Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 59

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

  Tập 59

Xin mời mở bản kinh ra phần khoa chú, quyển trung, trang 110. Kinh văn phía trước đã nêu ra một ví dụ, ví dụ tương đối rõ ràng đơn giản và dễ hiểu. Kinh văn từ đây về sau, đây là pháp hợp, là hợp chung với đoạn ví dụ này để nói. Mời xem kinh văn, ở hàng thứ nhất.

  “Thị cố Địa Tạng Bồ Tát cụ đại từ bi cứu bạt tội khổ chúng sanh, sanh nhân thiên trung lịnh thọ diệu lạc. Thị chư tội chúng tri nghiệp đạo khổ, thoát đắc xuất ly, vĩnh bất tái lịch”

  (Vì thế nên Ngài Ðịa-Tạng Bồ Tát đủ đức từ bi lớn, cứu vớt chúng sanh mắc tội khổ muốn cho chúng nó sanh lên cõi trời cõi người để hưởng lấy sự vui sướng tốt đẹp. Những chúng sanh tội khổ đó rõ biết sự khốn khổ trong con đường ác nghiệp rồi, khi đã được ra khỏi, chẳng còn trở vào nữa.)

  Đoạn văn này, vô cùng đáng để chúng ta cảnh giác. Bồ-tát ở trong ba ác đạo khuyên dạy tất cả chúng sanh ở trong đây, khiến cho họ giác ngộ, sám hối, quay đầu. Hễ ai ở trong ác đạo sinh lên một niệm tâm sám hối chân thật, thì đều có thể lập tức thoát khỏi ác đạo. Những sự việc này chúng ta xem thấy rất nhiều trong kinh điển. Có rất nhiều đồng tu sau khi xem xong, không thể sinh lên niềm tin, cho rằng trong đời đã tạo rất nhiều tội nghiệp, đọa vào trong ác đạo, thật là không dễ gì thoát ra được. Trong kinh nói là đọa lạc vào ác đạo rất khó thoát ra. Tại sao có một niệm sám hối chân thành thì họ dễ dàng thoát ra như vậy? Thật sự mà nói, chúng sanh tạo ác nghiệp thì không dễ gì sinh lên một niệm tâm sám hối chân thành nhỏ bé đó được, đạo lý là ở chỗ này. Họ có thể sinh một niệm tâm là họ thật sự sám hối, chứ không phải giả, thật sự quay đầu. Ngạn ngữ thời xưa thường nói: “Lãng tử quay đầu, dù có vàng cũng không đổi.” Họ vừa quay đầu như vậy thì họ là người tốt trong người tốt, việc đó hy hữu biết bao! Vấn đề là họ đang ở trong ác đạo. Bạn thấy ở trong cõi người chúng ta, được mấy người có một niệm thật tâm quay đầu? Đầu óc của con người sáng suốt hơn nhiều so với đầu óc của chúng sanh trong ba ác đạo. Chúng ta cũng có thể nói như vậy, thập pháp giới càng đi lên phía trên, thì đầu óc càng sáng suốt không mê mờ, càng đi xuống phía dưới thì càng mê hoặc, càng không sáng suốt. Địa ngục là xuống đến cực điểm rồi, mê đến cực điểm rồi! Ở trong hoàn cảnh đó, nếu họ sinh một niệm tâm thanh tịnh, một niệm tâm sám hối, bạn mới biết là hy hữu, khó có được biết bao! Vì thế đức Phật mới nói ở trong ác đạo rất khó ra khỏi, đạo lý là ở chỗ này. Cùng một đạo lý giống nhau, tại sao chúng ta đọa lạc vào trong luân hồi, vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp cũng không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, là nguyên nhân gì? Bạn mới biết một niệm thật tâm sám hối đó là khó phát khởi đến như vậy, đạo lý là ở chỗ này. Cho nên phàm thánh thật sự cách nhau chỉ có một niệm. Một niệm giác liền siêu phàm nhập thánh, một niệm mê thì vĩnh viễn ở trong luân hồi, chỉ ở trong khoảng một niệm này. Phật Bồ-tát cứu độ chúng sanh không có gì khác, tức là khuyên chúng sanh một niệm giác. Nếu sinh một niệm giác họ liền siêu sanh. Siêu sanh đến cảnh giới nào? Vậy thì phải xem trình độ giác của họ. Nếu như là giác ngộ triệt để, thì từ địa ngục có thể thành Phật ngay. Bạn có tin không? Chúng ta đọc “Kinh Vô Lượng Thọ” thì tin, nguyện thứ bốn mươi tám trong “Kinh Vô Lượng Thọ” có thể khiến cho chúng sanh trong chín pháp giới bình đẳng thành Phật. Đây là điểm thù thắng của pháp môn này, lợi ích công đức của pháp môn này là không thể nghĩ bàn. Nếu như đức Phật không thể dạy chúng sanh địa ngục lập tức thành Phật, vậy thì trí tuệ, năng lực của đức Phật đáng để chúng ta nghi ngờ, đức Phật vẫn không thể làm được việc này! Đức Phật là thật sự có thể làm được, vấn đề là chúng sanh địa ngục có chịu hợp tác hay không? Không chịu hợp tác, không chịu tin, không chịu y giáo phụng hành thì Phật cũng đành vô phương thôi! Đây là không phải năng lực của Phật không đủ, mà do đối phương có chướng ngại, có nghiệp chướng. Sau khi mọi người hiểu rõ đạo lý này rồi, bạn mới biết chân tâm đáng quí. Chúng ta ngày nay ở trong xã hội, bạn học Phật rồi. Thế nào gọi là học Phật? Bạn là thật sự học Phật hay là học Phật giả? Học Phật thật sự thì không có gì khác, phải dùng chân tâm, không lừa dối mình, không lừa dối chúng sanh, là bạn dùng chân tâm. Nếu như vẫn còn dối mình dối người, dù một ngày bạn niệm mười vạn tiếng Phật hiệu, cũng vô ích. Đúng như lời cổ đức nói: “Gào rát cổ họng cũng uổng công.” Chúng ta bước vào niệm Phật đường, có bao nhiêu người được nhất tâm, bao nhiêu người vãng sanh phẩm vị cao, hãy xem tâm họ dùng là tâm gì? Vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, tứ độ, tam bối, cửu phẩm, bạn sanh vào phẩm nào, cũng phải xem bạn dùng là tâm gì? Nếu như bạn dùng tâm chân thành rốt ráo viên mãn, thì bạn chắc chắn sanh về thượng phẩm, thượng sanh của cõi thực báo trang nghiêm độ. Quí vị phải biết đến nơi thượng phẩm, thượng sanh của cõi Thực Báo Độ, đó là làm Phật, là thành Phật rồi. Cho nên xem trình độ bạn dùng chân tâm. Chân tâm vẫn có khác biệt sao? Có. Sao mà không có khác biệt chứ? Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói bốn mươi mốt vị pháp thân đại sĩ đều là dùng chân tâm. Dùng chân tâm nhiều hay ít khác nhau; mới dùng ít phần, dùng một chút xíu chân tâm, đó chính là Bồ-tát sơ trụ viên giáo. Nhiều hơn một chút nữa, vậy bạn là Bồ-tát nhị trụ. Cho nên dùng chân tâm rốt ráo viên mãn thì bạn ở vào quả vị Phật, là quả địa Như-lai. Bồ-tát đẳng giác ở trong chân tâm vẫn còn xen tạp một phẩm vọng. Bốn mươi mốt phẩm hư vọng này gọi là vô minh, họ vẫn còn một phần vô minh chưa có dứt trừ, họ vẫn chưa viên mãn. Cho nên sự việc này hoàn toàn xem chúng ta dùng mấy phần chân tâm. Biết được đạo lý này, biết được sự thật này, thì tại sao không dùng chân tâm viên mãn? Chúng ta cứ việc dùng tâm chân thành đối xử với người, dùng đức báo đức, dùng đức báo oán, đây là Bồ-tát đạo. Quên ơn phụ nghĩa, dùng oán báo oán, đây là chúng sanh ác đạo, vẫn không phải ba đường thiện ở trong lục đạo, là ba ác đạo. Dùng vọng tâm vậy là đọa ác đạo, lục đạo đều là ác đạo. Dùng chân tâm thì siêu phàm nhập thánh. Cho nên chúng ta không quan tâm người khác dùng tâm gì đối với mình, họ dùng là vọng tâm, thậm chí là phỉ báng ta, làm nhục ta, hãm hại ta, ta đều vui vẻ tiếp nhận, vẫn dùng tâm chân thành đối với họ như thường. Tại sao vậy? Ta muốn làm Phật, ta muốn vãng sanh phẩm vị cao. Họ không muốn làm Phật, họ muốn vào ba ác đạo. Đây chính là việc lớn sanh tử mà tôi thường hay nói. Sau khi chết thập pháp giới bày ngay trước mắt, chúng ta chọn cõi nào? Điều này quan trọng. Cõi ta chọn là cõi Phật Bồ-tát. Họ vẫn tạo lục đạo như cũ, họ tạo là việc của họ, ta cứ đi đường của ta, không thể bởi vì họ xử oan chúng ta, họ hãm hại chúng ta, mà chúng ta nhất định phải trả thù. Tư tưởng này, loại hành vi này, họ tạo ba ác đạo, ta cũng đi theo sau họ, cũng đọa ác đạo, đây gọi là người ngu. Chư Phật Bồ-tát đại từ đại bi chỉ dạy chúng ta, đây chính là hai câu nói ở trong kinh: “Đủ đức từ bi lớn, cứu vớt chúng sanh mắc tội khổ.” Bởi vì tâm họ dùng không phải là tâm chân thành, tâm thiện ở trong vọng tâm đó cũng xem như tốt lắm rồi, họ không phải dùng tâm ác, là dùng tâm thiện. Niệm tâm thiện này sinh lên, thì họ có thể thoát khỏi ba ác đạo, đến cõi trời, người. Đến cõi trời người, Phật Bồ-tát vẫn không bỏ họ, đây gọi là từ bi. “Trong cửa Phật không bỏ người nào cả.” Có phải sự việc như vậy hay không? Phải. Chư Phật Bồ-tát thường xuyên quan tâm chúng ta, quan tâm đến mỗi người chúng ta. Nhưng bản thân chúng ta đúng như ví dụ trong kinh nói, rất dễ bị mê hoặc, rất dễ bị đọa lạc. Sanh về cõi trời người, cõi trời người thì vui sướng hơn nhiều so với ba ác đạo, nhưng hưởng vui sướng trong cõi trời người thì lại mê rồi. Cho nên khi Phật Bồ-tát quan tâm, thì chúng ta nhất định phải hợp tác với các Ngài. Cũng tức là nói, gặp được nhân duyên này mình phải nắm lấy, không được dễ dàng bỏ qua. Sau đó niềm vui mà đời này chúng ta thọ nhận, niềm vui này gọi là “Diệu lạc”. “Diệu lạc” là ở trong đời dù có thọ dụng vẫn là niệm niệm giác chứ không mê thì niềm vui này mới là diệu. Nếu như bị mê ở trong hưởng lạc, vậy thì không còn diệu nữa, rốt cuộc là mê nhiều, giác ít. Người giác họ thật sự biết vui, người mê thì không có vui. Người thế gian đều cho rằng hưởng thụ ngũ dục lục trần, như vậy gọi là vui. Ở trong ngũ dục lục trần khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là mất vui rồi. Lúc nào cũng so đo với người khác, người ta có, tôi cũng có, người ta không có, tôi cũng phải có, có rồi còn muốn hơn người ta nữa, niềm vui này là không diệu rồi. Niềm vui này đều có áp lực rất lớn về vật chất và tinh thần đối với mình, niềm vui này đâu thể gọi là diệu được? Nếu như chúng ta làm cuộc so sánh giữa Trung Quốc với nước ngoài, thì sẽ nhận thấy rất rõ ràng. Người Trung Quốc ngưỡng mộ người nước ngoài, họ ở nhà đẹp, mỗi người đều có xe hơi, đi ra đường đều có xe, ở trong nhà đều là điện khí hóa, hiện đại hóa, sống rất thoải mái. Người Trung Quốc nhìn thấy rất ngưỡng mộ, cho rằng mình rất lạc hậu, và cảm thấy buồn, cảm thấy rất khổ. Bạn chỉ nhìn thấy bề ngoài, chứ chưa có nhìn sâu vào bên trong. Nếu nhìn sâu vào bên trong thì người Trung Quốc hạnh phúc, người nước ngoài rất khổ, bạn đã nhìn thấy chân tướng sự thật, tại sao người nước ngoài khổ? Tất cả mọi hưởng thụ của họ đều là do mượn nợ mà có, như vay ngân hàng, vay công ty bảo hiểm mà có, mang trên người toàn là nợ. Họ hạnh phúc ở chỗ nào? Mỗi ngày làm trâu làm ngựa, làm việc rất vất vả, tiền đó để trả nợ, họ sống cuộc đời như vậy. Tuy người Trung Quốc sống cuộc sống rau dưa đạm bạc, ở nhà tranh, xây vách đất, lợp mái lá mà không có nợ, không nợ thì nhẹ cả người. Cuộc sống như vậy người nước ngoài có nằm mơ cũng không thấy được. Người Trung Quốc sau khi làm việc xong, tan ca xong thì tâm trạng thong dong, tự tại biết bao! Vài người bạn ngồi tán dóc với nhau rất hạnh phúc, ăn vài hạt đậu phộng, uống vài chung rượu, sung sướng vô cùng. Người nước ngoài đâu có loại hưởng thụ này? Thời gian nghỉ phép họ đi tìm chất kích thích, tìm chất kích thích cũng như hút thuốc phiện, để cho đời sống của mình thoải mái một chút. Vĩnh viễn ở trạng thái căng thẳng, nợ nần, trả nợ, bị nợ nần bức bách thì còn vui sướng gì? Tôi sống ở Mỹ mười lăm năm, tôi cảm thấy người Mỹ không hạnh phúc bằng người Trung Quốc. Đây là do văn hóa khác nhau, bối cảnh lịch sử không giống nhau, đương nhiên chúng ta cũng cần phải nâng cao chất lượng đời sống, và càng phải nâng cao chất lượng đời sống tinh thần. Tôi còn nhớ lúc tôi thọ giới, đây là chuyện của gần bốn mươi năm trước, hòa thượng đắc giới của tôi là lão pháp sư Đạo Nguyên. Ở trong giới đàn, thầy đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, để lại ấn tượng rất sâu cho chúng tôi, đây là chuyện có thật chứ không phải giả. Thầy là người Tô Bắc, lúc nhỏ thầy xuất gia làm tiểu sa-di, trong vùng của thầy ở có một người ăn mày. Con trai của người ăn mày này là thương nhân của vùng đó, là một thương nhân rất giàu có, kinh doanh phát tài. Con trai phát tài, mà cha đi ra đường xin ăn, xin ăn ở ngoài đường, cho nên bạn bè thân thích nhìn thấy ai cũng trách mắng người con đó, bản thân người con cũng cảm thấy rất khó chịu, mất thể diện! Bèn phái rất nhiều người đi tìm khắp nơi, khó khăn lắm mới tìm được ông cụ về. Sau khi tìm về rồi, thì thay quần áo cho ông, phụng dưỡng rất tốt, còn sai mấy người hầu hạ ông, để ông hưởng chút phước. Ông cụ này rất kỳ lạ, đại khái ở trong nhà khoảng chừng gần một tháng, nhân lúc không có người chú ý, ông lại lén bỏ đi, đi ra ngoài ông lại xin ăn tiếp. Về sau người ta cảm thấy rất kỳ lạ? Họ Hỏi: Con trai ông mời ông về nhà để hưởng phước, tại sao ông bỏ đi? Ông bảo tôi về đó giống như thọ tội, giống như bị người ta nhốt vào lồng vậy, giống như con chim bị nhốt vào lồng, mỗi ngày người ta cho ăn, cuộc sống như vậy khó chịu lắm. Ông nói tôi ra đường xin ăn, trên người tôi chẳng có gì cả, đến đâu cũng có cơm ăn, mỗi ngày ngao du sơn thủy, mệt rồi thì tìm chỗ nghỉ ngơi một chút, đời sống như vậy hạnh phúc vô cùng. Người này biết “Thọ diệu lạc”. Từ đó cho thấy người đời hằng ngày ở nhà hưởng thụ những thứ thọ dụng vật chất, đó không phải diệu lạc, mà là niềm vui thế tục, hết sức phàm tục, là loại niềm vui đó. Đâu có biết được diệu lạc? Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện cho chúng ta thấy ba y một bát, Ngài là thọ diệu lạc. Nhu cầu ở đời của con người ăn no, mặc ấm là đủ rồi. Thật sự biết sống, thì người đó thường ngao du sơn thủy, tiêu diêu tự tại, đây gọi là nhân sinh, đây gọi là hạnh phúc. Nếu có duyên thì hết lòng hết sức giúp đỡ tất cả chúng sanh, giúp đỡ xã hội, hy sinh dâng hiến cũng là diệu lạc, không cần danh, không cần lợi, không cần quyền, không cần địa vị. Ngày nay gọi là làm thiện nguyện. Bất kể ở chức vị nào thảy đều làm thiện nguyện, ở trong đây có lạc thật sự, ở trong đây gọi là diệu lạc. Đức Phật nói ở trong kinh quá nhiều, quá nhiều rồi. Rất đáng tiếc chúng ta nghe xong, đọc xong vẫn không giác ngộ như cũ, vẫn bị phiền não trói buộc như cũ. Lỗi lầm này là ở bản thân chúng ta, không được oán trời trách người. Đời người rất ngắn ngủi, mấy chục năm thật sự như cái khảy móng tay, nhất định phải giác ngộ, nhất định phải biết sống, sống như thế nào mới là chính xác. Những gì đức Phật chỉ dạy chúng ta là chính xác nhất. Nhất định phải thấy rõ thế tục, phải thoát khỏi được thế tục, đây chính là siêu phàm nhập thánh mà nhà Phật thường nói. Phải thấy rõ được thế tục, thoát khỏi thế tục.

  “Thị chư tội chúng, tri nghiệp đạo khổ” (Những chúng sanh thọ tội này, biết nghiệp đạo khổ) Hai câu này vô cùng quan trọng. Bạn thấy vừa mở đầu bản kinh, tất cả chư Phật tán thán Phật Thích Ca Mâu Ni, thị hiện thành Phật ở đời ngũ trược ác thế: “Biết pháp khổ lạc”. Đức Phật biết, pháp nào là khổ? Pháp nào là lạc? Chúng ta nghe lời giáo huấn của đức Phật xong, phải biết nghiệp đạo khổ. Nghiệp đạo là gì? Tạo nghiệp mà không giác ngộ bèn gọi là nghiệp đạo. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, mê chứ không giác, tà chứ không chánh, nhiễm chứ không tịnh bèn gọi là nghiệp đạo. Ngược lại, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có thể giác chứ không mê, chánh chứ không tà, tịnh chứ không nhiễm, đó gọi là Bồ-tát đạo, đó chính là Phật đạo. Phật đạo với nghiệp đạo ở trên sự không có gì khác biệt. Chỉ khác biệt là ở trên niệm. Một niệm giác chính là Phật Bồ-tát, một niệm mê chính là nghiệp đạo khổ. Làm thế nào mới có thể: “Thoát đắc xuất ly”? “Thoát” là thoát khỏi ác đạo, không những thoát khỏi ba ác đạo, mà còn thoát khỏi lục đạo nữa. Đến khi nào thoát khỏi vậy? Hiện tại thoát khỏi rồi. Làm sao để hiện tại thoát khỏi? Trong tâm đứng trước tất cả pháp không phân biệt, không chấp trước là thoát khỏi rồi. Thoát khỏi không phải thoát khỏi hoàn cảnh này, không phải cái ý này, không phải bảo bạn chạy trốn thế giới này, thế là sai lầm. Ngay trong thế gian mà thoát khỏi thế gian. Chúng ta đang ăn cơm, dù ăn cơm mà thoát khỏi rồi. Người thế gian ăn cơm có phân biệt, chấp trước đối với ăn uống, đó là nhiễm, đó là mê, là sống đời sống mê, tà, nhiễm. Ăn cơm còn tương ưng với mê, tà, nhiễm, đây là tạo lục đạo, đây chính là tạo ra ba ác đạo, đây là nghiệp đạo khổ. Ăn cơm như thế nào mới thoát khỏi? Không có phân biệt, không có chấp trước, cái gì cũng ngon cả. Lạt có sự thú vị của lạt, mặn có sự thú vị của mặn, không có phân biệt, không có chấp trước, vậy trong khi ăn cơm đã thoát khỏi lục đạo rồi. Trong mặc áo, tức là từng li tưng tí trong đời sống thường ngày, sống đời sống không có khác gì so với mọi người. Một bên là sống đời sống của lục đạo, một bên là đời sống xuất ly, một bên là có phân biệt chấp trước, một bên là không có phân biệt, chấp trước, một bên là tâm không thanh tịnh, một bên là tâm vô cùng thanh tịnh. Có thể duy trì vĩnh viễn tâm thanh tịnh, vĩnh viễn không sinh phân biệt, chấp trước, thì đó là “Vĩnh bất tái lịch”, bạn không trở lại con đường cũ, bạn vĩnh viễn thoát khỏi ác đạo. Lục đạo đều là ác đạo. Xin thưa thêm với quí vị, thập pháp giới cũng là ác đạo. Phật Bồ-tát chỉ dạy chúng ta, chúng ta thật sự nghe rõ ràng, thật sự nghe sáng tỏ rồi, tại sao không làm? Chúng ta xem tiếp kinh văn dưới đây:

  “Như mê lộ nhân, ngộ nhập hiểm đạo”

  (Như người quên đường kia lạc vào đường hiểm.)

  Cái này hợp chung với ví dụ phía trước, giống như bạn đi đường, bạn bị lạc mất phương hướng. “Lạc vào đường hiểm”, trong con đường này có những loài như sư tử, lang sói, hổ báo, rắn độc, thú dữ rất nguy hiểm.

 “Ngộ thiện tri thức tiếp dẫn lịnh xuất, vĩnh bất phục nhập”

  (Gặp vị tri thức dẫn dắt cho ra khỏi không bao giờ còn lạc vào nữa.)

  Đây là bạn gặp được một người tốt, họ biết rất rõ mọi thứ nguy hiểm ở trong con đường này, và khuyên bạn không nên đi con đường đó. Bạn hiểu rõ, bạn sáng tỏ, bạn có thể thay đổi phương hướng, đi con đường khác, không nhất thiết phải mạo hiểm. Sau khi bạn hiểu rõ rồi, nhìn thấy người khác đi lạc vào đường ác, bạn cũng phải khuyên họ.

  “Phùng kiến tha nhân, phục khuyên mạc nhập”

  (Gặp gỡ người khác lại bảo chớ vào đường ấy)

  Đây chính là khéo léo giáo hóa.

  “Tự ngôn: “Nhân thị mê cố, đắc giải thoát cánh, cánh bất phục nhập”

  (Tự nói rằng mình là quên đường nên đi lạc vào đó, nay đặng thoát khỏi rồi, trọn hẳn không còn trở vào đường đó nữa.)

  Nói cho người khác biết, bây giờ anh muốn đi con đường này, tôi trước đây đã từng mê lầm đi lạc vào con đường này, gặp được một vị thiện tri thức, vị ấy khuyên bảo tôi, tôi quay đầu rồi, giúp người khác quay đầu. Quay đầu từ đâu? Từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quay đầu, từ thị phi nhân ngã, tham sân si mạn quay đầu, đây là ác đạo. Chúng ta gặp được Phật Bồ-tát, đây là thiện tri thức. Phật Bồ-tát dạy cho chúng ta những đạo lý này, chúng ta giác ngộ rồi. Những sự tướng mà các Ngài nói, chúng ta cũng quan sát rõ ràng rồi, chúng ta không đi vào con đường đó nữa. Mọi lúc, mọi nơi, đối với người, với sự, với vật nhất định không bị mê hoặc nữa. Không bị mê hoặc nữa, nghĩa là không khởi tâm động niệm, không còn phân biệt, chấp trước nữa, bạn đã giác ngộ rồi. Bạn vẫn còn khởi tâm động niệm, còn phân biệt chấp trước, vậy là bạn lại sai lầm rồi, bạn lại đi lạc vào đường ác. Cảnh giới ở trong đây cực kỳ vi tế, lại sợ mọi người nghe xong sinh ra hiểu lầm, như vậy có phải là không cần quan tâm đến mọi người, mọi việc trong thế gian hay sao? Tôi không có bảo bạn đừng quan tâm, tôi không có bảo bạn đừng làm, mà chỉ bảo bạn không khởi phân biệt, không khởi chấp trước. Không phải bảo bạn đừng ăn cơm, vẫn ăn cơm bình thường, một ngày ba bữa, không thiếu bữa nào. Đức Phật dạy chúng ta ăn cơm không nên phân biệt, không nên kén chọn. Đâu có bảo bạn không ăn cơm? Đối với xã hội, đối với tất cả chúng sanh, Bồ-tát đại từ đại bi, tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp. Chư Phật Bồ-tát vô cùng bận rộn! Các Ngài không phải không làm, việc gì các Ngài cũng làm, thị hiện ở trong các ngành các nghề. Chúng ta xem thấy ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, bất kỳ ngành nghề nào cũng làm nên thành tích tốt nhất, làm tấm gương tốt cho tất cả đại chúng, đâu có chuyện các Ngài không làm? Có thể thấy các Ngài làm thật. Trên sự làm viên mãn như vậy, nhưng trong tâm rất sạch sẽ, không nhiễm mảy bụi. Người thế gian chúng ta làm xong thì kể công, kiêu ngạo, kể tôi đã làm nhiều việc tốt như vậy, tôi có rất nhiều cống hiến cho xã hội, cho chúng sanh như vậy, vậy là bị ô nhiễm rồi, bạn không ra khỏi lục đạo, làm nhiều việc tốt đi nữa cũng chỉ hưởng phước trong lục đạo. Phước đó không phải diệu lạc. Chư Phật Bồ-tát thị hiện làm nhiều việc tốt đi nữa, nhưng trong tâm của mình chẳng hề dính một dấu vết nào. Nghĩa là: “Làm mà không làm, không làm mà làm”, đó gọi là diệu. Làm thì chúng ta hết lòng hết sức làm, không làm thì tâm địa thanh tịnh, tuyệt đối không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước. Ý nghĩa này nhất định phải hiểu cho rõ ràng, hiểu cho sáng tỏ, mới không đến nổi sinh ra hiểu lầm. Những gì mình làm là vì tất cả chúng sanh, chúng ta nhất định hết lòng hết sức. Làm thành công rồi là do chúng sanh có phước, chứ không phải ta có công. Ta có công gì đâu? Làm không thành công, là do nhân duyên phước đức của chúng sanh không chín muồi, ta cũng không có lỗi. Cho nên tự hành hóa tha đều là tùy duyên chứ không phan duyên. Phan duyên là gì? Chấp tướng là phan duyên, lìa tướng tức là tùy duyên. Có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là phan duyên. Lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là tùy duyên. Những lý và sự này nhất định phải làm cho rõ ràng, minh bạch, mới không đến nổi sinh ra hiểu lầm. Xem tiếp kinh văn dưới đây:

  “Nhược tái lý tiễn do thượng mê ngộ, bất giác cựu tằng sở lạc hiểm đạo, hoặc trí thất mạng. Như đọa ác thú.”

(Nếu còn đi vào đường ấy nữa, thời là còn mê lầm không biết đó là con đường hiểm nạn mà mình đã từng sa lạc rồi, hoặc đến nỗi phải mất mạng. Như chúng sanh bị đọa vào chốn ác đạo.)

Đây là hợp chung với ví dụ phía trước. Tập khí ác của chúng ta quá nặng, rất khó khắc phục. “Nhược tái lý tiễn, do thượng mê ngộ.” (Nếu còn đi vào đường ấy nữa, thời là còn mê lầm.) Hai câu nói này, chính là tính cảnh giác của chúng ta không đủ cao. Mặc áo ăn cơm lại khởi phân biệt, lại muốn kén chọn rồi. Chúng ta hãy làm từ chỗ nhỏ nhất, mỗi ngày bạn ăn cơm, hôm nay chọn món này ngon, ngày mai chọn món kia, bạn phải biết đó là nghiệp đạo khổ. Ham muốn mùi vị, ham muốn hưởng thụ, là bạn đang tạo nghiệp, bạn chưa có giác ngộ. Chúng ta trong khi ăn cơm, đang chắp tay niệm chú cúng dường, cúng dường Phật, có nghĩ đến Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa đi trì bát không? Người ta cho cái gì thì ăn cái ấy, Ngài có kén chọn là hôm nay anh cho tôi thức ăn không ngon, không hợp khẩu vị của tôi hay không? Đức Phật có bao giờ nói như vậy không? Đệ tử của Phật có bao giờ động ý nghĩ này hay không? Không có. Chúng ta ngày nay kén chọn đủ thứ, chúng ta đang tạo nghiệp mà mình không biết. Uống trà phải chọn trà nào ngon. Tôi xưa nay không biết trà nào ngon, trà nào dỡ, không biết. Người ta tặng trà cho tôi, tôi đều chuyền tay tặng cho người khác. Tặng đồ vật cao quý gì cho tôi cũng là rất uổng công. Tại sao vậy? Tôi không biết giá trị, không biết mắc hay rẻ, có đồ ăn là tốt rồi, có đồ mặc là được rồi. Nhất định phải áp dụng những kinh giáo này vào trong đời sống. Bắt đầu tu từ đâu vậy? Mỗi ngày phải ăn cơm, mỗi ngày phải mặc áo, mỗi ngày phải làm việc, hãy phản tỉnh từ trong đời sống thực tiễn, quay đầu từ trong đời sống hiện thực, quay đầu là bờ. Sửa đổi tập khí, sửa đổi lỗi lầm. “Bất giác cựu tằng, sở lạc hiểm đạo” (không biết đó là con đường hiểm nạn mà mình đã từng sa lạc rồi.) Đây là bản thân bạn không giác ngộ, trong đời quá khứ chúng ta đều đã từng trải qua ở trong ba ác đạo. Không chỉ là từng trải qua, mà còn trải qua vô số lần. Ngày nay chúng ta có thể lìa khỏi ba ác đạo được thân người, còn không phải nhờ Bồ-tát Địa Tạng cứu vớt sao? Toàn bộ tất cả chư Phật Bồ-tát thị hiện vào trong địa ngục, ngạ quỉ để độ chúng sanh, đều gọi là Bồ-tát Địa Tạng. Tương lai chúng ta thành tựu rồi, nhìn thấy chúng sanh địa ngục khổ, chúng ta cũng hóa thân vào địa ngục để độ hóa chúng sanh, người trong địa ngục cũng xưng chúng ta là Bồ-tát Địa Tạng. Bồ-tát Địa Tạng là danh hiệu chung, chứ không phải danh từ chuyên chỉ cho một người nào. Chúng ta hiện nay được thân người, liền quên hết sạch sẽ nỗi khổ trong ba ác đạo trước đây rồi. Chúng ta nhìn thấy chúng sanh trong ba ác đạo có nảy sinh giác ngộ hay không? Nhìn thấy súc sanh, súc sanh khổ, ta đã từng làm súc sanh rồi. Nhìn thấy ngạ quỉ, địa ngục, ngạ quỉ địa ngục khổ, ta đã từng đọa địa ngục, từng đọa ngạ quỉ rồi. Có định làm nữa hay không? Tại sao họ biến thành súc sanh? Do ngu si. Tại sao bị đọa ngạ quỉ? Do tham dục. Tại sao bị đọa địa ngục? Do sân hận. Tham, sân, si đọa ba ác đạo. Ngày nay trong tâm ta vẫn thường xuyên khởi tham sân si, thì bạn chính là “Nhược tái lý tiễn”, nghĩa là bạn đi vào lại đường cũ rồi. Khó khăn lắm mới thoát khỏi ba ác đạo, mới được thân người. Được thân người vẫn tiếp tục không ngừng tạo nghiệp ba ác đạo. Khi bạn mất đi thân người, lại trở vào ba ác đạo rồi! Chẳng phải giống như trong kinh phía trước nói hay sao? Mới thoát khỏi ác đạo, đi một vòng chưa được bao lâu họ lại trở về rồi. Độ lệch thời gian của nhân gian chúng ta với ba ác đạo là rất lớn. Thông thường nói một tháng ở nhân gian là một ngày của cõi ngạ quỉ. Thực ra cõi ngạ quỉ, cõi súc sanh, cõi địa ngục độ lệch thời gian ở trong mỗi cõi của họ cũng khác nhau. Một ngày ở trong địa ngục có chỗ là mấy trăm năm ở nhân gian, có chỗ đến mấy nghìn năm của nhân gian, khác biệt rất lớn. Chúng ta tính độ lệch thời gian nhỏ một chút, tính một trăm năm thôi. Bạn từ địa ngục thoát ra được thân người, cho dù bạn sống đến một trăm tuổi, bạn lại tạo tác ngũ nghịch thập ác. Một trăm năm tuổi thọ hết rồi, lại trở vào địa ngục, khi người trong địa ngục nhìn thấy bạn, bạn mới ra đi có một ngày, sao bạn lại trở về rồi? Chính là tình trạng này. Quên hết sạch sẽ lời giáo huấn của Bồ-tát rồi. Mời xem kinh văn dưới đây:

“Địa Tạng Bồ Tát, phương tiện lực cố, sử lệnh giải thoát, sanh nhân thiên trung, toàn hựu tái nhập.”

(Ngài Ðịa-Tạng Bồ Tát dùng sức phương tiện cứu vớt cho được thoát khỏi, sanh vào cõi trời, cõi người, rồi cũng vẫn trở vào ác đạo nữa.)

Đây chính là ví dụ mà tôi vừa mới nói. Chữ “Toàn” nghĩa là rất nhanh, mới ra khỏi lập tức lại trở về rồi. Nếu như dựa theo cách nói thông thường, trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, ở trong các buổi giảng tại trường đại học chuyên về Phật học, đã giảng cho chúng tôi nghe về tình trạng trong địa ngục. Thầy nói một ngày trong địa ngục, là bằng hai nghìn bảy trăm năm nhân gian chúng ta, là một ngày trong địa ngục. Một ngày của địa ngục là hai nghìn bảy trăm năm nhân gian chúng ta. Há chẳng phải bạn đến nhân gian, cho dù sống đến một trăm tuổi, hai trăm tuổi, cũng chẳng phải mấy phút lại trở về rồi sao? Vừa mới ra hít một hơi lại quay trở về rồi, thật sự là loại tình trạng này. Đây là nhờ bạn học Phật cũng tương đối có căn bản, Bồ-tát Địa Tạng vừa khuyên bạn, bạn khởi lên một niệm tâm thiện liền ra khỏi ngay. Sau khi ra khỏi rồi, lập tức lại mê lại.

  “Nhược nghiệp kết trọng, vĩnh xử địa ngục, vô giải thoát thời.”

  (Nếu chúng sanh đó kết nghiệp quá nặng, thời ở mãi chốn địa ngục không lúc nào được thoát khỏi.)

  Đây là nói nghiệp của bạn rất nặng. Bồ-tát Địa Tạng ở trong đó dạy bạn không nghe, bạn không tin. Nghiệp chướng nặng như vậy ở trong địa ngục, địa ngục là nơi mà Bồ-tát Địa Tạng thường hay đến giáo hóa, bạn cũng không nhận ra, bạn nhìn thấy Bồ-tát cũng chẳng thèm màng tới. Chư Phật Bồ-tát giáo hóa ở cõi nào, thì nhất định thị hiện cùng loại thân của cõi đó, mới có thể giáo hóa được. Không phải dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, không phải dùng loại thân này. Loại thân này người không có phước báo không thể nhìn thấy được. Thấy là cùng loại thân, cùng loại thân là rất khó nhận ra. Thế gian chúng ta Phật Bồ-tát ứng hóa rất nhiều. Thời xưa nhiều, hiện nay còn nhiều hơn nữa. Tại sao nói hiện nay nhiều hơn nữa? Hiện nay chúng sanh khổ hơn, nên Phật Bồ-tát thị hiện nhất định là nhiều hơn. Nhưng thị hiện cùng loại thân như chúng ta mà chúng ta không biết người nào là Phật? Người nào là Bồ-tát? Chúng ta làm sao biết được. Nhất định phải hiểu sâu Phật pháp, bạn hiểu tương đối thấu triệt về giáo lý của Phật, tâm địa thanh tịnh, tính cảnh giác cao, dần dần bạn mới phát hiện ở xung quanh thật sự có rất nhiều Phật Bồ-tát, từng giây từng phút đang quan tâm chúng ta. Tướng mà những vị Phật Bồ-tát này thị hiện không giống nhau, có thiện, có ác, thị hiện cảnh giới có cảnh thuận, có cảnh nghịch, chẳng qua là giúp chúng ta giác ngộ, giúp chúng ta quay đầu. Ở trong cảnh thuận giúp chúng ta đoạn tham, đoạn tham ái. Ở trong cảnh nghịch giúp chúng ta đoạn sân hận. Giúp cho tâm chúng ta ở trong cảnh giới thiện ác, thuận nghịch được tâm thanh tịnh, được tâm bình đẳng. Khi chúng ta ở trong cảnh thuận sinh tham ái, ở trong nghịch cảnh sinh sân hận, trong kinh nói như vậy là lại mê rồi, lại đọa lạc rồi, thoát khỏi ác đạo chưa được mấy ngày liền quay trở lại rồi. Điều này đức Phật ở trong kinh cũng thường nói, chỉ cần ở trong lục đạo luân hồi, thì chắc chắn thời gian ở trong ba đường ác dài, thời gian ở trong ba đường thiện ngắn, là đạo lý nhất định. Nếu như bạn không thể nhận biết rõ hoàn cảnh, không thể tiếp nhận sự giáo huấn, như vậy là nghiệp chướng của bạn quá nặng.  “Vĩnh xử địa ngục, vô giải thoát thời.” (Thời ở mãi chốn địa ngục không lúc nào được thoát khỏi.) Đây là chân tướng sự thật. Cho nên đọa vào địa ngục thì tuổi thọ là vô lượng kiếp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *