KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 30
Chúng ta thể hội được rất sâu sắc ở trong Kinh Đại Thừa, chư Phật Bồ-tát đối với tất cả đặc biệt là chúng sanh khổ nạn, loại quan tâm yêu thương đó, thật sự là đạt đến cực điểm, có bao nhiêu chúng sanh có thể thể hội được, có thể hiểu được? Tuy chúng sanh không thể thể hội, có khi còn làm oan Phật, Bồ-tát, phỉ báng Phật Bồ-tát, nhưng tâm từ bi của Phật, Bồ-tát không hề giảm bớt một phần nào, đây là điểm tuyệt vời. Vẫn cứ yêu thương như thường, vẫn dùng đủ dạng phương tiện thiện xảo để giúp đỡ chúng sanh, để dạy dỗ khuyên bảo chúng sanh như thường. Bởi vì chúng sanh như lời trong kinh này nói là ương ngạnh khó giáo hóa, tà kiến, tà hạnh, không biết quay đầu, không biết sửa lỗi, nên chư Phật Bồ-tát ứng hóa ở trong đó, khéo léo uyển chuyển đang dạy dỗ khuyên bảo. Trong con mắt của phàm phu chúng ta đó là dùng hết tâm tư, loại ân đức này không gì sánh bằng. Bất kể là ở trên đạo lý, ở trên phương pháp, ở trong cảnh giới đều là cực kỳ phương tiện thiện xảo. Chúng ta mở quyển kinh ra, đọc những đoạn kinh văn này cần thể hội cho được. Trong bộ kinh này hiển thị ra Bồ-tát Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, đều là thiện tri thức chân thật. Đặc biệt là ở trong hội này chỉ dạy người sơ học, nói ra những chuyện tội khổ, tình trạng quả báo này với chúng ta, mục đích là dạy chúng ta tin nhân quả. Tin nhân thiện được quả thiện, nhân ác chắc chắn có ác báo. Chúng ta nghe qua lời nhắc nhở này, sau đó lại bình tĩnh quan sát xã hội hiện thực của chúng ta, thì bạn có thể thấy ra được, quả báo hóa ra ở ngay trước mắt. Bạn thử xem bạn bè thân thích của chính mình, những người mà mình quen biết, là quá rõ ràng rồi. Hơn nữa vô cùng nhanh chóng, mỗi năm đều đang ở đó biến đổi, đều đang ở đó chuyển biến. Sự chuyển biến này quan sát kỹ hóa ra chính là nhân quả. Người gieo nhân thiện, tâm thiện, hạnh thiện, họ mỗi năm vẫn đều khá lên, môi trường sống càng ngày càng tốt. Người tâm ác, hạnh ác, quan sát tỉ mỉ thấy mỗi năm một tệ dần. Hiện nay nhìn tốc độ nhanh hơn nhiều so với trước đây nhìn rồi. Trước đây quả báo, báo không có nhanh đến như vậy. Hiện nay là mỗi năm một khác nhau, thậm chí là nếu bạn có năng lực, có trí tuệ quan sát sẽ thấy mỗi tháng mỗi khác, báo quá nhanh. Chỉ có hiểu rõ đạo lý và sự thật của nhân quả này, mới có thể bước vào Phật pháp được, bạn mới có thể tin lời Phật nói, mới có thể tiếp nhận, mới có thể y giáo phụng hành, mục đích cuối cùng là ở chỗ này. Giúp tất cả chúng sanh, phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Phật, Bồ-tát không tiếp nhận bất kỳ sự thù lao nào, tuyệt đối không có danh vọng lợi dưỡng. Chúng ta cung kính đối với các Ngài là biểu thị một chút tâm cảm kích của bản thân chúng ta, chứ Phật Bồ-tát hoàn toàn không yêu cầu chúng ta cung kính đối với các Ngài, không có cái ý nghĩ này.
Mời xem đoạn kinh văn này dưới đây:
“Địa Tạng đáp ngôn: Nhân giả ngã kim thừa Phật uy thần cập đại sĩ chi lực, lược thuyết địa ngục danh hiệu cập tội báo ác báo chi sự.” (Ngài Địa Tạng Bồ-tát đáp rằng: ‘Thưa Nhơn Giả! Nay tôi nương oai thần của Đức Phật cùng oai lực của Ngài mà nói danh hiệu của các địa ngục, cùng những sự về tội báo, ác báo.’)
Chỗ này chúng ta nhất định phải học tập. Phần lớn người hiện nay là tự cao tự đại. Học cái của người khác vẫn không chịu thừa nhận, mà còn đi mắng người ta, đây là của tôi, không phải của họ, vậy là có tội lỗi. Bạn thấy Bồ-tát Địa Tạng, Bồ-tát Địa Tạng là nhân vật cấp bậc nào? Chúng ta thử xem pháp hội này, pháp hội ở phía trước mọi người đã xem thấy, chư Phật mười phương đều đến tham dự pháp hội này. Những vị Phật này là người thế nào? Trong đời quá khứ đều là học trò của Bồ-tát Địa Tạng cả. Học trò người nào cũng thành Phật rồi, bản thân Ngài vẫn đang làm Bồ-tát, thật tuyệt vời. Ngài là không muốn thành Phật, nếu thành Phật là quá đơn giản rồi, có lẽ đã thành Phật từ lâu rồi, Ngài giữ trọn lời thệ nguyện của mình: “Nếu địa ngục không trống không, thề không thành Phật.” Cho nên chúng ta muốn hỏi, Bồ-tát Địa Tạng có cơ hội thành Phật hay không? Không có. Địa ngục vẫn còn người, Ngài bèn phát tâm Ngài không làm Phật, Ngài muốn làm Bồ-tát để giúp đỡ chúng sanh địa ngục. Đây là thân phận gì? Lời Ngài nói khiêm tốn biết bao, khiêm nhường biết bao. “Nhân giả”. Nhân giả là cách tôn xưng đối với Bồ-tát, là người nhân từ. Ngài không nói bản thân Ngài có năng lực để trả lời.
“Ngã kim thừa Phật uy thần” (Nay tôi nương oai thần của đức Phật.)
Nhờ sự gia trì của Phật, không những nhờ sự gia trì của Phật, còn nhờ sự gia trì của Ngài nữa, là Bồ-tát Phổ Hiền. “Cập đại sĩ chi lực” “Đại sĩ” là chỉ Bồ-tát Phổ Hiền. Trí tuệ đạo lực của Bồ-tát Phổ Hiền, cũng không thể nghĩ bàn. Chư Phật gia trì, Bồ-tát Phổ Hiền gia trì.
“Lược thuyết địa ngục danh hiệu” (Mà nói sơ lược về danh hiệu của các địa ngục.)
Tiếp đó báo cáo sự việc này với mọi người. Chúng ta cần khiêm tốn. Người hiện nay thật sự là ước vọng hão huyền, cái gì cũng nói sáng tạo, cách tân. Xin thưa quý vị, thánh nhân thế gian và xuất thế gian không có sáng kiến mới, không có cách tân. Khổng Lão Phu Tử Ngài nói, cả đời Ngài dạy học chỉ là thuật lại chứ không sáng tạo, bản thân Ngài không có sáng tác. Những gì nói ra đều là lời của cổ thánh tiên hiền, là lời dạy của cổ thánh tiên hiền, chứ bản thân không có sáng tạo. Phật Thích Ca Mâu Ni nói với chúng ta, tất cả pháp trong 49 năm mà bản thân Ngài cả đời nói ra không phải là của mình. Bản thân không có sáng tác ra để nói, đều là thuật lại lời của cổ Phật, cho nên Ngài nói Ngài không có nói một câu nào. Những gì nói ra là của cổ Phật, không có câu nào là ý của riêng mình. Khổng Lão Phu Tử chỉ thuật lại chứ không sáng tác, Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là thuật lại chứ không sáng tác. Người đời sau chúng ta tài giỏi, người đời sau có sáng tác. Thảo nào số kinh sách của Phật Thích Ca Mâu Ni không có bản quyền, là của người khác, không phải của mình. Ngài làm sao có thể có bản quyền được? Người hiện nay tài giỏi, là sáng tác của mình, nên có sở hữu bản quyền. Chúng ta cần phải học tập. Quả thật sự thái độ học tập của Thế Tôn, và Khổng Lão Phu Tử là chính xác, đây là tương ưng với tâm tánh, tương ưng với tánh đức. Cho nên các Ngài đối nhân xử thế đều vô cùng khiêm hạ. Những gì Phu Tử biểu hiện là hạ thấp mình mà tôn kính người. Chúng ta ở trong sách đọc thấy Khổng Lão Phu Tử đối với người nghèo khổ thấp hèn cũng vô cùng tôn kính, không dám khinh mạn. Đâu có bao giờ nói mình cảm thấy cao quý tự đại, coi thường người khác, chúng ta không có nhìn thấy điều đó ở trong hành nghi cả đời của Phu Tử. Phật thì càng khỏi cần nói nữa rồi. Cống cao ngã mạn là rất phiền não. Chỉ cần có ý nghĩ này ở trong đầu, thì Phật pháp một phần cũng không thể thâm nhập được, chướng ngại rồi, tự mình chướng ngại chính mình. Tham sân si mạn nghi, sau cùng là ác kiến. Ác kiến chính là thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến, hợp chung lại gọi là ác kiến. Sáu căn bản phiền não là nói cái này, sáu căn bản phiền não là chướng ngại lớn nhất. Chúng ta tại sao học Phật không thể khế nhập được? Tại sao chúng ta đọc kinh không thể khai ngộ? Là không biết mình có sáu loại chướng ngại này, không biết. Sáu loại chướng ngại này nếu có một loại, thì bạn không thể thấy đạo được. Đừng nói là chứng đạo, thấy còn không thể thấy được. Sáu loại chướng ngại trừ sạch rồi, bạn mới là ở quả vị thấy đạo. Cho nên nếu chúng ta muốn được lợi ích chân thật của Phật pháp, thì sáu chướng ngại này bạn không đoạn làm sao được? Đoạn thật sự. Đường chủ ở trong niệm Phật đường, thường hay nhắc nhở đại chúng, buông xả thân tâm thế giới, thế là sáu loại này xả bỏ hết rồi. Sáu loại này chính là thân tâm thế giới, không buông xả không được, nhất định phải buông xả. Xem tiếp kinh văn dưới đây:
“Nhân giả! Diêm Phù Đề đông phương hữu sơn hiệu viết Thiết Vi, kỳ sơn hắc thúy, vô nhật nguyệt quang.” (Thưa Nhơn Giả! Phương Đông của Diêm Phù Đề có dãy núi tên là Thiết Vi. Dãy núi đó tối thẳm không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng.)
Những sự việc mà trong “Kinh Địa Tạng” này nói, không thể dùng nhãn quang khoa học hiện đại để khảo chứng. Tại sao vậy? Khoa học chúng ta ngày nay, nói lời thành thật vẫn còn khá là non nớt. Chân tướng vũ trụ trước mắt chúng ta đây, ai biết được? Không nên cho rằng những gì chính mắt tôi nhìn thấy, đây chính là thật, không thể tin cậy được. Những gì chính mắt bạn nhìn thấy, công năng thấy của mắt bạn rốt cuộc bao lớn, bạn không biết. Chính mắt tôi trông thấy, giảng đường chúng ta hai mươi mấy người, chính mắt trông thấy, vậy trong giảng đường này còn có Bồ-tát, còn có Thanh Văn, có Duyên Giác, có Thiên Long Quỷ Thần, bạn có nhìn thấy không? Không nhìn thấy. Bạn sao có thể nói chính mắt bạn trông thấy? Bạn sao có thể khẳng định như vậy? Tại sao bạn không nhìn thấy? Công năng của mắt quá hữu hạn. Chúng ta biết, mắt thấy là nhờ có ánh sáng, khi tối thì bạn không thể nhìn thấy. Bạn là nhờ ánh sáng bạn mới có thể nhìn thấy được. Nhưng sóng của ánh sáng khác nhau, những gì chúng ta nhìn thấy là vô cùng hạn hẹp, chỉ trong đoạn sóng ánh sáng này. Dải tần số của chúng ta chỉ vừa đúng trong đoạn này, trong đoạn này chúng ta có thể thấy rõ ràng, nếu dài hơn đoạn sóng ánh sáng này hoặc ngắn hơn đoạn sóng ánh sáng này cũng không thể nhìn thấy được. Những vật dài hơn đoạn sóng ánh sang này không biết là bao nhiêu, ngắn hơn cũng không biết có bao nhiêu. Nếu như có một ngày nào, công năng mắt của bạn không còn chướng ngại nữa, tất cả sóng ánh sáng bạn thảy đều không có chướng ngại, bạn nhìn thế giới này, lập tức liền thay đổi ngay, khác nhau rồi. Bạn sao có thể tin mắt thấy là thật được? Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng đều là ở tình trạng này, đây là nói chân tướng với bạn. Hiện nay nói điều này bạn tương đối có thể thể hội. Chúng ta dùng thiết bị khoa học có thể đo đạt được sóng ánh sáng mà mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy. Mọi người quen thuộc nhất là tia tử ngoại chúng ta không thể nhìn thấy, tia X chúng ta không nhìn thấy. Nhờ vào thiết bị chúng ta biết nó có tồn tại, nhà khoa học biết, có rất nhiều sóng ánh sáng khác nhau, mà mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy. Cho nên sóng ánh sáng tồn tại đồng thời, nếu bạn nhìn thấy được toàn bộ, thì đạo tràng này là khác nhau rồi. Đạo tràng này bao lớn vậy? Căn phòng này của chúng ta bao lớn? Tận hư không khắp pháp giới, không thể nghĩ bàn. Tại sao tận hư không khắp pháp giới? Nếu như tầm nhìn của bạn mở rồi, tất cả chướng ngại đều không còn, thì tất cả sóng ánh sáng bạn đều nhìn thấy. Sóng ánh sáng này là mở rộng đến hư không pháp giới, những cây trụ, hay tường này đều trong suốt cả, không có chướng ngại. Bạn ngồi ở nơi đây nhìn lên trên, sẽ thấy vô tận hư không pháp giới phía trên, nhìn xuống phía dưới, nhìn hai bên, vô lượng vô biên mười phương thế giới này đều ở ngay trước mắt, bạn không còn bị hạn cuộc ở trong phạm vi nhỏ này nữa, đây là nói lời chân thật với bạn. Nếu bạn dùng phương pháp khoa học ngày nay để khảo chứng, thì không thể khảo chứng ra được. Đây là nói năng lực của khoa học kỹ thuật vẫn chưa phát triển đến trình độ này. Khoa học kỹ thuật nói lời thành thật là còn khá non nớt so với Phật pháp. Những gì Phật nói ra, có một bộ phận được chứng minh rồi, chứng minh được là một bộ phận rất ít, đại đa số phần còn lại khoa học kỹ thuật vẫn chưa đạt đến. Cho nên chúng ta phải tin lời Phật nói.
“Diêm Phù Đề đông phương hữu sơn” (Phương đông của Diêm Phù Đề có dãy núi). Có núi Thiết Vi. Mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy, thiết bị khoa học cũng không thể thăm dò được. Cho nên có người, tôi ở Đài Loan có người đến hỏi tôi, hiện nay tàu ngầm hạt nhân đã lặn xuống đáy biển, không có phát hiện Long cung. Rốt cuộc Long cung có hay không? Long cung ở dưới đáy biển. Tàu ngầm lặn xuống không có nhìn thấy. Trên mặt trăng có Bồ-tát Nguyệt Quang, người du hành vũ trụ lên mặt trăng cũng không có nhìn thấy. Có hay không? Có. Có mà con người không nhìn thấy, phàm thánh đồng cư độ. Những sự việc này nói thực ra người hơi có tìm hiểu về Phật pháp phải biết. Pháp sư Pháp Chiếu, đây là vào thời triều Đường, Ngài triều bái Ngũ Đài Sơn nhìn thấy Đại Thánh Trúc Lâm Tự, đây là đích thân Ngài trải qua, chúng tôi tin không phải Ngài nói lời hư dối. Nhìn thấy Văn Thù, Phổ Hiền đang giảng kinh thuyết pháp, thính chúng có đến hơn một vạn người, Ngài có nghe một buổi, còn thỉnh giáo với Bồ-tát Văn Thù: Thời kỳ mạt pháp căn tánh chúng sanh thấp kém, cần phải học pháp môn nào mới tốt? Bồ-tát Văn Thù khuyên Ngài tu pháp môn niệm Phật. Cách niệm như thế nào còn dạy Ngài niệm nữa, pháp môn niệm Phật Ngũ Hội là do Bồ-tát Văn Thù dạy cho Pháp Chiếu. Sau khi Pháp Chiếu rời khỏi Ngũ Đài Sơn, trên đường về có đánh dấu, để lần sau trở lại sẽ dễ tìm. Làm dấu được mấy cái, quay đầu lại nhìn, thì không còn nữa, chỉ thấy một vùng núi hoang. Quý vị thử nghĩ xem, bạn dùng khoa học làm sao có thể thăm dò được? Đạo tràng của Bồ-tát Văn Thù thanh tịnh trang nghiêm. Ngài có duyên nhìn thấy rồi. Các bạn đọc (Tam Muội Thủy Sám), quốc sư Ngộ Đạt nhìn thấy đạo tràng của tôn giả Ca-Nặc-Ca, ở Tứ Xuyên, cũng ở trong vùng núi hoang. Thiết bị khoa học sao có thể thăm dò được? Ngài đến nơi đó quả thật bệnh của Ngài được chữa khỏi. Cho nên không nên tin chính mắt mình nhìn thấy, điều đó là không thể tin cậy được, chính tai mình nghe thấy cũng không đáng tin. Môi trường này rất phức tạp, rốt cuộc bạn nhìn thấy được bao nhiêu? Cho nên chân tướng của vũ trụ nhân sinh, chúng ta không biết, cho rằng mình thấy rất rõ ràng, nghe rất minh bạch, tin vào sự thấy biết của mình. Đâu biết đó là sai lầm? Cho nên Phật ở trong kinh nói với chúng ta rất rõ ràng, là trước khi chưa có chứng được quả A-la-hán, thì không nên tin vào ý của mình, là có đạo lý. A-la-hán thế nào? A-la-hán thông suốt rồi, chướng ngại không còn nữa. A-la-hán chứng được lậu tận thông, cho nên sáu căn họ tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài khác với chúng ta. Họ đã đột phá tất cả giới hạn của sóng ánh sáng, sóng âm thanh, sóng từ, cho nên họ nhìn thấy là chân tướng, còn chúng ta nhìn thấy là vọng tướng. Tại sao A-la-hán có năng lực này? Rất đơn giản, kiến tư phiền não xả bỏ sạch rồi. Chính là tôi vừa mới nói, sáu loại chướng ngại không còn nữa. Cái mà A-la-hán đoạn không phải gì khác, chính là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Ác kiến là ngũ lợi sử. Cũng chính là chúng ta thường hay gọi là kiến tư phiền não, cái thứ này đoạn hết rồi. Cho nên chướng ngại của họ không còn nữa, mới có thể nhìn thấy chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Những lời này nhất định phải nói trước, nếu không thì những việc này trong “Kinh Địa Tạng” rất khó hiểu. Bạn sẽ cho nó là gì? Cho là mê tín, bạn nói nó không hợp khoa học, vậy thì lợi ích của kinh này, bạn sẽ không được một mảy may lợi ích nào cả. Không những không được, bạn còn tạo tội phỉ báng pháp nữa. Lợi ích không có đạt được, mà còn rước họa hại đến nữa, đây không phải là ý của Phật. Cho nên chúng tôi giảng loại kinh luận này, cần phải đem đạo lý này giảng giải rõ ràng, giảng giải minh bạch.
Tôi kỳ trước, chính là vào đầu tháng này, tôi đã có sáu buổi diễn giảng tại Hồng Kông, mừng ngày kỷ niệm Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc. Chúng tôi giảng đại ý “Kinh Vô Lượng Thọ”, trong thính chúng có một vị đồng tu, trước đây là làm việc trong giới kịch điện ảnh. Ông đã kể cho tôi nghe mấy câu chuyện, là thật, người thật việc thật. Bởi vì quay phim điện ảnh, có những lúc phải làm việc vào buổi tối, quay cảnh ngoài trời ban đêm. Cho nên thật sự là có quỷ, những phần mộ ở ngoài trời này. Ông có một người đồng nghiệp quay ngoại cảnh ban đêm, đêm đã rất khuya rồi, cũng là lúc đầu óc không tỉnh táo, khi lái xe chạy đến một khu phố rất náo nhiệt, trong tâm ông nghĩ con đường này xưa nay mình cũng chưa có đi qua, sao ở nơi này lại có phố xá sầm uất vậy? Đã nhìn thấy cảnh náo nhiệt người nhiều như vậy, ông cũng bèn xuống xe đi tham quan một chút, dạo chơi xem, nhìn thấy bán đồ ăn, hay quá! Đã hai giờ khuya bụng cũng đói rồi, bèn vào trong một quán nhỏ để ăn mì. Sau khi ăn xong thấy buồn ngủ, vậy bèn lái xe trở về, trên đường trở về cảm thấy toàn thân khó chịu, nghĩ đến chỗ này càng nghĩ càng thấy không đúng. Đến sáng sớm hôm sau, lại lái xe đi lại con đường đó thì nhìn thấy nghĩa địa. Mới biết là gì? Gặp phải quỷ, đoạn đường của quỷ. Những thức ăn ăn vào đó ói ra hết, ói ra toàn là giun, bùn đất, và cỏ những thứ như vậy. Sau đó phát một cơn bệnh nặng, gần như chết rồi, về sau đầu óc không bình thường, bèn ngừng công việc, hai ba năm cũng không thể làm việc, người gầy ốm tong teo. Trải qua mấy năm, ông lại trở lại làm ngành nghề này, nhưng chẳng bao lâu, dường như lại gặp phải tình trạng tương tự như vậy, và sau đó chết. Đây là đồng nghiệp của ông. Ở trong giới điện ảnh họ đều tin về những chuyện này, vì đích thân gặp phải. Cho nên xứ sở này là nơi quỷ thần sống tạp cư với con người chúng ta. Những tình trạng sống của quỷ đó không có khác gì với người chúng ta, quỷ cũng có đô thị mà chúng ta không nhìn thấy, do trùng lặp chung với chúng ta, hai tần số khác nhau, hai làn sóng khác nhau, nhưng trùng lặp với nhau. Cho nên chúng ta nói là chính mắt nhìn thấy, chính tai mình nghe thấy, làm sao có thể làm chủ được? Đích thân bạn trải qua, bạn phải đề cao cảnh giác, bạn phải hiểu rõ. Khổng Lão Phu Tử dạy chúng ta: “Kính và tránh xa quỷ thần.” Quỷ thần có hay không? Có. Nhất định phải tôn trọng, phải tôn kính. Tránh xa là ý gì vậy? Tránh xa là không học tập theo họ, là cùng một đạo lý với “Lễ kính chư Phật” trong mười nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền. Phu Tử đối với quỷ thần, đối với tà môn ngoại đạo không có giảm bớt tâm cung kính, thật sự là lễ kính chư Phật, Phu Tử làm được rồi. Chúng ta đối với những loài này nhất định phải cung kính, đối xử với quỷ thần nhất định phải như pháp. Phật ở trong kinh điển đã dạy cho chúng ta rất nhiều, chúng ta phải hiểu rõ. Việc tế tự của Nho Gia chúng ta phải coi trọng. Quỷ thần được yên ổn có quan hệ mật thiết đối với sự ổn định hay loạn lạc của thế gian chúng ta. Nếu như khiến cho những quỷ thần này đều không được yên ổn, một khi họ làm loạn, sẽ ảnh hưởng xã hội chúng ta. Có biết bao nhiêu cuộc biến cố, tự dưng xảy ra. Chúng ta nói tự dưng, nhưng thực ra là do quỷ thần đang làm loạn, đạo lý này không thể không biết. Người xuất gia nhà Phật sống ở trên núi, muốn che một cái am tranh, che am tranh đương nhiên phải lấy vật liệu ngay đó, phải đi đốn cây. Phật dạy, cây có chiều cao bằng đầu người, chiều cao qua khỏi đầu người đều có thần cây. Thần cây là gì? Là quỷ thần trú nương nhờ vào cây, họ không có chỗ ở, họ nương nhờ vào chỗ này để che mưa gió, để ở. Quỷ thần nương tựa vào trong cây để ở, bèn gọi họ là thần cây. Nếu chúng ta đốn cây này, hay nói cách khác, chính là chúng ta đoạt mất chỗ ở của họ, họ có bằng lòng hay không? Nếu như họ không bằng lòng, khởi niệm ác họ bèn đến gây khó dễ, là muốn đến trả thù, là muốn gây chuyện với bạn. Căn nhà bạn ở này, bạn sẽ ở không yên tâm được. Nếu như phước báo của bạn lớn, thì họ đành phải chịu, không dám xâm phạm bạn, đợi đến khi thời vận của bạn suy, họ sẽ đến gây phiền phức, họ rất có tâm nhẫn nại để chờ đợi. Khi thời vận bạn hanh thông họ không gây chuyện với bạn, phước báo bạn lớn nên không gây chuyện được, đợi đến khi thời vận bạn suy sẽ đến gây phiền phức. Cho nên Phật dạy chúng ta, muốn đốn cây này trước đó ba ngày phải cúng tế, tụng kinh, nói cho họ biết, tôi bị thế cùng nên bất đắc dĩ, tôi cũng cần chỗ ở, Ngài có thể dời nhà đi chỗ khác, khuyên họ dời nhà. Không được nói thấy cây này được bạn liền muốn đốn, là không được phép. Trước đó ba ngày nhất định phải cúng tế, ngay cả những chi tiết nhỏ ở nơi này cũng phải coi trọng như vậy. Hiện nay mọi người không tin điều này, rất nhiều nơi trước đây là những gò đất nghĩa địa, bây giờ tùy tiện dời mồ mã đi, chiếm đoạt những nơi đó để xây nhà cao tầng. Con người sống ở chỗ này, may mà vẫn còn một chút phước báo duy trì được vài năm, đến khi phước báo hết rồi, thì nhóm quỷ thần này sẽ đến gây phiền phức, khiến cho những người như bạn sống ở trong đây thân tâm bất an, xã hội của bạn loạn động. Bạn làm cho họ không được yên ổn, họ cũng sẽ trả thù, cũng làm cho bạn không được yên ổn. Thiên tai nhân họa xảy ra đều có lý do cả. Thập pháp giới là một thể, không thể không biết. Thánh nhân thế gian và xuất thế gian đều dạy chúng ta suy bụng ta ra bụng người. Phật pháp không chỉ là nói về con người, Phật pháp còn nói đến vật. Vật chính là trời đất quỷ thần, thảy đều bao gồm ở trong đó. Chúng ta muốn sống hạnh phúc mỹ mãn, thì bạn cũng phải nghĩ rằng quỷ thần cũng mong sống mỹ mãn, súc sanh cũng mong đời sống của nó được mỹ mãn. Sao có thể ăn thịt chúng sanh chứ? Trong kinh này đã nói rất rõ ràng, ăn thịt chúng sanh, giết hại chúng sanh thì sẽ bị quả báo như thế nào. Chúng ta có muốn đem thịt của mình cung cấp cho người khác ăn không? Cùng đạo lý giống nhau. Chúng ta không muốn người khác đến ăn mình, thì động vật nó cũng là như vậy, nó sao có thể muốn con người ăn thịt nó được? Chúng ta giết chúng, ăn chúng, có phải nó rất hoan hỷ hay không? Người cùng tâm ấy, tâm cùng lý ấy. Cho nên ăn thịt chúng sanh, loại oán hận này, nỗi oán hận của tất cả chúng sanh này vĩnh viễn không thể tiêu mất, gặp phải cơ hội nó sẽ đến trả thù. Phật pháp nói: ăn nó nửa cân, trả nó tám lạng, đời đời kiếp kiếp ăn nuốt lẫn nhau không bao giờ dứt. Chúng ta có được thân người, thân này là thân nghiệp báo, nên đành chịu, nếu không có những nguồn dinh dưỡng này thì không thể duy trì mạng sống. Muốn duy trì mạng sống nên bất đắc dĩ phải ăn uống. Trong ăn uống đã là bất đắc dĩ rồi, bạn nhất định phải biết giảm bớt kết oán với chúng sanh, bớt tạo nghiệp. Động vật có mạng sống, thực vật cũng có mạng sống, chúng ta ăn động vật là sai rồi, ăn thực vật cũng sai rồi. Nhưng mà nếu so sánh trong hai cái này, thì thấy động vật có tình thức rõ ràng hơn thực vật. Hay nói cách khác, ý niệm trả thù của động vật không biết là mạnh hơn gấp bao nhiêu lần so với thực vật. Cũng chính là chúng ta bỏ đi động vật có tánh linh lớn, không giết hại nó. Còn thực vật rốt cuộc tánh linh của nó yếu ớt hơn rất nhiều, bất đắc dĩ phải ăn nó thôi. Trong Giới Kinh nói: “Tỳ Kheo thanh tịnh thì không đạp lên cỏ xanh”, thật sự hiển thị ra lòng từ bi, có đường đi được, tại sao không đi đường? Tại sao lại giẫm lên cỏ? Trừ khi là bạn không có đường đi, nhất định phải đi qua từ chỗ này, đây cũng là bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ tức là có thể tha lỗi được, có thể tha thứ. Nếu như có đường, thì bạn nhất định phải đi vòng theo đường, chứ không được phép giẫm lên cỏ. Cho nên phải yêu quý sự sống, thực vật cũng phải yêu quý. Phải có tâm thương yêu đối với người, với sự, với vật, tâm yêu thương chân thành, thanh tịnh. Khi ăn là bất đắc dĩ phải ăn.
Cho nên Phật dạy chúng ta năm pháp quán khi ăn. Thường giữ tâm báo ơn, giữa con người với nhau có ơn đức, con người với tất cả vạn vật cũng có ơn đức. Chúng ta mỗi ngày tu hành, niệm Phật tụng kinh, đoạn ác tu thiện, dùng công đức này hồi hướng cho tất cả chúng sanh là báo ơn. Loại tâm này chân thành biết bao, cái nghĩa này phúc hậu biết bao! Vậy mới tương ưng với tâm tánh. Nếu như chúng ta không có cái quán tưởng này, không có tấm lòng thành này thì bạn mỗi ngày đang tạo tội nghiệp. Bạn hiểu rõ đạo lý này, thường soi chiếu như vậy, thì những thực vật này cung cấp dinh dưỡng cho bạn, nó có công đức. Nó thật sự cúng dường cho bạn, bạn có hồi báo cho nó. Có hồi báo là không phải đoạt lấy, nên không kết oán thù với nó, mà kết ơn đức với nó. Chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây:
“Hữu đại địa ngục hiệu Cực Vô Gián, hựu hữu địa ngục danh Đại A Tỳ.” (Trong đó có địa ngục lớn tên là Vô Gián. Lại có địa ngục tên là Đại A Tỳ.)
Đây là Bồ-tát Địa Tạng trước tiên giới thiệu, báo cáo với chúng ta. “Hữu” quả thật là có, không phải không có. Cõi ngạ quỷ với cõi địa ngục vẫn khác nhau, không phải một cảnh giới. Ở trong cõi ngạ quỷ không có ánh sáng mặt trời mặt trăng, là giống như phía trước nói, họ sống ở trong tối tăm. Cõi ngạ quỷ chúng ta gọi là âm gian. Quả thật có người đi qua rồi. Ở Trung Quốc có rất nhiều bút ký, hay trong tiểu thuyết viết rất nhiều, đó không phải là nói tùy tiện. Những gì trong “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký”, “Liêu Trai Chí Dị”, “Kiên Di Chí” nói, xin thưa quý vị đều là sự thật, đều không phải giả. Tôi học Phật nhiều năm như vậy, trước khi chưa có học Phật, tôi chưa có nhìn thấy quỷ bao giờ, nhưng tôi từng gặp hồ ly tinh, là thật không phải giả, chính mắt mình nhìn thấy, và rất nhiều người nhìn thấy. Tôi nhìn thấy hồ ly tinh là một người nam, không phải nữ, là người nam, mặc áo khoác dài màu lam, là thời kỳ kháng chiến, rất nhiều người nhìn thấy, nhưng không có người nào nhìn thấy rõ ràng mặt mũi của nó, chưa từng nhìn thấy bao giờ, mặt mũi rất mờ nhạt. Hồ Ly muốn biến thành người phải trải qua 500 năm, có lẽ người ấy chưa đến 500 năm, vẫn còn thiếu, là hình dạng của một con người, mặt mũi không thật rõ ràng. Tôi vào lúc đó mới mười mấy tuổi, lúc mười sáu mười bảy tuổi hằng ngày đi săn, tôi rất muốn bắn nó. Mẹ tôi ngăn cấm, dứt khoát không được gây chuyện với người ta, gây chuyện rồi sau này rất phiền phức. Tôi là bị mẹ mình ngăn cấm, tôi rất muốn bắn nó. Con hồ lý đó sống ở trên lầu của chúng tôi. Thời kỳ kháng chiến chúng tôi sống ở trong một nhà dân, nó là ở trên lầu. Trên lầu đó có mấy chục năm không có người đi lên, cho nên có một ổ hồ ly ở trên đó, ai cũng biết. Có người nhìn thấy lúc sáng sớm, hồ ly ở trên nóc nhà lạy mặt trời. Mọi người chúng tôi ở đó cũng tương đối yên ổn, nó cũng không quấy nhiễu người khác, mọi người cũng không dám gặp nó. Chúng tôi lúc đó còn nhỏ, mà cũng rất to gan, lúc nào cũng muốn chạy lên lầu để xem thử. Nhưng người lớn không cho phép, cũng không có cầu thang, đó là thật chứ không phải giả, thật sự biến thành hình dạng người, có khi đi ra ngoài tản bộ, nhìn thấy. Cho nên ở thế gian, tôi là vô cùng tin những chuyện về quỷ và hồ ly trong “Liêu Trai Chí Dị” viết, tôi tin là thật, không phải giả, tuyệt đối không phải là tin đồn nhảm. Lúc kháng chiến thắng lợi, quê hương chúng tôi có xảy ra một chuyện kỳ lạ. Chuyện này tôi biết rất rõ ràng. Quê hương tôi là nơi sản xuất gạo, và phần lớn gạo được xuất khẩu từ Vu Hồ, đều chuyển đến Vu Hồ để bán, đó là thị trường. Tôi có người họ hàng thân thích. Ông năm đó thu hoạch cũng khá, gạo chở đầy trong một thuyền buồm nhỏ, gạo được đựng trong bao gai, từng bao từng bao chuyển đến, chở đến Nam Kinh để bán. Khi cho gạo lên thuyền có người nhìn thấy, có một con gì đó giống như con chồn vậy, từ ván cầu nhảy lên thuyền, có nhìn thấy. Sau khi nhìn thấy rồi thì rất nhiều người lên thuyền để tìm, nhưng không thể tìm thấy, quả thật không có. Nghĩ có lẽ người nhìn hoặc giả bị hoa mắt, và con thuyền này được vận chuyển đến Nam Kinh. Sau khi đến Nam Kinh, thì thuyền này gạo bị mất hết, cái bao gai đó hình dạng vẫn còn nguyên, mà bên trong không có hạt gạo nào. Cho nên mọi người mới biết, không phải mắt mình thấy sai, có lẽ là do cái thứ ấy tác quái. Họ nhìn thấy là con chồn, có lẽ là do nó tác quái, không biết đã đắc tội với nó như thế nào, mà cả thuyền gạo bị nó chuyển đi mất. Người thân thích đó của tôi là người bà con xa họ Trần. Chẳng biết làm thế nào, vô phương, bèn ở lại Nam Kinh mấy ngày rồi trở về. Sau khi về nhà, thì gạo của ông lại thấy nằm yên ở trong kho, bị chọc ghẹo như vậy. Dùng cách gì chuyển nó trở về? Không biết. Đây có lẽ là đắc tội với nó, nhưng đắc tội không lớn, chỉ trừng phạt bạn một lần, giở trò như vậy cho bạn biết thôi, là chuyện thật, không phải giả. Những chuyện trời đất quỷ thần này, đích thân tôi đã trải qua rồi. Chuyện này xảy ra ở huyện Ngu Giang, là chuyện của 50 năm trước. Cho nên chúng tôi tin sâu không nghi đối với chuyện này. Chỗ này nói “hữu đại địa ngục”. Địa ngục lớn ở dưới núi Thiết Vi, chúng ta không có cách gì chứng thực được, chúng ta cũng không nhìn thấy, như quả thật là có. Bạn tạo nghiệp này, thì cảnh giới này liền hiện tiền ngay, bạn sẽ phải thọ nhận những khổ báo này. Pháp sư Thanh Lương ở trong chú giải đã nói với chúng ta, Vô Gián, A Tỳ, cái danh xưng này ở trong kinh điển của Phật đều có nói. Rốt cuộc là một cái hay là hai cái, từ xưa đến này không có cách gì xác định được. Cũng có đại đức xưa nói Vô Gián chính là A Tỳ, A Tỳ chính là Vô Gián, và cũng có nói Vô Gián với A Tỳ là hai địa ngục khác nhau. Nhưng nói tóm lại, hai địa ngục này đại khái đều là nơi thọ báo của người có tội nghiệp cực nặng, điều này là có thể khẳng định. Trong Kinh Ngài chỗ này cũng nêu ra cách nói ở trong Kinh điển như “Kinh A Hàm”, “Kinh Quán Phật Tam Muội” trong đó nói là một cái, Vô Gián với A Tỳ là một cái. Nhưng trong Kinh này với “Kinh Lăng Nghiêm” nói là hai cái: “Hữu đại địa ngục hiệu Cực Vô Gián, hựu hữu địa ngục danh đại A Tỳ.” Vậy chẳng phải là hai cái sao? Cho nên nói một loại hay là hai loại đều có Kinh điển làm căn cứ. Xưa nay những vị tổ sư Đại Đức này, cũng không có cách gì khẳng định nói nó rốt cuộc là một hay là hai cái. Chúng ta đọc kinh này thì căn cứ theo cách nói của Kinh này. Kinh này nói là hai cái, thì chúng ta bèn xem là hai cái. Hai cái đại khái thọ báo ở trong đó, đều là vô cùng nghiêm trọng, cực kỳ thống khổ. Ý nghĩa của đoạn này vẫn chưa thể nói xong. Thế nhưng hôm nay thời gian đã hết, ngày mai chúng tôi sẽ tiếp tục giảng tiếp. A Di Đà Phật.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.