KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 83
Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang 44. Mời xem kinh văn:
“Phi đản nhữ độc hộ thị nhân cố, diệc hữu Thích Phạm quyến thuộc, chư thiên quyến thuộc ủng hộ thị nhân.”
(Chẳng phải chỉ riêng mình ông hộ trì người đó, cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Đế Thích, quyến thuộc của chư Thiên ủng hộ người đó.)
Kinh văn là tiếp theo phần trước. Kiên Lao địa thần hộ trì, cúng dường cho người chuyển độc, dựa theo phương pháp, lý luận của bản kinh này tu hành. Thế Tôn ở chỗ này là nói cho chúng ta biết, không chỉ là có địa thần hộ pháp, hộ trì. “Thích Phạm”. “Thích” là vua trời Đế Thích. Người Trung Quốc gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế. Ở trong tôn giáo nước ngoài gọi là Thượng Đế, Chúa Trời. Phạm là Đại Phạm Thiên Vương. Những vị thiên vương và những vị thiên thần này. Chữ “Quyến thuộc” đều là thuộc về thiên thần, không có người nào không ủng hộ người này. Người này là người như thế nào? Ở trang thứ bốn mươi hai phía trước: “Nhược vị lai thế trung hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân cúng dường Bồ Tát, cập chuyển độc thị kinh. Đản y Địa Tạng Bổn Nguyện kinh, nhất sự tu hành giả.” (Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào cúng dường Địa-Tạng Bồ Tát cùng đọc tụng kinh điển này, chỉ có thể tu hành theo một việc mà trong kinh ‘Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện’ đã dạy.) Chính là loại người này. Chữ vị lai thế trong kinh văn chính là chỉ chúng ta hiện nay. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa giảng kinh nói vị lai thế, nói mạt pháp là chỉ thời đại hiện nay của chúng ta. Mấu chốt là chữ “Thiện”, thiện nam tử, thiện nữ nhân, chữ thiện là một tiêu chuẩn. Người như thế nào mới có thể gọi là thiện? Tiêu chuẩn đơn giản nhất, trong “Quán Kinh” nói Tam Phước. Ở trong tổng kết Thế Tôn nói cho chúng ta biết đó là “Tịnh nghiệp chánh nhân của tất cả ba đời chư Phật.” Ở trong phước thứ nhất đã nói cho chúng ta bốn câu: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự thầy tổ, từ tâm không giết hại, tu thập thiện nghiệp”. Bốn câu này thảy đều làm được mới gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân, đây là mức thấp nhất của chữ “Thiện”. Nếu như không làm được bốn câu này thì không thể gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân được. Đây là điểm chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, phải hiểu rõ. Tại sao chúng ta đọc kinh, tu hành theo phương pháp của kinh điển, mà kết quả thu được không giống như trong kinh nói, nguyên nhân ở chỗ nào vậy? Đều ở trên một chữ này. Trong kinh nói rất rõ ràng, thiện nam tử, thiện nữ nhân. Nếu không phải thiện nam tử, thiện nữ nhân mà dựa theo phương pháp này tu hành thì quả báo sẽ kém đi rất nhiều, không có thù thắng được như vậy, đây là điều nhất định phải hiểu. Tối hôm qua, chúng tôi đọc thấy trong “Kinh Hoa Nghiêm”, “Vua cõi trời Ba Mươi Ba”, đại biểu cho Bồ Tát sơ địa, hoan hỷ địa. Vua cõi trời Ba Mươi Ba chính là vua trời Đao Lợi. Ngài đại biểu cho ý gì vậy? Ngũ giới thập thiện. Hay nói cách khác vẫn là phước thứ nhất ở trong tịnh nghiệp tam phước, hiếu thảo cha mẹ, tôn kính thầy tổ, dùng tâm đại từ bi tu thập thiện nghiệp đạo, đây là hoan hỷ địa. Nếu như chúng ta không thể y giáo phụng hành, ngay cả tiêu chuẩn thiện nam tử, thiện nữ nhân thấp nhất chúng ta cũng không thể đạt được. Cả đời học Phật chỉ có thể nói là kết thiện duyên với Phật mà thôi. Có thể thành tựu hay không? Không thể thành tựu. Thành tựu thù thắng nhất cũng chẳng qua là đời sau được phước báo nhân thiên, không có cách gì rõ dứt sanh tử, ra khỏi luân hồi được, đạo lý này nhất định phải hiểu. Trong kinh, tất cả kinh luận đều nói chữ “Thiện”, chúng ta nhất định phải nghiêm túc học tập, phải đạt được tiêu chuẩn “Thiện” trong kinh điển. Quả báo ở trong đây nói quá thù thắng rồi. Tiêu chuẩn như thế này có thể thu được quả báo thù thắng như vậy không? Không thể. Tại sao vậy? Cái thiện này của bạn là vừa mới đạt đến tiêu chuẩn. Đây là thiện sơ cấp, thiện nhỏ. “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” là Kinh Đại Thừa, nó không phải là kinh Tiểu Thừa. Cho nên tiêu chuẩn của chữ Thiện này, còn phải nâng cao lên nữa. Phước thứ hai trong Tam Phước là: “Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi”, cái này cao hơn phía trước nhiều rồi, đây là thiện Nhị Thừa, là thiện của A La Hán và Phật Bích Chi. Họ tu hành có thể được quả báo này hay không? Vẫn không thể, vẫn thiếu một khoảng. Nâng cao lên nữa là thiện Đại Thừa, còn phải thêm: “Phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn hành giả.” Đó chính là tiêu chuẩn của thiện ở chỗ này. Bạn dùng thiện tâm, thiện hạnh như vậy cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, chuyển đọc “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, dựa theo lý luận, phương pháp của kinh điển này chuyên tu, chuyên hoằng. “Một việc tu hành” là chuyên tu chuyên hoằng. Bạn mới có thể được Kiên Lao địa thần ủng hộ, bạn mới có thể được, thiên thần, vua trời Dục Giới, vua trời Sắc Giới ủng hộ. Họ dựa vào cái gì để ủng hộ bạn vậy? Bởi vì bạn là Bồ Tát. Thiện nam tử, thiện nữ nhân không phải người khác, là Bồ Tát. Họ sao có thể không ủng hộ được? Tam Phước, bạn làm được điều thứ nhất thì bạn chỉ là người thiện thế gian, tất cả thiện thần trong cõi trời Dục Giới sẽ phù hộ bạn, thần thổ địa ở nơi này của bạn sẽ phù hộ bạn. Kiên Lao địa thần là tổng địa thần của toàn thế giới, không cần ông đến, ông phái vài vị thổ địa nhỏ đến là đủ rồi. Nếu như thiện của bạn đạt đến thiện Nhị Thừa, Thanh Văn, Duyên Giác, bạn đã không phải là phàm phu rồi. Ở trong Tiểu Thừa bạn đã nhập vào dòng thánh rồi, là bạn có thể cảm được thiên thần đến ủng hộ bạn, những vị Thiên Vương này tôn kính, thiên thần ủng hộ bạn. Bạn là Bồ Tát, thì Thiên Vương cũng tôn kính bạn, cũng ủng hộ bạn. Phần trước Kiên Lao địa thần cũng đã nói rồi, lời trong “Kinh Quang Minh” ở trong chú giải nói, tức là hàng sau cùng, trang thứ bốn mươi ba của chú giải, bắt đầu xem câu sau cùng: “Kiên Lao Bạch Phật ngôn” (Kiên Lao địa thần bạch cùng đức Phật rằng:) Kiên Lao địa thần là tổng địa thần của toàn thế giới, không phải địa thần phổ thông. “Thuyết pháp Tỳ Kheo, tọa pháp tòa thời, ngã thường trú dạ vệ hộ bất ly, ẩn tế kỳ hình, tại pháp tòa hạ, đỉnh tải kỳ túc.” (Khi tỳ-kheo thuyết pháp, lúc ngồi trên pháp tòa, ngày đêm tôi thường hộ vệ chẳng rời khỏi, ẩn hình dưới pháp tòa, đầu đội phía dưới chân vị ấy.) Cho nên cái này không phải thiện nhỏ mà có thể cảm được. Địa vị của Kiên Lao địa thần còn cao hơn cả vua Diêm La. Vua Diêm La là thống trị một nước, là một quốc gia. Kiên Lao địa thần là thống trị thế giới này. Thế gian này của chúng ta vẫn chưa có, khi toàn thế giới thống nhất rồi thì vị quốc vương đó mới là Kiên Lao địa thần. Kiên Lao địa thần ở dưới chỗ ngồi của bạn, đầu Ngài đội chân của bạn. Bạn có phước báo bao lớn! Cho nên thiện nam tử, thiện nữ nhân đó là thiện lớn chứ không phải thiện nhỏ. Thiện nhỏ cảm được vị thổ địa nhỏ, đầu đội dưới chân của bạn, bạn đã là rất tuyệt vời rồi. Thổ địa nhỏ là trưởng làng, trưởng thôn. Cho nên từng câu từng chữ trong kinh nói, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của nó thì mới không đến nỗi sinh ra hiểu lầm. Từ đó cho thấy, bạn không phát tâm lớn làm sao được? Bồ Tát khác với phàm phu là tâm lượng lớn. Quý vị tham gia rất nhiều pháp hội Phật sự, đọc sớ văn vừa mở đầu đều đọc là: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới.” Ý nghĩa của hai câu nói này là gì vậy? Chính là phát tâm Bồ-đề. Vừa phát tâm Bồ-đề thì tâm lượng đó chính là hư không pháp giới. Người tâm lượng rất nhỏ, chưa phát tâm Bồ-đề, tâm đó của bạn là mê. Bồ-đề là giác ngộ. Tâm giác là tận hư không, khắp pháp giới. Lượng chu sa giới. Lượng lớn phước lớn. Cảm động được chư thiên, thiên vương, thiên thần đến ủng hộ bạn, cảm động được Kiên Lao địa thần dùng đỉnh đầu đội chân của bạn, cung kính đối với bạn như vậy. Đoạn này trong chú giải rất quan trọng, chúng ta hãy đọc qua nó một lượt. “Sơ cú, vị bất đản nhữ địa thần độc hộ.” (Câu đầu, nói rằng không phải chỉ riêng mình địa thần ông ủng hộ người ấy) Đây là lời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chữ Nhữ là chỉ Kiên Lao địa thần. Nói người cúng dường, đọc kinh, y giáo tu hành này, không những là một mình địa thần ông đến hộ trì người ấy. Ngài phát nguyện hộ trì họ. “Nhược quả như thượng tu vi.” (Nếu như bạn có thể tu hành như trên). Nhược là lời nói giả thiết. Thật sự bạn có thể y giáo tu hành như lời trong kinh nói. Hiện nay nói là bạn thực hiện rồi, bạn đã có thể làm được nó rồi, thì sẽ được nhiều người hộ trì. “Diệc hữu Thích Phạm chư thiên quyến thuộc giai lai ủng hộ.” (Cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Đế Thích, quyến thuộc của chư Thiên ủng hộ người đó.) Bên dưới đại sư Thanh Liên trích dẫn kinh điển để chứng minh câu nói này. “Như Tứ Thiên vương bạch Phật ngôn:” (Như Tứ Thiên vương bạch cùng đức Phật rằng) Đây là Tứ Đại thiên vương cõi trời Dục Giới. “Thị nhân nhược đắc văn thị kinh điển, năng đắc vị lai, hiện tại chủng chủng vô lượng công đức. Ngã đương ẩn tế, bất hiện kỳ thân. Vị thính pháp cố, đương chí sở chỉ giảng pháp chi xứ.” (Nếu người đó được nghe kinh điển này sẽ được vô lượng công đức trong hiện tại, vị lai. Vì để nghe pháp, tôi sẽ tới chỗ đang giảng pháp, ở lại đó, nhưng ẩn hình không hiện thân) Đây là nói rõ Tứ Đại thiên vương. Khi Tỳ Kheo thăng tòa giảng kinh, thì Tứ Đại thiên vương sẽ dẫn đầu bát bộ quỷ thần đến nghe kinh, nghe pháp, họ đến hộ trì đạo tràng. Ở trong đây quan trọng nhất là bản thân chúng ta phải suy nghĩ xem, chúng ta dựa vào cái gì mà có thể cảm động những vị thiên thần, những vị thần linh hộ pháp này? Dựa vào đức hạnh của mình. Đức gì vậy? Tánh đức của tự tánh. Tánh đức bộc lộ ra, đây là đức hạnh. Bạn khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, đều tương ưng với những gì trong kinh luận của đức Phật nói. Những gì trong kinh luận Phật nói đều là bộc lộ ra từ trong tự tánh của Như Lai. Tương ưng với kinh điển chính là tương ưng với tánh đức của tự tánh, cho nên mới có thể cảm động trời đất quỷ thần, đạo lý là ở chỗ này. Phía dưới lại nói “Đại Phạm thiên vương”, vua cõi trời Sắc Giới, cõi trời Sơ Thiền. “Thích Đề Hoàn Nhân” là thiên chủ cõi trời Đao Lợi. “Đại Biện thiên thần, công đức tôn thiên, Tán Chi quỷ thần, đại tướng quân đẳng, nhị thập bát bộ quỷ thần đại tướng, Ma Hê Thủ La, Ma Ni Bạt Đà quỷ thần đại tướng. Quỷ Tử Mẫu cập ngũ bá quỷ tử” (Đại Biện thiên thần, công đức tôn thiên, Tán Chi quỷ thần, đại tướng quân, v.v., hai mươi tám bộ quỷ thần đại tướng, Ma Hê Thủ La, Ma Ni Bạt Đà quỷ thần đại tướng. Quỷ Tử Mẫu và năm trăm quỷ con)
Bên dưới là: “Vô lượng bách thiên vạn ức na-do-tha quỷ thần chư thiên, như thị đẳng chúng, vị thính pháp cố, tất tự ẩn tế, bất hiện kỳ thân, chí thị nhân sở chỉ giảng pháp chi xứ” (Vô lượng trăm nghìn muôn ức na-do-tha quỷ thần cõi trời, những vị ấy vì muốn nghe pháp nên phải tự ẩn hình, chẳng hiện ra, và đến đứng ở chỗ người đó giảng pháp). Chúng ta ngày nay mình tu học không đạt đến trình độ này, không đạt đến trình độ thượng thiện. Trình độ trung thiện cũng chưa chắc đạt được. Trình độ thấp nhất phải làm được là hạ thiện, là hiếu thảo cha mẹ, tôn kính thầy tổ, từ bi tu thiện, đây là trình độ thấp nhất. Trước đây chúng tôi giảng rất nhiều, những băng ghi âm này quý vị có thể làm tham khảo. Ở trong đây có một nguyên tắc chung, tức là dùng chân tâm, tâm chân thành, không lừa dối mình, không lừa dối người khác. “Tất cả phải làm từ trong tâm chân thật”. Bạn mới có thể đạt đến tiêu chuẩn của thiện, bạn mới là thiện nam tử, thiện nữ nhân như trong kinh nói. Sau cùng Ngài lại nêu ra: “Kim Quang Minh, Phương Đẳng Viên kinh.” Trong câu này hàm chứa rất nhiều kinh luận. Viên là kinh điển Viên Giáo. “Thiên long thần quỷ ủng hộ nhược tư. Huống kim khai hiển tối thượng chi điển” (Thiên long quỷ thần còn ủng hộ như vậy, huống chi nay khai hiển kinh điển tối cao.) Cổ đức thừa nhận câu nói này. “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” là kinh điển tối thượng. Hai chữ khai hiển này là cùng một ý nghĩa với “Khai hóa hiển thị chân thật chi tế” mà trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói. Bộ “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” này cũng là khai hóa hiển thị chân thật chi tế. “Kỳ Phạm Thích thiên đẳng ủng hộ chi lực, hề sĩ cánh ngôn tai” (Sức ủng hộ của các Phạm Thiên, Thích Đề Hoàn Nhơn đâu cần nói thêm.) Đâu cần phải nói nhiều nữa? Nhất định sẽ cảm được thiên thần và vua cõi trời Sắc Giới, cõi trời Dục Giới đến ủng hộ. Người phát tâm học giáo, bất kể là tại gia hay xuất gia, người hoằng pháp lợi sinh đều không thể không biết về chân tướng sự thật này. Bạn sáng tỏ, hiểu rõ sự việc này thì phải toàn tâm toàn lực nghiêm túc làm. Nếu như bạn không nghiêm túc, cứ làm công việc này một cách cẩu thả, không những có lỗi với người, mà còn mắc tội với những quỷ thần này, điều này nhất định phải biết. Ý nghĩa của đoạn kinh văn này dưới đây còn hay hơn nữa.
“Hà cố đắc như thị thánh hiền ủng hộ”
(Tại sao lại được các vị Hiền Thánh ủng hộ như thế?)
Trước tiên đức Phật Thích Ca Mâu Ni đưa ra vấn đề này, nhắc nhở mọi người chú ý. Nguyên nhân gì, lý do gì bạn được những vị Thánh Hiền này ủng hộ? Đức Phật nói hai chữ Thánh Hiền, là nói rõ những vị vua trời, thiên thần này, kể cả Kiên Lao địa thần, họ không phải là phàm phu, họ là Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian, ở trong lục đạo. Được các Ngài ủng hộ chính là được chư Phật Bồ Tát ủng hộ. Tại sao bạn có thể được ủng hộ? Dưới đây nói:
“Giai do chiêm lễ Địa Tạng hình tượng, cập chuyển độc thị bổn nguyện kinh cố.”
(Đều do vì những người ấy chiêm lễ hình tượng của Địa-Tạng Bồ Tát và đọc tụng kinh ‘Bổn Nguyện’ này.)
“Chiêm lễ” có phải là thờ cúng tôn tượng Bồ Tát Địa Tạng rồi mỗi ngày cúi lạy, cúng bái không? Mỗi ngày đem “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” đọc vài lần từ đầu đến cuối phải không? Như vậy là bạn có thể có được lợi ích lớn như thế này sao? Nhớ kỹ câu nói phần trước là chuyên tu chuyên hoằng, y giáo tu hành, vậy mới được. Ở trong “Chiêm lễ” không chỉ là hình thức, mà thấy người hiền muốn học theo, học Bồ Tát Địa Tạng. Nhìn thấy hình tượng của Bồ Tát Địa Tạng, ta phải học theo Bồ Tát Địa Tạng, ta phải noi theo Bồ Tát Địa Tạng. Lấy Bồ Tát Địa Tạng làm khuôn mẫu, hình mẫu học Phật cho bản thân mình. Ta phải học giống y như Ngài vậy, vậy gọi là chiêm lễ. “Chuyển độc” mấu chốt là ở chữ “Chuyển”. Chúng ta ngày này biết đọc mà không biết chuyển. Chuyển là gì vậy? Là chuyển cảnh giới của mình. Trước khi chưa có đọc kinh thì rất nhiều cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm của chúng ta thảy đều sai cả. Bây giờ mở bộ kinh này ra, sau khi đọc rồi mới hoát nhiên đại ngộ, sáng tỏ rồi, bèn đem tất cả sai lầm chuyển trở lại, giống như Phật Bồ Tát vậy, vậy gọi là chuyển. Chữ chuyển này nói một cách đơn giản là chuyển biến. Bình thường chúng ta thường nói chuyển phàm thành thánh. Đọc kinh này nếu bạn biết chuyển thì công đức sẽ rất lớn. Cái chuyển này của bạn không thể coi thường, bạn không phải là vị thánh nhỏ, không phải A La Hán, không phải Phật Bích Chi, không phải vị Bồ Tát phổ thông, mà là Bồ Tát Địa Tạng. Có tưởng tượng nổi không? Cho nên phải thường đọc kinh, đọc mỗi này, chuyển mỗi ngày. Bạn không đọc thì bạn làm sao biết chuyển? Câu “Đọc tụng đại thừa” ở trong tịnh nghiệp tam phước này là rất quan trọng, phải đọc mỗi ngày, phải đọc cho thật thuộc, thì lúc khởi tâm động niệm bạn mới có thể chuyển trở lại được, đạo lý này là ở chỗ này. Đọc kinh mà không chuyển cảnh giới được là uổng công rồi. Cho nên mở kinh điển ra có người biết đọc, có người không biết đọc. Người không biết đọc là đọc cho Phật Bồ Tát nghe, chứ không có liên quan gì đến mình. Người biết đọc là đọc cho mình nghe, chứ không liên quan gì đến người khác, nhất định chuyển đổi cảnh giới của mình. Ở trong “Đàn Kinh” thiền sư Pháp Đạt tụng “Kinh Pháp Hoa”, tụng ba nghìn biến mà không khai ngộ. Sau khi ngộ rồi, Ngài rất cảm khái thưa với Lục Tổ đại sư: Tuy trước đây mỗi ngày đọc “Kinh Pháp Hoa”, đã đọc ba nghìn biến là bị “Pháp Hoa” chuyển. Nay khai ngộ rồi thì chuyển “Pháp Hoa”. Đây gọi là chuyển đọc. Ngài Pháp Đạt đã làm nên một tấm gương tốt rõ ràng cho chúng ta thấy. Đến khi nào bạn có thể chuyển được kinh mà không bị kinh chuyển? Bị kinh chuyển là bạn kẹt ở trong câu kinh, bạn đọc sách cứng nhắc, bạn không khai ngộ. Bạn chuyển được kinh là bạn khai ngộ từ trong kinh. Sau khi ngộ rồi thì từng câu từng chữ đều là sống động, từng câu từng chữ đều hàm chứa vô lượng nghĩa. Bạn giải thích cho chúng sanh, nói dài nói ngắn, nói sâu nói cạn, không có gì là không tự tại. Cho nên đọc kinh có phải là tu hành hay không? Là tu hành. Người biết đọc là tu hành, người không biết đọc thì không phải tu hành. Cổ đức dạy chúng ta “Tùy văn nhập quán” đó là tu hành. Theo những gì đức Phật dạy, thấy quan niệm của chúng ta tương ưng, khế nhập, đây là chân tu, viên tu viên chứng. Ai làm được? Thiện Tài Đồng Tử trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Bạn thấy Thiện Tài Đồng Tử nghe pháp, mỗi lần tham vấn một vị thiện tri thức thì địa vị của ông nâng cao lên một cấp. Ông tham vấn tỳ kheo Đức Vân là Bồ Tát Sơ Trụ, tham vấn tỳ kheo Hải Vân là Bồ Tát Nhị Trụ, tham vấn tỳ kheo Diệu Trụ là Bồ Tát Tam Trụ, không ngừng đang nâng cao, đến cuối cùng tham vấn Bồ Tát Phổ Hiền. Thập đại nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền hướng về Cực Lạc, ông thành Phật, quả vị ông chứng được là Phật quả cứu cánh viên mãn. Tại sao ông chứng được? Tùy văn nhập quán. Theo sự khai thị, hướng dẫn của thiện tri thức, ông liền khế nhập cảnh giới. Ngày nay chúng ta tu học, đã tu mấy chục năm mà vẫn là phàm phu, chưa có chuyển động chút nào cả, khổ là ở chỗ này, niệm niệm vẫn là thuận theo phiền não, vậy làm sao được? Đến khi nào chúng ta có thể chuyển phiền não thành Bồ-đề, bạn có thể thuận theo Bồ-đề, chứ không thuận theo phiền não nữa, thì bạn thành tựu rồi, bạn thành Phật rồi. Cho nên chữ quan trọng nhất ở trong đoạn kinh văn này là chữ “chuyển”. Xem bạn có biết chuyển hay không? Thật sự có thể chuyển đọc bộ kinh này, dưới đây là nói quả báo.
“Tự nhiên tất cánh xuất ly khổ hải, chứng Niết Bàn lạc”
(Tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng được Niết Bàn yên vui.)
Đây là nói quả của họ. “Xuất ly khổ hải” (Xa lìa biển khổ) phía trước nó có thêm chữ “tất cánh” (rốt ráo). Nếu như không thêm chữ tất cánh. Xuất ly khổ hải là chỉ lục đạo luân hồi. Thêm vào chữ tất cánh vậy thì không chỉ lục đạo luân hồi, mà bao gồm cả thập pháp giới. Tất cánh xuất ly khổ hải, là thoát khỏi thập pháp giới, chứng đại Niết Bàn. Đây là quả vị gì? Mức thấp nhất là Bồ Tát Sơ Trụ Viên Giáo, là Bồ Tát Sơ Địa Biệt Giáo, đây là nói mức thấp nhất. Nhưng thực tế thì sao? Thực tế không phải vậy, không phải địa vị này. Thoát khỏi thập địa mới gọi là tất cánh xuất ly khổ hải. Cũng tức là nói phá sạch vô minh rồi, chứng đại Niết Bàn yên vui của quả vị Như Lai Viên Giáo.
“Dĩ thị chi cố, đắc đại ủng hộ.”
(Vì thế nên được sự ủng hộ lớn lao.)
Đạo lý và nguyên nhân là như vậy, cho nên được các vị chư Phật Như Lai này đến hộ niệm, thiên vương, thiên thần ủng hộ. Chúng ta muốn hỏi, chúng ta có thể làm được hay không? Đương nhiên có thể. Nếu như không thể, thì đức Phật sẽ không nói với chúng ta những lời này. Những gì đức Phật nói, để chúng ta không làm được, vậy chẳng phải là đức Phật bỡn cợt, nhử cho thèm hay sao? Vậy thì đức Phật có lỗi rồi. Những gì đức Phật dạy đều là việc chúng ta có thể làm được, vấn đề là bạn có chịu làm hay không. Nếu như bạn chịu làm thì không có chuyện làm không được. Chuyển biến chỉ ở trong khoảng một niệm. Trong đại giáo viên đốn chỉ cần đem ý nghĩ tự tư tự lợi xả sạch, là bạn có thể làm được. Chỉ cần bạn khởi tâm động niệm vì tất cả chúng sanh. Tất cả ở đây không phải là khu vực này, không chỉ là một quốc gia này, cũng không chỉ một thế giới này, cũng không phải tam thiên đại thiên thế giới này, mà là tất cả chúng sanh tận hư không, khắp pháp giới, bạn mới thật sự làm được tâm bao khắp hư không, lượng trùm khắp các cõi giới, cảnh giới của bạn chuyển trở lại rồi, liền nhập cảnh giới của chư Phật Như Lai. Bạn liền được chư Phật Như Lai hộ niệm, gia trì, trí tuệ đã mở rồi, dứt được phiền não rồi. Làm sao dứt phiền não đây? Bạn phải biết gốc của phiền não là gì? Gốc chính là chấp ngã, tự tư tự lợi, đây là gốc của phiền não. Ngày nay ý nghĩ tự tư của bạn không còn, niệm niệm vì chúng sanh, niệm niệm vì Phật pháp, niệm niệm vì hư không pháp giới, thì gốc rễ phiền não của bạn sẽ không còn nữa, đâu cần phải đoạn? Không đoạn mà tự nhiên sẽ hết. Phiền não hết rồi, thì trí tuệ Bát Nhã trong tự tánh hiện tiền. Các bạn hằng ngày cầu trí tuệ mà không chịu phát tâm vì tất cả chúng sanh, thì làm sao có trí tuệ được? Sao có thể hiện tiền được? Niệm niệm đều là tự tư tự lợi, đây là chướng ngại lớn. Không những bạn không thể thoát khỏi thập pháp giới, mà còn không thể thoát khỏi lục đạo. Không những không thể thoát khỏi lục đạo mà còn không thể thoát khỏi Dục Giới, bạn nói không gian sống của bạn nhỏ cỡ nào, bạn sống vất vả biết bao! Nguyên nhân gì vậy? Do chấp ngã kiên cố, phân biệt, chấp trước. Chúng ta đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp đến nay bị cái này hại, nên chịu cái thiệt thòi này. Tự mình nhất định phải biết, nhất định phải hiểu rõ, buông xả phân biệt, chấp trước, buông xả tự tư tự lợi, thì tiền đồ của bạn là một vùng sáng sủa, đại tự tại, đại phước đức liền hiện tiền ngay. Chúng tôi cũng đã từng nghe đức Phật nói như vậy ở trong kinh điển. Bộ kinh này hay. Vừa mở đầu đức Phật phóng mây Quang Minh. Thế Tôn nói ra cho chúng ta biết mười loại mây Quang Minh, đó là do tự tánh hiển lộ. Trong đây có đại phước đức, đại kiết tường, đại viên mãn lớn, chỉ cần xả hết một niệm tâm tư lợi, thì bạn sẽ đạt được toàn bộ. Chư Phật Bồ Tát đạt được, vì họ không có tâm tư lợi, họ không có tư dục. Phàm phu chúng ta không thể đạt được là do tư dục chướng ngại kín rồi. Trong kinh Phật thường nói hai chướng, ba chướng. Hai chướng là phiền não chướng và sở tri chướng. Phiền não chướng chính là dục vọng, tự tư tự lợi. Sở tri chướng chính là thành kiến, là cách nghĩ của mình, cách nhìn của mình là sở tri chướng. Hai loại chướng ngại này chướng kín tánh đức của bạn khiến nó không thể hiện tiền. Bạn nói đáng tiếc biết bao! Ở trong chú giải có mấy câu nói rất quan trọng. Chúng ta đọc qua nó một lượt, trang bốn mươi lăm, đếm ngược đến hàng thứ ba, bắt đầu xem từ chữ thứ tư. Đây là nói “Tất cánh xuất ly khổ hải” (Rốt ráo thoát khỏi biển khổ). Ý nghĩa của khổ hải là gì? “Kim chỉ nghiệp hải, khổ hữu vạn đoan” (Nay chỉ biển nghiệp, khổ có muôn mối.) Khổ hải mà chỗ này nói là biển nghiệp. Biển nghiệp rất lớn. Bạn tạo nghiệp, bạn tạo nghiệp thiện sẽ có thiện báo, tạo nghiệp ác sẽ gặp ác báo. Thiện báo, ác báo đều không tự tại. Nếu như dựa vào lục đạo để nói, thì mọi người thường hay nghe nói ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, ba đường thiện là trời, người, a-tu-la. Lục đạo là biển nghiệp. Nếu như mở rộng ra nữa, thì pháp giới Tứ Thánh là nghiệp thiện, còn ở trong lục đạo đều là nghiệp ác, vẫn là biển nghiệp. Thập pháp giới là biển nghiệp lớn, thì lục đạo là một góc nhỏ, khổ nhất ở trong biển lớn. Thoát khỏi biển nghiệp, là thoát khỏi thập pháp giới. Trong chú giải nói: “Ký do lễ độc, chiêm lễ, chuyển độc, xuất ly vô nan. (Đều do lễ, đọc, chiêm ngưỡng, lễ bái, thoát ly không khó). Mỗi ngày bạn chiêm ngưỡng, lễ bái hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, ngưỡng mộ Bồ Tát Địa Tạng, tôn trọng Bồ Tát Địa Tạng, noi theo Bồ Tát Địa Tạng, học tập theo Bồ Tát Địa Tạng, lại có thể đọc kinh, y giáo phụng hành, thì bạn thoát khỏi biển nghiệp sẽ không khó. “Ngôn tự nhiên, tự nhiên tất cánh. Thuyết tự nhiên, tắc bất gia miễn cưỡng. Thuyết tất cánh tắc đáo để bất hư” (Nói tự nhiên, thì tự nhiên rốt ráo, nói tự nhiên thì chẳng miễn cưỡng thêm, nói rốt ráo thì đích thực chẳng hư dối) Những chữ này đều vô cùng quan trọng. Cho nên tu hành nhất định phải tu tâm thanh tịnh, tu bình đẳng, giác, bạn sẽ thấy tất cả đều tự nhiên. Có nguyện chứ không mong cầu, nguyện sinh Tây Phương Tịnh Độ, đây là nguyện, không có mong cầu. Nguyện là chân tâm. Cầu là vọng tâm. Sự khác biệt ở trong đây bạn phải biết.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.