Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 69

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 69

 Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển trung, trang 151. Mời xem kinh văn:

  “Hà huống chúng sanh tự xưng tự niệm, hoạch phước vô lượng, diệt vô lượng tội.”

  (Huống là chúng sanh tự mình xưng danh hiệu của chư Phật, người này đặng vô lượng phước lành, trừ diệt vô lượng khổ.)

  Kinh văn giảng đến chỗ này là nói đến niệm Phật diệt tội. Sự việc này chúng ta cần phải hiểu cho thật kỹ những gì đức Phật nói trong kinh, tuyệt đối không được phép sơ ý qua loa, hiểu trên mặt chữ thế là sai rồi. Thực ra ở phần trước bản kinh Thế Tôn đã nêu ra cho chúng ta hai điển hình rất hay: Bà-La Môn nữ và Quang Mục nữ. Mẹ của họ đều là người tạo tác tội nghiệp cực nặng, đọa lạc vào trong địa ngục. May nhờ có người con gái hiếu thảo đến giúp đỡ họ. Dùng phương pháp gì giúp đỡ vậy? Đức Phật đều dạy họ dùng pháp môn niệm Phật. Có phải niệm Phật giống như chúng ta bình thường như thế này là có thể diệt được tội của họ không? Là có thể khiến cho họ từ trong địa ngục siêu sanh không? Là không thể. Việc này là chắc chắn không làm được. Phải niệm Phật như thế nào mới thật sự có hiệu quả? Phải niệm Phật giống như Bà-La-Môn nữ và Quang Mục Nữ mới có tác dụng. Cho nên chúng ta đi trợ niệm, trợ niệm chỉ bằng miệng mà không có tâm thì không có hiệu quả! Người trợ niệm trong lúc trợ niệm có thể được công phu thành khối, được nhất tâm bất loạn, thì người đó mới được siêu độ, đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta cần hiểu cho thật kỹ, nếu như người này không tạo nghiệp, không đọa lạc, thì tâm của người giúp họ niệm Phật sẽ không được thành kính như vậy. Bởi vì nhìn thấy họ tạo tội nghiệp, nhìn thấy họ đọa lạc, mới dùng tâm hết sức thành kính để niệm Phật hồi hướng và giúp đỡ họ, như vậy mới tự mình nâng cao cảnh giới của mình được. Mình vốn dĩ là phàm phu, hiện nay làm Bồ Tát. Tại sao bạn làm Bồ Tát? Là bởi vì người tạo tác tội nghiệp giúp đỡ bạn, làm tăng thượng duyên cho bạn. Bạn thử nghĩ xem Quang Mục Nữ, Bà La Môn Nữ, nếu mẹ của các cô không tạo tội nghiệp, không đọa lạc, thì làm sao họ có thành tựu được? Họ không thể thành tựu được. Cho nên cái duyên thành tựu này, là do người tạo tác tội nghiệp giúp họ, giúp họ siêu phàm nhập thánh. Bạn nói công đức này bao lớn! Bồ Tát Đại Từ nói, bạn khuyên được hai người niệm Phật vãng sanh thì phước đức còn lớn hơn nhiều so với công phu tu hành của bản thân bạn. Tại sao hai người đó có thể vãng sanh, tại sao có thể làm Phật? Do bạn khuyên họ. Bạn khuyên một vạn người, khuyên mười vạn người, những người đó niệm Phật đều không thể vãng sanh, thì bạn cũng vô phương, bạn không được lợi ích. Họ thật sự vãng sanh làm Phật. Tại sao họ làm Phật? Bởi vì nhờ bạn khuyên họ, họ mới làm Phật. Họ thật sự làm Phật rồi thì công đức của bạn mới lớn, phải biết đạo lý này. Tuyệt đối không phải nói là bạn khuyên được bao nhiêu người niệm Phật, hiệu quả của việc này không lớn. Những người mà bạn khuyên đó, họ thật sự niệm Phật, thật sự vãng sanh. Nếu bạn khuyên được mười mấy người vãng sanh, Bồ Tát Đại Từ nói phước đức của bạn là vô lượng vô biên. Nếu bạn khuyên được một trăm người, một nghìn người, thì bạn thật sự chính là Bồ Tát tái lai. Cho nên ở trong đây nhất định phải biện biệt rõ ràng. Tuyệt đối không phải nói chúng ta xây đạo tràng, ở đây có mấy nghìn người, mấy vạn người niệm Phật, con số đó không tính, là phải thật sự được nhất tâm, thật sự được công phu thành khối, thật sự được vãng sanh, lấy cái này làm tiêu chuẩn. Trong kinh nói chỗ này cũng là tiêu chuẩn này, bạn có thể lấy tiêu chuẩn này, lợi ích công đức trong kinh nói thì chúng ta không hoài nghi, phải biết đây là chân thật. Bà La Môn Nữ, Quang Mục Nữ là vì mẹ của mình, mới thành tâm thành ý niệm Phật như vậy để hồi hướng giúp mẹ, là cùng đạo lý giống nhau. Nếu như chúng ta rất xa lạ, hoàn toàn không quen biết với người lâm chung, khi gặp phải cơ duyên này, chúng ta giúp họ trợ niệm, thì tâm thái trợ niệm cũng phải xem họ như là người vô cùng thân thiết của mình, dùng tâm hết sức chân thành để niệm, thì kẻ còn người mất đều được lợi ích. Bản thân chúng ta được lợi ích, mà họ cũng được lợi ích. Nếu như chỉ phô diễn cho xong chuyện thì ta và người đều không được lợi ích. Lợi ích đó chính là “Vừa qua căn tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo” như đã nói với mọi người ở phía trước, chứ không thể chuyển được nghiệp báo hiện tiền. Đây là sự gợi ý mà chúng ta có được từ trong “Kinh Địa Tạng”, biết được dụng ý của Phật nói, hiểu rõ chân tướng sự thật. Cho nên thông thường những việc Phật sự siêu độ này, có hiệu quả hay không? Thì phải xem người chủ trì việc siêu độ này, có tâm chân thành cung kính hay không. Thật sự có tâm chân thành, xem người chết như cha mẹ của mình, xem như quyến thuộc thân thiết nhất của mình, dùng loại tâm thái này để siêu độ thì có lợi ích. Nếu như xem họ như người xa lạ, hoàn toàn không có liên quan với mình, thì lợi ích rất mỏng manh, đạo lý là ở chỗ này. Cùng làm công việc như nhau, mà hiệu quả hoàn toàn khác nhau, đây là điều chúng ta nhất định phải biết. Hôm nay đoạn kinh văn này nói rồi:

   “Hà huống chúng sanh tự xưng tự niệm.”

  (Huống là chúng sanh tự mình xưng danh hiệu của chư Phật.)       Đây là tu vì mình, chứ không phải vì người khác. Làm việc này vào lúc nào? Làm vào lúc cơ thể của mình còn rất khỏe mạnh, cường tráng, phải tu phước cho mình, phải tích lũy công đức cho mình, việc này là quan trọng hơn hết. Con người sinh đến thế gian này là để làm gì? Tại sao phải đến? Được bao nhiêu người đã từng nghĩ đến vấn đề này? Có lẽ có người từng suy nghĩ rồi, nhưng chúng tôi muốn hỏi tiếp, được mấy người suy nghĩ một cách nghiêm túc? Thế thì ít rồi. Nghĩ nghiêm túc vấn đề này thì người này đã giác ngộ. Thế gian có không ít người thông minh, đặc biệt là những nhà triết học, nhà tôn giáo nghĩ về vấn đề này là tương đối nhiều. Có đáp án hay không? Rốt cuộc vẫn chưa có đáp án nào hợp tình hợp lý. Chính bởi vì như vậy nên đức Phật mới xuất hiện ở thế gian để giải quyết vấn đề mà những người thông minh này mong cầu, cho họ một đáp án chính xác. Con người sinh vào thế gian này, đức Phật nói cho chúng ta biết là để “Đền trả nghiệp báo”. Trong đời quá khứ bạn tạo nghiệp, bạn tạo nghiệp thiện thì bạn đến hưởng phước, bạn tạo nghiệp ác thì bạn đến để thọ báo. Đây là đức Phật nói ra chân tướng sự thật của việc xả thân thọ thân của chúng sanh trong lục đạo cho chúng ta biết. Tướng này không tốt, nhân duyên quả báo không bao giờ dứt, đời đời kiếp kiếp đi làm những việc này. Cho nên trong kinh đức Phật thường nói “Sanh tử mỏi mòn”, trong kinh thường nói “Kẻ đáng thương xót”, thật sự là kẻ đáng thương xót. Người thông minh nghĩ đến vấn đề này phải hỏi, tại sao đến? Đến để làm gì? Có ý nghĩa gì? Có giá trị gì? Cảm động chư Phật Bồ Tát thị hiện ở nhân gian, giải thích cho chúng ta những vấn đề này. Thật sự giác ngộ được bốn vấn đề này thì sẽ giải quyết viên mãn ngay. Người giác ngộ biết lợi dụng cái thân nghiệp báo này, chúng ta phải làm việc lớn là siêu phàm nhập thánh, làm cuộc giải quyết triệt để cho đời sống con người, vậy là có ý nghĩa, có giá trị. Muốn hiểu rõ vấn đề này, thì trước tiên phải hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh. “Kinh Địa Tạng” nói cho chúng ta biết chân tướng của lục đạo luân hồi, nói cho chúng ta biết chân tướng trong cõi ngạ quỷ. Nghiệp nhân quả báo, lý sự, tánh tướng ở trong đây đều có nói rõ cả. Sau khi hiểu rõ rồi chúng ta mới có cách thoát ra. Đây là việc lớn hàng đầu của đời sống con người chúng ta, được xem như là thành tựu đích thực trong việc học Phật của bạn. Trong vô lượng pháp môn, nhưng “Kinh Địa Tạng” lại đề xướng pháp môn niệm Phật. Chỉ có pháp môn này là có hiệu quả nhất, vững chắc nhất, nhanh chóng nhất, thuận tiện nhất. Vấn đề là chúng ta phải thật sự niệm. Thật sự niệm là mọi lúc, mọi nơi trong tâm luôn có Phật, đây gọi là thật sự niệm. Thật sự niệm thì không nhất định là luôn niệm ở ngoài miệng. Tâm giống như tâm Phật. Tâm Phật là như thế nào? Trong “Kinh Kim Cang” đã nói với chúng ta rất hay: “Vô trụ sinh tâm” đó chính là tâm Phật. Vô trụ là thanh tịnh. Tâm Phật thanh tịnh, không nhiễm mảy bụi. Lời đại sư Huệ Năng nói: “Xưa nay không một vật” Đó là vô trụ. Sinh tâm là sinh tâm đại từ bi, quan tâm tất cả chúng sanh, yêu thương tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, đây là sinh tâm. Sinh tâm đồng thời với vô trụ. Ở trong đây không có phân biệt, không có giới hạn, vô trụ không trở ngại cho sinh tâm, sinh tâm không trở ngại cho vô trụ. Đây là lời trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”. Chỗ phiền phức của phàm phu chúng ta là sinh tâm trở ngại cho vô trụ, vô trụ chắc chắn trở ngại cho sinh tâm. Chúng ta đi quan tâm người khác, tâm liền không thanh tịnh, nếu muốn tâm địa thanh tịnh, thế thì tuyệt đối không quan tâm, không thèm để ý việc của người khác, đây là phàm phu, hai cái đó không thể hợp nhất được. Chúng ta muốn học thì phải học cái khả năng này, hai cái này là một chứ không phải hai, vừa quan tâm vừa thanh tịnh, thật sự làm được lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, đây là điểm chúng ta cần cố gắng học tập. Sự làm cho thật viên mãn, trong tâm rất sạch sẽ, không nhiễm mảy bụi. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta hiểu rõ triệt để: “Hễ cái gì có hình tướng đều là hư vọng”. Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng”. Tại sao lại hiện lên hiện tượng này? Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói rất rõ ràng: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm, thức đều là mình, rời khỏi tâm thức ra thì không có một pháp nào để được cả. Thấu triệt được lý này rồi, thì bạn mới có thể “Ở trong bụi trần mà không nhiễm”, mới có thể khế nhập sự sự vô ngại. Việc này phải công phu, phải được tôi luyện trong đời sống hằng ngày. Khi tôi luyện sẽ có lúc tiến lúc lùi, khi tiến là rèn luyện, nếu như vừa phát hiện mình vẫn còn dính nhiễm, thì mau mau lùi trở lại. Lùi về đến đâu? Lùi về vô trụ. Tâm định lại được rồi, sau đó thử lại xem, thử thấy không thành công thì lùi trở lại, dần dần ở trong đây cầu tiến bộ. Bồ Tát trải qua ba đại a-tăng-kỳ-kiếp tu thành viên mãn là dùng phương pháp này. Đến khi thật sự có thể có phần nắm chắc giữ gìn tâm thanh tịnh không bị ô nhiễm, bạn mới có thể thỏng tay, đi giúp đỡ tất cả chúng sanh. Đây thông thường là cảnh giới gì? Sơ trụ viên giáo trở lên. Hay nói cách khác, Bồ Tát ở trong thập pháp giới vẫn chưa được, vẫn phải thường xuyên quan tâm đến tâm thanh tịnh của mình, họ giúp người khác chắc chắn không phải thanh tịnh, bình đẳng, giác. Hay nói cách khác thanh tịnh, bình đẳng, giác, là nơi nương tựa của chúng ta, là giới hạn cuối cùng của chúng ta. Một khi phát hiện không thanh tịnh, không bình đẳng thì hãy mau mau quay đầu, điều này là vô cùng quan trọng. Nếu mình thật sự không có khả năng này, thì hãy thật thà niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, về thế giới Tây Phương gần gũi Phật A Di Đà, sau đó trở lại giúp chúng sanh cũng không muộn, đây là sự lựa chọn của người trí tuệ. Cho nên chỗ này khuyên chúng ta, nhân lúc cơ thể mình khỏe mạnh cường tráng, hãy “Tự mình xưng niệm”. Xưng chính là miệng niệm. Niệm là trong tâm có Phật. Trong tâm thật sự có Phật gọi là niệm. Niệm là tâm hiện tại. Xưng là xưng danh, là niệm ra bằng miệng. Xưng với niệm khác nhau. Xưng với niệm tương ưng liền có lợi ích. Xưng không tương ưng với niệm, cái đó chúng ta thường gọi là có miệng mà không có tâm, có xưng mà không có niệm. Trong miệng niệm A Di Đà Phật, mà trong tâm nghĩ ngợi lung tung, có xưng mà không có niệm, vậy là không được. Xưng niệm hợp nhất chính là tâm miệng hợp nhất. Tâm miệng hợp nhất vậy mới “được phước vô lượng, diệt vô lượng tội.” Công đức của danh hiệu là không thể nghĩ bàn. Công đức của danh hiệu ở chỗ nào? Là toàn bộ kinh văn, danh hiệu là đề mục. “Kinh Vô Lượng Thọ”, người xưa phiên dịch trong năm loại bản dịch gốc, có một loại tên gọi là “Đại A Di Đà Kinh”. Cho nên cái danh hiệu A Di Đà Phật này là đề mục của kinh. Công đức của Ngài là những gì mà toàn bộ kinh văn nói. Niệm câu danh hiệu này thì trong tâm phải nghĩ đến lời chỉ dạy ở trong bộ kinh này, đạo lý mà đức Phật dạy cho chúng ta, lời giáo huấn Ngài dạy cho chúng ta, dạy chúng ta phải sống như thế nào, xử sự như thế nào, đối nhân xử thế như thế nào, trong một câu danh hiệu là thảy đều nhớ lại hết, như vậy mới dùng được. Nếu như chỉ niệm một câu danh hiệu này mà hoàn toàn không liên quan gì với nói năng, hành động trong đời sống của mình thì niệm danh hiệu này là vô ích. Đúng như lời cổ nhân nói: “Gào rát cổ họng cũng uổng công”. Đại đức xưa thường nói niệm Phật phải tương ưng, một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Tương ưng với cái gì? Tương ưng với nghĩa kinh. Bạn niệm câu A Di Đà Phật này phải tương ưng với nghĩa kinh của “Kinh Di Đà”, tương ưng với nghĩa kinh của “Kinh Vô Lượng Thọ” đây gọi là niệm Phật chân chánh. Cho nên họ thật sự được phước, thật sự diệt tội, phước báo đó thật sự là vô lượng, ở đây một mảy may khoa trương cũng không có, mỗi câu nói đều là chân thật. Chúng ta đọc xong, nghe xong mà không tin, là bởi vì bản thân bạn không biết niệm, nên bạn niệm không tương ưng. Thật sự tương ưng thì bạn nhìn thấy kinh văn này, bạn sẽ tin ngay, bạn sẽ không hoài nghi. Trong vô lượng pháp môn thì pháp môn này là đặc biệt thù thắng. Tại sao vậy? Pháp môn này là pháp môn viên mãn. Một khi xưng Phật thì vô lượng vô biên công đức đều ở trong đó, một chút khiếm khuyết cũng không có. Học pháp môn khác tuy công đức thật sự là rất lớn, nhưng bên trong vẫn còn khiếm khuyết, không thể bao gồm hoàn chỉnh như vậy được. Một khi xưng Phật vậy là đã bao gồm rất viên mãn rồi. Ở trong giảng đường của chúng ta, có lẽ các đồng tu đều có nhận thức tương đối sâu sắc. Ý nghĩa của danh hiệu, nói sơ lược là “Kinh Vô Lượng Thọ”, nói rộng chính là tất cả pháp mà Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong bốn mươi chín năm, không có một câu nào vượt ra ngoài phạm vi của danh hiệu. Không chỉ là những gì mà Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong bốn mươi chín năm. Nếu như chúng ta suy diễn rộng nó ra, thì có thể nói vô lượng vô biên pháp tạng mà tất cả chư Phật Như Lai mười phương ba đời nói, cũng không có câu nào lìa khỏi câu A Di Đà Phật. Sau đó mới biết công đức của câu danh hiệu A Di Đà Phật là không thể nghĩ bàn. Chúng ta vừa niệm vừa phải mong sao hiểu được. Nếu như chỉ niệm mà không mong hiểu, cũng rất tốt, cũng rất hiếm có, nhưng chúng ta muốn nâng cao cảnh giới sẽ rất chậm chạp. Nếu như bạn niệm vừa có thể hiểu được, thì đối với việc nâng cao cảnh giới của mình sẽ vô cùng nhanh chóng. Nâng cao cảnh giới của mình, chính là trong kinh gọi là phẩm vị. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói cấp bậc của Bồ Tát, bạn từ thập tín nâng lên đến thập trụ, từ thập trụ nâng lên đến thập hạnh, từ thập hạnh nâng lên đến thập hồi hướng, phải hiểu rõ triệt để, thì mới có thể nâng cao lên được. Nâng cao phẩm vị, xin thưa quý vị cũng là nâng cao đời sống của chúng ta. Cho nên lợi ích của Phật pháp, tuyệt đối không phải nói chỉ là đời sau, mà ngay hiện tại, hiện tiền đã được lợi ích rồi, nâng cao mức sống của mình, đời sống này là đời sống tinh thần. Khi đời sống tinh thần được nâng cao rồi, xin thưa tiếp với quý vị, đời sống vật chất cũng nâng cao. Đời sống vật chất, thử hỏi có phải bạn càng được dồi dào hơn không? Nói như vậy cũng không sai. Dồi dào không phải dồi dào về mặt lượng. Bạn làm việc ở nơi đây, mỗi tháng kiếm được ba nghìn đồng, vẫn là kiếm được ba nghìn đồng. Không phải nói khi học Phật tôi lập tức kiếm được sáu nghìn đồng, không phải cái ý nghĩa này, bạn vẫn kiếm được chừng đó tiền. Vậy dồi dào ở chỗ nào? Tôi vừa mới nói là dồi dào về mặt chất. Hay nói cách khác giá trị của ba nghìn trước đây với ba nghìn hiện nay khác nhau, bạn thọ dụng khác nhau. Đạo lý này người biết được là rất ít. Chúng tôi lại nêu ra một ví dụ đơn giản dễ hiểu, chúng ta ăn cơm, vẫn là mấy món ăn này, khi cảnh giới của bạn chưa có nâng cao, thì mấy món ăn này bạn ăn cảm thấy mùi vị rất bình thường. Khi cảnh giới nâng cao, bạn nhìn những món ăn này thấy nó phát sáng. Màu sắc của món ăn là bảy báu, bạn nếm thấy trong miệng có vị vi diệu, mà người khác không thưởng thức được, khác nhau, là chất thay đổi rồi. Tại sao thay đổi vậy? Cảnh chuyển theo tâm. Lời tôi nói với mọi người là chân thật. Mấy món ăn này phát sáng, khi bạn nếm thấy vị của nó vi diệu, hoàn toàn khác so với lúc bạn chưa có nâng cao cảnh giới. Cho nên bạn ăn vào phần dinh dưỡng cơ thể nhận được cũng khác nhau. Tinh thần của bạn sung mãn, dung mạo tươi sáng, cái này phải cảnh giới nâng cao mới được. Chúng ta cùng bày ra mấy món ăn giống nhau, trong chúng ta có phàm phu, có Bồ Tát, có Phật, mọi người cùng nhau ăn, khẩu vị ăn vào của mỗi người khác nhau. Bạn đừng nên cho rằng đồ họ ăn giống như chúng ta, là sai rồi! Cảm giác mùi vị của mỗi người đều khác nhau. Phàm phu là nghiệp lực, còn Phật Bồ Tát không phải nghiệp lực, điều này chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng. Sau đó mới biết sự thù thắng của Phật pháp, sự vi diệu của Phật pháp, tính chân thật của Phật pháp. Không chỉ là như tôi thường hay nói tướng mạo của bạn có thể thay đổi, thể chất có thể thay đổi, mà đất đai núi sông, đời sống chỗ ở thảy đều thay đổi. Sự thay đổi này là do tâm đang thay đổi. Hy vọng mọi người thể hội cho thật kỹ ý nghĩa này. Chỉ có pháp này là pháp chân thật. Trong kinh nói nhất chân pháp giới, Tây Phương nói thế giới Cực Lạc. Thế giới Cực Lạc bao lớn? Cũng là tận hư không, khắp pháp giới. Phàm phu chúng ta nhìn thấy môi trường sống của mình đâu đâu cũng là đất bùn lầy, cát đá, là mắt phàm phu chúng ta nhìn thấy. Người thế giới Tây Phương Cực Lạc đến nơi này của chúng ta để nhìn, họ thấy thế giới này cũng là lưu ly bảy báu. Họ đến bất kỳ nơi nào họ nhìn thấy cũng đều là lưu ly bảy báu. Tại sao vậy? Cảnh chuyển theo tâm của họ. Phàm phu chúng ta, nói giả sử phàm phu cũng có khả năng về thế giới Tây Phương Cực Lạc để tham quan. Chúng ta đến thế giới Cực Lạc, cũng nhìn thấy giống như địa cầu chúng ta vậy, cũng là đất bùn, cát đá. Đạo lý gì vậy? Do tâm của chúng ta biến hiện ra. Tâm của các Ngài biến hiện khác với tâm của chúng ta. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa, ở thế gian này của chúng ta, cõi Ngài cư trú là Tịnh Độ. Trong kinh cũng đã từng nói qua, đức Phật Thích Ca Mâu Ni dùng thần lực của Ngài biến hiện ra cảnh giới tự thọ dụng của Ngài để cho mọi người thấy, nó không có khác gì so với thế giới Hoa Tạng, thế giới Cực Lạc, nhưng phàm phu không thể nhìn thấy. Đạo lý này nếu như dùng cách nói của nhà khoa học hiện nay chính là do chiều không gian và thời gian khác nhau. Ngày nay chúng ta ở không gian ba chiều, nhà khoa học đã thật sự chứng minh có không gian bốn chiều, không gian năm chiều, thậm chí là đến không gian mười một chiều, điều này đã được chứng thực rồi. Cảnh giới còn chưa phát hiện, chưa chứng thực thì không biết là còn bao nhiêu nữa. Nhưng năng lực của Phật Bồ Tát, có thể đột phá toàn bộ những không gian và thời gian này, đột phá toàn bộ tất cả mọi không gian thời gian, các Ngài đều có thể nhìn thấy được. Các ngài nhìn thấy cảnh giới tự thọ dụng của mình, và cũng nhìn thấy cảnh giới thọ dụng của tất cả chúng sanh, các Ngài có năng lực này. Các Ngài dùng phương pháp gì để đột phá vậy? Hiện nay nhà khoa học đều đang nghiên cứu về vấn đề này. Thật sự đột phá được thì con người tự tại rồi, có thể quay về quá khứ, cũng có thể trở về đến vị lai. Trên lý thì nhà khoa học đã khẳng định rồi, biết “Quá khứ, hiện tại, vị lai” tồn tại đồng thời. Lý này họ đã hiểu rõ. Tồn tại đồng thời vậy chúng ta làm sao quay về quá khứ? Làm sao đi đến tương lai? Không làm được. Nguyên nhân này là do họ không biết không gian được hình thành như thế nào? Họ chưa có nghiên cứu về mặt này. Trong Phật pháp nói sự hình thành không gian và thời gian khác nhau, chính là pháp giới khác nhau. Nhà Phật chúng ta gọi là pháp giới chứ không nói là không gian và thời gian. Thập pháp giới là nói sơ lược, nói tỉ mỉ là vô lượng pháp giới. Tại sao nói vô lượng pháp giới? Vì pháp giới của mỗi người đều khác nhau. Chúng ta cùng nhìn một người như nhau, cùng nhìn một đóa hoa, cùng nhìn sự việc giống nhau mà có người nhìn thấy ưa thích, có người nhìn thấy chán ghét, đó chính là pháp giới khác nhau. Nói về ưa thích, thì mức độ ưa thích của mỗi người lại không giống nhau, nên pháp giới vẫn là khác nhau. Thật sự tìm được hai người có cách nhìn hoàn toàn giống nhau về một sự việc, là không thể tìm ra, không có sự việc này. Đức Phật nói đến khi nào cách nhìn của hai người hoàn toàn giống nhau? Thành Phật, Phật Phật đạo đồng. Bồ Tát đẳng giác, hai vị Bồ Tát đẳng giác nhìn một sự việc vẫn khác nhau. Giác của họ chưa có viên mãn, tâm của họ chưa có đạt đến thuần tịnh. Bồ Tát đẳng giác tuy đều có một phần sanh tướng vô minh chưa phá, cách nhìn của mỗi người họ đều không thể hoàn toàn giống nhau. Chúng ta nói có thể đạt đến chín mươi mấy phần trăm giống nhau, nhưng không thể đạt đến một trăm phần trăm. Từ đó cho thấy, sự hình thành của pháp giới, sự hình thành của chiều không gian và thời gian, lời Phật nói có đạo lý, là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, là sinh ra từ chỗ này. Làm sao có thể đột phá? Đoạn dứt hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước liền đột phá ngay. Vô lượng vô biên pháp giới khác nhau bạn thảy đều có thể nhìn thấy. Cho nên đức Phật dạy chúng ta không có gì khác, là phá vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà thôi. Sau khi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước phá rồi, cảnh giới đó chính là cảnh giới trên quả địa Như Lai. Chúng ta ngày nay nâng cao, là không ngừng nâng cao lên cảnh giới này, đây là mục tiêu của chúng ta. Mục tiêu này chính là trong kinh thường nói: “A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề.” Phá xong chấp trước chính là chánh giác. Sau đó phá phân biệt chính là chánh đẳng, chánh giác. Phá tiếp vọng tưởng nữa chính là vô thượng, chánh đẳng, chánh giác. Vô thượng, chánh đẳng, chánh giác tiếng Phạn gọi là A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề. Cho nên phải không ngừng nâng cao cảnh giới của mình. Muốn nâng cao cảnh giới của mình, phương pháp duy nhất là xưng niệm phải tương ưng. Xưng niệm không tương ưng thì chắc chắn không thể nâng cao được. Chỉ có thể gieo hạt giống Phật trong a-lại-da thức, tương lai mới có tác dụng, chứ hiện nay không có tác dụng. Hiện nay không thể được phước, cũng không thể diệt tội được. Quý vị thấu triệt được những sự và lý này rồi, trong kinh đức Phật nói, mỗi câu nói đều là chân thật, không nói quá một chút nào cả.

  Quyển trung đến chỗ này là viên mãn rồi. Chúng ta xem tiếp “Quyển Hạ” dưới đây.

  Phẩm Thứ Mười: So Sánh Nhơn Duyên Công Đức Của Sự Bố Thí.

  Năm xưa pháp sư Thánh Nhất ở núi Đại Dự, Hồng Kông, vào những năm tám mươi nhận lời mời của lão pháp sư Nhân Đức thầy đến Cửu Hoa Sơn để giảng “Kinh Địa Tạng”. Thầy một mặt viết “Giảng Ký”, một mặt đến giảng kinh. Sau khi về đến Hồng Kông, thầy kể cho tôi nghe về tình hình ở bên đó, và đem “Giảng Ký” đưa cho tôi xem. Tôi có viết một bài tựa cho Thầy. Thầy giảng ba phẩm này, phẩm phía trước là Phật Bảo, còn phẩm “So sánh công đức của bố thí” này là Pháp Bảo. Cách nhìn này là vô cùng chính xác. Cuối cùng đem bộ kinh này quy kết về Tam Bảo. Rất hiếm có. Người xưa chú giải không có nhắc đến sự việc này. Cho nên tôi vô cùng tán đồng với cách nói này của pháp sư Thánh Nhất, kết quy về Tam Bảo. Trong Pháp Bảo, nói thực ra chính là nói phương pháp tu hành. Phương pháp tu hành, tổng cương lĩnh của Phật pháp Đại Thừa là dạy chúng ta bố thí, kết duyên, dùng phương pháp này là có thể thành Vô Thượng Đạo. Phần trước chúng ta đã từng nói qua, tu học Phật pháp muốn nâng cao cảnh giới của mình, thì quan trọng nhất là phải phá trừ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Mà bố thí là phương pháp tốt nhất. Bố thí là xả, đem chấp trước xả hết, đem phân biệt xả hết, đem vọng tưởng xả hết. Không chỉ là trên lý luận phải như vậy, mà trên sự thật cũng phải làm như vậy. Nếu bạn không thật sự làm trên sự thật, mà chỉ bàn trên lý suông là không được, là không cách gì nâng cao cảnh giới của mình được. Nói thực ra cũng không có cách gì thật sự dứt hết phiền não được. Nhất định phải thật sự hạ công phu ở trên sự. Đức Phật đã dạy chúng ta hai chữ là “Xả-Được”. Hai chữ này bạn phải nhận thức cho thật sâu sắc. Tại sao vậy? Bởi vì càng xả bạn được càng nhiều, đây là định luật nhân quả. Cơn bão kinh tế, suy thoái kinh tế lần này, quý vị thấy vô cùng rõ ràng, hầu như mỗi người đều bị ảnh hưởng. Chúng ta quan sát tỉ mỉ, Cư Sĩ Lâm không có bị ảnh hưởng. Không những không bị ảnh hưởng, mà thu nhập của Cư Sĩ Lâm còn tăng thêm. Theo như cách nói thông thường các tín đồ, kinh tế của mỗi người đều vô cùng khó khăn, nên việc bố thí cúng dường đương nhiên tương đối giảm sút, đây là đạo lý nhất định. Tại sao thu nhập của Cư Sĩ Lâm không giảm sút mà trái lại còn tăng thêm? Đạo lý là ở chỗ nào? Do bố thí. Cư Sĩ Lâm bố thí nhiều, bố thí rất lớn! Trong tình hình khó khăn như vậy, việc bố thí của họ vẫn tăng thêm chứ không giảm, cho nên thu nhập của họ cũng sẽ tăng thêm chứ không giảm, chứng minh lời Phật nói là không sai. Tài càng xả càng nhiều, bạn đừng sợ bố thí, càng xả càng nhiều. Chúng ta từ Cư Sĩ Lâm mấy năm gần đây đã chứng minh rồi. Bạn không thí thì không có. Đạo tràng thông thường thu nhập đều giảm sút. Tại sao vậy? Họ nhìn thấy kinh tế tiêu điều, vậy chúng ta phải tiết kiệm chi tiêu, phải bớt bố thí. Bớt bố thí thì được rồi, thu nhập của bạn cũng sẽ ít, quả báo sẽ ít thôi. Lý Mộc Nguyên ở Cư Sĩ Lâm là người có trí tuệ, thu nhập ít cũng phải bố thí mạnh mẽ. Ông không sợ bố thí thì Cư Sĩ Lâm sẽ hết sạch tiền của, ông không sợ. Nhưng thu nhập của Cư Sĩ Lâm vẫn cứ không ngừng chảy vào. Vậy là chứng minh lời Phật dạy, bố thí tài sẽ được giàu có, bố thí pháp sẽ được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy sẽ được khỏe mạnh sống lâu. Bạn không bố thí thì làm sao được? Làm sao bạn có được? Nhưng mà bố thí thì sau này sẽ có quả báo. Quả báo đến rồi lại sợ bạn khởi tâm tham, sự việc này phiền phức rồi. Cho nên đức Phật dạy chúng ta “xả được”. Xả được ý nghĩa sâu hơn một tầng nữa là, bạn có được những thứ đó rồi hãy mau mau xả tiếp, đừng lưu giữ. Nếu như bạn thí, cái bạn nhận được đó bạn không chịu xả tiếp thì, vậy là hỏng rồi! Bạn lại mê rồi, lại đọa lạc rồi. Mãi mãi cứ thí, càng thí càng nhiều, thí nhiều sẽ được nhiều. Chư Phật Như Lai, gần đây chúng tôi giảng hai bộ kinh này, phải hiểu cho thật kỹ, Phật A Di Đà bố thí rộng lớn, cho nên phước báo của Ngài mới lớn như vậy, thành tựu thế giới Cực Lạc. Thành tựu thế giới Cực Lạc mà bản thân Ngài không thọ dụng, đem cúng dường cho người tu học thích niệm Phật mười phương thế giới, đem cung cấp cho họ. Đây là sự bố thí rộng lớn của đức Phật A Di Đà. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” Phật Tỳ Lô Giá Na bố thí rộng lớn, xây dựng nên thế giới Hoa Tạng, tiếp dẫn tất cả người học Đại Thừa mười phương, cung cấp cho họ hưởng thụ, chứ bản thân không có hưởng thụ. Đức Phật đã làm nên tấm gương tốt nhất cho chúng ta thấy. Nếu như chúng ta được quả báo thịnh vượng từ bố thí, mình muốn hưởng thụ thì tâm tham liền khởi lên, lại lập tức bị mê ngay. Cho nên đức Phật dạy chúng ta xả được. Những gì bạn có được hãy mau mau xả. Sau khi xả rồi nó lại đến, sau khi đến rồi, mau mau xả. Giống như dòng nước vậy, nó luôn sống động, trôi chảy, tuyệt đối không nên dừng nó lại ở một chỗ. Bạn hiểu rõ đạo lý này, hiểu được sự thật này, bạn sẽ dám xả. Bạn biết càng xả càng được nhiều, tiền của ùn ùn không ngừng kéo đến. Đây là trong ngạn ngữ thường nói: Nếu trong số mạng bạn có thì chắc chắn sẽ có, trong số mạng không có thì dù có cầu cũng không được, muốn giữ cũng không giữ được. Chúng ta thời gian gần đây đều nhìn thấy, có rất nhiều người dùng đủ mọi cách để được giàu to, tích chứa của cải muôn ức. Một khi cơn bão kinh tế đến thì sụp đổ, rất nhiều người nhảy lầu, tự sát. Trong số mạng không có thì không giữ được. Nếu như những người này, đều có trí tuệ như cư sĩ Lý Mộc Nguyên, đem tài sản của họ đi làm sự nghiệp từ thiện xã hội, thì không thể tưởng tượng được! Tại sao họ bị thất bại? Vì thế đồng tu học Phật, nhất là đồng tu tại gia, bất kể làm trong ngành nghề nào, bạn đã học Phật rồi, học Phật thì phải xây dựng cho được một quan niệm chính xác, ta vì xã hội phục vụ, vì tất cả chúng sanh phục vụ. Bất kể là làm trong ngành nghề nào, đều là vì xã hội, vì chúng sanh. Bạn dùng thái độ phục vụ để làm, thì bạn sẽ làm vô cùng hưng vượng, bạn sẽ làm nên thành tựu thù thắng, sự nghiệp của bạn càng làm càng phát đạt, càng phát đạt càng phải giúp đỡ người khác, càng phải giúp đỡ xã hội. Mình sống tiết kiệm là tốt, chắc chắn sẽ khỏe mạnh sống lâu, không được phép hưởng phước. Nếu như mình thịnh vượng rồi, hằng ngày cứ lo tẩm bổ, khi bổ như vậy sẽ khiến cho toàn bộ cơ thể bạn hư hỏng hết. Cơ thể khỏe mạnh thì không cần phải bồi bổ. Một khi bổ thì trên người nhất định là có vấn đề, càng bổ sẽ càng nhiều vấn đề, đến cuối cùng thuốc cũng không thể cứu được. Chúng ta quan sát thật kỹ cổ thánh tiên hiền, các Ngài làm tấm gương cho chúng ta, thì phải biết mình cần phải học tập như thế nào. Trong Phật pháp nói lợi ích thù thắng nhất, lợi ích lớn nhất, lợi ích không gì sánh bằng của thế gian và xuất thế gian chính là bố thí, cho nên đức Phật đem nó xếp ở điều thứ nhất trong hạnh Bồ Tát. Hạnh Bồ Tát có sáu nguyên tắc, là sáu ba-la-mật, thì bố thí xếp ở hàng đầu. Trong bản kinh cũng đặc biệt nêu ra để chỉ dạy chúng ta. Ở trong tất cả kinh Đại Thừa, nếu quý vị hơi lưu ý một chút bạn sẽ phát hiện, Thế Tôn giảng về bố thí là giảng nhiều nhất. Ngài có đạo lý của Ngài ở trong đó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *