KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 90
Quả báo phía sau, quý vị lật qua xem.
“Thị nhân nhược thị nghiệp báo hiệp thọ trọng bệnh giả, thừa tư công đức tầm tức trừ dũ, thọ mạng tăng ích.”
(Người bịnh đó nếu có nghiệp báo phải mang lấy bịnh nặng, thời nhờ công đức này liền được lành mạnh, tuổi thọ thêm lâu.)
Đã tạo công đức này rồi, thì bệnh của họ sẽ khỏi ngay. Không những khỏi bệnh, mà còn tăng thêm tuổi thọ, không hề giả chút nào cả. Trong chú giải nói rất hay, chúng ta hãy đọc qua nó một lần. “Hà cố tu vị bệnh nhân ư Địa Tạng xứ tu cúng tố tượng” (Tại sao phải vì bệnh nhân đắp nặn, thờ cúng tượng Bồ Tát Địa Tạng) Đây là trước tiên nêu ra vấn đề, tại sao làm như vậy. “Dĩ năng dũ bệnh, ích thọ dã.” (Vì có thể lành bệnh, tăng thêm tuổi thọ vậy) Nguyên nhân là ở chỗ này, có thể khiến cho bệnh tật tiêu trừ, có thể kéo dài phước thọ. Có thọ mà không có phước như vậy cũng rất khổ, có thọ vừa có phước, bởi vì họ tu có phước, thờ Phật có thể kéo dài tuổi thọ. “Chỉ Quán vân.” (Sách Ma Ha Chỉ Quán nói rằng) “Chỉ quán” là giáo nghĩa của tông Thiên Thai. “Bố úy ác đạo, nhân mệnh vô thường, nhất tức bất truy thiên tải trường vãng.” (Ác đạo đáng kinh sợ, mạng người vô thường, một hơi trút hơi thở thì sẽ đi vào đó cả ngàn năm) Đây là Phật tổ đưa ra lời cảnh cáo cho chúng ta, đây là chân tướng sự thật. Trong thế gian thật sự có người không sợ ác đạo. Người này trong kinh Phật gọi là “Nhất Xiển Đề”, người không có thiện căn, họ không biết nỗi đáng sợ trong ác đạo, vẫn cứ tạo tác tội nghiệp. Đặc biệt là những người lấy danh nghĩa Phật giáo để lừa gạt tất cả chúng sanh, mong được danh vọng lợi dưỡng, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Nghiệp họ tạo đều là nghiệp báo địa ngục. Tuổi thọ con người rất ngắn ngủi. “Nhân mạng vô thường, nhất tức bất truy” (Mạng người vô thường, một khi trút hơi thở.) Là một khi trút hơi thở, là đọa lạc rồi. “Thiên tải trường vãng, u đồ miên mạc.” (Vào trong đó cả nghìn năm, đường tối tăm dài dằng dặc.” Đây là miêu tả ba ác đạo. Ba ác đạo rất dễ dàng rơi vào, nhưng rất khó bước ra. Dưới đây nói: “Vô hữu tư lương” (Chẳng có hành trang). Dùng cách nói hiện nay để nói, không có điều kiện thoát khỏi ba ác đạo, lúc này bạn làm thế nào? Sau khi đọa lạc Tam Đồ, muốn tu phước mà không có duyên. Con người chúng ta ở thế gian này, có rất nhiều người giàu có, có phước báo, có năng lực, mà trong đời không gặp được nhân duyên tu phước, muốn tu phước mà không có chỗ để tu. Thường thường bởi do ngu si không biết được ruộng phước đích thực, họ đem của cải, sức lực của mình đi hộ trì tà đạo. Không những không có gieo phước, trái lại còn chiêu về những tai ương. Loại tình trạng này rất nhiều rất nhiều, chúng ta cũng thường hay nhìn thấy. Từ đó cho thấy, tiêu trừ nghiệp chướng câu nói này nói thì nghe dễ dàng, nhưng khi làm thì thật sự không dễ. Nhất định phải có tuệ, phải có phước. Không có phước tuệ, mà muốn tiêu trừ nghiệp chướng thì không thể tiêu nổi. Nếu như chúng ta thật bình tĩnh mà quan sát, không cần nhìn đâu xa, hãy nhìn đồng tu học Phật, là những người xung quanh chúng ta đây. Bạn quan sát thật kỹ, họ là rất hy vọng tiêu nghiệp chướng, cũng rất chăm chỉ nỗ lực đang làm công việc tiêu nghiệp chướng. Tự mình cho rằng cách tu phước đó là tiêu nghiệp chướng. Nhưng khi bạn quan sát thật kỹ, những việc mà họ làm là hoàn toàn trái ngược lại với mục đích của họ. Muốn tiêu nghiệp chướng mà công việc họ làm là đang tăng thêm nghiệp chướng, chứ không có tiêu trừ nghiệp chướng. Tại sao họ làm như vậy? Không có trí tuệ. Tại sao không có trí tuệ? Do đọc kinh quá ít. Đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh họ mê hoặc, họ không hiểu rõ. Phật pháp cái nào là chánh pháp? Cái nào là tà pháp? Họ không có khả năng biện biệt, xem cái giả cho là thật. Ngạn ngữ thường nói: “Nhận cái giả chứ không nhận cái thật, thích nghe lừa dối chứ không thích khuyên bảo.” Ngu si! Người thế gian thường nói: “Xả tài tiêu tai”. Họ xả tiền tài rồi, mà không tiêu tai nổi. Không những không có tiêu tai mà còn tăng trưởng thêm tai họa, ngu si đến thế là cùng. Bạn nói đáng thương biết bao! Cho nên chúng ta mới biết, ở trong kinh đức Phật đã nhiều lần căn dặn, không những chúng ta phải hiểu nghĩa, mà còn phải hiểu sâu nghĩa thú. Bạn hiểu cạn vẫn không được, phải hiểu cho thật sâu. Sau đó mới biết tu phước như thế nào, tích lũy công đức như thế nào, làm sao tiêu trừ nghiệp chướng, làm sao vào cảnh giới Phật, mấu chốt đều ở trong câu hiểu sâu nghĩa thú này. Cho nên chư Phật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian, sự nghiệp của họ chính là làm cái việc này cho tất cả chúng sanh. Đức Thế Tôn làm nên tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Trong đời Ngài mỗi ngày giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, giúp đại chúng hiểu sâu nghĩa thú. Đến đời sau này mới có người xuất gia từ bỏ giảng kinh, dẫn dắt đại chúng huân tu, đây cũng là sự biểu hiện của đại từ bi. Họ có thể giảng được không? Giảng được. Không phải họ không giảng được. Tại sao từ bỏ giảng kinh để dẫn dắt đại chúng tu hành vậy? Mục đích là giống nhau, giúp đỡ đại chúng trong một đời nhanh chóng thành tựu, đạo lý là ở chỗ này. Ngày nay hai việc này phải quan trọng như nhau mới có thể thu được hiệu quả. Chỉ dựa vào giảng kinh mà không đề xướng tu hành, thì con người chỉ có văn tuệ, chỉ có giải ngộ. Giải ngộ thì không thể dứt sanh tử, không thể ra khỏi tam giới. Mặc dù tu phước, thì phước này cũng là phước báo trời người. Hoặc giả nói là phước báo hữu lậu ở trong lục đạo, chỉ có thể cứu được nỗi khổ nhất thời, chứ không thể giải thoát được. Cho nên nhất định phải đề xướng pháp hành. Có hiểu có hành, hiểu và hành quan trọng như nhau, định tuệ đồng thời, đối với chúng sanh thời kỳ Mạt Pháp mới thu được hiệu quả. Nếu không thì có hành mà không hiểu, công phu hành dùng lâu rồi, nếu như không đạt được hiệu quả thì họ sẽ sinh tâm nghi, họ sẽ nghi hoặc, sẽ thối chuyển. Bởi vì họ không rõ lý. Đạo tràng hiện nay giảng đường kết hợp chung với niệm Phật đường, vậy cũng hay! Đây là đường hướng chúng tôi đề xướng, chúng tôi hết lòng hết sức mở rộng, cố gắng làm. Quả báo mà trong kinh điển nói chúng ta nhất định sẽ đạt được. Xem tiếp đoạn sau cùng này.
“Thị nhân nhược thị nghiệp báo mạng tận, ứng hữu nhất thiết tội chướng nghiệp chướng, hiệp đọa ác thú giả, thừa tư công đức mạng chung chi hậu, tức sanh nhân thiên thọ thắng diệu lạc, nhất thiết tội chướng tất giai tiêu diệt.”
(Còn nếu người bịnh đó có nghiệp báo số mạng đã hết, lại có đủ tất cả tội chướng nghiệp chướng đáng lẽ phải đọa vào chốn ác đạo, song vì nhờ công đức này nên sau khi mạng chung, liền được sanh vào cõi trời, cõi người hưởng quả vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng thảy đều tiêu sạch.)
Cho nên nói y giáo phụng hành sẽ được hai loại quả báo khác nhau; một cái là khi tuổi thọ chưa có hết, thì có thể tiêu nghiệp chướng kéo dài phước thọ. Thứ hai là nghiệp báo đã hết, nghiệp báo hết rồi thì những tội nghiệp mà họ tạo trong đời này, họ chắc chắn đọa ba ác đạo. Có thể trước lúc lâm chung, họ nghe được danh hiệu Phật Bồ Tát, thấy hình tượng Phật Bồ Tát sinh tâm sám hối chân thật. Chiêm lễ, phần trước đã nói rồi, trong chiêm lễ sinh tâm hổ thẹn, sinh tâm sám hối, thật sự phát tâm sửa chữa lỗi lầm. Nếu như cái tâm như vậy không thể sinh lên được thì hiệu quả của chiêm lễ sẽ rất yếu ớt, như vậy vẫn phải đọa ác đạo, vậy chỉ là gieo hạt giống nhân thiện trong a-lại-da-thức mà thôi, nó không thể khởi hiện hành được. Nếu như trong chiêm lễ có sinh tâm hổ thẹn, sinh tâm sám hối, thì họ có thể chuyển nghiệp ở trong hiện hành. Hạt giống này lập tức sẽ khởi hiện hành, họ liền có thể thoát khỏi nỗi khổ ba ác đạo, chắc chắn được phước báo cõi trời, cõi người. Sao biết chắc chắn họ sẽ sinh vào cõi trời, hoặc là cõi người? Đều dựa vào sự khác nhau ở sức một niệm sám hối đó. Chân tâm khẩn thiết sám hối, thì sức mạnh sẽ rất lớn, là có thể từ quả báo ba ác đạo sinh lên cõi trời. Nếu như có tâm hổ thẹn, tâm sám hối mà sức không mạnh lắm, thì họ sẽ sinh vào cõi người. Thọ sanh vào hai cõi trời người, quả báo khác biệt rất lớn, đều ở sự chuyển đổi trong một tâm niệm. Nếu như lúc lâm chung, có thể nghe được pháp môn Tịnh Độ, nhất tâm khẩn thiết nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ, vậy thì phước báo là vô cùng thù thắng. Cho nên pháp môn Tịnh Độ được tất cả chư Phật mười phương khen ngợi, tất cả chư Phật Bồ Tát tuyên dương, khuyến khích tất cả chúng sanh vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là có đạo lý. Pháp môn này mới có thể khiến tất cả chúng sanh tội khổ giải thoát rốt ráo. Nhưng mấu chốt vẫn là một câu nói, nếu như không thể khắc phục tập khí phiền não của mình thì cũng chỉ có thể kết pháp duyên với Tịnh Độ, chứ đời này không thể thành tựu được. Hễ là người vãng sanh Tịnh Độ, trong “Kinh Di Đà” nói rất rõ ràng: “Không thể có ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi nước đó.” Từ đó cho thấy đều là người nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên mới có thể vãng sanh trong đời này. Người như thế nào mới là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên? Điều kiện thứ nhất là được thân người, điều kiện thứ hai là nghe Phật pháp, nghe được kinh luận Tịnh Độ, đây là chứng minh bạn có nhiều thiện căn. Thế nào là nhiều phước đức? Tiếp xúc Tịnh Độ, nghe thấy pháp môn này liền sinh tâm hoan hỷ. Có thể tin, có thể phát nguyện, có thể y giáo phụng hành là nhiều phước đức. Chúng ta nghe, nghe xong không thể tin, nghe xong không thể hiểu, hiểu rồi lại không chịu làm, không chịu thật sự tu hành. Tu hành cũng không thể khắc phục tập khí phiền não của mình, đây đều gọi là ít phước đức. Tuy có thiện căn, duyên có, bạn gặp được rồi, nhưng phước đức của bạn rất mỏng, vẫn là khiếm khuyết cái điểm này, nên đời này không thể vãng sanh. Vậy thì lại phải đợi đời sau, đời sau không phải đợi một đời sau, chưa chắc. Cơ hội kế tiếp có thể là sau vô lượng kiếp nữa. Bạn mới biết cái việc này rất phiền phức. Cho nên gặp được cơ hội, thì người thông minh đời này lập tức nắm chắc nó, đừng nên đợi đến đời sau, lần sau nữa. Lần sau không biết là phải đợi đến khi nào nữa, tuyệt đối không phải là đời kế tiếp, đời thứ hai, đời thứ ba, không phải vậy. Lần sau có thể sẽ là rất nhiều kiếp nữa, rất nhiều vạn ức năm bạn mới có thể gặp được trở lại. Chân tướng sự thật này bạn nhất định phải biết rõ. Làm thế nào mới có thể nắm vững cơ hội trong đời này? Không có gì khác là buông xả. Thật sự có thể buông xả được. Không buông xả được làm thế nào? Ấn Quang Đại Sư dạy cho chúng ta phương pháp rất hay. Đích thân ông cụ nói đem chữ “Tử” dán ở trên trán. Luôn luôn nghĩ rằng ta sắp chết rồi, thì bạn còn thứ gì có thể mang đi được? Bạn còn gì không buông xả? Bạn hãy thử xem những người chết xung quanh mình, họ có thể mang đi được những gì? Cho nên Tổ sư Ấn Quang dạy người ta thường xuyên nghĩ đến chết, ta sắp chết rồi. Phương pháp này hay vô cùng. Đích thân ông cụ đã làm hình mẫu cho chúng ta thấy, Ngài tự mình trong niệm Phật đường nhỏ, trong thất của mình chỉ thờ một bức tượng Phật A Di Đà, phía sau tượng Phật có viết một chữ “Tử” rất lớn. Từng giây từng phút luôn nhắc nhở mình đối với danh vọng lợi dưỡng, ngũ dục lục trần thế gian không mảy may dính nhiễm, buông xả triệt để, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, là chắc chắn được sanh. Tại sao người thế gian niệm Phật vẫn không thể vãng sanh được? Chưa có buông xả, vẫn còn lưu luyến như cũ. Chỗ này nói buông xả quý vị cũng đừng nên hiểu lầm, không phải bảo bạn ở trên sự đều buông xả tất cả, đều không làm, cứ nhất tâm vào niệm Phật đường, như thế sẽ được phước báo rất lớn. Chúng ta hiện nay xuất gia, ngạn ngữ thường nói: “Làm hòa thượng một ngày, thì đánh chuông một ngày.” Đây chính là chứng tỏ việc bổn phận của chúng ta, chúng ta sống một ngày thì làm việc một ngày. Tuy làm mà tuyệt đối không chấp trước, đó là buông xả, tuyệt đối không lưu luyến, giữ gìn tâm địa thanh tịnh, điều này quan trọng, không dính nhiễm một mảy may nào. Việc ta cần làm trong ngày hôm nay ta thảy đều làm cả, ngày mai có làm hay không thì không cần nghĩ đến nó. Luôn luôn nghĩ Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, niệm niệm mong cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc, vậy là đúng rồi. Ngày mai vẫn chưa đi, thì ngày mai làm tiếp. Chúng ta cũng không phải mong cầu Phật A Di Đà mau mau đến tiếp dẫn chúng ta, mọi việc cứ tùy thuận, thuận theo tự nhiên, tất cả hãy để cho Phật A Di Đà an bày. Phật A Di Đà vẫn chưa đến, ý nói là muốn chúng ta phải làm thêm mấy ngày nữa. Chúng ta đang làm rất chăm chỉ, rất nỗ lực, niệm niệm đều tương ưng với đức Phật A Di Đà. Khi tuổi thọ vẫn còn chưa hết, thì hãy giúp đỡ mọi người nhiều hơn, đem pháp môn này hết lòng hết sức giới thiệu cho đại chúng, tiến cử cho đại chúng. Việc chúng tôi làm ngày nay chính là việc này. Ngoài sự việc này ra, thì tất cả pháp thế gian và xuất thế gian hoàn toàn không có liên quan gì với chúng ta. Làm như vậy là đúng rồi! Cách làm này chính là thường xuyên đem chữ tử dán ở trên trán. Không phải nói chữ tử dán ở trên trán là không làm việc gì cả. Như thế là bạn hoàn toàn hiểu sai ý của tổ sư rồi. Chữ này dán ở trên trán chính là buông xả vạn duyên, buông xả tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, niệm niệm vì chúng sanh, niệm niệm vì Phật pháp trụ lâu ở thế gian. Chúng tôi đang làm hết lòng hết sức. Xem tiếp đoạn kinh văn dưới đây, đây là đoạn thứ ba. “Thị Tiên Vong Sanh Giới” đây cũng là sự cảm ứng không thể nghĩ bàn.
“Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế hữu nam tử nữ nhân, hoặc nhũ bộ thời, hoặc tam tuế, ngũ tuế, thập tuế dĩ hạ, vong thất phụ mẫu nãi chí vong thất huynh đệ tỷ muội, thị nhân niên ký trưởng đại, tư ức phụ mẫu cập chư quyến thuộc, bất tri lạc tại hà xứ, sanh hà thế giới, sanh hà thiên trung.”
( Lại vầy nữa, này Quán Thế Âm Bồ Tát! Về đời sau, nếu có kẻ nam tử, người nữ nhơn nào, hoặc lúc còn bú mớm, hoặc lúc lên ba tuổi, hoặc lúc lên năm tuổi, mười tuổi trở xuống mà chết mất cha mẹ cho đến chết mất anh chị em. Đến khi người đó khôn lớn nhớ tưởng đến cha mẹ cùng hàng thân quyến không rõ đọa lạc vào chốn nào, hay sanh về thế giới nào, hoặc sanh lên cõi trời nào?)
Loại tình trạng này ở thế gian cũng có, những năm trước thường có, người hiện nay ít có rồi. Người hiện nay có thể còn nghĩ đến cha mẹ, anh chị em, thật sự là không nhiều rồi. Đây là chứng tỏ lòng người ngày càng bạc bẽo. Lòng người ngày càng bạc bẽo chính là tình thân ngày càng bạc bẽo, đạo nghĩa ngày càng bạc bẽo. Trái lại hiện nay phiền não ngày càng nặng, tạo ác ngày càng nghiêm trọng, chỉ biết lợi cho bản thân, chứ không quan tâm người khác. Thậm chí là người thân quyến thuộc cũng không quan tâm đến. Cư sĩ Lý thường hay nói chuyện với chúng tôi, có một số người làm con cái, cha mẹ già rồi thì đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Tháng đầu tiên còn gởi một ít tiền, viện dưỡng lão nhận nuôi người già, ví dụ mỗi tháng phải đóng tiền phí năm trăm đồng, tháng đầu tiên họ đóng, đến tháng thứ hai đại khái kéo thời gian rất dài mới gởi tiền đến, đến tháng thứ ba thì mất tiêu. Về sau thì không thấy người đâu nữa, không đến nữa, không cần cha mẹ nữa. Nói thực ra hiện nay người như vậy rất nhiều, ngay cả súc sanh cũng không bằng. Súc sanh còn biết chăm sóc cha mẹ. Bạn nghĩ thế gian này bi thảm biết bao! Người già đáng thương biết bao. Già rồi, khả năng làm việc không còn nữa, thể lực suy yếu rồi, mình tích góp được một ít tiền, đều bị con cái nghĩ đủ mọi cách lấy đi rồi. Đời sống tuổi về già, có một số người dựa vào chính phủ phụ giúp, có một số người dựa vào xã hội cứu tế, bi ai biết bao! Đây là cảnh mà chúng ta có thể nhìn thấy mọi lúc mọi nơi. Những người già không có người nuôi sống này phải dựa vào nhân sĩ từ tâm trong xã hội đến cứu tế, giúp đỡ. Làm loại sự nghiệp từ thiện này cũng có người làm thật, cũng có người làm giả. Làm thật thì đương nhiên đó là tích lũy công đức, quả báo thù thắng. Nhưng có người làm giả, làm giả là mượn những sự nghiệp này để mang lại danh lợi cho mình, dùng cái này làm chiêu bài, chiêu bài cứu tế từ thiện để đi quyên góp khắp nơi, lấy số tiền này một nửa cho mình hưởng thụ, còn một nửa kia mới đem chăm sóc cho người già. Người xưa có một câu nói rất khó nghe: “Nhà từ thiện, nhờ từ thiện mà nên nhà.” Câu nói phía sau này là nói, tại sao nhà từ thiện họ phát đạt? Là dựa vào quyên góp bên ngoài, làm cái việc này mà nên nhà nên cửa. Hạng người này trước mắt là họ được một số hưởng thụ, nhưng quả báo đều ở Tam Đồ. Họ chưa có làm tròn trách nhiệm làm từ thiện. Thật sự làm sự nghiệp từ thiện, quy mô làm sự nghiệp từ thiện này của bạn rất lớn, nuôi người nên cũng cần rất nhiều người phụ giúp, đương nhiên cần phải chi tiêu. Ngoài việc cần phải chi tiêu ra, tất cả số tiền của này còn phải cúng dường cho những người già này, vậy mới chính xác. Chúng tôi ở Úc Châu có đi tham quan các làng về hưu ở nơi đây. Làng về hưu này là do tư nhân lập nên, chỉ chuyên chăm sóc người già. Họ có thu phí. Chúng tôi đi khảo sát, thấy họ thu phí rất hợp lý. Ở trong chi phí có phí phục vụ. Phí phục vụ là gì? Là tiền lương cho những nhân viên này ở trong đó. Thu bao nhiêu vậy? Năm phần trăm. Người già ở trong đó phải trả phí, một tuần là một trăm bảy chục đô. Phí sinh hoạt của họ, bao gồm ở trong đó là dọn dẹp môi trường, toàn bộ tất cả chi phí ở trong đó, là một trăm bảy chục đô. Trong một trăm bảy chục đô đó trích ra năm phần trăm để trả tiền lương cho nhân viên ở trong đây, vậy là hợp lý. Cho nên tôi đối với họ rất tôn kính, việc họ làm là sự nghiệp từ thiện đích thực, là nhận về một chút đãi ngộ rất ít, đời sống của mình có thể sống được là đủ rồi, đem tinh thần của mình, năng lực của mình thảy đều cống hiến cho làng về hưu này, hết lòng hết sức chăm sóc những người già về hưu này. Không thể nói chăm sóc mà mình không sống được, đó là điều không thể. Tóm lại bạn phải chăm sóc cho đời sống của họ, cho nên họ nhận tiền công một cách hợp lý, vậy là đúng như pháp. Giống như cách thức sự nghiệp từ thiện này, đáng cho chúng ta khen ngợi, đáng cho chúng ta giới thiệu phổ biến. Nó không phải mô hình từ thiện, hoàn toàn thu nhận người già, còn mình đi ra ngoài hóa duyên, quyên góp, cái đó rất dễ tạo tội nghiệp. Xã hội ngày nay vô cùng phức tạp, trong đây có Phật Bồ Tát đang làm lợi ích chúng sanh, cũng có một số yêu ma quỷ quái, mượn những danh nghĩa từ thiện này để mang lại danh lợi cho mình, tổn hại chúng sanh, đều có cả, chúng ta phải nhận thức rõ ràng, phải có năng lực biện biệt. Cho nên hiện nay thế gian này vô cùng bi thảm. Vẫn còn có người đạo nghĩa, tâm địa vẫn còn phúc hậu, không phải không có, rất ít, càng ngày càng ít những người biết ơn báo ơn này. Trong kinh này là nói về những người này. Trong kinh văn đặc biệt là chỉ “Vị lai thế” (Đời vị lai), Ngài không có nói hiện nay. “Nhược vị lai thế hữu nam tử, nữ nhân, nhũ bổ thời.” (Về đời sau, nếu có kẻ nam tử, người nữ nhơn nào, hoặc lúc còn bú mớm) Lúc này là lúc còn rất nhỏ, lúc vẫn còn bú mớm, cha mẹ, hoặc giả anh em của họ qua đời, lúc còn nhỏ như vậy, đã gặp phải nỗi bất hạnh này, hoặc giả là “Ba tuổi, năm tuổi, đến mười tuổi trở xuống” đại khái người thân qua đời, sau khi lớn lên đều nhớ không rõ ràng, ký ức mơ hồ, đây là thời trước đây. Hiện nay tương đối thuận tiện rồi, hiện nay có chụp hình, hình màu, còn có ghi hình nữa. Cho nên tuy cha mẹ qua đời lúc mình còn rất nhỏ, nếu như người nhà giữ gìn lại những tư liệu này của họ, khi họ lớn lên vẫn có thể nhìn thấy dung mạo của người đã mất, vẫn có thể nhìn thấy. Nếu như ghi âm họ nói chuyện lại, thì âm thanh vẫn còn, là thuận tiện hơn nhiều so với trước đây. Khi chúng ta đọc đến những đoạn kinh văn này, thì chúng ta phải hiểu âm thanh, hình ảnh ở trong đời sống gia đình này, nhất là ghi lại những hình ảnh về sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của cha mẹ đối với con cái, là rất hay! Đến lúc họ tuổi già quên mất cha mẹ thì chiếu lại cho họ xem. Anh thấy cha mẹ anh lúc nhỏ chăm sóc anh như thế nào? Nhắc nhở đạo hiếu nơi họ. Ngày nay bạn dùng thái độ gì để đối xử với cha mẹ mình? Chúng ta đọc kinh này, phải hiểu được đạo lý này, phải biết được cách làm này, khiến cho họ tự mình tư duy thật kỹ, liền có thể biết tình trạng người thân quyến thuộc sau khi chết rồi. Nếu họ có trí tuệ, suy nghĩ nhiều cũng có thể hiểu được, đời sống hành trì trong đời của cha mẹ lúc còn sống, nhân thiện chắc chắn cảm được quả thiện, nhân ác nhất định gặp ác báo, nhân quả báo ứng không mảy may sai chạy. Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển vô cùng thuận tiện, mỗi gia đình tự mình cũng có thể ghi hình lại đời sống của mình. Thời xưa khi chưa có nhưng công cụ khoa học này, người này tuổi tác cao rồi, họ nhớ nghĩ đến cha mẹ của mình, nhớ nghĩ đến người thân quyến thuộc của họ, không biết người thân quyến thuộc thị hiện ở cõi nào? Ở thế gian nào? Hoặc giả là sanh vào cõi trời nào? Người có những suy nghĩ này, đại khái đều là người học Phật, đều là tín đồ tôn giáo, tín ngưỡng tôn giáo rất nhiệt tâm, họ mới nghĩ đến những điều này. Người không tin tôn giáo họ sẽ không nghĩ đến người thân quyến thuộc đi đầu thai vào cõi nào? Sinh vào cõi trời nào? Họ sẽ không có ý nghĩ này. Người có tín ngưỡng tôn giáo họ mới có những tư tưởng này. Ở nước ngoài họ thông thường rất coi trọng tín ngưỡng tôn giáo. Thời gian tôi sống ở Mỹ rất lâu, từ tiểu học ở Mỹ đã coi trọng tín ngưỡng tôn giáo, thầy giáo đã khuyên học sinh lựa chọn một tôn giáo. Nếu như học sinh này không có tín ngưỡng tôn giáo, thì thầy giáo sẽ cho rằng học sinh này là học sinh có vấn đề. Họ có tín ngưỡng tôn giáo, bất kể bạn tín ngưỡng tôn giáo nào thì thầy cũng đều vô cùng hoan hỷ, tôn trọng bạn, yêu thương bạn, giúp đỡ bạn. Ở nước ngoài họ vô cùng coi trọng tín ngưỡng tôn giáo. Tôn giáo là duy trì nhân phẩm đức hạnh của một con người. Họ có thể tôn kính thần, họ có thể đọc kinh, thì tư tưởng hành vi của họ, tự nhiên sẽ có những sự ràng buộc, không dám làm càn làm bậy. Cho nên họ xem việc này là giáo dục đạo đức. Trái lại người Phương Đông cận đại đã lơ là điều này. Chúng ta xem đoạn kinh văn dưới đây:
“Thị nhân nhược năng tố họa Địa Tạng Bồ Tát hình tượng, nãi chí văn danh, nhất chiêm nhất lễ, nhất nhật chí thất nhật mạc thoái sơ tâm, văn danh kiến hình chiêm lễ cúng dường.”
(Người đó như có thể tô vẽ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, nhẫn đến nghe danh hiệu của Ngài rồi một lần chiêm ngưỡng một lần đảnh lễ, từ một ngày cho đến bảy ngày đừng thối thất tâm ban đầu, nghe danh hiệu thấy hình tượng chiêm lễ cúng dường.)
Đây là đức Thế Tôn dạy chúng ta phương pháp tu hành. Nếu bạn muốn biết người thân quyến thuộc của mình sau khi qua đời sanh về chốn nào, hay thế giới nào, cũng có thể thỏa mãn nguyện vọng của bạn. Đức Phật dạy cho bạn phương pháp tu học. Phương pháp này câu nói quan trọng nhất chính là ở bốn chữ “Mạc thối sơ tâm” (Đừng thối thất tâm ban đầu) này. Phương pháp tu học có rất nhiều loại: “Tố họa Địa Tạng Bồ Tát hình tượng” (Đắp vẽ hình tượng Bồ Tát Địa Tạng.) đây là một loại. “Văn danh chiêm lễ” (Nghe danh hiệu chiêm lễ) cũng là một loại. Hay nói cách khác, có rất nhiều pháp môn, chỉ nêu ra một vài cách. Mấu chốt là ở: “Nhất nhật chí thất nhật mạc thoái sơ tâm, văn danh kiến hình chiêm lễ cúng dường.” (Từ một ngày cho đến bảy ngày đừng thối thất tâm ban đầu, nghe danh hiệu thấy hình tượng chiêm lễ cúng dường.) Đây là lặp lại một lần nữa. Sự việc này ở trong sách xưa có ghi chép rất nhiều. Người Trung Quốc coi trọng đạo hiếu, đề xướng giáo dục hiếu kính. Cho nên gốc rễ của giáo dục Trung Quốc chính là dạy hiếu, dạy kính. Tư tưởng giáo dục này, từ xưa đến nay mãi cho đến cuối năm triều Thanh cũng không có thay đổi. Có thể nói đây là tông chỉ của giáo dục Trung Quốc, là ở hiếu kính. Thực hiện hiếu kính chính là ở việc cúng tế. Cho nên ở trong đời sống nhân dân cổ đại việc cúng tế là một hạng mục quan trọng nhất ở trong đời sống. Chúng ta đọc sách lễ xưa, sáu loại lễ quan trọng nhất ở trong lễ xưa thứ nhất là tế lễ. Tế lễ còn gọi là Cát Lễ. Là chữ cát trong cát tường. Cát lễ chính là tế lễ, tế tự. Đối tượng của cúng tế ở Trung Quốc là cúng tế tổ tiên. Ở trong kinh điển Phật nói quỷ thần, quỷ thần là nói tổ tiên, chứ không phải nói gì khác, là cúng tế tổ tiên. Không phải tổ tiên của mình, bạn đi cúng tế họ, như thế là nịnh nọt, bợ đỡ, không có liên quan gì đến bạn, bạn việc gì phải đi nịnh nọt người khác? Cúng tế tổ tiên là đạo lý muôn đời, là việc nên làm. Tế tự quan trọng nhất là cúng tế thần giống như thần đang hiện diện, chính là ý nghĩa mà chỗ này nói. Người chủ tế gọi là “Trai công”. Tức là phải trai giới khi cúng tế, người chủ tế gọi là trai công. Bạn sẽ nghĩ “Trai” là gì? Là trai giới. Trước khi tế tự ba ngày, người chủ tế phải trai giới. Ý nghĩa của chữ trai là gì? Trai là tu tâm thanh tịnh. Nếu dùng cách nói hiện nay của chúng ta mà nói, người chủ tế phải đóng cửa ba ngày, là thận trọng như vậy. Ba ngày này không tiếp khách, tất cả mọi việc thảy đều buông xả. Ba ngày này ở trong căn phòng nhỏ, đồ ăn thức uống có người đưa đến, có người chăm sóc, giống như bế quan vậy. Trong ba ngày này làm việc gì vậy? Tưởng nhớ. Bởi vì họ cúng tế cha mẹ tổ tiên của chính họ, tưởng nhớ đến tình trạng đời sống cha mẹ tổ tiên lúc sinh tiền. Nhà Phật chúng ta gọi là quán tưởng, phải tưởng như họ hiện về. Sau đó đến lúc cúng tế mới có cảm ứng. Ba ngày ba đêm nghĩ về âm thanh, hình ảnh cử chỉ hành động của tổ tiên họ lúc còn sống, nhớ nghĩ như vậy. Cho nên lúc tiến hành cúng tế giống như là nghe được âm thanh, giống như là nhìn thấy hình dáng, thì việc cúng tế này mới có hiệu quả. Chứ đâu có giống như cúng tế hiện nay? Loạn tâm. Khái niệm căn bản cũng không có, họ đến nơi đó hành lễ để biểu thị cho qua, chứ một chút thành ý cũng không có, hoàn toàn là đang biểu diễn cho có hình thức, làm sao họ có cảm ứng được? Phật pháp còn coi trọng hơn so với việc cúng tế này của chúng ta, đến bảy ngày bảy đêm, một ngày đến bảy ngày. Người chủ tế của chúng ta mới có ba ngày, trai giới ba ngày. Phật pháp nói bảy ngày. “Mạc thối sơ tâm, văn danh kiến hình, chiêm lễ cúng dường.” (Đừng thối thất tâm ban đầu, nghe danh hiệu thấy hình tượng chiêm lễ cúng dường.) Cúng dường là cúng dường với tâm thanh tịnh, chứ không phải ở những vật phẩm này. Tâm cung kính chính là cúng dường. Nếu dùng cách nói bình thường của chúng ta để nói là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi, đây là cúng dường. Từ đó cho thấy, cúng dường không phải ở những phẩm vật dâng cúng, không phải cái này, đó là hình thức không quan trọng. Hình thức là làm hết lòng hết sức, không cần phải cầu kỳ, không cần quá mức, tùy theo khả năng sức lực nhằm biểu thị tâm kính trọng thành ý của chúng ta. Thật sự gia đình mình rất thiếu thốn, rất nghèo khó, cúng một ly nước là đủ rồi, cũng biểu thị lòng thành kính của chúng ta rồi. Nếu như nhất định phải làm cho đẹp, nở mặt nở mày, đi vay mượn khắp nơi để sắm cho được những vật phẩm cúng dường này, là sai lầm. Tổ tiên của bạn chắc chắn không mong bạn bị mắc nợ. Chúng ta mắc nợ để cúng dường, vậy là không cung kính, là đại bất kính. Tại sao vậy? Cha mẹ tổ tiên bạn nhìn thấy hình ảnh này tâm trạng lo lắng. Bạn mắc món nợ này tương lai phải trả như thế nào? Không nợ nhẹ cả người. Tùy theo sức lực của mình mà cúng dường hết lòng là viên mãn rốt ráo, phải hiểu được đạo lý này. Trong Phật pháp đặc biệt là coi trọng vấn đề này. Ở trong hết thảy cúng dường thì cúng dường pháp là đứng đầu. Trong cúng dường pháp, đứng đầu là cúng dường y giáo tu hành. Nghĩ đến cha mẹ tổ tiên đã chỉ dạy cho chúng ta điều gì? Chúng ta có làm được chưa? Chúng ta học Phật, lời giáo huấn của Phật Bồ Tát dạy chúng ta, chúng ta có hiểu rõ chưa, có nhớ kỹ chưa, có phụng hành chưa? Đây là cúng dường đích thực. “Văn danh kiến hình” cũng là nhắc nhở, khi nghe thấy danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, là nghĩ đến tất cả lời giáo huấn trong bộ kinh này, không chỉ là câu danh hiệu này mà thôi, không phải vậy. Trong danh hiệu có ý ở trong đó. Trong ý có lý, có hành. Đây chính là ở trong Phật pháp Đại Thừa gọi là: “Một tức tất cả”. Một danh hiệu là đã chứa đựng toàn bộ Phật pháp ở trong đó. Không chỉ là “Đại Phương Quảng”, danh hiệu của đức Phật A Di Đà chứa đựng tất cả, mà bất kỳ danh hiệu của vị Phật Bồ Tát nào cũng chứa đựng tất cả. Cho nên chữ “Nhất” không phải là một cố định. Nhất là bất kỳ một cái nào. Không chỉ là Phật pháp, mà pháp thế gian cũng không ngoại lệ. Có pháp nào mà không viên dung tất cả pháp đâu? Pháp nào cũng đều viên dung cả. Vậy mới nói đến chỗ chân thật, nói đến chỗ rốt ráo. Như vậy chúng ta mới biết thế nào mới gọi là “Tu kính”. Ngày nay niệm Phật đường của chúng ta chính là tu pháp môn này. Quan trọng nhất là không thối thất tâm ban đầu, tâm ban đầu đáng quý. Cổ nhân thường nói: “Sơ phát tâm thành Phật hữu dư.” (Giữ tâm như lúc mới phát thì thừa sức thành Phật.) Nhưng tại sao hầu hết mọi người không thể thành tựu? Không giữ được tâm ban đầu. Tâm ban đầu là chân tâm. Trải qua thời gian lâu rồi họ bèn mệt mỏi, lười nhác, chán mỏi rồi, tâm đã thay đổi rồi! Mặc dù có tu nhưng đều là hình thức, không còn cái tâm chân thành đó nữa, cho nên không thể thu được hiệu quả. Cúng dường ở chỗ này đặc biệt phải hiểu rõ, cúng dường là cúng dường tu hành đúng như giáo lý. Xem tiếp phần dưới đây, đây là được quả báo:
“Thị nhân quyến thuộc, giả nhân nghiệp cố đọa ác thú giả, kế đương kiếp số.”
(Thời quyến thuộc đã sớm khuất của người đó nếu do ác nghiệp mà bị đọa vào ác đạo tính ra phải chịu đến số kiếp.)
“Thị nhân” chính là người đã khuất. “Giả nhân nghiệp cố” (Nếu do ác nghiệp) “Nghiệp” là nói những nghiệp báo mà họ đã tạo trong đời quá khứ, ác nghiệp mà họ tạo tác. Tạo ác nghiệp chắc chắn phải bị đọa vào ác thú. Ác thúc là chỉ ba ác đạo. Thời gian đọa ác thú rất dài.
“Thừa tư nam nữ huynh đệ tỷ muội, tố họa Địa Tạng hình tượng chiêm lễ công đức, tầm tức giải thoát.”
(Nay nhờ công đức tô vẽ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát và chiêm lễ cúng dường của con cái, hay của anh em chị em, nên liền đặng giải thoát.)
Người thân quyến thuộc đời sau của họ, thường hay nhớ nghĩ đến họ, thường xuyên có thể y giáo tu hành, và đem công đức này hồi hướng cho họ, họ có thể được lợi ích, có thể nhờ đó mà thoát khỏi ba ác đạo. Trong kinh này cũng nói đến, chúng ta bình thường, đặc biệt là người học Phật, bạn nằm mơ thấy người thân quyến thuộc, sau khi tỉnh dậy, nói tôi mơ thấy cha mẹ, người thân quyến thuộc đã qua đời. Họ đến tìm bạn để làm gì vậy? Cầu mong bạn giúp đỡ. Sau khi bạn tỉnh dậy, tốt nhất là bạn tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ, là họ đến cầu mong bạn giúp đỡ. Người thế gian, người không học Phật, khi nằm mơ thấy cần phải làm thế nào? Đốt một ít giấy tiền cho họ, họ cần. Những người mà bạn có thể nằm mơ thấy phần lớn là ở cõi quỷ. Ở cõi súc sanh họ sẽ không tìm bạn. Họ đến cõi người cũng sẽ không đến tìm bạn. Còn ở cõi địa ngục thì họ không cách gì ra được, nên phần lớn là ở cõi quỷ. Lúc tôi mới học Phật, có một người bạn đồng nghiệp tin Cơ Đốc Giáo. Cả nhà đều là tín đồ Cơ Đốc Giáo. Vợ của anh bạn đồng nghiệp này qua đời rồi, ở hàng xóm cũng có một vị đồng nghiệp. Anh bạn đồng nghiệp này có học Phật, cũng thường hay gần gũi với chúng tôi, chúng tôi đều rất thân quen nhau. Người vợ của anh bạn đồng nghiệp học Phật này, chỉ trong một tuần năm mơ đến ba lần, là thấy người vợ của người hàng xóm tin Cơ Đốc Giáo đó, một tuần mơ thấy ba lần, đến xin tiền bà. Bởi vì trong mơ nên bà cũng quên mất người đó đã chết rồi. Cho nên bà bèn nói với người đó: Chị xin tiền thì đừng nên xin tôi, chị phải xin chồng chị mới đúng. Người đó nói: Chồng tôi không có tiền, mong cô giúp đỡ. Người đó bèn đem sự việc này kể cho tôi nghe. Tôi nói, các bạn tin Cơ Đốc Giáo không đốt tiền, không đốt giấy tiền, cho nên cô ấy không có tiền. Cô ấy đến tìm bạn để làm gì? Chính là hỏi bạn xin tiền, bạn nên đốt một ít giấy tiền cho cô ấy. Người đó bèn đốt một ít giấy tiền tặng cho cô ấy, thì về sau biến mất, không còn mơ thấy nữa. Chuyện này đều là chân tướng sự thật. Cho nên ở cõi quỷ, cõi ngạ quỷ, đốt giấy tiền thật sự là có tác dụng. Họ đến tìm bạn, bạn thật sự giúp đỡ, thật sự có thể lìa khổ. Bạn tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ. Họ được lợi ích nhiều hay ít là xem sự thành tâm niệm của bạn. Bạn niệm càng thành kính, càng thanh tịnh, thì phước họ nhận được sẽ càng lớn.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây. A Di Đà Phật.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.