KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 27
Xin mở Khoa Chú quyển thượng trang 167, mời xem kinh văn: “Nhược ngộ điền liệt tứ tình giả, thuyết kinh cuồng tang mệnh báo.” (Nếu gặp kẻ buông lung săn bắn, thời Ngài dạy rõ quả báo kinh hãi điên cuồng mất mạng)
Câu kinh văn này, bản thân tôi trước kia khi lần đầu tiên đọc bộ kinh này, có cảm xúc rất sâu. Điền liệt chính là săn bắn. Tứ tình tức là buông lung mặc tình giết hại tất cả chúng sanh. Phạm vi bao hàm ở trong đây rộng vô cùng. Bất kể dùng cách thức như thế nào. Cách thức có thể nói là có rất nhiều, nhưng mục đích đều là săn bắt thú rừng. Săn bắt hoặc là dùng lưới, vào thời xưa dùng cung tên, hiện nay thì dùng súng, số lượng chúng sanh bị giết hại nói chung vẫn là hữu hạn. Nhưng chúng ta đi đánh cá, đánh cá thông thường là ngư dân dùng lưới, một mẻ lưới đánh xuống thì vẫn là hữu hạn. Chúng tôi trước đây đã từng làm chuyện này, thấy quá tồi tệ, là dùng thuốc nổ TNT để đánh cá. Sau khi thuốc nổ phát nổ thì hàng ngàn hàng vạn con cá, nó không phải bị nổ chết, mà do chấn động chết. Tôi trước đây là theo cha tôi đi săn hết ba năm. Tôi còn nhớ, là tôi năm 16, 17, 18 tuổi, ba năm này. Khi đọc đến đoạn kinh văn này, thấy cha của mình bị báo ứng quả là như vậy, cha tôi mất năm 45 tuổi, khi mất là trong trạng thái kinh hãi điên cuồng, chính mắt tôi nìn thấy tình cảnh này, là quả báo hiện đời. Cha tôi phát bệnh giống như điên cuồng vậy. Người gầy còn da bọc xương, mà sức mạnh đến mấy người cũng không thể ngăn cản nổi, nhìn thấy nước thì muốn chui xuống nước, nhìn thấy núi thì muốn chạy lên núi. Tôi ngĩ đến là do quả báo săn bắn. Sau khi tôi đọc kinh văn này xong bèn phát tâm ăn chay trường, biết nghiệp sát sanh quá nặng, là đích thân trải nghiệm, cho nên cảm nhận rất sâu. Sau đó xem thấy trong Phật pháp nói tất cả chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay nhân quả tuần hoàn. Trong kinh này nói là nhân dây dưa không dứt, đời đời kiếp kiếp đền trả nhau không bao giờ dứt. Tuy là không biết tạo tác tội nghiệp, nhưng không thể nói không biết thì không có quả báo, không biết vẫn có quả báo như thường. Nếu như sau khi học Phật rồi, hiểu rõ những đạo lý này, mà vẫn tạo tác tiếp là phạm hai tội nặng, là cộng thêm tội phá giới nữa. Giới luật cơ bản là Ngũ Giới không sát sanh, đây là giới sát sanh, là cộng thêm tội phá giới. Khi chưa học Phật, chưa có nghe được Phật pháp, sát sanh là tánh tội. Bất kể bạn có thọ giới hay không đều là có tội. Chúng ta biết quả báo thật đáng sợ, nên tuyệt đối không được làm việc này. Sau khi tôi học Phật hiểu rõ đạo lý này rồi, bèn ăn chay trường, phóng sanh. Những gì mà cả đời tôi làm, thông thường nói việc tu phước, tôi chỉ làm ba việc là: phóng sanh, giúp đỡ người bệnh khổ. Tôi không có phước báo, tài lực rất hữu hạn, có một chút cúng dường, tôi làm việc gì vậy? Phóng sanh, quyên tặng vào trong bệnh viện để làm phí chữa bệnh cho người nghèo khổ, việc thứ ba là in kinh bố thí, còn những việc khác tôi không làm. Bản thân tôi không chủ trương xây đạo tràng, nên có quả báo là không có chỗ ở, cả đời ở đạo tràng của người khác, cũng rất tốt, bản thân không có đạo tràng. Trên thực tế nguyên nhân là do phước báo của mình quá nhỏ, làm việc tốt nhỏ, công đức nhỏ. Xây đạo tràng lớn phải có phước báo lớn, mà tôi không có phước báo lớn như vậy. Khi chưa có học Phật đã tạo tội nghiệp rất sâu, thời còn học sinh làm cho thân Phật chảy máu, tôi đã kể cho quý vị nghe rồi. Đã tạo tội nghiệp địa ngục A-Tỳ. Săn bắn cũng là bị tội báo địa ngục A-Tỳ. Cho nên năm xưa người ta nói tôi bị đoản mạng, ngay cả Phật sống Cam Châu cũng nói tôi bị đoản mạng, không có phước báo. Người rất thông minh, có một chút trí tuệ nhỏ, nhưng đáng tiếc không có phước báo, đoản mạng. Ngài nói với tôi, tôi thừa nhận, tôi tin. Trước đây tạo tác tội nghiệp nên bị cái quả báo này, là trong số mạng phải tiếp nhận, chứ còn lời nào để nói nữa? Cho nên tôi cũng không oán trời, không trách người. Phật sống Cam Châu nói với tôi, Ngài nói: Thầy mấy năm nay giảng kinh thuyết pháp, công đức này rất lớn. Ngài nói: Thầy không những có phước báo. Mà còn rất trường thọ. Ngài Cam Châu nói những lời này với tôi xong, thì năm thứ hai Ngài đã vãng sanh rồi. Ngài là bạn cũ, bạn đồng tu cũ của tôi.
“Nhược ngộ bội nghịch phụ mẫu giả, thuyết thiên địa tai sát báo” (Nếu gặp kẻ trái nghịch cha mẹ, thời Ngài dạy rõ quả báo trời đất tru lục.)
Sự việc này là bất hiếu với cha mẹ, không những bất hiếu với cha mẹ, vả lại là trái nghịch cha mẹ, như ở trên lời nói, hành vi làm tổn thương cha mẹ. Thời xưa có nhưng ít, hiện nay thì nhiều rồi. Năm xưa tôi cầu học ở Đài trung, thầy Lý đã kể cho tôi nghe một câu chuyện, đây là chuyện có thật vào đời triều Thanh. Lúc kể niên đại cũng lâu xa rồi, thầy lúc đó có nói ra địa danh, hiện nay tôi cũng không thể nhớ nổi. Thời tiền Thanh có một người con trai giết cha của mình, đây là trái nghịch cha mẹ. Vào lúc đó triều Thanh đã ra mệnh lệnh, tri huyện địa phương, tức là huyện trưởng bị cách chức, còn phải đi tù, xử tội phải ngồi tù. Tại sao vậy? Vị quan địa phương này của bạn, không dạy con dân trăm họ tốt, đây là bạn chưa có làm tròn trách nhiệm, cho nên là thủ trưởng ở địa phương bị xử cách chức. Quan Tuần Phủ là tương đương với tỉnh trưởng bị ghi tội, xử phạt rất nghiêm. Các bạn là quan chức địa phương, quan địa phương gọi là quan phụ mẫu. Sao bạn có thể dạy ra loại người như vậy? Xử phạt như vậy còn chưa đủ, có thêm một loại xử phạt nữa là, trước đây ở thành đô đều có tường thành, dỡ bỏ một góc tường thành. Nói rõ địa phương các bạn đã sinh ra một người đại bất hiếu như vậy, đây là sự sỉ nhục của cả đô thị của bạn. Trên tường thành bị dỡ bỏ một góc. Trước đây nói là hoàng đế chuyên chế, hoàng đế thật sự chịu trách nhiệm, chứ không phải không chịu trách nhiệm. Họ bổ nhiệm quan địa phương, nên tỉnh thị trưởng phải chịu trách nhiệm thay họ giữ gìn cho được phong tục tốt lành, phải giáo hóa, phải làm tốt. Hiện nay trên tin tức báo chí thường hay đăng tin, ai chịu trách nhiệm? Không có ai chịu trách nhiệm cả. Dân chủ, mọi người đều làm chủ. Mọi người đều làm chủ, mọi người đều không chịu trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Xã hội này làm sao có thể tốt được? Trước đây pháp sư Diễn Bồi, có một lần nói chuyện vui tại nơi này. Ngài hỏi tôi: Pháp sư Tịnh Không, rốt cuộc là thầy tán thành quân chủ, hay là dân chủ? Tôi nói, tôi tán thành quân chủ. Ngài nói đùa, thầy lạc hậu rồi! Tôi nói, tôi mới không lạc hậu? Quân chủ với dân chủ nếu so sánh thật tỉ mỉ, thì quân chủ có nhiều cái hay hơn dân chủ. Quân chủ là chịu trách nhiệm, còn dân chủ không chịu trách nhiệm, tôi nói lời này không có gì quá đáng, sự thật bày ngay trước mắt. Quân chủ họ muốn hy vọng chính quyền của họ được tiếp nối mãi xuống đời sau, nên họ nhất định phải làm tốt. Người nối nghiệp họ, Thái Tử người nối nghiệp là được vị thầy ưu tú nhất của cả nước đến hướng dẫn, dạy dỗ cho họ, khiến họ nhận được sự giáo dục tốt nhất, biết yêu quốc gia, yêu nhân dân, biết tìm kiếm lợi ích cho nhân dân, thì chính quyền của họ mới có thể kéo dài, mới có thể truyền đời này sang đời khác. Nếu họ làm không tốt, thì chính quyền của họ sẽ bị người khác lấy mất, cho nên họ làm một cách rất cẩn trọng tỉ mỉ. Dân chủ được bầu lên có bốn năm, sau bốn năm giao lại cho người khác, nên họ sẽ không nghĩ cho thật dài lâu. Thời đại quân chủ, họ nghĩ đến kế sách dài lâu cả trăm năm. Họ có thể nghĩ một trăm năm, họ sẽ cống hiến cho nước một trăm năm, họ có thể nghĩ hai trăm năm thì cống hiến cho nước hai trăm năm, họ không thể chỉ nghĩ mấy năm, nghĩ mấy năm chính quyền của họ không bị lật đổ là điều không thể. Cho nên chúng ta phải thật khách quan để quan sát sự thật. Tiên sinh Tôn Trung Sơn đã lật đổ chuyên chế, xây dựng nền cộng hòa, ý tưởng của ông thật sự mà nói là hay vô cùng. Đáng tiếc tuổi thọ quá ngắn, nên đường lối của ông không đủ tuyên dương. Ông xây dựng một chính đảng, dùng chính đảng này thay thế cho một gia tộc, đường lối này của ông là như vậy, tập hợp được ưu điểm của quân chủ và dân chủ, tránh được khuyết điểm của quân chủ và dân chủ. Tôi rất kính trọng, ngưỡng mộ, khâm phục đối với tiên sinh Tôn. Ông là xây dựng một đảng chuyên chính, người trong đảng là do dân chủ bầu chọn ra. Nhưng chuyên chính có sở trường của quân chủ. Ông chọn lấy những ưu điểm xưa nay trong và ngoài nước, và đào thải khuyết điểm của nó, dùng phương pháp này để trị nước. Trước đây đế vương là gia tộc, đây là người trong gia đình quản lý quốc gia. Hiện nay xây dựng một chính đảng, là muốn những nhân tài có trí tuệ trong cả nước, tập hợp lại với nhau để quản lý quốc gia, dùng phương pháp này để thay thế cho gia tộc, cái ý tưởng này rất hay, không phải chính trị đa đảng. Ý tưởng nghĩ rất hay, đáng tiếc là không làm được. Người hiểu được đường lối của ông không nhiều. Tại sao không thể phát huy rạng rỡ đường lối này vậy? Suy cho cùng lại vẫn là một câu: Không có đọc sánh thánh hiền. Nếu như cũng có thể dùng tinh thần giáo dục truyền thống vốn có của Trung Quốc, thì đường lối này của ông, có thể xây dựng được nền tảng vững chắc, đó thật sự là may mắn của dân tộc quốc gia. Cho nên chúng ta nhìn vấn đề, phải nhìn thật sâu, phải nhìn thật xa, phải có tầm nhìn lịch sử. Người Trung Quốc gọi là sự thật lịch sử. Kinh luận là tri thức, lịch sử là kiến thức, bạn mới có thể hiểu được một cách đại khái về chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sinh, mới có thể tránh khỏi biết bao nhiêu sai lầm, thật sự tìm kiếm hạnh phúc cho nhân dân, cho quốc gia, cho chúng sanh, đây là người có lý tưởng và lòng nhân đức. Kinh điển của Phật giáo có thể nói là loại sách trí tuệ cứu cánh viên mãn, người có thể hiểu được càng ít hơn. Tại sao không thể hiểu được vậy? Vì cần phải đem tập khí thói xấu tham sân si mạn đào thải cho thật sạch sẽ, bạn mới có thể hiểu được. Điểm này là quá khó, quá khó rồi. Có người phàm phu nào mà không có tham sân si đâu? Nho Gia hiểu rõ đạo lý này, hy vọng bạn có thể khắc phục, áp chế được nó là được rồi, họ không bảo bạn dứt trừ. Mục đích của Phật pháp là dạy bạn thoát khỏi tam giới, thoát khỏi tam giới nếu không dứt trừ thì không được. Nho Gia chưa có thoát khỏi tam giới. Hay nói cách khác chỉ nói đến nhân thiên. Thiên vẫn còn ở cõi trời dục giới, chứ chưa đến cõi trời sắc giới, vì chưa có dứt bỏ dục. Họ chỉ dạy bạn khống chế được dục thôi, dục không thể tăng trưởng, còn cỡ như vậy là được rồi, không được tăng trưởng thêm nữa, họ dạy bạn cái này. Còn mục đích của Phật pháp là thoát khỏi tam giới. Muốn thoát khỏi tam giới thì nhất định phải dứt trừ. Chúng ta biết rõ chỉ có đoạn phiền não thì trí tuệ Bát nhã vốn có trong tự tánh mới có thể hiện tiền, không đoạn phiền não thì chắc chắn không thể hiện tiền. Phật nói: Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như-lai. Cho nên tất cả chúng sanh không có khác gì so với chư Phật Như-lai. Hiện nay ở trên hình thức tại sao có sự khác biệt lớn như vậy? Vì trên trí tuệ đức năng của chúng ta có chướng ngại, Phật không có chướng ngại. Chướng ngại là gì vậy? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, là ba loại chướng ngại lớn. Cho nên chúng ta vốn dĩ có trí tuệ cứu cánh viên mãn. Nay trí tuệ không còn nữa, trí tuệ biến thành phiền não rồi. Vốn dĩ là cảnh giới đại Niết bàn bất sanh bất diệt, nay đại Niết bàn biến thành sanh tử luân hồi. Bạn nói có oan uổng hay không! Vốn dĩ có phước đức viên mãn, hiện nay phước đức đã biến thành nghiệp chướng rồi, sống đời sống khổ như vậy, cũng là bởi do không thể đào thải hết những lớp chướng ngại này. Cho nên lời Phật dạy chúng ta, là lời hay, là lời chân thật, dạy chúng ta dập tắt tham sân si, siêng tu giới định tuệ, đây là con đường sống, là con đường sáng suốt ra khỏi lục đạo luân hồi, thoát khỏi biển khổ. Những thứ nhân quả này, sau khi chúng ta học xong phải biết, nhân như thế nào sẽ có quả báo như thế nào. Thiên địa tai sát, trái nghịch cha mẹ, trước đây bị những pháp luật nhân gian này xử phạt là hoa báo, còn quả báo ở địa ngục. Những sự việc này ở trong bút ký cổ xưa của Trung Quốc có ghi chép rất nhiều, ở trong chính sử cũng có ghi chép, đều là sự thật chứ không phải là giả. Hiện nay người trái nghịch cha mẹ rất nhiều, giống như không có quả báo. Quý vị vẫn còn trẻ, đợi thêm mấy năm nữa thử xem có quả báo hiện tiền hay không? Đã tạo ra nhân rồi thì không có chuyện là không có quả báo. Câu dưới đây, chúng tôi hiện nay đọc đến cảm nhận còn sâu hơn nữa:
“Nhược ngộ thiêu sơn lâm mộc giả thuyết cuồng mê thủ tử báo” (Nếu gặp kẻ đốt núi rừng cây cỏ, thời Ngài dạy rõ quả báo cuồng mê đến chết.)
Thời gian trước Singapore bị tai họa khói mù. Nghe nói Malaysia, Indonesia khắp nơi rừng đều bị đốt. Nhất định phải biết, tất cả mọi tạo tác tội nghiệp, thì tội nghiệp đốt rừng là nặng nhất. Bạn thử nghĩ xem khi rừng hoang đó cháy lên thì bao nhiêu sinh linh đều mất mạng? Không biết nhiều hơn săn bắn gấp bao nhiêu lần. Săn bắn chúng ta dùng phương pháp gì đi nữa thì cũng không hại mạng chúng sanh nhiều bằng đốt rừng. Khi đốt một khu rừng, giết hại chúng sanh luôn tính bằng con số hàng triệu, chục triệu, những động vật nhỏ đó một con cũng không thể chạy thoát. Thật sự tạo tác tất cả tội nghiệp không có tội nào nặng hơn tội này. Đây là đại giới sát sanh. Cuồng mê thủ tử, “cuồng mê đến chết”, là quả báo hiện đời, là hoa báo. Quả báo chắc chắn là ở địa ngục A Tỳ. Thọ tội ở địa ngục A Tỳ, trong kinh nói là vô số kiếp. Sau khi trải qua vô số kiếp trở ra, những chúng sanh bạn giết chết này, tương lai phải đền mạng. Không phải nói giết rồi là xong chuyện, đọa địa ngục, chịu tội ở địa ngục rồi là xong chuyện, thế thì quá thuận tiện cho bạn. Thiếu tiền thì trả tiền, thiếu mạng thì đền mạng, bạn nói cái nhân quả này đáng sợ biết bao. Bạn giết một chúng sanh, bạn tương lai phải đền một mạng, giết hai mạng thì phải đền hai mạng, bạn giết bao nhiêu thì tương lai bạn phải đền bấy nhiêu. Tu hành chứng quả cũng không được, không thể nói là tu hành chứng quả là hết chuyện, là có thể thiếu nợ mà không trả tiền, nợ mạng mà không đền mạng. Như thế chẳng phải Phật pháp đã phá hoại định luật nhân quả rồi sao? Quý vị phải biết, Phật Thích Ca Mâu Ni thành Phật rồi, vẫn phải chịu quả báo ăn lúa mạch dành cho ngựa ba tháng. Bạn thử nghĩ xem nhân quả báo ứng, thành Phật cũng không thể tránh khỏi. Các bạn xem thấy An Thế Cao ở trong “Cao Tăng Truyện”. An Thế Cao phải đền hai lần thiếu mạng tại Trung Quốc. Đời trước đã ngộ sát người, nên đời này cũng bị người ngộ sát, giết chết. Làm chứng minh cho chúng ta, nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy. Ngài là người chứng quả, người chứng quả tự mình biết rõ, cam tâm tình nguyện đến trả nợ mạng. Bị người ta giết, mà vẫn rất vui vẻ, nợ dứt rồi, nợ hết rồi. Nếu như chúng ta ngày nay bị người ta trộm, bị người ta cướp, bị người ta hại, Phật ở trong kinh nói hãy nghĩ là mình trả nợ. Là do chúng ta chưa có trí tuệ, không có thần thông, nên không biết việc quá khứ, trong tâm nghĩ là trả nợ, vui vẻ không có một chút xíu tâm oán hận. Bị người ta lừa, bị người ta hãm hại, hãy nghĩ là trả nợ, món nợ này đến đây là hết rồi. Nói thực ra không phải ta nợ họ tức là họ nợ ta, chẳng phải sự việ nó là như vậy sao? Ta nợ họ, tốt quá trả rồi. Họ thiếu ta, không cần nữa, không cần đi đòi nợ ở đời sau nữa, cứ đòi tới đòi lui, chẳng phải là dây dưa hoài không dứt sao? Nợ người ta thì trả cho họ, người ta nợ mình thì không cần nữa, đỡ mắc công. Đây mới là cách làm thông minh trí tuệ. Câu này chúng ta không những phải nhớ kỹ, mà phải thường nói cho người khác nghe. Giết hại sinh linh nhất định phải đền mạng. Bạn đốt núi rừng, bạn biết bạn giết chết bao nhiêu sinh linh không? Những động vật nhỏ ở dưới đất đó, động vật nhỏ như kiến, có bao nhiêu con? Tương lai trả nợ mạng, đọa vào đường súc sanh trả nợ mạng trả không xong. Tội nghiệp mà trong một đời ngắn ngủi mấy chục năm tạo ra, trả vô lượng kiếp vẫn không xong, quá đáng sợ. Chúng ta ở trong đời này, nếu như thật sự giác ngộ, thật sự có trí tuệ, đời sống sống gian khổ đi nữa cũng không có sao cả. Tuyệt đối không được phép lợi dụng người khác một tí xíu nào. Nhất định phải giữ tâm tốt, làm việc tốt, tích đức tu thiện, đời này sau khi chết rồi, thì đời sau có chỗ tốt để đến, đời sau nhất định không được đọa ba ác đạo, đọa ba ác đạo thì nguy to. Có lẽ có đồng tu sẽ nói, tôi đã tạo những tội nghiệp này thì làm thế nào? Bản thân tôi là một điển hình, là một điển hình rất tốt. Lúc nhỏ còn trẻ, thích ăn, ăn thịt chúng sanh, không thích ăn thịt súc sanh do nhà nuôi, thích ăn thịt rừng. Hằng ngày đi săn bắn, cho nên gặp báo ứng, là báo ứng đoản mạng. Đoản mạng là quả báo hiện đời, tương lai đọa địa ngục A Tỳ là quả báo. Sau khi ra khỏi địa ngục A Tỳ thì phải đi trả cho từng món nợ một. Bạn đã tạo nhân thì đâu có lý nào không nhận quả báo? Nhưng Phật nói cho chúng ta biết, chỉ cần bạn còn chưa dứt hơi thở, thì bạn vẫn được cứu. Tuy đã tạo tội nghiệp địa ngục A Tỳ, Phật cũng có cách cứu. Vấn đề là bạn có tin hay không? Nếu bạn không tin, thì bạn sẽ không được cứu. Nếu bạn chịu tin, bạn vẫn được cứu. Phật dạy phải sám trừ nghiệp chướng. Chúng ta đọc thấy ở trong kinh, vua A Xà Thế tạo tội ngũ nghịch, giết cha, giết mẹ, kết giao với Đề Bà Đạt Đa phá hoại tăng đoàn, phá hòa hợp tăng, Đề Bà Đạt Đa làm cho thân Phật ra máu, hai người ác này. Vua A Xà Thế đến lúc lâm chung mới giác ngộ, biết mình trước đây đã tạo lỗi lầm lớn. Biết sai rồi, nên cầu sám hối với Phật. Phật dạy ông ta niệm Phật A-Di-Đà cầu sanh Tịnh Độ, ông dùng tâm chí thành chân thành sám hối, sức mạnh sám hối vượt qua nghiệp lực của ông, nên ông vãng sanh thế giới Cực lạc. Vả lại phẩm vị vãng sanh rất cao, Phật nói ông ta vãng sanh là Thượng Phẩm Trung Sanh. Người học Phật chúng ta, nhìn thấy chỗ này cảm thấy không phục, tạo tác tội nghiệp nặng như vậy, thì vãng sanh hạ hạ phẩm là coi như đã tốt quá rồi. Sao có thể là thượng phẩm trung sanh được? Mới biết sức mạnh của sám hối là không thể nghĩ bàn. Có một niệm tâm hối hận thì người đó là người chí thiện, đích thực là người thiện. Ở trong Ngạn ngữ chúng ta thường nói: “Người có lỗi biết hối lỗi quý hơn vàng”. Ông ta thật sự quay đầu rồi. Vừa quay đầu vậy liền siêu phàm nhập thánh. Siêu phàm nhập thánh, xin thưa với quý vị, không còn thọ tội nghiệp địa ngục nữa, có thể miễn tội này. Nợ có phải trả không vậy? Vẫn phải trả. Cách trả như thế nào? Bồ-tát thuyết pháp độ chúng sanh là trả nợ. Ở trong độ chúng sanh cũng có gặp phải rất nhiều điều bất như ý, thảy đều là trả nợ cả. Giống như Phật Thích Ca Mâu Ni, đây là ở trên quả địa Như-lai độ chúng sanh, bạn thấy ở trong đồ chúng xuất gia của Ngài vẫn có Lục Quần Tỳ Kheo, vẫn có Đề Bà Đạt Đa, hằng ngày quấy nhiễu Ngài, hằng ngày khiến Ngài sinh phiền não, đây là trả nợ, là oan gia trái chủ trước đây. Cho nên Thế Tôn năm xưa còn tại thế, đã biểu diễn làm mẫu cho chúng ta thấy. Bản thân Ngài còn không thể tránh khỏi, thì pháp sư xuất gia hậu thế chúng ta, bị một số người đến kiếm chuyện sinh sự, phỉ báng hãm hại, là chuyện bình thường. Triều Minh ngài Hám Sơn, đại sư Hám Sơn vẫn phải bị ngồi tù rất nhiều năm. Đại sư Lục Tổ Huệ Năng Thiền Tông, còn phải trốn trong nhóm thợ săn 15 năm, đó là Bồ-tát minh tâm kiến tánh đích thực, chứ không phải người bình thường. Làm người cấp dưới, làm người giúp việc trong nhóm thợ săn, nấu cơm, giặc quần áo cho họ, hầu hạ những người thợ săn này, thời gian không phải là ngắn, 15 năm, phải chịu sự sỉ nhục lớn như vậy, là do tội nghiệp, oan gia trái chủ đời trước, bạn không thể không trả nợ. Từ những chỗ này, chúng ta tưởng tượng thấy, Phật ở trong kinh nói cho chúng ta biết những chân tướng sự thật này, nghiệp nhân quả báo không mảy may sai chạy. Đúng như lời nói: “Không phải không có báo, mà do thời giờ chưa đến.” Thời tiết nhân duyên, cũng là nhân duyên quả báo rất phức tạp. Duyên này chắc chắn sẽ có một ngày gặp phải, chắc chắn sẽ có một ngày bạn nhận báo ứng. Câu này dưới đây:
“Nhược ngộ tiền hậu phụ mẫu ác độc giả, thuyết phản sanh tiên thát hiện thọ báo.” (Nếu gặp cha ghẻ, mẹ ghẻ ăn ở độc ác, thời Ngài dạy rõ quả báo thác sanh trở lại hiện đời bị roi vọt.)
Đây là người thế gian chúng ta gọi là cha mẹ ghẻ. Bởi vì con cái không phải đích thân mình sinh ra, nên thường hay ngược đãi. Họ hiện nay còn nhỏ, bạn ngược đãi họ, họ sẽ ghi hận trong tâm. Tương lai bạn già rồi, họ trưởng thành rồi, thì báo thù sẽ đến thôi, là quả báo hiện đời. Cho nên Phật dạy chúng ta một nguyên tắc chung, cương lĩnh chung chúng ta phải nhớ kỹ là không kết oán thù với tất cả chúng sanh, đây là nguyên tắc chung, cương lĩnh chung. Thà bị người khác làm nhục, hãm hại, chứ bản thân chúng ta tuyệt đối không được có ý nghĩ báo thù, vậy chúng ta đời này mới có thể thoát khỏi tam giới được. Nếu như có một niệm oán trời trách người, có một ý niệm ôm hận. Hay nói cách khác, bạn vẫn phải tạo lục đạo luân hồi như cũ. Quan hệ của bạn với những oan gia trái chủ này không có cách gì thoát ra được, đời đời kiếp kiếp đền trả cho nhau, mỗi lần một tàn khốc hơn, tội nghiệp bạn tạo tác là cực nặng, vô cùng đáng sợ. Kinh Đại Thừa khi quý vị đọc nhiều thật sự thấy sởn tóc gáy. Chúng ta trước kia tạo tác tội nghiệp, không những đời này, đời này bản thân chúng ta biết, còn có đời quá khứ nữa, những tội nghiệp từ vô thỉ trong quá khứ tích lũy lại nguy hiểm vô cùng, càng nghĩ càng đáng sợ, càng nghĩ biết sự việc này nghiêm trọng, rất khủng khiếp. Nếu bạn ở lại trong lục đạo, thì oan gia trái chủ vô lượng vô biên, làm gì có cuộc sống tốt đẹp được? Cho nên thế gian này chúng ta hãy bình tĩnh mà quan sát, có người nào không vất vả đâu? Bất kể bạn ở thế gian này hưởng giàu sang cỡ nào, tuy bạn hưởng giàu sang, thì oan gia trái chủ vẫn cứ bao vây bạn. Quan sát thật kỹ thấy cuộc sống của họ cũng khổ, điều này chúng ta cần biết rõ, cần sáng tỏ. Chúng ta gặp được Phật pháp, mới tìm được một con đường sống, tìm được con đường ra khỏi. Thoát khỏi sanh tử luân hồi, tạm thời thoát khỏi những oan gia trái chủ này, không phải thoát khỏi vĩnh viễn, chỉ tạm thời thoát khỏi. Sau khi thoát khỏi rồi, chúng ta về thế giới Tây Phương Cực Lạc, đến nơi đó làm Bồ-tát, làm Phật, sau đó trở lại trả nợ tiếp. Trong kinh Phật nói rất rõ ràng: “Phật không độ người không có duyên”. Oan gia trái chủ đều có duyên với ta, tương lai ta sẽ đến độ họ. Từ đó cho thấy, oan gia trái chủ nhiều cũng không phải không tốt, cũng rất tốt, tương lai độ chúng sanh nhiều, quay trở lại giúp họ thành Phật, giúp họ cũng có thể thoát khỏi biển khổ. Câu sau cùng:
“Nhược ngộ võng bổ sanh sô giả, thuyết cốt nhục phân ly báo.” (Nếu gặp kẻ dùng lưới bắt chim non, thời Ngài dạy rõ quả báo cốt nhục chia lìa.)
Đây cũng là việc đích thân tôi trải qua, tôi từng làm việc này, và bị cái báo ứng này. Trong đời tôi người thân không thể đoàn tụ. Nên khi mở bản kinh ra, tôi tạo nhân này, nên bị quả báo này, rõ ràng như vậy, minh bạch như vậy. Đích thân trải qua nên cảm nhận sâu vô cùng. Xem tiếp đoạn dưới đây:
“Nhược ngộ hủy báng Tam Bảo giả, thuyết manh lung âm á báo.” (Nếu gặp kẻ hủy báng Tam Bảo, thời Ngài dạy rõ quả báo đui, điếc, câm, ngọng.)
Những lời này, Phật nói ở trong kinh đều là nói hoa báo. Còn quả báo ở địa ngục. Chúng ta đem câu này dưới đây hợp chung lại xem:
“Nhược ngộ khinh pháp mạn giáo giả, thuyết vĩnh xứ ác đạo báo.” (Nếu gặp kẻ khinh chê giáo pháp, thời Ngài dạy rõ quả báo ở mãi trong ác đạo.)
Khinh chê Phật pháp, thờ ơ với việc hoằng pháp. Giáo là hoằng pháp lợi sinh. Bạn dùng tâm khinh mạn đối với những việc này. Hay nói cách khác là không coi trọng. Tại sao có quả báo nặng như vậy? Từ Phật pháp chúng ta cũng có thể liên tưởng đến pháp thế gian. Ở trong pháp thế gian giáo dục là gốc rễ, là gốc rễ của hạnh phúc cá nhân, là gốc rễ của gia đình mỹ mãn, gốc rễ của xã hội ổn định, gốc rễ của thế gian hòa bình. Bạn phá hủy gốc rễ rồi, thì thế gian này sao mà không loạn được? Nền giáo dục Nho Gia, nói lời thành thật, tuy chính sách, phương hướng, mục tiêu của giáo dục Trung Quốc là do Hán Vũ Đế lập ra. Quốc gia chọn cái này để làm tông chỉ giáo dục, mãi cho đến thời Mãn Thanh, triều đại không ngừng thay đổi. Nhưng chính sách giáo dục của Trung Quốc không có thay đổi, hai ngàn năm không có thay đổi. Nếu như thời gian này, quốc gia thật sự chấp hành, có thể làm thêm vài phần thì quốc thái dân an. Nếu như không coi trọng thì thiên hạ đại loạn. Điều này có thể nhìn thấy chứng cứ trong lịch sử rất chính xác. Ở trong “Học Ký” nói với chúng ta: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên” (Xây dựng đất nước, lãnh đạo nhân dân, giáo dục là trên hết) là không sai chút nào cả. Xây dựng một quốc gia, xây dựng một chính quyền, lãnh đạo nhân dân cả nước điều gì là quan trọng nhất? Là giáo dục. Giáo học vi tiên. Nếu như là khinh chê giáo pháp, thì vấn đề là nghiêm trọng rồi. Trung Quốc từ xưa đến nay, không phải dùng pháp để trị quốc. Người Phương Tây hiện nay nói pháp trị. Người Trung Quốc chúng ta cao siêu hơn họ, người Trung Quốc nói lễ trị. Trung Quốc từ xưa đến nay là nói: Đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ, dùng năm chữ này để trị thiên hạ, để trị quốc. Cái dụng của Lễ, hòa là quý nhất. Phật pháp chúng ta nói Lục Hòa Kính. Tuy họ không nói Lục Hòa, chí ít cũng nói được tam hòa. Chúng ta ngày nay đến Bắc Kinh, thử xem Cố Cung của triều Thanh. Cố Cung này là ba đời Nguyên, Minh, Thanh, hoàng cung ba đời đều là ở một chỗ, hơn 700 năm. Công trình kiến trúc chủ yếu nhất của nó, dân gian chúng ta gọi là Điện Kim Loan. Thực ra nó không gọi là Điện Kim Loan, mà gọi là Điện Thái Hòa. Nó gọi là hòa. Phía sau điện Thái Hòa là điện Trung Hòa, phía sau nữa là điện Bảo Hòa. Bạn thử xem là ý nghĩa gì? Đế vương là người có thông minh trí tuệ, dùng hòa để trị thiên hạ, ý nghĩa này sâu xa biết bao, cho nên họ có thể duy trì đất nước hơn 260 năm, không phải không có đạo lý. Nếu như những hoàng đế cuối năm triều Thanh như Từ Hy này, vẫn tuân thủ theo những nguyên lý, nguyên tắc của tổ tiên xưa, thì ngày nay vẫn là thiên hạ của triều Thanh, vẫn là nước Đại Thanh. Sao nó có thể mất nước được? Vô cùng đáng tiếc, do con cháu đời cuối quên mất lời giáo huấn của tổ tiên rồi, tùy tiện làm càng nên nó mới bị mất nước. Cho nên căn cứ theo nguyên lý, nguyên tắc của giáo dục Trung Quốc, một triều đình lập nên có thể kéo dài ngàn năm, muôn đời, bạn chỉ cần làm theo thì trăm họ người nào cũng được hưởng phước, sẽ không nghĩ đến phải lật đổ chính quyền của bạn. Tại sao vậy? Chính quyền quá tốt rồi, chính phủ quá tốt rồi, được toàn dân ủng hộ. Bạn làm họ không hài lòng, trái ngược lòng người, thì người ta mới tạo phản. Bạn có thể thuận theo lòng người, có thể mọi thứ thật sự là yêu dân như con, mọi thứ đều có thể chăm sóc rất chu đáo, yêu thương họ, quan tâm họ, hết lòng hết sức chăm sóc đời sống của họ, thì đâu có chuyện không được nhân dân ủng hộ? Chính quyền này của bạn là ngàn năm muôn đời, đó là lẽ đương nhiên. Bạn không yêu nhân dân, bạn chà đạp nhân dân, không bảo vệ nhân dân, không quan tâm đến sự sống chết của nhân dân, thì nhân dân đương nhiên tạo phản. Lịch sử là tấm gương rất sáng tỏ. Kinh luận là tri thức, lịch sử là tấm gương, là làm chứng minh cho chúng ta. Nền giáo dục Phật Đà có ảnh hưởng yên bình hay loạn lạc đối với xã hội Trung Quốc cũng vô cùng rõ rệt. Các triều đại Trung Quốc, khi triều đại nào hưng vượng nhất, thì lúc đó Phật pháp hưng thịnh nhất. Khi triều đại này suy bại nhất, thì Phật pháp cũng suy bại, ở trong đây làm nhân quả cho nhau. Tại sao có hiện tượng này? Phật pháp dạy người hướng thiện. Phật pháp hưng vượng, thì lòng người lương thiện. Phật pháp suy vi, hay nói cách khác, người tin Phật ít, người thiện ít, tâm thiện ít, người làm ác nhiều. Sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, đế vương các đời của Trung Quốc, không có vị nào không chăm chỉ nỗ lực học tập, đem Phật pháp phát huy rạng rỡ, nền giáo dục Phật giáo được phổ biến rộng xuống đến dân gian, tạo nên nếp sống tốt đẹp của xã hội. Mọi người hiểu được nhân quả báo ứng, nên khởi tâm động niệm tự nhiên sẽ bớt phóng túng, không cần dùng pháp luật. Đây tuyệt đối không phải chính sách ngu dân, tuyệt đối không phải lừa gạt trăm họ, ở trong đây có chân lý, chân tướng sự thật. Câu này dưới đây:
“Nhược ngộ phá dụng thường trụ giả, thuyết ức kiếp luân hồi địa ngục báo.” (Nếu gặp kẻ lạm phá của thường trụ, thời Ngài dạy rõ quả báo ức kiếp luân hồi nơi địa ngục.)
Lạm phá của thường trụ, phần trước đã giảng qua rồi, đây là thuộc về giới trộm cắp. Trộm của thường trụ. Phật nói ở trong kinh, tạo tội nặng thế nào đi nữa, Phật Bồ-tát cũng có thể cứu được, chứ trộm của thường trụ thì Phật không thể cứu. Chúng ta phạm tội này thì làm thế nào? Tội này rất dễ phạm. Chúng ta trộm cắp, trộm đồ của một người thì kết tội nhẹ, tương lai trả nợ chỉ trả cho một người. Nếu như trộm đồ của quốc gia, thì sự việc rất phiền phức, tương lai trả nợ phải trả cho mọi người trong cả nước, họ đều là chủ nợ của chúng ta. Của cải quốc gia từ đâu mà có vậy? Do nhân dân nộp thuế mà có, cho nên người nào cũng là chủ nhân, tương lai khi trả nợ, bạn phải trả cho từng người một. Trung Quốc có một tỉ ba người, một tỉ ba người đều là chủ nợ của bạn, bạn có sức mà trả! Thường Trụ ở tỏng cửa Phật còn khủng khiếp hơn nữa! Nhưng mà quý vị phải biết, hiện nay sự thật không như vậy. Trước đây khi tôi giảng kinh ở Đài Loan, có một vị lão cư sĩ, vị lão cư sĩ này nay đã không còn nữa, đã vãng sanh rất nhiều năm rồi. Có một lần ông đặc biệt mời tôi ăn cơm, chỉ mời có một mình tôi, là chỉ có hai người chúng tôi ăn cơm ở trong quán ăn. Tôi hỏi, lão cư sĩ, ông hôm nay mời tôi có chuyện gì không? Ông nói: Tôi có một vấn đề thật không biết xử lý thế nào, muốn thỉnh giáo pháp sư. Tôi hỏi, vấn đề gì vậy? Ông nói: Phá hòa hợp tăng, trộm của thường trụ, cái này đọa địa ngục A Tỳ vĩnh viễn không thể trở lại thân người, vậy thì làm sao đây? Sau khi tôi nghe xong, tôi mỉm cười và nói: Ông nhìn thấy phá hòa hợp tăng ở nơi nào. Ông nhìn thấy ở đâu? Tôi vừa hỏi vậy, sau khi ông hồi tưởng xong cũng ngây người. Tôi nói cả đời tôi giảng kinh thuyết pháp khắp nơi, tôi chưa từng gặp thấy tăng đoàn hòa hợp. Tại sao vậy? Người xuất gia ở nơi đó cũng cãi nhau, cũng đấu tranh. Tôi hỏi, ông gặp được tăng đoàn hòa hợp ở chỗ nào? Hiện nay của thường trụ là của thường trụ gì? Chùa đó là nhà của họ, họ không phải thập phương thường trụ, chúng ta đến nơi đó để xin quải đơn cũng không được, họ cũng không cho phép. Thế thì tính là của thường trụ gì chứ? Đó là nhà của họ mà. Tôi vừa nói vậy, thì ông mới bỗng nhiên vỡ lẽ. Phá hòa hợp tăng mà ông nói đó, là không phải phá hòa hợp tăng, là phá gia đình của họ, trộm của thường trụ là trộm của gia đình họ. Cái tội đó không có gì là ghê gớm cả. Trong chùa này của họ có năm ba người ở, tương lai chỉ trả nợ cho năm ba người đó. Tôi nói, cả đời tôi chưa từng gặp được tăng đoàn hòa hợp, chưa có gặp được đạo tràng thập phương thường trụ, chưa có gặp được. Tôi nói, ông có gặp được nói cho tôi biết với. Ông sau đó suy nghĩ, cũng chưa từng gặp được bao giờ. Thế tốt rồi, chúng ta ăn cơm thôi. Cho nên hiện nay chùa là chùa con cháu, chùa nhỏ, biến chất rồi, không phải thập phương thường trụ. Tương lai Cư Sĩ Lâm nơi đây xây dựng thôn Di Đà, đó mới là thập phương thường trụ. Ở trong đây nếu lấy cắp đồ ở nơi đó, thì kết tôi là như trong kinh nói. Đạo tràng Cư Sĩ Lâm Singapore, tuy là đạo tràng do cư sĩ tại gia lập nên, nhưng đạo tràng này là đạo tràng thập phương. Tứ chúng đệ tử trong cửa Phật, đều có thể xin quải đơn ở nơi này, nó đều không từ chối. Sau khi thôn Di Đà thành lập, thế thì càng thù thắng hơn nữa. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với tôi, người niệm Phật của bất kỳ quốc gia khu vực nào, xuất gia cũng được, tại gia cũng được, chỉ cần cầm được giấy tạm trú hợp pháp của Singapore, thì đạo tràng này đều đáp ứng. Bạn ở nơi đây thật thà niệm Phật, thì tứ sự cúng dường, cúng dường mãi cho đến khi bạn vãng sanh, đây là thường trụ, đây đích thực là thập phương thường trụ. Cư Sĩ Lâm, các bạn xem trai đường ở phía dưới, mỗi ngày cung ứng ba bữa tiệc cơ động, ăn cơm miễn phí, bất kể bạn có tin Phật hay không tin Phật, bạn đến đều có cơm ăn. Thậm chí là bạn phỉ báng Phật, phỉ báng Phật pháp, bạn bước vào cửa cũng cho bạn ăn, tuyệt đối không có bài xích. Cư Sĩ Lâm, chúng ta thấy ở nơi đó có rất nhiều người là ngoại giáo, là người của Cơ Đốc Giáo, của Thiên Chúa Giáo gần đó đều đến ăn, hết thảy đều cúng dường, cúng dường bình đẳng, đây là thập phương thường trụ. Cho nên nơi đó ăn cơm một ngày ba bữa, bạn cứ ăn thỏa sức, nhưng bạn không được lén lút mang một chút xíu cơm, rau ở trong đó về, cái đó thì phiền phức to rồi! Cái đó kết tội chính là kết tội theo hướng thập phương thường trụ, là không được phép. Nếu người ta mở tiệm cơm chay, mở tiệm, khi bạn đến trộm lấy đồ trong đó, thì cái tội đó rất nhỏ, cái đó không có gì. Chứ thập phương thường trụ Cư Sĩ Lâm này, cái kết tội này là rất nặng. Cho nên ngày nay trong đời chúng tôi gặp được thập phương thường trụ, quả thật sự chỉ có mỗi một cái là Cư Sĩ Lâm mà thôi! Nó chỉ có một điều kiện là bạn thật tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, thì bạn có thể thường trụ ở đạo tràng này. Nhưng người hiện nay không thật thà. Để phòng ngừa tệ nạn, như có một số người giả vờ đến đây để niệm Phật, đến tiếp nhận cúng dường, chúng ta chẳng phải bị lừa, bị gạt rồi sao? Cho nên nội quy của nó, là phải khiến bạn mỗi ngày phải đến niệm Phật đường niệm Phật, người ở nơi này cũng phải điểm danh, liên tục ba lần không có đến niệm Phật đường, thì mời bạn rời đi, mời bạn đi nơi khác, nơi đây không nhận giúp đỡ bạn nữa. Bạn cần phải không thiếu một thời khóa nào tại niệm Phật đường, thì thường trụ nơi này vui vẻ cúng dường bạn, bạn phải thật sự vì rõ dứt sanh tử, thật sự vì ra khỏi tam giới, thật sự vì cầu sanh Tịnh Độ, thì vui vẻ cúng dường bạn. Cho nên cái duyên này vô cùng thù thắng. Khi chúng tôi giảng “Kinh Hoa Nghiêm” đã từng nhắc qua với quý vị, Phật Tỳ Lô Giá Na lập nên thế giới Hoa Tạng, cúng dường và thành tựu cho những người tu hành, Phật A-Di-Đà lập nên thế giới Cực lạc giúp cho những người niệm Phật, và thành tựu cho họ làm Phật. Ngày nay Cư Sĩ Lâm lập nên đạo tràng này, là nhằm thành tựu cho người niệm Phật các nơi trên thế giới, giúp bạn vãng sanh Tịnh Độ, là không thể nghĩ bàn. Nơi đây đích thực là đạo tràng hy hữu khó gặp trên thế gian. Chúng tôi không dám nói sau này chắc không có nữa, nhưng đây thật sự là trước giờ chưa từng có, là đạo tràng do cư sĩ lập nên, vô cùng hy hữu khó gặp. Cho nên của thường trụ chúng ta cần hiểu rõ, nhân quả ở trong đây không thể nghĩ bàn.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.