Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 50

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

 Tập 50

Mời xem kinh văn dưới đây, ở trang 66:

 “Nhĩ thời Phổ Quảng Bồ-tát văn Phật Như-lai, xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ-tát dĩ, hồ quỵ hợp chưởng phục bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Ngã cửu tri thị đại sĩ hữu như thử bất khả tư nghị thần lực, cập đại thệ nguyện lực vị vị lai chúng sanh khiển tri lợi ích cố vấn Như-lai duy nhiên đỉnh thọ.”

   (Khi nghe đức Phật Như-lai tuyên bày ngợi khen ngài Địa Tạng Đại Sĩ xong, Ngài Phổ Quảng Bồ-tát liền quỳ xuống chắp tay mà bạch cùng đức Phật rằng: ‘Bạch Thế Tôn! Từ lâu con rõ biết vị Đại Sĩ này có thần lực cùng đại nguyện lực không thể nghĩ bàn như thế rồi, song nay vì muốn những chúng sanh trong đời sau này rõ biết các sự lợi ích đó, nên con mới bạch hỏi cùng đức Như-lai. Vâng! Con xin cung kính tin nhận lời Phật dạy.)

  Đây là Bồ-tát thay chúng ta xin ý kiến lên Thế Tôn, Thế Tôn đã dạy nhiều như vậy, nên đặt tên kinh tựa đề là gì? Đến chỗ này là xin hỏi tên kinh, tương lai khi kết tập, nên dùng tên là gì? Là giống như người thế gian sáng tác văn chương vậy. Từ xưa đến nay rất nhiều người viết văn chương, sau khi văn chương viết xong rồi, tiếp đó đặt tựa đề, đây là cách làm rất bình thường. Khi chúng ta còn là học trò, thầy giáo ra đề bài bảo chúng ta làm văn, chúng ta phải dựa theo đề bài này làm, như thế rất khó, đó là luyện tập. Còn thật sự làm văn là sau khi viết văn xong, sau đó xem lại nội dung của toàn bài văn rồi mới đặt tựa đề. Giống như chúng ta hiện nay mỗi sáng, sau khi ăn điểm tâm xong nói chuyện với mọi người, nói tùy ý, các bạn ghi âm lại, sau đó viết nó ra thành văn tự, sau đó xem nội dung này, rồi đặt tựa đề cho nó. Để người ta nhìn thấy tựa đề này, thì biết nội dung của lần diễn giảng này. Đức Phật thuyết kinh, ban đầu không có đặt ra tựa đề để nói, Ngài ứng cơ thuyết pháp. Tựa đề là sau khi kết tập rồi mới đặt. Nhưng có rất nhiều kinh Phật, là do đại chúng tham dự pháp hội sau khi nghe xong, hoặc là nghe được một nửa, có người đến thỉnh giáo, xin đức Phật khai thị. Loại tình hình này trong kinh Phật chúng ta nhìn thấy rất nhiều. Cũng có loại không có người hỏi, đức Phật cũng không có nói, sau khi kết tập thì người kết tập mới đặt tựa đề cho bài kinh này. Nhưng loại tình hình này trong kinh Phật là tương đối ít, phần lớn đều là do Đức Phật nói ra. Đây là Bồ-tát Phổ Quảng thay chúng ta xin hỏi đề kinh, tên kinh này.

  “Nhĩ thời” là Thế Tôn nói ra các kiểu tu hành, hóa tha, những sự tích công đức của Bồ-tát Địa Tạng cho chúng ta biết. Sau khi nói xong, thì Bồ-tát Phổ Quảng “Hồ quỵ hiệp chưởng”. “Quỳ” thời trước đây là cách thức quan trọng nhất trong lễ tiết. Người Trung Quốc khi quỳ xuống lễ bái, khác với người nước ngoài. “Hồ quỵ” là lễ tiết của người nước ngoài, chứ không phải lễ tiết của Trung Quốc. Cách quỳ của Trung Quốc là hai đầu gối đều quỳ xuống. Cách quỳ của Ấn Độ xưa, là quỳ bằng một đầu gối, khác với cách của Trung Quốc, đầu gối phải chạm đất, quỳ bằng một đầu gối. Cách quỳ này, nó có dụng ý, là tiện cho thầy sai bảo. Thầy có sai bảo gì, thì động tác tương đối nhanh nhẹn, đứng dậy nhanh, rất dễ dàng đứng dậy, để phục vụ thầy, niệm niệm không quên phụng sự thầy, là có ý nghĩa như vậy. Cho nên đây là thái độ rất cung kính. “Chắp tay” biểu thị nhất tâm, đều là pháp tượng trưng. Mười ngón tay biểu thị tâm của chúng ta tán loạn, nghĩ ngợi lung tung, chắp tay chính là thu tâm lại, vào lúc này tất cả mọi vọng niệm thảy đều buông xả, nhất tâm chuyên chú, chắp tay là biểu thị cho ý nghĩa này, là hợp nhất rồi, biểu thị ý nghĩa này. Biểu thị sự cung kính. “Bạch Phật ngôn”. Bạch là người dưới đối với người trên, là từ tôn kính. Từ trong ngôn từ của Ngài chúng ta biết, ngài Phổ Quảng cũng là Bồ-tát đẳng giác, chứ không phải là người bình thường, cũng là chư Phật Như-lai thị hiện. Đúng như câu nói: “Một đức Phật ra đời, thì nghìn đức Phật ủng hộ.” Phật Thích Ca Mâu Ni là giống như người đóng vai chính trong vở kịch vậy, còn chư Phật Như-lai khác đó đến là để đóng vai phụ, để diễn tốt vở kịch này. Hy vọng những chúng sanh xem kịch này, sau khi xem xong đều có thể giác ngộ. Cho nên Phật pháp quả thật sự là đang diễn kịch. Trên tay tôi còn có một kịch bản, rất thích hợp vào lúc này, là tháng bảy Mục Kiền Liên cứu mẹ. Kịch bản đó thật sự là vở kịch lớn. Thật đáng tiếc hiện nay không có người đứng ra biểu diễn, kịch bản có đó mà không có người biểu diễn. Vào thời xưa, ở trong cửa Phật những kịch bản kiểu này rất nhiều, là do chúng ta không có lưu ý đi sưu tập, nếu lưu ý sưu tập thì thật sự là rất nhiều. Hiện nay nếu như có thể dùng phương pháp kịch hiện đại để biểu đạt, làm thành kịch truyền hình nhiều tập, dùng loại cách thức này để hoằng pháp lợi sinh thì sẽ sinh ra hiệu quả vô cùng lớn. Nhà Phật thường nói có nhiều cửa phương tiện, không nên câu nệ vào một hình thức nào. Nếu như chúng ta thật sự có những nhân tài như vậy, có tu dưỡng, có yêu thích về văn học, có hiểu biết về âm nhạc thật sự, hiểu biết kịch sân khấu, chúng ta sẽ biên tập những kịch bản này, để tặng cho những người thuộc giới kịch điện ảnh này, để họ biểu diễn lên đài truyền hình, thì lợi ích của việc hoằng pháp lợi sinh này sẽ rất lớn. Hiệu quả không biết sẽ thù thắng hơn gấp bao nhiêu lần so với chúng ta giảng kinh thuyết pháp trên bục giảng. Cần phải phát triển theo phương hướng này. Những vị đạo diễn, diễn viên kịch điện ảnh này trước tiên phải nghe kinh. Sau khi nghe hiểu rõ rồi mới viết kịch bản, mới biểu diễn, dùng loại phương pháp này mới được, hiện đại hóa, bản địa hóa. Chúng ta ngày nay nói bản địa là nói địa cầu. Hiện nay truyền thông phát triển, giao thông thuận tiện, địa cầu trở nên nhỏ bé rồi. Ngày nay nói bản địa, là đã không còn hạn chế vào một nơi, mà cả thế giới là bản địa, nhất định phải đi theo hướng hiện đại hóa, mới có thể thu được hiệu quả. Cho nên các vị Bồ-tát này đều là do Như-lai hóa thân.

  “Ngã cửu tri thị Đại Sĩ” (Từ lâu con rõ biết vị Đại Sĩ này)

  “Thị Đại Sĩ” chính là chỉ Bồ-tát Địa Tạng. Con đã biết rất lâu, rất rõ ràng về Ngài rồi.

 “Hữu như thử bất khả tư nghị thần lực cập đại thệ nguyện lực” (Có thần lực cùng đại nguyện lực không thể nghĩ bàn như thế rồi.)

  Đây chính là lời mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói ở phía trước. Bồ-tát Phổ Quảng đã biết từ lâu rồi, đâu có chuyện không biết? Tại sao ở chỗ này Ngài phải hỏi vậy?

  “Vị vị lai chúng sanh khiển tri lợi ích, cố vấn Như-lai” (Song nay vì muốn những chúng sanh trong đời sau này rõ biết các sự lợi ích đó, nên con mới bạch hỏi cùng đức Như-lai.)

  Cách hỏi này của Ngài là biết mà vẫn hỏi, là diễn kịch, là song ca, một người hỏi một người trả lời. Chúng sanh không biết, không biết nhưng chúng sanh không biết hỏi. Nhất định phải là người trong nghề mới có thể hỏi được. Chúng ta đọc kinh này chúng ta phải học, phải học tập. Bất kỳ ở đâu, bất kỳ thời gian nào, vô cùng đáng tiếc, chúng ta đều là chúng sanh mê hoặc điên đảo, chưa giác ngộ, chưa có học được phương pháp độ chúng sanh này. Nói lời thành thật cũng chưa có nguyện vọng khẩn thiết độ chúng sanh, cho nên vẫn là phàm phu sanh tử. Nếu như bạn học được phương pháp này rồi, bạn cũng có cái nguyện lớn này, từng giây từng phút muốn giúp đỡ chúng sanh, lợi ích chúng sanh, không có gián đoạn. Khi đi tản bộ, nói chuyện, phía trước phía sau đều có người. Chúng ta biết mà vẫn hỏi, một người hỏi một người trả lời như vậy, để cho người khác nghe. Chúng ta ở nơi công cộng, ăn cơm ở trong nhà hàng, xung quanh có rất nhiều người. Xưa nay chưa có hỏi: Thưa Pháp sư, thế nào gọi là Phật? Bạn hiểu, tôi cũng hiểu, chúng ta một người hỏi, một người trả lời, đóng kịch cho người khác nghe, vì những người đó họ không hiểu. Nhà hàng chúng ta đang ăn cơm đó, nơi đó chính là đạo tràng. Người đến tham gia ăn cơm đều là thính chúng. Có mấy người biết điều này? Trong tự viện ở Trung Quốc đại lục, các bạn đều sống ở trong tự viện, mỗi ngày có bao nhiêu đoàn tham quan? Dắt đoàn hướng dẫn tham quan giới thiệu đạo tràng cho họ, giới thiệu những văn vật lịch sử cho những vị khách tham quan này, chúng ta không biết cách giới thiệu xen vào trong đó à. Tôi có gặp một lần tại chùa Dục Phật Thượng Hải. Lúc tôi sắp rời đi bèn đi đến điện Thiên Vương, đúng lúc có hai đoàn, tôi nhìn thấy trong đó đều là người nước ngoài đến, họ phiên dịch giới thiệu cho những người đó. Tôi cũng kéo vị tri khác chùa Dục Phật đó lại bên cạnh. Tôi giảng giải cho chú ấy, Điện Thiên Vương, ý nghĩa của Tứ Đại Thiên Vương là gì? Tượng trưng cho pháp gì? Khi tôi giải thích cho chú ấy, thì hai đoàn khách đó đều im lặng, đều vây quanh lại nghe, là cơ hội giáo dục. Chúng tôi bèn giảng một tiết học cho những vị khách tham quan đó. Cho nên nhất định phải biết cơ hội giáo dục, mọi lúc, mọi nơi, chúng ta phải có tâm, có nguyện này. Là giống như Bồ-tát Phổ Quảng ở trong pháp hội Địa Tạng, một người hỏi, một người trả lời như thế này. Đâu có chuyện không biết? Đều biết cả, biết rõ mà vẫn hỏi, là đóng kịch, biểu diễn, cho những người đó xem. Khiến cho những người đó sau khi xem xong giác ngộ, hiểu rõ. Cho nên phải biết những ngôi tự viện này trên Đại Lục, nếu như có thể lợi dụng cơ hội giáo dục để hướng dẫn chúng sanh trên toàn thế giới. Họ đến nơi này để tham quan du lịch, thật sự có được lợi ích khi trở về. Sau khi trở về, họ lại biết tuyên dương, bản thân nghe được hiểu rõ những Phật pháp này, bèn giới thiệu cho bạn bè thân thích của họ. Những người bạn bè thân thích đó của họ sau khi nghe xong, lại đến Trung Quốc để tham quan du lịch, đến muốn học được một chút gì khi trở về. Họ đến nơi này để tham quan, tốn một ít tiền, đó là học phí. Cũng thật sự học được một chút gì đó khi trở về, và chúng ta cũng không cô phụ họ, đó là việc tốt. Cho nên tôi không ở Trung Quốc thì vô phương. Nếu tôi ở Trung Quốc tôi nhất định sẽ kiến nghị với hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, phải tập hợp tất cả người xuất gia lại mở lớp đào tạo, đào tạo cho họ cơ hội giáo dục, mỗi người đều nói được, không cần nhiều, chỉ cần hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch những pháp tượng trưng này, mỗi ngày giảng giải, thuyết minh cho những đoàn tham quan du lịch này, khiến cho những người nước ngoài, khi đi một chuyến đến Trung Quốc, biết Trung Quốc không những là có lịch sử lâu đời, trình độ nghệ thuật hiếm có trên thế giới, nền học thuật tinh xảo của Trung Quốc càng khiến họ phải khâm phục. Đây là tuyên dương văn hóa vốn có, tuyên dương Phật Pháp Đại Thừa. Phật pháp thật sự đã ở Trung Quốc rồi, không còn ở Ấn Độ nữa, ở Ấn Độ không còn nữa. Phật pháp cũng di dân đến Trung Quốc rồi, Ấn Độ không còn nữa. Nếu toàn thế giới muốn học Phật nhất định phải đến Trung Quốc. Chúng tôi đọc đoạn kinh văn này thấy rất cảm khái, nhất định phải biết mình nên làm như thế nào, đều là vì lợi ích chúng sanh. Như vậy không phải gây phiền phức, cho nên đừng sợ Lão Pháp Sư rất vất vả, Lão Pháp Sư rất mệt rồi, đừng quan tâm những điều này! Làm sao có thể khiến cho chúng sanh được lợi ích, biết rõ mà vẫn hỏi.

  “Cố vấn Như-lai, duy nhiên đỉnh thọ” (Vâng! Con xin cung kính tin nhận lời Phật dạy.)

  Bốn chữ “Duy nhiên đỉnh thọ” này là vô cùng cung kính, nhất định y giáo phụng hành, là có ý nghĩa này ở trong đó. Phía dưới là Ngài chính thức hỏi:

  “Thế Tôn! Đương hà danh thử kinh, sử ngã vân hà lưu bố?” (Bạch đức Thế Tôn! Kinh này đặt tên là gì và định cho lưu bố thế nào?)

  Những gì Ngài nói đây, nên đặt tựa đề cho nó như thế nào, để cho chúng con lưu thông được rộng khắp, đem pháp môn này giới thiệu cho tất cả đại chúng, tiến cử cho tất cả đại chúng. Ý nghĩa của chữ “Lưu bố” là lưu thông tuyên bố. Cách thức lưu bố có rất nhiều, vô lượng vô biên, chắc chắn không phải chỉ có một loại hình thức. Chúng ta phải xem hoàn cảnh, xem hình thức, làm thế nào để có lợi ích nhất, thì chúng ta hãy dùng phương pháp này để làm. Chúng tôi giảng kinh ở trong giảng đường, giảng đường rất nhỏ, thính chúng không nhiều, làm thế nào mở rộng hiệu của giảng kinh? Đương nhiên lý tưởng nhất là truyền hình. Cái duyên truyền hình này chúng tôi không thành thạo lắm, không có mối quan hệ này. Nhất là truyền hình là do chính sách quốc gia hạn chế rất nghiêm ngặt, duyên không đầy đủ. Chúng tôi cũng không có tài lực, không làm được. Không làm được phải làm thế nào? Chúng tôi mỗi lần giảng kinh, đều lưu giữ lại băng ghi âm, điều này chúng tôi có thể làm được. Đạo tràng nào có duyên, đồng tu nào có duyên, mà không có duyên đến hiện trường để nghe, chúng ta có thể đem số băng ghi âm này sao chép tặng cho họ. Trong Phật pháp đây là bố thí cúng dường, tuyệt đối không có mua bán. Cho nên kinh sách, băng ghi âm, băng ghi hình, CD chúng ta in, hoàn toàn không có hành vi mua bán, đều là để biếu tặng. Hai năm trở lại đây do nhân duyên dần dần chín muồi, từ sau khi đài thứ tư ở Đài Loan mở cửa, có rất nhiều người hỏi tôi xin băng ghi hình. Có người cần là việc tốt, chúng tôi rất hoan hỷ, chúng tôi cung cấp, họ đem về phát hình. Cho nên hiện nay Đài Loan, hầu như mỗi ngày có ba bốn tiếng đồng hồ, trình chiếu những băng ghi hình này. Ở Mỹ mỗi ngày có một giờ đồng hồ. Gần đây đài truyền hình Hawaii cũng bắt đầu phát hình, mỗi tuần hai lần, hình như là hai giờ đồng hồ, một tuần hai giờ đồng hồ. Phong khí dần dần mở ra, băng ghi hình của chúng tôi đã đưa vào đúng chỗ rồi. Chỉ cần họ ngỏ lời, chỗ chúng tôi lưu giữ rất nhiều thứ, tôi tin hai ba năm cũng chiếu không hết, chúng tôi có lưu giữ rất nhiều tư liệu. Chúng tôi từ lâu đã nghĩ đến phải lợi dụng phương thức khoa học kỹ thuật. Hiện nay mạng internet mở cửa, điều này đối với chúng ta mà nói cũng là phương pháp lưu bố tốt nhất, rất nhiều những tư liệu này đều đưa lên mạng. Chúng ta nhìn xu thế của khoa học kỹ thuật, trong tưởng tượng của tôi khoảng sau mười năm nữa, là thời đại của máy tính. Có thể những đài truyền hình này sẽ bị đào thải hết, mỗi người mang theo một chiếc máy tính nhỏ. Chiếc máy tính lớn chỉ bằng cuốn sách vậy, máy tính của mười năm sau có thể sẽ biến thành một chiếc hộp rất nhỏ, có thể bỏ vào túi được, càng làm càng tiến bộ. Khi mỗi người mở máy tính ra, là có thể nhìn thấy bất cứ lúc nào, chỉ cần có thời gian nhàn rỗi, khi bạn muốn nghe kinh là đều có thể thu được, quá thuận tiện rồi. Cho nên tương lai hoằng pháp lợi sinh ra toàn thế giới, cần chỗ bao lớn? Chỗ lớn như hiện nay của chúng ta là đủ rồi. Chỗ nhỏ thì bớt việc, chi phí ít, không cầu cạnh người. Toàn bộ sức lực này thảy đều làm công việc hoằng pháp, làm công việc giúp đỡ những chúng sanh khổ nạn. Bản thân chúng ta đủ ăn đủ mặc, là rất vui vẻ, rất tự tại rồi. Có bạn đạo đồng chí hướng, khoảng bảy tám người là đủ rồi, người không cần quá nhiều. Chúng ta chuyên tham cứu Đại Thừa, mỗi ngày rèn luyện ở trên bục giảng, lợi dụng phương pháp khoa học kỹ thuật đem nó phổ cập ra toàn thế giới, chúng ta dùng phương pháp này để lưu thông rộng khắp, làm cho tâm định trở lại, chuyên môn làm chuyện này. Chúng ta không cần mang chiêu bài gì cả, đó là hình thức, không quan trọng, quan trọng là thực chất. Thật sự có mấy người bạn đạo cùng chí hướng, chúng ta sống chung với nhau, học tập chung, làm việc chung với nhau, hy vọng làm tốt sự nghiệp của Như-lai, đời này sống cho thật phong phú, thật có giá trị, thật có ý nghĩa.

   Từ mấy chục năm nay, từ lúc học Phật đến nay tôi cũng có nguyện vọng này, hy vọng có vài người đồng tu thật sự có cùng chí hướng, chúng ta cùng nhau làm sự nghiệp này. Người có cùng tâm nguyện khó tìm. Cổ nhân nói: Ba người đồng tâm, sức bén của nó có thể cắt đứt kim loại, đó là một kiểu ví dụ, cái sắc bén này của bạn có thể cắt đứt sắt thép, nó có sức mạnh lớn như vậy. Người đồng tâm tìm không ra, tại sao tìm không ra? Mọi người xem danh lợi quá nặng, vậy thì vô phương. Làm sao có thể xả bỏ sạch sẽ danh vọng lợi dưỡng, nhân ngã thị phi, chỉ có một ý nghĩ hoằng dương Phật pháp, lợi ích chúng sanh, người như vậy khó tìm, quá khó rồi! Tôi tin tưởng sâu sắc chỉ cần có năm người, là có thể làm cho Phật pháp hưng vượng trở lại, không có khác gì so với thời đại của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế Tôn năm xưa cùng với năm tỳ-kheo tại vườn Lộc Uyển có thể khởi nghiệp. Ngày nay nếu có được năm tỳ-kheo thì chắc chắn có thể làm cho Phật pháp hưng vượng trở lại. Năm người này thật sự có đạo tâm, giống như chỗ này nói, là thật sự chuyển đổi được quan niệm, ngôn ngữ, hành vi trở lại, cùng tâm, cùng nguyện, cùng giải, cùng hạnh với Phật, thì sự nghiệp này mới có thể làm viên mãn được. Mời xem kinh văn dưới đây:

  “Phật cáo Phổ Quảng thử kinh hữu tam danh, nhất danh Địa Tạng Bổn Nguyện, diệc danh Địa Tạng Bổn Hạnh, diệc danh Địa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh.” (Đức Phật bảo Ngài Phổ Quảng: ‘Kinh này có ba danh hiệu: một là ‘Địa Tạng Bổn Nguyện kinh’, cũng gọi là ‘Địa Tạng Bổn Hạnh kinh’ đây là tên thứ hai, cũng gọi là Địa Tạng Bổn Thệ Lực kinh’ đây là tên thứ ba.)

 Ngài Phổ Quảng xin ý kiến đặt tên kinh, Thế Tôn đã nói ra ba tên. Tên kinh mà chúng ta hiện nay nhìn thấy, là một trong ba tên đó. Kinh này là trước đây đại sư dịch kinh, từ trong ba tên mà Thế Tôn nói ra, đã chọn ra một tên, chọn tên là “Địa Tạng Bổn Nguyện”. Cho nên kinh này gọi là “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”. “Nguyện” nhất định phải có hạnh. Cho nên “Bổn Hạnh” bao gồm cả “Bổn Nguyện” ở trong đó. “Hạnh” nhất định có “Thệ Lực”. “Thệ” mọi người đều biết, thệ nguyện của Bồ-tát Địa Tạng rộng lớn sâu xa, thật sự là xả mình vì người. Chúng ta ngày nay gọi là hy sinh dâng hiến, xả mình vì người thì Bồ-tát Địa Tạng là mô phạm hàng đầu. “Địa ngục chưa trống không, thề không thành Phật, độ hết chúng sanh mới thành Phật đạo”. Chúng ta muốn hỏi, Bồ-tát Địa Tạng có nguyện lớn như vậy, đáng được tất cả chư Phật Như-lai tán thán, tất cả chúng sanh kính ngưỡng, vậy Bồ-tát Quan Âm có nguyện này không? Bồ-tát Văn Thù có nguyện này hay không? Chỗ này thấy Phổ Quảng Bồ-tát có cái nguyện này hay không? Có. Từ nguyện này mà nói đều gọi là Bồ-tát Địa Tạng. Phổ Quảng cũng gọi là Bồ-tát Địa Tạng, Quan Âm cũng gọi là Bồ-tát Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền đều gọi là Bồ-tát Địa Tạng, là nói từ nguyện này. Nếu như nói từ trên đại từ đại bi, thì Bồ-tát Địa Tạng cũng gọi là Bồ-tát Quan Âm, thảy đều gọi là Bồ-tát Quan Âm. Dứt khoát không được coi Bồ-tát là một người nào đó, xem cứng nhắc như vậy, là bạn hỏng bét rồi! Tất cả mọi Bồ-tát đều là pháp tượng trưng. Cho nên bạn thành tựu cái gì? Tập hợp hết thảy thành tựu của Bồ-tát. Tất cả Bồ-tát là ở trong con người này của ta, vậy là đúng rồi, tận hư không khắp pháp giới là chính mình. Từ sự hiếu thân tôn sư của chính chúng ta, từ hạnh nguyện này đó chính là Bồ-tát Địa Tạng. Từ sự từ bi cứu đời, thì bạn chính là Bồ-tát Quan Thế Âm. Từ dùng lý trí không dùng tình cảm, thì bạn chính là Bồ-tát Văn Thù. Nói được làm được, nói đi đôi với làm, như thế chính là Bồ-tát Phổ Hiền. Toàn bộ tất cả Bồ-tát là một người, không phải rất nhiều người, phải hiểu được đạo lý này. Chúng ta ngày nay học Phật, học đến già cũng không thể vào cửa được, sai ở chỗ nào vậy? Sai ở chỗ là chúng ta phân chia tất cả Bồ-tát riêng ra, vị này không phải vị kia, vị kia không phải vị này, vậy là hỏng rồi! Cho nên bạn không tìm được cửa vào. Bạn thật sự hiểu được tất cả chư Phật là một vị Phật, tất cả Bồ-tát là một vị Bồ-tát. Trong “Hoa Nghiêm” nhiều lần gợi ý cho chúng ta: Một tức là nhiều, nhiều tức là một, một nhiều không hai, đều là nói rõ đạo lý này, đều là nói cái sự thật này, đâu có thể phân chia riêng được? Vừa phân chia vậy liền rơi vào vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước không dứt, thì bạn không thể tìm được cửa vào. Nói lời thành thật, đọc kinh bạn cũng không hiểu, thì sao bạn có thể có được sự lợi ích thù thắng của kinh giáo này? Đây là nói đến thệ nguyện chính của Bồ-tát Địa Tạng. Từ trong thệ nguyện sinh ra lực. Chữ lực này ngày nay chúng ta gọi là động lực, dũng mãnh tinh tấn, vĩnh viễn không thối chuyển. Sức mạnh nào thúc đẩy Ngài vậy? Chúng ta ngày nay thấy người thế gian, người thế gian dốc sức làm việc, sức mạnh nào thúc đẩy họ làm việc vậy? Danh lợi. Nếu như họ không có được danh, không có được lợi, họ sẽ giải đãi ngay, không muốn làm gì cả. Hôm qua trên báo có đăng một mẫu tin nhỏ, tôi xem xong thấy rất thú vị, nói đến thung lũng silicon ở California. Đó là nơi tôi ở California hồi đó. Tôi sống ở Vịnh Nam (South Bay) chính là nói đến nơi đó. Nơi đó có rất nhiều nhà khoa học, phần lớn là người làm máy vi tính, điện tử. Tôi giảng kinh ở San Francisco, những người này họ đều đến nghe, ở trong đây rất nhiều người có học vị tiến sĩ. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi giảng kinh tại San Francisco, thính chúng có khoảng hơn 80 người, hai phần ba là có học vị tiến sĩ. Cho nên vị đồng tu đó nói với tôi. Anh ta nói: Pháp sư, thầy hãy đến nơi đây mở lớp tiến sĩ, những người này làm việc đều rất nỗ lực, mỗi ngày làm việc đến mười mấy tiếng đồng hồ. Tại sao vậy? Kiếm tiền. Kiếm tiền xong, không có chỗ tiêu xài, không biết cách tiêu tiền như thế nào, thật sự là như vậy. Dốc sức nỗ lực ở đó kiếm tiền, là vì điều này họ mới làm việc siêng như vậy. Nếu như không kiếm được tiền, không có lợi ích, họ nhất định sẽ không làm. Động lực làm việc, lao động của người thế gian là danh lợi, còn Phật pháp xả bỏ hết danh lợi. Sức mạnh nào thúc đẩy họ vậy? Bổn thệ. Thệ nguyện của họ thúc đẩy họ, tứ hoằng thệ nguyện. Tứ hoằng thệ nguyện thực ra chính là nguyện đầu tiên: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, động lực này đang thúc đẩy họ. Nếu họ thật sự có nguyện này, họ nhất định sẽ đoạn phiền não, nhất định sẽ học pháp môn, nhất định thành Phật đạo. Tại sao vậy? Nếu họ không đoạn phiền não, không học pháp môn, thì họ sẽ không có năng lực độ chúng sanh. Từ đó cho thấy, bởi do nguyện lực này mà đã thành tựu mình. Sau khi mình thành tựu rồi, thì nguyện lực của họ mới thành hiện thực, mới có thể phổ độ chúng sanh. Cho nên chư Phật thành Phật, sau khi thành Phật rồi, nhất định không trụ vào quả vị Phật, mà lui về quả vị Bồ-tát, hành Bồ-tát đạo. Bồ-tát là địa vị học trò, Phật là địa vị của thầy. Bởi vì ở trên địa vị người thầy sẽ phiền phức. Phật đạo là sư đạo. Đề xướng là tôn sư trọng đạo, chỉ có học trò đến cầu học với thầy, chứ thầy không thể tùy ý đi dạy học trò được. Nếu thầy giáo tùy ý đi dạy học trò, thì học trò sẽ không tôn kính thầy. Cho nên sư đạo, chỉ có nghe học trò đến học, chứ không nghe nói thầy đi dạy. Trung Quốc và Ấn Độ vào thời xưa đều như vậy cả. Cầu học, là bạn đến cầu học, chứ không có chuyện thầy đến nhà để dạy bạn, không có đạo lý này. Ai có thể đến nhà bạn để dạy bạn? Bồ-tát. Bồ-tát là bạn học. Bạn học thì không có sự tôn nghiêm này, bạn học có thể tùy tiện được. Cho nên trong kinh nói: “Làm người bạn không mời mà đến”. Bạn không đến tìm tôi, tôi có thể đi tìm bạn, đó là Bồ-tát. Bồ-tát thì thuận tiện rồi, quan hệ của chúng ta là quan hệ bạn bè, chúng ta không phải quan hệ thầy trò. Bạn phải biết, biểu diễn làm thầy chỉ có một mình Phật Thích Ca Mâu Ni, còn biểu diễn làm học trò có rất nhiều chư Phật Như-lai thị hiện thành thân phận Bồ-tát đến làm bạn học với chúng ta, đến giúp đỡ chúng ta. Nói thực ra những người này đã thành Phật từ lâu rồi, đây là từ bi đích thực. Giúp đức Phật đến giáo hóa chúng sanh, nếu không phải người trong nghề thì không thể giúp được, không phải người trong nghề thì không thể quán sát căn cơ được, không phải người trong nghề thì không thể hỏi được, không biết hỏi thế nào. Cho nên tôi thường nói, học Phật chính là hát kịch, chính là biễu diễn. Kinh điển chính là kịch bản. Bạn thấy chư Phật Bồ-tát biểu diễn ở chỗ này sinh động biết bao. Đặc biệt là xem thấy trong “Kinh Hoa Nghiêm”, bạn thấy pháp hội đó có bao nhiêu người. Nếu như từ lúc mở đầu kinh đến khi kết thúc toàn kinh, số đoàn tham dự, không tính số người, tính số đoàn tham dự, tổng cộng đã có đến hai trăm hai mươi tám đoàn, nhiều đoàn như vậy. Chúng ta nói từ góc độ đoàn thể đã nhiều như vậy rồi. Số người trong mỗi đoàn thể, đều là vô số, vô lượng. Vô số, vô lượng chẳng phải khiến chúng ta lập tức liền thể hội được, vũ đài lớn này là tận hư không khắp pháp giới, là một vũ đài lớn. Cho nên số người của họ là vô lượng vô biên. Những người nào là đạo diễn? Những người nào làm diễn viên? Toàn là chư Phật Như-lai. Chúng ta xem thấy trong kinh, đủ dạng thân phận khác nhau, toàn là chư Phật Như-lai biến hiện, cần dùng thân gì độ được liền hiện thân ấy, tùy loại hóa thân, tùy căn cơ thuyết pháp. Chúng ta phải học được bản lĩnh này từ trong kinh điển này. Nếu xây dựng đường lối như thế này, thì chúng ta cũng sẽ tham dự pháp hội này. Pháp hội này là pháp hội Hoa Nghiêm. Pháp hội Hoa Nghiêm không lúc nào không có, không có gián đoạn. Cho nên trong kinh nói: “Trần thuyết, sát thuyết, vô gián thuyết”, là không có gián đoạn. Pháp hội Hoa Nghiêm là pháp hội chung, tất cả pháp hội còn lại là pháp hội nhỏ. Trong pháp hội lớn chia thành pháp hội nhỏ. Hoa nghiêm là pháp hội chung. Có thể thể hội được ý nghĩa này, khế nhập cảnh giới này, chúng ta sẽ vào pháp hội Hoa Nghiêm. Hôm thứ bảy chúng ta có gặp một đoạn kinh văn, đúng lúc giảng đến đoạn “Hoa Nghiêm Tam Muội”, nhiều ít cũng đã báo cáo qua chút ít với quý vị rồi. Sau khi hiểu rõ rồi, thật sự thay đổi được quan niệm của chúng ta, đời sống của chúng ta cũng thay đổi theo. Chuyển đổi nghiệp lực của chúng ta thành nguyện lực. Vậy là học Phật thật sự đắc lực rồi. Lời tiên sinh Phương Đông Mỹ nói: “Hưởng thụ cao nhất của đời người.” Nếu không chuyển trở lại được thì bạn không có được. Sau khi chuyển trở lại rồi thì đó là hưởng thụ cao nhất của đời người. Đây là nói đến “Địa Tạng Bổn Thệ Lực Kinh”. Kinh văn phía sau còn hai hàng, chúng ta hãy đọc tiếp.

  “Duyên thử Bồ-tát cửu viễn kiếp lai phát đại trọng nguyện lợi ích chúng sanh. Thị cố nhữ đẳng y nguyện lưu bố.”

  (Do vì Ngài Địa Tạng Bồ-tát từ thuở kiếp lâu xa đến nay phát nguyện rộng lớn làm lợi ích cho chúng sanh, cho nên các ông phải đúng theo tâm nguyện mà lưu hành truyền bá kinh này.)

  Đây là Thế Tôn dặn dò. “Duyên thử Bồ-tát”. “Duyên” là do cái duyên như vậy. “Thử Bồ-tát” là Bồ-tát Địa Tạng. “Cửu viễn kiếp lai phát đại trọng nguyện” (Từ thuở kiếp lâu xa đến nay phát nguyện rộng lớn). Chữ “Trọng” có hai cách đọc; Đọc trọng cũng được, đọc trùng cũng được. Trọng là nguyện của Ngài rất nặng. Còn trùng là lặp lại. Ngài đời đời kiếp kiếp đều phát nguyện. Vì vậy đọc hai âm, hai ý nghĩa thảy đều đầy đủ. Bạn đọc là trọng hay là trùng đều không sai, đều nói trôi chảy cả. Nó có hai ý nghĩa ở trong đó. Nguyện vọng của Ngài hoàn toàn là lợi ích chúng sanh. Ở chỗ này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, đây là bổn nguyện của Bồ-tát. Hay nói cách khác cũng là gốc rễ chính yếu trong việc học Phật của chúng ta. Cho nên Phật pháp Đại Thừa bắt đầu tu học từ đâu? Nhất định phải tu học từ Bồ-tát Địa Tạng. Nếu bạn không có tâm nguyện của Bồ-tát Địa Tạng, thì chắc chắn bạn không phải người Đại Thừa. Ở trong pháp Đại Thừa, bất luận tu học pháp môn nào, đều phải lấy cái này làm cơ sở. Đó chính là nhất định phải phổ độ chúng sanh. Thật sự là chúng sanh chưa được độ, thì bản thân ta không thể thành Phật được. Lúc này không thể thành Phật là không ở quả vị Phật. Bồ-tát Địa Tạng thật sự là đã thành Phật từ lâu rồi. Học trò của Ngài đều thành Phật rồi, thì đâu lý nào Ngài không thành Phật? Ngài không ở quả vị Phật. Cũng chính là nói Ngài không dùng thân phận thầy để xuất hiện ở thế gian. Vĩnh viễn là dùng thân phận bạn học để giúp đỡ tất cả chúng sanh, chính là ý nghĩa này. Không làm thầy, làm bạn học với tất cả chúng sanh, là lớp trưởng của tất cả đại chúng, dùng tư thế lớp trưởng để xuất hiện, chứ không dùng thân phận thầy xuất hiện. Ý nghĩa đích thực là ở chỗ này. Có đủ tư cách làm thầy, mà không dùng thân phận thầy xuất hiện. Điểm này chúng ta nhất định phải học tập, tức là chủ động giúp đỡ tất cả chúng sanh, giúp mọi người phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui.

  “Phổ Quảng văn dĩ, hiệp chưởng cung kính tác lễ nhi thoái.” (Nghe đức Phật dạy xong, Ngài Phổ Quảng tin chịu, chắp tay cung kính lễ Phật lui ra.)

  “Nhi thoái”, “thoái” là nhất định sẽ làm theo. Không phải lui ra rồi là xong chuyện. Sau khi lui ra nhất định là y giáo phụng hành, sẽ chăm chỉ làm. Được rồi, phẩm này chỉ giới thiệu đến đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *