Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 86

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 86

  Câu thứ hai mươi mốt:

  “Thiên luân hào quang”

  (Tia sáng tướng nghìn vòng tròn)

  Khác với ý nghĩa ở phía trước. Hào quang mà phía trước nói nó không phải hình vòng tròn. Trong chú giải gọi là tán quang. Hào quang hình vòng tròn viên mãn hơn tán quang nhiều. Nó đại biểu cho thuyết pháp viên mãn, lợi ích cho chúng sanh căn tánh viên đốn. Căn tánh học Phật của tất cả chúng sanh, nhóm hiếm có nhất, đáng quý nhất là nhóm căn tánh viên đốn. Vậy chúng ta có phải thuộc loại căn tánh này không? Không phải. Nếu như là căn tánh viên đốn thì việc tu học không có khó khăn như vậy được, vừa tiếp xúc liền khai ngộ. Nghĩa là: “Một nghe nghìn ngộ”, họ rất dễ dàng nhập cảnh giới Phật. Trong tất cả căn tánh, thì người căn tánh viên đốn rất ít. Loại căn tánh này, cũng chính là người thượng thượng thừa mà trong “Đàn Kinh” nói, họ còn hiếm có hơn cả Đại Thừa. Chúng ta nghe xong trong tâm thấy vô cùng ngưỡng mộ. Có phương pháp nào bồi dưỡng chúng ta trở thành căn tánh viên đốn hay không? Có. Không phải không có phương pháp. Vấn đề là bạn có chịu tiếp nhận hay không? Bạn có chịu y giáo phụng hành hay không? Phương pháp gì vậy? Huân tập. Căn tánh của toàn bộ tất cả chúng sanh đều là do huân tập mà ra. Phật pháp cũng  không ngoại lệ. Phật pháp do nhân duyên sinh. Huân tập như thế nào? Thường xuyên đọc tụng kinh điển Đại Thừa viên đốn. Bạn thường xuyên đọc tụng thì vô tình bạn sẽ biến thành căn tánh viên đốn. Đọc tụng phải hiểu được. Sau khi hiểu được rồi phải y giáo tu hành, đem đạo lý, phương pháp, cảnh giới mà trong kinh điển nói hoàn toàn áp dụng vào trong đời sống của mình, thì bạn vô tình biến thành căn tánh viên đốn rồi. Vậy là giống với “Thuyết viên pháp, bị viên căn, nhập viên môn, hoạch viên ích.” (Nói pháp viên đốn, trùm hết căn tánh viên đốn, vào cửa viên đốn, thu được lợi ích viên đốn.) nói ở trên. Nhà Phật thường nói: “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên.” (Người căn tánh viên đốn thuyết pháp, thì không có pháp nào không viên đốn.) Thuyết pháp đã như vậy, thì nghe pháp cũng là như vậy. “Viên nhân văn pháp, vô pháp bất viên. Viên nhân tu pháp, vô pháp bất viên.” (Người căn tánh viên đốn nghe pháp thì không có pháp nào không viên. Người căn tánh viên đốn tu pháp thì không có pháp nào không viên.) Mấu chốt là phải biết khéo học, bạn biết học mới được. Bạn không biết học, dù bày ngay trước mặt bạn cũng không học được. Pháp nào là pháp viên đốn vậy? Xin thưa quý vị, pháp nào cũng đều là pháp viên đốn cả. Không những là tất cả pháp mà Phật nói là pháp viên đốn, mà tất cả pháp thế gian cũng là pháp viên đốn. Một khi viên thì tất cả đều viên. Nếu bạn cho rằng bộ kinh này là Đại Thừa viên giáo, bộ kinh kia là biệt giáo, vậy là bạn sai rồi! Bạn chưa có viên đốn được. Như thế nào mới viên? Lìa khỏi tất cả phân biệt, chấp trước liền viên ngay. Viên là thật. Cũng chính là “Chân tướng sự thật”, “Bờ mé chân thật” mà chúng ta thường nói. Trong Hiển Mật giáo gọi là đại viên mãn, đây là viên pháp. Nếu phân biệt viên pháp thì hết viên rồi, là do bản thân chúng ta tạo thành. Tuyệt đối không phải nói pháp có thiên, có viên, pháp không có. Bạn nói pháp có cạn, có sâu đây đều là sai lầm. Pháp có cao thấp là bạn đã hiểu sai hết rồi! Pháp là bình đẳng, pháp nhất định là không có thiên viên, tuyệt đối không có cao thấp, tuyệt đối không có cạn sâu. Cho nên trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói rất hay: “Một là tất cả, tất cả là một”. Chỗ chứng của Bồ Tát sơ trụ cạn, chỗ chứng của Bồ Tát đẳng giác sâu, sâu cạn không hai. Chỗ chứng trong Bồ Tát sơ trụ có pháp đẳng giác, chỗ tu của Bồ Tát đẳng giác có pháp sơ trụ, thế mới gọi là viên. Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa này, nhất định phải làm thật trong đời sống, rèn luyện thật sự. Luyện cái gì? Lìa tất cả vọng tưởng, chấp trước.

  “Thiên luân hào quang”

  (Tia sáng tướng nghìn vòng tròn.)

  Luân tướng (Tướng vòng tròn). Trong tiểu chú nói: “Thiên bức chi luân biểu lục đạo nhất niệm thiên như, chí thử hiển trước viên chuyển vô ngại dã” (Bánh xe có nghìn nan biểu thị cho “nhất niệm thiên như” trong lục đạo, đến đó là hiển bày viên chuyển vô ngại.) Vô ngại là cảnh giới trong “Kinh Hoa Nghiêm”. “Di luận chu táp” (Trùm khắp không hở) tức là tận hư không, khắp pháp giới, là một chỉnh thể, đây mới là đại viên mãn, đây mới là hào quang luân tướng. Phía sau đều là nói tướng khác biệt thù thắng trong luân tướng.

  Câu thứ hai mươi ba:

  “Bảo luân hào quang”

  (Tia sáng vòng tròn báu)

  “Bảo luân” là cùng ý nghĩa với thiên luân. Ở trong đây có thêm một chữ bảo. Câu này chú trọng ở chữ “Bảo”. Trong pháp tượng trưng, “Biểu ngũ đạo cụ viên căn giả” (Biểu thị cho năm đường đều có đủ căn tánh viên đốn) là lấy cái ý nghĩa này. Có thể thấy căn tánh viên đốn là báu vật. Tại sao nói nó là báu vật? Họ tiếp xúc Phật pháp là nhất định thành tựu ngay trong đời này. Phần đông đại chúng trong đời khi tiếp xúc được Phật pháp thì chưa chắc có thể thành tựu. Nguyên nhân do đâu vậy? Căn tánh khác nhau, duyên phận khác nhau. Mình có đầy đủ căn tánh viên đốn, gặp được duyên phận tốt, thì chắc chắn thành tựu. Duyên ở chỗ này là Bồ Tát Địa Tạng, “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, cái duyên này là vô cùng thù thắng. Có thể dựa theo lý luận, phương pháp, cảnh giới của bộ kinh điển này tu học thì có thể thành Phật, làm Tổ. Không những là thoát khỏi lục đạo, còn thoát khỏi thập pháp giới. Đây là giống như trong “Lục Tổ Đàn Kinh” nói người căn tánh lớn, người căn tánh nhạy bén. Người căn tánh nhạy bén sau khi tiếp xúc có thể tin, có thể hiểu, có thể làm theo. Nếu không phải loại căn tánh này thì sau khi tiếp xúc có khi họ không tin, hoặc giả là tin rồi nhưng họ không hiểu, sau khi hiểu rồi họ không chịu làm. Cho dù làm cũng nghi ngờ đủ thứ, làm không thoải mái, vẫn cứ rơi vào trong vọng tưởng, chấp trước. Đương nhiên họ được quả báo sẽ khác nhau. Ở chỗ này chúng ta có thể nhìn thấy người căn tánh viên đốn là người như thế nào? Họ nhìn sự việc rất rõ ràng, rất minh bạch, họ làm việc rất thoải mái, đầy năng lượng, lợi ích chúng sanh, còn bản thân thì thanh tịnh, vô vi, không nhiễm mảy bụi, là có thái độ như vậy. Chỗ này cũng có mấy câu nói rất hay: “Bồ Tát tùng sơ phát tâm vi độ chúng sanh vô hữu giải tức. Xuất ư thế gian trụ ngũ thần thông, xử ư hư không, phóng trí tuệ quang minh, diệt tà kiến hý luận” (Bồ Tát từ lúc mới phát tâm vì độ chúng sanh chẳng bao giờ ngưng nghỉ, biếng nhác. Ðến thế gian, trụ ngũ thần thông, ở nơi hư không, phóng trí huệ sáng suốt, diệt tà kiến hý luận.) Mấy câu nói này đều là nói từ trong cảnh giới. Họ quả thật là khác với phàm phu thông thường. Tâm địa càng thanh tịnh, thì trí tuệ càng viên mãn. Đối với nghiệp nhân quả báo của muôn việc muôn pháp trong thế gian và xuất thế gian họ đều thấy rất rõ ràng. Tuy thấy rất rõ ràng, Bồ Tát ứng vào đời vẫn là cứ tùy duyên. Đúng như lời trong hạnh nguyện Phổ Hiền nói là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Các bạn thích làm thế nào thì bạn cứ làm như thế ấy, nhân thiện cảm quả thiện, nhân ác gặp ác báo, nhân duyên quả báo nhất định tương ưng, chắc chắn không sai chạy. Chư Phật Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh nhất định không có mảy may miễn cưỡng xen tạp ở trong đó. Cách tùy thuận này chúng ta rất khó làm được. Chúng ta đối nhân xử thế đều muốn thêm một chút ý của mình vào, nếu thêm một chút ý của mình vào trong đó, vậy thì không gọi là tùy thuận được. Tùy thuận là thuận theo tự nhiên, không thêm một mảy may ý vào. Cho nên đức Phật giảng kinh thuyết pháp chỉ là khuyến hóa để cho bạn nghe. Bạn ngộ rồi thì bạn cứ thuận theo chỗ ngộ của bạn, mê rồi thì cứ thuận theo mê của bạn, chứ Phật Bồ Tát không thêm một mảy may ý nào vào trong đó. Bạn muốn hỏi tại sao? Đạo lý này là sâu rồi. Chúng ta cần thể hội cho thật kỹ, phải nghiêm túc học tập, vậy mới gọi là học Phật. Học giống như đức Phật vậy. Sau đó ở trong đời sống được đại tự tại.

  Dưới đây là câu hai mươi bảy:

  “Nguyệt luân hào quang”

 (Tia sáng vừng mặt trăng)

  Ở chỗ này biểu thị cho Bồ Tát. “Cụ trí đoạn nhị đức, cố năng trừ ngũ đạo nhiệt não, ích tứ chúng thanh lương nhiên thử nhị luân” (Đầy đủ hai đức Trí và Đoạn, nên có thể diệt trừ năm thứ nhiệt não, làm cho tứ chúng mát mẻ, vì vậy mà hiện hai luân đó) Nhị luân là biểu thị cho nhật nguyệt. “Chánh biểu đại sĩ quyền thật nhị trí, chiếu lý giám cơ dã” (Đúng là biểu thị cho hai trí Quyền và Thật của đại sĩ, soi rõ Lý, quán rõ căn cơ vậy.) Đoạn này nói thật ra, quan trọng nhất chính là câu sau cùng: “Chiếu lý giám cơ.” (Soi rõ lý, quán rõ căn cơ.) Thật trí soi chiếu lý, quyền trí quán xét căn cơ. Cơ là căn cơ của chúng sanh. Bình thường chúng ta gọi là quán cơ. Giám chính là quán. Bạn có thể nhận biết được cơ duyên của tất cả chúng sanh. Bạn giúp chúng sanh là khế cơ. Bạn có thật trí soi rõ lý, không mảy may mê hoặc chân tướng vũ trụ nhân sinh, đây là chiếu lý. Khế lý khế cơ vậy mới có thể khiến cho tất cả chúng sanh được lợi ích chân thật. Cho nên không thể không giảng kinh, không thể không giảng kỹ. Hầu hết đại chúng hiện nay đều lơ là sơ ý, tâm tính hời hợt, ngày nay giảng kinh chắc chắn không thể giống như người xưa, người xưa nói chuyện hàm súc, ý ở ngoài lời, bạn phải biết nghe. Nếu bạn không biết nghe thì bạn sẽ không hiểu được ý. Hiện nay nếu giảng hàm súc như người xưa thì không có ai nghe hiểu cả, bạn giảng uổng công rồi! Bạn không được nói hàm súc, nếu thuyết pháp như vậy người ta nghe xong, cũng chưa chắc có thể hiểu được. Vậy là chúng ta phải cầu Tam Bảo gia trì. Cho nên nghiên cứu giáo lý, giảng kinh là quan trọng hơn hết thảy. Vậy niệm Phật có quan trọng không? Cũng quan trọng như vậy. Là giống như hai bánh xe vậy, thiếu một bánh thì không thể chạy được. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ đạo lý này. Phải quan sát thế gian này hiện nay, cơ của thế gian ngày nay là nguy cơ, nguy cấp đến cực điểm. Mục đích Bồ Tát trụ ở thế gian là giúp người thế gian phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Từng li từng tí động thái của người thế gian bạn không thể không nhận ra. Bạn không nhận ra được thì làm sao bạn dạy người ta? Cho nên sáu căn chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, đều phải được soi chiếu. Thế giới hiện nay là gì? Dân chủ, tự do, khai phóng. Tương lai chắc chắn có xu hướng là dân chủ, tự do, khai phóng không hạn chế. Sự việc này phiền phức rồi! Tại sao vậy? Phàm phu. Họ không phải thánh nhân. Ở trong Phật pháp cấp bậc thấp nhất là pháp giới Tứ Thánh: A La Hán, Phật Bích Chi, Bồ Tát, Phật, các Ngài đích thực là dân chủ, tự do, khai phóng. Người ta có đức, có hạnh, có trí, có định, có đức, có năng lực thì mới được! Mới được thọ dụng chân chánh. Và ở nhất chân pháp giới là khai phóng viên mãn, thật sự là không có hạn chế. Trong “Hoa Nghiêm” nói: Lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Cái tự do dân chủ đó là đạt đến rốt ráo viên mãn rồi. Nhưng đối với phàm phu thì không được. Nếu phàm phu mà làm như vậy, họ là thuận theo phiền não, một khi phiền não mở cửa thì làm sao chịu nổi? Phật Bồ Tát là trí tuệ. Trí tuệ mở cửa thì được! Chứ phiền não thì không nên mở cửa. Phiền não nhất định phải ràng buộc, không được để cho nó vượt ra ngoài quỹ đạo, thì mới có thể duy trì xã hội an toàn ổn định được. Chúng ta cần hiểu rõ đạo lý này. Chúng ta thấy trong năm mươi ba lần tham vấn trong “Kinh Hoa Nghiêm” có sát, đạo, dâm. Cái sát, đạo, dâm đó của họ là trí tuệ rốt ráo viên mãn, không những không đọa Tam Đồ, mà ngay cả thập pháp giới cũng không đọa, cao siêu đến cực điểm. Nhưng phàm phu chúng ta thuận theo phiền não, nếu bạn tạo sát, đạo, dâm thì chắc chắn đọa Tam Đồ. Thuận theo trí tuệ thị hiện tạo sát, đạo, dâm thì không đọa Tam Đồ. Là đạo lý gì? Ví dụ người bình thường trong xã hội giết người, đốt nhà là phạm tội, lập tức bị nhốt vào trong nhà tù. Nhưng diễn viên ở trên sân khấu giết người, đốt nhà thì không phạm tội. Không có ai quản lý họ, vì đó là giả, là đang biểu diễn chứ không phải thật. Bồ Tát tạo sát, đạo, dâm là biểu diễn, chứ không phải thật, họ thuận theo trí tuệ. Người thế gian thuận theo phiền não. Dân chủ là nói đối với hạng người nào? Là nói đối với Phật Bồ Tát. Tất cả mọi chúng sanh trong quốc gia này của bạn, có phải người nào cũng là Phật, là Bồ Tát không? Thì có thể nói dân chủ. Nếu như không phải Phật, không phải Bồ Tát, vậy thì dân chủ là rất nguy hiểm, là thật chứ không giả chút nào. Có một năm tôi ở Đài Loan, sống ở xứ Mộc San này, cũng khoảng bốn mươi năm, bốn mươi năm trước. Tôi giảng kinh ở bên đó, tôi còn nhớ lúc đó là giảng “Kinh Lăng Nghiêm”. Lão tiên sinh Triệu Hằng Thích có đến nghe mấy lần. Người này là quân phiệt đầu năm Dân Quốc. Lúc đó mọi người gọi ông là vua Hồ Nam. Ở Đài Loan người ngang hàng với tiên sinh Tưởng Giới Thạch chỉ có mỗi mình ông. Tiên sinh Tưởng đối với ông rất tôn kính. Hình như lúc đó ông đại khái khoảng chín mươi tuổi. Có một hôm tôi giảng kinh xong đi tản bộ, đưa ông về, trên đường về ông vô cùng cảm khái nói một câu. Ông sám hối, tuổi về già mới học Phật, lúc trẻ không biết đi làm cách mạng là sai rồi, ông nói với tôi, là sai rồi! Tôi hỏi, sai ở chỗ nào? Dưới chế độ dân chủ không có nhân tài, lời nói này tôi hiểu. Bạn thử nghĩ xem thời đế vương chuyên chế trước đây ở Trung Quốc, nhân tài do đâu mà có? Do cầu. Lưu Bị tìm Gia Cát Lượng phải ba lần đến lều cỏ. Người bây giờ thì thế nào? Lập tức liền ra ngay. Cần bạn cầu à? Tôi tốt nè, tuyển tôi đi, tôi tài giỏi hơn ai hết, ai cũng thua tôi cả. Người thật sự có học vấn, có năng lực thì họ lùi lại, không tranh với người khác. Cho nên dưới chế độ dân chủ, nhân tài đi đâu vậy? Nhân tài đều ẩn náu, đều giấu mặt, nhất định không chịu tham gia tranh cử, là không thể. Người thật sự có đạo đức, có học vấn, sẽ không đi làm cái chuyện này. Muốn cống hiến, phục vụ cho xã hội, cho chúng sanh thì sẽ có rất nhiều phương pháp, họ sẽ không đi con đường này. Cho nên họ ở ẩn, ở ẩn ở đâu vậy? Ẩn vào ngành thương nghiệp, vào công nghiệp, vào nông nghiệp, dùng những ngành nghề này để cống hiến cho xã hội, phục vụ nhân dân. Cho nên ở ẩn, không nhất định là vào trong rừng núi. Người ở ẩn nơi rừng núi cũng có, ẩn vào trong ngành thương nghiệp rất nhiều. Đương nhiên phạm vi phục vụ sẽ tương đối nhỏ. Cho nên cụ tiên sinh Triệu khi đến tuổi về già học Phật mới dần dần giác ngộ, sáng tỏ ra những đạo lý lớn này. Loại đạo lý lớn này được mấy người giác ngộ? Mấy người hiểu được? Ngày nay mặc dù chúng tôi hiểu rõ rồi, cũng không dám phản đối. Tại sao vậy? Tự do dân chủ là trào lưu. Bạn phản đối trào lưu vậy có nguy hiểm không? Cho nên Phật Bồ Tát thuận theo tự nhiên, bạn thích dân chủ thì cứ dân chủ, bạn thích tự do thì cứ tự do, đến khi bạn đi cùng đường, bạn cũng sẽ giác ngộ, cũng sẽ quay đầu. Cho nên sự việc này tiên sinh Tôn Trung Sơn, trí tuệ của ông đáng để người ta tôn kính. Đáng tiếc tuổi thọ ông quá ngắn, cũng là do phước chúng sanh mỏng, ông đi quá sớm. Ông quan sát, là muốn đem truyền thống xưa của Trung Quốc kết hợp với ưu điểm của phương Tây. Ông đề xướng cách mạng, đề xướng nhất đảng chuyên chánh. Cho nên đường lối của ông không phải là dân chủ, tự do, khai phóng, không phải như vậy, mà là nhất đảng chuyên chánh. Là dùng nhân tài trong cả nước tập hợp lại, tổ hợp thành đoàn thể để quản lý quốc gia, thay thế đế vương. Đế vương là người trong một nhà, người trong gia đình họ quản lý quốc gia này. Hiện nay là người trong nước chúng ta, người có trí tuệ tập trung lại, quản lý quốc gia này. Phương pháp này hay. Cho nên đường lối của ông không phải chế độ đa đảng. Chế độ đa đảng là tranh. Một khi tranh thì sẽ loạn. Mạnh Tử nói rất hay: “Trên dưới tranh lợi với nhau” thì quốc gia sẽ nguy hiểm. Ông đọc sách cũng đọc rất nhiều, ông hiểu được đạo lý này. Làm thế nào mới thật sự tạo phúc cho xã hội, tạo phúc cho nhân quần, để cho đại chúng đạt được đời sống hạnh phúc mỹ mãn đích thực? Người này là đại trí đại nhân. Người như vậy cũng là rất hiếm thấy trong lịch sử. Đây là nói đến “Chiếu lý giám cơ” (Soi rõ lý, quán sát căn cơ)

  Câu thứ hai mươi chín:

  “Cung điện hào quang”

  (Tia sáng tướng cung điện)

  “Cung điện” nếu dùng cách nói hiện nay để nói là những kiến trúc cao lớn. Thời xưa cung điện là cao nhất so với những kiến trúc thông thường. Hiện nay chúng ta không thể nhìn thấy cung điện, bèn nghĩ đến cung điện thời xưa, là không được, ý nghĩa đó không thể biểu đạt ra được. Hiện nay chúng ta nhìn thấy chữ này nhất định phải nghĩ đến những tòa cao ốc ở trong đô thị hiện đại. Ở chỗ này: “Biểu Tam Đồ siêu xuất nhân thiên, hiển ngũ đạo đồng quy Phật quả. Cố hiện cao hiển chi tướng.” (Biểu thị thoát khỏi tam đồ đến nhân thiên, hiển thị ngũ đạo cùng quy Phật quả. Cho nên hiện tướng cao ngất.) Cấp bậc Tam Đồ là thấp nhất. Thoát khỏi Tam Đồ sinh lên hai cõi nhân thiên, là lên chỗ cao rồi. Nhưng vậy cũng chưa phải là cao. Ngũ đạo trên thực tế chính là lục đạo. Ngũ đạo là nói nhân, thiên, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục, là ngũ đạo. “Ngũ đạo đồng quy Phật quả” chỉ có Tịnh Độ. Đúng như câu nói: “Trùm khắp hết ba căn, thu trọn cả lợi độn”. Có thể khiến chúng sanh địa ngục một đời thành Phật. Điều này thì vô lượng vô biên pháp môn trong Phật pháp chỉ có pháp môn này là thù thắng nhất. Nếu dùng ý nghĩa này để nói, thì trong tất cả pháp môn, pháp môn Tịnh Độ là cao nhất, pháp môn Tịnh Độ là thù thắng nhất. Pháp môn càng thù thắng, quý vị phải nhớ kỹ là sẽ càng đơn giản. Cho nên kinh luận của Tịnh Tông là ít nhất, có năm kinh một luận. Ít mới dễ học. Năm kinh một luận, có cần chúng ta phải tiếp nhận toàn bộ không? Không nhất định. Sáu loại này, bất kỳ một loại nào cũng có thể thành tựu. Năm loại này từ số lượng mà nói là có sự khác biệt lớn nhỏ. “Kinh Vô Lượng Thọ” lớn, nhiều văn tự. “Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương” nhỏ ít văn tự, chỉ có hai trăm bốn mươi bốn chữ. Nhưng lý luận, nguyên tắc, cảnh giới thành tựu mà trong đó nói thì chắc chắn không có khác biệt. Chỉ cần có thể dựa theo một loại, cũng có thể vãng sanh bất thoái thành Phật. Đây là điểm thù thắng đích thực của pháp môn này. Sau khi tất cả chúng sanh gặp được đều được lợi ích lớn. Cho dù đời này, họ không thể tin hoàn toàn, không thể hiểu hoàn toàn, chưa có nghiêm túc tu hành, thì lợi ích chân thật đó vẫn cứ tồn tại. Đời sau, đời sau nữa họ gặp lại được pháp môn này, thiện căn của họ khởi hiện hành thì chắc chắn sẽ thành tựu. Tình trạng này cũng giống như chúng ta vậy, chúng ta cũng không phải mới tiếp xúc đời này, trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp đã từng tiếp xúc rồi. Tiếp xúc rồi tại sao ngày nay vẫn rơi vào tình trạng này? Lúc đó tiếp xúc tin không sâu, hiểu không thấu triệt, làm không đủ lực, vẫn thuận theo phiền não như cũ, vẫn trôi lăn trong lục đạo biến thành tình trạng như thế này hiện nay. Ngày nay lại gặp được rồi, là do thiện căn trong đời quá khứ khởi hiện hành. Đời đời kiếp kiếp từng bước từng bước huân tu, đến đời nào đó bạn tiếp xúc thật sự hiểu rõ, thật sự giác ngộ rồi, nhất định không hoài nghi nữa, hạ quyết tâm đời này y giáo tu hành, vậy là họ thoát khỏi lục đạo, là thành công rồi. Cho nên trong đời này có thể tin, có thể hiểu, có thể nguyện, có thể hành thì vẫn là kế thừa thiện căn của đời trước. Đây là tập khí nghe pháp tu học, loại tập khí này là tập khí tốt. Có thể thuận theo tập khí tốt này thì được!

  Điều sau cùng này:

  “Hải vân hào quang”

  (Tia sáng tướng mây biển)

“Biểu sanh Phật nhất như, y chánh bất nhị, nhiễm tịnh đồng nguyên, khổ lạc vô dị. Như hải mạc trắc biên nhai, như vân nguyên vô phân biệt. Cố tri tình sanh phân biệt, pháp pháp điều nhiên, trí nhập nhất vô, sự sự bình đẳng, chung ư hải vân, lương hữu dĩ dã.” (Biểu thị chúng sanh và Phật nhất như, Y báo Chánh báo chẳng hai, nhiễm tịnh đều có cùng cội gốc, khổ và vui chẳng khác. Như biển chẳng dò được bến bờ, như mây vốn chẳng phân biệt. Do đó mới biết do tình mà sanh phân biệt, nên mới có từng pháp rạch ròi. Nếu trí nhập vào nhất như, vô phân biệt, thì mọi sự bình đẳng.  Vì thế kết thúc bằng Hải Vân là rất hợp lý vậy.) Đây là nói đức Phật phóng quang, đoạn kinh văn này bắt đầu Từ Bạch Hào, sau đó kết thúc ở Hải Vân, ý nghĩa này rất sâu, rất rộng, chúng ta phải thể hội cho thật kỹ. Câu này ở chỗ này nó biểu đạt, ở trong phóng quang phần trước là “Đại viên mãn quang minh vân”. Ở trong phẩm thứ nhất là đặt câu này lên trước nhất, còn ở đoạn này khi phóng quang, thì đem ý nghĩa này đặt ở sau cùng. Ý nghĩa ở trong đó mọi người hãy thể hội thật kỹ, nó sâu rộng vô tận. Vậy mới thật sự khế nhập nhất chân pháp giới, hiển thị ngũ đạo đồng quy Tịnh Độ. Nhập Tịnh Độ là đã nhập pháp bình đẳng, là nhập nhất chân pháp giới rồi. Nhất chân là không hai, mọi thứ đều không hai. Cho nên hiện nay chúng ta thờ tượng Phật, chúng ta thờ ba bức tượng Phật A Di Đà hoàn toàn giống nhau. Có người hỏi tôi, pháp sư, thầy thờ như vậy là có ý nghĩa gì? Tôi nói là Tây Phương Tam Thánh. Họ nói thảy đều là Phật A Di Đà mà? Tôi trả lời, anh nói là Phật A Di Đà, nhưng tôi nói không phải. Tôi nói đức Phật A Di Đà ở chính giữa, bên này là Bồ Tát Quan Âm, bên kia là Bồ Tát Đại Thế Chí. Vậy sao hoàn toàn giống nhau? Thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp bình đẳng, không có khác biệt. Bạn thờ tượng có khác biệt, là do phàm phu các bạn thờ, tâm phân biệt. Trên thực tế thế giới Tây Phương Cực Lạc mỗi người vãng sanh về thế giới Cực Lạc thì tướng mạo của họ đều giống như Phật A Di Đà vậy. Chẳng phải các bạn đã đọc trong “Kinh Vô Lượng Thọ” rồi sao? Tương lai làng Di Đà của chúng ta xây dựng, tôi đã nói với cư sĩ Lý. Niệm Phật đường là hình tròn, bốn phía của niệm Phật đường thảy đều thờ tượng Phật A Di Đà. Thực ra hiện nay chúng tôi nói Phật A Di Đà bạn mới biết, không nói Phật A Di Đà thì bạn không biết. Đó là người nào vậy? Liên trì hải hội. Tướng mạo của mỗi người vãng sanh giống như Phật A Di Đà vậy, có cùng một tướng. Một tướng là tướng bình đẳng, không có khác biệt, tướng mạo giống nhau, âm thanh giống nhau, thể chất giống nhau, nhưng đều là thân sắc thân màu vàng chói. Vậy mới như pháp. Cho nên những người mà bạn nhìn thấy, đó là đại chúng của Liên Trì Hải Hội, là những bậc thánh từ mười phương thế giới vãng sanh về. Trong kinh chúng ta nói: “Nơi các bậc thượng thiện tập trung về” là có ý nghĩa này. Không biết nơi đây đều là Phật A Di Đà. Chỉ có người sáng suốt mới đồng ý là Liên Trì Hải Hội. Đây là thuộc về vấn đề trong cảnh giới, dùng cách thức này để dẫn dắt chúng ta dần dần khế nhập cảnh giới. Sau đó chúng ta xoay trở lại xem cả đoạn kinh văn. Màu sắc hào quang mà trong đây nói có đủ dạng khác nhau, nhưng thực ra chỉ có một. Cùng một hào quang mà hiện ra nhiều màu sắc như vậy, hiện ra nhiều tướng như vậy, bạn phải biết chân tướng sự thật ở trong đây là gì? Hào quang từ đâu mà có? Từ thật trí. Trí tuệ chân thật. Thật trí ở trong “Bát Nhã” nói là “Bát Nhã vô tri”. Trí vô tri là thật trí. Thật trí là khắp hư không pháp giới. Giống cái gì vậy? Giống như biển. Nước biển là giống nhau, phủ khắp biển. Nước là thật trí. Quang là gì vậy? Quang là sóng. Hiện nay hầu hết chúng ta đều biết, quang là hiện tượng của sóng, âm thanh là hiện tượng của sóng, điện là hiện tượng của sóng. Sóng là tác dụng. Quý vị thử nghĩ xem, nếu như không có nước thì làm gì có sóng? Sóng ở trên nước, là dựa vào nước mà có. Chư Phật Bồ Tát phóng quang là dựa vào cái gì mà có vậy? Nếu như các Ngài không có dựa, nếu sóng không có nước thì làm sao hình thành sóng được, chắc chắn sẽ không có sóng. Quý vị phải biết sóng là quyền trí. Quyền trí là dựa vào thật trí, dựa vào thật trí mà nổi sóng ánh sáng. Âm thanh mà Như Lai phát ra là sóng âm. Quang là sóng ánh sáng. Như Lai, chúng ta gọi là pháp thân đại sĩ. Những sóng ánh sáng, sóng âm thanh, sóng từ mà các Ngài phát ra đều là dựa vào thật trí, đạo lý là như vậy. Chúng ta có thật trí hay không? Có. Trí này là bình đẳng, không phải do tu mà có. Trong tự tánh vốn dĩ đầy đủ. Chúng ta vốn dĩ đầy đủ, nhưng bị mê rồi. Mê rồi biến thành cái gì? Biến thành vô minh. Cho nên phàm phu trong lục đạo, chúng ta khởi tâm động niệm đều là sóng. Sóng đó dựa vào cái gì? Dựa vào vô minh. Vô minh chính là tự tánh. Tự tánh bị mê rồi gọi nó là vô minh, vô minh mà giác rồi thì gọi là tự tánh. Cho nên vô minh với tự tánh là một thứ. Nhưng khởi tác dụng thì biến thành hai loại kết quả. Khi ngộ rồi là nhất chân pháp giới, được đại tự tại. Khi mê rồi là lục đạo luân hồi, khổ nạn vô biên. Điểm đáng quý của Phật pháp là một niệm giác. Đây là tôi giảng cho các bạn biết đạo lý phóng quang trong đoạn này. Sau khi các bạn hiểu rõ rồi, thật sự nhìn thấy đức Phật phóng quang, thì không cần nói một câu nào nữa. Ý nghĩa viên mãn ở trong đây bạn đều hiểu rõ rồi, đâu có cần phải tốn nhiều lời không cần thiết như vậy nữa. Tận hư không, khắp pháp giới chỉ là do tác dụng này mà thôi. Một cái là thể, một cái là tác dụng. Quyền trí là dụng. Thật trí là thể. Thể tận hư không, khắp pháp giới, dụng cũng tận hư không, khắp pháp giới. Thể là tịnh, thanh tịnh tịch diệt. Dụng là động. Thể vô tướng, dụng có tướng. Dụng nó có sóng. Sóng là có tướng. Có một số hiện tượng mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy được, nhưng đức Phật có thể nhìn thấy, Ngài có ngũ nhãn viên minh, nên có thể nhìn thấy. Ngày nay chúng ta nhìn thấy ánh sáng, nghe thấy âm thanh, nhưng không thể nhìn thấy hiện tượng động của sóng ánh sáng, không thể nhận ra được hiện tượng động của sóng âm thanh. Nhưng hiện nay chúng ta nhờ vào máy móc thì có thể quan sát được. Trong máy móc chúng ta có thể nhìn thấy âm thanh cao hay thấp. Âm thanh cao, thì sóng của nó tương đối dày, nó tập trung lại nên âm đó rất cao. Khi âm thanh thấp, thì sóng của nó tương đối thưa. Đây là âm cao thấp, lợi dụng công cụ khoa học có thể phát hiện được. Sóng ánh sáng là có sóng dài và sóng ngắn. Đó chính là một sóng, có sóng rất dài, có sóng rất ngắn. Hiện tượng sóng dài ngắn này có thể thấy được rồi. Hiện tượng sóng dài ngắn hiện ra màu sắc khác nhau, màu không giống nhau. Từ đó cho thấy, chúng ta hiểu được nguyên lý này, đức Phật phát ra sóng ánh sáng là một. Hay nói cách khác, Ngài phát ra tia ánh sáng này là bằng phẳng, không có gợn sóng, âm thanh đức Phật phát ra cũng là bằng phẳng, cũng không có gợn sóng. Nên nói: “Phật dĩ nhất âm nhi thuyết pháp, chúng sanh tùy loại các đắc giải” (Đức Phật dùng một âm thanh thuyết pháp, chúng sanh tùy loại đều hiểu được cả.) Nhưng chúng sanh phát ra cái sóng này nó có gợn sóng, vừa tiếp xúc với sóng của Phật, thì sóng của Phật cũng thuận theo sóng của chúng sanh, là hằng thuận chúng sanh. Nhưng sóng của chúng sanh với sóng của Phật trong khi tiếp xúc, họ liền có lĩnh ngộ, giúp chúng sanh khai mở trí tuệ, nguyên lý là ở chỗ này. Sau đó bạn mới biết, ngày nay thế giới này loạn như thế này, chúng sanh khổ như vậy, là do tâm mọi người phát ra sóng gì vậy? Sóng tham, sân, si. Sóng này rất xấu. Hơn nữa biên độ sóng này lên xuống rất lớn. Ngày nay chúng ta niệm Phật, tu định là để cho sóng này của chúng ta phát ra hòa hoãn. Sóng đó của họ rất lớn khi đụng với sóng hòa hoãn của chúng ta, thì sóng của chúng ta cũng lớn theo, nhưng biên độ sóng đó của họ lại hạ xuống. Sóng của họ hạ xuống, sóng của chúng ta thì nâng lên, như vậy mới có thể giảm bớt tai nạn trong thế gian, kéo chậm lại tai nạn trong thế gian, đạo lý là ở chỗ này. Cho nên cái sóng niệm Phật này trong niệm Phật đường của chúng ta cũng giống như sóng điện vậy, nó truyền khắp toàn thế giới. Niệm Phật có lợi ích gì? Lợi ích là ở chỗ này. Bạn thật sự hiểu được, bạn sẽ sinh niềm tin. Chúng ta ở nơi đây niệm Phật, nhưng người trên toàn thế giới được lợi ích, không chỉ là tự độ. Cho nên bạn phát ra chân tâm, tâm khẩn thiết, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi để niệm Phật, là tự lợi lợi tha. Bạn không hiểu được đạo lý này, bạn ở trong nhà niệm vài câu Phật hiệu thì có lợi ích gì cho xã hội hay không? Thật sự có lợi ích. Người trong xã hội không nhìn thấy, nhưng họ được thọ dụng, họ được lợi ích. Họ không biết lợi ích từ đâu mà có, cũng không biết là làm sao thay đổi, đó gọi là mê hoặc. Người giác ngộ, người sáng suốt hiểu được đạo lý này. Cho nên kinh Phật từng câu từng chữ nếu có thể dùng khoa học hiện đại để giải thích thì mọi người sẽ dễ dàng hiểu hơn. Tại sao đức Phật giảng kinh thuyết pháp phóng quang hiện tướng lành? Là để hiển thị đạo lý này. Ngày nay nói về sinh hóa, nói về vật lý, hóa học, những thứ này đức Phật đã biểu đạt ở trong đây hết rồi. Hơn nữa nói rất rốt ráo viên mãn, hy vọng mọi người hãy thể hội cho thật kỹ. Phật pháp là môn khoa học cao sâu, hoàn toàn không thua kém so với đỉnh cao khoa học hiện nay, nó còn cao siêu hơn nhiều so với họ. Khoa học kỹ thuật của họ không thể giải quyết được vấn đề, nhưng khoa học kỹ thuật của Phật pháp chúng ta có thể giải quyết vấn đề. Cho nên hy vọng các đồng tu phải nghiêm túc nỗ lực, ở trong đây hoàn toàn không có mê tín. Được rồi , hôm ngay chỉ giảng đến chỗ này. A Di Đà Phật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *