Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 80

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 80

   “Thổ địa phong nhưỡng” (Đất đai màu mỡ) chính là người thế gian thông thường gọi là được mùa. Ngũ cốc đầy kho, mưa thuận gió hòa. “Gia trạch vĩnh an.” (Nhà cửa mãi mãi yên ổn). Gia trạch là nơi bạn cư trú, được bình an, hạnh phúc. “Tiên vương sinh thiên” (Người đã chết được sinh lên cõi trời) Điều này trong bản kinh cũng nói rất nhiều, con cháu hiếu thuận, con cháu học Phật thì tổ tiên cũng thơm lay. Con cháu làm Bồ Tát, đây là tổ tiên của Bồ Tát, bất kể họ ở đường nào, cũng đều được người ta tôn kính. Chúng ta ở đây thấy Bà La Môn nữ, Quang Mục nữ tiên nhân của họ đều rơi vào trong ác đạo. Con gái hiếu thuận, con gái học Phật đúng như lý như pháp chứng được quả vị Bồ Tát, cho nên mẹ của họ, lập tức liền được những vị quỷ thần này tiễn đưa về cung trời Đao Lợi để hưởng phước. Tại sao vậy? Là cha mẹ của Bồ Tát, sao có thể đem họ nhốt vào trong Tam Đồ được? Cho nên trong cửa Phật thường nói: “Một người con thành Phật, tổ tiên chín đời được sanh thiên.” Tổ tiên chín đời trước đây đều sanh thiên cả, lời nói này là thật chứ không phải giả. Hiện nay chúng ta làm sao thành Phật? Xin thưa với quý vị vãng sanh thế giới Cực Lạc chính là thành Phật. Cho nên niệm Phật thật sự cầu vãng sanh, sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tổ tiên chín đời của bạn đều sanh thiên cả, đây mới là thật sự báo ơn. Chúng ta muốn cầu siêu cho tổ tiên, cứu vớt tổ tiên, cách làm như thế nào? Niệm Phật. Nhất định bản thân phải có thành tựu. Chúng ta xem thấy ở trong kinh văn, Bà La Môn nữ niệm Phật đắc định. Ở trong pháp môn niệm Phật chí ít là sự nhất tâm bất loạn, cô đắc niệm Phật Tam Muội, ở trong định cô nhìn thấy địa ngục, dạo chơi địa ngục, quỷ vương trong địa ngục tiếp kiến cô, xưng cô là Bồ Tát. Bản thân cô vẫn không biết mình đã thành Bồ Tát, nhưng quỷ vương xưng cô là Bồ Tát. Quang Mục nữ cũng là niệm Phật, công phu cạn hơn một chút, cảnh giới của cô là ở trong mộng chứ không phải trong định, nên hiệu quả không có thù thắng bằng Bà La Môn nữ, nhưng cảm ứng cũng không thể nghĩ bàn. Trong tưởng tượng của chúng tôi, có lẽ đó là công phu thành khối. Không có công phu thành khối thì không thể có được hiệu quả này. Cho nên bạn độ tổ tiên, bạn độ họ đến nơi nào, họ được lợi ích bao nhiêu, là hoàn toàn dựa vào công phu tu học của bản thân bạn. Công phu tu hành của bạn sâu, thì tổ tiên được lợi ích lớn, công phu tu học của bạn cạn, thì họ được lợi ích ít. Nếu chúng ta muốn báo ơn, cách báo như thế nào? Vậy là sáng tỏ rồi. Nhất định phải đoạn ác tu thiện, nhất định phải phát tâm làm Phật. “Kinh Vô Lượng Thọ” nói về cảnh giới của Phật A Di Đà, còn trong bộ kinh này nói cảnh giới của Bồ Tát Địa Tạng. Chúng ta đem từng câu từng chữ trong “Kinh Vô Lượng Thọ” thực hiện vào trong đời sống, bạn chính là Phật A Di Đà, bạn đã làm Phật rồi. Đem từng câu từng chữ trong bản kinh, thực hiện vào trong đời sống, bạn đã làm Bồ Tát rồi. Lời giáo huấn của đức Phật phải làm, chứ không phải nói, nói chẳng có tác dụng, phải nghiêm túc làm. “Tứ giả, hiện tồn ích thọ.” (Bốn là, những người hiện còn hưởng sự lợi ích.) “Hiện tồn” là ai vậy? Là người thân quyến thuộc của bạn, không phải bản thân bạn, bản thân thì không cần phải nói nữa. Những người hiện nay vẫn còn sống như cha mẹ, anh em, vợ con đều thơm lây. Một mình bạn tu hành cả nhà được phước. Tổ tiên bạn đều được phước. Không những cả gia đình bạn được phước, mà bà con hàng xóm láng giềng nơi bạn cư trú, bạn tu hành thành tựu càng lớn, thì phạm vi được phước sẽ càng lớn, có thể khiến cho một khu vực được phước, một quốc gia được phước, toàn thế giới được phước. Bạn có chịu làm thật hay không? Nếu muốn khu vực, xã hội, quốc gia, thế giới này được phước, nhất định phải quên ngã, tuyệt đối không có ý nghĩ tự tư. Niệm niệm vì xã hội, niệm niệm vì nhân dân, vì tất cả chúng sanh, tu hành như vậy thì thế giới được phước. Cho nên hiện tồn là mở rộng ra đến toàn thế giới, tiên vong cũng là toàn thế giới. Trong đạo tràng chúng ta có thờ bài vị siêu độ lớn, không phải của một nhà nào, là thờ những chúng sanh tử nạn của toàn thế giới này, chúng ta là thờ toàn thế giới. Những người hiện nay vẫn còn sống trên thế giới, hy vọng họ có thể sống được bình an, sống hạnh phúc. Chúng ta đem tất cả công đức tu học hồi hướng cho chúng sanh, hồi hướng cho pháp giới. “Ngũ giả, sở cầu toại ý.” (Năm là cầu chi cũng toại ý cả.) Đây chính là cái gọi là: “Ở trong cửa Phật có cầu ắt ứng) cầu đúng như lý như pháp thì nhất định sẽ có cảm ứng. Bản thân chúng ta mong cầu đúng như lý như pháp, cầu vẫn không có cảm ứng. Đây là do nguyên nhân gì? Do duyên chưa chín muồi. Cái tâm niệm mong cầu này của bạn rất đáng quý, mong cầu cho chúng sanh, chứ không phải cho mình. Mong cầu cho chúng sanh mà không có cảm ứng, là do phước của chúng sanh không đủ. Chúng ta hy vọng xây một cái niệm Phật đường, xây xong niệm Phật đường rồi mà không có người đến niệm Phật, vì thế những gì mong cầu cũng không có cảm ứng. Chúng ta thử xem những gì mà mọi người hiện nay mong cầu, hầu như thật sự là có cầu ắt ứng. Nguyên nhân gì vậy? Mọi người thật sự muốn niệm Phật, thật sự chịu niệm Phật, thật sự biết niệm Phật, không phải số ít người, mà đa số người, cho nên cảm ứng là không thể nghĩ bàn. “Sở cầu toại ý”, Phật Bồ Tát đang sắp xếp, sắp xếp đều là vừa đúng tốt cả. Cho nên con người phải có thiện tâm, phải vì chúng sanh, phải vì chánh pháp trụ lâu ở thế gian. Cả đời chúng tôi làm sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, không phải vì một khu vực, là vì toàn thế giới, là vì tất cả chúng sanh. Hy vọng mọi người ở trên địa cầu này đều có thể chung sống hòa thuận, đều có thể đôi bên hỗ trợ hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau sáng tạo xã hội hòa bình hưng vượng phồn vinh, đây là nguyện vọng của chúng tôi, ở trong đây bản thân chúng tôi tuyệt đối không có mảy may ham muốn danh vọng lợi dưỡng. Chúng tôi sẵn lòng sống đời sống trong sạch, vất vả, tự tại, đây là niềm vui lớn đích thực. “Lục giả, vô thủy, hỏa tai.” (Sáu là không có tai họa về nước và lửa.) Năm nay tai họa về nước và lửa rất nhiều, mọi người cho rằng đây là tai họa tự nhiên. Tai họa tự nhiên có nhân tố do con người làm. Nhân tố do con người làm là duyên, do quan niệm sai lầm, tư tưởng sai lầm, tự tư tự lợi, tham, sân, si, mạn, đây là nhân của tai họa tự nhiên. Nếu như nhổ trừ được cái nhân này, người thế gian đều có thể giác ngộ, xóa bỏ bức tường ngăn cách chủng tộc, xóa bỏ sự kỳ thị về tín ngưỡng tôn giáo, đều có thể tin Phật Bồ Tát, giống như thượng đế yêu thương bảo về người đời, không còn làm tổn hại một chúng sanh nào, giúp đỡ tất cả chúng sanh cùng chung sống hòa bình, chúng sanh cũng biết đôi bên tôn trọng hỗ trợ hợp tác lẫn nhau, thì tai họa do con người gây nên, và tai họa tự nhiên trong thế gian này thảy đều có thể tránh được. “Thất giả, hư hao tịch trừ” (Bảy là trừ sạch việc hư hao.) “Hư hao” nếu dùng cơn bão suy thoái kinh tế hiện nay để nói là thích hợp nhất. Xã hội hiện nay nói nguy cơ kinh tế, tai nạn này cũng có thể tránh được. Gần nửa thế kỷ trở lại đây, các nơi từ phương đông đến phương tây có rất nhiều lời tiên đoán, có rất nhiều lời tiên đoán cổ xưa, ba nghìn năm trước, mấy trăm năm trước, rất nhiều việc đã xuất hiện rồi, đều lưu hành ở các nơi. Về mặt đại thể những lời tiên đoán này, có một cách nói chung, là cuối thế kỷ này có tai nạn lớn xuất hiện. Quy nạp những tai nạn này lại, đại khái có ba loại: Loại thứ nhất do con người gây nên như chiến tran hạt nhân, đại thế chiến lần thứ ba, đây là cuộc chiến tranh có tính hủy diệt. Loại thứ hai là khủng hoảng kinh tế, là hư hao. Loại thứ ba là tai họa tự nhiên. Trên trái đất này sẽ xảy ra sự biến đổi của vỏ trái đất, vấn đề này rất nghiêm trọng. Trái đất vận hành trong không gian, độ nghiêng của nó cũng sẽ xảy ra biến đổi, khiến cho khí hậu của toàn thế giới hoàn toàn bất thường, có thể Nam Bắc cực sẽ biến thành xích đạo, còn chỗ xích đạo này sẽ biến thành Nam Bắc cực. Một khi biến đổi như vậy, sẽ ảnh hưởng đến sinh vật trên toàn bộ trái đất, sinh vật sẽ bị hủy diệt, sau đó từ từ thích ứng với khí hậu và sinh trưởng trở lại. Như thế không biết là phải bao nhiêu vạn năm, mới hình thành giống như tình trạng hiện nay. Tai nạn này vô cùng đáng sợ, hiện nay mọi người cho nó là tai họa tự nhiên, không phải sức người có thể kháng cự được. Người nói lời này là chưa có hiểu rõ thấu triệt về chân tướng sự thật. Trong kinh điển đức Phật nói cho chúng ta biết, và cách nói cổ xưa của Trung Quốc cũng có một câu nói là: “Nhân định thắng thiên”. Thiên là gì? Chính là tự nhiên. Tâm người bất định vậy thì vô phương rồi. Nếu tâm người định thì có thể diệt trừ được tai họa tự nhiên, cách nói này rất có đạo lý. Ngày nay Phật pháp, chúng ta phải hết lòng hết sức thực hiện rộng rãi. Tại sao vậy? Hy vọng cứu vãn tai nạn. Mặc dù chúng ta không có năng lực tiêu trừ tai nạn này, nhưng hy vọng có thể giảm bớt tai nạn, hy vọng mức độ tai nạn được thu nhỏ lại. Nhỏ cho đến mức độ nào, trì hoãn đến bao giờ, phải dựa vào công hạnh của chúng ta. Cho nên chúng ta cần phải hết lòng hết sức mà làm, nhất định phải đoạn ác tu thiện, nhất định phải quên mình vì người. Chúng ta là cùng một thể với toàn bộ đại chúng xã hội, đây là điểm trước tiên phải nhận định. Tất cả chúng sanh có quan hệ gì với chúng ta? Môi trường tự nhiên có quan hệ gì với chúng ta? Phải hiểu cho thật rõ ràng, thật minh bạch. Sau đó chúng ta phải phát tâm, làm thế nào báo đáp chúng sanh? Hằng ngày chúng ta niệm kệ hồi hướng: Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường. Làm sao thực hiện? Phải biết báo ơn chúng sanh, báo ơn đức của môi trường tự nhiên, báo ơn đức của trời đất quỷ thần, mới có thể tiêu trừ tất cả tai nạn. Những vấn đề này vô cùng hiện thực. “Bát giả, đỗ tuyệt ác mộng” (Tám là dứt hẳn ác mộng.) Đây là cho dù bản thân thật sự có mộng, nhưng chắc chắn không có ác mộng. Không có ác mộng thì tối ngủ rất ngon, ngủ rất yên ổn. Người tâm tư tà ác. Tà là nói tà tri tà kiến, tư tưởng kiến giải của họ sai lầm. Sai ở chỗ nào vậy? Tự tư tự lợi. Trong mỗi niệm luôn nghĩ tổn người lợi mình, đây gọi là tà tư. Ác là thập ác.

  Thân tạo sát, đạo, dâm.

  Khẩu nói dối, nói đôi chiều, nói thô ác, nói thêu dệt.

  Ý tham, sân, si.

   Đây là thập ác. Nếu như là người tà ác, vậy thì thường hay thấy ác mộng. Hay nói cách khác ngủ cũng không yên ổn, họ sống cuộc sống rất vất vả. Nếu như chúng ta có thể đoạn dứt hết tà ác, bồi dưỡng tâm chân thành, bất kể đối với người, với sự, với vật đều một lòng chân thành, không dối mình, không dối người. Thanh tịnh, thanh tịnh là hoàn toàn không ô nhiễm, không bị ô nhiễm bởi hoàn cảnh bên ngoài, cũng không bị ô nhiễm bởi phiền não nội tâm của mình, tâm bạn được thanh tịnh rồi. Tu bình đẳng, tu chánh giác, tu từ bi. Từ bi là yêu thương, bảo vệ tất cả chúng sanh một cách bình đẳng, vô điều kiện. Là trong đời này chúng ta thật sự sống trong tình yêu thường rộng lớn, có thể quên mình vì người, chỉ cần có thể khiến cho tất cả chúng sanh được phước lợi, thì cho dù hy sinh mạng sống của mình, cũng không hề hối tiếc, đây đích thực là đại từ đại bi. Thân tâm an ổn thì sao có thể có ác mộng được? Nếu như người học Phật vẫn còn có ác mộng, thì tự mình phải cảnh giác. Nguyên nhân gì vậy? Công phu không đắc lực. Bất kể bạn tu học pháp môn nào, công phu đắc lực thì hiện tượng đầu tiên là không còn ác mộng. Nếu vẫn còn ác mộng là công phu không đắc lực. “Cửu giả, xuất nhập thần hộ.” (Chín là khi ra lúc vào có thần theo hộ vệ). “Thần” là thiện thần hộ pháp. “Xuất” là nói đi ra ngoài. Hiện nay cơ hội đi du lịch nhiều. “Nhập” là trở về. Bất kể đi du lịch đến nơi nào, người học Phật cũng có người đi tham học, tham học cũng vậy, tham quan cũng vậy, du lịch cũng vậy, bất kỳ bạn ở chỗ nào cũng có chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo vệ, sẽ không bị gặp phải những tai nạn, bạn sẽ không bao giờ gặp. Bạn có những vị thiện thần này bảo vệ, và người cùng đi với bạn cũng được hưởng theo, họ cũng được bình an, cũng được những vị thiện thần hộ pháp này bảo vệ. Tu hành chân chánh rất quan trọng. Phật pháp thật sự là đem lại cho chúng ta lợi ích chân thật, lợi ích hiện thực, chứ không phải nói suông, không phải là mê tín, ở trong đây có đạo lý rất sâu. Loại sau cùng là “Đa ngộ thánh nhân” (Thường gặp nhân duyên thành thánh.) “Thánh nhân” chính là nói duyên phận. Bạn thường hay gặp được nhân duyên tốt. Nhân duyên này là gì? Là nhân duyên thành Phật, thành Bồ Tát, thánh nhân, thường hay gặp được nhân duyên khai ngộ, tăng trưởng đạo nghiệp. Đúng như lời đại sư Thiện Đạo nói: Đồng tu học Phật thành tựu cao hay thấp đều do gặp duyên khác nhau. Nếu như bạn gặp được duyên thù thắng, thì bạn thành tựu sẽ thù thắng. Đại đức xưa nay, là từ trước triều Tùy, từ khi pháp môn Tịnh Độ truyền vào Trung Quốc, những vị đại đức đó luôn cho rằng người vãng sanh thượng phẩm thượng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc phải đều là Bồ Tát, Bồ Tát vãng sanh thượng phẩm thượng sanh, phàm phu không thể làm được, phàm phu đại khái đều là hạ bối vãng sanh, người xưa có cách nói như vậy. Nhưng Đại sư Thiện Đạo điều chỉnh lại cách nói này. Trong truyện ký của Trung Quốc có ghi chép nói đại sư Thiện Đạo là Phật A Di Đà tái lai. Nếu như đại sư Thiện Đạo là Phật A Di Đà tái lai, thì sự điều chỉnh này chính là do chính Phật A Di Đà nói. Ngài Thiện Đạo là tổ sư đời thứ hai của Tịnh Độ tông, chúng ta cần phải tin sâu không nghi, do “gặp duyên khác nhau”. Ngày nay Cư Sĩ Lâm, Tịnh Tông học hội xây dựng làng Di Đà, duyên này là nhân duyên thù thắng đứng đầu, thật sự là hiếm có khó gặp, không chỉ là trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp. Chúng ta vô cùng mau mắn có thể gặp được. Gặp được duyên thù thắng như vậy, đây đích thực là nhân duyên thành thánh. Có thể ở trong đây tu một ngày cũng là do phước báo bạn tích được nhiều đời nhiều kiếp. Nếu như không phải do thiện căn nhiều đời, đạo tràng này, bạn muốn ở trong đó niệm một giờ đồng hồ cũng không được. Niệm Phật đường chúng ta bắt đầu thành lập mới ba tháng. Các đồng tu đến nơi này để niệm Phật, mặc dù là thời gian rất ngắn ngủi, niệm thời gian khoảng một vài cây hương, họ đến nói với tôi, cảm nhận của họ thật sự khác nhau, trong đời họ đã gặp rất nhiều đạo tràng, tham gia cộng tu với rất nhiều pháp hội, nhưng không có thù thắng bằng nơi này, không có cảm giác tốt bằng nơi này. Có rất nhiều người nói từ trường ở nơi này rất tốt, thật sự bước vào niệm Phật đường rồi thì không muốn bước ra, chứng tỏ đạo tràng rất có sức hấp dẫn. Do sức mạnh của ai vậy? Chắc chắn không phải bản thân chúng ta có cái năng lực này, không có. Do Tam Bảo nhiếp trì, đích thực là chư Phật hộ niệm, thiện thần ủng hộ, cho nên mới có khí tượng thù thắng như vậy, khiến cho mọi người có được sự thọ dụng mỹ mãn như vậy. “Đa ngộ thánh nhân”, duyên phận của bạn tốt, bạn thường hay gặp được chánh pháp, thường hay gặp được thiện tri thức, thường hay gặp được bạn đạo cùng tham học tốt, đây là duyên phận. Duyên cũng phải dựa vào bản thân thật sự tu mới có thể có cảm ứng. Giống như chúng ta xem thấy trong “Kinh Hoa Nghiêm” có câu “Tịnh tâm gặp duyên”, bạn mới thật sự được lợi ích. Dùng tâm thanh tịnh, tâm chân thành, tâm từ bi, gặp được duyên liền có thể được thọ dụng ngay. Nếu như tâm địa không chân thành, không thanh tịnh, không từ bi, gặp được duyên này cũng giống như là chưa gặp vậy, bỏ lỡ mất rồi. “Kinh Địa Tạng” có quan hệ quá lớn đối với việc tu học và đời sống của chúng ta. Toàn bộ giáo nghĩa ở trong bộ kinh này, quy nạp lại thành hai chữ là “Hiếu kính”, hiếu kính cha mẹ, tôn kính thầy tổ. Cho nên cổ đức nói bộ kinh này là kinh hiếu của cửa Phật, cách nói này không sai. Hai chữ “Hiếu kính” này không có lạ lẫm gì đối với người Trung Quốc, nhưng trên thực tế hai chữ hiếu kính này giảng như thế nào, e rằng người có thể nói ra được là rất ít, không nhiều. Nếu như nói sâu một chút thì người biết càng ít hơn nữa. Hàm nghĩa của hai chữ hiếu kính này sâu rộng vô cùng. Làm được viên mãn hai chữ này vậy là thành Phật rồi. Bồ Tát còn đang làm, chưa có viên mãn, thành Phật mới viên mãn. Cho nên chúng tôi thường nói, Bồ Tát đẳng giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, thì hiếu kính vẫn chưa viên mãn. Từ đó cho thấy, hai chữ hiếu kính này là pháp môn đại tổng trì của Phật pháp. Cái gọi là pháp môn tổng trì chính là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc của dạy học. Phật pháp dạy người ta là dạy cái gì? Dạy hiếu, dạy kính. Cần phải đem hiếu kính mở rộng, từ hiếu thuận cha mẹ, mở rộng đến hiếu thuận tất cả chúng sanh. Phụng sự thầy tổ mở rộng đến phụng sự tất cả chúng sanh. Đây chính là tâm Bồ Tát, tâm Phật. Sau đó bạn mới có thể thường hay gặp được Phật Bồ Tát. Đa ngộ thánh nhân là thường hay gặp được Phật Bồ Tát, thường hay có người hướng dẫn chánh pháp cho bạn. Người thế gian chúng ta nói thời vận của bạn tốt thật, người khác muốn gặp mà không được, sao bạn cứ gặp được hoài vậy. Nói thật ra mình phải có đủ lòng thành kính, tâm ham học, tâm lợi ích chúng sanh, bạn sẽ gặp được. Nói thật ra chư Phật Bồ Tát, những vị thiện tri thức lớn, chỗ nào mà không có? Lúc nào mà không có? Mọi lúc, mọi nơi đều có rất nhiều, là do bản thân chúng ta có mắt mà không nhận biết, gặp được cũng giống như không gặp được, thật sự đáng tiếc. Là do bản thân chúng ta không có đủ điều kiện nên gặp được rồi cũng bỏ lỡ mất. Hy vọng mọi người cần lưu ý ở chỗ này. Thiện tri thức chân chánh niệm niệm đều có nguyện vọng truyền pháp, nhưng đáng tiếc tìm không ra người để truyền. Chỉ cần phát hiện có người thật sự muốn học, họ sẽ nhiệt tâm chỉ dạy. Vả lại đều là làm thiện nguyện. Ở trong giảng đường của chúng ta, mọi người nhìn thấy ở trong đây, đây là mấy vị thầy của tôi. Tôi có ba người thầy, đều là dạy miễn phí cho tôi cả. Tôi không có khả năng trả học phí, tôi không có khả năng cúng dường, đời sống của tôi vào lúc đó vô cùng gian khổ. Tôi không thể cúng dường cho thầy, nhưng thầy còn phải cúng dường cho tôi, còn phải chăm sóc đời sống cho tôi, cả đời này tôi không bao giờ quên. Tuy thầy không còn nữa, tuy Hàn Quán Trưởng hộ trì không còn nữa, nhưng trong giảng đường của chúng tôi luôn thờ di ảnh của quý thầy. Chúng tôi tu học ở nơi này giống như thầy đang có mặt vậy, không quên ơn đức. Cho nên mới có thể thường gặp các bậc thánh. Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *