Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 63

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 63

Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển trung trang 131. Mời xem kinh văn:

  “Khước hậu quá nhất bách thất thập kiếp, đương đắc thành Phật, hiệu viết Vô Tướng Như Lai, kiếp danh An Lạc, thế giới danh Tịnh Trụ, kỳ Phật thọ mạng bất khả kế kiếp.”

  (Quá một trăm bảy mươi kiếp sau, ông đó sẽ được thành Phật hiệu là Vô Tướng Như Lai, kiếp đó tên là An Lạc. Cõi nước tên là Tịnh Trụ, thọ mạng của đức Phật đó đến số kiếp không thể tính đếm được.)

  Đây là Thế Tôn nói cho chúng ta biết, Chủ Mạng quỉ vương đã trong khoảng thời gian rất dài, dùng thân phận đại quỉ vương để giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn. Những gì phía trước nói là nói ngài tu nhân, tu nhân thiện thì nhất định sẽ cảm được quả báo thiện. Đức Phật nói cho chúng ta biết, quá một trăm bảy mươi kiếp về sau, Ngài sẽ thị hiện thành Phật. Danh hiệu của Phật là “Vô Tướng Như-lai”, thời đại đó, thời đại này cũng có danh hiệu, giống như đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta xuất hiện vào thời đại này, tên của kiếp này gọi là “Hiền Kiếp”. Còn thời đại đó của Ngài gọi là “An Lạc”. Nhìn từ trên tên gọi, thấy thời đại mà đức Phật ra đời đó vô cùng tốt đẹp. Và danh xưng của thế giới, thế giới này của chúng ta hiện nay gọi là Sa Bà. Sa Bà là tiếng Phạn, có nghĩa là “Kham Nhẫn”. Người trong thế gian này rất khổ, họ có thể nhẫn chịu được, là thế giới kham nhẫn. Tương lai thế giới của ngài Vô Tướng Như-lai gọi là “Tịnh Trụ”. Chúng ta nhìn thấy hai chữ “Tịnh Trụ” rất giống với thế giới Cực lạc của Phật A-Di-Đà. Và thọ mạng cũng là thuộc hàng vô lượng thọ. Đoạn khai thị này của Thế Tôn đã gợi ý cho chúng ta rất nhiều. Phía trước đã báo cáo qua với quí vị rồi. Rất nhiều quỉ vương ở trong ác đạo, đều là do chư Phật Như-lai ứng hóa ở trong đó, và cũng có rất nhiều pháp thân đại sĩ tu hành ở trong đây. Đúng như lời trong “Phẩm Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa” nói: “Cần dùng thân gì được độ, thì Ngài liền hiện thân ấy”. Nhưng hiện thân thuyết pháp nhất định phải có duyên chín muồi với những chúng sanh này. Nhà Phật thường nói: “Đức Phật không độ người không có duyên”. Cho nên chúng ta ở trong thế gian này không chỉ là đời này thôi, mà nhiều kiếp trong quá khứ đến nay, chúng ta không thể không kết duyên với tất cả chúng sanh. Duyên thì có thiện duyên và có ác duyên, có duyên nhiễm và có duyên tịnh. Nếu như ở trong Phật pháp thì còn có pháp duyên, thảy đều là duyên. Có duyên vậy mới có thể được độ, không có duyên thì không thể độ được. Cho dù kết ác duyên với chúng sanh cũng được. Giống như Chủ Mạng quỉ vương, các Ngài hiện thân ở trong ba ác đạo, độ chúng sanh trong ác đạo, đó là do duyên ác của những chúng sanh này chín muồi rồi, họ đọa vào ác đạo. Bồ-tát cũng không từ bỏ, cũng vào trong ác đạo thị hiện thân cùng loại để khuyên họ quay đầu, khuyên họ đoạn ác tu thiện. Lý và sự này chúng ta cần phải biết rõ, cần phải sáng tỏ, biết đây là chuyện gì, cũng phải biết rõ chúng ta hiện nay cần phải làm như thế nào. Tuy ở trên nguyên tắc nói chỉ là vấn đề của một chữ duyên. Duyên của chúng ta với tất cả chúng sanh thù thắng nhất là kết pháp duyên. Ở trong pháp duyên không mang theo phiền não, cho nên nó sẽ giảm bớt chướng ngại đối với mình và đối với người khác. Ở trong duyên cho dù là thiện duyên, quí vị phải biết, thiện sẽ biến thành ác. Trong ngạn ngữ gọi là “Vui quá hóa buồn”, yêu thương đến cực điểm sẽ sinh sân hận. Quí vị phải biết, ác không thể biến thành thiện. Hận thù rất khó biến thành yêu thương được. Nhưng yêu thương biến thành thù hận thì rất dễ. Cho nên thế giới này là thế giới cực khổ. Học Phật là học làm một người sáng suốt. Người sáng suốt thì chúng ta nên kết duyên tịnh với tất cả chúng sanh, là duyên thanh tịnh, cũng chính là nói hai bên thiện ác đều xả bỏ hết. Xả bỏ đây không phải xả bỏ trên sự, mà là xả bỏ trong tâm. Trên sự khi gặp phải thiện ác, tóm lại không thể tránh khỏi việc phải tiếp xúc, phải giao tiếp, đây là kết tất cả duyên thiện ác, nhưng tâm địa thanh tịnh, không nhiễm mảy bụi, thì thiện duyên cũng là tịnh duyên, ác duyên cũng là tịnh duyên, phải hiểu được đạo lý này. Nếu như ở trong tất cả cảnh giới, bất kể là hoàn cảnh vật chất hay là hoàn cảnh nhân sự, nếu như chúng ta sinh tâm, khởi tâm động niệm có yêu ghét, có lấy bỏ, thì duyên này là duyên nhiễm. Quả báo của duyên nhiễm rất khổ. Nếu như trong khi tiếp xúc với tất cả hoàn cảnh nhân sự, mình thật sự làm được không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, thì cảnh giới thiện hay ác đều là tịnh duyên. Trong Tịnh Tông chúng ta gọi đó đều là tịnh nghiệp. Quả báo của tịnh nghiệp, niệm Phật là chắc chắn cầu sanh Tịnh Độ. Nếu không biết niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì quả báo của tịnh nghiệp đa phần là ở cõi trời Sắc Giới. Bởi vì cõi trời Dục Giới cũng vẫn còn dính nhiễm. Cõi trời Sắc Giới thì dính nhiễm đã nhẹ rồi. Đây là không thể vãng sanh cũng đều sanh về cõi trời, cho nên đạo lý này phải biết. Thiện chắc chắn có quả thiện. Không những Chủ Mạng quỉ vương tương lai sẽ thành Phật. Chúng ta biết, tất cả mọi chúng sanh tương lai đều sẽ thành Phật, đây là Phật ở trong kinh nói với chúng ta rất rõ ràng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Đã là có Phật tánh thì đương nhiên sẽ làm Phật, chỉ khác nhau là thành Phật sớm hay muộn thôi. Cho nên trong mắt của chư Phật Như-lai nhìn tất cả chúng sanh đều là chư Phật. Chúng ta ngày nay học Phật nếu muốn công phu đắc lực, thì trước tiên phải chuyển quan niệm trở lại, điểm này vô cùng quan trọng. Nhất định phải xem tất cả chúng sanh là “Cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật của tương lai”. Bạn có thể giác ngộ được như vậy, có cánh nghĩ như vậy, có cách nhìn như vậy là bạn đã gần giống Phật rồi. Tại sao vậy? Đây là cách nhìn của Phật, cách nghĩ của Phật. Cách nghĩ và cách nhìn này chắc chắn là sự thật. Không phải nói tôi cần phải quán như vậy, không phải, nó là sự thật. Chúng sanh mê hoặc không hiểu rõ chân tướng sự thật. Chúng ta muốn thành Phật sẽ thành Phật nhanh chóng. Con đường thẳng tắt để thành Phật không có gì bằng chuyển quan niệm trở lại. Vì vậy có thể tận hiếu, hết lòng cung kính với tất cả chúng sanh. Tại sao vậy? Họ là chư Phật. Đây là tu hành. Chúng ta nói tu hành vững vàng, nhanh chóng, thì đây thật sự là con đường thẳng tắt. Mình ở trong đời này cần phải suy nghĩ, cần phải tự hỏi mình, ta đời này đến thế gian này để làm gì? Tại sao ta phải đến đây? Đời này được thân người, được thân người có ý nghĩa gì? Có giá trị gì? Con người có thể thường xuyên soi lại được như vậy, là giác ngộ rồi! Không đến nỗi mê ở trong vọng tưởng chấp trước, không đến nỗi si mê lầm lạc ở trong ngũ dục lục trần. Người chưa có học Phật, rất ít người có loại ý thức này. Người học Phật, được mấy người tỉnh ngộ lại được? Sau khi thật sự tỉnh ngộ lại rồi, hãy tìm đáp án ở trong đây. Có đáp án rồi, thì tâm trạng trong đời này của bạn được an định. Tại sao vậy? Bạn làm người bất kể là thời gian dài hay ngắn. Thời gian dài hay ngắn chính là tuổi thọ dài hay ngắn, bạn có mục tiêu, có phương hướng. Bạn sống đời này rất có ý nghĩa, rất có giá trị. Đây là trước tiên xác định vị trí của mình, điều này rất quan trọng. Chúng ta được thân người, nghe Phật pháp, xác định vị trí của mình ở chỗ nào? Xác định vị trí ở hoằng pháp lợi sinh, thì nhất định phải làm tốt công việc này, hết lòng hết sức làm cho thật viên mãn thì đời này bạn sống có ý nghĩa, có giá trị. Xác định mình ở trong niệm Phật đường dẫn chúng tu hành, thì buông xả tất cả vạn duyên, quyết một lòng chấp trì danh hiệu, dẫn dắt đại chúng, trợ giúp đại chúng thật thà niệm Phật, việc này cũng vô cùng có ý nghĩa, vô cùng có giá trị. Đây là nói người xuất gia, chúng tôi nêu ra vài ví dụ đơn giản như vậy. Nếu như là dẫn chúng, thì cố gắng phát tâm, dẫn chúng là chăm sóc đại chúng, phục vụ cho đại chúng, đạo lý này phải biết. Trụ trì, quản lý tự viện, những vị chấp sự này. Thời xưa nói chấp sự là Bồ-tát, chứ không phải người phàm. Người phàm ở trong đạo tràng là đại chúng thanh tịnh, là người phàm. Những vị Phật Bồ-tát này đến phục vụ, vì đại chúng phục vụ. Không được phép cậy quyền cậy thế, có địa vị rồi làm mưa làm gió. Thế thì hỏng rồi! Là trái ngược lại với Pháp. Pháp gì vậy? Là trái ngược lại với tánh đức, đi ngược lại tánh đức. Nếu như tương ưng với tánh đức, dùng cách nói hiện nay để nói, là phục vụ mọi người, đây chính là tích lũy công đức. Chúng ta phải giác ngộ lại từ chỗ này. Càng ở địa vị cao, giống như ở trong tự viện bạn là chủ tịch của tòng lâm, bạn là trụ trì của đạo tràng, thì bạn phục vụ cho cả đạo tràng. Nếu như bạn dùng loại tâm thái này là bạn đang tu hành, thật sự tu hành, phục vụ là tu hành. Có cản trở cho việc dụng công của mình hay không? Không cản trở. Đại sư Trí Giả, lúc ông cụ vãng sanh, các học trò đến hỏi Ngài: Thầy vãng sanh là phẩm vị gì? Ngài trả lời. Nếu như tôi không dẫn chúng, không làm những việc tạp vụ này, mà nhất tâm niệm Phật thì phẩm vị của tôi sẽ rất cao. Bởi do dẫn chúng nên thường hay phân tâm, tinh thần không được tập trung, cho nên chỉ được ngũ phẩm vãng sanh. Lời nói này có phải là thật hay không? Cũng có thể nói là thật, và cũng có thể nói là không phải thật. Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa lời tổ sư nói. Lời nói này của Ngài có ý nghĩa rất sâu. Nếu như là phàm phu làm chức trụ trì, đương gia, quản lý sự việc hành chánh đạo tràng, thì thật sự sẽ có tổn hại cho phẩm vị vãng sanh của mình. Nhưng tiêu chuẩn thấp nhất của họ, là chắc chắn có thể vãng sanh. Phẩm vị thấp một chút cũng không có sao cả, xả mình vì người, đây là nói đối với phàm phu tăng. Nếu như đối với thánh hiền tăng mà nói, thế thì khác rồi. Làm việc, phục vụ chính là tu hành. Chúng ta xem thấy trong “Kinh Hoa Nghiêm”, phục vụ đại chúng, từ sáng đến tối vô cùng bận rộn, đây là bận rộn trên sự, nhưng tâm địa thanh tịnh, tam luân thể không, không nhiễm mảy bụi, nên tam học giới định tuệ của họ đều hoàn thành. Họ làm sao không phải là tu hành được? Chúng ta thấy Đại sư Huệ Năng bên Thiền Tông ở Hoàng Mai. Công việc mỗi ngày của Ngài là phục vụ đại chúng, chẻ củi, giã gạo dưới nhà bếp. Ngài có bỏ lỡ công phu của mình hay không? Không có. Không những không có mà còn làm thành thục công phu của mình. Người khác tu thiền định phải đến thiền đường để tĩnh tọa. Ngài tu thiền định, giã gạo là tu thiền định, chẻ củi là tu thiền định. Mỗi ngày tiếp xúc với những đại chúng trong thường trụ là tu thiền định, không có lúc nào không ở trong định. Đại sư Huệ Năng có thể làm được, thì lẽ nào đại sư Trí Giả không làm được? Cho nên chúng ta đem những sự việc này liên hệ lại mà suy nghĩ, mới biết trong lời nói đó của Đại Sư Trí Giả là có ẩn ý. Vấn đề là bạn có biết học hay không? Nhưng rốt cuộc người giác ngộ thì ít, mà người bất giác thì nhiều, cho nên đại sư Trí Giả nói lời này là có dụng ý rất sâu. Dụng ý trong lời này của Ngài là nhằm cảnh cáo những người làm công tác phục vụ. Cảnh cáo cho họ biết nếu như hành vi tạo tác của bản thân bạn không đúng như pháp, không tương ưng với pháp, thì sẽ có tổn hại đối với mình. Nếu như tương ưng với pháp, thì bất kể làm công việc gì, cũng đều thành tựu cho việc tu trì của mình. Ở trong cửa Phật có pháp nào là không phải Phật pháp đâu? Tương ưng rồi thì pháp nào cũng là sự thật cả. Đại đức Tông Môn thường nói: “Mặt nào cũng là sự thật, cái nào cũng là đạo” Đó là thành tựu đích thực. Từ đó cho thấy, suy cho cùng là hai chữ giác, mê. Làm sao chúng ta có thể ở trong đời sống, trong công việc thường xuyên duy trì giác chứ không mê? Phải duy trì giác mê như thế nào? Một niệm riêng tư là mê,  đây là mấu chốt, là điểm trọng yếu. Một niệm yêu ghét là mê. Vừa khởi tâm động niệm liền mê ngay. Nhưng bạn có thể khởi tâm động niệm để phục vụ tất cả chúng sanh thì đây chính là giác, vì không có ta. Hết lòng hết sức phục vụ đại chúng xã hội là giác. Từ đó cho thấy, chư Phật Như-lai, chư đại Bồ-tát ở trong chín pháp giới, hiện thân thuyết pháp vì đại chúng phục vụ. Thân phận các Ngài hiện thân, chúng ta xem thấy ở trong năm mươi ba lần tham vấn. Nếu dùng cách nói hiện nay để nói là các ngành các nghề. Ngành nghề nào các Ngài cũng thị hiện, công việc nào các Ngài cũng đều làm. Không những không có phương hại đến đạo nghiệp của mình, mà mỗi ngày còn nâng cao thêm. Giống như chúng ta xem thấy ở trong kinh, từ Thập Trụ nâng lên đến Thập Hạnh, từ thập hạnh nâng lên đến Thập Hồi Hướng, từ Hồi Hướng nâng lên đến Thập Địa. Nói tóm lại một câu là phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ tất cả chúng sanh nhằm nâng cao địa vị Bồ-tát của mình, đó gọi là tu hành. Tu hành gì vậy? Tu để bỏ hết tâm riêng tư, bỏ hết lợi ích riêng tư. Cho dù đứng ở địa vị rất cao, là để phục vụ đại chúng, chứ không phải ở vị trí quyền thế đó để làm mưa làm gió, không phải vậy, là phục vụ đại chúng. Chỉ là chuyển đổi ý nghĩ trở lại. Sau khi chuyển trở lại, thì đó đều là hạnh Bồ-tát. Bất kể ở chức vị gì, bất kể làm công việc gì, chỉ cần là phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, phục vụ chúng sanh đều là sự nghiệp Bồ-tát. Một niệm vì mình liền tạo nghiệp ngay. Chúng ta xem thấy ở trong kinh, và nhìn thấy trong sự thật thì càng nhiều hơn nữa. Cho nên kinh văn này đã gợi ý cho chúng ta rất nhiều, nhất định phải biết gieo nhân thiện mới được quả thiện. Thiện và ác, một niệm vì chúng sanh là thiện, một niệm vì mình chắc chắn là ác, đây là điểm chúng ta cần phải hiểu rõ, cần phải nắm chắc. Làm sao xả bỏ hết cái tôi riêng tư, đây là chỗ nhập môn tu hành của chúng ta, bạn công phu mới có thể đắc lực được. Xem tiếp kinh văn dưới đây, trang một trăm ba mươi hai:

  “Địa Tạng, thị đại quỷ vương kỳ sự như thị bất khả tư nghị, sở độ thiên nhân, diệc bất khả hạn lượng.”

  (Này Ðịa-Tạng Bồ Tát! Những sự của vị đại Quỉ Vương đó không thể nghĩ bàn như thế, hàng Trời cùng người được vị ấy độ thoát cũng đến số không thể hạn lượng’.)

  Đây là Thế Tôn gọi Ngài Địa Tạng Bồ-tát, nói với Ngài, “thị đại quỉ vương” chính là chỉ Chủ Mạng quỉ vương. Nói theo nghĩa rộng là chỉ tất cả những vị quỉ vương ở trong cõi địa ngục, Ngạ Quỉ, đều là Phật Bồ-tát thị hiện. Ở trong chú giải Ngài nói: “Việc này chẳng thể nghĩ bàn. Dựa theo bổn nguyện mà khen ngợi tích xưa.” Bản lai diện mục của các Ngài là Phật Bồ-tát, là pháp thân đại sĩ, các Ngài hiện tướng là tướng quỉ vương. Chúng ta cần phải biết, phía sau chú giải của Ngài có mấy câu nói chúng ta hãy đọc qua một lần. Phần sau chú giải là hai hàng sau cùng của đoạn chú giải này. “Hựu phục ưng tri nhất thiết giai thị phù trần chư huyễn hóa tướng, đương xứ xuất sanh tùy xứ diệt tận” (“Lại nữa, nên biết rằng hết thảy đều là tướng huyễn vọng của phù trần, ngay đó sanh ra và ngay đó diệt mất.) Hai câu nói này là trong “Kinh Lăng Nghiêm”. “Huyễn vọng xưng tướng, kỳ tánh chân vi diệu giác minh thể. Nhược liễu thử ý tắc ư chư thánh quyền thực hóa môn tư quá bán hĩ!” (“Huyễn vọng gọi là Tướng, nhưng tánh của nó thực sự có bản thể là diệu giác minh. Nếu hiểu rõ ý này thì các môn hóa hiện dù Quyền hay Thật của chư Thánh đều có thể hiểu được quá nửa”. Đây là dùng mấy câu nói trong “Kinh Lăng Nghiêm” để làm tổng kết, tổng kết rất hay, quả thật sự là như vậy. Cho nên số lượng chư Phật Bồ-tát ứng hóa ở thế gian nói thực ra còn nhiều hơn phàm phu thế gian. Phàm phu đã nhiều, nhưng Phật Bồ-tát còn nhiều hơn, hóa hiện xung quanh chúng ta, tiếp xúc với chúng ta mỗi ngày, nhưng thật đáng tiếc chúng ta không nhận biết. Như thế có lẽ có người sẽ hỏi, tại sao Phật Bồ-tát không nói rõ? Nói rõ bạn cũng không tin. Các Ngài nói với bạn, tôi là Bồ-tát gì đó tái lai, tôi là Phật gì đó tái lai, thì bạn có tin hay không? Sẽ tạo nghiệp còn nặng hơn. Cho nên Phật giáo hóa chúng sanh có một quy tắc, là tuyệt đối không để lộ thân phận. Khi để lộ thân phận thì nhất định phải đi. Không được nói lộ thân phận rồi, mà bạn vẫn trụ ở thế gian này, vậy thì phiền phức sẽ rất lớn! Họ sẽ nói lời xằng bậy mê hoặc quần chúng. Người ta nói: “Đây là Phật gì đó đến, Bồ-tát gì đó tái lai” thì mọi người sẽ đến cúng dường. Vậy là yêu ma quỉ quái liền có thể mượn cách thức này để lừa gạt chúng sanh, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, mê hoặc chúng sanh. Cho nên chân nhân không để lộ hình tướng. Người để lộ hình tướng chắc chắn không phải là chân nhân. Nếu như họ nói, họ là Phật, Bồ-tát gì đó tái lai, nói xong lập tức liền đi ngay, thì đó là thật chứ không phải giả. Nói xong vẫn không đi, vậy là giả, chứ không phải thật. Cho nên gặp phải người như vậy bạn có thể hỏi họ. Người xưa nói xong liền đi, sao Ngài không đi? Phẩm này chúng ta chỉ giảng đến đây. Xem tiếp phẩm này dưới đây:

  Phẩm Thứ Chín Xưng Danh Hiệu Chư Phật

  Pháp sư Thánh Nhất gọi phẩm kinh này là “Phật Bảo”. Ba phẩm sau cùng này Thầy tổng kết quy về “Tam Bảo”: Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo, nói rất hay. Thầy năm xưa giảng tại Cửu Hoa Sơn. Thầy đem giảng nghĩa của Thầy tặng cho tôi xem. Tôi xem cách nói của thầy trong ba đoạn này, tôi rất khâm phục thầy. Tổng kết quy về Tam Bảo mới có lợi ích chân thật. Mời xem kinh văn:

  “Nhĩ thời Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn: “Thế Tôn, ngã kim vị vị lai chúng sanh diễn lợi ích sự, ư sanh tử trung đắc đại lợi ích, duy nguyện Thế Tôn thính ngã thuyết chi”.

  (Lúc đó Ngài Ðịa-Tạng Bồ Tát bạch cùng Ðức Phật rằng: ‘Bạch đức Thế-Tôn! Nay con vì chúng sanh trong đời sau mà phô bày sự lợi ích, làm cho trong vòng sanh tử đặng nhiều lợi ích lớn. Cúi xin đức Thế-Tôn cho phép con nói đó’.)

  Trong kinh văn nói, Bồ-tát muốn nói sự lợi ích cho chúng ta biết. Lợi ích gì vậy? “Ư sanh tử trung đắc đại lợi ích” (Làm cho trong vòng sanh tử đặng nhiều lợi ích lớn.) Đây tức là nói lợi ích của việc liễu sanh thoát tử, lợi ích này thật sự là lợi ích lớn, đích thực là lợi ích chân thật. Làm sao có thể khiến cho phàm phu, nhất là chúng sanh thời mạt pháp. Ngài chỗ này nói chúng sanh thời vị lai chính là chỉ thời mạt pháp. Chúng sanh thời mạt pháp là khổ hơn bất kỳ thời đại nào. Chúng ta quan sát từ trên lịch sử, quan sát từ trong đời sống hiện thực, theo trí nhớ của bản thân tôi và người tuổi tác cao một chút, những người khoảng bảy tám chục tuổi, nhớ lại đời sống của nửa thế kỷ về trước. Tuy thế gian này đã bị loạn rồi, nhưng tâm cảnh vẫn còn hòa bình như cũ. Mặc dù ở trong thời gian chiến tranh loạn lạc, phải dắt nhau chạy lưu lạc khắp nơi, nhưng tâm trạng họ vẫn yên ổn. Nhưng thời nay mặc dù đời sống vật chất rất dồi dào, đời sống công việc của bạn rất ổn định, nhưng tâm trạng của bạn không ổn định. Thật sự có thể nói là tâm ý hoảng loạn. Đây là do nguyên nhân gì? Nếu như không thể tìm ra nguyên nhân này, thì bạn làm sao có thể giải quyết vấn đề? Nhưng những nguyên nhân này ở trong Phật pháp thật sự giải thích rất rõ ràng. So sánh nửa thế kỷ trước đây với nửa thế kỷ sau này sẽ thấy rất rõ ràng, tâm của con người thời đó rất nhân hậu. So với về trước nữa, thì đương nhiên không bằng rồi. Thật sự là lòng người và đạo đức ở đời mỗi đời một tệ hơn. Thời chúng tôi còn nhỏ, thường hay nghe người lớn nói: “Mỗi đời một tệ dần.” Nghe câu này rất quen thuộc, mà không có cảm nhận được. Hiện nay nghĩ đến những câu nói này thấy cảm nhận rất sâu. Lòng người của thời đại đó tham sân si ít hơn rất nhiều so với người hiện đại, phần lớn ăn mặc đủ là tâm họ đã an rồi. Tâm người hiện nay lo sợ. Chúng ta biết là do nguyên nhân gì gây nên? Lòng tham không biết đủ, tham sân si mạn không có cùng tận, tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Người như vậy đem họ lên thiên đường, lên thế giới Cực lạc, thì thân tâm họ vẫn không yên ổn, đạo lý là ở chỗ này. Trước đây vào năm 1949 khi chúng tôi vừa mới đến Đài Loan, con người, hoàn cảnh mọi thứ đều xa lạ. Chúng tôi muốn đến nơi nào đó để tìm người quen, không biết đường, gặp bất kỳ người nào trên đường, hỏi thăm họ đường đến đó đi như thế nào, họ đều rất nhiệt tình. Không những chỉ cho bạn một cách tỉ mỉ, có khi họ còn dắt chúng ta đến tận nơi. Hiện nay không còn nữa. Khi bạn hỏi họ, họ đều trả lời không biết, cũng chẳng thèm quan tâm đến bạn. Hiện nay là khi nào có lợi cho họ họ mới làm, nếu không có lợi thì bỏ mặc. Vào thời đại đó rất ít khi nghe thấy chuyện bỏ rơi, không chăm sóc cha mẹ lúc tuổi về già, còn hiện nay đâu đâu cũng gặp, nếp sống xã hội tốc độ đi xuống ngày một nhanh, quá đáng sợ! Ngày nay là xã hội gì? Cho nên có rất nhiều nhà tiên tri phương Đông, phương Tây nói thời đại này có tai nạn lớn. Chúng ta nhìn thấy những dấu hiệu này, cảm thấy không thể không tin. Dấu hiệu, và điềm báo trước này tuyệt đối không phải là chuyện tốt. Chúng ta phải dùng cách nói của hầu hết các nhà khoa học, họ nói sóng, sóng tư tưởng. Bậc thánh hiền thế gian và xuất thế gian đã hết lòng đắng miệng chỉ dạy tất cả chúng sanh đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, dập tắt tham sân si, siêng tu giới định tuệ. Nền giáo dục cổ đại là lấy điều này làm trung tâm. Hay nói cách khác là giúp cho sóng tư tưởng của chúng ta được bình hòa. Mặc dù có tham sân si mạn, nhưng sóng dao động lên xuống của nó không quá lớn, nó có một tiêu chuẩn, có một nguyên tắc, nghĩa là không thái quá, dao động lên xuống của nó gần mức thăng bằng. Hiện nay họ xóa bỏ nền giáo dục này rồi, dựa theo vọng tưởng của phàm phu. Cái gọi là tự do dân chủ khai phóng. Đây chính là lời đức Phật tiên đoán trong “Kinh Lăng Nghiêm”: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”. Tà sư là gì? Là nói dựa theo sự thấy biết của mình. Thấy biết của mình là vọng tưởng. Nói dựa theo vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình sẽ tạo nên thế giới đại loạn, tạo nên sóng tư tưởng lên xuống với biên độ lớn, vượt quá tiêu chuẩn quá nhiều. Hiện tượng của nó chính là lòng người lo lắng không yên. Người trước đây đời sống vật chất thiếu thốn như vậy, sống vất vả như vậy, nhưng họ sống rất hạnh phúc. Người hiện nay sống rất sung túc, nhưng lòng người lo lắng thân tâm bất an. Thông thường gọi là hiện tượng vội vàng, nóng nảy. Do nguyên nhân gì gây nên? Do sóng tư tưởng gây nên. Chúng ta vô cùng may mắn gặp được Phật pháp, có thể tin, có thể hiểu, lại có thể y giáo tu hành. Cách nghĩ, cách nhìn, tư tưởng của chúng ta rất giống với tiêu chuẩn của đức Phật nói, cho nên ở trong xã hội loạn động, trong thế giới rối ren, chúng ta còn có thể duy trì được ít phần bình tĩnh, là vô cùng hiếm có. Càng chăm chỉ học tập, tin những gì đức Phật chỉ dạy là chính xác, những gì chúng ta nghĩ là sai lầm, trước tiên phải có sự giác ngộ này, phải có sự khẳng định này. Đúng như lời đức Phật nói trong kinh, trước khi bạn chưa có chứng được A-la-hán thì tuyệt đối không nên tin vào ý nghĩ của mình. Nếu bạn tin vào ý nghĩ của mình, ý mình nghĩ làm như thế nào đó thì chắc chắn sẽ làm sai. Sau khi bạn chứng được A-la-hán, thì có thể tin vào ý của mình. Tiêu chuẩn của A-la-hán là gì? Vậy là quá rõ ràng rồi. A-la-hán là phá chấp ngã rồi, vô ngã rồi. Niệm niệm đều là vì tất cả chúng sanh, không có ngã rồi. Đến lúc đó cách nghĩ của bạn mới đáng tin. Cho nên đức Phật phân định ra tiêu chuẩn A-la-hán này, chúng ta phải hiểu ý nghĩa thật sự Ngài phân định ra là ở chỗ nào? Hay nói cách khác bạn vẫn còn ngã, vẫn còn tự tư tự lợi thì cách nghĩ của bạn là không chính xác, là không đáng tin. Bạn thật sự làm được vô ngã, vô tư, niệm niệm vì xã hội, niệm niệm vì chúng sanh thì cách nghĩ của bạn là đáng tin. Khi chúng ta vẫn còn ngã, vẫn còn tâm riêng tư vậy làm thế nào? Cần phải từ bỏ cách nghĩ của mình, tuân theo lời giáo huấn của đức Phật, như vậy mới không đến nỗi sai lầm lớn. Đức Phật dạy chúng ta nên làm lợi ích cho chúng sanh thì đương nhiên sẽ trái lại với lợi ích của mình. Chúng ta phải khắc phục ở trong tâm, người hiện nay gọi là hy sinh dâng hiến, hy sinh lợi ích của mình, tác thành lợi ích của đại chúng. Đây là đức Phật chỉ dạy chúng sanh chưa có giác ngộ. Người đã giác ngộ rồi thì không cần chỉ dạy nữa, suy nghĩ, nói năng, hành động của họ tự nhiên sẽ tương ưng, là tương ưng với nhưng gì Phật Bồ-tát nói. Chúng ta ngày nay không những người học Phật tại gia phải hiểu được đạo lý này, mà người học Phật xuất gia càng phải nên hiểu đạo lý này hơn. Bởi vì thân phận của người xuất gia là thầy, người ta gặp bạn xưng bạn là pháp sư. “Sư” là mô phạm cho xã hội đại chúng, là tấm gương cho xã hội đại chúng. Chúng ta lấy cái gì làm tấm gương? Lấy cái gì làm mô phạm? Chính là vô tư. Nếu như mình vẫn còn tâm riêng tư, người ta xưng bạn là pháp sư. Bạn thử nghĩ xem bạn sẽ cảm nhận như thế nào? Không thể làm tấm gương cho đại chúng, không thể làm mô phạm cho đại chúng, người ta xưng bạn là “Thầy” bạn sẽ thấy rất khó chịu, danh không phù hợp với thực. Bạn có thể sinh tâm hổ thẹn, có thể quay đầu, có thể sửa lỗi, vậy là việc tốt. Nếu như vẫn cứ ngu muội vô tri như cũ, lại dám nhận danh hiệu đó, thì đâu có lý nào không tạo tội nghiệp? Tức là nhận cách xưng hô này, là bản thân chúng ta có tội nghiệp, tạo tội nghiệp rồi, là giả mạo pháp sư, không phải thầy, đang giả mạo thầy. Người ta xưng bạn một tiếng là mình đã tạo nghiệp một lần rồi, xưng bạn hai tiếng là tạo tội nghiệp hai lần. Đức Phật dạy chúng ta tích lũy công đức, chúng ta lại đang tích lũy tội nghiệp, vậy thì nguy hiểm biết bao? Thảo nào cổ nhân có nói: “Trước cửa địa ngục phần nhiều là Tăng”. Ai đọa địa ngục vậy? Hiện nay người đọa địa ngục rất nhiều, thời xưa người đọa địa ngục ít, người tạo tội ngũ nghịch thập ác ít. Và Tăng sĩ chưa có làm trọn chức trách của mình, vậy thì không thể tránh khỏi phải đọa lạc. Sự nghiệp lớn trong đời của người xuất gia, Bồ-tát Địa Tạng dạy chúng ta phải: “Vị vị lai chúng sanh diễn lợi ích sự” (Vì chúng sanh trong đời sau mà phô bày sự lợi ích) Câu nói này chính là sự nghiệp của người xuất gia chúng ta. “Diễn” là biểu diễn, làm nên tấm gương cho người ta thấy. “Thuyết” là nói rõ. Vừa phải làm, vừa phải nói. Chúng ta ngày nay phải xác định thân phận của mình, biết mình phải làm những công việc gì, làm tốt công việc này rồi, thì đời này chúng ta sống có giá trị, có ý nghĩa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *