Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 17

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 17 

Xin mời mở bản kinh ra, phẩm thứ ba Quán Chúng Sanh Nghiệp Duyên, lần trước giảng đến bất kính Tam Bảo. Chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây: “Nhược hữu chúng sanh xâm tổn thường trụ, điếm ô Tăng, Ni, hoặc già lam nội tứ hành dâm dục, hoặc sát hoặc hại, như thị đẳng bối, đương đọa Vô Gián địa ngục thiên vạn ức kiếp cầu xuất bất kỳ.” (Hoặc có chúng sanh xâm tổn thường trụ, ô phạm Tăng, Ni, hoặc tứ tình làm sự dâm loạn trong chốn chùa chiền, hoặc giết hại…Những chúng sanh đó phải đọa vào Vô Gián địa ngục trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.) Đây là loại thứ ba của tạo tội nghiệp cực nặng. Đây là điều chúng ta nhất định phải nhớ kỹ: Thứ nhất là bất hiếu cha mẹ, thứ hai là bất kính Tam Bảo, thứ ba là xâm tổn thường trụ. Xâm là xâm phạm. Tổn là tổn hại. Tội lỗi liên quan đến của thường trụ rất nặng, đây là thuộc về giới trộm cắp, đây là điều quý vị cần phải nên biết. Hầu hết mọi người xem nhẹ những sự việc này, cho rằng đây là việc nhỏ, nhỏ nhặt không đáng kể, không biết rằng mình đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng, điều này Phật ở trong kinh nói rất rõ ràng, chúng ta nhất định phải thể hội cho thật kỹ. Thường trụ có bốn loại: Thứ nhất là “Thường trụ thường trụ”, đây là chỉ những thứ như bất động sản, đất đai, ruộng vườn, nhà cửa trong tự viện, am đường, đạo tràng, gọi nó là thường trụ thường trụ, chỉ được phép sử dụng, nhất định không được trao đổi, mua bán. Đây là vật thường trụ, nếu bạn trao đổi mua bán, thì tội này cực nặng.

  Loại thứ hai là “Thập phương thường trụ”. Thập phương thường trụ, chúng ta thường gọi là tứ sự cúng dường: Ăn uống, y phục, ngọa cụ, y dược. Đây là tín đồ thập phương cúng dường người xuất gia, chứ không phải cúng chỉ định cho một người nào đó, hết thảy người xuất gia ở trong đạo tràng này đều có phần. Nếu như bạn xâm phạm lấy đó làm của riêng, đây là [phạm] giới trộm cắp.

  Loại thứ ba là “Hiện tiền hiện tiền”, đây là chúng ta được tín đồ bố thí. Loại bố thí này phạm vi tương đối nhỏ, chỉ là cho những người xuất gia hiện đang có mặt, không giống như phía trước nói thập phương. Thập phương đó là tất cả mọi người xuất gia đều có phần. Vào thời xưa người xuất gia không có nhà, chỉ cần vào đạo tràng nào cũng đều có thể cư ngụ được, đều có thể sử dụng, họ đáng được tiếp nhận. Bởi vì cúng dường này là cúng dường thập phương, cho nên tất cả người xuất gia đều có phần.

  Loại thứ tư gọi là “Thập phương hiện tiền”, những vật hiện tiền, ví dụ người xuất gia vãng sanh rồi, những vật họ để lại đây gọi là thập phương hiện tiền. Tuy là hiện tiền, nhưng những thứ mà họ để lại thì thập phương đều có phần, cho nên kết tội là kết từ những chỗ này. Trong thế gian ví dụ trộm cắp, bạn trộm của một người nào đó thì bạn thiếu nợ người đó, quý vị đồng tu nhất định phải biết. Nếu bạn thật sự hiểu rõ đạo lý, thông đạt chân tướng sự thật thì người thế gian tuyệt đối sẽ không nói, người nào đó đã lợi dụng, lời nói này không phải lời chân thật. Người nào đó bị thiệt thòi, mắc lừa, cũng không có lời nói này. Tại sao vậy? Đời này bạn đoạt lấy của người ta, thì đời sau bạn phải trả lại họ, đây là đạo lý nhất định, nhân quả báo ứng mà. Chúng ta đoạt lấy, tương lai ở đời sau gặp phải duyên, thì tài vật của chúng ta cũng bị người ta đoạt lấy. Nếu chúng ta xâm chiếm của người khác, thì tương lai người ta cũng xâm chiếm của chúng ta. Cho nên giữa con người với nhau, Phật nói có bốn loại duyên: Báo ơn, báo oán, đòi nợ, trả nợ, đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn làm không xong, chỉ làm mỗi việc này. Chúng ta đến thế gian này để làm gì vậy? Chính là đến để đòi nợ, trả nợ, báo ơn, báo oán. Sau khi hiểu rõ đạo lý này rồi, thì ơn phải báo, oán thì thôi, đừng báo nữa, là hết cái món nợ này rồi. Chúng ta thiếu người khác thì phải trả, còn người khác thiếu chúng ta thì không cần đòi, là kết thúc món nợ này từ trong đời này rồi, là dứt nợ rồi, như vậy mới có thể niệm Phật, mới có thể vãng sanh Tịnh Độ. Nếu như bạn thường xuyên nhớ ân oán, nợ nần ở trong tâm, đến khi Phật đến tiếp dẫn có kéo cũng kéo không nổi, vì bạn chưa xong việc ở trong thế gian này, loại việc này là không bao giờ dứt cả, cho nên thiếu một người thì bạn trả cho một người, việc này thì dễ làm. Nếu như là những vật của chính phủ địa phương, ví dụ nói thiết bị công cộng của thành phố này, khu vực này, nếu như bạn trộm lấy thì phiền phức lớn rồi. Tại sao vậy? Vì đã tạo tội rồi, phải biết rằng thiết bị công cộng là do tiền của nộp thuế của người địa phương này mà tạo nên. Nếu bạn trộm lấy, vậy chủ nợ là những người của đô thị này đều là chủ nợ của bạn. Bạn trả cho từng người từng người, thì bạn phải trả đến bao giờ mới có thể trả xong? Quý vị nhất định phải biết, thiết bị công cộng nhất định không được trộm lấy, tội này rất nặng. Nếu như thiết bị này là của quốc gia tạo nên, thì phiền phức càng lớn hơn rồi. Tương lai kết tội, thì người trong một nước đều là chủ nợ của bạn. Hiện nay có rất nhiều người không biết tội này nặng hay nhẹ, tùy tiện phá hoại thiết bị công cộng, tội này quá nặng quá nặng rồi, đây là kết tội với người trong một nước. Tự Viện, Am Đường là vật của Tam Bảo, nếu trộm thì tội này còn nặng hơn nhiều so với tội trộm cắp tiền của một quốc gia. Tại sao vậy? Nó là thông khắp mười phương, tận hư không khắp pháp giới, tất cả mọi người xuất gia đều có phần, vậy kết tội này của bạn phải kết tội với tận hư không khắp pháp giới, phiền phức này lớn rồi. Cho nên trộm một cây kim sợi chỉ, cọng cỏ nhánh cây của Tam Bảo đều bị đọa A-tỳ địa ngục. Có người nói, điều này dường như không hợp đạo lý tí nào cả, cọng cỏ nhánh cây, cây kim sợi chỉ có đáng gì đâu, tại sao bị tội nặng như vậy? Bạn thử nghĩ chủ nhân của nó là ai, bạn sẽ biết ngay. Chủ nhân của nó là tất cả người xuất gia tận hư không khắp pháp giới, bạn kết tội với họ. Phạm vi của trộm vô cùng rộng lớn, không chỉ giới hạn ở trộm cắp. Tội trộm cắp ở trong kinh Phật giải thích là không cho mà lấy. Người phụ trách quản lý thường trụ, họ phải cân nhắc, phải suy tính, những thứ bạn xin có nên cho bạn hay không. Cái nên cho bạn, nếu họ không cho là họ phạm giới, họ cũng phạm giới trộm cắp, họ lấy làm của riêng cố ý gây khó khăn không cho bạn. Không nên cho bạn, mà họ cho bạn cũng là phạm giới, cho nên tương đối không dễ dàng. Quản lý tài vật của Tam Bảo, khi không cẩn thận là tạo quả báo nghiêm trọng, đạo lý này chúng ta nhất định phải biết. Nếu như chúng ta nói lãng phí tài vật Tam Bảo, cũng là thuộc về giới điều này. Chúng ta tiết kiệm cho Tam Bảo được một đồng, tiết kiệm được một xu là bản thân bạn đã gieo phước, phước bạn gieo là rất lớn rất lớn. Tại sao vậy? Bạn là tu phước đối với tất cả người xuất gia thập phương. Hay nói cách khác, nếu như bạn lãng phí xâm phạm tổn hại thì tội lỗi này của bạn sẽ nặng. Ngày nay người hiểu được đạo lý này càng ngày càng ít. Người xuất gia cũng không giảng. Hiện nay pháp sư giảng kinh có ai giảng giới luật đâu? Giảng giới luật người ta mắng bạn. Họ nói ông giảng giới luật, mở bản kinh ra ông hằng ngày mắng chúng tôi. Ai muốn nghe chửi đâu? Nếu bạn giảng giới luật thì một thính chúng cũng không có, nhưng mà đó là nói lời chân thật. Cho nên Bồ-tát Địa Tạng nói chúng sanh cõi Diêm Phù Đề: “Khởi tâm động niệm thảy đều là tội lỗi” lời nói này là chân thật, không quá mức chút nào cả, niệm niệm đang tạo tội nghiệp. Niệm Phật vãng sanh nói sao nghe quá dễ dàng. Đây là điều chúng ta nhất định phải biết, phải cảnh tỉnh, phải biết tính quan trọng của quả báo. Đoạn này dưới đây: Điếm ô Tăng, Ni. (Ô phạm Tăng Ni) Đây là phạm giới dâm. Tăng là nam chúng xuất gia. Ni là nữ chúng xuất gia. Người thế gian không biết, dâm ô với Tăng, Ni. “Hoặc già lam nội” (Hoặc trong chốn chùa chiền). Bên dưới là gì vậy? Bên dưới là không phải người xuất gia, thậm chí là vợ chồng, tham gia pháp hội trong chùa chiền, pháp hội có khi tổ chức trường kỳ. Ví dụ làm Phật sự Thủy Lục, hoặc giả là Phật sự Lương Hoàng Sám đều là khoảng gần 7 ngày trở lên. Pháp hội truyền giới thời gian còn dài hơn nữa. Có rất nhiều cư sĩ tham gia pháp hội trong khoảng thời gian này, ở lại trong chùa chiền. Tuy là vợ chồng, nếu có hành vi dâm dục ở trong chùa chiền, thì cũng xếp vào trong tội này. Nếu như không phải vợ chồng, thì tội còn nặng hơn nữa! Đó là tà dâm. Quý vị phải biết, đây đều là tội nghiệp đọa Vô Gián địa ngục. Người hiện nay đâu có biết có quả báo nghiêm trọng như vậy. “Hoặc sát hoặc hại” (Hoặc giết hoặc hại) Đây đa phần đều là cưỡng dâm, sau khi dâm ô xong lại giết người diệt khẩu, tội này càng nặng hơn. Tạo những tội nghiệp này đều là: “Như thị đẳng bối đọa Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp cầu xuất vô kỳ.” (Những chúng sanh đó phải đọa vào Vô Gián địa ngục, trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được) Xem tiếp đoạn thứ tư: “Nhược hữu chúng sanh ngụy tác Sa-Môn, tâm phi Sa-Môn, phá dụng thường trụ, khi cuồng bạch y, vi bội giới luật, chủng chủng tạo ác, như thị đẳng bối đương đọa Vô Gián địa ngục, thiên vạn ức kiếp cầu xuất vô kỳ.” (Như có chúng sanh giả làm thầy Sa-Môn kỳ thật tâm chẳng phải Sa-Môn, lạm dụng của thường trụ, trái phạm giới luật, gạt gẫm hàng bạch y, tạo nhiều điều tội ác. Hạng người như thế phải đọa vào Vô Gián địa ngục, trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.) Hai câu phía trước, đây là nêu ra tội. “Sa-Môn” là người tu hành, không phải chỉ cho Tăng Ni. Tăng, Ni thù thắng hơn Sa-Môn. “Sa-Môn” cư sĩ tại gia cũng có thể xưng là Sa-Môn. Hai chữ này là dịch âm tiếng Phạn. Ý nghĩa của nó là siêng tu giới, định, tuệ, dập tắt tham, sân, si. Cho nên người xuất gia hay tại gia đều có thể xưng là Sa-Môn được, chỉ cần bạn chăm chỉ tu hành, người tu hành như lý như pháp đều có thể xưng là Sa Môn. Tên gọi Sa Môn này, ở Ấn Độ là cách xưng hô phổ thông. Tất cả mọi tín đồ tôn giáo, không nhất định là Phật giáo, chỉ cần chăm chỉ học tập đoạn ác tu thiện thông thường đều xưng là Sa Môn. Sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, thì từ Sa Môn biến thành cách xưng hô thông thường của người xuất gia Phật giáo Trung Quốc. Nhưng mà quý vị phải biết, nó bao gồm cả người tại gia. Nên xưng Sa Môn là cách xưng hô tương đối khiêm tốn. Họ giả làm Sa Môn, họ không phải thật sự tu hành. Mục đích của giả bộ tu hành tất nhiên là nhằm lừa gạt chúng sanh. Đoạn kinh văn này pháp sư Thanh Liên ở trong cuốn “Khoa Phán” xếp nó vào hạng phá giới lừa người. Chữ cuống trong “khi cuống bạch y” nghĩa là lừa gạt, lừa dối. Bên dưới đây là nói về tội trạng của họ. “Phá dụng thường trụ”. Bạn không phải người tu đạo chân chánh, thập phương cúng dường là cúng dường cho người tu đạo. Bạn thật sự tu đạo thì họ được phước, họ cúng dường người tu hành, bạn tu rất tốt, mức thấp nhất là bạn đời sau được thân người, hoặc sanh thiên hưởng thiên phước, họ được thơm lây một chút, đây là mức thấp nhất. Nếu như bạn đọa xuống ba đường ác, là bạn đã phụ lòng họ, bạn bị thiếu nợ họ. Nhà Phật thường nói là: “Một hạt cơm thí chủ, nặng như núi Tu Di, đời nay không liễu đạo, mang lông đội sừng trả.” Là phải trả nợ. Nếu như bạn ở trong đời này thật sự tu hành, vãng sanh về thế giới Cực lạc làm Phật thì phước của họ sẽ càng lớn, ruộng phước này họ thật sự đã gieo đúng chỗ rồi. Từ đó cho thấy chén cơm này người xuất gia rất khó ăn. Tôi ở trong các buổi giảng thường hay nhắc nhở quý đồng tu, chén cơm này khó nuốt hơn cơm của người đi ăn mày nhiều. Ăn mày, người ta bố thí cho ăn mày, nhất định không có nghĩ đến phải gieo phước, nhất định không có nghĩ đến phải báo đáp, cho nên chén cơm của người ăn mày xin về dễ nuốt. Người xuất gia tiếp nhận bố thí cúng dường, cái này khó nuốt lắm, đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả. Thế gian có rất nhiều ngành nghề, tại sao bạn phải chọn xuất gia chứ? Chọn xuất gia, nói lời thành thật nếu không thể vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì bạn sẽ chọn đi xuống A-Tỳ địa ngục. Tại sao phải làm loại việc cực khổ này? Chúng ta phải có sự cảnh giác cao độ, chứ không phải là chuyện giỡn chơi, vô cùng nghiêm túc. Chúng ta xem thấy người xuất gia hiện nay, nói thực ra là họ đọc kinh quá ít. Người hiểu rõ đạo lý, sáng tỏ chân tướng sự thật này không được mấy người. Nhưng thông thường người trong xã hội cho rằng thế nào? Họ cho rằng nghề xuất gia này rất dễ kiếm tiền, vừa không phải nộp thuế, cũng không cần kinh doanh rất vất vả. Trong thế gian làm bất kỳ ngành nghề nào, cũng đều phải đi cầu học rất vất vả, học kỹ thuật. Người xuất gia nếu học kinh sám Phật sự tối đa khoảng ba tháng là được, là rất thuộc rồi, là có thể bắt đầu kiếm tiền. Nếu như bạn có thể nói được đạo lý thiện lành nữa, thì kiếm tiền sẽ rất dễ dàng, chỉ cần mấy năm là bạn có thể kiếm được cả mấy triệu, mấy chục triệu bạc rồi. Nhưng mà phải biết, quả báo sau này là ở A Tỳ địa ngục. Thọ tội ở A Tỳ địa ngục xong rồi, cần phải có thời gian rất dài rất dài để trả nợ. Nhất định không thể nói thiếu nợ mà không trả, không có đạo lý này. Nhân quả thông cả ba đời, chúng ta phải biết. Loại cách làm này là phá đồ của thường trụ. “Khi cuống bạch y” (Gạt gẫm hàng bạch y). Bạch y là tín đồ tại gia, bạn lừa gạt họ, làm trái lại lời giáo giới của Phật. “Chủng chủng tạo ác” (Tạo nhiều điều tội ác) Tạo ác là tham, sân, si, mạn, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Đây là loại thứ tư phải đọa A-Tỳ địa ngục. A Tỳ nghĩa là Vô Gián, là hạng người thứ tư.

  Loại sau cùng là trộm cắp vật của thường trụ, đây là dùng tâm trộm để lén trộm, còn nghiêm trọng hơn so với xâm phạm tổn hại phía trước.

  “Nhược hữu chúng sanh thâu thiết thường trụ, tài vật cốc mễ, ẩm thực y phục, nãi chí nhất vật bất dữ thủ giả. Đương đọa Vô Gián địa ngục thiên vạn ức kiếp cầu xuất vô kỳ.” (Hoặc có chúng sanh trộm cắp những tài vật lúa gạo, đồ ăn uống y phục, vv… của thường trụ, cho đến không cho mà lấy một vật, kẻ đó phải đọa vào Vô Gián địa ngục trong nghìn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được.) Hai câu phía sau là quả báo mà họ phải nhận. Thường trụ phần trước nói qua rồi, có bốn loại thường trụ. Nếu bạn dùng tâm trộm cắp, tâm trộm cắp lén lấy, hoặc là để bản thân bạn dùng, bạn trộm cắp để cho mình hưởng thụ, hoặc giả là cho người thân quyến thuộc của bạn hưởng thụ, đều là phạm cái tội này, tội này vô cùng vô cùng nặng. Trong “Kinh Quán Phật Tam Muội” nói, trộm cắp tài vật của Tam Bảo thì tội lỗi đó của họ nặng hơn tội giết hại tám vạn bốn ngàn cha mẹ. Giết hại cha mẹ, phía trước nói là tội nghiệp A Tỳ địa ngục. Còn trộm cắp tài vật Tam Bảo, thì tội đó còn nặng hơn tội giết hại cha mẹ nữa. Nặng đến mức độ nào vậy? Chúng ta không cách gì tưởng tượng được. Phật ở trong kinh nêu thí dụ là nó còn nặng hơn cả tội giết hại tám vạn bốn ngàn cha mẹ. Bồ-tát Hoa Tụ nói trong kinh: “Ngũ nghịch bốn trọng tội tôi còn có thể cứu được, chứ người trộm cắp đồ của Tăng thì tôi không thể cứu được.” Bồ-tát Hoa Tụ là Bồ-tát Đẳng Giác, là ngang hàng với Bồ-tát Quan Âm, Thế Chí, Địa Tạng. Lời các ngài nói là lời chân thật, không giả dối. Hiện nay nơi này của chúng ta, đạo tràng này là đạo tràng cư sĩ, đạo tràng cư sĩ hoằng hộ chánh pháp, nhân quả của nó là giống như tự viện, am đường vậy, những điều này chúng ta cũng cần phải nhận thức rõ ràng. Chúng ta có nhu cầu gì có thể nói rõ cho thường trụ biết, thường trụ cúng dường vậy là chính xác. Nhất định không được phép giấu thường trụ tự mình lén lấy, vậy là sai lầm. Đồ vật của thường trụ dễ bị phạm nhất là giấy. Giống như thông thường nói bì thư, giấy viết thư, chúng ta tùy tiện lấy để viết thư riêng, là việc rất nhỏ, người không học Phật thì đâu thể biết được? Thông thường trong xã hội, làm việc trong cơ quan chính phủ cũng vậy, làm việc trong công ty tư nhân cũng vậy, những vật dụng của công giống như những thứ này, đều tùy tiện lấy để mình dùng, họ không hiểu Phật lý (đạo lý trong nhà Phật). Tôi ở Đài Trung gần gũi lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam 10 năm, lão cư sĩ Lý làm phục vụ việc tế tự ở quan phủ, thầy làm chánh thư ký. Thầy nói với chúng tôi, mỗi lần thầy đi lãnh bì thư, giấy viết, nhất định phải báo cáo lại với quan tế tự biết: “Tôi lãnh giấy viết, bì thư, có khi tôi viết thư riêng cũng phải dùng”.  Vị quan tế tự đó chê thầy sao dài dòng. Có người nào không làm như vậy đâu? Tại sao ông khi mỗi lần đến lãnh, phải nói mấy câu làm chi vậy? Thầy nói tôi nói như vậy, sếp đồng ý rồi thì tôi không phạm giới trộm cắp. Tôi chưa được sếp đồng ý, tôi dùng bì thư của công viết thư riêng cho mình là tôi phạm giới trộm cắp, đây là người rõ lý. Một tờ giấy viết thư, một cái bì thư, thầy đều cẩn thận như vậy, có thể thấy những việc khác [thầy cũng như vậy], cho nên một giới rất nhỏ cũng phải lưu ý, không được phép khinh mạn, cho rằng đây là việc rất nhỏ không có tội, không có nghiêm trọng như vậy, là chúng ta nghĩ sai rồi, thấy sai rồi! Tôi đã từng nói qua với quý vị đồng tu, tôi trước đây lúc học trung học, có vị hiệu trưởng là tiên sinh Chu Bang Đạo. Sau này ông đến Đài Loan, trước đây ông đã từng làm chức giám đốc sở giáo dục ở Trung Quốc Đại Lục, ông là người Giang Tây. Sau khi kháng chiến thắng lợi, ông làm giám đốc sở giáo dục Giang Tây. Ở Đài Loan ông làm thứ trưởng bộ giáo dục đặc trách công tác thi cử. Chức này ở Trung Quốc tức là phó bộ trưởng thứ nhất. Nhà nước cấp cho ông một chiếc xe hơi, khi đi công tác ông thì ông dùng xe công, đi làm việc riêng thì đi xe bus. Tại sao vậy? Không dám lãng phí xăng dầu nhà nước, không xâm phạm tổn hại tài vật quốc gia, ở thời đại này vẫn còn vị quan chức như vậy, đây là người chúng ta cần phải nên học tập, đều là cư sĩ tại gia, hằng ngày đọc kinh, hiểu rõ đạo lý, biết rõ chân tướng sự thật, họ làm nên tấm gương để cho chúng ta thấy. Ở trong nhà có điện thoại, điện thoại là do nhà nước lắp cho ông, không phải việc công thì không dùng điện thoại trong nhà. Trẻ con ở trong nhà đều không cho phép gọi điện thoại. Niệm niệm đều nghĩ cho quốc gia, tiết kiệm giúp cho quốc gia một xu cũng là việc tốt, một chút cũng không dám lãng phí. Chúng ta ngày nay cầm đến điện thoại, điện thoại quốc tế, không biết nói ngắn gọn, cứ lải nhải nói hoài, là xâm phạm tổn hại thường trụ. Vốn dĩ là chuyện quan trọng bạn chỉ cần mấy câu là có thể giải quyết, vậy mà bạn cầm điện thoại lên ở đó cứ lải nhải dài dòng nói hoài. Cước phí dùng điện thoại này là do thường trụ trả, bạn xâm tổn thường trụ, mọi người không biết tính nghiêm trọng của việc này. Cho nên tôi khuyến khích mọi người, hiện nay chúng ta có những việc nhất thiết phải biết, cách truyền đạt tin tức tốt nhất thảy đều dùng máy fax. Máy fax có thể tiết kiệm thời gian, bạn chỉ cần 5 phút là có thể truyền mười mấy trang giấy, mười mấy trang giấy này, nội dung bạn viết đủ phong phú rồi, cái này hay. Vả lại họ nhận được bản fax, một lần chưa có xem rõ ràng, vẫn có thể xem lần thứ hai. Điện thoại điện nửa giờ đồng hồ, không hiệu quả bằng 5 phút dùng fax, cước phí dùng điện thoại là bằng với cước phí dùng máy fax, bạn tiết kiệm được bao nhiêu? Không biết [là mình đã] tạo tác tội nghiệp A Tỳ địa ngục, mình không biết, tương lai đọa A Tỳ địa ngục lại kêu oan. Vua Diêm La đem những việc làm quá khứ này của bạn ra trước mặt cho bạn xem, thì bạn không còn lời nào để nói nữa, chứng cứ đã rành rành. Trong “Giới Kinh” nói rất kỹ việc này, ở đây [tôi] đem chỗ quan trọng nhắc lại sơ lược một chút mà thôi. Chúng ta hiện nay cần thể hội cho được sự gian nan của [việc làm ra] vật lực. Tất cả chúng sanh này, chúng sanh trên toàn thế giới, vô tình tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp mà không biết. Tuy là hưởng phước, nhưng phước báo đó không bao lâu sẽ hưởng hết, phước hưởng hết rồi, thì tai nạn sẽ đến ngay. Tai nạn này trong Phật pháp nói là hoa báo, còn quả báo thì ở địa ngục. Hoa báo là điềm báo trước của quả báo. Chúng ta sao có thể không cảnh giác được? Tại sao ở trong đời này, khoảng mấy chục năm ngắn ngủi này không cố gắng hết sức học tập theo Phật Thích Ca Mâu Ni, sống một cuộc sống đơn giản nhất, cuộc sống giản dị nhất. Ngoài việc hoằng pháp lợi sinh ra, đây là việc lợi ích đại chúng, chúng ta cần phải làm, còn nhu cầu đời sống của cá nhân, cần phải tiết kiệm đến mức thấp nhất. Nếu như chúng ta là người xuất gia, trên người không có một xu, vậy là như pháp, như pháp đích thực. Khi chúng ta đi ra ngoài, chỗ nào cần dùng tiền thì thường trụ cung ứng. Đi ra ngoài cũng phải tiết kiệm, sau khi trở về còn dư bao nhiêu nên giao lại cho thường trụ. Chúng ta làm được như vậy thì nhất định được tất cả chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần phù hộ. Chúng ta ngày nay khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều không như pháp, không như lý. Nói lời thành thật, chư Phật không hộ niệm bạn, long thiên thiện thần coi thường bạn. Ai ở xung quanh bạn vậy? Yêu ma quỷ quái. Yêu ma quỷ quái có cơ hội lộng hành, nên bạn thường hay gặp đau khổ, gặp tai ương, mà mình vẫn không tự biết. Người không học Phật, họ thật sự không hiểu. Người học Phật hiểu rõ rồi, chúng ta đời này đến thế gian này để làm gì vậy? Có hai việc chính: Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, có hai việc. Thượng cầu Phật đạo, thì nhất định phải niệm Phật cầu sanh thế giới Cực lạc, đây là thượng cầu, trong đời này nhất định làm cho được. Hạ hóa chúng sanh, chính là làm tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh, thì việc hạ hóa bạn đã làm được rất viên mãn rồi. Ngày nay người trong thế gian tham tài, tham danh, tham lợi, chúng ta làm gương xả bỏ tài, danh, lợi cho thật sạch sẽ, đây chính là hạ hóa, không cần nói, cũng không cần người khác biết. Bạn chịu làm, có được một vài người biết, thì họ sẽ tuyên dương, họ sẽ nói cho mọi người biết, ở nơi ấy người xuất gia là làm như vậy, những người xuất gia này thân tâm thanh tịnh được đại tự tại, tràn đầy trí tuệ, khiến người thế gian ngưỡng mộ, khiến người thế gian hướng về học tập theo bạn, mới có thể thu được hiệu quả lợi ích chúng sanh đích thực. Tai nạn trong thế gian từ đâu mà ra? Người thế gian cho rằng những chuyện xảy ra trong tự nhiên này không có liên quan gì đến ta, cho nên đùn đẩy những tai nạn này là do thiên nhiên gây ra, chứ không phải do con người tạo nên, đùn đẩy hết trách nhiệm rồi. Chỉ có người học Phật chân chánh biết y báo với chánh báo là một thể, y chánh không hai. Đặc biệt là “Kinh Hoa Nghiêm” đem những đạo lý chân tướng sự thật này nói vô cùng thấu triệt minh bạch. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, nhỏ nhoi như mảy lông, hạt bụi, không phải là thứ gì đáng kể, nhưng cũng ảnh hưởng đến tận hư không khắp pháp giới. Bạn có một niệm thiện cũng ảnh hưởng hư không pháp giới, một niệm ác cũng ảnh hưởng hư không pháp giới. Do đó, Phật nói cho chúng ta biết là do cộng nghiệp chiêu cảm nên. Chúng ta nghe xong lời nói này, tuyệt đối không có nghi hoặc. Những vị đế vương vào thời xưa, kể cả phần tử tri thức, phần tử tri thức Trung Quốc, không có ai mà không đọc sách Phật, họ đều hiểu rõ đạo lý này. Gặp phải lúc thiên tai, họ đều rất nghiêm túc phản tỉnh, sám hối, sửa chữa lỗi lầm để cứu vãn kiếp vận, họ hiểu đạo lý này. Hiện nay người học khoa học, họ không thừa nhận cái sự thật này, cho rằng đây là vọng tưởng, đây là ảo tưởng, không phù hợp với nguyên tắc khoa học, họ là mê tín khoa học. Những gì khoa học nghiên cứu, chỉ là một bộ phận nào đó trong toàn bộ vũ trụ nhân sinh. Phật pháp là nói toàn thể, chấp trước một bộ phận nào đó, sẽ luôn làm tổn hại đến toàn thể. Chỉ có quan tâm đến đại cục toàn thể thì mới có thể giải quyết vấn đề, đây là điều chúng ta không thể không biết. Phật ở trong kinh điển Đại Thừa thường hay chỉ dạy chúng ta hiểu sâu nghĩa thú. Chúng ta hiểu cạn, không được. Hiểu sâu thì nhất định phải tự mình thể nghiệm. Xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây: “Địa Tạng bạch ngôn: Thánh Mẫu, nhược hữu chúng sanh tác như thị tội, đương đọa ngũ Vô Gián địa ngục cầu tạm đình khổ, nhất niệm bất đắc.” (Ngài Địa Tạng Bồ-tát thưa rằng: “Thánh Mẫu! Nếu có chúng sanh nào phạm những tội như trên đó thời phải đọa vào địa ngục ngũ Vô Gián, cầu tạm ngừng sự đau khổ chừng khoảng một niệm cũng không được.”) Vô Gián cũng chính là A Tỳ địa ngục. Có khi trong kinh nói hai loại, có khi hợp chung nó lại nói, rốt cuộc là một hay là hai thì không có nói nhất định. Nhưng chúng ta có thể xem nó là một sự việc. Bồ-tát Địa Tạng nêu ra sơ lược năm loại trọng tội ở phía trước đây là tội chắc chắn đọa Vô Gián địa ngục. “Nhược hữu chúng sanh tạo như thị tội” (Nếu có chúng sanh nào phạm những tội như trên đó) Như thị chính là chỉ năm loại lớn ở phía trước. Năm loại lớn này đều là mười nghiệp ác nghiêm trọng. Sau khi quả báo địa ngục xuất hiện, họ vẫn còn dư báo. Dư báo ở ngạ quỷ, súc sanh, không biết là phải đến khi nào, mới có thể được lại thân người. Cho nên được thân người là tương đối không dễ dàng. Thời gian của ba đường ác đều rất dài. Đọa địa ngục thì khỏi nói rồi. Đường ngạ quỷ, Phật nói trong kinh, một ngày ở cõi quỷ là một tháng của nhân gian chúng ta. Nhân gian cúng tế quỷ thần là cúng họ vào ngày mồng một, và ngày rằm. Cúng tế họ là mời họ ăn cơm, như thế là đúng lúc. Một ngày của họ là một tháng của chúng ta. Chúng ta cúng mồng một, ngày rằm là mời họ ăn cơm trưa và ăn cơm tối, là một ngày của họ mà. Người tuổi thọ ngắn trong đường ngạ quỷ là một ngàn tuổi, cũng tính một năm có 360 ngày. Theo như cách tính này, thì tuổi thọ của đường quỷ là rất dài rất dài. Trước đây Chương Thái Viêm từng làm phán quan ở Đông Nhạc Đại Đế, ông hằng ngày đi làm việc ở trong đường Quỷ, vẫn còn nhìn thấy có quỷ của thời triều Hán. Ông là người có học thức, [những người thời] triều Hán, Lưỡng Tấn, Tùy, Đường, ông đều từng gặp mặt họ, gặp nhau trong đường quỷ, loại tình hình này chúng ta đều phải biết. Đường súc sanh có một số loài tuổi thọ rất ngắn, nhưng mà súc sanh ngu si, chúng vô cùng chấp trước thân hình của mình, nên rất khó thoát khỏi đường súc sanh. Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong kinh nói cho chúng ta biết, Ngài trước đây có ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc một khoảng thời gian, ở nơi đó giảng kinh thuyết pháp. Tinh Xá Kỳ Viên đã từng có một số công trình đang xây dựng, đại khái là xây nhà, dưới đất có một tổ kiến. Sau khi Phật nhìn thấy bèn mỉm cười. Các đệ tử nhìn thấy Phật cười bèn hỏi tại sao? Phật bèn nói cho họ biết, tổ kiến này, trải qua bảy đời đức Phật rồi mà chúng vẫn còn thân kiến. Không phải do tuổi thọ chúng dài như vậy, chúng chấp trước cái thân thể đó là mình, sau khi chết rồi đầu thai vẫn làm kiến, đời đời kiếp kiếp làm kiến, không biết thoát khỏi, cho thấy [chúng sanh ở] đường súc sanh ngu si. Bạn hiểu rõ chân tướng sự thật, mới biết ba đường ác thật đáng sợ. Tại sao bị xuống ba đường ác vậy? Do tạo tác mười nghiệp ác mà bị xuống. Phá giới, tạo mười nghiệp ác, đọa ba đường ác. Mời xem kinh văn dưới đây: “Ma Gia phu nhân trùng bạch Địa Tạng Bồ-tát ngôn: “Vân hà danh vi Vô Gián địa ngục.” (Bà Ma Gia Phu Nhơn lại bạch cùng Địa Tạng Bồ-tát: “Thế nào là Vô Gián địa ngục?) Đây là Ma Gia phu nhân nghe Bồ-tát Địa Tạng kể về Vô Gián địa ngục nghiêm trọng như vậy, đọa vào Vô Gián địa ngục trong ngàn muôn ức kiếp không lúc nào mong ra khỏi được, điều này quá đáng sợ! Sao gọi là Vô Gián địa ngục? Ma Gia phu nhân thỉnh cầu thay chúng ta. “Địa Tạng bạch ngôn: Thánh Mẫu, chư hữu địa ngục tại đại Thiết Vi sơn chi nội, kỳ đại địa ngục hữu nhất thập bát sở.” (Ngài Địa Tạng Bồ-tát thưa rằng: “Thánh Mẫu! Bao nhiêu địa ngục ở trong núi Thiết Vi, lớn có 18 chỗ.”) Chúng ta thường nói 18 tầng địa ngục chính là chỉ cho ý nghĩa này. 18 tầng địa ngục là 18 địa ngục lớn.

  “Thứ hữu ngũ bách danh hiệu các biệt, thứ hữu thiên bách danh hiệu diệc biệt.” (thứ kế đó 500 chỗ danh hiệu đều riêng khác nhau, thứ kế lại có nghìn trăm danh hiệu cũng đều riêng khác nhau) Tất cả chúng sanh khi ở thế gian tạo tác tội nghiệp có nặng nhẹ khác nhau, cho nên đọa lạc vào địa ngục, thọ khổ trong địa ngục cũng có nặng nhẹ không giống nhau. Trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng kinh cho chúng tôi thầy có nhắc qua, địa ngục mà trong kinh Phật nói có hơn 70 loại. Trong “Kinh Địa Tạng” nói sơ lược, nói kỹ có hơn 70 loại. Hơn 70 loại, chúng ta nghĩ xem đương nhiên đó vẫn là quy nạp, chủng loại nhiều không có cách gì tính được. Phật giỏi về cách dùng phương pháp quy nạp. Giống như phiền não, phiền não vô lượng vô biên, nhưng Phật quy nạp nó thành 108 loại lớn, dùng pháp quy nạp, cho nên hơn 70 loại địa ngục, cũng là pháp quy nạp. Nơi khổ nhất là Vô Gián địa ngục.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *