Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 13

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 13

Xin mời mở bản Kinh ra. Lần trước giảng đến Phật dạy cho cô Bà La Môn dùng phương pháp niệm Phật là có thể biết mẹ của mình sau khi chết thần hồn thác sanh vào chốn nào. Chúng ta biết Phật pháp Đại Thừa, Tiểu Thừa, pháp môn vô lượng vô biên, nghĩa là pháp môn nào cũng có thể thành Vô Thượng Đạo. Tại sao Phật không dạy cô dùng phương pháp tham thiền, phương pháp trì giới hay phương pháp trì chú? Tại sao không dạy cô những phương pháp này mà đặc biệt dạy cô pháp môn niệm Phật. Hàm nghĩa ở trong đây, chúng ta nhất định phải hiểu. Bất kỳ pháp môn nào cũng có thể đắc định, đều có thể khai trí tuệ. Tổng cương lĩnh tu học của Phật pháp chính là định, tuệ. Điều này quý vị nhất định phải biết. Cho nên vô lượng pháp môn đều là phương pháp tu định tuệ, đều là con đường khai trí tuệ. Phương pháp, con đường khác nhau, nhưng mục tiêu đạt đến là hoàn toàn giống nhau. Nhưng ở trong đây thật sự có sự khác biệt khó hay dễ tùy theo căn tánh. Chỉ có pháp môn niệm Phật là bao trùm khắp cả ba căn, bất kể là căn tánh lanh lợi hay chậm lụt, hơn nữa thành tựu nhanh chóng, vững chắc, dễ dàng. Cho nên Ngài dùng pháp môn này để dạy cho cô. Cô quả nhiên rất tài giỏi. Trong pháp môn của chúng ta mà nói, cô là thuộc vào hạng căn tánh thượng thượng, là người căn tánh bậc thượng. Bởi vì cô một ngày một đêm là được nhất tâm bất loạn, là đắc định. Cảnh giới trong định hiện tiền, cô mới tự mình đích thân nhìn thấy được. Nếu Phật nói cho cô biết mẹ cô đã sanh về cõi trời Đao Lợi, đã sanh thiên được ba ngày rồi, thì chưa hẳn cô có thể tin, vì không thực tế, Cô sẽ nghĩ có lẽ đây là lời Phật an ủi ta, nhìn thấy ta rất đáng thương nên an ủi, chứ chưa hẳn là thật. Cô nghĩ Phật không nói dối, có lẽ là thật nhưng niềm tin này cũng không chắc thật. Đích thân vào trong địa ngục nhìn thấy, vậy thì không còn gì để nói nữa.

Hơn nữa, mẹ cô làm sao có thể sanh thiên vậy? Chắc chắn không phải do Phật lực. Hôm qua nói với quý vị rồi, nhờ tăng thượng duyên này của mẹ khiến cho cô dũng mãnh tinh tấn, chỉ trong một ngày thành tựu niệm Phật tam muội. Mẹ cô là nhờ công đức này mà sanh thiên. Nếu bản thân cô không dũng mãnh tinh tấn, không đạt được niệm Phật tam muội, thì phước mà mẹ của cô được sẽ không lớn như vậy. Mẹ cô được phước lớn hay nhỏ là do công phu tu trì của bản thân cô sâu hay cạn. Như thế thì cái lý này mới nói trôi chảy được, mới là hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Cho nên trước đây khi con cháu thăng quan tiến chức, thì cha mẹ và ông bà tổ tiên người ấy đều được triều đình phong thưởng. Tại sao triều đình phải phong thưởng cho cha mẹ và ông bà tổ tiên họ vậy? Chúng ta xem thấy trong lịch sử, khi triều đình phong quan, tuy cha mẹ họ không còn ở đời, qua đời rồi, nhưng vẫn phong tước vị cho cha mẹ ngang bằng với tước vị của bản thân họ. Tại sao vậy? Họ là con có hiếu, thành tựu của họ là do cha mẹ chăm sóc, dạy bảo mà nên. Họ vì báo ơn cha mẹ, nên mới dũng mãnh tinh tấn. Cha mẹ, ông bà đều là tăng thượng duyên thiện đối với họ. Vì đạo lý này nên triều đình mới phong thưởng. Đạo lý này phủ khắp tất cả bất kỳ cõi nước chư Phật nào, phủ khắp hư không pháp giới, đều được tất cả chúng sanh khẳng định. Chúng ta nói chân lý vĩnh hằng bất biến là ở chỗ này. Chúng ta đọc Kinh này mới biết làm thế nào siêu độ, mới chợt hiểu ra siêu độ được lợi ích gì. Đây là thật, không phải giả.

“Kinh Địa Tạng” là Kinh căn bản trong Phật pháp Đại Thừa chúng ta, thật sự mà nói phải giảng kỹ. Nhưng chúng tôi lần này bị hạn chế bởi thời gian, chúng tôi chỉ giảng 20 lần, 40 giờ đồng hồ, nên không thể nói tỉ mỉ được. Tương lai chúng tôi nhất định tìm thời gian để giảng giải tường tận tỉ mỉ hơn. Kinh này là pháp căn bản tu học của chúng ta, nhất định không được lơ là.

Chúng ta xem tiếp Kinh văn: “Thời Bà La Môn nữ tầm lễ Phật dĩ, tức quy kỳ xá, dĩ ức mẫu cố.” (Lễ Phật xong, Thánh Nữ liền trở về nhà. Vì thương nhớ mẹ.)

Câu nói này quan trọng. Tại sao cô có thể y giáo phụng hành? Tại sao có thể ngồi ngay thẳng niệm Phật? Ngồi ngay thẳng niệm Phật chính là dùng tâm chân thành, nhất tâm niệm Phật. “Dĩ ức mẫu cố” (Vì thương nhớ mẹ), đây chính là phát tâm Bồ đề, là tương ưng với nguyên tắc trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Phát tâm Bồ đề, nhất tâm chuyên niệm”.

“Đoan tọa niệm Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai Kinh nhất nhật nhất dạ” (Ngồi ngay thẳng niệm danh hiệu của Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như-Lai trải suốt một ngày một đêm).

Cô không ngủ không nghỉ. Chúng ta xem thấy trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, pháp sư Oánh Kha triều Tống, trong Truyện Ký ghi chép vị Tỳ kheo này phá giới, tạo tác rất nhiều nghiệp ác. Ưu điểm lớn nhất của ông là tự biết mình đã tạo ác nhiều, nên tương lai chắc chắn đọa địa ngục, ông tự mình biết. Đã biết rồi mà sao vẫn còn tạo nghiệp vậy? Tập khí quá nặng. Khi gặp phải duyên ác bản thân ông không thể khống chế mình được, nhưng biết tương lai đọa địa ngục rất đáng sợ, nghĩ đến quả báo này nên ông rất sợ. Ông bèn thỉnh giáo bạn đồng tu, bạn đồng tu mới tặng ông cuốn “Vãng Sanh Truyện”. Sau khi xem xong ông vô cùng cảm động, đóng cửa lại niệm Phật ba ngày ba đêm không ăn, không ngủ, ngay cả nước cũng không uống, niệm một mạch đến ba ngày ba đêm, cảm Phật A-Di-Đà xuất hiện. Trong “Kinh Di Đà” nói: “Nếu một ngày, nếu hai ngày, nếu ba ngày cho đến 7 ngày”, chúng ta nhìn thấy rồi, đây là thật chứ không phải giả. Chúng ta niệm Phật niệm đến 7 ngày, niệm đến 49 ngày cũng không nhìn thấy Phật là do cách niệm của chúng ta không đúng như pháp, khi niệm Phật vẫn còn vọng tưởng, vẫn còn tạp niệm, nên không có cảm ứng. Còn Cô niệm Phật là một tạp niệm cũng không có. Giống như Oánh Kha bởi vì sợ địa ngục, cứu mạng khẩn cấp nên cũng không có một tạp niệm nào. Đây là người căn tánh bậc trung. Thánh Nữ Bà La Môn là người thượng căn, một ngày một đêm là thành tựu. Pháp sư Oánh Kha là ba ngày ba đêm mới thành tựu. Chí thành khẩn thiết cảm động Phật đến ứng. Đây là một ngày một đêm được niệm Phật tam muội, đây là được sự nhất tâm bất loạn.

“Hốt kiến tự thân đáo nhất hải biên, kỳ thủy dũng phất, đa chư ác thú, tận phục thiết thân, phi tẩu hải thượng, đông tây trì trục, kiến chư nam tử nữ nhân, bách thiên vạn số xuất một hải trung bị chư ác thú, tranh thủ thực đạm” (Bỗng thấy thân mình đến một bờ biển kia. Nước trong biển đó sôi sùng sục, có rất nhiều thú dữ thân thể toàn bằng sắt bay nhảy trên mặt biển, chạy rảo bên này, xua đuổi bên kia. Thấy những trai cùng gái số nhiều đến nghìn muôn thoạt chìm thoạt nổi ở trong biển, bị các thú dữ giành nhau ăn thịt.)

Đây là cảnh giới hiện ra trong định của Thánh Nữ Bà La Môn. Cô nhìn thấy rồi, nhìn thấy hiện tượng địa ngục, nhìn thấy rất nhiều người đang ở đó chịu tội.

Chúng ta xem tiếp đoạn Kinh văn này dưới đây.

“Hựu kiến Dạ Xoa” (Lại thấy quỉ Dạ-Xoa).

Dạ-Xoa là quỷ đói trong địa ngục.

“Kỳ hình các dị, hoặc đa thủ đa nhãn đa túc đa đầu, khẩu nha ngoại xuất, lợi nhận như kiếm” (Hình thù đều lạ lùng: hoặc nhiều tay, nhiều mắt, nhiều chân, nhiều đầu…răng nanh chỉa ra ngoài miệng bén nhọn dường gươm.)

“Lợi nhận như kiếm” là ý nói răng của nó rất sắc bén.

“Khu chư tội nhân, sử cận ác thú.” (Lùa những người tội lại gần thú dữ.)

Thú dữ trong địa ngục quá nhiều, đều ở trong đó để ăn người, ăn những tội nhân đó. Tội nhân nhìn thấy thú dữ đương nhiên là bỏ chạy! Những quỉ Dạ Xoa này đuổi theo, bắt những tội nhân này cho thú dữ ăn thịt. Không những đuổi bắt họ.

“Phục tự bác quặc.” (Rồi quỉ lại chụp bắt người tội).

“Bác quặc” là đánh bằng roi, lôi đi ném.

“Đầu túc tương tựu, kỳ hình vạn loại, bất cảm cửu thị” (Túm quắp đầu chân người tội lại, hình trạng muôn thứ chẳng dám nhìn lâu)

Chẳng dám nhìn lâu là không nhẫn tâm nhìn cảnh tượng này, nhìn thấy trong lòng bủn rủn. Đây là hình ảnh người tạo tác nghiệp ác trong thế gian chúng ta đọa vào trong địa ngục thọ khổ. Thánh Nữ Bà La Môn đích thân nhìn thấy.

Kinh văn dưới đây: “Thời bà la môn nữ dĩ niệm Phật lực cố tự nhiên vô cụ.” (Khi ấy, Thánh Nữ nhờ nương sức niệm Phật nên tự nhiên không Kinh sợ.)

Cô nhìn thấy cảnh tượng địa ngục này, đây là lực của niệm Phật tam muội, giúp cho cô nhìn thấy cảnh tượng này mà không có Kinh sợ. Nhưng cô có tâm thương xót, không nhẫn tâm nhìn cảnh tượng cực kỳ bi thảm này. Cô vào trong địa ngục, trong địa ngục cũng có người đến chào hỏi cô.

“Hữu nhất quỷ vương, danh viết Vô Độc, khể thủ lai nghinh bạch Thánh Nữ viết: Thiện tai Bồ-tát hà duyên lai thử.” (Có một vị Quỉ Vương tên là Vô Độc, đến cúi đầu nghinh tiếp, hỏi Thánh Nữ rằng: “Hay thay Bồ-tát, Ngài có duyên sự gì đến chốn này?”)

Cảnh giới địa ngục chỉ có hai hạng người có thể nhìn thấy: một là người phạm tội vào trong đó để thọ tội, một loại khác nữa là Bồ-tát vào địa ngục để độ hóa chúng sanh, chỉ có hai hạng người này. Ngoài hai loại người này ra, dù địa ngục ở trước mặt bạn, bạn cũng không thể nhìn thấy được. Trước đây lão cư sĩ Chu Kính Trụ kể cho tôi nghe một câu chuyện. Câu chuyện này là thật, ông viết trong trước tác của ông. Vai chính trong câu chuyện này là cha vợ của ông, tiên sinh Chương Thái Viêm. Lúc Chương Thái Viêm còn sống đã từng làm phán quan ở Đông Nhạc đại đế. Phán quan dùng cách nói hiện nay để nói chính là tổng thư ký, địa vị rất cao. Ở Trung Quốc có Ngũ Nhạc, Ngũ Nhạc là đại quỷ vương, quản lý mấy tỉnh, quản lý 5-6 tỉnh. Đây là đại quỷ vương, địa vị của họ chỉ thấp hơn vua Diêm La. Vua Diêm La giống như là Hoàng Đế quản lý toàn quốc, ông giống như là một chư hầu, quản lý một phương, rộng hơn một tỉnh nhiều. Ông là người học Phật, biết hình phạt trong địa ngục rất thê thảm, vô cùng tàn khốc. Ông cũng có tâm nhân từ, có một hôm kiến nghị lên Đông Nhạc Đại Đế là có thể đem hình phạt Bào Lạc trong địa ngục bỏ bớt đi được không? Bào Lạc là gì vậy? Đốt cột sắt đỏ lên rồi sau đó bắt tội nhân ôm lấy cột. Đây là hình phạt vô cùng tàn khốc, chúng ta nói là hình phạt không nhân đạo. Ông hy vọng Đông Nhạc đại đế có thể có tâm nhân từ bỏ bớt đi loại hình phạt tàn khốc nhất này. Đông Nhạc Đại Đế không trả lời, chỉ sai hai con quỷ nhỏ đến dắt Chương Thái Viêm đến chỗ xử tội trên thực tế để xem. Chương Thái Viêm bèn đi theo hai con quỷ nhỏ này để xem, đại khái đi được một quảng đường tương đối xa, thì hai con quỷ nhỏ nói này nói với ông rằng: “Đến rồi, chỗ xử tội là ở chỗ này”, nhưng ông không nhìn thấy. Ông mới chợt hiểu ra, trong Kinh Phật nói là cảnh giới do nghiệp lực của mình biến hiện ra, chứ không phải do vua Diêm La tạo ra. Vua Diêm La không có cách gì hủy bỏ được, là do nghiệp lực của chính bạn biến hiện ra, vậy mới hiểu được đạo lý trong Kinh Phật nói. Đủ dạng cảnh giới, dụng cụ tra tấn trong địa ngục này, nào là Dạ-Xoa, Ngạ Quỷ đều là hình tướng do mình tạo tác nghiệp ác biến hiện ra. Là giống như nằm mộng vậy, tướng thì có nhưng thể thì không, sự có lý không, nhìn thấy cảnh tượng muôn ngàn khác biệt là do ý nghĩ, vọng tưởng lung tung của mình biến hiện ra. Cho nên Phật nói rất hay: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, ba đường ác cũng là tâm tưởng sinh, thì tại sao trong tâm có niệm ác? Chúng ta hiểu rõ đạo lý này mới biết là nếu không muốn nhìn thấy ba đường ác, thì nhất định phải đem những niệm ác ở trong tâm này, không những là ác khẩu, mà thân tạo nghiệp ác cũng không được phép có, ý nghĩ cũng không được phép có. Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh, tất cả cảnh giới đều là pháp, pháp giới, không có cái nào không phải là từ tâm tưởng sinh. Người có định công sẽ nhìn thấy.

Thánh Nữ Bà La Môn vừa được niệm Phật tam muội, bởi vì cô thương nhớ mẹ, nên cảnh giới này hiện tiền ngay. Quỷ vương Vô Độc đến tiếp đón cô. “Khể thủ”, đây là lễ bái, đón tiếp cô rất lễ phép. Hỏi cô: “Thiện tai Bồ-tát” (Hay thay Bồ-tát). Thiện tai là hoan nghênh, hiếm khi được Bồ-tát quan lâm đến địa ngục, nhưng không biết Ngài là vì nguyên nhân gì mà đến chốn này?

Mời xem Kinh văn dưới đây: “Thời bà la môn nữ vấn quỉ vương viết: thử thị hà xứ? Vô Độc đáp viết: thử thị Đại Thiết Vi sơn, tây diện đệ nhất trùng hải. (Thánh Nữ hỏi quỉ vương rằng: “Đây là chốn nào? Quỉ Vương Vô Độc đáp rằng: Đây là từng biển thứ nhất ở phía Tây núi Đại Thiết Vi.”

Đây là cảnh giới mà cô nhìn thấy. Núi Đại Thiết Vi rốt cuộc ở đâu vậy? Phật nói trong Kinh, ở trong Tứ Đại Bộ Châu này của chúng ta là núi Tu Di. Rốt cuộc núi Tu Di ở đâu vậy? Bảy từng núi, tám từng biển, bảy từng núi ở đâu vậy? Trong Kinh nói biển nước mặn, chúng ta hiện nay nhìn thấy nước biển có vị mặn. Những gì Phật nói không phải cảnh giới của phàm phu chúng ta, phàm phu chúng ta không nhìn thấy. Cảnh giới này có hay không vậy? Chắc chắn là có. Tại sao chúng ta không nhìn thấy vậy? Chúng ta không có khả năng đột phá tầng không gian. Nếu chúng ta có định công, có thể nhìn thấy không gian bốn chiều, không gian năm chiều, không gian sáu chiều, thì những chân tướng sự thật này nhất định sẽ ở ngay trước mắt. Địa ngục này, tầng biển thứ nhất phía Tây núi Thiết Vi, Thánh Nữ Bà La Môn nhìn thấy ở trong định. Trong định sẽ đột phá giới hạn. Chúng ta biết ở Trung Quốc thời triều Đường, đại sư Trí Giả đọc “Kinh Pháp Hoa” nhập định, ở trong định Ngài nhìn thấy núi Linh Thứu, nhìn thấy Phật Thích Ca Mâu Ni vẫn còn giảng “Kinh Pháp Hoa” ở núi Linh Thứu, Ngài có tham dự nghe một buổi. Đây chính là nói khi ở trong định, ngài đã siêu việt thời gian. Đại sư Trí Giả cách Phật Thích Ca Mâu Ni đại khái là 1700 năm, đây là Ngài có thể quay về quá khứ, bản thân ngồi thiền như như bất động ở núi Thiên Thai, Ngài có thể nhìn thấy núi Linh Thứu ở Ấn Độ, đây là đã siêu việt không gian. Cho nên chỉ cần có định công, trong định không có phân biệt, chấp trước, thì có thể đột phá thời gian, không gian. Quá khứ, hiện nay có rất nhiều người tu định, cũng biểu hiện ra năng lực này, việc này chúng ta có thể tin được. Huống chi Thánh Nữ Bà La Môn chân thành khẩn thiết, dùng mãnh tinh tấn, cô là được niệm Phật tam muội, nên cô nhìn thấy cảnh giới địa ngục.

Xem tiếp Kinh văn: “Thánh Nữ vấn viết: “Ngã văn Thiết Vi chi nội, địa ngục tại trung thị sự thực phủ?” (Thánh Nữ hỏi rằng: “Tôi nghe trong núi Thiết Vi có địa ngục, việc ấy có thiệt như thế chăng?)

“Ngã văn” là trước đây thường hay đọc Kinh, nghe Kinh, nghe Phật nói ở trong Kinh, trong biển lớn trong núi Thiết Vi có địa ngục lớn. Hỏi quỉ vương: Đây có phải là sự thật hay không? Có thể thấy tuy thường hay nghe Kinh, thường hay đọc Kinh, cũng tin lời Phật nói, nhưng vẫn còn nghi vấn như thường! Nếu như không có hoài nghi, thì đến nơi này việc gì phải đi hỏi quỉ vương chứ? Là không cần hỏi quỉ vương. Sau đó mới biết là xây dựng niềm tin khó biết bao. Phật ở trong Kinh Đại Thừa, những bộ Kinh lớn, Luận lớn như trong “Hoa Nghiêm”, “Đại Trí Độ Luận” đã nhiều lần chứng minh khó có được niềm tin. “Tín vi đạo nguyên, công đức mẫu” (Niềm tin là cội nguồn của đạo, là mẹ của các công đức). Cội nguồn tu hành chứng đạo của Bồ-tát là ở niềm tin. Thật sự xây dựng được niềm tin không dao động, thì tu hành chứng quả đâu có cần ba đại a-tăng-kỳ-kiếp? Là không cần. Niềm tin của phàm phu chúng ta được gọi là “đạo tâm như sương sớm”, rất dễ bị dao động, một cơn gió nhỏ thổi qua liền mất hết niềm tin rồi, còn thành tựu được gì nữa? Chúng ta ở trong Kinh đọc rất nhiều, chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều điển hình, từ xưa đến nay thế pháp, Phật pháp, người bất hiếu với cha mẹ, bội thầy phản đạo, nếu như có thành tựu đều rơi vào trong ma đạo, tương lai họ thành tựu không phải Phật đạo, mà là ma đạo, là quỉ đạo. Chúng ta có tin hay không? Những điều này đều là Phật nói trong Kinh, họ do ma nhiếp trì. Chánh pháp nhất định là từ hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, y theo giáo tu học như lý như pháp mà thành tựu. Đây là điều chúng ta không thể không hiểu, không thể không thể hội thật kỹ trong khi đọc Kinh Luận Đại Thừa.

“Vô Độc đáp viết: Thực hữu địa ngục.” (Vô Độc đáp rằng: Thiệt có địa ngục).

Trả lời một cách vô cùng khẳng định: Quả thật là có địa ngục. Con người sống ở thế gian này, nói thực ra chúng sanh ở trong đường khác của lục đạo tạo ác ít, cơ hội, cơ duyên tạo ác ít, còn cơ hội tạo ác ở nhân gian quá nhiều. Thiên nhân ưa thiện mến đức, chỉ có A-tu-la tập khí chưa dứt, vẫn còn tiếp tục tạo ác tiếp. Chúng sanh trong đường ác, chúng ta nói cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục chỉ là thọ tội, hoàn toàn không có cơ hội tạo ác. Cơ hội tạo ác ở cõi ngạ quỷ và cõi súc sanh đều ít. Rắn độc, thú dữ tâm rất độc, nó cũng giết hại chúng sanh khác, nhưng giết hại có hạn. Trong cả đời nó có thể giết bao nhiêu mạng vậy? Chúng ta nhìn thấy những loài thú dữ như sư tử, hổ này, chúng ăn no rồi, những động vật nhỏ khác chạy qua chạy lại ở bên cạnh, chúng giống như không có nhìn thấy vậy. Chúng ta thường hay xem thấy “Thế giới động vật” ở trên ti vi, cả đời chúng sát sanh ít, đâu có sát sanh nhiều như con người? Con người sát sanh không nhất định là để ăn, nên dễ dàng tạo nghiệp nhất. Người giết hại người không phải vì muốn ăn thịt người. Ngày nay tạo vũ khí hạt nhân, một quả bom hạt nhân thả xuống, có thể giết hại mấy chục đến mấy trăm vạn người. Bạn nói tạo tội nghiệp này nặng cỡ nào? Họ sao không bị đọa địa ngục được? Địa ngục từ đâu mà có vậy? Do ác nghiệp biến hiện ra, tuyệt đối không phải do Phật tạo ra, cũng phải phải do quỷ thần tạo ra, mà là do nghiệp lực của mình biến hiện ra.

Chúng ta xem tiếp Kinh văn: “Thánh Nữ vấn viết: Ngã kim vân hà đắc đáo ngục sở.” (Thánh Nữ hỏi rằng: Nay tôi làm sao để được đến chốn địa ngục đó?)

Thánh Nữ bèn hỏi quỷ vương Vô Độc, tại sao tôi có thể đến được nơi này vậy? Bản thân cô cũng cảm thấy rất kinh ngạc.

“Vô Độc đáp viết: Nhược phi uy thần, tức tu nghiệp lực, phi thử nhị sự, chung bất năng đáo.” (Vô Độc đáp rằng: Nếu không phải sức oai thần cần phải do nghiệp lực. Ngoài hai điều này ra ắt không bao giờ có thể đến đó được.)

Vậy là nói rõ rồi. Giống như vừa rồi chúng tôi kể câu chuyện Chương Thái Viêm này, Chương Thái Viêm không có tạo tội nghiệp địa ngục, cũng không phải là Bồ-tát, nên dù địa ngục bày ra ngay trước mắt ông cũng không nhìn thấy. Nếu bạn không phải thuộc một trong hai nguyên nhân này thì đi vào địa ngục cũng không thể nhìn thấy, không nhìn thấy gì cả. Cần phải có hai điều kiện này: Điều kiện thứ nhất là uy thần, đó là Bồ-tát vào trong địa ngục để độ hóa chúng sanh, họ có thể nhìn thấy; Điều kiện thứ hai là nghiệp lực, chính là bạn tạo tác tội nghiệp địa ngục quả báo hiện tiền.

“Thánh Nữ hựu vấn: Thử thủy hà duyên nhi nãi dũng phất đa chư tội nhân, cập dĩ ác thú.” (Thánh Nữ lại hỏi: Duyên cớ vì sao mà nước trong biển này sôi sùng sục như thế, và có những người tội cùng với các thú dữ?)

Đây là hỏi Vô Độc, tại sao nước biển này lại sôi sùng sục như vậy? “Dũng phất” là giống như nấu nước sôi vậy, nước này rất nóng, chứ không phải mát, giống như nước đun sôi vậy. Tình trạng của biển này là như vậy, có nhiều tội nhân và thú dữ trôi nổi trong đó, như vậy là nguyên nhân gì? Tình trạng này trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói vô cùng tường tận, đem đạo lý và hiện tượng này nói ra cho chúng ta rồi, gọi là “Tạo thập tập nhân, thọ lục giao báo”. Tập là tập khí. Bạn tạo mười loại tập khí bất thiện, là mười tập khí nghiệp ác. Nếu tạo thập ác thượng phẩm thì bạn sẽ cảm thọ quả báo Lục Giao ở trong địa ngục.

“Vô Độc đáp viết: Thử thị Diêm Phù Đề tạo ác chúng sanh tân tử chi giả.” (Vô Độc đáp rằng: Những người tội trong biển này là nhưng kẻ tạo ác ở cõi Diêm Phù Đề mới chết).

Cảnh tượng mà Thánh Nữ nhìn thấy này, Diêm Phù Đề chính là trái đất chúng ta, chứ không phải nơi khác, là quê hương của chúng ta. Những người đó vừa mới chết.

“Kinh tứ thập cửu nhật hậu vô nhân kế tự, vi tác công đức cứu bạt khổ nạn. Sanh thời hựu vô thiện nhân, đương cứ bổn nghiệp sở cảm địa ngục tự nhiên tiên độ thử hải.” (Trong khoảng bốn mươi chín ngày không người kế tự để làm công đức hầu cứu vớt khổ nạn cho; lúc sống, kẻ đó lại không làm được nhơn lành nào cả. Vì thế nên cứ theo nghiệp ác của họ đã gây tạo mà cảm lấy báo khổ ở địa ngục, tự nhiên họ phải lội qua biển này.)

Chúng ta đọc xong câu chúng sanh tạo ác này, đọc đến những câu Kinh văn này thấy sởn tóc gáy, không phải nói người khác, mà là nói chính chúng ta. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, giống như trong “Kinh Địa Tạng” nói: “Thảy đều là tội lỗi”. Hiện nay hằng ngày tạo, niệm niệm tạo, tạo không gián đoạn, đến khi hơi thở dứt thì làm thế nào? Đây chính là lời trong Phật pháp nói: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ-tát có tâm cảnh giác. Chúng sanh ngu si, ngu muội, khi quả báo chưa có hiện tiền thì coi như không, không tin, quả báo hiện tiền rồi thì hối hận không kịp, nên dạy chúng ta đoạn ác tu thiện.

Thế nào là thiện? Phật dạy cho chúng ta pháp cơ bản. Trong “Quán Kinh” nói ba loại tịnh nghiệp tam phước. Phật nói rõ ràng như vậy, minh bạch như vậy. Ba loại này là chánh nhân tịnh nghiệp của ba đời chư Phật, đây chính là thiện. Làm trái lại thiện chính là ác. Ác là mặt trái của thiện. Hành vi tạo tác của chúng ta trong đời này là tương ưng với bên phía thiện này hay là trái ngược lại với phía bên thiện này. Trái ngược lại tức là tạo ác. Tương ưng với thiện thì phước báo ở nhân thiên, tương ưng với ác thì quả báo ở tam đồ, ở địa ngục.

Tịnh nghiệp tam phước điều thứ nhất là phước nhân thiên, có thể làm được điều này thì đời sau hưởng phước ở hai đường nhân thiên. Không làm được, thế thì xem tội nghiệp của bạn nặng hay nhẹ mà đi thọ báo ở tam đồ, tam đồ là: Ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, tùy theo bạn tạo tác nặng hay nhẹ.

Điều thứ hai là phước Tiểu Thừa. Nếu như bạn có thể làm tương ưng, y giáo tu hành thì quả báo nhất định ở cõi trời, hưởng phước trời. Nếu như tu hành có công phu, chứng được sơ quả, nhị quả, tam quả, thế là đi hưởng phước ở cõi trời Tịnh Cư Ngũ Bất Hoàn Thiên. Nếu như làm trái lại thì chắc chắn thọ báo ở địa ngục, ngạ quỷ, không có súc sanh. Ở trong cõi người có súc sanh, quả báo của súc sanh nhẹ, còn quả báo ở địa ngục, ngạ quỷ thì nặng. Tại sao vậy? Phước của điều thứ hai lớn hơn điều thứ nhất, nên bạn tu thành công thì phước cũng lớn, nếu trái lại thì đọa lạc cũng khổ hơn. Cùng một đạo lý, điều thứ ba là phước báo Đại Thừa, nếu bạn y giáo phụng hành thì bạn làm Bồ-tát, siêu phàm nhập thánh. Nếu làm trái lại thì ắt sẽ đọa địa ngục, không phải ngạ quỷ, súc sanh, mà nhất định đọa địa ngục. Chúng ta phải làm cho thật rõ ràng, thật sáng tỏ. Lý sự đều hiểu rõ, sau đó chúng ta mới tin sâu không nghi. Công phu thường ngày làm ở chỗ nào vậy? Làm chỗ khởi tâm động niệm, niệm niệm tương ưng với Phật, niệm niệm tương ưng với đạo. Đạo là gì vậy? Đạo là chân như tự tánh, tương ưng với tánh đức. Chúng ta đời này mong cầu vãng sanh mới có thể làm được. Sao có thể tạo ác nữa được? Đời người khổ ngắn, nhất là thời đại hiện nay, loạn động, tai biến trên toàn thế giới rất vô thường. Nhất định phải giác ngộ được mọi thứ trên thế gian này đều như mộng như huyễn, không thể đạt được điều gì cả, đây là sự thật. Chúng ta thử xem gần đây Kinh tế Đông Nam Á suy thoái, bao nhiêu người có tiền có của, bình thường mọi người xem họ là người rất tài giỏi, nghe người ta nói họ đã tự sát rồi. Tại sao tự sát vậy? Phá sản rồi. Trong Kinh Phật nói tiền tài là của chung của năm nhà. Chúng ta hiểu rõ rồi, nên không dính mảy may, một lòng hướng đạo, chúng ta mới được cứu. Phật nói ở trong Kinh, tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ham ăn, ưa ngủ là ngũ dục, là năm gốc rễ của địa ngục. Nếu bạn tham luyến không từ bỏ, trong “Kinh Địa Tạng” nói cảnh giới địa ngục bạn sẽ có phần. Cảnh giới mà Thánh Nữ bà la môn nhìn thấy là do chúng sanh trên trái đất này chúng ta tạo tác ác nghiệp. Bạn thấy chúng sanh tạo tác ác nghiệp nhiều hay ít? Ở trong đây không phải nói người tin Phật mới bị đọa địa ngục, người không tin Phật thì không bị đọa địa ngục, không có chuyện này. Nếu như nói người không tin Phật thì không bị đọa địa ngục, vậy thì chúng ta đừng tin Phật. Người không tin Phật vẫn bị đọa địa ngục như thường. Bất kể bạn có tin hay không tin, bạn tu thiện nhất định sanh thiên, bạn tạo ác chắc chắn đọa lạc, là đạo lý nhất định, bất kể bạn có tin hay không.

“Tân tử chi giả, Kinh tứ thập cửu nhật hậu.” (Những người mới chết đó, sau 49 ngày)

Không có con cháu vun bồi phước cho họ. Sau khi người chết rồi thì làm thất. Làm thất, đạo lý và cách làm này đều là xuất phát từ “Kinh Địa Tạng”. Trong Kinh Phật nói, con người sau khi chết rồi, khi vẫn còn chưa có đi đầu thai vào trong những đường khác, đây là thân Trung Ấm. Thân Trung Ấm mỗi bảy ngày là phải trải qua một lần biến dịch sinh tử, quá trình này họ rất khổ. Cho nên khi đến bảy ngày thì làm Phật sự siêu độ cho họ một lần, để giảm bớt đau khổ cho họ, tu phước cho họ.

“Sanh thời, hựu vô thiện nhân” (Lúc sống, kẻ đó lại không làm được nhơn lành nào cả) Là không có làm được việc tốt gì cả.

“Đương cứ bổn nghiệp sở cảm địa ngục tự nhiên tiên độ thử hải” (Vì thế nên cứ theo nghiệp ác của họ đã gây tạo mà cảm lấy báo khổ ở địa ngục, tự nhiên họ phải lội qua biển này.) Tự nhiên là không có bất kỳ người nào ép buộc họ, địa ngục không phải do con người thiết kế, cũng không phải do vua Diêm La thiết kế ra, tự nhiên khi nghiệp lực hiện tiền, mới có hiện tượng này.

Chúng ta tiếp tục xem Kinh văn phía dưới. “Hải đông thập vạn do tuần, hựu hữu nhất hải kỳ khổ bội thử, bỉ hải chi đông, hữu hữu nhất hải, kỳ khổ phục bội” ( cách biển này mười muôn do tuần về phía đông, lại có một cái biển, những sự thống khổ trong biển đó sắp bội hơn biển này.)

Càng đi vào bên trong tội nghiệp càng nặng, nỗi khổ mà họ chịu còn tăng hơn rất nhiều lần so với những gì bạn nhìn thấy ở đây. Cảnh hiện nay bạn nhìn thấy là tầng biển thứ nhất, đây là bạn nhìn thấy người tạo tác nghiệp ác nhẹ, người tạo ác cực nặng bạn chưa nhìn thấy.

“Tam nghiệp ác nhân chi sở chiêu cảm, cộng hữu nghiệp hải, kỳ xứ thị dã.” (Đó đều là do những nghiệp nhơn xấu xa của ba nghiệp mà cảm vời ra, đồng gọi là biển nghiệp, chính là ba cái biển này vậy)

Cảnh mà bạn nhìn thấy chính là biển nghiệp ở trong Kinh Phật nói. Biển nghiệp là biển khổ. “Ba nghiệp” là thân, ngữ, ý, tạo tác nghiệp ác bất thiện, mới bị quả báo này. Địa ngục như vậy, thập pháp giới cũng như vậy. Hiện tượng này đều là từ tự tâm biến hiện. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói một nguyên tắc chung, cương lĩnh chung là: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Duy tâm sở biến là trong đây không có thức. Không có thức chính là không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước . Quý vị phải biết, vọng tưởng là a-lại-da, chấp trước là mạt-na, phân biệt là ý thức thứ sáu. Nếu như không dùng tám thức, không dùng tám thức 51 tâm sở, thì đó chính là duy tâm sở hiện. Cảnh giới của duy tâm sở hiện, Phật ở trong Kinh gọi là nhất chân pháp giới. Nếu như bạn rơi vào trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì đã tạo nên biến đổi trong nhất chân pháp giới rồi, là duy thức sở biến, là tùy theo nghiệp lực của bạn. Nghiệp lực chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra mười pháp giới. Mười không phải là con số. Quý vị phải biết mười là đại biểu cho vô tận. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mỗi người đều khác nhau, không giống nhau, nên pháp giới mà mỗi người biến hiện cũng khác nhau, nên pháp giới là vô lượng vô biên. Nếu như rơi vào tham sân si mạn, thì cảnh giới biến hiện ra chính là biển nghiệp mà chỗ này nói. Đây là Thánh Nữ đích thân nhìn thấy.

Mời xem Kinh văn: “Thánh Nữ hựu vấn quỉ vương Vô Độc viết: Địa ngục hà tại” ( Thánh Nữ lại hỏi Quỉ Vương Vô-Độc rằng: “Địa ngục ở đâu?”)

Cô bèn đến hỏi xem, địa ngục ở đâu?

“Vô Độc đáp viết: Tam hải chi nội thị đại địa ngục.” (Vô Độc đáp rằng: “Trong ba cái biển đó đều là địa ngục.) Biển nghiệp mà Ngài nhìn thấy hôm nay, biển nghiệp này chính là địa ngục.

“Kỳ số bách thiên, các các sai biệt.” (Nhiều đến số trăm nghìn, mỗi ngục đều khác nhau.) Địa ngục lớn còn có những địa ngục nhỏ kèm theo.

“Sở vị đại giả cụ hữu thập bát” (Về địa ngục lớn thời có 18 chỗ) Đây là người thế gian chúng ta thường nói 18 tầng địa ngục. 18 tầng địa ngục là nói địa ngục lớn.

“Thứ hữu ngũ bách khổ độc vô lượng, thứ hữu thiên bách diệc vô lượng khổ.” (Bực kế đó có 500 chỗ đủ không lường sự khổ sở, bực kế nữa có đến nghìn trăm cũng không lường sự thống khổ.)

Địa ngục lớn ở trong Kinh Phật nói có 8 địa ngục lạnh, 8 địa ngục nóng. Phật ở trong Kinh nói cho chúng ta biết, địa ngục lớn đều ở bên dưới núi Thiết Vi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *