KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 48
Xem tiếp đoạn kinh văn phía dưới:
“Phục thứ Phổ Quảng! Nhược vị lai thế chúng sanh ư nguyệt nhất nhật, bát nhật, thập tứ nhật, thập ngũ nhật, thập bát nhật, nhị thập tam, nhị thập tứ, nhị thập bát, nhị thập cửu nhật, nãi chí tam thập nhật, thị chư nhật đẳng chư tội kết tập định kỳ khinh trọng.” (Lại vầy nữa, này Phổ Quảng! Trong mỗi tháng những ngày mùng một, mùng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi, mười ngày trên đây là ngày mà các nghiệp tội kết nhóm lại để định là nặng hay nhẹ.)
Chúng ta xem đoạn này trước, đoạn này trong khoa đề gọi là “Trai tụng cảm báo”, trong kinh gọi là ngày thập trai, cũng có kinh gọi là ngày lục trai. Những ngày này đều tính bằng âm lịch. Hiện nay dùng âm lịch ngày càng ít, hiện nay cả xã hội và toàn thế giới đều thường dùng dương lịch. Chỗ này nói sáu ngày. “Ư nguyệt” nghĩa là mỗi tháng. Mùng một, mùng tám, mười bốn, rằm, tháng thiếu có hai mươi chín, tháng đủ có ba mươi ngày. Những ngày này đức Phật nói cho chúng ta biết, đều có những vị trời đất quỉ thần đi tuần tra ở thế gian này. Cho nên chúng sanh khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm, có người tạo thiện, có người tạo ác, những vị quỉ thần này đều có ghi chép lại, họ ở nơi đó điều tra.
“Chư tội kết tập, định kỳ khinh trọng” (Các nghiệp tội kết nhóm lại để định là nặng hay nhẹ.)
Những việc này nói thực ra, dùng cách nói hiện nay để nói đều đưa vào hồ sơ, đến lúc lâm chung nếu như không có phước đức, Đây là lúc gặp vua Diêm La, khi hồ sơ này được đem ra, sẽ quyết định quả báo của bạn là nặng hay nhẹ. Rốt cuộc những việc này có hay không, có mê tín không? Xin thưa quý vị thật sự là có. Tại sao vậy? Thế gian chúng ta cũng là như vậy. Mỗi ngày cảnh sát đi tuần tra, khi bạn phạm tội, thì cảnh sát hình sự sẽ điều tra bạn, sẽ sưu tập chứng cứ bạn phạm tội, sau đó mới phán xử. Người thế gian chúng ta định tội một người, muốn tìm ra chứng cứ là rất khó, không dễ. Còn quỉ thần đến tìm những chứng cứ này của bạn thì bạn không cách gì che giấu được. Chúng ta có thể lừa dối được con người, chứ không thể lừa dối được quỉ thần. Hiện nay dùng khoa học để xử án, dùng khoa học để kiểm tra nói dối, đâu biết rằng những quỉ thần này, không cần dùng những công cụ khoa học, họ trực tiếp từ trong thông tin sóng điện bạn phát ra đó để kết án. Bạn khởi tâm động niệm họ đều biết, đúng như câu nói “Trên đầu ba thước có thần linh”. Con người chỉ có thể tự dối mình dối người, chứ không thể lừa dối được quỉ thần. Nhất là chúng ta đọc “Kinh Vô Lượng Thọ”, trong kinh đức Phật nói với chúng ta, số người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc quá nhiều, không có cách gì tính nổi. Những người vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc này đều là từ mười phương thế giới chư Phật tu học pháp môn niệm Phật vãng sanh về, không chỉ là thế giới này của chúng ta. Người trong mười phương tất cả thế giới chư Phật mỗi ngày vãng sanh về, không biết là bao nhiêu người. Sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, đạo lực thần thông của họ, hầu như không có khác gì so với Phật A-Di-Đà, chúng ta đọc thấy ở trong kinh. Những người đó thiên nhãn của họ, thiên nhĩ của họ, dùng cách nói hiện nay của chúng ta họ đều là siêu tuyệt nhất. Tận hư không khắp pháp giới họ đều nhìn thấy được, tất cả chúng sanh khởi tâm động niệm họ đều biết, họ có tha tâm thông. Loại năng lực thần thông nhỏ này của quỉ thần hữu hạn, năng lực của họ chắc chắn không thể sánh bằng A-la-hán. Năng lực của A-la-hán có thể biết năm trăm đời. Trong năm trăm đời của một người, tình trạng mỗi đời mỗi kiếp A-la-hán đều biết. Những quỉ thần này không có năng lực này, đại khái việc mà bạn làm rất gần đây thì họ biết, việc trong một vài năm hoặc mấy tháng, họ biết rất rõ, họ có loại năng lực này. Người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc năng lực của họ rất mạnh. Chúng ta ở nơi đây khởi tâm động niệm họ đều biết. Chúng ta muốn vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc nếu như ý nghĩ của bạn bất thiện, hành vi bất thiện, suốt ngày niệm A-Di-Đà Phật, một ngày niệm một nghìn tiếng Phật hiệu không gián đoạn, tương lai vẫn không thể vãng sanh được. Tại sao niệm Phật không thể vãng sanh? Bạn mỗi ngày chấp trì danh hiệu là khẩu thiện, tâm bạn bất thiện, hành vi của bạn bất thiện. Điều kiện để vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là phải ba nghiệp thanh tịnh. Trong ba nghiệp quan trọng nhất là tâm. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Tâm thiện thì ngôn ngữ, hành vi của bạn nhất định thiện, như vậy mới có thể vãng sanh, đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu. “Kinh Vô Lượng Thọ” nói điều kiện để vãng sanh, bất luận là thượng bối, trung bối, hạ bối, điều kiện quan trọng nhất là “Phát tâm Bồ đề, nhất hướng chuyên niệm”. Nếu như chúng ta chỉ làm được nhất hướng chuyên niệm, mà không có phát tâm Bồ đề thì không thể vãng sanh. Nói thêm một câu thành thật nữa là, thật sự phát tâm Bồ đề, không có niệm Phật cũng có thể vãng sanh. Trong kinh nói lúc lâm chung một niệm, mười niệm cũng có thể vãng sanh. Tại sao vậy? Tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề là tâm thiện. Tâm thiện, hành vi thiện dù cả đời không có niệm Phật, đến lúc mạng chung niệm một tiếng, niệm mười tiếng, cũng nhất định vãng sanh. Nếu như không có phát tâm Bồ đề, tâm bất thiện, hành vi bất thiện, hằng ngày niệm A-Di-Đà Phật, người xưa nói: “Gào rát cổ họng cũng vô ích”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là nơi hội tụ của các bậc thượng thiện. Chúng ta bất thiện, không ăn khớp với họ, không có cách gì chung sống với nhau được, họ đều là thượng thiện, chúng ta nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Tại sao mỗi ngày phải dốc sức niệm Phật? Sợ lúc sắp mạng chung quên mất. Mỗi ngày niệm Phật là giống như huấn luyện vậy. Cái gọi là “Luyện binh ngàn ngày chỉ dùng trong một buổi”. Thường ngày không ngừng huấn luyện, từng giây từng phút đề khởi câu Phật hiệu này. Dụng ý của đề khởi câu Phật hiệu này rất sâu rất rộng, không những là không được để quên mất câu Phật hiệu, mà không được quên mất tâm của Phật, nguyện của Phật, hạnh của Phật. Tâm của chúng ta phải giống như tâm Phật vậy. Cho nên nghe thấy Phật hiệu, nhìn thấy Phật hiệu liền nghĩ đến tâm của chúng ta phải giống như Ngài vậy, nguyện của ta phải giống như Ngài vậy, hạnh của chúng ta phải giống như Ngài vậy, thì bạn chắc chắn được vãng sanh. Tâm, nguyện, hạnh tương ưng, chính là phát tâm Bồ đề. Đây là điều kiện nhất định phải đầy đủ để vãng sanh. Thật sự có thể nói tâm, nguyện, giải, hạnh đều tương ưng với Phật A-Di-Đà, đây là tâm Bồ đề viên mãn. Vì vậy danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần của thế gian đương nhiên phải buông xả, vinh hoa phú quý không thể thường còn, nhất định phải tu đức. Phải biết nhìn xa, trông rộng, mạng sống của chúng ta ở trong đời này rất ngắn ngủi, thế gian rất khổ, chúng ta biết nhìn xa, biết trông rộng, thì tiền đồ sẽ xán lạn. Ngày nay không gian sống của chúng ta bị hạn chế ở trên trái đất này, tuy khoa học kỹ thuật phát triển, giao thông thuận lợi, chúng ta vẫn không thể rời khỏi trái đất được. Nếu như vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không gian sống của chúng ta sẽ rất rộng, tận hư không khắp pháp giới là không gian sống của chúng ta, bạn thấy như thế tự tại biết bao, đó mới là hạnh phúc đích thực! Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc, năng lực trí tuệ đều phục hồi, tùy loại hóa thân giống như chư Phật Bồ-tát vậy. Giống như trong lời “Kinh Phạm Võng” nói, trăm ngàn ức hóa thân, họ có năng lực này, cùng lúc có thể đến tất cả cõi nước chư Phật, nghe Phật giảng kinh thuyết pháp, có năng lực phân thân đi, trên cúng dường chư Phật, dưới hóa độ chúng sanh, thật sự có năng lực này. Đức Phật ở trong kinh này có đề xướng, mỗi tháng sáu ngày hoặc mười ngày, nhất định phải đoạn ác tu thiện. Không phải nói bình thường thì không cần, mấy ngày này quỉ thần đến khảo sát, nên đặc biệt làm một chút việc tốt cho họ thấy, vậy là nói đến việc bất đắc dĩ. Nếu như mỗi ngày làm như vậy thì sao? Đương nhiên sẽ càng tốt, càng thù thắng hơn. Sợ bạn làm không được, nên mỗi tháng bảo bạn tu mười ngày, ít hơn nữa là tu sáu ngày, tốt hơn không tu. Nếu như có thể tu mỗi ngày, thì phước báo của bạn quá thù thắng rồi! Phương pháp tu hành của chúng ta ngày nay, thì niệm Phật là rất tốt. Niệm Phật, trường trai. Ý nghĩa chính của chữ “Trai” là tu tâm thanh tịnh. Trai tâm là cầu tâm thanh tịnh. Về sau biến thành trì ngọ, là không ăn quá giờ ngọ. Giờ “Ngọ” có hai tiếng đồng hồ, từ mười một giờ đến một giờ trưa, đây đều là giờ Ngọ. Nói một cách nghiêm túc theo Phật pháp là quá trung. Không ăn quá giữa ngày mới gọi là trì trai. Thời gian giữa ngày của mỗi ngày khác nhau, vả lại mỗi khu vực lại có độ lệch thời gian. Hiện nay người thường đi du lịch, sự việc này rất phiền phức, bản xứ mấy giờ, mấy phút, mấy giây là giữa ngày, bạn nhất định phải biết cho thật rõ ràng, nên sự việc này rất là phiền phức. Trước đây cả đời ở trong một đạo tràng thì tương đối dễ, thời gian giữa ngày của bản xứ, thời xưa dùng bóng mặt trời để đo đạc. Lúc trời trong, có thể đo đạt thời gian giữa ngày, mỗi ngày lệch nhau khoảng bốn giây, điều này nhất định phải biết. Hiện nay có phương tiện dùng lịch thiên văn, chỉ cần bạn biết kinh độ, kinh độ bản xứ, dùng lịch thiên văn thế là không thể sai chút nào cả. Cho nên chấp trước chuyện này cũng rất không thuận tiện, cũng rất phiền phức, nói thực ra cũng sinh áp lực đối với đời sống. Như thế không bằng chúng ta mỗi ngày đúng như pháp, là tốt nhất, cần phải biết những chân tướng sự thật này. Tự hành và hóa tha nhất định phải có phương tiện thiện xảo. Tôi ở Đài Trung gần gũi thầy Lý, trước khi chưa đến Đài Trung tôi cũng là trì Ngọ. Không ăn quá giữa ngày. Lúc đó tôi dùng lịch là lịch thiên văn. Từ nhỏ tôi rất yêu thích môn thiên văn, cho nên đến nơi nào có đài thiên văn là nhất định có quan hệ với tôi, và tôi cũng thường hay thích quan sát thiên văn. Cho nên mỗi năm đài thiên văn nhất định tặng lịch thiên văn cho tôi. Đến Đài Trung gần gũi thầy Lý, thầy Lý thấy tôi chấp trước như vậy, có một hôm đã giáo huấn tôi: Chú tự mình tu như vậy thì được, chứ không thể độ chúng sanh được. Tôi hỏi, tại sao? Chú quá chấp trước rồi. Thầy nói Chú đến nơi nào để hoằng pháp, tín đồ ở nơi này, nhất là hiện nay là thời đại công nghiệp, họ cung kính pháp sư, muốn mời bạn đi ăn cơm tối, mời bạn đi ăn cơm, có thể buổi trưa nhất định là sau mười hai giờ, đã quá ngọ rồi, hoặc giả mời bạn đi ăn cơm tối, nếu bạn không nhận lời, nhất định muốn cố chấp cách tu này của mình, thì người ta sẽ sinh ra tâm lý như thế nào? Vị pháp sư này phách lối quá! Chúng ta muốn cúng dường cầu phước cũng không được, trái lại khiến người ta thối tâm, khiến người ta phỉ báng. Thầy nói đây là cách làm của người tiểu thừa, hoàn toàn không phải hạnh Bồ-tát. Tôi hỏi, vậy làm thế nào? Tùy duyên. Bản thân thầy Lý cũng chỉ ăn một bữa giữa ngày, thầy cả đời một ngày ăn một bữa. Nhưng có tín đồ mời thầy ăn cơm, buổi tối thầy cũng ăn như thường, ăn khiến mọi người cảm thấy rất vui vẻ, rất hoan hỷ. Lúc tôi ở Đài Trung nếu có cơ hội này, thầy nhất định kéo tôi đi cùng, để kết duyên với mọi người. Những người này nghe thấy thầy Lý là trì ngọ, một ngày ăn một bữa, buổi tối cũng góp vui với chúng ta, nên tâm cảm kích của họ càng tăng thêm gấp bội, mới biết thầy thật là từ bi, nhiếp thọ chúng sanh rất mạnh. Bồ-tát làm mọi việc là vì chúng sanh, Bồ-tát Địa Tạng chỉ cần chúng sanh có thể được độ, tôi vào địa ngục cũng cam lòng, đây là tinh thần của Bồ-tát Địa Tạng. Cho nên không nên chấp trước chi li những tiểu tiết này, cách làm này là đúng như pháp. Trong Phật pháp giới luật trọng đi nữa cũng có khai duyên. Đây gọi là khai giới, khai trai, không phải phá trai, không phải phá giới. Nếu như bản thân bạn có tâm tham, bạn tìm tín đồ, nói tôi ngại quá, quý vị cứ thường mời tôi ăn cơm đi, là bạn đã phá giới rồi, thế thì sai rồi! Tuyệt đối không được tự mình cố ý làm như vậy, nên hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Cho nên trong pháp đại thừa, làm vậy là tạo nhiều cửa phương tiện, đường về nguồn không hai. Tư tưởng, kiến giải và những cách hành trì không giống như người tiểu thừa. Đại thừa thật sự là phóng khoáng, nó chỉ nắm lấy nguyên lý, nguyên tắc, mọi việc đều lấy lợi ích chúng sanh làm đầu. Lợi ích chúng sanh đích thực là lợi ích chính mình. Giống như những gì trong kinh nói hiện nay, âm lịch là rất không thuận tiện đối với chúng ta. Nhưng phải hiểu được ý nghĩa của nó, hiện nay hầu hết đều tính tuần. Nếu như chúng ta mỗi tuần, có thể tu trai giới được một ngày, hai ngày, thì công đức đó là vô cùng thù thắng. Tuy không nhất định là phải ở trong những ngày này, nhưng thời gian của một tháng không dài, những vị quỉ thần đi khảo sát này nhất định có thể nhìn thấy được. Người hiện đại phải sống đời sống hiện đại, chúng ta đừng câu nệ theo những gì trong kinh điển nói, nhưng tinh thần thì nhất định phải tương ưng với những gì trong kinh nói, như vậy mới tốt. Nhất định phải biết tùy cơ ứng biến, nhằm lợi ích cho đời sống của người hiện đại, để họ không đến nỗi cảm thấy có áp lực ở trong đời sống, như vậy là tốt. Mời xem đoạn kinh văn này dưới đây, trang 61:
“Nam Diêm Phù Đề chúng sanh, cử chỉ động niệm vô bất thị nghiệp, vô bất thị tội. Hà huống tứ tình sát hại, thiết đạo, tà dâm, vọng ngữ bách thiên tội trạng.” (Tất cả những cử chỉ động niệm của chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề đều không có điều gì chẳng phải là tội lỗi, huống nữa là những kẻ buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ trăm điều tội lỗi.)
Mấy câu nói này vô cùng quan trọng, không thể nhớ được toàn kinh, nhưng kinh văn quan trọng nhất định phải nhớ kỹ, nhất định phải họ thuộc lòng nó, từng giây từng phút nhắc nhở mình. “Nam Diêm Phù Đề” chính là chỉ trái đất này của chúng ta. Thật sự là cử chỉ động niệm của chúng sanh trên trái đất này đều là đang tạo nghiệp, đều là đang tạo tội, khởi tâm động niệm đều bất thiện, khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi, đây chính là nghiệp, chính là tội, do chấp ngã kiên cố. Người thế gian không biết, dường như vì lợi ích của mình, để bảo vệ lợi ích của mình, mọi người đều cho rằng đây là việc chính đáng, vậy là chính xác, làm vậy đâu có gì sai lầm? Đây là vọng tưởng, chấp trước của người thế gian. Phật nói ra đây là sai lầm, hơn nữa là sai quá trầm trọng. Lục đạo luân hồi được hình thành như thế nào? Chính là do tự tư tự lợi, chấp ngã biến hiện ra. Vọng tưởng, chấp trước của bạn nếu không được phá trừ, không được buông xả thì bạn vĩnh viễn đang tạo lục đạo luân hồi. Ở trong lục đạo, kinh Phật nói quá nhiều rồi, chắc chắn là thời gian ở trong ba đường ác dài, thời gian ở ba đường thiện ngắn. Ba đường thiện là giống như đi ra để nghỉ phép, tham quang du lịch, ba đường ác là quê nhà, đi ra vài ngày lại phải quay về nhà rồi. Chúng ta ở trong “Kinh Địa Tạng” thấy quá rõ ràng, quá minh bạch rồi. Phật nói vậy là quá sai rồi! Làm thế nào mới là chính xác vậy? Khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sanh, không vì mình, thì bạn có thể vĩnh viễn thoát khỏi lục đạo luân hồi, thoát khỏi tam giới, vậy là chính xác. Lời Phật dạy cho chúng ta là chân thật, thật sự phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Niềm vui này không phải niềm vui trong tam giới. Trong tam giới không có vui. Thoát khỏi tam giới mới thật sự được vui. Phật nói tam giới thảy đều khổ, trên trời cũng có khổ, khổ ít hơn một chút, nhưng vẫn là khổ. Đạo lý và chân tướng sự thật này, chúng ta cũng phải làm cho thật rõ ràng, thật minh bạch, sau đó bạn mới thật sự mang ơn đội nghĩa đối với lời giáo huấn của Phật Đà. Chúng ta thật là may mắn, người thế gian nói thời vận thật tốt, mới gặp được Phật pháp. Đức Phật là thiện tri thức đích thực của chúng ta, chúng ta gặp được thì đời này thật sự được giải thoát. Nếu không gặp được Phật pháp, chúng ta theo như lời trong kinh nói, chúng ta khởi tâm động niệm vẫn là tạo nghiệp, vẫn là tạo tội. Sau khi sáng tỏ rồi, thì vì Phật pháp, vì chúng sanh. Vì Phật pháp thì hãy hy vọng Phật pháp lưu truyền rộng rãi, hy vọng Phật pháp trụ lâu ở thế gian, có thể khiến tất cả chúng sanh được lợi ích của Phật pháp, cần phát cái tâm này. Niệm niệm phải nghĩ đến tất cả chúng sanh, không những nhân loại toàn thế giới, mà còn súc sanh, ngạ quỉ và chư thiên, toàn bộ tất cả chúng sanh đều được lợi ích thù thắng của Phật pháp, thế thì tâm lượng của chúng ta mở ra rồi. Bồ-tát là vì tất cả chúng sanh phục vụ, vì tất cả chúng sanh phục vụ thù thắng nhất không có gì bằng xây dựng Phật pháp. Mà xây dựng Phật pháp là y giáo phụng hành, là xây dựng ngay trong đời sống của chúng ta, xây dựng ngay trong ngành nghề của chúng ta, xây dựng trong công việc của chúng ta, xây dựng trong đối nhân xử thế của chúng ta, khiến cho toàn xã hội, trong đời sống của mọi người, trong các ngành các nghề, thảy đều xây dựng nên Phật pháp. Xây dựng Phật pháp nghĩa là mọi người đều biết phục vụ xã hội, phục vụ đại chúng. Cách nói của người hiện nay là tạo nên sự hy sinh dâng hiến, đó chính là Bồ-tát. Thật sự làm như vậy sẽ được phước không có cùng tận. Phước báo hiện tiền, đức Phật dạy chúng ta phải xả, không nên hưởng, vừa hưởng phước liền mê ngay, liền hồ đồ ngay. Đức Phật dạy chúng ta xả được. Xả là nhân, được là quả. Xả tài được tài, xả phước được phước, xả cái gì sẽ được cái ấy. Sau khi được rồi lại phải xả. Cho nên ý nghĩa tầng thứ hai của xả được sâu hơn nữa, là đem những gì bạn có được lại xả tiếp, như thế bạn có được sẽ càng thù thắng hơn, viên mãn hơn. Vĩnh viễn mình không hưởng thụ, có phước báo thì phước báo cho tất cả chúng sanh hưởng thụ, đây là Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian đích thực. Thế gian này có hay không? Có. Người hiểu Phật pháp, thật sự hiểu họ sẽ y giáo phụng hành, họ sẽ làm như vậy, làm hoàn toàn tương ưng, đây chính là Bồ-tát thị hiện. Đây là nói lên tất cả chúng sanh không có người chỉ dạy, sẽ sinh ra hiện tượng này. Cho nên giáo dục là quan trọng hơn hết. Pháp thế gian và xuất thế gian đều xây dựng trên giáo dục, những vị vua của Trung Quốc cổ đại đều là người thông minh. Họ trị vì quốc gia, hy vọng chính quyền được củng cố, hy vọng quốc gia được lâu dài, bắt đầu làm từ đâu? Giáo dục là trước tiên. Trước tiên phải làm tốt giáo dục. Điều quan trọng nhất trong giáo dục là khuyên hiếu. Làm cho những người dân này hiểu được đạo hiếu. Dạy nhân dân biết tôn sư trọng đạo, mỗi người đều biết tu dưỡng đức hạnh của mình, thì xã hội sẽ an định, thiên hạ thái bình. Cho nên họ coi trọng giáo dục, xếp giáo dục vào chính sách hàng đầu của quốc gia. Trước đây những chế độ này của quốc gia, dưới tể tướng có sáu bộ. Thời xưa không có phân công tỉ mỉ như hiện nay, nó chỉ phân thành sáu bộ. Trong sáu bộ, xếp tên đứng đầu là bộ giáo dục, bộ lễ, trước đây gọi là bộ lễ. Trong sáu bộ thì thượng thư bộ lễ là đứng đầu, giáo dục được xếp hàng đầu, cho thấy họ đối với sự việc này xem trọng biết bao. Và giáo dục Phật giáo là được thiết lập một đơn vị riêng, được tôn trọng hơn nữa, đích thân hoàng đế đứng ra điều hành. Đơn vị giáo dục này được gọi là Tự. Cho nên cái tên gọi tự này được hình thành như thế nào? Tự là tên gọi của cơ quan làm việc dưới quyền hoàng đế. Tại sao lấy cái tên gọi này vậy? Tên gọi này là kiến thiết, xây dựng vĩnh cửu, không bị thay đổi, phải được truyền mãi đời đời, loại cơ quan này, cơ quan thiết lập vĩnh cửu mới được gọi là tự. Nhất định không được sửa đổi, nhất định không được hủy bỏ, dùng cái tên gọi này. Hoàng đế họ hy vọng, triều đại của họ vĩnh viễn được lưu truyền, không bị người ta lật đổ, hy vọng con cháu nối dõi, truyền mãi đời đời. Cho nên cơ quan này là được thiết lập vĩnh cửu. Bên dưới hoàng đế có chín Tự. Người chủ quản của Tự gọi là Khanh, gọi là Cửu Khanh, Tam Công Cửu Khanh. Tam công là cố vấn của hoàng đế, hiện nay gọi là cố vấn chính sách quốc gia. Hoàng đế có vấn đề nan giải nào phải thỉnh giáo họ. Tự ngày nay gọi là đơn vị cấp một, trực tiếp thuộc nhà vua quản lý. Cơ quan của Phật giáo cũng gọi là tự, thuộc hoàng đế trực tiếp chủ quản, hoàng đế trực tiếp đứng ra điều hành giáo dục Phật giáo. Trung Quốc từ triều Hán trở về sau, giáo dục có hai hệ thống, một là giáo dục của nhà Phật, hai là giáo dục của Nho Gia. Giáo dục của Nho Gia do tể tướng phụ trách, điều hành, giáo dục nhà Phật là do hoàng đế tự mình đứng ra chủ đạo, điều hành. Cho nên giáo dục nhà Phật được phổ biến hơn giáo dục Nho Gia. Đây là do trước đây nhân dân tôn kính đối với hoàng đế, dùng sức mạnh của đế vương đem giáo dục này phổ biến đến mỗi tỉnh, mỗi huyện thị, mỗi làng xã đều có xây dựng Phật tự. Và giáo dục Nho Gia, nhiều nhất là một huyện mới được xây một ngôi trường, nó phổ biến không rộng bằng Phật pháp, đạo lý là ở chỗ này, coi trọng giáo dục. Và Phật pháp bị biến chất biến thành tôn giáo, biến thành phục vụ cho người chết. Lịch sử này rất ngắn, đại khái là khoảng giữa triều Thanh trở về sau, mới biến thành cái tình trạng này. Thời gian đầu triều Thanh không phải như vậy. Thời kỳ đầu vẫn là giáo dục, chúng ta xem thấy thời đại Khang Hy, Càng Long, Ung Chính Phật giáo vẫn là giáo dục, vẫn là dạy học như cũ, cho nên ngay cả trong cung đình cũng đọc kinh. Những vị đế vương này của Triều Thanh vô cùng sáng suốt, họ như thế nào? Họ là dân tộc thiểu số vào làm chủ Trung Nguyên, dân tộc thiểu số thống trị dân tộc đa số, có thể khiến cho những người dân này đều phục tùng, kéo dài vương triều hơn 260 năm, là có đạo lý của họ. Họ dùng phương pháp gì để thống trị vậy? Họ dùng “Kinh Vô Lượng Thọ”, chiêu này thật cao siêu. Hoàng đế nói không phải bạn nghe lời tôi, chúng ta thảy đều nghe theo lời đức Phật, trẫm cũng nghe lời đức Phật, mọi người quý vị cũng thảy đều nghe theo lời đức Phật, phương pháp này cao siêu. Không phải tôi thống trị các anh, mà đức Phật thống trị mọi người chúng ta, thì còn lời gì để nói nữa? Cho nên ở trong cung đình đọc “Kinh Vô Lượng Thọ”, cũng mời pháp sư giảng giải “Kinh Vô Lượng Thọ”, mọi người đều y giáo phụng hành. Triều Mãn Thanh người hủy bỏ việc đọc kinh trong cung đình là Từ Hy Thái Hậu. Có lẽ do Từ Hy nghe thấy trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói đều là thói xấu của bà, có lẽ nghe xong thấy rất khó chịu, rất không vui, bèn không đọc nữa. Sau khi không đọc nữa, thì bà mặc tình làm càng làm bậy, khiến quốc gia bị loạn. Nếu như bà vẫn làm theo cách cũ, phương pháp cũ của tổ tiên, không thay đổi, vẫn là y giáo phụng hành, thì có lẽ ngày nay vẫn là vương triều Đại Thanh, không bị thay đổi triều đại, nhân dân sẽ không tạo phản. Đáng tiếc là bà đã đem lời giáo huấn, cách làm cũ của tổ tiên xóa bỏ hết, tự mình làm càng làm bậy nên mất hết lòng dân. Cho nên quân cách mạng khởi lên, mới bị người ta lật đổ. Đây là tội lỗi bà tạo trong đời! Chúng ta đã từng nghe nói, lúc bà Từ Hy sắp chết có hối hận, biết mình làm sai rồi, dường như có nói một câu như vầy: “Hy vọng người nữ vĩnh viễn không nên làm việc chính trị”. Lâm chung mới biết người nữ làm việc chính trị sẽ gây nên tai nạn lớn như vậy. Nhưng mà hối hận đã quá muộn rồi. Chúng ta hôm nay đọc đoạn kinh văn này:
“Hà huống tứ tình sát hại, thiết đạo, tà dâm, vọng ngữ, bách thiên tội trạng.” (Huống nữa là những kẻ buông lung giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ trăm điều tội lỗi.)
Giống như là nói xã hội hiện đại của chúng ta vậy. Người trước đây đọc kinh đọc đến những đoạn này, không có nhìn thấy hiện tượng này, hiện nay hiện tượng này quá phổ biến trên thế giới rồi. Chúng ta nhìn thấy hiện tượng này, không có ai mà không sợ hãi. Chúng sanh tạo tác những tội nghiệp này, đâu thể nói không có quả báo? Ngày nay trên toàn thế giới những tai biến này, người hiện nay đổ lỗi cho tai họa tự nhiên, chứ không phải do con người tạo nên, cách nghĩ này là sai lầm. Tai họa tự nhiên do đâu mà có? Do tâm người biến hiện ra. Nếu như chúng ta tư duy cho thật kỹ, toàn bộ hết thảy vạn vật, vừa mới nói nó đều đang động. Chỉ cần có một vật gì, điện tử đều đang động, động nó liền có sóng. Tâm người chúng ta khởi tâm động niệm, giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, đây là sóng cực ác. Vả lại sóng này tất cả chúng sanh đều tạo, nếu bạn nghĩ thêm nữa thì sóng ác này sẽ lớn mạnh biết dường nào. Sóng lớn mạnh này làm thay đổi vật chất, bạn ảnh hưởng nó, làm thay đổi nó, khiến cho kết cấu bình thường của nó đều bị biến đổi. Điều này trong Phật pháp chúng ta thường nói là: “Y báo chuyển theo chánh báo”. Y báo là núi sông đất đai, chuyển theo tâm người. Tâm người thiện thì môi trường sẽ thiện, gió thuận mưa hòa. Tâm người bất thiện thì sinh ra đủ thứ tai họa. Đáng tiếc hiện nay hầu hết mọi người họ không tin, họ cho rằng cách nói này là mê tín. Đợi đến ngày nào làm rõ ràng, sáng tỏ, thì không kịp nữa, thế giới bị hủy diệt rồi. Không tin theo lời chân thật của đức Phật, nên bạn phải nhận lấy quả báo này. Đây là những sóng cực kỳ không tốt, hiện nay gọi là từ trường. Trong Phật pháp gọi là quang. Người luyện khí công gọi là khí. Từ trường cực kỳ xấu, cực ác, bạn tiếp xúc đến thấy thân tâm bất an. Hầu như người trên toàn thế giới chúng ta ngày nay đều có cái cảm nhận này. Có nơi nào con người sống được yên ổn đâu? Đều là lo âu, lo lắng, không biết nơi nào tốt, đều biết tai nạn sắp hiện tiền. Không biết tai nạn hình thành như thế nào? Những điều này đều do sự ảnh hưởng của sóng. Thế giới của chư Phật Bồ-tát tại sao tốt đẹp như vậy? Do tâm địa của mỗi người đều thanh tịnh lương thiện, cho nên môi trường y báo nơi cư trú mới thù thắng như vậy. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, hễ là người nào vãng sanh về đều là người thượng thiện. Tâm bạn bất thiện thì không thể về được. Thế giới Tây Phương Cực Lạc ở trong Phật pháp nói nó là một thế giới rất mới, đức Phật A-Di-Đà xây dựng đến hiện nay chỉ mới mười kiếp mà thôi. Mười kiếp so với thời gian vô hạn nó là thời gian rất ngắn ngủi, cho nên nó là một thế giới mới xuất hiện. Người trong đó không phải là người bản địa, trong đó không có người bản địa, đều là người từ bên ngoài di dân đến. Điều kiện của di dân, Phật A-Di-Đà rất thông minh, di dân phải có điều kiện gì? Tâm địa lương thiện, tâm địa thanh tịnh, Ngài tuyển chọn những người này vào. Người tâm địa không lương thiện không được phép bước vào, cho nên thế giới này mới tốt đẹp như vậy. Không giống như thế giới Ta Bà của chúng ta. Trong thế giới Ta Bà chúng ta có dân địa phương, nên vô phương. Những người này tâm địa bất thiện, cho nên nói ngũ trược ác thế. Chúng sanh tạo tác nhiều tội nghiệp như vậy, chư Phật Bồ-tát đến chỉ dạy, khuyên bảo. Khuyên xong cũng chưa chắc chịu nghe, cũng chưa chắc y giáo phụng hành, nhưng Phật Bồ-tát từ bi đến cực điểm, không nghe cũng đến khuyên, khuyên bảo vĩnh viễn không gián đoạn, vĩnh viễn không ngừng nghỉ, lúc nào cũng hy vọng có một ngày bạn giác ngộ quay đầu. Cho nên người sáng suốt, người giác ngộ thật sự, thấy môi trường này không tốt cho việc tu hành, đức Phật bèn khuyên bạn di dân về thế giới Tây Phương Cực Lạc. “Kinh Vô Lượng Thọ” là dạy chúng ta cách di dân. Những đạo lý này chúng ta làm rõ ràng, và hiểu phương pháp rồi, thì chúng ta sẽ có niềm tin rất sâu, biết mình di dân về thế giới Tây Phương Cực Lạc, trong đời này chúng ta nhất định có thể làm được. Chúng ta đổi môi trường để sống, đổi môi trường để tu hành. Chúng ta cũng biết tận hư không khắp pháp giới là một thể. Cho nên di dân về thế giới Tây Phương Cực Lạc, sau đó sẽ giúp đỡ những chúng sanh lục đạo này, chúng ta cũng từ bi và có trí tuệ giống như chư Phật Bồ-tát vậy, trở lại chỉ dạy những chúng sanh này. Đoạn dưới đây, Phật ở chỗ này dạy cho chúng ta phương pháp tu học.
“Năng ư thị thập trai nhật, đối Phật Bồ-tát chư hiền thánh tượng tiền, độc thị kinh nhất biến, đông tây nam bắc bách do tuần nội, vô chư tai nạn, đương thử cư gia, nhược trưởng nhược ấu, hiện tại vị lai bách thiên tuế trung vĩnh ly ác thú” (Về đời sau, nếu có chúng sanh nào trong mười ngày trai kể trên đây, mà có thể đối trước hình tượng của chư Phật, Bồ-tát, hiền, thánh để đọc tụng kinh này một biến, thời chung quanh chỗ người đó ở bốn hướng Đông, Tây, Nam Bắc, trong khoảng một trăm do-tuần không có xảy ra những việc tai nạn. Còn chính nhà của người đó ở, tất cả mọi người hoặc già, hoặc trẻ về hiện tại và vị lai đến trăm nghìn năm xa khỏi hẳn các ác đạo.)
Quả báo này quá thù thắng rồi. Cho nên có rất nhiều người xem thấy trong kinh nói như vậy bèn hoài nghi. Nói trong kinh nói vậy là quá khoa trương, không phù hợp với chân tướng sự thật. Cách nói như vậy nói thực ra là có sai lầm, họ chưa có hiểu được nghĩa thú mà trong kinh Phật nói. Kệ khai kinh nói: “Nguyện hiểu nghĩa chân thật của Như-lai” câu nói này rất quan trọng. Bạn hiểu sai ý của đức Phật rồi. Đây là Kinh Đại Thừa, chứ không phải kinh tiểu thừa. Kinh Đại Thừa là dành cho Bồ-tát tu. Phàm phu có thể tu Bồ-tát hạnh hay không? Có thể. “Kinh Hoa Nghiêm” là thù thắng nhất. Người đương cơ trong đó là nói đến phàm phu tâm lượng lớn. Phàm phu có thể tu học, phàm phu có thể học pháp của Bồ-tát, có thể học pháp môn trên quả địa Như-lai thì Phật pháp này mới là viên dung vô ngại. Nhưng bạn nhất định phải phát tâm lớn. Tâm lớn chính là không vì mình, vì tất cả chúng sanh, đây chính là tâm lớn. Tâm lớn thì có thể tu học pháp của Bồ-tát đại thừa. Từ đó cho thấy chỗ này nói “Đọc kinh này một biến”. Chữ “đọc” này chắc chắn không phải bảo chúng ta nhìn vào quyển kinh rồi đọc tụng kinh một biến, như thế chắc chắn không thể đạt được quả báo này. Phải đọc như thế nào? Đọc xong phải hiểu được nghĩa của nó, hiểu xong phải y giáo phụng hành. Mỗi bộ kinh đến cuối cùng đều “tín thọ phụng hành”, không làm được bốn chữ này, mỗi ngày bạn đọc một trăm biến cũng không có tác dụng. Niệm Phật cổ đức thường chế nhạo người ta rằng: Gào rát cổ họng cũng vô ích! Đọc kinh cũng vậy, cũng là gào rát cổ họng cũng vô ích! Đọc kinh phải y giáo phụng hành, niệm Phật cũng phải y giáo phụng hành. Nghe thấy câu Phật hiệu này, nhìn thấy bức tượng Phật này, liền phải nghĩ đến lời giáo huấn trong kinh điển của đức Phật, là mượn cái này để nhắc nhở mình, không được quên lời giáo huần của đức Phật đối với chúng ta. Chúng ta cần thực hiện những lời giáo huấn này vào trong đời sống. Không những mình phải làm như vậy, mà còn phải khuyên bảo người khác cùng làm, vậy gọi là đọc kinh. Nghĩa là trong một tháng bạn đọc mười lần, bạn sẽ không quên. Phật dạy người xuất gia chúng ta trì giới, mỗi nửa tháng phải tụng Giới Kinh một lần. Tại sao vậy? Sợ quên mất. Nửa tháng tụng một lần, là để ôn lại, phải y giáo phụng hành. Không phải tụng cho Phật Bồ-tát nghe. Hàn Sơn, Thập Đắc châm biếm chuyện nửa tháng tụng giới. Ý nghĩa của châm biếm đó là gì? Chỉ biết nửa tháng tụng một lần, mà bình thường một điều cũng không làm được, như thế thì có tác dụng gì? Cần phải tuân thủ theo từng điều, phải làm được từng điều mới đúng, đọc kinh cũng là như vậy. Những phương pháp, nguyên tắc, lý luận mà trong “Kinh Địa Tạng” dạy, chúng ta phải làm, như vậy còn thù thắng hơn nửa tháng tụng giới một lần. Giới Kinh một tháng mới tụng hai lần. Ở đây một tháng bảo bạn tụng mười lần. Chúng ta hiện nay không tụng “Kinh Địa Tạng”, chúng ta đổi lại tụng “Kinh Vô Lượng Thọ”, có được không? Được. “Kinh Vô Lượng Thọ” bao gồm “Kinh Địa Tạng”. “Kinh Vô Lượng Thọ” nói thực ra là bao gồm hết tất cả, toàn bộ Phật pháp đều cô đọng trong “Kinh Vô Lượng Thọ”. Có một năm tôi giảng đại ý của “Kinh Địa Tạng” tại mấy thành phố bờ đông nước Mỹ, thì có đồng tu đến hỏi tôi: Pháp sư à, chẳng phải thầy thường chỉ giảng Tịnh Độ, sao thầy lại giảng “Kinh Địa Tạng”? Có phải thầy đang bị xen tạp không? Tôi nói, không có. Tôi vẫn là giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, giảng pháp môn Tịnh Độ. Họ nói “Kinh Địa Tạng” sao gọi là pháp môn Tịnh Độ được? Tôi bảo, pháp môn Tịnh Độ được xây dựng trên cơ sở của Tam Phước. Anh có thừa nhận hay không? Ông ấy nói, thừa nhận. Tam Phước là thuộc “Kinh Vô Lượng Thọ”. Điều đầu tiên của Tam Phước là “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự thầy tổ, tâm từ không giết hại, tu thập thiện nghiệp” có đúng không? Đúng. Tôi nói “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” là nói bốn câu này. Kinh này chính là chú giải cho bốn câu đó. Ông ấy mới hiểu ra. Cho nên chúng tôi giảng kinh này là pháp cơ bản của Tịnh Độ. Mười sáu chữ trong Kinh Tịnh Độ, là bao gồm cả bộ kinh này. Bộ kinh này chính là nói về mười sáu chữ này. Nếu bạn không hiểu “Kinh Địa Tạng” thì bạn sẽ không hiểu ý nghĩa phước thứ nhất trong Tam Phước, bạn cũng không biết cách tu như thế nào. Cho nên tôi giảng “Kinh Địa Tạng” là giảng Kinh Tịnh Độ, là giảng Kinh Vãng Sanh. Tôi không có rời khỏi Tịnh Độ, không có rời khỏi A-Di-Đà Phật. Chỗ này nói “đọc kinh một lần”, là nhất định phải hiểu ý nghĩa này. Thật sự đọc mà hiểu rõ được lý của nó và thực hiện được câu tín thọ phụng hành sau cùng của Kinh điển, như vậy mới thật sự gọi là đọc kinh. Bạn thật sự làm, thật sự làm được sẽ có hiệu quả này ngay.
“Đông, Nam, Tây, Bắc bách do-tuần nội” (Bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, trong khoảng một trăm do-tuần)
Do-tuần không tính nó là nhiều, không tính là quá lớn, chỉ tính do-tuần nhỏ. Do-tuần nhỏ vào thời xưa một do tuần là bốn mươi dặm Trung Quốc. Thước đo của thời xưa ngắn hơn chúng ta hiện nay. Chúng ta xem thấy trong kinh điển, thân người xưa cao một trượng hai thước. Thực ra dáng người cao một trượng hai thước như vậy, hiện nay có hay không? Nhiều lắm, rất nhiều. Chúng ta xem cuốn “Chu Xích Khảo” của đại sư Hoằng Nhất, quý vị hãy xem Ngài nói ở trong 31 loại giới luật. Một thước thời xưa đại khái dài khoảng hơn năm tấc hiện nay một chút, chưa đến sáu tấc. Cứ như vậy mà tính, một trượng hai thì hiện nay đại khái chỉ khoảng bảy, tám thước tàu. Người cao bảy tám thước tàu quá nhiều. Cho nên nhất định phải biết đơn vị tính độ dài của thời xưa không giống nhưu hiện nay. Một do-tuần nếu như tính ra, đại khái ít nhất cũng là khoảng mười dặm hiện nay, đại khái không xê xích nhau lắm. Một trăm do-tuần thì lớn rồi. Chí ít phạm vi cũng gần một trăm dặm, hoặc giả phạm vi khoảng gần bốn trăm dặm hiện nay của chúng ta, một vùng lớn như vậy không có tai nạn, đó là một người có phước. Nếu như mọi người đều tu phước, thì sức mạnh đó sẽ lớn hơn nữa. Phước của một người tu chúng ta rất yếu ớt. Ngày nay Cư Sĩ Lâm xây dựng niệm Phật đường, mọi người đều ở trong đây cộng tu, quý vị có thể nhìn thấy. Tôi nghĩ các bạn học Phật chắc cũng đã đi qua nhiều nơi, cũng nhìn thấy không ít đạo tràng. Chúng ta ngày nay gọi là khí, người luyện khí công gọi là khí. Bầu không khí này rất hưng thịnh, có thể trong đời, bạn chỉ nhìn thấy đứng đầu là Cư Sĩ Lâm này. Tại sao vậy? Có nhiều người như vậy đang ở đó niệm thật sự. Họ rời khỏi niệm Phật đường thì không tính, khi vào niệm Phật đường họ niệm thật. Cho nên từ trường ở đây đặc biệt thù thắng. Người bước vào đạo tràng này có thể sinh tâm thanh tịnh, sinh tâm hoan hỷ. Sức mạnh này sẽ phù hộ cho khu vực này. Người trong khu vực này, một từ trường rộng như vậy ở nơi đó phát ra cái sóng này, ảnh hưởng khu vực này. Cho nên niệm Phật đường này, trong tưởng tượng của tôi sau nửa năm sẽ ảnh hưởng đến bầu không khí của toàn bộ Singapore, khiến cho cư dân của Singapore, mỗi người đều sinh tâm hoan hỷ. Người sống ở khu vực này, trong tâm sẽ rất yên ổn, sẽ rất sung sướng, sẽ rất vui vẻ. Do sức mạnh gì vậy? Sóng điện ở nơi đây phát ra quá mạnh, vượt hơn sự nghĩ ngợi lung tung của người bình thường. Sóng đó của bạn lớn rồi, nó sẽ san bằng sóng của người khác, nó sinh ra hiệu quả lớn như vậy. Người thế gian hiện nay gọi là sóng tư tưởng. Tư tưởng này của chúng ta là tư tưởng của đức Phật, tư tưởng của Bồ-tát. Sóng lớn như vậy, khi tôi giảng kinh nói, tần số của chúng ta tương đồng, nối thông được với tần số của Phật A-Di-Đà. Cho nên sóng này nương vào sóng của chư Phật Bồ-tát sẽ sinh ra hiệu quả cực lớn, hiệu ứng này rất lớn. Tuy ở nơi đây chỉ có ba bốn trăm người, nhưng không có sao cả, từ trường này có thể trùm qua, có thể tạo nên sự biến đổi rất lớn đối với sóng đó của họ, khiến cho tâm trạng của họ bình tĩnh, tâm trạng ổn định, thật sự được vui vẻ, cảm giác thấy khu vực này yên ổn, khu vực này thái bình. Phật pháp lợi ích thù thắng như vậy, nhưng đáng tiếc không có người biết, không có người làm thật! Chúng ta thật sự phải cảm kích cư sĩ Lý Mộc Nguyên, không có ông ra sức ủng hộ, dù tôi giảng như thế nào, khuyên như thế nào cũng rất khó sinh ra hiệu quả, khi giảng người ta sẽ không tin. Nơi này có cư sĩ Lý Mộc Nguyên tin, tất cả điều kiện đều đầy đủ, người có nhiệt tâm chăm chỉ nỗ lực như vậy đứng ra làm sự việc này. Chúng tôi nghĩ có thể sau khi làm được nửa năm đến một năm, thì đại chúng xã hội nhìn thấy hiện tượng này, tự nhiên sẽ khẳng định, tự nhiên sẽ hoan hỷ. Hiện nay chúng ta thấy người đến Cư Sĩ Lâm ngày càng nhiều. Hôm qua cư sĩ Lý nói với tôi, người tham gia lần siêu độ này nhiều hơn nhiều so với năm qua, người niệm Phật cũng nhiều hơn. Nghe nói có một số người từ Trung Nguyên, họ không đi tham gia những pháp hội khác, họ đều đến nơi đây, là hiện tượng tốt. Cảm ứng không thể nghĩ bàn! Cách thị hiện này thật sự có hiệu quả này. Chúng ta ngày nay nhìn thấy những sự thật này, càng dứt nghi sanh tín thêm.
“Đương thử cư gia nhược trưởng nhược ấu, hiện tại vị lai, vị lai bách thiên tuế trung vĩnh lý ác thú” (Còn chính nhà của người đó ở, tất cả mọi người hoặc già hoặc trẻ về hiện tại và vị lai đến trăm nghìn năm xa khỏi hẳn các ác đạo.)
Đây là chứng tỏ sức ảnh hưởng sâu rộng. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.