KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 52
“Thị chư chúng sanh hữu như thử tập, lâm mệnh chung thời, phụ mẫu quyến thuộc, nghi vi thiết phước, dĩ tư tiền lộ.”
(Đến khi những chúng sanh quen theo thói chẳng lành ấy sắp sửa mạng chung, thời cha mẹ cùng thân quyến vì người đó mà tu tạo phước lành để giúp tiền đồ cho người đó.)
Đây là nói đến tu phước, người thân quyến thuộc phải làm thế nào để giúp đỡ họ. Lúc họ còn sống khuyên nhủ họ, họ không chịu quay đầu, chúng ta biết họ chắc chắn đọa ác đạo. Là giống như Bà-la-môn nữ và Quang Mục nữ ở phía trước. Đây là tạo nên mô phạm, làm nên tấm gương cho chúng ta. Khi người thân quyến thuộc tạo tác tội nghiệp đọa lạc ác đạo phải làm thế nào? Cần phải tạo phước cho họ. “Tư” là giúp đỡ. Hy vọng có thể có sự giúp ích cho tiền đồ của họ. Người thật sự có thể giúp được, xin thưa với quý vị chỉ có Phật Bồ-tát. Ngoài chư Phật Bồ-tát ra thì quá khó, quá khó rồi! Ai có thể giúp đỡ được? Phía dưới, đây là dạy cho chúng ta phương pháp tu phước. Phương pháp tu phước nhiều vô cùng. Chỗ này chỉ nêu ra vài ví dụ, hy vọng chúng ta có thể từ trong ví dụ này có thể nghĩ đến rất nhiều phương pháp và lý luận tu phước khác, nghe một biết mười.
“Hoặc huyền phan cái cập nhiên du đăng, hoặc chuyển độc tôn kinh, hoặc cúng dường Phật tượng, cập chư thánh tượng, nãi chí niệm Phật, Bồ-tát cập Bích Chi Phật danh tự, nhất danh nhất hiệu, lịch lâm chung nhân nhĩ căn, hoặc văn tại bổn thức thị chư chúng sanh sở tạo ác nghiệp kế kỳ cảm quả, tất đọa ác thú. Duyên thị quyến thuộc vị lâm chung nhân tu thử thánh nhân, như thị chúng tội tất giai tiêu diệt.”
(Hoặc treo phan lọng và thắp đèn dầu, hoặc chuyển đọc Tôn Kinh, hoặc cúng dường tượng Phật cùng hình tượng của các vị Thánh, cho đến niệm danh hiệu của Phật và Bồ-tát cùng Bích Chi Phật, làm cho một danh một hiệu thấu vào lỗ tai của người sắp mạng chung, hoặc là nơi bổn thức nghe biết. Cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, thời đáng lẽ người đó phải bị đọa ác đạo. Song nhờ thân quyến vì người đó mà tu nhân duyên Thánh-đạo, cho nên các điều tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch.)
Những gì trong kinh nói dường như rất dễ dàng. Sự việc này làm được rất dễ dàng, có thể có hiệu quả lớn như vậy sao? “Như thị chúng tội, tất giai tiêu diệt” (Cho nên các điều tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch.)
Có thể có được hiệu quả lớn như vậy không? Người hiện nay đọc xong không có người nào không hoài nghi, chúng ta cũng hoài nghi. Nguyên nhân của hoài nghi là do chưa có thật sự hiểu đối với những gì miêu tả trong đoạn kinh văn này. Nếu như thật sự hiểu rồi, thì bạn sẽ không còn hoài nghi nữa. Nhân tố thứ nhất là phải có chánh pháp trụ thế. Chánh pháp không còn nữa, chỉ có hình tượng này, hình tượng không có tác dụng, hình thức không có tác dụng gì cả, như vậy thì những tội đó không thể tiêu diệt nổi. Người xuất gia chúng ta không có kiêng kỵ gì, phải nói lời chân thật, có một số người xuất gia, hằng ngày siêu độ thay cho người khác, cuối cùng mình chết rồi vẫn bị đọa ác đạo. Bạn thử nghĩ xem họ có thể độ người ta được không? Đây chẳng phải là bằng chứng hiển nhiên bày ngay trước mắt sao? Chính mắt chúng ta trông thấy, người xuất gia lúc sắp mạng chung mê hoặc điên đảo, tướng đó xấu vô cùng, không phải tướng lành. Chẳng phải họ hằng ngày “Treo phan lọng”, “Thắp đèn dầu”, đọc kinh mỗi ngày sao? Ngày hôm kia cư sĩ Lý Mộc Nguyên báo cáo, nói với chúng tôi rằng có một vị người xuất gia mỗi ngày, thức dậy từ lúc mười hai giờ khuya, tụng kinh mãi cho đến trời sáng, kinh gì cũng tụng, đến cuối cùng lúc lâm chung, người ta bảo thầy niệm A-Di-Đà Phật, thầy liền vung nắm tay lên, đi trong trạng thái mê hoặc điên đảo. Cho nên chỗ này, điều kiện thứ nhất là chánh pháp trụ thế, mới có hiệu quả này. Chánh pháp không còn nữa, làm ra vẻ hình thức như thế này thì không có hiệu quả. Trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường nói với chúng tôi, đừng sợ không có chùa, chỉ sợ không có đạo. Không có chùa không có sao cả, chỉ cần có đạo đều có thể siêu độ được, thật sự có thể siêu độ được. Chúng ta xem thấy ở trong “Ảnh Trần Hồi Ức Lục” của lão pháp sư Đàm Hư, cái đoạn tám năm lặng lẽ đọc “Lăng Nghiêm” đó. Người ta không có chùa, nhưng người ta có đạo thì có thể siêu độ. Phải biết ý nghĩa của treo phan lọng là gì? “Phan” là cờ xí ở trong cửa Phật. Có dụng ý gì? Là thu hút đại chúng đến nghe kinh, nghe pháp, cộng tu, là có ý nghĩa này. Phần trước chúng ta đã từng đọc thấy, tôi còn đặc biệt bảo cho các đồng tu chú ý, trên tràng phan, bảo cái tuyệt đối không được phép dùng danh hiệu Phật Bồ-tát, không được phép dùng hình tượng Phật Bồ-tát. Đây là đồ cúng, là đồ cúng dường, không được phép dùng Phật Bồ-tát để cúng dường Phật Bồ-tát. Vậy thì ra cái thể thống gì nữa! Chúng ta có treo tràng phan bên cạnh Bồ-tát Địa Tạng trên đại điện, trên tràng phan cũng viết “Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ-Tát”, đó cũng là dùng Bồ-tát Địa Tạng để cúng dường Bồ-tát Địa Tạng. Chúng ta phải sửa lại! Người khác thì mặc kệ họ. Cho nên tràng phan, bảo cái, không thêu danh hiệu Phật Bồ-tát, biết đây là đồ cúng dường. Chúng ta nếu cúng dường, là dùng tâm thành kính của chính mình để cúng dường, như vậy mới tốt. Không có chánh pháp, bạn chọn tràng phan bảo cái, đó chỉ là hình thức, không có nội dung. Giống như niệm Phật đường hiện nay của chúng ta, đây là cần phải treo phan lọng. Trong giảng đường treo tràng phan, báo cho biết hôm nay giảng kinh. Trong quá khứ đây là thông điệp, thông báo với mọi người, đạo tràng này của tôi hôm nay có giảng kinh, trên cột cờ của chúng ta có treo ký hiệu này. Người ta vừa nhìn thấy biết hôm nay đạo tràng này có giảng kinh, có cộng tu. Phan là cộng tu. Hiện nay nó chỉ còn trong kỷ niệm. Bởi vì đô thị đều là nhà cao tầng san sát nhau, bạn treo cờ xí ở đó người bên ngoài không thể nhìn thấy được. Hiện nay chúng ta dùng báo chí quảng cáo, dùng điện thoại để truyền đạt. Đây chính là ý nghĩa của tràng phan.
“Cái” là bảo cái. Đây là vật treo trên đỉnh tượng Phật. Ý nghĩa tượng trưng của nó là phòng ngừa ô nhiễm. Chúng ta ngày nay gọi là bảo vệ môi trường. Dùng phương pháp gì để phòng ngừa ô nhiễm? Dùng giảng kinh thuyết pháp. Giảng kinh thuyết pháp chính là phòng ngừa ô nhiễm. Từng giây từng phút nhắc nhở bạn, giúp bạn giác ngộ. Cho nên bạn phải hiểu được ý nghĩa, phải thật sự làm. Từ đó cho thấy, treo phan là để đề xướng cộng tu. Treo tràng chính là giảng kinh thuyết pháp. Danh phù hợp với thực. “Nhiên đăng”. Nhiên đăng biểu thị cái gì? Xả mình vì người, đốt cháy mình để soi sáng cho người khác. Dùng cách nói hiện nay là hy sinh dâng hiến, đem lại lợi ích cho chúng sanh vậy bạn thật sự là thắp đèn. Phải biết thảy đều là tượng trưng. Mọi người không hiểu ý nghĩa này, cách biểu thị này của bạn không có ai hiểu, không có ai biết, vậy nó có tác dụng gì? Cho nên nhất định phải mọi người đều hiểu. Muốn mọi người đều hiểu thì nhất định phải đem kinh giáo của đức Phật giảng cho thật rõ ràng, minh bạch. Sau đó những hiện tượng này mới có thể sinh ra hiệu quả được. “Hoặc chuyển độc tôn kinh”. Phía trên dùng chữ “chuyển”. Tại sao đọc kinh phải “chuyển độc tôn kinh”. Ý nghĩa của chuyển là gì? Là chuyển đổi ý nghĩ của chúng ta. Đọc kinh, ý nghĩ của chúng ta đều là ý nghĩ trong lục đạo luân hồi. Tâm luân hồi chuyển trở lại học Phật Bồ-tát, chuyển tâm luân hồi thành tâm Bồ đề, chuyển nghiệp luân hồi thành nghiệp Bồ-tát. Học Phật, đức Phật không còn ở đời nữa, cách học như thế nào vậy? Chỉ có dựa theo kinh điển, Tam Bảo. Khi đức Phật còn ở đời thì Tam bảo đầy đủ, lấy đức Phật là hạng nhất. Phật không còn ở đời nữa, chỉ còn hình tượng của Phật lưu lại thế gian, cho chúng ta làm kỷ niệm, thì lấy Pháp Bảo là hạng nhất, y giáo phụng hành, phải đọc kinh, phải nghiên cứu nghĩa kinh. Đọc xong phải hiểu được, hiểu rồi phải làm được.
“Hoặc cúng dường Phật tượng, cập chư thánh tượng” (Hoặc cúng dường tượng Phật cùng hình tượng của các vị thánh.)
“Thánh tượng” chính là tượng Bồ-tát. Cúng dường hình tượng Phật Bồ-tát có hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là báo ơn. Giống như người Trung Quốc trong nhà thờ cúng bài vị tổ tiên vậy. Thờ cúng cha mẹ tổ tiên, đền ơn đáp nghĩa, là ý nghĩa báo ơn. Phật Bồ-tát là thầy của chúng ta, niệm niệm không quên thầy. Ý nghĩa thứ hai là muốn noi theo người hiền tài. Ta phải học giống như họ vậy, thường xuyên để hình tượng Phật Bồ-tát ngay trước mặt chúng ta, nhắc nhở chúng ta, ta phải học giống như họ vậy. Ta cúng dường Bồ-tát Quan Thế Âm, là ta hy vọng mình sẽ thành Bồ-tát Quan Thế Âm, ta cúng dường Phật A-Di-Đà là hy vọng mình thành Phật A-Di-Đà, phải giống như Ngài vậy, là có ý nghĩa này.
“Nãi chí niệm Phật Bồ-tát cập Bích Chi Phật danh tự.” (Cho đến niệm danh hiệu của Phật và Bồ-tát cùng Bích Chi Phật.)
Đây vừa là một đoạn, vừa là một phương pháp, niệm Phật niệm danh hiệu Bồ-tát, việc này đơn giản hơn việc trước. Hàm nghĩa ở trong danh hiệu Phật Bồ-tát sâu rộng vô tận, danh hiệu công đức không thể nghĩ bàn. Chúng ta phải biết ý nghĩa hàm chứa trong danh hiệu, nhất định phải niệm cho xuất hiện ra tánh đức của mình. Danh hiệu của Phật là danh hiệu của tánh đức, danh hiệu của Bồ-tát là danh hiệu của tu đức, tánh tu không hai. Niệm Quan Thế Âm Bồ-tát, Quan Thế Âm Bồ-tát là đại từ đại bi, niệm danh hiệu này là niệm cho ra cái tâm từ bi của mình, vậy gọi là niệm Quan Thế Âm Bồ-tát. Niệm danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng là niệm cho ra cái tâm hiếu kính của mình, đây là Địa Tạng. Địa Tạng là hiếu kính, Văn Thù là trí tuệ, Phổ Hiền là thực hành, là làm thật. Cho nên niệm danh hiệu của Bồ-tát là phải niệm như vậy, thế mới thật sự có công đức. Danh hiệu của Phật là tánh đức. Niệm Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Thích Ca Mâu Ni là nhân từ, thanh tịnh. Thích Ca là nhân từ. Mâu Ni là thanh tịnh. Niệm niệm dùng tâm nhân từ đối đãi tất cả chúng sanh. Ở trong tất cả cảnh duyên, luôn bố thí tâm thanh tịnh của mình, đây là niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Niệm A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật là vô lượng giác. Giác thì không mê, giác tâm bất động. Cho nên niệm câu A-Di-Đà Phật này gọi là nhất tâm xưng niệm. Niệm đến cực điểm thì được nhất tâm bất loạn. Nhất tâm là tâm bất động. Tâm vẫn còn bị dao động bởi cảnh giới bên ngoài, sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, vẫn còn khởi tâm động niệm, thì đó không phải Phật A-Di-Đà. Tâm của Phật A-Di-Đà là tiếp xúc cảnh giới bên ngoài, không khởi tâm, không động niệm, không có phân biệt, không có chấp trước, vậy gọi là Phật A-Di-Đà. Chúng ta có thể biết được cách niệm như vậy, người sắp mạng chung, vừa qua căn tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo, công đức này lớn rồi. Sức mạnh niệm Phật của chúng ta, hiện nay chúng ta dùng sóng để giảng mọi người sẽ dễ hiểu. Cái sức niệm này chính là sóng. Tâm chân thành, tâm thanh tịnh, thì sóng này vô cùng thù thắng. Tuy người chết rồi, nhưng ý thức của họ vẫn còn, họ còn phải đi đầu thai. Chúng ta nói a-lại-da thức vẫn còn. Chỗ này nói “Làm cho danh hiệu thấu vào bổn thức nghe biết”. A-lại-da thức nó vẫn đang hoạt động. Hoạt động thì nó cũng có sóng. Sóng này của chúng ta có thể tạo ra tác dụng cảm ứng đạo giao với sóng của họ, đây chính là gia trì, vậy là họ nhận được lợi ích. Giúp họ gieo trồng hạt giống Phật vào trong a-lại-da thức của họ. Sức mạnh của hạt giống mạnh hay yếu là ở người niệm chúng ta. Người niệm chúng ta rõ lý, niệm niệm tương ưng, thì sức mạnh của hạt giống này vô cùng mạnh mẽ. Nếu như chúng ta không rõ đạo lý này, cũng chắp tay rất cung kính, niệm một tiếng Nam Mô A-Di-Đà Phật này, thì sức mạnh này sẽ tương đối yếu. Có lợi ích hay không? Có. Nhưng đời này không nhận được. Đây là nói một số phương thức tu phước của chúng ta, đây chỉ nêu ra vài ví dụ.
“Thị chư chúng sanh sở tạo ác nghiệp kế kỳ cảm quả, tất đọa ác thú”
(Cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, thời đáng lẽ người đó phải đọa vào ác đạo.)
Chữ “Kế” chính là chúng ta quan sát khách quan. Chúng ta suy nghĩ thấy nghiệp mà họ đã tạo trong đời này, bạn biết được nhân thì sẽ biết quả báo trong tương lai. Đức Phật nói rất hay: “Muốn biết quả đời sau, xem tạo tác ngày nay.” Nghiệp mà họ tạo tác trong đời này là gì, suy nghĩ xem tương lai phải rơi vào trong cõi nào? Nếu như họ tạo nghiệp ác nhiều thì chắc chắn đọa ác đạo. Ác đạo bao gồm ba ác đạo là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Một người học Phật quan sát thì sẽ thấy rất rõ ràng, từ tập tánh, thị hiếu, hành vi tạo tác, đối nhân xử thế của người này, là có thể phán đoán sau này họ sẽ đi về cõi nào.
“Duyên thị quyến thuộc, vị lâm chung nhân, tu thử thánh nhân.” (Song nhờ thân quyến vì người đó mà tu nhơn duyên Thánh-đạo.)
“Thánh nhân” là nói cúng dường Phật Bồ-tát. Cúng dường Phật Bồ-tát quý vị đặc biệt phải biết, tuyệt đối không phải cúng dường ở trên sự. Cúng dường trên sự tướng, nếu bạn được quả báo thù thắng này, thế chẳng phải trở thành hối lộ sao? Có tội nghiệp tặng cho Phật Bồ-tát nhiều lễ vật một chút, Ngài sẽ phù hộ ngay. Việc này không những không có phước, mà còn tạo tội nghiệp nặng thêm. Tại sao vậy? Trong ý nghĩ của chúng ta đã xem Phật Bồ-tát cũng như là tham quan ô lại vậy. Bạn nói thử cái tội này của bạn có nặng hay không? Không những không có giúp ích gì cho người chết, trái lại làm cho tội nghiệp của họ nặng thêm. Cho nên nhất định phải biết phía sau của hình thức là có tượng trưng, có công phu tu trì ở trong đó. Không những bản thân chúng ta y giáo phụng hành, vả lại pháp tượng trưng còn có thể khuyên bảo đại chúng tu hành đúng như pháp, thì công đức này là lớn rồi. Thánh nhân là nói từ chỗ này, tội nghiệp của họ mới có thể tiêu diệt được. Cách mà Quang Mục Nữ và Bà-La Môn nữ làm ở phía trước, đó là tấm gương tốt. Chúng ta cần quan sát, thể hội cho thật kỹ, cách tu của họ là như thế nào. Xem tiếp đoạn kinh văn dưới đây:
“Nhược năng cánh vị thân tử chi hậu, thất thất nhật nội, quảng tạo chúng thiện, năng sử thị chư chúng sanh vĩnh ly ác thú, đắc sanh nhân thiên thọ thắng diệu lạc, hiện tại quyến thuộc lợi ích vô lượng.”
(Như sau khi người đó đã chết, lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thời có thể làm cho người chết đó khỏi hẳn chốn ác đạo, được sanh lên cõi trời hoặc sanh trong loài người hưởng lấy nhiều sự rất vui sướng, mà kẻ thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng điều lợi ích.)
Đây chính là nói con người sau khi chết rồi, ở trong phong tục tập quán hiện nay có cúng thất. Nguồn gốc của cúng thất là ở chỗ này. Tại sao phải cúng thất? Cách cúng thất như thế nào, mới thật sự có lợi ích đối với người đã mất? Đạo lý này chúng ta phải biết. Phật ở trong kinh nói cho chúng ta biết, đa số người sau khi chết rồi, không phải lập tức liền đi đầu thai ngay. Sau khi chết rồi họ còn có một khoảng thời gian, khoảng thời gian này gọi là Trung Ấm. Dù bị mất thân người trong cõi người rồi, nhưng vẫn chưa đi đầu thai. Trong khoảng thời gian này, đức Phật nói ở trong kinh khoảng thời gian này đại đa số người là bốn mươi chín ngày, bảy cái thất, đại đa số người đều đi chuyển thế, xem hạnh nghiệp của họ rơi vào cõi nào thì họ sẽ đi thọ quả báo cõi ấy. Trong khoảng thời gian này, mỗi bảy ngày họ có một lần biến dịch sanh tử. Cái sanh tử này ở nơi họ mà nói là tương đối đau khổ, ta làm những việc Phật sự này là để giảm bớt đau khổ cho họ, làm tăng thêm phước lực cho họ. Cho nên bảo bạn ở trong bảy lần bảy ngày này: “Quảng tạo chúng thiện” (Rộng tu tạo nhiều phước lành.) Nếu như bảy lần bảy bốn mươi chín ngày, mỗi ngày đều tu phước lành cho họ, thế thì phước báo của họ sẽ lớn. Người thế gian là đến bảy ngày tu một lần, tóm lại là tốt hơn không tu. Nói thực ra là trong bốn mươi chín ngày mỗi ngày phải tu, vậy mới là giúp đỡ thật sự. Cái duyên này là vô cùng thù thắng. Người thân quyến thuộc hiện tiền phải hiểu rõ đạo lý này, đây là ta và người cả hai cùng có lợi. Và phương pháp tu phước, cách làm nói phía trước rất hay; tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ, đây là việc làm có lợi ích nhất. Tu phước, rộng tu tạo nhiều phước lành, ở trong đây bao gồm rất nhiều rất nhiều, nhưng lấy tụng kinh, niệm Phật hồi hướng làm chủ. Nếu như họ có năng lực đem tài vật mà người chết còn để lại rộng làm việc bố thí, thì phước báo của họ sẽ càng lớn thêm nữa. Chúng ta cũng cần phải hiểu, phải biết, người thân quyến thuộc có thể làm thay cho họ.
“Thị cố ngã kim đối Phật Thế Tôn, cập thiên long bát bộ, nhân phi nhân đẳng, khuyên ư Diêm Phù Đề chúng sanh, lâm chung chi nhật, thận vật sát hại cập tạo ác duyên bái tế quỉ thần cầu chư võng lưỡng.”
(Vì lẽ trên đó nên nay con đối trước đức Phật Thế Tôn cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhơn v.v… mà có lời khuyên bảo những chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề, ngày lâm chung kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỉ, Thần, cầu cúng ma quái.)
Đây là Bồ-tát Địa Tạng đại từ đại bi, nói ra cho chúng ta biết những chân tướng sự thật này. Sau đó chúng ta mới biết, rất nhiều những cách làm trong nhân gian, thật là vô cùng bất lợi đối với người đã mất, thật sự là hoàn toàn không giúp ích gì cho họ cả, mà còn tăng thêm tội nghiệp của họ. Cách làm này là rất tàn khốc. Bồ-tát ở trước Thế Tôn, trong hội chúng còn có (hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhơn v.v…) để họ làm chứng kiến, chứng minh lời Bồ-tát Địa Tạng nói ra từng câu đều chân thật. Tại sao Ngài không nói, chư Phật Như-lai và đại Bồ-tát đến làm chứng kiến? Chư Phật Như-lai, đại Bồ-tát biết rõ, họ biết quá rõ ràng rồi. Để cho những chư thiên quỉ thần này đến làm chứng minh, nhằm khuyên chúng sanh cõi Diêm Phù Đề phải cẩn thận trong những ngày lâm chung, tuyệt đối không được sát sanh, tuyệt đối không được tạo duyên ác. Cho nên người qua đời, phải lo hậu sự cho họ, phải mời người thân quyến thuộc, bạn bè thân thích của họ. Trong lúc hội tụ có rất nhiều đám là sát sanh, ăn thịt, cúng tế quỉ thần, đây đều là tạo tội nghiệp. Đây là điều chúng ta thường thấy ở mọi nơi mọi lúc. Nếu chúng ta muốn cầu phước cho người đã mất, nhưng lại đi giết hại chúng sanh để cúng tế. Chúng ta suy nghĩ thật kỹ xem, có phải là sợ người mất này lúc còn sống tạo nghiệp sát vẫn chưa đủ, nên tạo thêm cho họ một chút nữa, thế chẳng phải là cái ý này sao? Sợ họ đọa lạc còn chưa đủ sâu, nên nhấn cho họ xuống sâu thêm chút nữa, là làm chuyện này, vậy là hoàn toàn sai lầm! Đạo lý này cần suy nghĩ nhiều thêm. Phía dưới, đây mới nói ra đạo lý tại sao như vậy, tại sao không được phép giết hại? Tại sao không được phép tạo tác duyên ác?
“Hà dĩ cố? Nhĩ sở sát hại nãi chí bái tế, vô tiêm hào chi lực lợi ích vong nhân, đãn kết tội duyên chuyển tăng thâm trọng.”
(Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi.)
Lời khai thị này chúng ta nhất định không được lơ là, phải nhớ cho thật kỹ. Bởi vì sự việc này chúng ta thường hay gặp phải, nên nhất định phải giảng rõ ràng, minh bạch, để cho họ giác ngộ. Cúng tế quỉ thần thật sự không có giúp ích gì cho người chết cả. Nhất định không được khởi vọng tưởng, nghĩ rằng họ tạo tác tội nghiệp, chúng ta cúng tế quỉ thần, thì quỉ thần sẽ tha thứ cho họ, quỉ thần sẽ miễn xá cho họ, không có đạo lý này. Thế gian có thể có một số người tham ô hối lộ, chứ trong quỉ thần không có. Lời trong sách xưa nói: “Thông minh chánh trực đó là thần”. Những người nịnh hót quỉ thần, nịnh bợ quỉ thần này, hy vọng quỉ thần có thể tha thứ miễn xá, đây là loại tâm lý sai lầm, đây là hành vi phạm tội, đâu có thể nhận được sự giúp đỡ? Cho nên cách làm này “Chỉ có kết thêm tội duyên”. Người hiểu rõ đạo lý này, việc hôn lễ, đám ma, ăn mừng, tiệc vui trong thế gian chúng ta, trong những buổi yến tiệc này tuyệt đối không được sát sanh. Sát sanh đó chính là hai câu nói này: “Chỉ có kết thêm tội duyên của người đó, làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi.” Trong bộ kinh này nói rất nhiều, và rất tỉ mỉ. Ngày sinh nhật mừng thọ bạn hy vọng trường thọ, bạn giết hại những chúng sanh này, bạn có thể được trường thọ sao? Con người có cái khổ già, có khổ bệnh, lúc lâm chung chúng ta không nỡ lòng nhìn thấy cái hiện tượng khổ đó. Tại sao họ lại có những hiện tượng đó vậy? Do họ không hiểu đạo lý, trong đời họ chỉ biết kết tội duyên với chúng sanh. Cho dù là trưởng giả rất giàu có của thế gian cũng không thể tránh khỏi, khi nhà người giàu có chết, họ tạo tác đủ thứ nghiệp chướng. Chính mắt chúng ta trông thấy, gia tộc giàu sang quyền thế khi chết, đều là bị bệnh khổ trong thời gian rất dài. Hiện nay gọi là chứng sa sút trí tuệ người già, đến thời kỳ cuối là không còn biết gì cả, người thân quyến thuộc cũng không nhận ra, mê hoặc điên đảo. Ở trong tình trạng này, họ sẽ đi về đâu? Đương nhiên là ba ác đạo. Cả đời có phát đạt, có huy hoàng đi nữa, sau khi chết đi đọa ba đường ác, bạn nói xem họ có thành tựu gì? Không bằng một người nghèo khổ thế gian, thật thà niệm Phật, mà tiền đồ của người ta là đi làm Phật ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, đâu thể sánh với người ta được? Cho nên bạn ở thế gian có tài sản muôn ức cũng không thể sánh bằng người nghèo cùng niệm Phật vãng sanh, không thể sánh bằng. Chúng ta nhìn thấy người ta biết trước giờ đi, tự tại vãng sanh, không có bệnh khổ, đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, đây là phước báo đích thực, đây mới là hưởng thụ cao nhất của đời người. Lúc lâm chung sợ nhất là mê hoặc điên đảo, một khi lâm chung mê hoặc điên đảo, thì ngay cả trợ niệm cũng không thể giúp được gì. Trợ niệm nhất định là người này lúc đi thần trí sáng suốt, cho đến lúc dứt hơi thở cũng sáng suốt, không bị mê hoặc, thì việc trợ niệm này là có giúp đỡ rất nhiều. Họ có thể nhất tâm niệm Phật theo, thì chắc chắn được sanh Tịnh Độ. Cho nên bản bản thân chúng ta phải nghĩ đến tương lai mình lâm chung có bị mê hoặc điên đảo hay không? Nếu muốn mình lâm chung không bị mê hoặc điên đảo nhất định phải tu phước. Chúng ta gọi là Ngũ Phước, điều cuối cùng của Ngũ Phước, dùng cách nói hiện nay để nói là chết lành, đó thật sự là có phước. Chết lành thì chắc chắn sẽ sinh lành. Tức là nói đời sau bạn đầu thai nhất định là cõi lành, đây là đạo lý nhất định. Nếu như lúc chết mê hoặc điên đảo, thì không có phần ở cõi lành. Từ đó cho thấy, chúng ta ở trong đời tuyệt đối không kết oán thù với chúng sanh, tuyệt đối không được phép làm tổn hại một chúng sanh nào. Chúng sanh đều là phàm phu, bạn làm tổn hại họ, họ ôm hận ở trong lòng, họ vĩnh viễn không quên, đợi có cơ hội sẽ trả thù. Oan oan tương báo không bao giờ dứt. Không những không được phép giết hại chúng sanh, mà khiến chúng sanh sinh phiền não cũng là tội lỗi. Ta khiến chúng sanh sinh phiền não thì chúng sanh sẽ khiến ta sinh phiền não, oan oan tương báo. Cho nên muốn thuận buồm xuôi gió trên đường Bồ đề thì phải nhớ kỹ hai câu này, không được phép kết oán với người khác. Phật dạy chúng ta khi tiếp xúc với đại chúng, phải ôn hòa nhã nhặn. Chúng ta phải thường xuyên nghĩ rằng, chúng ta dùng thái độ gì đối với người thì người ta sẽ dùng thái độ ấy đối với ta: “Những gì mình không muốn thì đừng đem cho người khác.” Hàm nghĩa ở trong đây rất sâu rất rộng. Xem tiếp đoạn này dưới đây:
“Giả sử lai thế hoặc hiện tại sanh, đắc hoạch thánh phần, sanh nhân thiên trung, duyên thị lâm chung bị chư quyến thuộc tạo thị ác nhân, diệc lệnh thị mệnh chung nhân ương lũy đối biện, vãn sanh thiện xứ.”
(Giả sử người chết đó hoặc là đời sau hay đời hiện tại vừa rồi, đã chứng đặng phần Thánh quả sẽ sanh vào cõi Trời, cõi người, nhưng bị vì lúc lâm chung hàng thân thuộc gây tạo những nghiệp nhơn không lành, cũng làm cho người chết đó mắc lấy ương lụy phải đối biện, chậm sanh vào chốn lành.)
Đoạn này nói rất hay, đây là sự thật.
“Giả sử lai thế.” Là nói người sắp mạng chung đã chết rồi, sau khi chết rồi đó chính là thuộc về đời sau. “Hoặc hiện tại sanh” là người này vẫn chưa dứt hơi thở. Nhưng mà người này lúc còn sống là người thiện, là người tốt, bản thân không có tạo tác tội nghiệp gì. Bởi vì người thân quyến thuộc của họ sát sanh cúng tế, lễ bái những quỉ thần này, cầu các loài quỉ quái. Quỉ quái là tà thần, tà đạo. Lúc bệnh nặng, nguy hiểm rồi, cầu những quỉ thần này đến giúp đỡ. Không biết việc họ tạo là tội nghiệp, sát sanh cúng tế. Sát sanh là vì người bệnh này. Vốn dĩ là họ có thể sanh về cõi lành, được sanh vào cõi nhân thiên, họ sanh về cõi lành. Bởi vì người thân quyến thuộc tạo những tội nghiệp này, nên họ phải gánh lấy tội nghiệp đó. Họ phải đến chỗ vua Diêm La để biện luận, cho nên bỏ lỡ việc sanh vào cõi lành, là “Vãn sanh thiện xứ”. Nếu như đã dứt hơi thở rồi, họ còn phải biện luận ở chỗ vua Diêm La, nên bỏ lỡ thời gian họ sanh về cõi lành. Nếu như chưa có dứt hơi, họ phải chịu nhiều thứ đau khổ trên giường bệnh, vì thần hồn của họ đang ở đó biện luận, đây là thật chứ không phải giả. Cho nên người học Phật, lúc lâm chung đó là thời khắc mấu chốt của chúng ta, người thân quyến thuộc chăm sóc xung quanh bạn, nhất định phải biết đạo lý này, tuyệt đối không được làm sai. Cho nên hiện nay trong cuốn “Lâm Chung Nên Biết”, hồi xưa sách này có tên là “Sức Chung Tân Lương” văn tự tương đối sâu, người hiện nay không dễ gì xem hiểu được, cho nên dùng văn bạch thoại viết lại, cuốn sách nhỏ này rất quan trọng. Người thân quyến thuộc trong lúc bệnh nặng, nhất định phải đưa cho mỗi người trong gia đình đọc, đều phải hiểu rõ làm thế nào tiễn đưa người chết, tiễn đưa người chết đúng như lý như pháp và thật sự giúp đỡ họ. Cách thức tiễn đưa người chết trong thế tục có rất nhiều vấn đề. Chúng ta đọc kinh này, bản thân cần tư duy thật kỹ, suy nghĩ xem Phật nói có đạo lý hay là người thế tục làm có đạo lý, phải bình tâm lắng lòng thật bình tĩnh mà tư duy, quan hệ với lợi hại, được mất ở trong đây quá lớn. Một khi đọa Tam Đồ thì thời gian được tính bằng kiếp. Trong kinh thường nói vô lượng kiếp, đáng sợ biết bao! Nếu như chúng ta yêu thương người thân quyến thuộc, thì sao có thể nỡ lòng để cho họ đọa Tam Đồ? Cho dù họ tạo tác ác nghiệp, chúng ta cũng tìm phương pháp khiến cho họ từ trong Tam Đồ sớm được siêu sanh thoát ra. Sao có thể nỡ lòng để cho họ đọa ác đạo được? Bên dưới nói:
“Hà huống lâm mệnh chung nhân tại sanh vị tằng hữu thiểu thiện căn, các cứ bổn nghiệp tự thọ ác thú. Hà nhẫn quyến thuộc cánh vi tăng nghiệp.”
(Huống gì là người kia chết, lúc sanh tiền chưa từng làm được chút phước lành, đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải sa đọa vào ác đạo. Hàng thân thuộc nỡ nào lại làm cho tội nghiệp của người ấy nặng thêm!)
Huống gì người sắp mạng chung này, trong lúc sanh tiền làm thiện ít, tạo tác cả đời ác nhiều, thiện ít. Sức của ác mạnh, sức của thiện căn yếu ớt.
“Các cứ bổn nghiệp, tự thọ ác thú” (Đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải sa đọa vào ác đạo)
Cho nên chúng ta ở nhân gian hiện nay nhìn thấy là mang thân người, nếu quan sát tỉ mỉ hơn, họ có phải là người hay không? Trong sách “Tả Truyện” của Trung Quốc nói: “Con người bỏ đi đạo thường thì yêu quái hưng thịnh) Cái ý này giải thích thế nào? Nếu con người bỏ đi đạo làm người, thì cái thân này là yêu ma quỉ quái, không phải là người. Thường là gì? Thường chính là Ngũ Giới. Nho Gia nói thường là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Nếu người này bất nhân, bất nghĩa, không giữ lễ, không nói đến chữ tín thì người này chính là yêu ma quỉ quái, không phải người. Hiện nay là giống hình dạng của một con người, sau khi chết rồi sẽ vào Tam Đồ. Cho nên chỗ này nói: (Đều theo ác nghiệp của họ đã gây tạo mà tự phải sa đọa vào ác đạo.) Người thân quyến thuộc sao nỡ lòng vẫn tạo những ác nghiệp này, để cho họ phải gánh chịu? Vậy là quá đỗi sai lầm! Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.