tâm có thể hiện tướng. Ở trong tướng sinh ra biến đổi là do tác dụng của tâm. Cái tâm này chính là thức, thức tâm, tức là chúng ta gọi là ý nghĩ. Chúng ta hiểu nguyên tắc này, thì Phật nói niệm Phật, chúng ta liền hiểu ngay, chúng ta liền đồng ý. Tại sao vậy? Niệm Phật thì làm Phật, là gọn gàng thẳng tắt. Tại sao đi niệm A-la-hán chứng A-la-hán, sau đó niệm Bồ-tát để thành Bồ-tát, sau cùng lại niệm Phật thành Phật, vậy chẳng phải rườm rà sao? Đi lòng vòng quanh co. Tại sao bạn không thẳng tắt mà niệm Phật? Mà trong Phật, đây là Thế Tôn ở trong kinh luận nói cho chúng ta biết, Phật A-Di-Đà là ánh sáng tôn quý nhất trong các ánh sáng, vua trong các Phật (Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương). Ở trong toàn bộ tất cả chư Phật, Phật A-Di-Đà là đứng đầu. Niệm Phật A-Di-Đà thì làm Phật A-Di-Đà, niệm Phật A-Di-Đà thì thành Phật A-Di-Đà. Việc gì phải niệm Phật khác nữa chứ? Phật khác so sánh với Phật A-Di-Đà đều thấp hơn một bậc. Tại sao không trực tiếp đi niệm Phật A-Di-Đà rất viên mãn chứ? Chúng ta thông qua những đạo lý này, mới khẳng định niệm Phật A-Di-Đà là đứng đầu. Thật sự sáng tỏ, thật sự hiểu được rồi, thì ở trong tâm niệm niệm đều là A-Di-Đà Phật, đó mới là người niệm Phật chân chánh.

Đạo của pháp môn niệm Phật, đạo gồm có giới. Toàn bộ giới luật thảy đều viên mãn đầy đủ, bạn không phạm giới, không phá giới. Đạo gồm có giới. Đắc thiền định là định gồm có giới. Định gồm có giới không bằng đạo gồm có giới. Ở trong đạo gồm có giới không bằng ở trong niệm Phật có đầy đủ giới luật viên mãn, giới luật thanh tịnh, đồng tâm, đồng nguyện, đồng đức, đồng hạnh với A-Di-Đà Phật, đây mới là đại viên mãn đích thực. Cho nên ở trong pháp môn này, Phật dạy chúng ta, chí tâm xưng niệm, tụng niệm. Tụng niệm chính là đọc tụng đại thừa. Trong đọc tụng kinh đại thừa thì lấy “Kinh Vô Lượng Thọ” làm hàng đầu. Chúng tôi trong khi giảng giải, đã từng phân tích với mọi người. Việc phân tích này chúng tôi không có năng lực, là do cổ đại đức thời đại Tùy Đường nói với chúng ta. Tất cả kinh cuối cùng đều quy về “Hoa Nghiêm”, “Hoa Nghiêm” quy về “Kinh Vô Lượng Thọ”. “Kinh Vô Lượng Thọ” quy về 48 nguyện. 48 nguyện quy về nguyện 18.

Hiện nay có người đề xướng bổn nguyện niệm Phật. Ở trong bổn nguyện đặc biệt chú trọng ở nguyện thứ 18. Hoàn toàn dựa theo nguyện thứ 18 niệm Phật, có thể vãng sanh hay không vậy? Quả thật tuân theo quyết định được sanh. Chỉ là đề xướng lâm chung 10 niệm, 1 niệm đều có thể vãng sanh, bình thường có thể không cần giữ giới luật, có thể làm ẩu làm càn, có thể tạo tác tội nghiệp, đến lúc lâm chung niệm Phật vẫn có thể vãng sanh. Lời này nói không sai. Lâm chung bạn có nắm chắc niệm Phật không? Bạn quan sát thật kỹ một số người lâm chung, đầu óc có tỉnh táo không? Nếu như lúc lâm chung là mơ mơ hồ hồ, người khác giúp họ niệm, họ cũng không thể nghe vào được. Lúc lâm chung nghiệp chướng hiện tiền, Phật hiệu không thể nghe vào được. Thậm chí là nghe Phật hiệu còn sinh phiền não nữa. Đích thân tôi đã nhìn thấy loại người này. Cả đời niệm Phật đến lúc sắp mạng chung không niệm Phật, tham sống sợ chết, không thể buông xả. Bổn nguyện nói ở trên lý không có vấn đề, nói ở trên sự thì quá khó, quá khó. Đó là thiện căn, phước đức, nhân duyên như thế nào, chúng ta phải biết rõ.

Cổ đại đức thật sự là từ bi đến cực điểm, vì chúng ta phân tích rất rõ ràng, rất tường tận. Khuyến khích chúng ta không được phép giữ cái tâm cầu may, nhất định phải đứng vững trên thực tế, chăm chỉ nỗ lực tu học, lâm chung mới có phần nắm chắc. Người cầu may, cuối cùng nhất định hụt hẫng. Cho nên đề xướng bổn nguyện, không cần giới hạnh, đây là đi đường nguy hiểm. Những luận điệu này nhìn bề ngoài giống như là có đạo lý, Phật ở trong kinh là nói như vậy, nhưng khi Bạn phân tích thật kỹ thì không có đạo lý, họ hoàn toàn hiểu sai, xuyên tạc ý của Phật rồi. Cho nên “nguyện giải Như-lai chân thật nghĩa”, đâu có dễ dàng như vậy.

Thế Tôn năm xưa còn tại thế, chắc chắn là nhiều lần tuyên giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”. Mỗi lần tuyên giảng pháp môn này, thính chúng khác nhau. Trong kinh có ghi chép thường tùy chúng (những người thường đi theo). Thường tùy chúng nhiều người như vậy. Ngoài thường tùy chúng ra, thính chúng tham dự pháp hội thông thường cũng khác nhau. Cho nên Phật giới thiệu về Tịnh Tông, giới thiệu về thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng có tường tận, sơ lược khác nhau. Cho nên sau này kết tập kinh điển, nội dung kinh điển chênh lệch nhau rất lớn. Điều khác nhau rõ rệt nhất, chúng ta hiện nay thấy 48 nguyện ở trong 5 loại bản dịch gốc, có cái trong kinh điển là 24 nguyện, có cái trong một số kinh điển là 48 nguyện, còn có cái trong kinh điển là 36 nguyện, đây là sự khác biệt rõ rệt nhất. Nếu như là Phật chỉ giảng một lần, người phiên dịch, bất kể người nào phiên dịch, con số này nhất định là giống nhau, không thể có sự khác biệt lớn như vậy được. Từ chỗ này chứng minh, Phật nhiều lần tuyên giảng. Chúng ta đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc muốn nhận thức rõ ràng thật viên mãn thì cần phải đem những kinh điển mà Phật nhiều lần giới thiệu thảy đều phải đọc qua.

Vào thời xưa kinh Phật đều là bản chép tay, lượng lưu thông rất ít. Một người ở trong một đời có thể xem được 5 loại bản dịch gốc này là đại phước báo, đại nhân duyên. Triều Tống cư sĩ Vương Long Thư, người này phước báo đủ lớn, đương nhiên cũng được Phật lực gia trì. Ông chỉ xem được 4 loại trong 5 loại bản dịch. “Kinh Đại Bảo Tích” mà triều Đường phiên dịch, cư sĩ Vương Long Thư chưa có xem được. Cho nên hội Vô Lượng Thọ ở trong “Kinh Đại Bảo Tích”, ở trong bộ phận này có một số câu văn rất quan trọng mà ở trong 4 loại bản dịch khác không có. Cư sĩ Vương Long Thư cũng quả thật là rất tuyệt vời, biết người bình thường rất khó có cơ duyên xem được nhiều bản dịch như vậy, cho nên ông bắt đầu làm bản hội tập. Bản Hội Tập là tập đại thành của các bản dịch gốc, đem những gì mà Phật nói trong các loại bản dịch có thể hội tập lại. Xem được một bản này thì cũng như đều xem được hết thảy các loại bản khác. Đây là việc tốt, đại từ đại bi. Bản của ông được đưa vào trong “Đại Tạng Kinh”. Được đưa vào Đại Tạng Kinh cũng chính là nói những đại đức xưa nay trong cửa Phật chúng ta đều thừa nhận, đều khẳng định cách làm này là chính xác, không có sai lầm. Bản này của Vương Long Thư lưu truyền đến hậu thế. Đại sư Liên Trì chú “Kinh Di Đà Sớ Sao”, trong đó có trích dẫn kinh văn của “Kinh Vô Lượng Thọ”, đại đa số đều lựa chọn bản hội tập của Vương Long Thư. Đây là nhận được sự khẳng định của đại sư Liên Trì.

Về sau có bản tiết hiệu của Bành Tế Thanh, bản hội tập của Ngụy Mặc Thâm. Bản của ông Vương với bản của ông Ngụy quả thật là có khuyết điểm nhỏ. Khuyết điểm nhỏ này chính là không khéo lấy bỏ, chưa thật ổn thỏa tốt đẹp.Họ đã chỉnh sửa văn tự của bản dịch gốc. Đối với họ mà nói, việc chỉnh sửa này là không có vấn đề, thật sự dùng câu từ còn hay hơn so với bản dịch gốc. Đại sư Ấn Quang không tán thành. Không tán thành có đạo lý của ngài. Là sợ người sau này sửa đổi kinh văn một cách tùy tiện. Khởi đầu này của họ sẽ mở ra tiền lệ, dẫn tới người đời sau tùy tiện sửa kinh văn, kinh điển này truyền đến sau này sẽ hoàn toàn khác hẳn. Nhất định không được mở ra cái tiền lệ này. Ấn Tổ phản đối là hai điểm này: Một cái là lấy bỏ không thỏa đáng, một cái là sửa đổi kinh văn, chứ không phải nói không được hội tập.

Đến đầu năm Dân Quốc, bản của Hạ Liên Cư xuất hiện. Bản này thật sự là bản hoàn thiện. Nhưng có một số người chấp trước thành kiến, phản đối bản này. Phản đối bản này thì phải đề xướng đọc 5 loại bản dịch gốc. Nếu như nói phản đối bản này, ở trong 5 loại bản dịch gốc, đề xướng một loại bản, bạn chẳng phải là ở trong 4 loại bản còn lại, còn có một số kinh văn quan trọng, bạn vẫn không đọc được sao. Mục đích của đọc tụng đại thừa là phá nghi sinh tín, là xây dựng tín tâm. Cái này đều là chấp thiên lậu, là thấy lệch, thấy cạn, kiến thức nông cạn hẹp hòi, là những chấp trước này. Đây là sai lầm. Lại nói lão cư sĩ Hạ là cư sĩ. Cư sĩ không có tư cách để hội tập Kinh Tạng. Vương Long Thư là cư sĩ, Bành Tế Thanh cũng là cư sĩ, Ngụy Nguyên cũng là cư sĩ. Đại sư Liên Trì là người xuất gia, là tổ sư Tịnh Độ Tông. Đại sư Liên Trì có thể chọn bản của Vương Long Thư. Đại sư Liên Trì không có nói Vương Long Thư là cư sĩ tại gia, không có tư cách hội tập, không có nói cái lời này. Nếu như nói là người tại gia không thể làm sự việc này, nhất định phải là người xuất gia làm, thì Phật pháp này đã mất đi tính bình đẳng rồi. Hay nói cách khác, quyết định không thể vãng sanh Tịnh Độ. Tịnh Độ là pháp bình đẳng. Đề kinh là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. Tâm của bạn không thanh tịnh, không bình đẳng, một ngày niệm 10 vạn tiếng Phật hiệu cũng không thể vãng sanh. Tâm tịnh thì quốc độ tịnh, tâm bình thì quốc độ bình. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là quốc độ thanh tịnh, bình đẳng. Quý vị nhất định phải hiểu rõ đạo lý này.

Lão cư sĩ Hạ không phải người bình thường. Sau khi bản hội tập của ông ra đời, rất đáng tiếc là đại sư Ấn Quang đã vãng sanh. Ấn Tổ chưa xem được bản này. Tôi tin rằng Ấn Tổ xem thấy bản này, nhất định tán thán, nhất định tán thành. Tại sao vậy? Những lỗi lầm của bản hội tập trước đây, ông đều sửa trở lại.  Bản này đối với nguyên văn, một chữ cũng không có sửa đổi, đồng thời lấy bỏ thỏa đáng. Đương thời có lão hòa thượng Tuệ Minh khẳng định. Lúc đó đại đức Luật Tông – lão hòa thượng Từ Châu cũng khẳng định. Lão hòa thượng Từ Châu chọn lấy bản đó, giảng qua ở Tế Nam. Đại đức tại gia, lão cư sĩ Mai Quang Hy dùng bản của ông giảng trên đài phát thanh trung ương. Bản này ngày nay lưu thông trên toàn thế giới, phù hợp với lời tiên tri lúc lâm chung của lão cư sĩ. Ông nói với học trò, bản hội tập của ông, tương lai là từ hải ngoại truyền đến Trung Quốc. Lời nói này đã thành hiện thực rồi. Đương thời mọi người hoài nghi, hiện nay khẳng định rồi, quả nhiên như vậy. Ông lại nói, kinh này sẽ truyền khắp toàn thế giới. Cho nên bản hội tập này của cụ Hạ hoàn toàn tương ưng với những gì mà ông tiên đoán. Chúng ta nhất định phải có niềm tin kiên định, quyết định không hoài nghi, y giáo phụng hành, phải thường xuyên đọc tụng. Phật ở trong kinh dạy chúng ta làm, thì chúng ta nghiêm túc nỗ lực làm cho được. Phật dạy chúng ta không được phép làm, chúng ta quyết định tuân thủ. Như vậy chúng ta đời này niệm Phật phát nguyện vãng sanh, mới có thể thành tựu.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *