KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 60
Xem tiếp kinh văn dưới đây:
“Nhĩ thời Ác Độc Quỷ Vương hiệp chưởng cung kính bạch Phật ngôn: “Thế Tôn, ngã đẳng chư quỷ vương, kỳ số vô lượng tại Diêm Phù Đề, hoặc lợi ích nhân, hoặc tổn hại nhân, các các bất đồng, nhiên thị nghiệp báo sử ngã quyến thuộc du hành thế giới, đa ác thiểu thiện”.
(Bấy giờ, Ác Ðộc Quỷ Vương chắp tay cung kính bạch đức Phật: (‘Bạch đức Thế-Tôn! Chúng con là hàng Quỉ Vương số đông vô lượng, ở trong cõi Diêm Phù Ðề, hoặc có vị làm lợi ích cho người, hoặc có vị làm tổn hại cho người mỗi mỗi đều không đồng nhau. Nhưng vì nghiệp báo khiến quyến thuộc chúng con đi qua thế giới ác nhiều lành ít.)
Phần trước chúng ta đã từng đọc thấy, những vị đại quỉ vương tham dự pháp hội này. Trong kinh có nêu ra mấy chục vị, “Ác độc quỉ vương” là thủ lĩnh, vị này là đại biểu, được xếp tên lên hàng đầu. Đức Phật nói cho chúng ta biết những vị đại quỉ vương này, đều là pháp thân đại sĩ, đều là chư Phật Bồ-tát thị hiện, chứ không phải thật sự là quỉ vương. Thật sự là ngạ quỉ thì đâu có tư cách tham gia pháp hội thù thắng như vậy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni? Các Ngài là thị hiện thân quỉ vương để độ chúng sanh ở trong cõi quỉ, trên thực tế các Ngài là Bồ-tát. Giống như trong cửa Phật chúng ta thường hay đốt vàng mã, trước bục đốt vàng mã, thường hay dùng giấy để bồi thành hình tượng một vị quỉ vương, mặt xanh nanh nhọn, hình dạng rất dễ sợ, gọi là Tiêu Diện Đại Sĩ. Là người nào vậy? Là Bồ-tát Quan Thế Âm. Quan Thế Âm ở trong cõi quỉ, cũng thị hiện thân phận quỉ vương. Nếu như Ngài thị hiện thân phận trời người, thì không thể độ nổi loại chúng sanh đó. Ở trong cõi quỉ nhất định phải hiện thân ngạ quỉ, cho nên đây là Bồ-tát Quan Thế Âm. Quỉ Vương “ Chắp tay cung kính”, đây là bạch với đức Phật. Phía trước là lễ tiết, chúng ta cũng không cần nói tỉ mỉ nữa. “Thế Tôn”, là tôn xưng đối với Phật Thích Ca Mâu Ni. “Ngã đẳng chư quỷ vương, kỳ số vô lượng tại Diêm Phù Đề.” (Chúng con là hàng Quỉ Vương số đông vô lượng, ở trong cõi Diêm Phù Ðề.) Ở trong thế gian này số lượng quá nhiều quá nhiều rồi, quỉ nhiều hơn người. Nói lời thành thật, hễ nơi nào có con người ở thì nơi đó sẽ có quỉ, người và quỉ ở chung với nhau. Chúng ta sống trong hai không gian khác nhau, nên có thể xếp chồng với nhau được, hai bên không có cản trở gì với nhau. Nhà của con người ở có thể xếp chồng với nhà của quỉ mà không có trở ngại gì nhau. Tường vách của con người chúng ta không có chướng ngại gì đối với họ, họ có thể đi xuyên qua được. Nhưng nhà họ ở, họ không thể đi xuyên qua được. Tức là tường nhà của quỉ, con người chúng ta có thể đi xuyên qua mà không có chướng ngại, nhưng họ có chướng ngại. Đây là hai loại không gian và thời gian khác nhau, nó xếp chồng với nhau được. Con người chúng ta nói thực ra, có khi cũng thường hay gặp quỉ. Nếu như chúng ta bình tĩnh suy nghĩ, sẽ thấy mình nhất định có kinh nghiệm gặp quỉ. Nhiều khi chúng ta ở trong nhà, hoặc là ở ngoài vườn, bỗng nhiên cảm thấy không thoải mái, sởn da gà, đó là gì? Đó là gặp quỉ rồi, bị ảnh hưởng bởi sóng của quỉ phát ra. Hiện nay nhà khoa học gọi là từ trường. Từ trường của chúng ta tiếp xúc với từ trường của họ, nếu như sức từ trường của chúng ta mạnh thì sẽ không bị quấy nhiễu. Nếu như từ trường của chúng ta tương đối yếu thì sẽ bị họ quấy nhiễu. Bị họ quấy nhiễu thì sẽ cảm thấy không thoải mái, họ có thể quấy nhiễu chúng ta, chúng ta cũng có thể quấy nhiễu họ. Khi từ trường của chúng ta quá mạnh, họ sẽ tránh xa, không thể lại gần được. Tại sao vậy? Lại gần họ thấy khó chịu. Cho nên ở trong Phật pháp thường hay nói, trong kinh thường hay nói, một người tu hành, thật sự công phu tu hành đắc lực thì trong vòng phạm vi bốn chục dặm, những ác quỉ, ác thần đều tránh xa. Tại sao vậy? Từ trường quá mạnh. Khi họ tiến lại gần sẽ cảm thấy rất khó chịu, sức mạnh từ trường của bạn có thể khống chế được phạm vi đến bốn chục dặm, họ tránh xa. Người tu hành vẫn gặp quỉ, hay nói cách khác, là công phu tu hành của bạn quá kém cỏi, ngay cả quỉ cũng bắt nạt bạn, cũng cười nhạo bạn. Công phu tu hành đó của bạn là giả không phải thật, làm bộ dạng ở bề ngoài, trong tâm vẫn tham sân si mạn, cho nên quỉ cũng coi thường bạn, đạo lý nó là như vậy. Con người sợ quỉ, nhưng quỉ còn sợ người hơn. Lẽ nào không nghe người ta thường nói: “Con người có ba phần sợ quỉ, còn quỉ có bảy phần sợ người”. Cho nên có rất nhiều người thường hay sợ quỉ, vậy có kỳ lạ không? Quỉ phải sợ bạn mới đúng. Sao bạn lại đi sợ quỉ? Tâm địa ngay thẳng thì quỉ cũng tránh né bạn ba phần. Quỉ tôn kính người tốt. Tâm địa ngay thẳng, thanh tịnh, từ bi thì quỉ thần cũng tôn kính bạn, sao dám làm tổn hại bạn được? Quỉ thần ủng hộ bạn, đó là họ làm lợi ích cho con người. Quỉ thần đến trêu đùa bạn, đó là họ làm tổn hại con người, mỗi loại khác nhau. Chúng ta muốn hỏi, rốt cuộc quỉ thần làm lợi ích cho con người nhiều, hay là làm tổn hại nhiều? Vấn đề này không phải ở họ, mà ở trên bản thân chúng ta. Nếu như bản thân chúng ta giữ tâm tốt, làm việc tốt, lợi ích xã hội, lợi ích cho đại chúng, thì quỉ thần chắc chắn làm lợi ích cho bạn, hộ niệm bạn, ủng hộ bạn. Nếu như chúng ta khởi tâm động niệm là tà ác, mọi hành động đều làm tổn hại người khác, tổn hại xã hội, chỉ quan tâm đến lợi ích của mình thì quỉ thần sẽ làm tổn hại đối với bạn. Cho nên không phải ở đối phương, mà ở chính mình. Ngài phía sau này cũng nói rất hay:
“Nhiên thị nghiệp báo, sử ngã quyến thuộc, du hành thế giới, đa ác thiểu thiện.”
(Nhưng vì nghiệp báo khiến quyến thuộc chúng con đi qua thế giới ác nhiều lành ít.)
“Đa ác thiểu thiện” là chứng tỏ người thế gian tạo nghiệp ác nhiều. Ác giao cảm với ác, thiện cảm ứng với thiện. Tiêu chuẩn của thiện ác, tiêu chuẩn đơn giản nhất là ngũ giới, thập thiện. Tiếp đó lại nêu ra ví dụ. Những lời này đều là do ác độc quỉ vương nói.
“Quá nhân gia đình, hoặc thành ấp tụ lạc, trang viên phòng xá, hoặc hữu nam tử nữ nhân tu mao phát thiện sự, nãi chí huyền nhất phan nhất cái, thiểu hương thiểu hoa, cúng dường Phật tượng cập Bồ Tát tượng, hoặc chuyển độc tôn kinh, thiêu hương cúng dường nhất cú nhất kệ.”
(Ði qua sân nhà người, hoặc thành ấp, xóm làng, trại vườn, buồng nhà, trong đó như có người trai kẻ gái nào tu được chút phước lành bằng mảy lông sợi tóc, cho đến treo một lá phan, một bảo cái, chút hương, chút hoa cúng dường tượng Phật cùng tượng Bồ tát, hoặc đọc tụng Tôn-kinh, đốt hương cúng dường một bài kệ một câu kinh v.v…)
Đây là quỉ thần nhìn thấy người tu thiện. Chúng ta nói sơ lược qua đoạn này một chút. Quỉ thần đi qua nhà người ta, là chuyện thường, thường hay xảy ra, hầu như ngày nào cũng có. “Thành ấp tụ lạc” đây là nói đô thị của chúng ta, trong thành thị có quỉ thần. Ở trên đường ban ngày dương khí rất mạnh, nên họ tránh xa. Hễ là quỉ thần đều sợ ánh sáng mặt trời, cho nên họ xuất hiện, đều là lúc trời âm u, hoặc vào ban đêm. Đại khái đến hoàng hôn khi mặt trời lặn xuống, thì quỉ thần này sẽ xuất hiện, nhưng số lượng rất ít, là giống như lúc bốn đến năm giờ sáng, trời vừa tờ mờ sáng, có một số ít người đi ra ngoài để vận động, phần lớn vẫn còn đang ngủ chưa có thức dậy. Đến lúc nào nhiều nhất vậy? Đại khái khoảng mười, mười một, mười hai giờ đêm, thì đầy cả đường, rất náo nhiệt, trên đường đều là quỉ. Con người chúng ta có cửa hàng, có dãy phố hàng hóa, họ cũng có phố hàng hóa, cũng có cửa hàng của họ. Lần trước cư sĩ họ Lôi đã báo cáo với quí vị ở đây rồi, chuyện đó là thật chứ không phải giả, là người thật việc thật. Người và quỉ ở lẫn với nhau. “Trang viên phòng xá”, đây là nơi họ đi qua, xóm làng, trại vườn, nhà cửa có người ở, những nơi này. Họ ở nơi này nhìn thấy có người đang làm việc thiện, đây là một niệm tâm thiện, họ đang làm việc này. “Hoặc hữu nam tử nữ nhân tu mao phát thiện sự”. Thiện nhỏ, ở đây đã làm một chút việc thiện nhỏ. Những việc thiện nào vậy? Dưới đây nêu ra vài ví dụ: “Nãi chí huyền nhất phan, nhất cái.” Ý nghĩa của phan và cái phía trước đã giảng rồi. Thời xưa treo phan, treo tràng, chính là hiện nay gọi là tuyên truyền Phật pháp. Trước đây dùng phương pháp này để truyền bá tin tức, báo cho đại chúng biết ở nơi này có giảng kinh, có pháp hội. Mọi người biết rồi, nếu họ muốn thì có thể đến tham gia, đây là phát ra thông tin. Hiện nay thì không cần, hiện nay truyền thông phát triển, họ có phương pháp tiến bộ hơn, thù thắng hơn, nhanh chóng hơn những cách này. Nhưng những thứ phan và cái này vẫn còn có tác dụng đối với quỉ thần, nó không còn tác dụng đối với con người nữa, nhưng vẫn còn tác dụng đối với quỉ thần. Nhưng quí vị phải nhớ kỹ, đây là truyền phát thông tin. “Thiểu hương thiểu hoa” đây là biểu thị cho tu hành. Một nén hương, một cánh hoa, chưa phải là một đóa, chỉ một cánh hoa. Biểu thị điều gì? Biểu thị cho tu hành. Mọi người đều biết, hương biểu thị cho giới, định, hoa biểu thị cho lục độ. Họ đã khởi một niệm giới, định, lục độ. Chúng ta thắp hương, cúng hoa, liền sinh ra lợi ích chân thật. Tuy niệm này rất yếu ớt, việc thiện chỉ bằng mảy lông sợi tóc, nhưng họ thật sự là khởi một niệm thiện. Niệm thiện rất yếu, thời gian của niệm thiện rất ngắn ngủi, đều đáng được khen ngợi. Không dễ gì khởi một niệm thiện, bình thường khởi niệm đều là niệm ác. “Cúng dường Phật tượng, cập Bồ-tát tượng”. “Cúng dường” là chiêm lễ, chiêm ngưỡng, lễ bái. “Hoặc chuyển độc tôn kinh” là bạn đang đọc kinh. “Thiêu hương cúng dường nhất cú nhất kệ”. Khi đọc kinh có thể thắp hương. Thắp hương là cúng dường Pháp Bảo. Lúc bạn đang đọc kinh có quỉ thần nghe. Người xưa lúc đọc kinh thường có thắp hương, người hiện nay đọc kinh đã rất ít thắp hương rồi. Chúng ta chỉ có thắp hương khi cúng Phật, khi chúng ta đọc kinh đã rất ít khi thắp hương rồi. Nhưng khi đọc kinh niệm Phật, không ở niệm Phật đường, mà ở trong trường hợp khác, chúng ta đọc kinh niệm Phật có khi sẽ ngửi thấy hương thơm lạ, sẽ ngửi thấy một làn hương, không giống như những mùi hương mà lúc bình thường chúng ta thắp. Mùi hương rất đậm đà, thường hay xảy ra tình trạng này. Đây là chuyện gì vậy? Đây là lúc chúng ta đang đọc kinh, có những vị thiên thần, quỉ thần đi ngang qua nơi đây, họ cung kính cúng dường, chúng ta rất khó nhận ra được. Thiên thần họ đi ngang qua đây, họ nhìn thấy, họ ở đó chắp tay dừng lại một chút. Trên người thiên nhân có mùi thơm, cho nên bạn ngửi thấy mùi thơm, đây là hiện tượng rất thường hay xảy ra, và có rất nhiều đồng tu đã từng trải nghiệm điều này. Chúng ta gặp được cảnh giới này, cũng không nên sinh tâm vui mừng, đây là chuyện rất phổ thông, rất bình thường. Nếu như bạn gặp phải những chuyện này, bạn cảm thấy rất kỳ lạ, cảm thấy rất không bình thường, cảm thấy rất vui mừng, bạn sinh tâm cống cao ngã mạn, thế là bạn sai rồi, bạn bị dính ma rồi. Dùng tâm bình thường để đối xử, thì đây là cảnh giới tốt. Xem tiếp đoạn kinh văn dưới đây:
“Ngã đẳng quỉ vương, kính lễ thị nhân.”
(Hàng Quỉ Vương chúng con cung kính làm lễ người đó.)
Đối với người tu thiện những vị quỉ vương này đều tôn kính, đều hành lễ với bạn.
“Như quá khứ hiện tại vị lai chư Phật.”
(Như kính lễ các Ðức Phật thuở quá khứ, đương hiện tại cùng lúc vị lai.)
Họ đối với người tu thiện, đương nhiên đây không phải là quỉ thông thường, quỉ thông thường không có cảnh giới này. Con người khởi một niệm tâm thiện, làm một chút xíu việc thiện, là họ xem người lúc này giống như chư Phật vậy, đây là thật chứ không phải giả. Cho nên tôi thường nói những đại chúng niệm Phật trong niệm Phật đường này, mỗi người đều là Phật, là không có khác gì so với trong kinh này nói. Bởi vì lúc bạn ở trong niệm Phật đường, buông xả vạn duyên, nhất tâm chuyên niệm Phật A-Di-Đà, vậy bạn tương ưng với Phật A-Di-Đà, “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật.” Bạn không phải là Phật thì ai là Phật? Chúng ta ngày nay những người hộ trì, hộ pháp, người cúng dường, chúng ta là thật sự đang cúng dường chư Phật Như-lai. Phước này bao lớn? Bạn rời khỏi niệm Phật đường, tiếp xúc với mọi người, sự, vật lại khởi tâm động niệm, thế là bạn lại lui sụt, lại thối chuyển rồi, việc tu hành như vậy là hết tiến lại lùi mãi. Có điều hiện nay bạn vẫn chưa có đi vào Tam Đồ, nhưng bạn thối chuyển rồi, lại tạo nghiệp Tam Đồ, quả báo Tam Đồ vẫn chưa hiện tiền, vậy thì vẫn không quan trọng. Cho nên thời gian huân tập ở trong niệm Phật đường, ở trong giảng đường càng dài càng tốt. Chúng tôi hy vọng tương lai xây dựng thôn Di Đà, niệm Phật đường niệm Phật, mỗi ngày hai mươi bốn giờ không gián đoạn. Hiện nay là làm được mười hai giờ, tương lai hy vọng làm được hai mươi bốn giờ. Đạo tràng như vậy, nếu như ở trong đó an định tâm lại được, ở được ba năm, thì đâu có lý nào không thành tựu? Đây chính là thâm nhập một môn, huân tu trường kỳ, sức mạnh này sẽ rất lớn, năm ba năm chắc chắn sẽ thành tựu. Pháp môn Tịnh Tông thật sự là có thể khiến tất cả chúng sanh tội khổ thành Phật ngay trong một đời. Pháp môn này vô cùng thù thắng. Chúng ta đều là chúng sanh tội khổ, tại sao chúng ta không thể thành tựu nổi trong một đời? Do không đủ duyên, không có cơ hội. Nói thực ra có thiện căn, có phước đức mà không có nhân duyên. Hôm nay xây dựng niệm Phật đường, xây dựng thôn Di Đà, chính là xây dựng nhân duyên được độ cho tất cả chúng sanh, khiến cho ba điều kiện thiện căn, phước đức, nhân duyên của bạn thảy được đầy đủ, bạn sẽ thành tựu ngay, trong đời này có phần nắm chắc vãng sanh, không thối chuyển thành Phật, là thành tựu ngay trong đời này. Cho nên chúng ta biết phát ra một niệm tâm thiện, thì quỉ thần cũng xem bạn giống như Phật vậy, bạn là chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai, xem bạn giống như chư Phật ba đời vậy.
“Sắc chư tiểu quỷ các hữu đại lực, cập Thổ Địa phận tiện lịnh vệ hộ”
(Chúng con truyền các hàng Tiểu Quỉ có oai lực lớn, và kẻ có phần chức trách về cuộc đất đai đó, đều phải hỗ trợ giữ gìn.)
Đại quỉ vương nhìn thấy liền sai Tiểu Quỉ, Tiểu Quỉ đi chăm sóc. “Cập thổ địa phận”. Chữ “Thổ địa” chúng ta gọi là thần Thổ Địa. Sai những Tiểu Quỉ và những thần Thổ Địa đi bảo vệ, thông thường người ta gọi là phù hộ. Họ phù hộ không phải phù hộ con người, là bởi vì người bạn làm việc thiện họ mới phù hộ. Việc thiện này chắc chắn là do một chút tâm thiện đó, một chút niệm thiện đó, mới cảm động quỉ thần đến bảo vệ bạn. Nhưng người thế gian thường hay hiểu sai ý nghĩa, họ mong cầu quỉ thần bảo vệ, bảo vệ cái gì? Bảo vệ tham sân si của họ, vậy là sai rồi! Phù hộ họ thăng quan, phù hộ họ phát tài. Phát tài to rồi, họ trở lại cúng dường quỉ thần, ra điều kiện với quỉ thần: “Ngài giúp tôi phát tài một triệu, tôi sẽ cúng dường Ngài mười nghìn.” Hành động này là gì? Hối lộ quỉ thần. Họ làm việc xấu, hy vọng quỉ thần giúp đỡ họ, thành tựu họ làm việc xấu. Như vậy không những không được quỉ thần giúp đỡ, mà quỉ thần còn đến làm hại họ, cho nên quỉ thần làm ác là rất nhiều. Làm vậy sẽ cảm được là ác quỉ, ác thần. Họ cũng có thể giúp bạn phát tài, sau khi phát tài rồi sẽ khiến cho bạn thất bại thảm hại. Thần mà bạn cảm được không phải chánh thần, mà là tà thần, tà mị, là yêu ma quỉ quái. Chánh thần sẽ rời xa bạn, không đến bảo vệ bạn, đạo lý này chúng ta nhất định phải biết. Việc thiện của bạn nhất định là tâm thiện, nhất định là niệm thiện, khác biệt là ở chỗ này. Tâm địa tà ác dù hằng ngày lễ bái thần, lễ bái Bồ-tát cũng vô ích, chắc chắn không tương ưng. Cho nên một đạo tràng, mà người trụ trì đạo tràng và đại chúng ở trong đạo tràng tâm không ở nơi đạo, trong tâm cũng là làm chuyện danh vọng lợi dưỡng, tham sân si mạn, thử hỏi đạo tràng này có Phật Bồ-tát hay không? Không có. Đắp lên là hình tượng Phật Bồ-tát, nhưng Phật Bồ-tát dứt khoát sẽ không đến đạo tràng này. Những người nào đến vậy? Yêu ma quỉ quái giả mạo Phật Bồ-tát ở nơi đây lừa gạt chúng sanh, cái bạn cảm được là yêu ma quỉ quái, người bạn lễ bái là yêu ma quỉ quái, không phải Phật Bồ-tát. Những quỉ thần này bảo vệ bạn. Bên dưới nói:
“Bất lệnh ác sự hoành sự, ác bệnh hoành bệnh, nãi chí bất như ý sự, cận ư thử xá đẳng xứ, hà huống nhập môn.”
(Còn chẳng cho việc dữ cùng sự tai nạn bất kỳ, bịnh tật hiểm nghèo thình lình, cho đến những việc không vừa ý đến gần chỗ của các nhà đó, huống là để vào cửa!’)
Đều ở một niệm thiện chân thật. Thiện cảm ứng với thiện. Bạn có quỉ thần bảo vệ bạn. Trong Giới Kinh của đức Phật có nói, khi bạn thọ trì Tam Quy, liền có 36 vị thần hộ pháp, ngày đêm bảo vệ bạn. Bạn giữ ngũ giới, giữ được một giới liền có năm vị thần hộ giới bảo vệ bạn. Giữ trọn năm giới, liền có hai mươi lăm vị thần hộ giới bảo vệ bạn. Bạn tu thập thiện, chính là trong kinh chỗ này nói, những Quỉ Vương này sẽ sai khiến Tiểu Quỉ, thần Thổ Địa bảo vệ bạn. Chúng ta đều thọ Tam Quy Y rồi, cũng có thọ Ngũ Giới, thọ Bồ-tát giới, vậy có những vị thần hộ pháp này bảo vệ hay không? Chưa chắc. Tại sao nói chưa chắc? Giới mà bạn thọ là giới danh tự, là hình thức chứ không phải thực chất. Bạn thọ Tam Quy, bạn có quy hay không? Có y hay không? Nếu như chỉ mời một vị pháp sư, tổ chức nghi thức cho bạn, trên thực tế bạn cũng chưa có quay đầu, bạn cũng chưa có nương tựa, bạn vẫn giống như trước đây vậy, người này không có thần hộ pháp. Tam Quy. Quy là thật sự quay đầu. Y là từ nay về sau thật sự đã có chỗ nương tựa. Phải tương ưng với những gì bạn nương tựa, bạn mới là thật sự quy y, bạn mới có thể cảm được thần hộ pháp bảo vệ bạn. Không phải nói làm một cái hình thức, hình thức không có tác dụng. Cho nên từ trong đoạn kinh văn này, chúng ta có thể thể hội được, đều là ở một niệm chân tâm, tuyệt đối không phải hư vọng. Quy là quay đầu. Quay đầu từ đâu vậy? Quay đầu từ mê, tà, nhiễm. Phải nương vào Giác, Chánh, Tịnh, đây là điều kiện cơ bản, nguyên tắc cơ bản của học Phật. Quy y Phật. Ý nghĩa của chữ Phật là giác. Chúng ta phải từ mê hoặc quay đầu lại nương vào giác. Giác chứ không mê, đối với người, sự, vật, mọi lúc, mọi nơi giác chứ không mê, thì bạn mới gọi là quy y Phật, Tam Quy này bạn đã thọ một điều. Ở mọi lúc, mọi nơi, chúng tôi vừa mới nói rồi, khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước chính là mê, là bất giác. Không khởi tâm, không phân biệt, không chấp trước đó là giác, đó là không mê. Chúng ta có làm được không? Làm được bạn mới là đích thực quy y. Pháp là thấy biết như thật, thấy biết như Phật, không phải vọng tưởng. Vọng tưởng là thấy biết sai lệch. Từ thấy biết sai lệch quay đầu lại, nương vào thấy biết như thật, vậy gọi là quy y pháp. Ý nghĩa của chữ Tăng là thanh tịnh, là hòa hợp. Không những phải sáu căn thanh tịnh, vả lại khi chung sống với tất cả đại chúng, nhất định phải tuân thủ lục hòa kính. Người khác có tuân thủ hay không không liên quan gì đến ta, ta nhất định phải tuân thủ, như vậy bạn mới là tam quy danh phù hợp với thực, bạn mới được ba mươi sáu vị thần hộ pháp phù hộ bạn. Nếu như tổ chức Tam Quy trên hình thức, vẫn cứ mê chứ không giác, tà chứ không chánh, nhiễm chứ không tịnh như cũ, thì không có một vị thần hộ pháp nào cả. Thần hộ pháp xem bạn có phải thật sự quy y hay không? Nếu thật sự quy y, dù không có hình thức thì thần hộ pháp cũng hộ trì bạn. Thần hộ pháp là nói thực tế, chứ không nói hình thức. Ở trên hình thức dù được cao tăng đại đức nổi tiếng, có tu hành tổ chức nghi thức cho bạn đi nữa cũng không có tác dụng. Vấn đề là bạn thật sự làm được, dù không có người làm hình thức quy y cho bạn cũng có tác dụng. Năm xưa lúc tôi mới học Phật, đại sư Chương Gia đã nói với tôi như vậy. Đại sư Chương Gia dạy tôi học giới, làm được một điều là bạn đã thọ được một điều, chứ không phải ở hình thức đăng đàn, việc đó không có tác dụng. Thầy bảo tôi đi học giới, nhất định phải thật sự làm được. Làm được một điều, thì điều này bạn thật sự đắc giới rồi, bạn đắc được một điều giới rồi, bạn mới cảm được thần hộ giới bảo vệ bạn. Trên hình thức đã thọ giới rồi mà không thọ trì được, không thể làm được, thế là phạm hai tầng tội, một là bạn phạm tội làm ác, hai là bạn phạm tội phá giới, cho nên tạo hai tầng tội. Nhất định phải làm, nghiêm túc, nỗ lực làm, từng giây từng phút nhắc nhở mình. Cho nên thời nay đọc tụng Đại Thừa là vô cùng quan trọng. Trong Tam Phước của “Quán Kinh” nói: “Tin sâu nhân quả, đọc tụng đại thừa” đối với người hiện nay của chúng ta mà nói, là vô cùng quan trọng, tuyệt đối không được lơ là. Bởi vì mỗi ngày bạn đọc, bạn mới biết mình cần phải làm như thế nào. Bạn không đọc làm sao bạn biết được? Tin sâu nhân quả, thì tâm cảnh giác của bạn sẽ cao, mới thật sự có thể làm được không mê, không tà, không nhiễm, bạn tin sâu nhân quả. Nên biết mê, tà, nhiễm chắc chắn đọa ác đạo. Mạng sống của chúng ta quá ngắn ngủi, mấy chục năm, một cái khảy móng tay là hết rồi. Việc gì phải tạo tội nghiệp? Việc gì phải chiêu cái quả báo khổ như vậy? Cho nên bạn thật sự tin, thì bạn sẽ không làm cái việc này rồi. Hiện tại cho dù sống khổ một chút cũng có thể cắn răng chịu đựng qua ngày, không sao cả! Chút khổ này có đáng gì đâu? Về sau có thể được đại tự tại, được niềm vui lớn. Trước mắt vì ham muốn chút xíu tiện nghi nhỏ này, mà sau này phải thọ khổ lớn. Cho nên người không hiểu nhân quả, người không tin nhân quả, họ mới dám làm. Người tin nhân quả, họ chắc chắn sẽ không làm. Quỉ Vương nói họ có tâm thái như thế nào đối với tất cả người có tâm thiện, người làm việc thiện. Chúng ta ở chỗ này đã hiểu rõ rồi. Tâm thiện, hạnh thiện, thì ác quỷ cũng đến ủng hộ bạn, cũng không làm tổn hại bạn.
“Phật tán quỉ vương: “Thiện tai! Thiện tai!”
(Ðức Phật khen Quỉ Vương rằng: ‘Hay thay! Tốt thay!)
Đức Phật nghe họ báo cáo xong vô cùng hoan hỷ, và khen ngợi họ.
“Nhữ đẳng cập dữ Diêm La”
(Các ông cùng với Vua Diêm La)
Vua Diêm La là Quỉ Vương lớn nhất.
“Năng như thị ủng hộ thiện nam nữ đẳng.”
(Có thể ủng hộ kẻ thiện nam người thiện nữ như thế!)
Họ tham gia pháp hội tại cung trời Đao Lợi này, pháp hội này của Như-lai là pháp hội chân thật. Ở trong đây lời của mỗi người nói ra, biểu hiện của mỗi người, đều là bộc lộ ra từ trong tâm chân thành, hoàn toàn không có mảy may hư vọng. Cho nên những biểu hiện này của họ được đức Phật khen ngợi. Đức Phật khen thưởng họ, cũng lợi ích cho những quỉ vương này.
“Ngô diệc cáo Phạm Vương Đế Thích, lệnh hộ vệ nhữ.”
(Ta cũng truyền cho các vị trời Phạm Vương, Ðế Thích hộ vệ các ông.’)
Đây là quả báo của họ. Họ có thể phát tâm hộ niệm những người thiện này, thì đức Phật cũng khuyên bảo Đại Phạm Thiên Vương, Đao Lợi thiên chủ đến hộ vệ họ, đây là thiện có quả báo của thiện, nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy. Chúng ta cần hiểu đạo lý này cho thật sâu, hiểu cạn thì không được, phải hiểu cho thật sâu. Sau đó bạn mới biết tu thiện, cái hay của tu thiện, lợi ích của tu thiện, bạn cũng chịu làm rồi. Bày ngay trước mắt chúng ta, người hiện đại, bất kể là người Trung Quốc hay người nước ngoài, có người nào không thích tiền của? Đều bị tiền của làm cho mê rồi. Thời trước đây, lúc thế hệ của tôi còn trẻ, đại khái trước ba mươi tuổi đều xem tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ rất lợt lạt, đều có một chút hoài bão, muốn lập công lao sự nghiệp hay làm một việc gì đó cho quốc gia dân tộc, vẫn còn cái ý nghĩ này. Nhưng người tuổi trẻ hiện nay, bạn đi hỏi thử xem? Phát tài là đứng đầu, làm sao kiếm tiền, nó hoàn toàn khác so với cách nghĩ của chúng tôi thời đó. Đừng nói là biết chuyện, hai mươi tuổi trở lên là biết chuyện rồi. Trong đầu óc của mỗi người luôn nghĩ làm sao kiếm tiền? Môn học họ học ở trường, phải học ngành kiếm tiền, phải học những môn học này. Tương lai vào trong xã hội nhất định làm ngành kiếm tiền, ngành không kiếm được tiền thì không làm. Nếu như bạn quan sát tỉ mỉ thêm, bạn thử hỏi học sinh tiểu học, học sinh tiểu học lớp một lớp hai, làm sao kiếm tiền? Việc đầu tiên là phải kiếm tiền, vậy thì nguy hiểm quá! Đây là giáo dục thất bại hoàn toàn rồi. Tự tư tự lợi đạt đến đỉnh điểm rồi. Xã hội còn có thể ổn định được sao? Lời Mạnh Phu Tử nói: trên dưới cùng nhau tranh lợi, thì quốc gia này sẽ nguy hiểm rồi. Xã hội ngày nay thật sự nhìn từ trên xuống dưới là gì? Lợi đặt ở hàng đầu. Đạo không có, nghĩa không có, lễ cũng không có, không cần gì cả, chỉ có tranh lợi. Mỗi người đều tranh lợi, thì chẳng phải đánh nhau sức đầu mẻ trán sao? Xã hội hiện nay, chúng ta xem thấy ở trong tin tức, mỗi địa phương đều có bạo động, cướp giật, họ làm gì vậy? Tranh lợi. Tranh không được thì cướp. Làm những việc gì? Làm những việc tổn người lợi mình. Câu nói tổn người lợi mình này là sai rồi, không thể nói như vậy được. Nếu như mọi người đều nói như vậy, mỗi người đều làm chuyện tổn người lợi mình, tổn người thì không thể lợi mình được, tổn người là hại mình. Chúng ta cần chỉnh sửa lại câu nói này. Khi mọi người nghe tổn người hại mình, thì họ sẽ không làm chuyện tổn người nữa. Tại sao vậy? Họ không hại mình. Tổn người lợi mình, thấy không có quan hệ gì, nên giết thêm vài người cũng không sao, bản thân mình phát tài, sai rồi! Tổn người nhất định là không lợi mình. Không lợi mình còn ở phía sau, tương lai nhất định đọa ba ác đạo. Chuyện nhân quả ở trong Phật pháp nói rất thấu triệt, nói rất rõ ràng, thiếu nợ nhất định phải trả nợ, nợ mạng nhất định phải đền mạng. Bạn giết người tương lai nhất định sẽ bị người giết, không thể trốn được. Bạn giết thêm một người, giết thêm một chúng sanh, thì tương lai bạn sẽ bị họ giết thêm một lần nữa. Ngay cả động vật cực nhỏ cũng không được phép giết hại. Nó có mạng sống, nó cũng có tâm sân hận, bạn giết nó, tương lai khi nó có thế lực, nó nhất định sẽ giết bạn. Đức Phật nói rất hay: “Khi nhân duyên gặp nhau, thì quả báo vẫn phải tự nhận.” Bạn lừa người ta, thì nhất định sẽ bị người ta lừa bạn. Bạn ức hiếp người ta, thì nhất định người ta sẽ ức hiếp bạn. Nhân như thế nào thì nhất định sẽ gặp quả báo như thế ấy. Chúng ta hiểu sâu sắc đạo lý này, tại sao không làm người tốt? Tại sao không làm thêm việc tốt? Làm người tốt, làm việc tốt, bạn sẽ gặp quả báo tốt. Thế nào gọi là việc tốt? Tiêu chuẩn của việc tốt là gì? Nhất định phải đọc Kinh Đại Thừa, bạn mới biết việc nào là việc tốt. Quả báo của việc tốt là gì? Việc tốt đích thực của thế gian là sự nghiệp Bồ-tát, hiện nay thông thường chúng ta gọi là Phật sự. Phật sự là việc tốt đích thực. Nhưng dùng từ Phật sự lại sợ người ta hiểu lầm. Phật sự là gì? Tụng kinh cho người chết, đó gọi là Phật sự. Vậy thì quá sai lầm rồi! Cho nên hiện nay thuyết pháp là việc vô cùng vô cùng khó khăn. Thường khiến cho người ta nghe thấy sinh ra hiểu lầm. Chữ “Phật” này là dùng âm tiếng Phạn của Ấn Độ dịch sang. Ý nghĩa của nó là trí tuệ, là giác ngộ. “Phật sự” chính là tất cả việc mà chúng ta ở trong đời sống thường ngày làm, bạn đều phải có trí tuệ, đều có giác ngộ. Như vậy tất cả mọi việc đều gọi là Phật sự. Thuật ngữ danh từ, chúng ta nhất định phải hiểu cho thật rõ ràng, minh bạch. Chúng ta đối với người, sự, vật, đều phải nương vào trí tuệ cao độ. Dùng cách nói hiện nay để nói là dùng lý trí, không phải tình cảm. Tình cảm là mê, lý trí là giác. Đối nhân xử thế chúng ta phải có lý trí, không dùng tình cảm. Đời sống của chúng ta dùng trí tuệ cao độ, đây đều gọi là Phật sự. Phật sự như vậy mọi người sẽ hoan hỷ, mọi người rất vui lòng, chúng ta nhất định phải hiểu rõ. Cho nên trong tất cả tâm hạnh sự tướng, thì các việc của Phật Bồ-tát là viên mãn nhất, thù thắng nhất. Những việc mà Phật Bồ-tát làm không có khác gì so với đời sống hiện thực của chúng ta. Chỉ là chuyển ý nghĩ trở lại một chút, chuyển mê, tà, nhiễm thành giác, chánh, tịnh thì đời sống của bạn là Phật sự, công việc của bạn là Phật sự, bạn đối nhân xử thế việc nào cũng là Phật sự. Quả báo của Phật sự vô cùng thù thắng. Hạnh phúc mỹ mãn đích thực là sống đời sống của Phật Bồ-tát.
Được rồi hôm nay chúng ta chỉ giảng đến đây.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.