Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 40

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 40

     Mời xem đoạn này dưới đây, đây đoạn là thứ hai: “Chán thân xấu xí và nhiều bệnh tật, chiêm ngưỡng, đảnh lễ tượng được phước.” Đây cũng là chuyện thường tình của con người.

  “Phục thứ Phổ Quảng, nhược hữu nữ nhân yếm thị xú lậu đa bệnh tật giả.” (Lại nữa, này Phổ Quảng Bồ-tát! Nếu có người nữ nào chán thân xấu xí và nhiều bệnh tật.)

  Đây là nói thân tướng của mình chẳng lành.

  “Đa tật bệnh giả, đãn ư Địa Tạng tượng tiền, chí tâm chiêm lễ thực khoảnh chi gian, thị nhân thiên vạn kiếp trung sở thọ sanh thân tướng mạo viên mãn.” (Và nhiều bệnh tật, đến nơi trước tượng của Ngài Địa Tạng Bồ-tát chí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ chừng trong khoảng một bữa ăn, người nữ đó trong nghìn vạn kiếp thọ sanh được thân hình tướng mạo xinh đẹp không có bịnh tật.)

  Trước tiên chúng ta xem đoạn này. Tướng mạo là do nghiệp lực biến hiện ra. Nghiệp lực tức là tâm. Người thế gian xem tướng, chấm tử vi đều nói: Tướng chuyển theo tâm. Chúng tôi cũng thường hay nhắc nhở các đồng tu, tướng chuyển theo tâm, thể chất cơ thể cũng chuyển theo tâm. Không những thân tướng chuyển theo tâm, mà môi trường sống của chúng ta cũng chuyển theo tâm. Phật ở trong tất cả kinh luận giáo hóa chúng sanh, đây là khóa trình trọng điểm, cũng là môn học vô cùng thiết yếu. Có ai mà không muốn mình lìa khổ được vui? Có ai mà không muốn đời sống của mình hạnh phúc mỹ mãn? Tất cả chúng sanh xưa nay trong và ngoài nước đều mong cầu điều này, đều có nguyện vọng này. Tại sao sự việc thường trái lại với nguyện vọng? Sự thật hoàn toàn trái ngược lại với nguyện vọng của mình, là do tất cả chúng sanh không biết sự thật này được hình thành như thế nào? Vì sao xảy ra? Đây chỉ nói đến nguồn gốc của quả báo thiện và ác. Những gì chúng ta ngày nay thọ nhận, từ trên sự tướng mà nói là quả báo. Quả ắt có nhân. Nhân thiện thì quả sẽ thiện. Nhân bất thiện thì quả sẽ bất thiện. Cho nên gieo nhân thiện được quả thiện. Tạo ác nhất định gặp ác báo. Phật ở trong “Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt” giải thích rõ có mười loại nghiệp bất thiện phải nhận quả báo xấu xí. Nếu như chúng ta ngày nay gặp phải quả báo này, thử nghĩ xem có còn tập khí này hay không? Bởi vì trong đời quá khứ tạo những nghiệp ác này, gặp phải quả báo hiện nay, thường thường vẫn còn tập khí sót lại. Nếu như tàn dư tập khí này vẫn còn, không thể sửa đổi được, thì chuyển nghiệp là khó khăn rồi! Mười loại nghiệp bất thiện, pháp sư Thanh Lương trích ra và ghi lại ở trong chú giải, ở hàng thứ hai trang 37.

  Thứ nhất ưa nổi giận. Ưa nổi giận chắc chắn không phải là việc tốt. Không những lúc bạn nổi giận, tướng lúc đó rất khó coi, nổi cơn giận còn tổn thương cơ thể, tổn thương cơ thể gây nên bệnh tật, cơ thể bạn nhiều bệnh. Cho nên bạn nghĩ xem nổi giận cái tướng đó có đẹp không? Vậy mới biết nguồn gốc của bệnh tật và thân hình xấu xí.

  Thứ hai là hiềm hận. (Hiềm khích, oán hận). Trong tâm thường hay ghét bỏ người khác, oán hận, oán trời trách người. Tâm trạng này cũng làm tổn thương cơ thể. Cho nên nếu bạn muốn cơ thể khỏe mạnh, mười loại này dùng cách nói hiện nay để nói gọi là mầm độc, mầm độc trong tâm lý. Tại sao tướng người ta đẹp? Vì thường sinh tâm hoan hỷ. Khi hoan hỷ cái tướng đó rất đẹp, còn khi nổi giận tướng đó rất xấu. Chuyển nghiệp là chuyển từ chỗ này, lời Phật nói quả thật là hợp tình hợp lý. Chúng ta bình tĩnh suy nghĩ thật kỹ, thấu Phật nói rất có đạo lý.

  Thứ ba là lừa dối người khác, mê hoặc người khác. Đây là nghiệp bất thiện.

  Loại thứ tư, ưa làm cho chúng sanh sinh phiền não, quấy nhiễu người khác, khiến cho người khác thân tâm bất an.

  Loại thứ năm là không hiếu thuận cha mẹ.

  Loại thứ sáu là bất kính thánh hiền. Bậc thánh hiền có lợi ích lớn đối với xã hội. Những người này đạo đức, học vấn, sự hành trì của họ ở trong xã hội đều là tấm gương tốt cho đại chúng trong khu vực này. Quả thật sự họ có thể giáo hóa được khu vực này, có tác dụng âm thầm thay đổi đối với phong tục nhân tình của khu vực đó. Bậc thánh hiền tuyệt đối không yêu cầu người khác tôn trọng họ, không bao giờ. Nếu như có mong cầu người khác cung kính cúng dường, thì đó là tà đạo, chắc chắn không phải hiền thánh, đó là lừa gạt người ta. Tại sao chúng ta tôn kính họ? Mục đích của việc tôn kính họ là khuyên bảo đại chúng xã hội học tập theo họ, là có ý nghĩa như vậy. Chúng ta học Phật tại sao phải tôn kính Phật? Phật tuyệt đối không có nói là quý vị nhất định phải tôn kính tôi, không có lời này. Bạn tìm xem ở chỗ nào trong kinh Phật có nói lời này? Chúng ta kính Phật là giúp Phật hoằng pháp lợi sinh, giúp Phật tiếp dẫn đại chúng. Đại chúng xã hội không biết cái hay của Phật, không biết công đức của Phật. Nhưng họ có thể nhìn thấy được từ trong sự tôn kính của chúng ta. Bản thân chúng ta biểu hiện ra ở trong xã hội là người thiện, tâm thiện. Người nào được người thiện, tâm thiện tôn kính thì người đó nhất định là người tốt. Mọi người mong muốn gần gũi người tốt, mong muốn học tập theo người tốt. Mục đích chúng ta tôn kính là ở chỗ này. Cho nên nhìn thấy tượng Phật chúng ta đảnh lễ. Người không biết Phật pháp nhất định sẽ hỏi, tại sao anh cung kính đối với người đó như vậy? Tại sao phải lễ bái đối với người đó? Bạn bèn đem những đạo lý này nói ra cho họ biết, họ mới hiểu ra. Từ đó cho thấy, đó cũng là thuộc về biểu diễn, biểu diễn cho những chúng sanh chưa giác ngộ này thấy, khiến cho họ giác ngộ.

  Phật pháp là sư đạo. Sư đạo là xây dựng ở trên cơ sở của chữ “Kính” này. Cho nên pháp sư Ấn Quang nói rất hay: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Chúng ta học Phật được lợi ích nhiều hay ít, nói lời thành thật không phải ở bên ngoài, mà ở tâm thành kính của mình, là bạn có mấy phần tâm thành kính thì bạn được mấy phần lợi ích. Bạn không có tâm thành kính, dù hằng ngày có ở bên cạnh Phật cũng không có được lợi ích, đây là sự thật. Năm xưa khi Phật còn tại thế, Đề Bà Đạt Đa thường ở bên cạnh Phật, Lục Quần Tỳ Kheo cũng thường ở bên cạnh Phật, tại sao không được lợi ích? Vì không có tâm tôn kính. Ở trong ý nghĩ của họ xem Phật cũng như người bình thường, không khác gì ta. Cho nên ở bên cạnh Phật mà không được lợi ích. Nếu như có tâm chân thành, dù không ở bên cạnh Phật cũng được lợi ích. Tại sao vậy? Y giáo phụng hành. Những gì Phật nói họ thật sự làm được. Sự thì quá vụn vặt, quá phức tạp. Nắm bắt được cương lĩnh, trên sự không làm trái lại cương lĩnh thì vào được cảnh giới Phật. Tổng cương lĩnh chính là tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề quý vị phải nhớ kỹ, theo cách nói của “Kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ” là: Tâm chí thành, tâm sâu lắng, tâm hồi hướng phát nguyện.” Trên sự tướng dù càng rườm rà, phức tạp đi nữa, chỉ cần tương ưng với điều này thì toàn bộ tất cả sự tướng của bạn đều gọi là hạnh Bồ-tát, đều quy nạp vào trong lục độ vạn hạnh. Cho nên trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói: Quên mất tâm Bồ đề thì tất cả tạo tác đều là nghiệp ma. Thế nào gọi là nghiệp ma? Tất cả những nghiệp mà bạn tạo tác này, nghiệp thiện thì sinh vào ba đường thiện, nghiệp ác thì đọa vào ba đường ác, không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, bèn gọi là nghiệp ma. Tương ưng với tâm Bồ đề thì những nghiệp mà bạn tạo là nghiệp Bồ-tát. Nghiệp Bồ-tát gọi là tịnh nghiệp, chắc chắn có thể rõ sanh tử, ra khỏi tam giới, vậy thì khác nhau. Cho nên bản thân chúng ta phải thật sự hiểu rõ đời này ở thế gian hoàn toàn là để biểu diễn, vậy bạn là đệ tử của Phật. Phật biểu diễn, Bồ-tát biểu diễn, đệ tử Phật chúng ta thảy đều tham gia đoàn kịch này, chúng ta đến biểu diễn. Biểu diễn cái gì? Không có mình, vô ngã, hoàn toàn là vì người, hoàn toàn diễn kịch theo kịch bản. Họ sao không tự tại được? Là tự tại, tùy duyên, thì đời sống này sống rất vui vẻ, sống thật sự hạnh phúc. Đừng cho là thật, vừa cho là thật bạn chính là phàm phu rồi, là tạo lục đạo rồi. Là biểu diễn. Cho nên phải sinh tâm cung kính đối với thánh giáo.

  Thứ bảy là xâm phạm, chiếm đoạt tài sản, sự nghiệp của hiền thánh. Nói đơn giản tức là bạn xâm phạm, chiếm đoạt những đồ dùng cần thiết trong đời sống của thánh hiền. Tội nghiệp này là rất nặng. Không những không cúng dường mà còn đi giành lấy, còn đi chiếm đoạt, chướng ngại họ hoằng pháp lợi sinh,

  Loại thứ tám dập tắt đèn đuốc trong tháp miếu Phật. Ý nghĩa này rất dài. Nói trên sự, ở trong tháp miếu đều có thắp đèn, bạn tắt hết đèn, đây là nói trên sự. Nói trên lý thì tháp miếu là đạo tràng. Đạo tràng này là để làm sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, đó là nơi phát sáng. Mỗi ngày giảng kinh là phát sáng, mỗi ngày niệm Phật là phát sáng, mỗi ngày tham thiền là phát sáng, chỉ cần người ở nơi đó thật sự tu hành, tức là đang phát sáng cho muôn nơi. Chúng ta nhất định phải nhớ kỹ, khi có người nhìn thấy thì người ta được lợi ích, khi không có người nhìn thấy thì có quỷ thần nhìn thấy. Cho nên Nho Gia nói Thận Độc. (Thận trọng lúc một mình). Lúc bạn ở một mình cũng không được phóng dật, không nên nói không có người nhìn thấy, thì có thể tùy tiện một chút, không nên. Không có người hữu hình nhìn thấy, nhưng có người vô hình nhìn thấy. Người vô hình còn nhiều hơn nhiều so với hữu hình, không biết là gấp bao nhiêu lần. Chúng ta muốn độ người cũng phải độ quỷ thần, chúng ta làm gương tốt cho con người, thì cũng phải làm gương tốt cho quỷ thần. Sao có thể phóng dật được? Tu như vậy thì chúng ta mới có thể đạt được thành kính. Ở trước mặt người ta làm ra vẻ này, sau lưng người ta lại làm ra vẻ khác, là không có thành kính. Đây là rất nhiều đồng tu tu hành không có cảm ứng, tu hành không đạt được quả đức thù thắng, mấu chốt là ở chỗ này, là không phải dùng tâm chân thành. Từ đó cho thấy đạo phong và phong cách học tập của đạo tràng vô cùng quan trọng. Nếu như không có đạo phong và phong cách học tập,  thì cũng giống như đèn sáng trong tháp miếu bị dập tắt, đoạn diệt rồi. Cùng đạo lý giống như vậy, nếu như đạo tràng này thật sự có đạo phong và phong cách học tập, trên sự tướng người đến đạo tràng này thắp đèn cũng nhiều, người thắp hương cũng nhiều, vậy là chứng tỏ số người đến tu học nhiều.

  Loại nghiệp nhân thứ chín, nghiệp nhân bất thiện này là nhìn thấy những người bần cùng, thấp hèn, xem thường họ, sinh khởi tâm ngạo mạn đối với họ, lại thêm phỉ báng, làm nhục, vậy là quá đỗi sai lầm. Người học Phật chúng ta nhìn thấy những người này, nhìn thấy những người bần cùng thấp hèn này, ở trong ý nghĩ của chúng ta cũng xem họ như là chư Phật Bồ-tát thị hiện. Họ bày ra cho chúng ta thấy, nói cho chúng ta biết nếu không tu phước tuệ thì sẽ gặp quả báo này, cũng là đang biểu diễn trên sân khấu. Cho nên đối với những người này, chúng ta phải sinh tâm tôn kính, tâm thương xót. Tự mình phải biết tu học như thế nào.

  Loại thứ mười là tập làm các hạnh ác. Phạm vi ở trong đây là rất rộng, tạo tác đủ thứ hành vi bất thiện. Phật nói mười loại này sẽ gặp quả báo xấu xí. Những nghiệp bất thiện mà trước đây đã tạo, đời này gặp quả báo. Quả báo đời này có thể chuyển được hay không? Xin thưa với quý vị, chuyển được. Chỉ cần bạn đem những tập khí tật xấu này thảy đều điều chỉnh trở lại, thì tướng mạo sẽ dần dần thay đổi ngay. Tướng chuyển theo tâm. Thật sự có quyết tâm, có nghị lực, sửa chữa lỗi lầm, nói lời thành thật, chỉ từ ba tháng đến nửa năm sẽ có hiệu quả. Nếu như ba tháng, đến nửa năm bạn bè không có gặp mặt, vừa gặp mặt, thấy chuyển rồi, bạn đã khác rồi, là rất rõ rệt. Hằng ngày ở chung với bạn thì không làm sao cảm nhận được. Khi không thường ở chung với nhau, vừa gặp thấy tướng mạo thay đổi rồi. Có thể làm được ba năm vậy thì thay đổi rõ rệt. Người thân quyến thuộc của bạn khi hằng ngày ở chung với nhau, cũng cảm thấy bạn thay đổi, bạn đã khác rồi. Tướng mạo thay đổi thì thể chất đương nhiên sẽ thay đổi. Ở trong kinh này Phật cũng nói cho chúng ta biết mười loại nghiệp sẽ gặp quả báo nhiều bệnh tật. 20 điều này trong chú giải của Ngài chúng ta cần nhớ kỹ nó. Nếu nhớ kỹ thì bạn có thể giúp được rất nhiều người, thay đổi những thói quen không tốt của họ, thay đổi những quả báo ác này của họ.

  Loại thứ nhất là ưa đánh đập chúng sanh. (Ưa thích đánh đập tất cả chúng sanh) đặc biệt là động vật nhỏ. Khi nhìn thấy, cũng chưa chắc là thấy chướng mắt, nhìn thấy liền thích đập chết nó, muỗi, kiến, ruồi, nhìn thấy liền muốn đập chết nó. Phải biết rằng tương lai sẽ bị quả báo nhiều bệnh tật. Ấn Quang Đại Sư là người đáng để chúng ta học tập, đích thân ông cụ làm gương cho chúng ta thấy. Ở trong Phật pháp gặp phải những con vật này, không phải đập chết nó, mà đuổi chúng đi, trục xuất nó đi. Nhưng Ấn Quang Đại Sư không đuổi chúng đi. Trong “Truyện Ký” của lão pháp sư nói. Thị giả của Ngài nói có người nhìn thấy trong phòng của Lão Pháp Sư có bọ chét, có muỗi, họ muốn đuổi chúng thay cho Ngài, nhưng lão hòa thượng không cho phép, Ngài nói đừng nên đuổi nó. Người ta hỏi tại sao? Ngài nói đức hạnh của tôi không đủ. Có chúng ở đó, rất tốt! Thường xuyên cảnh tỉnh mình, đức hạnh của tôi không thể cảm hóa được chúng. Chúng ở đó là cảnh tỉnh tôi, cảnh sách tôi, Lão Hòa Thượng không đuổi. Nghe nói pháp sư Ấn Quang sau 70 tuổi, thì những con vật này không còn nhìn thấy nữa. Vốn dĩ trong phòng này có muỗi, có bọ chét, có ruồi có những con vật này, khi lão hòa thượng vào trong đó ở thì những con vật này đều dời nhà, đều đi hết. Từ đó cho thấy, tu dưỡng đức hạnh của mình rất quan trọng, có chúng quấy nhiễu, là cho thấy đạo đức của mình không đủ, không có đạo đức, chúng mới quấy nhiễu. Thật sự chịu tu dũng mãnh tinh tấn, muốn biết đạo đức của bạn có thành tựu hay không? Hãy thử xem những động vật nhỏ này có còn hay không? Nếu như quả thật không có, là chứng tỏ bạn tu hành có công phu. Vẫn còn những thứ này quấy nhiễu, chứng tỏ công phu của bạn chưa đủ. Người tu hành chân chánh họ không quở trách ngoại cảnh, mà tất cả quay trở về nội tâm, quay về chính mình. Bản thân mình bất thiện, chúng đến quấy nhiễu, xâm phạm, là đúng, không có gì đáng trách. Cho nên đây là việc cần phải ngăn trừ.

  Loại ác nghiệp thứ hai “Khuyên và ra lệnh người khác đánh”. Tuy mình không đánh, mà bảo người khác đánh.

  Loại thứ ba là “Khen ngợi cách đánh”. Khen ngợi cách họ đánh. Hay quá! Đánh hay quá.

  Thấy người ta đánh sinh tâm vui mừng.

  Trong mười điều này, đến bốn điều đều là nói đánh hại chúng sanh. Chúng ta đều có tập khí này, nhìn thấy trẻ con đập ruồi, hay lắm! Đập hay lắm. Đều khen ngợi. Đâu có biết rằng sẽ gặp quả báo nhiều bệnh tật, tạo nghiệp nhân này phải bị quả báo này.

  Điều thứ năm là “Làm não loạn cha mẹ”. Làm cho cha mẹ sinh phiền não, khiến cha mẹ thân tâm bất an.

  Thứ sáu là đối với thánh hiền, khiến bậc thánh hiền sinh phiền não, cũng khiến cho họ bất an.

  Loại thứ bảy, “Thấy kẻ oán bị bệnh khổ, sinh tâm vui mừng”. Nhìn thấy người gây khó dễ với mình, người mình ghét bị bệnh, bèn sinh tâm vui thích.

  Loại thứ tám, “Thấy kẻ oán khỏi bệnh, sinh tâm không vui”. Kẻ thù, người mình ghét, họ khỏi bệnh rồi, mình thấy không vui. Ở chỗ này chú trọng oan gia, là người bạn ghét, người bạn không thích.

  Thứ chín. “Đối với bệnh của kẻ oán, cho thuốc không đúng”. Oan gia bị bệnh, bạn đi cho thuốc họ, tặng thuốc cho họ, thuốc này không phải trị bệnh của họ, làm cho bệnh của họ nặng thêm. Hay nói cách khác, là bạn đi hại họ, chứ không phải giúp đỡ họ, là làm sự việc này.

  Thứ mười. “Ăn no chưa tiêu, lại muốn ăn nữa”. Bạn ăn rất no, vẫn chưa có tiêu hóa xong, nhìn thấy đồ ngon còn muốn ăn nữa, đây là bệnh từ vào miệng. Trong mười điều, thì chín điều phía trước là bạn tạo ác nghiệp, điều sau cùng này là ăn uống, là không biết vệ sinh ăn uống, mà chiêu cảm nên quả báo bệnh tật. Mười điều là gặp phải quả báo xấu xí, mười điều là gặp phải quả báo bệnh tật, chúng ta nhất định phải biết.

  Cách sám hối của Ngài: “Đãn ư Địa Tạng tượng tiền chí tâm chiêm lễ thực khoảnh chi gian.” (Đến nơi trước tượng của Ngài Địa Tạng Bồ-tát chí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ chừng trong khoảng một bữa ăn.)

  Là nói trong thời gian ngắn, thời gian ngắn ngủi, nghiệp báo này có thể chuyển trở lại được.

  “Chí tâm chiêm lễ” (Chí tâm chiêm ngưỡng, đảnh lễ) Đây là phương pháp tu học, mấu chốt là ở hai chữ “chí tâm”. Chí tâm là chân tâm. Trong khoảng thời gian chiêm ngưỡng, đảnh lễ sửa chữa lỗi lầm. Tu học pháp môn Địa Tạng, Bồ-tát Địa Tạng, là từ bi cùng tột trong tất cả Bồ-tát, tuyệt đối chẳng thua kém Bồ-tát đại từ đại bi Quan Thế Âm, điều này phải biết. Địa Tạng là đại biểu cho từ bi căn bản, Quan Âm là đem từ bi phát huy rạng rỡ. Ở chỗ này chí tâm chiêm lễ, là không phải đến nơi đó một cách cung kính, hằng ngày đi lễ bái thì nghiệp chướng được tiêu trừ. Lễ bái đương nhiên là việc tu học trên sự tướng, là trên hình tượng. Điều quan trọng nhất là phải học phát nguyện của Bồ-tát Địa Tạng, phải học chủ tâm của Bồ-tát Địa Tạng, phải học cách làm người của Bồ-tát Địa Tạng, phải học cách đối nhân xử thế của Bồ-tát Địa Tạng, đây là chí tâm chiêm lễ đích thực. Nếu bạn có thể phát tâm nguyện lớn này, tâm nguyện này thanh tịnh, khẩn thiết, có quyết tâm, có nghị lực làm theo, thì bạn chuyển nghiệp lực sẽ rất nhanh.

 “Thị nhân thiên vạn kiếp trung sở thọ sanh thân tướng mạo viên mãn” (Người đó trong nghìn muôn kiếp thọ sanh được thân hình tướng mạo xinh đẹp không bệnh tật.)

  Ở trong chú giải tuy không nhiều. Nhưng hai câu phía trước này rất quan trọng. “Thử hiển tạm thời, chiêm lễ công đức bất khả tư nghị.” (Ở đây tạm thời hiển lộ, tạm thời phát tâm, công đức của chiêm bái đảnh lễ không thể nghĩ bàn)

  Sau khi tạm thời phát tâm, có phải cái tâm này sẽ mất không? Ở chỗ này có hai tầng ý nghĩa ở trong đó. “Tạm thời phát tâm, trong nghìn muôn kiếp thọ sanh được thân hình, tướng mạo viên mãn.” Chúng ta có thể tin được, thật sự trong thời gian khoảng chừng một bữa ăn, nhưng nghiệp báo hiện tiền không thể thay đổi. Ác nghiệp hiện tiền phải báo hết rồi, thì quả báo chí tâm chiêm ngưỡng, đảnh lễ mới có thể hiện ra. Thế thì không biết phải đến đời nào, kiếp nào? Là giống như trong “Kinh Pháp Hoa” nói: “Một lần xưng Nam Mô Phật, cũng là nhân của thành Phật đạo” chính là cái ý nghĩa này. Đây là lúc Phật còn tại thế thu nhận một người xuất gia, người nào xuất gia trong thời còn Phật đều có đại thiện căn. Không có thiện căn sao có thể xuất gia được? Phật nhìn thấy người này đến cầu xin xuất gia, bèn bảo những vị La Hán như Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên xem người này có thiện căn hay không? Những vị này vừa nhìn, vì những vị này đều có thần thông, thần thông của A-la-hán có thể thấy được 500 đời. Dùng thiên nhãn thông, túc mệnh thông nhìn thấy người này trong năm trăm đời không có thiện căn, bèn thưa với Phật không thể xuất gia. Họ sao có thể xuất gia được? Nhưng Phật đã thu nhận họ. Phật nói cho những người đệ tử này biết, người này lúc vô lượng kiếp về trước, đương nhiên A-la-hán không có năng lực này. Vô lượng kiếp về trước anh ta là người tiều phu đốn củi, gặp phải con cọp trên núi, con cọp muốn ăn thịt anh ta, anh ta trèo lên cây kêu lên một tiếng Nam Mô Phật, là nhờ thiện căn này. Ngày nay duyên chín muồi rồi, đến chỗ của ta, ta bèn cạo đầu xuất gia cho anh ta, là giống với cái ý nghĩa này. Một tiếng đó, một lần xưng Nam Mô Phật, thời gian của một lần xưng Nam Mô Phật rất ngắn. Khoảng chừng một bữa ăn, thời gian trong khoảng một bữa ăn, chí tâm chiêm ngưỡng, đảnh lễ Địa Tạng Bồ-tát, đương nhiên có thể được cái quả báo này. Nếu như họ có thể niệm niệm tương tục, vừa mới nói là noi theo hạnh nguyện của Địa Tạng Bồ-tát, thì trong đời hiện tại này họ sẽ chuyển đổi ngay, không cần đợi đời sau, đời này đã chuyển rồi, là chuyển đổi nhanh vô cùng. Hai mươi loại ác hạnh mà trong kinh nói này, toàn bộ đều sửa đổi hết, sửa đổi triệt để, thì họ chuyển đổi rất nhanh. Xem tiếp đoạn này dưới đây:

  “Thị xú lậu nữ nhân, như bất yếm nữ thân, tức bách thiên vạn ức sanh trung thường vi vương nữ, nãi cập vương phi, tể phụ đại tánh, đại trưởng giả nữ, đoan chánh thọ sanh chư tướng viên mãn.” (Người nữ xấu xí đó nếu không nhàm thân gái, thời trăm nghìn muôn ức đời thường làm con gái nhà Vua cho đến làm Vương Phi, dòng dõi nhà quan lớn cùng con gái các vị đại Trưởng Giả, tướng mạo đoan trang xinh đẹp)

  Đây là nói họ không nhàm chán thân gái, họ sẽ được thân tướng vô cùng đoan trang xinh đẹp, hơn nữa là sinh vào gia đình tôn quí. Đây chính là chúng ta hiện nay gọi là sinh trong gia đình danh gia vọng tộc, được phước báo nhân thiên. Sau cùng tổng kết:

  “Do chí tâm cố, chiêm lễ Địa Tạng Bồ-tát hoạch phước như thị” (Do vì có lòng chí thành chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ-tát mà đặng phước như thế)

  Ở trong chú giải của pháp sư Thanh Liên, cũng đặc biệt nói với chúng ta: “Hai chữ chí tâm, nghĩa sâu ý nặng, thông suốt trước sau, chớ có xem thường. Để chuyển quả báo của con người, muốn đạt đến thành kính không phải là chuyện dễ.”

  Chuyển nghiệp báo của mình không phải là chuyện dễ dàng. “Nay được phước báo ấy, nhờ chí tâm mà đạt đến thành kính. Chí tâm là tâm thành đến cùng cực vậy.” Mấy câu nói này vô cùng quan trọng. Lễ Phật cũng phải sự lý viên dung, thì chúng ta mới nhận được lợi ích chân thực. Mấu chốt là ở chí tâm. Chí tâm là chân tâm, dùng tâm chân thành mà học tập. Cho nên cái tâm này thông suốt trước sau, trước sau không phải là nói một đoạn này, nói một cách sâu xa là quán triệt toàn kinh. Chúng ta ở phía trước xem thấy, trong nhân địa trước đây của Bồ-tát Địa Tạng, Ngài làm đại trưởng giả, làm Nữ Bà La Môn, làm Quang Mục Nữ, đời đời kiếp kiếp không từ bỏ bổn nguyện. Không chỉ là không từ bỏ, mà còn thường xuyên phát nguyện này, Ngài là phát thật sự. Chúng ta cũng đang học, đáng tiếc là chúng ta học không nghiêm túc. Mỗi thời khóa sáng tối mỗi ngày đều phát nguyện. Là đã phát nguyện rồi, nhưng chỉ phát ở ngoài cửa miệng, chứ chưa thành hiện thực. Sau khi niệm xong lập tức liền quên hết, cho nên nó không khởi tác dụng. Đây là nguyên nhân gì? Không phải chí tâm. Chỗ này mấu chốt là ở chí tâm. Không phải thật tâm phát nguyện, giống như chúng ta bình thường miệng bô bô như vậy là không được. Chúng ta tự mình phải soi lại, phải sửa lỗi. Giúp đỡ người khác phải đem sự lý này giảng cho rõ ràng, minh bạch, nhắc nhở họ. Họ có thể quay đầu thì họ sẽ được phước. Họ không thể quay đầu, thì cũng đã gieo trồng thiện căn trong a-lại-da thức của họ. Bản thân chúng ta phát nguyện tiếp nối huệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sinh, chúng ta trong đời này, lựa chọn ngành nghề này, nhất định phải làm tốt công việc bổn phận của mình. Đó chính là niệm niệm không từ bỏ chúng sanh, niệm niệm giúp đỡ tất cả chúng sanh có được chánh tín, chánh giải, chánh hạnh, vậy chúng ta chọn ngành nghề này mới không cô phụ đức Phật. Ngành nghề này là sự nghiệp của Phật, là gia nghiệp của Như-lai, chúng ta chọn là ngành nghề này, nó là vô cùng thù thắng trong tất cả ngành nghề thế gian và xuất thế gian. Nếu như không phải dùng chí tâm, thì sao có thể làm được? Quả đức trong kinh nói chúng ta tin được. Tại sao vậy? Nhân thù thắng, thì không thể hoài nghi quả báo này. Dưới đây đoạn thứ tư này là “Kỹ nhạc tán cúng phước”. Mời xem kinh văn:

 “Phục thứ Phổ Quảng. Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân năng đối Bồ-tát tượng tiền tác chư kỹ nhạc, cập ca vịnh tán thán, hương hoa cúng dường nãi chí khuyên ư nhất nhân đa nhân như thị đẳng bối hiện tại thế trung cập vị lai thế thường đắc bách thiên quỷ thần nhật dạ hộ vệ, bất lệnh ác sự triếp văn kỳ nhĩ hà huống thân thọ chư hoạnh.” (Lại nữa, này Phổ Quảng! Như có người thiện nam, người thiện nữ nào có thể đối trước tượng của Địa Tạng Bồ-tát mà trổi các thứ kỹ nhạc, ngâm ca khen ngợi, dùng hương hoa cúng dường, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người. Những hạng người đó ở trong đời hiện tại cùng thuở vị lai sau, thường được trăm nghìn vị Quỉ Thần ngày đêm hộ vệ còn không cho những việc hung dữ đến tai người đó, huống là để cho người đó phải chịu các tai vạ bất ngờ!)

   Trong đoạn chú giải này nói: “Văn chia thành hai đoạn”. Trước tiên nói người năng cúng. Sau đó mới nói phước báo mà họ đạt được. Cúng dường này là gì? Là kỹ nhạc ca múa. Trong Phật pháp chúng ta biết trong pháp Đại Thừa có, còn trong pháp Tiểu Thừa thì không có. Phật thuyết pháp Đại Thừa, bạn thấy chư thiên cúng dường, thiên nữ rải hoa, thiên nhân cũng dùng ca múa, âm nhạc cúng dường. Đặc biệt rõ ràng là giống như những biến tướng đồ trên Bích Họa ở động Đôn Hoàng hay Vân Cương Trung Quốc, Thế Tôn giảng kinh thuyết pháp có những người này cúng dường. Trong nhân gian diễn biến thành cái gì vậy? Diễn biến thành hát kịch cúng dường Phật, Bồ-tát. Ở trước chùa miếu Phật Bồ-tát, rất nhiều chùa miếu ở phía trước đại điện Phật Bồ-tát có sân khấu. Đó là chuyên để cho những người phát tâm, làm các loại kỹ nhạc, ca múa, khen ngợi, cúng dường Phật Bồ-tát, diễn những màn kịch này. Nói thực ra đây là hiểu sai ý nghĩa. Diễn kịch không cần diễn cho Phật Bồ-tát xem, mà diễn kịch là để cho một số đại chúng đến xem, không cần phải ở trước Phật Bồ-tát. Nói thực ra ở trong đạo tràng có thể dùng phương pháp này, để tiếp dẫn một số chúng sanh. Nhưng những vở kịch, ca múa hiện nay, không nên cúng dường Phật Bồ-tát, kiểu cúng dường Phật Bồ-tát đó là có tội lỗi. Những vở kịch vào thời xưa, có một số có thể cúng dường Phật Bồ-tát. Tại sao vậy? Nội dung vở kịch đó đều là để dạy người. Kịch thời xưa nội dung của nó phải có bốn chữ: “Trung, hiếu, tiết, nghĩa” đều là khuyên dạy chúng sanh. Giáo dục thời xưa không có phổ cập, họ dùng phương pháp gì để giáo hóa đại chúng xã hội? Dùng kịch tuồng. Trước đây là xã hội nông nghiệp, bận rộn mùa màng xong thì thời gian nhàn rỗi rất dài, họ dùng những cách thức biểu diễn nghệ thuật này để khuyên mọi người sống trung, hiếu, tiết, nghĩa. Biểu diễn ra đều là nhân duyên quả báo, người thiện sau đó có quả báo thiện, người ác nhất định gặp ác báo, là biểu diễn những điều này. Cho nên phần đông quần chúng chưa từng đọc sách, chưa có tiếp nhận giáo dục tốt, nhưng họ biết những nguyên lý, nguyên tắc làm người, làm việc. Họ học được từ đâu? Phần lớn là từ thuyết thư, nghe kịch, là học được từ trong đây. Cho nên trước đây giải trí là giáo dục, chứ không phải đơn thuần là giải trí, trọng điểm là ở giáo dục. Ở trong Phật pháp cũng dùng phương thức này để đạt đến mục tiêu giáo dục của Phật Đà. Cho nên trong Phật pháp coi trọng pháp tượng trưng của nghệ thuật. Hiện nay Phật pháp suy rồi, không phải không có nguyên nhân. Trước đây Phật pháp hưng thịnh, nói lời thành thật, nhân tài hạng nhất, cao nhất của thế gian đều ở trong Phật pháp, đều xuất gia, đều làm pháp sư cả. Pháp sư là nhân tài hạng nhất của thế gian, cho nên người xuất gia làm thầy của đế vương, không phải người bình thường có thể tùy tiện xuất gia được. Thời Tùy Đường người xuất gia phải trải qua các kỳ thi cử. Hạng mục thi cử trước tiên phải thi pháp thế gian, tiêu chuẩn của pháp thế gian tương đương với tiến sĩ. Hay nói cách khác, học vấn thế gian bạn phải đạt đến tiêu chuẩn này, sau đó mới thi Phật pháp. Thi đậu thì hoàng đế mới phát bằng cho bạn. Bằng đó gọi là Độ Điệp. Bạn cầm được tấm bằng này, bạn đi tìm đạo tràng nào có duyên, pháp sư nào có duyên xuất gia với họ. Nếu bạn không có tấm bằng này, nếu người nào thu nhận bạn xuất gia, là họ phạm pháp. Họ thu nhận bạn nhất định phải có Độ Điệp do Hoàng Đế ban cho bạn. Độ Điệp hoàng đế ban cho bạn, nghĩa là thừa nhận học vấn, đức hạnh, pháp học thế gian và xuất thế gian của bạn có thể làm thầy của tôi. Bạn nói thân phận của họ cao biết bao? Họ vừa cạo đầu xuất gia, thì quan chức địa phương phải đặc biệt cung kính đối với họ, là thầy của vua. Cho nên nội dung của giáo hóa, là vô cùng đặc sắc. Trước đây những văn tự này, kệ tụng, ca từ tán thán làm hay biết bao, không phải người bình thường có thể sáng tác được.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *