Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 35

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 35

 Phẩm Thứ Sáu Như-Lai Tán Thán.

  Mời xem kinh văn:

  “Nhĩ thời Thế Tôn, cử thân phóng đại quang minh biến chiếu bách thiên vạn ức Hằng hà sa đẳng chư Phật thế giới, xuất đại âm thanh phổ cáo chư Phật thế giới: Nhất thiết Bồ-tát Ma-Ha-Tát, cập Thiên, Long, Quỷ, Thần, nhân, phi nhân đẳng, thính ngô kim nhật xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ-tát Ma-Ha-Tát ư thập phương thế giới, hiện đại bất khả tu nghị uy thần từ bi chi lực, cứu hộ nhất thiết tội khổ chi sự.” (Lúc đó khắp thân của Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn soi khắp đến trăm nghìn muôn ức Hằng hà sa cõi nước của chư Phật; trong ánh sáng đó vang ra tiếng lớn bảo khắp các cõi nước chư Phật rằng: ‘Tất cả hàng đại Bồ-tát và Trời, Rồng, Quỉ, Thần v.v… lóng nghe hôm nay Ta khen ngợi rao bày những sự của Ngài Địa Tạng Bồ-tát ở trong mười phương thế giới, hiện ra sức từ bi oai thần không thể nghĩ bàn, để cứu tất cả tội khổ chúng sanh.’ Sau khi Ta diệt độ, thời hàng Bồ-tát Đại Sĩ các ông, cùng Trời, Rồng, Quỉ, Thần v.v… nên dùng nhiều phương chước để gìn giữ kinh này làm cho tất cả mọi loài chúng sanh đều khỏi tất cả sự khổ, mà chứng cảnh vui Niết Bàn.)

  Đến chỗ này là một đoạn. Kinh văn phía trước, giới thiệu cho chúng ta Bồ-tát Địa Tạng. Bồ-tát Địa Tạng là vị giáo chủ có thể giáo hóa. Chúng ta hiện nay gọi là vị thầy dẫn đường. Đây là vị thầy dẫn đường có năng lực, có trí tuệ dẫn dắt chúng ta thoát khỏi khổ nạn. Cũng nói rõ đối tượng mà Bồ-tát giáo hóa độ thoát, vô cùng hiếm có là Ngài có thể độ chúng sanh địa ngục, điểm này chúng ta phải đặc biệt thể hội cho thật kỹ. Tất cả chúng sanh cõi có căn tánh tệ nhất, tạo tác nghiệp ác sâu nhất, nặng nhất đó chính là chúng sanh địa ngục. Chúng sanh địa ngục Ngài còn có năng lực để độ thoát, thì những cõi khác không cần phải nói nữa, những cõi khác đều là dễ độ cả. Cõi khó độ nhất Ngài còn có thể độ được. Từ đó cho thấy, vị Bồ-tát này quả thật không thể nghĩ bàn. Từ kinh văn phía trước chúng ta có thể thể hội được, Ngài thật sự có năng lực phổ độ tất cả chúng sanh trong chín pháp giới, không có khác gì so với trí tuệ, đức năng trên quả địa Như-lai. Cho nên sau khi giới thiệu xong, thì Thế Tôn ở chỗ này đặc biệt khen ngợi về Ngài. Dụng ý của khen ngợi rất sâu rất rộng, mục đích chính là yêu cầu chư đại Bồ-tát trong mười phương thế giới phải ủng hộ Bồ-tát Địa Tạng, hết lòng hết sức trợ giúp Bồ-tát Địa Tạng độ thoát những chúng sanh khổ nạn này. Ý nghĩa này chính là nói, nhất định phải tuyên dương kinh điển này, khen ngợi công đức của Bồ-tát phổ độ tất cả chúng sanh, mục đích là ở chỗ này. Kinh văn vừa mở đầu là: “Lúc đó khắp thân của Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn soi khắp đến trăm nghìn muôn ức Hằng hà sa cõi nước của chư Phật.” Đây là chứng tỏ Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn, soi khắp tận hư không khắp pháp giới, không để sót một nơi nào, bất kỳ nơi nào ánh sáng Phật cũng đã từng chiếu đến. Loại cảnh giới này là hoàn toàn tườn đồng với cảnh giới trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói. “Cử thân” là đặc biệt chú trọng cái thân này. Thân là sắc tướng. Ánh sáng là được phóng ra từ cái thân này. Ánh sáng này là ánh sáng của tâm tánh, ánh sáng Bát nhã vốn đầy đủ của tự tánh. Phần trước đã từng nhắc qua với quý vị, loại sóng ánh sáng này vô cùng đặc thù. Bởi vì làn sóng của nó là bình đẳng, trong một sát-na liền tỏa khắp hư không pháp giới. Không phải giống như ánh sáng mặt trời, mặt trăng, sao mà mắt thường chúng ta nhìn thấy. Ánh sáng này tốc độ lan truyền của nó rất chậm. Chúng ta nghe thấy nhà khoa học nói cho chúng ta biết, rất nhiều ngôi sao ánh sáng của nó truyền đến trái đất chúng ta phải mất rất nhiều năm, hoặc mấy trăm năm, mấy ngàn năm, mấy vạn năm ánh sáng, cần thời gian dài như vậy mới có thể truyền đến được. Phật phóng ra ánh sáng, đây vừa phóng thì đồng thời truyền đến tận hư không khắp pháp giới, cho nên hoàn toàn khác với những loại ánh sáng này. “Cử thân” tức là mỗi bộ phận trên thân thể này đều phóng quang. Tiêu biểu như Đại Viên Mãn Quang Minh Vân như phần trước nói, đây là ánh sáng viên mãn. Ở trong ánh sáng viên mãn đã hàm nhiếp vô lượng pháp môn mà Bồ-tát đã tu trong nhân địa, công đức viên mãn mà ở trên quả địa chư Phật Như-lai chứng đều hiển thị không sót ở trong tướng ánh sáng này, cho nên đây là cảnh giới bất khả tư nghì. Hiển thị thân Phật trùm khắp pháp giới, hiển thị ba thân một thể; pháp thân, báo thân, ứng hóa thân, một tức là ba, ba tức là một. Không những hiển thị ba thân là một, đồng thời cũng hiển thị ra y chánh không hai. Y báo là hoàn cảnh sống, chánh báo là cái thân thể này. Y tức là báo, báo tức là y, y chánh không hai. Nếu như chúng sanh có duyên gặp được ánh sáng Phật. Sao gọi là có duyên? Những người nào có duyên? Những người nào không có duyên? Người có duyên tức là bản thân không có chướng ngại, bạn liền nhìn thấy ánh sáng này. Người không có duyên là do bản thân có nghiệp chướng chứ không phải ánh sáng Phật không chiếu. Quý vị đồng tu phải biết, ánh sáng Phật chiếu khắp. Tại sao chúng ta không nhìn thấy? Nguyên nhân của không nhìn thấy chính là do mình có nghiệp chướng. Lúc tôi năm xưa học Phật, đại sư Chương Gia dạy tôi, đích thân thầy nói vô cùng kiên định, khẳng định: “Ở trong cửa Phật có cầu ắt ứng.” Ở trong cửa Phật quý vị phải nhớ kỹ, Phật là gì? Là giác. Ở trong cửa Phật chính là nói trong cửa giác ngộ. Giác ngộ không phải mê hoặc, có cầu ắt ứng. Nếu như khi bạn có cầu mà không có cảm ứng, đây là nguyên do gì? Đại sư dạy chúng tôi rằng, bạn có nghiệp chướng. Cần phải đem nghiệp chướng tiêu trừ, thì cảm ứng liền hiện tiền ngay. Đây là đạo lý nhất định. Nghiệp chướng làm sao tiêu trừ? Tôi cũng hỏi vấn đề này. Nghiệp chướng là chắc chắn có, làm sao tiêu trừ? Đại sư dạy tôi rằng, sám hối, đồng thời lại dạy tôi, sám hối không phải bảo bạn đi bái sám, bạn đi bái Đại Bi Sám, bái Lương Hoàng Sám, bái đủ thứ sám, chưa chắc có thể tiêu trừ được nghiệp chướng. Thế phải sám hối như thế nào đây? Sám hối là từ nay về sau không còn tạo nữa, đây mới gọi là sám hối đích thực. Tức là bạn biết mình lỗi lầm rồi, nhanh chóng điều chỉnh trở lại, đây gọi là chân sám hối. Chúng ta lại hỏi, ở trong tự viện tổ chức những pháp hội sám hối này rốt cuộc là có ý nghĩa gì? Đại sư nói với tôi, ở trong tự viện tổ chức pháp hội sám hối là làm hình mẫu, làm nghi thức cho những người mới học Phật, người chưa học Phật để họ nhìn thấy loại hình thức này mà sinh khởi tâm hổ thẹn, sinh khởi tâm sám hối, là có ý nghĩa như vậy, chúng tôi mới chợt hiểu ra. Đó là biểu diễn cho người khác thấy. Mình tu hành không đặt nặng những hình thức này, mà chú trọng ở thật sự quay đầu. Biết mình sai rồi, sai rồi lầm tức sửa đổi ngay. Từ nay về sau không tạo tiếp nữa, đây gọi là chân sám hối. Như vậy mới có thể cảm ứng đạo giao với Phật, Bồ-tát. Ánh sáng mà trong kinh nói, ánh sáng của Phật. Ánh sáng của Phật đích thực là chỉ bộ kinh điển này. Hay nói cách khác chúng ta gặp được kinh điển này, chính là gặp được ánh sáng chiếu khắp của Thế Tôn. Ánh sáng này của Ngài là vĩnh hằng, không phải gián đoạn. Nơi nào mà có kinh điển, thì nơi đó có ánh sáng Phật soi chiếu. Chúng ta mở kinh văn ra đọc tụng thọ trì, hiện nay gọi là học tập, chính là tiếp nhận ánh sáng Phật. Có thể giác ngộ, có thể y giáo phụng hành thì chắc chắn chứng ngộ được Vô Thượng Bồ đề. Những việc này chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải biết quý trọng. “Đại âm thanh” (Âm thanh lớn) là một trong 32 tướng tốt. Trong 32 tướng tốt không gọi là đại âm thanh, mà gọi nó là Phạn Thanh, Như-lai Phạn Thanh. Ý nghĩa của chữ Phạn là thanh tịnh. Âm thanh của Phật có thể đánh thức mê tình của tất cả chúng sanh. Trong “Đại Luận” nói Đại Phạm Thiên Vương có năm loại thanh, cũng tức là âm thanh của họ có năm đức, năm loại đức tướng. Loại thứ nhất âm thanh của họ rất sâu lắng, là giống như âm thanh của sấm sét vậy, có thể khiến người ta tỉnh thức cảnh giác. Loại đức thứ hai, âm thanh của họ có thể truyền xa. Ở chỗ này âm thanh và ánh sáng của Phật giống nhau, tận hư không khắp pháp giới đều có thể nghe thấy. Chúng ta ngày nay không nghe thấy âm thanh của chư Phật thuyết pháp, là do nhĩ căn chúng ta có vấn đề. Thực ra không phải là căn tánh có vấn đề, mà vấn đề là ở trong tâm. Tâm không thanh tịnh, thế là cái căn này sinh ra sự cố. Trong kinh thường nói y báo chuyển theo chánh báo, thân của chúng ta nghiêm túc mà nói là cái y báo đứng đầu gắn liền mật thiết nhất, cho nên nói tướng chuyển theo tâm, thể chất cũng chuyển theo tâm, sáu căn của chúng ta chuyển theo tâm. Tâm địa thanh tịnh, thì tế bào trong sáu căn, vi tế bào nó liền sinh ra biến đổi, biến đổi đến mức hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn của tự nhiên, thì có thể tiếp nhận thông tin của hư không pháp giới, mắt có thể tiếp nhận sắc tướng của tận hư không khắp pháp giới, tai có thể nghe khắp tất cả âm thanh trong hư không pháp giới, muốn nghe âm thanh gì liền có thể nghe âm thanh ấy, khi không muốn nghe thì lặng lẽ vô thanh. Chúng ta xem thấy trong kinh, người thế giới Cực lạc là như vậy. Tại sao họ có thể, còn chúng ta không thể vậy? Tâm họ tịnh. Tâm tịnh thì cõi nước tịnh. Chúng ta hiểu được đạo lý này, hiểu rõ những chân tướng sự thật này, muốn phục hồi năng lực, trí tuệ, đức tướng của mình thì không có gì khác ngoài định tuệ. Ở trong định tuệ, định là then chốt, tuệ không cần phải tu. Định khởi tác dụng chính là tuệ, định khởi tác dụng chính là giới. Giới định tuệ là tuy một mà ba, tuy ba mà một, không thể tách rời. Tác dụng của định tuệ chúng ta gọi là xảo. Tương ưng với giới là thiện. Chư Phật Bồ-tát phương tiện thiện xảo của các Ngài, chính là niệm niệm đều tương ưng với tam học giới định tuệ, thiện xảo đến cực điểm. Cho nên thật sự ánh sáng của các Ngài chiếu khắp, phạn âm nghe cùng khắp. Sau khi nghe xong đều sinh tâm hoan hỷ, thấy sắc tướng sinh tâm hoan hỷ, nghe âm thanh sinh tâm hoan hỷ. Không những sinh tâm hoan hỷ, người thể hội được ý nghĩa này sẽ tự nhiên sinh khởi tâm kính mến, đây là loại đức tướng thứ ba. Loại đức tướng thứ tư là Phật thuyết tất cả pháp, pháp thậm thâm, sau khi bạn nghe xong thấy chẳng khó hiểu, rất dễ dàng hiểu được, rất dễ dàng tiếp nhận, quyết định không hiểu sai ý nghĩa. Loại đức thứ năm, là khiến người khác nghe xong vĩnh viễn không thấy chán. Không giống như chúng ta làm những việc khác, làm lâu rồi họ bèn thấy chán ngán. Thấy ánh sáng, sắc tướng của Phật, nghe âm thanh Phật thuyết pháp, vĩnh viễn nghe hoài không chán. Người hiện nay gọi là hưởng thụ cao cấp, đây là thật, không phải giả. Cho nên nói ra âm thanh lớn với chư Bồ-tát chính là việc lớn nhằm lưu thông bộ kinh này. Bộ kinh này ở trong Phật pháp chúng ta nói thực ra cũng là pháp luân căn bản. “Hoa Nghiêm” được xưng là căn bản, là căn bản của toàn bộ Phật pháp, là căn bản dạy học của tất cả chư Phật Như-lai. “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” là căn bản khởi tu của chúng sanh. Bạn bắt đầu tu từ đâu? Phải bắt đầu tu từ bộ kinh này, bạn mới có thể vào cảnh giới của quả địa Như-lai. Cho nên Phật ở chỗ này, dùng âm thanh lớn nói với Bồ-tát Ma Ha Tát khắp hư không pháp giới, trong tất cả cõi nước chư Phật. Bồ-tát là người đã giác ngộ, cần phải gánh vác trên vai sứ mệnh hoằng dương kinh, hộ trì kinh. Làm sao hộ đây? Y giáo phụng hành chính là hộ trì kinh. Nếu như chúng ta đem kinh này tuyên dương khắp nơi, giới thiệu cho đại chúng, mà mình không có làm, không có nghiêm túc tu, thì đó chỉ là phước đức. Loại cách làm này quả báo là phước báo hữu lậu của thế gian, bạn tu phước rồi. Nếu như bản thân bạn y giáo tu hành, sau đó khéo léo cảm hóa người khác, đây là thuộc về công đức. Ở trong công đức có phước đức, trong phước đức không có công đức. Điều này số lần chúng tôi nói cũng rất nhiều rồi. Thế Tôn ở chỗ này, khuyên bảo tất cả Bồ-tát Ma Ha Tát. Chúng ta ngày nay may mắn có được thân người, nghe được Phật pháp. Điều may mắn hơn nữa là có thể xuất gia tu hành trong Phật pháp, làm đệ tử của Phật, làm học trò của Phật. Phật có thừa nhận ta là học trò hay không? Điều này hoàn toàn xem lại chính mình. Nếu như bản thân chúng ta ba nghiệp thân, khẩu, ý tương ưng với lời giáo huấn của đức Phật, thì đức Phật chắc chắn là thừa nhận chúng ta là học trò của Ngài. Nếu như ba nghiệp thân, khẩu, ý không tương ưng với lời giáo huấn, thì tuy chúng ta nói là học trò của Phật, ngày nay cũng hiện ra hình ảnh cạo đầu, cũng mặc áo trằng, đắp y, cũng đi thọ giới, nhưng Phật Bồ-tát vẫn không thừa nhận. Không thừa nhận, thì thân phận này giống như lời đại sư Thiên Thai nói, gọi là Tỳ Kheo danh tự. Danh tự là hữu danh vô thực. Là Sa Môn danh tự, người xuất gia danh tự, không phải thật. Đây là điều đáng để chúng ta soi lại thật sâu xa. Đã là xuất gia thì nhất định phải làm một người đệ tử Phật xứng danh. Chúng ta liền có sứ mệnh hoằng dương bộ kinh này. Muốn hoằng dương bộ kinh này, thì nhất định phải tu học theo bộ kinh này. Rất nhiều các vị đồng tu học giảng kinh, tôi ở nơi này và những nơi khác, cũng thường hay gặp một số pháp sư trẻ tuổi đến hỏi tôi. Làm sao mới có thể giảng kinh hay được? Những người này cho rằng tôi giảng kinh mấy chục năm, có một chút kinh nghiệm, rất hiếm thấy họ nêu ra vấn đề này. Nếu thật sự muốn giảng kinh hay, nhất định phải tu hành như lời chỉ dạy, bạn thật tu mới có tâm đắc. Người hiện nay chúng ta gọi là tâm đắc, ở trong Phật pháp nói là chỗ ngộ. Bạn không phải chân tu thì bạn sẽ không có chỗ ngộ. Chỉ có làm thật mới có chỗ ngộ. Bạn ngộ càng sâu thì bạn giảng đương nhiên sẽ càng tuyệt vời. Nếu như bạn không có chỗ ngộ, xem chú giải của người khác, nghĩa là nói theo sách vở, toàn là của người khác, hoàn toàn không liên quan gì với mình, thì bạn sao có thể giảng hay được? Bạn có thể giảng chú giải rất thành thục, giảng rất trôi chảy, giảng đến hoa trời rơi rụng. Có nội dung thực tế hay không? Không có. Những gì bạn giảng toàn bộ là ở bề ngoài, ở trên hình tướng, chứ chưa có thấm sâu vào bên trong một phần nào cả. Bạn vào càng sâu, thì sức mạnh bạn phát ra tự nhiên sẽ khác. Cho nên một câu nói chung quy lại là phải thật tu. Như vậy bạn mới là thật sự có thể giảng hay được. Kiến giải, tư tưởng, tâm hạnh của bạn tương ưng với Phật, thì đâu có chuyện giảng không hay được? Năm đức âm thanh của Đại Phạm Thiên Vương này, bạn cũng có thể có đầy đủ. Mới học chúng ta chưa có giác ngộ, chưa có ngộ nhập. Mới học cần phải bắt đầu từ đâu vậy? Chân thành. Cái này có thể cảm ứng, có thể được Phật, Bồ-tát gia trì. Gia trì giúp bạn ngộ nhập. Tâm của bạn không chân không thành thì vô phương. Chân thành là không có mảy may tướng giả dối quanh co. Không những chân thành trong lúc đọc kinh, giảng kinh, lên bục giảng thì chân thành, xuống bục giảng thì giả dối, có được không? Không được. Quí vị nên biết, một khi chân thì tất cả đều chân. Chúng ta chỉ có một tâm chân thành, đối với chư Phật Như-lai cũng là tâm này, đối với tất cả chúng sanh cũng là tâm này, bạn mới có thể ngộ nhập. Nếu như bạn còn dùng hai loại tâm, thì chắc chắn không thể ngộ nhập được. Không những cảnh giới Phật không thể ngộ nhập, nói thực ra, bạn đối với những tình huống trước mắt này bạn cũng không thể hiểu được. Đây là điều mà đồng tu thật sự phát tâm học giảng kinh, phát tâm muốn tiếp nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sinh không thể không biết. Chư đại Bồ-tát đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh, không chỉ là ngộ nhập, có thể nói là các Ngài ngộ nhập triệt để rồi. Trong Phật pháp nói là thấu triệt nguồn pháp. Chúng ta biết ở trong đây có rất nhiều Bồ-tát Ma Ha tát, đều là do chư Phật Như-lai mười phương lái ngược thuyền từ đến thị hiện. Thân phận của Bồ-tát không có nhất định. Quý vị phải biết, các Ngài có thể thị hiện đủ dạng thân phận khác nhau. Chúng ta xem thấy ở trong “Phẩm Phổ Môn”, 32 ứng thân của Bồ-tát Quan Thế Âm, đây là nêu ra ví dụ. Ngài thị hiện không phải là ý của mình, mà hoàn toàn xem sự cảm của chúng sanh, Ngài là có ứng. Nghĩa là cần dùng thân Phật được độ, Ngài liền hiện thân Phật, vị Phật đó cũng là Bồ-tát. Cần dùng thân bé trai, bé gái mà được độ, Ngài liền hiện thân bé trai, bé gái. Bé trai, bé gái đó cũng là Bồ-tát. Cần dùng thân Tỳ Kheo mà được độ, Ngài liền hiện thân Tỳ Kheo. Đâu có nhất định? Thậm chí là nói cần dùng thân ăn mày mà được độ, Ngài liền hiện thân ăn mày. Chúng ta xem thấy ở trong “Niên Phổ Của Lão Hòa Thượng Hư Vân”, lão hòa thượng Hư Vân triều bái Ngũ Đài Sơn gặp người ăn mày, người ăn mày đó là Bồ-tát Văn Thù hóa thân. Cho nên phải biết những vị Bồ-tát Ma Ha Tát này là đang ở trong các ngành các nghề trong xã hội hiện nay của chúng ta, bạn có biết người nào là Bồ-tát không? Không biết, ta là phàm phu mắt thường. Chư Phật Như-lai những vị đại Bồ-tát này tại sao phải làm như vậy? Dụng ý của cách làm này rất sâu. Để chúng ta sinh khởi tâm cung kính hết sức đối với tất cả chúng sanh. Người học Phật chúng ta, cần phải có thái độ như thế nào? Bất kể là tất cả người, tất cả sự, tất cả vật, chúng ta đều phải xem họ như là chư Phật Như-lai thị hiện, thì tâm cung kính của chúng ta mới thật sự sinh khởi được. Như vậy mới có thể khế nhập hạnh Phổ Hiền. Hạnh thứ nhất của Phổ Hiền là “Lễ kính chư Phật”. Chúng ta đối xử với bất kỳ người, sự, vật nào cũng đều chân thành lễ kính. Lễ là bề ngoài. Kính là nội tâm. Cho nên thâm ý của thị hiện, mật ý của thị hiện là dắt chúng ta đến hạnh Phổ Hiền. Chúng ta tuyệt đối không dám khinh mạn với bất kỳ một chúng sanh nào. Ở trong cái nhìn của chúng ta họ là Như-lai hóa thân. Rốt cuộc họ có phải là Như-lai hóa thân hay không? Tâm này của ta nếu đối xử với họ như vậy, họ là Như-lai hóa thân, thì người này họ ở trong cảnh giới của ta chính là Như-lai hóa thân. Bạn muốn hỏi là đạo lý gì? Cảnh chuyển theo tâm, chuyển theo tâm của tôi. Họ ở trong cái nhìn của tôi họ là Như-lai, còn ở trong cái nhìn của bạn họ là phàm phu! Đạo lý này bạn có hiểu không? Trong cái nhìn của tôi họ là Như-lai, thì cảnh giới của tôi liền nâng lên đến cảnh giới Như-lai. Mắt Phật nhìn tất cả chúng sanh đều là chư Phật. Phàm phu nhìn Phật, Bồ-tát vẫn là phàm phu. Phàm phu không thể thành Phật được chính là bởi vì nhìn tất cả chúng sanh đều là phàm phu. Nếu như bạn thật sự quay đầu, bạn nhìn tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như-lai, thì bạn thành Phật rất nhanh. Tại sao Thiện Tài Đồng Tử một đời thành Phật vậy? Đạo lý ở chỗ nào? Là nhờ vào điểm này. Đây chính là chúng ta thường nói, dùng tâm chân thành đối xử với tất cả người, sự, vật. Chân thành đến cực điểm rồi sẽ chuyển tất cả cảnh giới thảy đều thành cảnh giới Phật. Chúng tôi ở trong các buổi giảng thường nói, tướng chuyển theo tâm, thể chất chuyển theo tâm, cảnh giới chuyển theo tâm, đang giảng mỗi ngày, đang khuyên mỗi ngày, đang nhắc nhở mỗi ngày. Tại sao bạn không thể chuyển? Chuyển, ở trong khoản một niệm. Chúng sanh và Phật nói thực ra chỉ cách nhau có một niệm. Một niệm giác bạn liền thành Phật, một niệm mê bạn chính là phàm phu. Hy vọng quý vị đồng tu cần thấu rõ ý này. Các Ngài sáng tỏ triệt để chân tướng của vũ trụ nhân sinh, biết vạn pháp đều không, biết tất cả pháp không có tự tánh. Trong “Kinh Bát Nhã” nói các pháp do duyên sanh, duyên sanh nên vô tánh, không ngay nơi thể, hoàn toàn không thể được. Các Ngài vẫn cứ đến thị hiện, vẫn cứ đến làm nên tấm gương cho người ta thấy, đây là từ bi đến cực điểm rồi. Bởi vì các Ngài cũng biết rõ hạt giống Phật cũng từ duyên sanh. Duyên là gì? Tất cả mọi người là duyên, tất cả sự là duyên, tất cả vật cũng là duyên, sáu căn chúng ta tiếp xúc chính là duyên. Trong duyên làm sao có hạt giống Phật? Vừa rồi tôi dạy cho bạn, bạn có thể xem tất cả người, sự, vật như là chư Phật Như-lai thị hiện, thì hạt giống Phật của bạn sinh rồi. Nếu như bạn xem tất cả người, sự, vật này đều là phàm phu, đều là phàm phu sinh tử nghiệp chướng, thì hạt giống Phật của bạn không sinh, nghiệp chướng của bạn sinh rồi, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của bạn sinh lên rồi, đều ở trong khoảng một niệm. Vấn đề là bạn có biết hay không? Tổ sư đại đức Tông Môn thường hay khám nghiệm học trò, thường hay hỏi có thấy chưa? Anh có thấy ra chưa. Thấy không? Thấy rồi liền nhập cảnh giới. Không thấy vẫn là phàm phu. Cho nên ý nghĩa của câu nói “Thấy không” này cũng rất sâu xa. Chúng ta cần thể hội được cái nghĩa thú này. Chúng sanh do nguyên nhân này nên có cảm, Bồ-tát cũng vì đó mà có ứng, cảm ứng đạo giao. Lý của cảm ứng đạo giao chúng ta phải hiểu, chúng ta cảm ứng đạo giao với chư Phật Bồ-tát, chúng ta cũng là cảm ứng đạo giao với tất cả chúng sanh. Thiện cảm ứng với thiện, ác cảm ứng với ác, lý rất sâu, nhưng không phải không thể hội được. Chúng ta nêu một ví dụ rất đơn giản dễ hiểu, bạn thấy người học Phật thích ở chung với người học Phật. Tôi học Phật tôi có cảm, hết thảy những người học Phật đó họ liền ứng. Người học Phật tuyệt đối không thể ở cùng với người học Cơ Đốc Giáo. Đây chẳng phải là một ví dụ rất rõ ràng sao? Pháp thế gian cũng là như vậy, người đánh bài họ có nhóm bạn đều là người thích đánh bài, họ cảm ứng đạo giao với nhau. Người khiêu vũ cảm ứng đạo giao với người khiêu vũ. Vật cùng loại tụ tập với nhau, con người phân chia nhau theo từng nhóm. Tại sao lại từng loại, từng nhóm cùng nhau? Là cái lý của sự cảm ứng. Không những động vật có loại cảm ứng này, thực vật cũng có loại cảm ứng này. Nếu như bạn lưu ý khi đi du lịch dã ngoại ở trong rừng, bạn thử xem cây cối, một khoảnh cây cối cùng một loại với nhau. Không thể nói khoảnh rừng cây này có rất nhiều loại cây khác nhau, rất ít, là không nhìn thấy. Trừ khi người ta cố ý đi trồng. Nếu như khi cây cối nó sinh trưởng tự nhiên, nó một khoảnh nhất định là một chủng loại. Cho nên bất kể là động vật, thực vật hay khoáng vật, nó đều là một loại, một nhóm với nhau. Đạo lý này gọi là lý cảm ứng; thiện cảm ứng với thiện, ác cảm ứng với ác, tịnh cảm ứng với tịnh, bạn liền hiểu được Phật cảm ứng với Phật. Phật, Bồ-tát dùng đủ dạng thân phận, dùng đủ dạng sắc tướng thị hiện ở thế gian này, là từ bi đến cực điểm. Những chúng sanh khổ nạn này, nhất định phải cứu tế họ trước. Đài Loan có hội Từ Tế Công Đức. Cứu tế đến cực điểm là phải giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, đó mới là từ bi cứu tế đích thực. Dùng những tài vật này cứu tế, họ không có ăn tặng cho họ một chút lương thực để ăn, không có mặc tặng cho họ y phục để mặc, là cứu cấp nạn nhất thời, không phải con đường lâu dài. Con đường lâu dài là phải cứu độ từ trên căn bản, phải dạy họ phá mê khai ngộ, phải giúp họ khôi phục trí tuệ, đức năng phước báo vô cùng tận vốn đầy đủ trong tự tánh, đây là cứu tế chân thật, không phải cứu tế giả, đây là cứu tế đến cực điểm. “Kinh Địa Tạng” là cứu tế từ trên căn bản đối với tất cả chúng sanh, đặc biệt là đối với tất cả chúng sanh tội khổ. Vừa rồi tôi nói rất rõ ràng, nhất định mình phải y giáo tu hành trước, bản thân phải thật sự làm được, thì ý nghĩa từng câu từng chữ trong kinh điển, bạn mới có thể thể hội được. Không làm được, dựa theo giảng nghĩa của người ta để giảng, giảng hay đi nữa cũng rất khó khế hợp căn cơ. Thông thường nói nó không phải đạo vị, không phải đạo vị chân chánh. Đạo vị chân chánh là lưu xuất ra từ trong tâm tánh. Chú giải của cổ đức chỉ cung cấp cho chúng ta tham khảo mà thôi. Đó là cảnh giới các Ngài tu hành, các Ngài chứng được, lưu xuất ra từ trong tự tánh của họ, không phải lưu xuất ra từ tự tánh của chúng ta. Nhất định phải lưu xuất ra từ tâm tánh của mình mới được. Sau đó chúng ta đối chiếu với kinh, so sánh với những chú sớ của các Ngài đại đức xưa, mà thâm nhập lĩnh hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *