KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 94
Mời xem kinh văn, “Khoa Chú” quyển hạ trang 70. Kinh văn đoạn thứ hai:
“Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế thiện nam tử thiện nữ nhân, ư Đại Thừa kinh điển thâm sanh trân trọng, phát bất tư nghị tâm, dục độc dục tụng, túng ngộ minh sư giáo thị lịnh thục, toàn đắc toàn vong, động kinh niên nguyệt bất năng độc tụng, thị thiện nam tử đẳng hữu túc nghiệp chướng vị đắc tiêu trừ cố, ư Đại Thừa kinh điển vô độc tụng tánh.”
(Lại vầy nữa này Quán Thế Âm Bồ Tát! Trong đời sau, như có người thiện nam, kẻ thiện nữ nào sanh lòng rất trân trọng đối với kinh điển Đại Thừa, phát tâm bất tư nghị muốn đọc muốn tụng kinh điển ấy. Dầu gặp đặng bực minh sư truyền dạy cho những người đó học tập, nhưng đọc rồi quên rồi, trải đến cả tháng cả năm vẫn không đọc tụng được. Những kẻ thiện nam đó vì có nghiệp chướng đời trước chưa trừ sạch, cho nên ở nơi kinh điển Đại Thừa không có khả năng đọc tụng.)
Đây là dạy chúng ta tu trí tuệ. Bởi vì không có trí tuệ, muốn tu học Đại Thừa, không những không thể khai ngộ, mà ngay cả kinh văn cũng không thể nhớ được. Chúng ta hiện nay có lẽ người trung niên trở lên, học Phật đều có cái khó khăn này. Người tuổi trẻ học Phật là thiểu số, đó thật sự là người nhiều đời có thiện căn rất sâu dày, nên lúc còn trẻ mới tiếp xúc được. Bản thân tôi tiếp xúc Phật pháp là năm hai mươi sáu tuổi. Lúc đó tôi đã biết quá trễ rồi, gặp được Phật pháp quá trễ rồi. Lúc còn trẻ khỏe, lúc có thời gian thảnh thơi thì không có duyên. Đến khi mình có thể biết chuyện, có thể giác ngộ thì tuổi tác đã cao rồi, đọc tụng đã tương đối khó khăn. May mắn là nhiều đời còn có chút thiện căn, ở trong thế gian vẫn chưa bị mê hoặc. Gặp được những kinh điển Đại Thừa này, thật sự là vô cùng vui mừng, rất thích nghiên cứu, rất thích đọc tụng, rất thích tìm hiểu sâu nghĩa thú. “Túng ngộ minh sư” (Dầu gặp được bậc minh sư) câu này là rất khó thực hiện. “Minh sư” là người từng trải, có tu có chứng, đây là minh sư. Tìm họ ở đâu? Đại đức xưa trong thế gian và xuất thế gian cũng thường nói, thiện tri thức có thể gặp chứ không thể cầu. Có thể gặp được là do nhân duyên thiện căn nhiều đời. Trong đời quá khứ không có thiện căn, phước đức, nhân duyên, làm sao bạn có thể gặp được? Thiện căn, phước đức mỏng gặp được rồi cũng không tin, không chịu tiếp nhận lời chỉ dạy. Cho dù tiếp nhận cũng là bằng mặt không bằng lòng, cho nên họ không có thành tựu. Tiên sinh Phương Đông Mỹ cả đời dạy học ở Đài Loan. Đại sư Chương Gia, Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam vô cùng nhiệt tâm dạy mọi người, mà mấy người chịu nghe lời? Được mấy người chịu y giáo phụng hành. Các Ngài dạy mỗi ngày, khuyên mỗi ngày, khổ nỗi người học lại bằng mặt không bằng lòng. Tuy như vậy nhưng người dạy không bị nản lòng, đây là đại từ đại bi. Tuy bạn không nghe, chỉ cần bạn chịu đến nghe, không làm cũng không sao cả, để gieo thiện căn cho bạn. Biết đời sau kiếp sau, hoặc giả là đời sau đời sau nữa, nếu gặp được duyên trở lại thì hạt giống thiện căn này của bạn sẽ khởi hiện hành. Biết rõ là họ không làm được, chỉ cần họ chịu đến nghe đều dạy cả. Bạn nghe hiểu được rồi, hiện nay có thể làm được, thì đời này được lợi ích. Rốt cuộc vẫn là thiểu số. Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung, giảng kinh thuyết pháp ba mươi tám năm. Người nghe Ngài giảng kinh thuyết pháp, theo cách tính khiêm tốn nhất của tôi, có lẽ cũng hơn năm mươi vạn người. Người thật sự y giáo phụng hành vãng sanh Tịnh Độ cũng phải được năm trăm người. Quý vị thử nghĩ xem, trong năm mươi vạn người được năm trăm người vãng sanh, còn những người khác đều gieo trồng thiện căn mà thôi. Cho nên ông cụ thường nói: “Trong một vạn người khó có được vài người vãng sanh.” Vấn đề là bạn nghe có hiểu hay không? Có phát tâm nghiêm túc làm hay không? Nhất thiết phải là tin được, hiểu được, nguyện được, hành được thì bạn mới có thể được lợi ích. Cho nên học Phật điều kiện đầu tiên là phải gặp được thầy tốt. Đây là chỗ mấu chốt thành hay bại của cả đời tu học chúng ta. Thầy dạy chúng ta: “Giáo thị lệnh thục.” (Dạy xem cho quen thuộc). Trong kinh văn không có nói dạy niệm, không có nói dạy nghe, Ngài dùng từ “Giáo thị”, vậy là có ý nghĩa gì? Chúng ta cần chú ý đến những từ này. Những từ này vô cùng quan trọng. “Thị” (Xem, nhìn) chính là quán. Quán là thuộc về tuệ. Cương lĩnh của Phật Tổ dạy người ta dụng công tu hành, là dạy bạn quán, dạy bạn quán sát, dạy bạn quán chiếu. Quán sát là bước đầu, là lúc mới học. Từ quan sát nâng cao lên đến quán chiếu. Chỉ cần dùng quán, dùng chiếu, chứ không dùng tâm ý thức. Dùng tâm ý thức quán chiếu thì không có. Nhưng nói thực ra, quán chiếu vẫn là chưa có lìa khỏi tâm ý thức. Thật sự nói lìa khỏi tâm ý thức, thì người mới học chúng ta không thể làm được. Cho nên đối với người mới học chúng ta mà nói, quán sát, quán chiếu, y giáo phụng hành, đem những lý luận, phương pháp, cảnh giới mà Phật nói trong kinh này đối chiếu với đời sống sự thật của chúng ta, quán sát ở trong đây, xem chân tướng sự thật có tương ưng với lời Phật nói hay không? Bắt tay làm từ đâu? Trước tiên quán sát nhân quả. Bạn quán sát làm thiện có phải được quả thiện không? Quán sát làm ác có phải gặp ác báo không? Trước tiên từ những chỗ cơ bản nhất, rõ ràng nhất mà quán sát. Sau đó mới quán sát vào chỗ vi tế, dần dần khế nhập vào chỗ vi tế, bạn sẽ sinh trí tuệ ngay. Cho nên Ngài không dùng chữ nghe, không dùng chữ niệm. Trong Thiền Tông nhập môn từ quán chiếu, công phu dần dần sâu rồi thì chiếu trụ. Chiếu trụ chính là đắc định. Nâng cao lên nữa là chiếu kiến. Bạn thấy trong “Tâm Kinh” nói, công phu của Bồ Tát Quán Thế Âm là “Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Hôm qua nói đoạn cuối “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không” với quý vị rồi. Biết tình trạng hiện thực trước mắt của chúng ta thật sự là mộng, huyễn, bọt, bóng. Lời trong “Kinh Bát Nhã” nói là: “Nhất thiết pháp vô sở hữu, bất khả đắc.” (Tất cả pháp không thể sở hữu, không thể được.) đó là chiếu kiến. Cảnh giới này thoát khỏi thập pháp giới. Trong thập pháp giới vẫn còn năng và sở, chiếu kiến ngũ uẩn giai không là không còn năng và sở, đó chính là nhất chân pháp giới hiện tiền. Cho nên thầy dạy chúng ta như vậy, nói thực ra là chúng ta nghe xong liền quên. “Toàn đắc toàn vong, động kinh niên nguyệt, bất năng độc tụng” (Nhưng đọc rồi quên rồi, trải đến cả tháng cả năm vẫn không đọc tụng được.) Chúng ta vẫn cứ thuận theo phiền não, thuận theo tập khí, không thể khắc phục tập khí phiền não của mình, cho nên ở trong kinh giáo không thể khai ngộ, điều này chúng ta phải tự mình nghiêm túc kiểm điểm soi lại, bạn mới phát hiện lỗi lầm của mình, mới biết nghiệp chướng của mình nặng cỡ nào. Cần phải tự mình khẳng định nghiệp chướng của mình nặng, sau đó bạn mới phát sinh lên được ý nghĩ tiêu nghiệp chướng. Nghiệp chướng không tiêu không được, không tiêu thì vẫn phải trôi lăn lục đạo luân hồi. Quý vị phải biết, khi trôi lăn trong luân hồi thì những gì chúng ta học được trong đời này sẽ quên hết sạch sẽ. Làm sao biết được? Đời trước chúng ta đã từng học Phật pháp rồi, đời này trước khi chưa có tiếp xúc Phật pháp, chẳng phải là quên hết sạch sẽ sao? Bị mê khi cách ấm. Đời sau lại phải học lại từ đầu. Đời sau có cơ hội gặp được minh sư hay không? Rất khó nói. Chắc chắn không thể nói đời đời kiếp kiếp bạn đều may mắn, đều có thể gặp được, không có chuyện may mắn như vậy được. Trong kệ khai kinh nói: “Trăm nghìn muôn kiếp khó gặp được” lời này là thật. Cho nên đời này không thể thành tựu, khi mất thân người, tuyệt đối không phải nói bạn đời sau sẽ gặp được trở lại. Rất có thể bạn sẽ cách mấy chục đời, mấy trăm đời, thậm chí là bao nhiêu kiếp, mới có cơ duyên gặp lại được. Đây chính là nói lui sụt, khi lui sụt vậy thì thời gian quá dài. Đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải sáng tỏ. Sau đó mới biết cơ duyên này hiếm có, khó gặp, sau khi gặp rồi nhất định phải nắm cho thật chắc, nhất định không được lơi lỏng, vất vả như thế nào đi nữa cũng chịu được, cũng phải thành tựu ngay trong đời này, vậy mới là người thông minh, mới là người thật sự giác ngộ, người thật sự có trí tuệ. Đức Phật nói, nói thực ra người hạng này rất nhiều, trong học Phật đại đa số là người dạng này. Những kẻ thiện nam này có nghiệp chướng nhiều đời, nghiệp chướng chưa tiêu trừ. Phương pháp tiêu trừ phần trước đã nói qua với quý vị rồi, là “Quy y cúng dường.” Cúng dường là cúng dường y giáo tu hành, liền tiêu trừ ngay. Phương pháp tiêu trừ hiệu quả nhất, nhanh chóng nhất là nhất tâm niệm Phật. Thân tâm thế giới, pháp thế gian hay Phật pháp thảy đều buông xả, nhất tâm niệm Phật, khuyên mọi người niệm Phật. Phương pháp tiêu nghiệp chướng này là nhanh hơn hết thảy. Bạn có thể đạt được niệm Phật Tam Muội, niệm Phật Tam Muội chính là thiền định. Bạn có thể đạt được lý nhất tâm bất loạn, trong Giáo Hạ gọi là đại khai viên giải, trong một đời có thể làm được. Người nghiệp chướng cực nặng cũng có thể làm được. Điều này Ngài Thiện Đạo nói là do “Gặp duyên khác nhau”, người nghiệp chướng nặng đi nữa cũng có thể làm được. Bạn đạt được niệm Phật Tam Muội, trí tuệ bạn khai mở rồi. Bạn có thể hoằng pháp lợi sinh hay không? Không nhất định. Tại sao vậy? Phải xem pháp duyên. Tuy bản thân bạn khai ngộ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh rồi, nhưng bạn không có pháp duyên. Bạn đi giảng, tuy giảng hay, nhưng người ta không nghe bạn. Lúc này phải làm thế nào? Phần lớn về thế giới Cực Lạc, là vãng sanh. Cho nên người thành tựu có trụ ở thế gian này hay không, đó không phải là việc của mình, đã hoàn toàn không có quan hệ với nghiệp báo của mình. Nên việc trụ thế gian hay không đều phải xem pháp duyên, nếu có duyên thì trụ thêm mấy năm, nếu không có duyên thì lập tức vãng sanh ngay. Người thành tựu vãng sanh chắc chắn là không có bệnh khổ, nhất định là tự tại vãng sanh. Nhưng sự thị hiện của họ chưa chắc giống nhau, cũng có người thị hiện bị bệnh, cũng có người thị hiện rất khổ. Tại sao vậy? Giác ngộ tất cả chúng sanh. Khiến tất cả chúng sanh nhìn thấy bạn khởi lên tính cảnh giác. Thị hiện không có bệnh khổ, rất tự tại khiến cho đại chúng nhìn thấy sinh tâm ngưỡng mộ. Bồ Tát làm đủ dạng thị hiện chứ không có nhất định. Thị hiện cũng không phải là ý của bản thân họ, mà xem duyên của chúng sanh, cần làm loại thị hiện nào họ sẽ làm loại thị hiện đó, nghĩa là tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp, chứ họ đâu có nhất định? Nhưng có một nguyên tắc là bất kể loại thị hiện nào cũng nhất định là lợi ích chúng sanh, chắc chắn có người nhìn thấy, có người nghe thấy sẽ tỉnh ngộ trở lại. Cho nên tiêu nghiệp chướng rất quan trọng. Thông thường phương pháp tiêu nghiệp chướng thường dùng nhất của chúng ta là đọc kinh, đọc đến tương ưng sẽ tiêu nghiệp chướng, niệm Phật niệm đến tương ưng sẽ tiêu nghiệp chướng. Ở trong đời sống thường ngày khởi tâm động niệm lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, đây gọi là tiêu nghiệp chướng. Tuyệt đối không nên có một niệm nào lợi ích cho mình. Quý vị phải biết lợi ích cho mình là tạo nghiệp, là tăng trưởng nghiệp chướng của bạn. Có rất nhiều đồng tu không thể tiêu nghiệp chướng nổi, mặc dù làm việc thiện, hành thiện, làm nhà từ thiện giúp đỡ người khác, nhưng họ vẫn còn cái tôi, cho nên không thể tiêu nghiệp chướng được, họ phải thọ những quả báo. Chúng ta ngày nay rất may mắn hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật, tuyệt đối buông cái ta đi. Tất cả đều là vì chúng sanh, vì xã hội, vì hình ảnh tốt đẹp của Phật pháp, vì Phật pháp trụ lâu ở thế gian. Chúng ta có thể thường giữ tâm này, thường tu hạnh này thì nghiệp chướng sẽ nhanh chóng tiêu trừ. Mời xem kinh văn:
“Như thị chi nhân văn Địa Tạng Bồ Tát danh, kiến Địa Tạng Bồ Tát tượng, cụ dĩ bổn tâm, cung kính trần bạch, cánh dĩ hương hoa, y phục, ẩm thực, nhất thiết ngoạn cụ cúng dường Bồ Tát, dĩ tịnh thủy nhất trản, kinh nhất nhật nhất dạ, an Bồ Tát tiền, nhiên hậu hiệp chưởng thỉnh phục, hồi thủ hướng nam. Lâm nhập khẩu thời, chí tâm trịnh trọng, phục thủy ký tất, thận ngũ tân, tửu nhục, tà dâm, vọng ngữ cập chư sát hại, nhất thất nhật hoặc tam thất nhật.”
(Nhưng hạng người này khi nghe danh hiệu của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, nhìn thấy tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát, đem hết bổn tâm cung kính bày tỏ với Bồ Tát, rồi dùng hương hoa, y phục, đồ ăn, tất cả đồ ngọa cụ, v.v… cúng dường hình tượng Bồ Tát. Dùng một chén nước trong để trước tượng Bồ Tát một ngày một đêm, sau đó cung kính chắp tay thỉnh để uống, xây mặt về hướng nam. Khi nước vào miệng phải chí tâm trịnh trọng, uống nước xong, phải cữ ngũ tân, rượu, thịt, tà dâm, vọng ngữ và các việc giết hại trong bảy ngày hoặc hai mươi mốt ngày.)
Đoạn này là dạy chúng ta phương pháp tu hành, phương pháp tu khai mở trí tuệ. Chúng ta gặp được thầy tốt, gặp được bạn lành, gặp được hoàn cảnh tu học tốt, mà trí tuệ không khai mở, thế là uổng công rồi, vô cùng đáng tiếc. Làm sao khai mở trí tuệ đây? Phương pháp đức Thế Tôn chỉ dạy chúng ta ở đây rất hay. Người này, người mong cầu khai mở trí tuệ này. “Văn Địa Tạng Bồ Tát danh, kiến Địa Tạng Bồ Tát tượng.” (Khi nghe danh hiệu của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, nhìn thấy tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát) Nghe danh hiệu, nhìn thấy hình tượng. Nghe, thấy ở chỗ này chúng ta phải nhớ kỹ, đây là văn, tư, tu tam tuệ của Bồ Tát, một mà ba, ba mà một, mới có thể tương ưng. Duyên ban đầu là nghe thấy danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng. Đương nhiên nghe danh hiệu này, bạn nhất định phải hiểu rõ ý nghĩa tượng trưng của danh hiệu. Nếu bạn không hiểu được ý nghĩa tượng trưng, thì bạn nghe uổng công. Địa là tâm địa. Tạng chính là trí tuệ. Trong chân tâm bản tánh của chúng ta vốn có trí tuệ Bát Nhã, vốn có đức năng. Đây là nghĩa sâu xa hàm chứa trong danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng. Thấy tượng Bồ Tát Địa Tạng, hoặc là nhìn thấy tượng điêu khắc hay đắp nặn, hoặc là nhìn thấy hình thêu vẽ. Nhìn thấy tượng liền nghĩ đến hành nghi của Bồ Tát Địa Tạng, nghĩ đến những việc làm mà Ngài thị hiện ở nhân gian chúng ta. Những việc làm của Ngài chính là thể hiện hết thảy những gì mà trong bộ kinh này đã dạy. Những gì đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi về Ngài, Ngài thảy đều làm được. Nếu Ngài không làm được, làm sao đức Phật khen ngợi Ngài? Cho nên chúng ta nghe danh hiệu, thấy hình tượng, liền biết trí tuệ, đức năng vốn có trong tự tánh cần phải giống như hành nghi của Bồ Tát Địa Tạng, thì mới có thể khai mở được kho báu trong tâm địa chúng ta, vậy chúng ta liền có trí tuệ, liền tiêu trừ nghiệp chướng rồi. Nếu như không thể noi theo hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, thì nghiệp chướng của chúng ta không thể tiêu nổi, đây là đạo lý đích thực. Chỗ này nói cầu sám hối trước hình tượng Bồ Tát. “Cụ dĩ bổn tâm” (Đem hết bổn tâm) Bổn tâm là chân tâm. Thành tâm thành ý cầu sám hối. Trong chú giải chú giải không nhiều, nhưng có ý nghĩa rất sâu.
“Văn danh kiến tượng, trần bạch bổn tâm giả, dĩ Địa Tạng chi danh, tùng trí tuệ nhi sanh. Nhi đại sĩ chi tượng do công đức nhi lập” (Nghe danh hiệu, thấy hình tượng, bạch rõ điều trong tâm ta mong cầu. Bởi vì danh hiệu Địa Tạng sanh từ trí tuệ, hình tượng của Đại Sĩ do công đức mà thành). Bạn nhất định phải hiểu được ý nghĩa tượng trưng của Ngài.
“Cố xưng danh cúng tượng, tức phát tuệ tánh, nhiên tu cung kính, thỉ năng cảm động, dĩ thành năng động vật” (Cho nên xưng niệm danh hiệu, cúng dường hình tượng sẽ phát sanh tuệ tánh, nhưng cần phải cung kính thì mới có thể cảm động, bởi lẽ, lòng thành có thể cảm động được muôn loài) Động là cảm động. Vật là chỉ hết thảy chúng sanh hữu tình, bao gồm cả chư Phật, Bồ Tát. Bạn có thể cảm động họ. “Bất thành vị hữu năng động giả dã” (Chẳng thành kính thì không có khả năng cảm động vậy) Tâm địa bạn không thành, thì bạn không thể cảm động được. Đặc biệt là đối với Phật, Bồ Tát, hoặc là đối với người thiện, thiện thần. Người thiện phải dùng chân thành mới cảm động. Nếu như bạn không chân thành, không chân thành cũng có cảm. Cảm những thứ nào vậy? Yêu ma quỷ quái. Yêu ma quỷ quái không chân thành, tâm chúng đều là tà lệch. Cho nên bạn có tâm sát sẽ cảm cái gì? Cảm La-sát. Tâm sân hận cảm Tu-la, tâm tham lam keo kiệt cảm ngạ quỷ, bạn sẽ khởi cảm ứng với những thứ này. Ban muốn cảm ứng với chư Phật Bồ Tát, cảm ứng với trời đất thiện thần, phải dùng tâm chân thành. Điểm này rất quan trọng. Sau khi chí tâm sám hối, còn phải tu cúng dường. Cúng dường là biểu thị cho lòng thành kính của mình. Chúng ta gặp mặt người khác phải tặng một chút lễ vật để biểu thị sự kính trọng của chúng ta đối với họ. Nếu chưa có chuẩn bị lễ vật, thì xem thử bên mình có cái gì có thể tặng người ta làm kỷ niệm kết duyên, cũng phải làm. Hôm qua cư sĩ Lý có đến tìm tôi, chúng tôi đi thăm lão cư sĩ Hồng, tôi có mang theo xâu chuỗi để kết duyên với cụ. Nhưng sau đó lại muốn đề nghị đi thăm hội trưởng Cư Sĩ Lâm, là lão cư sĩ Trần Quang Biệt. Chúng tôi không có chuẩn bị lễ vật trước, bản thân tôi có mang theo xâu chuỗi này bèn tặng cho cụ, biểu thị lòng kính trọng. Cho nên đứng trước Phật Bồ Tát chúng ta biểu thị lòng thành kính của mình, thì phải tu pháp cúng dường: “Cánh dĩ hương, hoa, y phục, ẩm thực, nhất thiết ngoạn cụ, cúng dường Bồ Tát” (Dùng hương, hoa, y phục, thức ăn, hết thảy ngoạn cụ cúng dường Bồ Tát.) Trước đây có người đọc “Kinh Địa Tạng” đọc đến cúng dường “Hương hoa, y phục, ẩm thực”, họ không có vấn đề gì. Nhưng “ngoạn cụ” cúng dường Bồ Tát. Đây là ý nghĩa gì? Trong chú giải chú giải rất rõ ràng, nó biểu thị cho “Du hí thần thông”. Cho nên “Ngoạn cụ” có thể cúng Phật không? Có thể cúng Phật. Biểu thị cho du hí thần thông, biểu thị cho ý nghĩa này. Chủ yếu là mượn nghi thức này để biểu thị cho lòng thành kính của mình. Pháp tượng trưng mà Ngài nói ở chỗ này rất hay, lời lẽ đơn giản nhưng đầy đủ ý. “Giả vật tưởng ý, tạ sự hiển tâm” (Mượn vật để bày tỏ ý, mượn sự để tỏ rõ tâm.) Cúng dường trước Phật, Bồ Tát là có ý nghĩa này. “Hương thủ thanh viễn tiềm thông.” (Hương là lấy cái ý thanh khiết, trầm lặng thông đến tận nơi xa) Hương là hương thanh khiết, ở xa cũng ngửi thấy. “Hoa biểu viên mãn duyệt trạch” (Hoa biểu thị sự vui vẻ thấm nhuần viên mãn) Không có người nào không thích hoa. Hoa đại biểu cho sự vui vẻ, hoàn toàn là nói từ trên tướng trạng. “Y phục kiến tịch nhẫn bất xả” (Y phục biểu thị cho không từ bỏ nhẫn nhục, lặng lẽ) Y biểu thị cho nhẫn nhục. “Ẩm thực hiển huệ mạng thường tồn” (Đồ ăn, thức uống biểu thị huệ mạng còn mãi.) Biểu thị cho ý nghĩa này. “Ngoạn cụ chương du hý thần thông” (Ngoạn cụ tượng trưng cho du hý thần thông) Đây là nêu ra mấy ví dụ điển hình. Phần trước chúng ta đã từng nói qua rồi, hương biểu thị cho niềm tin, cho giới, định, cho ngũ phần pháp thân, đều có ý hương thơm thanh khiết ở đâu cũng ngửi thấy. Hoa biểu thị cho lục độ. Cúng đồ ăn thức uống trước Phật, Bồ Tát, Phật Bồ Tát không cần ăn uống. Ý nghĩa của cúng đồ ăn thức uống là biểu thị cho huệ mạng còn mãi. Bởi vì chúng ta có đồ ăn thức uống thì mạng sống mới có thể tồn tại được, dùng ăn uống để duy trì mạng sống. Ở đây là biểu thị cho huệ mạng. Đây là nghi thức chí tâm sám hối, tu thành kính.
“Dĩ tịnh thủy nhất trản.” (Dùng một chén nước trong) cúng trước Phật Bồ Tát. Cúng bao lâu vậy? “Nhất nhật nhất dạ, nhiên hậu hiệp chưởng thỉnh phục” (Một ngày một đêm, sau đó cung kính chắp tay thỉnh để uống.) Cúng một ngày một đêm, rồi bạn uống nước này. “Hồi thủ hướng nam” (Xoay mặt về hướng nam) Bồ Tát Địa Tạng trụ ở phương Nam. “Lâm nhập khẩu thời, chí tâm trịnh trọng” (Khi nước vào miệng phải chí tâm trịnh trọng.) Ý nghĩa trong chú giải cũng nói rất rõ ràng. “Tịnh thủy giả, tịch duyên phát tuệ” (Dùng nước trong này mượn duyên phát tuệ) Cúng ly nước trong này nhất định phải biết, tâm phải thanh tịnh giống như nước vậy, phải bình đẳng giống như nước vậy. Tâm thanh tịnh, bình đẳng sẽ phát tuệ ngay. Ly nước cúng này bạn không được đổ bỏ đi, bạn nên uống vào. Cho nên cúng nước tốt nhất là cúng nước gì? Nước đã đun sôi, nước đun sôi để nguội, bạn có thể uống. Nước bạn cúng là có thể uống được, biểu thị bạn tiếp nhận, con sẽ cố gắng học tập, biểu thị cho ý nghĩa này. Chứ không phải thay nước cúng trước mặt đức Phật mỗi ngày này rồi đổ đi. Những việc này đều là để xem bạn dụng tâm ở trong đời sống thường ngày, là ngay trên sự tướng xem bạn dùng tâm gì? Tâm này chính là “Chí tâm trịnh trọng”. Trong chú giải ở đây Ngài nói rất hay. “Trí giả nhạo thủy” (Kẻ trí thích nước), “Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy” (Kẻ nhân từ thích núi, kẻ trí thích nước) Nước có công năng rửa sạch ô nhiễm, dùng cái này để biểu thị. Chúng ta tham, sân, si là ô nhiễm. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta. “Sái tâm dịch hành” (Rửa tâm, điều chỉnh hành vi) Dùng phương pháp gì để rửa tâm? Nước sạch. Nước thanh tịnh, bình đẳng để rửa tâm của chúng ta. Thay đổi những hành vi sai lầm của chúng ta, gọi là dịch hạnh. Trong chú giải lại nói: “Dĩ thanh trị trược, dĩ chánh trị tà, chúng tà đoạn tuyệt, tri thủy vi chân” (Dùng thanh tịnh đối trị ô trược, dùng chánh đối trị tà, dứt hết thảy tà, liền biết nước là chân thật.) Là biểu thị cho ý nghĩa này. Cho nên bạn phải hiểu được cách tượng trưng. Không phải nói mỗi ngày bạn uống nước này là khai mở trí tuệ. Bạn hãy thử xem, bạn uống suốt ba tháng có khai mở được trí tuệ không? Vẫn là không khai mở trí tuệ. Bởi vì bên ngoài bạn là tướng, là tướng bên ngoài, trong ngoài phải nhất như bạn mới khai mở trí tuệ được. Hằng ngày bạn cúng nước, hằng ngày uống nước này, mỗi khi nhìn thấy, liền nhắc mình tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Nhất định phải đem cái tâm bất bình của bạn rửa thành bình tĩnh, trong tâm ô nhiễm rửa thành thanh tịnh, thì trí tuệ của bạn mới khai mở được. Trong ngoài nhất như, vậy mới có thể sinh khởi tác dụng được. Mỗi ngày uống nước mà vẫn cứ tham, sân, si, mạn, vẫn cứ tự tư tự lợi, thì làm sao khai mở trí tuệ chứ? Nghiệp chướng của bạn sao có thể tiêu trừ? Nhất định phải hiểu được ý nghĩa của pháp tượng trưng. Hiểu được ý nghĩa của pháp tượng trưng, vậy tôi không uống nước này có được không? Đương nhiên là được, không phải không được. Tại sao phải uống nước này? Trịnh trọng. Ở trên sự tướng này biểu thị lên lòng thành kính của bạn, là lấy ý nghĩa này. Khi tu pháp này thì phải:
“Thận ngũ tân, tửu, nhục, tà dâm, vọng ngữ, cập chư sát hại”
(Phải cữ ngũ tân, rượu, thịt, tà dâm, vọng ngữ và các việc giết hại).
Hay nói cách khác, nhất định phải tu thập thiện nghiệp. Không những phải tu thập thiện nghiệp, mà còn phải đoạn dứt ngũ tân. Quý vị phải biết, ngũ tân là loại rau. Rau huân “Mùi nồng kích thích”. Chữ huân có bộ thảo đầu. Ăn thịt không phải là ăn huân, vậy là bạn hiểu sai rồi. Thịt là tanh, tanh nồng. Huân vẫn là loại rau. Tanh mới là ăn thịt, loại thịt. Hiện nay có rất nhiều người, gọi ăn thịt là ăn huân là sai rồi. Ngũ huân là chỉ những thứ ở trong rau, trong chú giải cũng có gồm: Hành, hẹ, tỏi. Ngài chỉ nói ba thứ. Ngũ tân là năm thứ. Huân tân. Chỗ này nói huân tân. Chúng ta nói huân tinh, là chữ tinh có bộ nhục bên cạnh, đó là ăn thịt. Ở đây nói huân tân đều là thuộc về loại rau. Đó là gì? Huân là những thứ có mùi hôi nồng. Tân là chỉ vị cay. Cay mà không nồng thì có thể ăn được. Rau ngũ huân, đồng tu học Phật chúng ta đều biết gồm: hành, tỏi, hẹ, kiệu. Trong kinh có nói đến loại hưng cừ, trước đây ở Trung Quốc không có. Hiện nay chúng ta biết đó chính là hành tây. Hành tây trước đây ở Trung Quốc không có. Tính chất của năm loại này đều giống nhau. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói rất rõ ràng, năm thứ này không được ăn, khi tu thập thiện pháp, thập thiện nghiệp nghiêm túc, bảy ngày hoặc là hai mươi mốt ngày. Vậy là dạy cho bạn phương pháp tu hành rồi.
Nói một thất và ba thất là đặt ra thời hạn để cầu chứng. Hy vọng ở trong thời gian này có thể đạt được cảm ứng. Nếu như nghiệp chướng rất nặng thì ba thất vẫn không được. Chúng tôi đã từng nhìn thấy, thông thường nói ba tháng sẽ nhìn thấy hiệu quả. Sáu tháng thì hiệu quả sẽ rất rõ rệt, sẽ vô cùng rõ rệt, đây là thật chứ không phải giả. Người tuổi tác cao cũng có thể phục hồi trí nhớ, những gì đọc rồi cũng có thể nhớ rất lâu không quên. Thông thường nói trong vòng ba bốn ngày đến một tuần không bị quên mất, qua thời gian dài nếu không đọc thì lại quên mất. Những gì đọc qua một lần, trong vòng một tuần vẫn nhớ rất kỹ, có thể làm được đến mức này. Sau cùng có mấy câu nói, trang bảy mươi bốn, hàng thứ hai sau cùng của chú giải. “Đản trừ hồ nghi bất tín, cập bất chí thành giả” (Chỉ trừ những người nghi ngờ, không tin và những kẻ không chí thành) Bạn có hoài nghi đối với pháp tu này, không thể dùng tâm chân thành để tu học, thì sẽ rất khó đạt được sự cảm ứng đó. Nếu như bạn tin sâu không nghi, dùng tâm chân thành cung kính để tu, thì nhất định có cảm ứng. Đoạn dưới đây là nói quả báo hiện tiền:
“Thị thiện nam tử thiện nữ nhân ư thùy mộng trung, cụ kiến Địa Tạng Bồ Tát hiện vô biên thân, ư thị nhân xứ thọ quán đảnh thủy, kỳ nhân mộng giác tức hoạch thông minh, ứng thị kinh điển nhất lịch nhĩ căn, tức đương vĩnh ký, cánh bất vong thất nhất cú nhất kệ.”
(Người thiện nam cùng thiện nữ đó trong giấc chiêm bao thấy Địa-Tạng Bồ Tát hiện thân vô biên rưới nước trên đảnh của người đó. Sau khi thức dậy, người đó liền đặng thông minh, một phen nghe đến những kinh điển đại thừa ấy liền sẽ nhớ mãi, không bao giờ còn quên một câu kệ nữa.)
Đây là những gì bạn mong cầu được thành tựu, toại nguyện rồi. Hiện nay có người cầu mà không được cảm ứng đều là do không đủ tinh thành. Tinh là chuyên, là chuyên nhất. Thành là thành kính. Còn có một số người đọc xong kinh này, không thể hiểu trọn vẹn, tâm lượng rất nhỏ hẹp, chỉ là ở trước Phật, Bồ Tát thành tâm thành ý mà cầu, nhưng đối nhân xử thế thì không thành thật. Vậy có thể cầu được hay không? Không thể cầu được. Quý vị phải biết, một khi thành thì hết thảy đều thành, vì nó là tánh đức. Bạn như vậy mới có thể tiêu nghiệp chướng. Đứng trước hình tượng Phật Bồ Tát, biểu lộ một chút tâm thành, tâm chân thành, rời khỏi hình tượng Phật Bồ Tát, khi tiếp xúc với đại chúng thì niệm ác lại khởi lên, tập khí phiền não lại khởi hiện hành, là không có tác dụng. Điều này nhất định phải biết. Phật Bồ Tát dạy chúng ta phương pháp này, bạn tu ở trước Phật Bồ Tát là làm bài tập tại lớp, sau khi bạn học xong phải có chỗ dùng. Không thể nói tương lai bạn có cảm ứng, đọc kinh điển vừa đọc liền nhớ ngay, còn đọc những thứ khác vừa đọc liền quên mất, đâu có đạo lý này? Không có loại đạo lý này. Vừa nghe kinh điển liền hiểu rõ ngay, vừa đọc liền nhớ được ngay, ở trong đời sống thường ngày sự việc nào bạn cũng thông minh, bạn đều có thể hiểu ra, bạn đều có thể nhớ kỹ, được hiệu quả này mới là thành tựu chân thật. Nếu bạn không hiểu đạo lý này, không hiểu sự thật này, bạn dựa theo phương pháp này cầu, thì không thể có được quả báo. Không đạt được quả báo, bạn sẽ mất hết niềm tin, nói rằng lời Phật nói trong kinh không đáng tin cậy, tôi tu theo cách này, rất lâu rồi mà không có cảm ứng. Họ không biết lý luận, phương pháp mà bản thân họ tu đều sai lầm cả. Không phải không có hiệu quả, thật sự có hiệu quả. Cho nên tu đúng như lý như pháp là vô cùng quan trọng. Đoạn này pháp sư Thanh Liên chú giải rất dài, nhưng không khó hiểu, điều quan trọng phải chú ý, tôi đã nói qua với quý vị rồi.
Hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây. A Di Đà Phật.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.