Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 100

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 100

  Gần đây cư sĩ Lý Mộc Nguyên, đây là vị Bồ Tát đích thực, chứ không phải người bình thường. Ông phát tâm muốn xây dựng viện Phật học, đó là việc tốt. Nếu như viện Phật học này phải chịu sự hạn chế của những khung pháp luật thế gian, chúng ta phải làm phù hợp với những điều khoản của pháp luật cho phép, quý vị thử nghĩ xem, bạn có thể thoát khỏi Tam Giới không? Có thể ngộ nhập kinh điển hay không? Rất khó. Hướng giáo dục của thế gian hoàn toàn khác với hướng giáo dục Phật pháp. Mục đích giáo dục của thế gian là dạy bạn có được kỹ năng, còn mục đích giáo dục của Phật pháp là dạy bạn hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, nên khác nhau. Pháp thế gian là bảo bạn học, học rộng nghe nhiều. Giáo dục Phật pháp là bảo bạn định, nó là đạo. Ngay cả Lão Tử cũng hiểu được nguyên lý này: “Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn.” (Học đời thì ngày càng tăng, học đạo thì ngày càng giảm). Cho nên nói không phải là cùng một sự việc. Phật pháp là đạo. Pháp thế gian là học, việc học này càng nhiều càng tốt, tăng trưởng kiến thức cho bạn, gọi là học thức, bạn cần học rộng nghe nhiều. Phật pháp là tu đạo, đạo thì phải thâm nhập một môn, bạn mới có thể đắc định, mới có thể khai tuệ. Phật pháp từ xưa đến nay chưa có nghe nói xây dựng viện Phật học, thậm chí là xây dựng lớp Phật học cũng không có. Viện Phật học, lớp Phật học là bắt đầu từ khi nào? Cuối năm triều Thanh mới có. Âu Dương Cánh Vô lập nên Nội Học Viện, ở Hạ Môn lập nên viện Phật học Mân Nam. Đại sư Thái Hư lập nên viện Phật học Vũ Hán, đến cuối triều Thanh, đầu năm Dân Quốc mới có, trước đây chưa từng nghe nói bao giờ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa còn tại thế giảng kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm, không có mở lớp Phật học, cũng không có thành lập viện Phật học, hằng ngày dạy học. Trước đây cách thức dạy học, rất giống trường tư thục thời cổ đại của chúng ta. Tuy không có tổ chức như trường học ngày nay, nhưng đời nào cũng có xuất hiện người hiền, mỗi thời đại, khu vực đều có rất nhiều Cao tăng đại đức. Sau khi viện Phật học thành lập, thì có rất ít cao tăng đại đức xuất thân từ viện Phật học, kém rất xa so với thời xưa. Trước đây có một năm tôi giảng kinh tại Hồng Kông, gặp pháp sư Diễn Bồi. Chúng tôi cũng rất ít gặp nhau, Sư đến Hồng Không để viếng thăm, pháp sư bên Hồng Kông đó tiếp đãi Sư, dẫn Sư cùng đi du lịch, họ thuê một chiếc xe bus. Tôi cũng có mặt đúng hôm đó, nên cũng cùng tham gia. Trên xe có rất nhiều người là học trò của Sư. Pháp sư Diễn Bồi rất cảm khái nói với tôi, nói về viện Phật học. Thầy nói thật sự những pháp sư giảng kinh thuyết pháp ở các nơi hiện nay đều không phải xuất thân từ viện Phật học. Sư chỉ tôi và nói, kể cả thầy ở trong đó. Nền giáo dục chúng tôi tiếp nhận là giáo dục tư thục, không phải giáo dục chính quy của nhà trường. Tôi học triết học cũng giống như giáo dục tư thục, không phải được học ở trong khoa triết học của nhà trường. Tôi học triết học với tiên sinh Phương Đông Mỹ tại nhà của thầy. Mỗi chủ nhật hằng tuần thầy dạy cho tôi hai giờ đồng hồ. Học trò chỉ có mỗi mình tôi, một thầy một trò, chúng tôi học như vậy mà nên. Học Phật pháp cũng là như vậy. Ba năm đầu tôi gần gũi đại sư Chương Gia, cũng là học hai giờ đồng hồ mỗi chủ nhật hằng tuần, một thầy một trò. Tôi tiếp nhận sự chỉ dạy của đại sư Chương Gia được ba năm. Lấy cơ sở này về sau đến Đài Trung gần gũi Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam, học giảng kinh thuyết pháp với Thầy. Cho nên nền giáo dục Phật pháp là nền giáo dục đặc thù. Phương pháp của nó khác với thế gian, mục tiêu cũng không giống nhau, hiệu quả đương nhiên cũng khác nhau. Cái họ mong cầu là trí tuệ, đức năng, tánh đức hiển lộ. Dựa theo kinh điển Phật pháp mà nói, chương trình tu học của nó, chính là tam học giới, định, tuệ. Giới học là dạy chúng ta phải biết đối nhân xử thế như thế nào. Tuệ học chính là dạy chúng ta thấy ra, hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sinh. Định học chính là dạy chúng ta buông xả, khôi phục tâm bình đẳng, thanh tịnh của mình. Cho nên nền giáo dục này chúng ta có thể đạt được thọ dụng chân thật, thật sự là phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Cả đời Thế Tôn dùng đường lối này, tông chỉ này để hướng dẫn học trò. Về sau cao tăng đại đức hết đời này đến đời khác đều tuân thủ theo lời giáo huấn của đức Phật, không làm trái ngược lại tông chỉ này, lưu truyền ban bố Phật pháp, giáo hóa chúng sanh, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Ở thời đại này làm thế nào có thể dung hợp quy tắc dạy học của thế gian, mà không đi ngược lại với tông chỉ dạy học của Phật Đà, thì viện Phật học này mới là hoàn toàn thiện mỹ, và không đến nỗi chạy theo Phật học. Chạy theo Phật học là chúng ta thất bại rồi, như vậy là xem Phật pháp là môn học thuật thế gian để nghiên cứu rồi, không thể đạt được sự thực dụng của nó. Chúng ta phải học Phật. Học Phật với Phật học là hai việc khác nhau. Học Phật sẽ thành Phật. Phật học không thể giải quyết vấn đề, học Phật mới có thể giải quyết vấn đề. Dưới đây Thế Tôn nói tiếp:

  “Dĩ thị chi cố, ngô phân thị hình bách thiên ức hóa độ, tùy kỳ căn tánh nhi độ thuyết chi.”

  (Cũng vì lẽ đó, nên ta phải chia thân này ra trăm nghìn ức để hóa độ, thuận theo căn tánh của chúng nó hầu làm cho chúng nó được giải thoát.)

 Câu này là đức Thế Tôn làm tấm gương cho Bồ Tát. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là dùng vô lượng vô biên phân thân ứng hóa ở thế gian, cần dùng thân gì được độ, Ngài liền hiện thân ấy. Cần phải thuyết cho họ những pháp môn nào, đức Phật bèn thuyết những pháp môn đó cho họ. Chư Phật Bồ Tát hiện nay có ở thế gian này của chúng ta hay không? Trong tưởng tượng của chúng tôi chắc chắn là có rất nhiều. Tại sao vậy? Chúng sanh thế gian hiện nay gặp nạn. Tâm từ bi của Phật Bồ Tát đặc biệt khẩn thiết, nên chắc chắn có rất nhiều. Các Ngài không để lộ thân phận nên chúng ta không biết. Trong sách xưa có ghi chép, người để lộ thân phận không nhiều. Có mấy vị mọi người tương đối đều biết, chúng ta biết Hàn Sơn, Thập Đắc là do Văn Thù, Phổ Hiền hóa thân đến. Phật A Di Đà tái lai, chúng ta biết là ngài Vĩnh Minh Diên Thọ. Đây là tổ sư đời thứ sáu của Tịnh Độ tông chúng ta, là Phật A Di Đà tái lai. Hòa thượng Phong Can, năm đó ở chùa Quốc Thanh, đây là Phật A Di Đà tái lai. Phật Thích Ca Mâu Ni tái lai, nghe nói ở trong “Truyện Ký” ghi chép Trí Giả Đại Sư là do Phật Thích Ca Mâu Ni hóa thân tái lai. Phật A Di Đà còn có đại sư Thiện Đạo cũng là Ngài, đây là tổ sư đời thứ hai của Tịnh Độ tông. Cận đại chúng ta biết Ấn Quang Đại Sư là Bồ Tát Đại Thế Chí tái lai. Thời nhà Tống, vào thời Nam Tống có Bố Đại Hòa Thượng là Bồ Tát Di Lặc tái lai. Đây là mấy vị mà hiện nay mọi người rất quen biết, có để lộ thân phận. Những vị không để lộ thân phận thì rất nhiều, quá nhiều, quá nhiều rồi. Thế Tôn đã làm nên tấm gương. Phật tái lai cũng là cần dùng thân gì được độ, thì thị hiện thân ấy.

  “Tùy kỳ căn tánh nhi độ thoát chi”

  (Thuận theo căn tánh của chúng nó hầu làm cho chúng nó được giải thoát)

  Câu này đối với chúng ta mà nói là vô cùng vô cùng quan trọng. Việc giáo hóa chúng sanh là rất linh hoạt, chứ không phải chỉ có một phương pháp cứng nhắc. Nhất định phải biết ứng cơ thuyết pháp, thuận theo căn tánh của họ mà làm cho họ được giải thoát, cách này linh hoạt biết bao! Xem tiếp kinh văn dưới đây:

  “Địa Tạng! Ngô kim ân cần dĩ thiên nhân chúng phó chúc ư nhữ.”

  (Này Địa-Tạng! Hôm nay ta ân cần đem chúng Trời, Người giao phó cho ông.)

  Lại gọi tiếp, đặc biệt nói “Ân cần”, ngữ khí mỗi lúc một trân trọng hơn, mỗi lúc một khẩn thiết hơn. Ta đem những chúng sanh khổ nạn trong lục đạo này giao phó cho ông, ông hãy dùng trí tuệ của mình, dùng tâm từ bi của mình, dùng thần lực của mình, nhất định phải giúp những người này.

  “Vị lai chi thế”

  (Trong đời sau)

 Chữ “Vị lai” là chỉ thời gian sau khi Thế Tôn diệt độ. Chúng ta hiện nay chính là “vị lai chi thế” mà Ngài nói.

  “Nhược hữu thiên nhân cập thiện nam tử, thiện nữ nhân.”

  (Như có hàng Trời, Người cùng thiện nam, thiện nữ nào.)

   

  Chúng ta biết cõi trời người là cõi thiện. Nhờ mười nghiệp thiện mà sinh lên cõi trời. Cho nên người cõi trời là thiện nhiều ác ít, càng lên trên là càng thiện. Cõi trời Dục Giới vẫn còn một số niệm ác. Đến cõi trời Sắc Giới công phu thiền định sâu rồi, ý nghĩ ác dục hoàn toàn bị hàng phục. Cho đến “Thiện nam tử, thiện nữ nhân” của thế gian. Tiêu chuẩn của “Thiện” này rất thấp, không cao. Dưới đây nói:

  “Ư Phật pháp trung chủng thiểu thiện căn, nhất mao nhất trần, nhất sa nhất trích.”

  (Trồng chút ít căn lành ở trong Phập-pháp, chừng bằng sợi lông, mảy trần, hột cát, giọt nước.)

  Tiêu chuẩn của kẻ thiện nam, người thiện nữ ở chỗ này, khác với kẻ thiện nam, người thiện nữ mà phía trước nói. Đây là chúng ta đọc kinh văn này, ý nghĩa trong mỗi đoạn kinh văn, thấy tiêu chuẩn của nó không giống nhau. Tiêu chuẩn ở chỗ này là thấp nhất. Gieo ít thiện căn ở trong Phật pháp, dù thiện căn rất ít. Dưới đây là ví dụ, “Nhất mao” (Sợi lông). Mao là lông trên người chúng ta, là thứ nhỏ nhất trong chánh báo. “Nhất trần” (Mảy bụi) là hạt bụi nhỏ trong y báo. Một hạt cát. “Nhất trích” là một giọt nước. Đều là hình dung số ít. Cũng chính là nói cho dù gieo trồng thiện căn nhỏ như vậy ở trong Phật pháp, ông cũng không được bỏ sót họ. Đây là đức Phật giao phó cho Bồ Tát Địa Tạng. Chúng ta rất tin tưởng Bồ Tát Địa Tạng, nhất định là y giáo phụng hành, tuyệt đối không được làm trái, bỏ quên lời giao phó của Thế Tôn, thế là chúng ta được an ủi lớn. Tuy thiện căn của chúng ta không nhiều. Nhưng ở đây nói bằng sợi lông, hạt bụi, hạt cát, giọt nước thì chúng ta có, cái này không giả chút nào cả. Khi chúng ta ở đạo tràng xưng danh hiệu Phật, cúi lễ một lạy, đó chính là trồng thiện căn, Bồ Tát Địa Tạng đâu có lý nào không chăm sóc chứ? Nếu Bồ Tát Địa Tạng không có cách gì chăm sóc, đó là chúng ta gặp ác duyên, niệm ác lại cứ luôn tăng trưởng, vậy thì vô phương. Vậy thì Bồ Tát Địa Tạng không cách gì chăm sóc được. Bồ Tát Địa Tạng cũng sẽ cảm thấy lực bất tòng tâm, vì bạn không nghe chỉ dạy mà. Nếu như chúng ta có thể niệm niệm tăng trưởng từ một chút xíu thiện căn này, thì nhất định được Bồ Tát hộ niệm, nhất định được Bồ Tát gia trì, chúng ta đọc tụng nghiên cứu kinh điển sẽ khai ngộ, chúng ta niệm Phật công phu sẽ đắc lực, chúng ta đoạn trừ việc ác sẽ không cảm thấy rất khó khăn, đều là nhờ Bồ Tát gia trì cho chúng ta, chúng ta tu thiện có thể sinh tâm hoan hỷ. Những điều này chúng ta suy nghĩ thật kỹ xem, há chẳng phải Thế Tôn đã căn dặn Bồ Tát Địa Tạng ở cung trời sao? Sau khi đức Phật diệt độ, Bồ Tát Địa Tạng là đại diện cho đức Phật. Sau khi đức Phật diệt độ, trong ba thời kỳ pháp vận chánh pháp, tượng pháp, mạt pháp này, Ngài là thay thế cho đức Phật. Tương lai pháp vận của Thế Tôn ở thế gian bị tiêu mất, là sau mười hai nghìn năm sẽ bị tiêu mất, mãi cho đến trước khi Bồ Tát Di Lặc hạ sanh thị hiện thành Phật, khoảng thời gian này rất dài. Dùng cách tính của thế gian chúng ta mà tính là hơn năm tỉ năm, chúng sanh rất khổ, vì thế gian không có Phật pháp, đều phải nương nhờ Bồ Tát Địa Tạng đến giúp đỡ, phải dựa vào Bồ Tát Địa Tạng đến giáo hóa. Đây là sự giao phó của Thế Tôn đối với Bồ Tát Địa Tạng ở trong pháp hội này. Bồ Tát Địa Tạng gánh vác sứ mệnh này, tất cả chư Phật Bồ Tát đều đến hỗ trợ Bồ Tát Địa Tạng, đều đến giúp đỡ Ngài, nhằm thành tựu việc tốt độ chúng sanh này. Tại sao chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát đều đến hỗ trợ Bồ Tát Địa Tạng? Bởi vì chư Phật Bồ Tát là cùng có chung hoằng nguyện đối với việc độ hóa chúng sanh. Bất kỳ người nào đứng ra chủ đạo, các Ngài đều vô cùng vui vẻ đến phối hợp, tuyệt đối không có đố kỵ chướng ngại, chỉ có hết lòng hết sức đến thành tựu. Trong pháp thế gian vẫn thường nói thành tựu việc tốt của người. Huống chi việc này chính là việc bổn phận của chư Phật Bồ Tát, thì đâu có lý nào không hết lòng hết sức hỗ trợ? Tri kiến của phàm phu thì khác. Phàm phu thường nghĩ, đây là việc của họ làm, không liên quan gì đến ta, đây là tri kiến của phàm phu. Chúng ta muốn hỏi việc họ làm này có phải là lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh hay không? Ngày nay việc chúng ta làm có phải cũng là lợi ích cho xã hội, lợi ích chúng sanh không? Nếu như mục đích đã giống nhau, vậy thì có gì để phân biệt? Việc gì ở trong đây phải phân chia ta người? Phân chia ta người làm chướng ngại sự nghiệp. Nếu như biết rằng việc này là nguyện vọng chung, sự nghiệp chung thì ta người là không hai, họ làm cũng giống như mình làm. Nói thực ra họ làm thì ta càng phải nên vui mừng hơn. Có người làm thì chúng ta sẽ đỡ bớt tâm sức, chúng ta ở bên cạnh hết lòng hết sức hỗ trợ, là công đức viên mãn. Cho nên cách nghĩ của chư Phật Bồ Tát khác với cách nghĩ của phàm phu. Cách nghĩ của phàm phu là việc này nhất định phải thuộc về của tôi thì mới chịu chăm chỉ làm. Không phải thuộc về việc của tôi, thì tâm sốt sắng đó sẽ giảm bớt. Tuy đức Phật dạy chúng ta tùy hỷ công đức, tâm tùy hỷ đó tóm lại không phải viên mãn, đây là tư tưởng sai lầm, quan niệm sai lầm của phàm phu, đã làm chướng ngại cơ duyên tích lũy công đức của mình, không biết sự thành tựu của họ chính là sự thành tựu viên mãn của mình, cho nên luôn luôn không thể hết lòng hết sức tùy hỷ. Chung quy lại đến cội nguồn vẫn là do chưa mở trí tuệ, chưa có hiểu rõ chân tướng sự thật, cho nên vẫn còn phân chia ta người. Phân chia ta người chính là chưa có buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước được, vậy là tạo thành chướng ngại nặng nề trong tu học tích lũy công đức. Chính bởi vì như vậy, cho nên chư Phật Bồ Tát cật lực khuyên dạy chúng ta phải đọc tụng Đại Thừa, đạo lý là ở chỗ này. Dạy chúng ta phải gần gũi thiện tri thức. Thiện tri thức ở đâu? Kinh giáo Đại Thừa chính là thiện tri thức, những bản chú giải của tổ sư đại đức xưa nay chính là thiện tri thức. Chúng ta thường xuyên đọc tụng, thường xuyên tìm hiểu, y giáo phụng hành, đây là thật sự gần gũi Phật Bồ Tát, gần gũi thiện tri thức. Trong tri thức hiện nay. Chữ tri thức này, đúng như lời trong chú giải của cổ đức nói, “Tri” là chúng ta biết có người này, nghe tên, nghe tên mà chưa có gặp mặt gọi là tri. “Thức” là ta biết họ, đã từng gặp mặt rồi, vậy gọi là thức. Hễ những người nào được tri và thức, thì đương nhiên chúng ta đều rất ngưỡng mộ, rất tôn kính đối với họ, họ có điểm đáng để chúng ta tôn kính ngưỡng mộ. Trong Phật pháp cái này thuộc về đạo nghiệp, là đạo đức học vấn của họ, chứ tuyệt đối không phải của cải của họ, địa vị của họ, không phải những thứ này, điểm mà chúng ta ngưỡng mộ là đạo đức, học vấn. Hiện nay trong hàng tri thức, đức học của họ tương ưng với Phật pháp, thì chúng ta có thể học với họ. Nếu như đức học của họ không tương ưng với những gì trong kinh điển nói, thì chúng ta cần nên kính nhi viễn chi. “Kính nhi viễn chi” là chúng ta tôn kính họ, viễn là chúng ta không học tập theo họ. Không học tập theo họ gọi là viễn. Chứ không phải cố ý trốn tránh thật xa, vậy là sai rồi, vậy thì không có lòng tôn kính, là không học tập theo họ. Đây là thái độ làm người cầu học đúng đắn của chúng ta. Chúng ta tiếp tục xem đoạn dưới đây:

    “Phục thứ Địa Tạng! Vị lai thế trung nhược thiên nhược nhân, tùy nghiệp báo ứng lạc tại ác thú.”

  (Lại vầy nữa, này Địa-Tạng Bồ Tát! Trong đời sau, hoặc có trời hay người nào phải theo nghiệp mà thọ báo bị đọa vào chốn ác đạo.)

  Ở trong chú giải, vừa mở đầu đã trích dẫn một bài kệ trong kinh. Bài kệ này cũng là bài mà mọi người rất quen thuộc, chúng ta hãy đọc qua một lược.

  Kinh Vân:

 “Giả sử bách thiên kiếp,

 Sở tạo nghiệp bất vong.

 Nhân duyên hội ngộ thời,

 Quả báo hoàn tự thọ.

(Trải qua trăm ngàn kiếp,

 Nghiệp đã tạo không mất.

 Lúc nhân duyên hội ngộ

 Vẫn tự lãnh quả báo).

  Đây là lời đức Phật nói, là lời chân thật. “Giả sử bách thiên kiếp” là thật, chứ không phải giả thiết. Nghiệp đã tạo, hạt giống tập nghiệp rơi vào trong a-lại-da-thức. A-lại-da là cái kho chứa, chứa ở trong đây sẽ vĩnh viễn không bị mất, vĩnh viễn không bị biến chất, sự việc này là rất phiền phức, đây là nhân, nghiệp nhân. Gặp được duyên nó sẽ khởi hiện hành. Hiện hành chính là quả báo. Quả báo này bạn chắc chắn phải nhận. Từ đó cho thấy, một người nếu như họ không có năng lực thoát khỏi lục đạo luân hồi, thì nghiệp nhân thiện ác mà họ đã tạo trong vô lượng kiếp, cho dù trải qua vô lượng ức kiếp, nếu gặp được duyên vẫn phải thọ báo. Đây đúng như câu nói: “Giọt nước hạt cơm đều do tiền định”. Ai định vậy? Do mình định, chứ không phải do người khác định. Là tự mình tạo tác ra nhân, hiện nay phải nhận quả báo, đây là chân lý, là chân tướng sự thật. Người mê hoặc dám tạo nghiệp, họ vô minh. Bồ Tát giác ngộ chắc chắn không dám tạo nghiệp. Cho nên trong kinh nói: “Chúng sanh sợ quả, Bồ Tát sợ nhân”. Bồ Tát là người giác ngộ. Chúng sanh mê hoặc, khi tạo tác thì mù mà mù mờ, đến khi thọ báo thì sợ hãi, dù có sợ cũng không kịp rồi, chẳng có tác dụng. Bồ Tát giác ngộ, cho nên đối với việc khởi tâm động niệm họ rất thận trọng, rất cẩn thận, đối trước tất cả người, sự, vật nhất định không khởi niệm ác. Tại sao vậy? Họ biết khởi niệm ác là gieo một hạt giống ác vào trong a-lại-da-thức, tương lai về sau sẽ có ác báo hiện tiền. Tại sao lại đi làm việc này? Cho nên tuyệt đối không nên khởi niệm ác, cho dù có tập khí ác cũ gặp duyên khởi hiện hành. Quý vị phải biết, chúng ta khởi lên một niệm ác, cũng là do hạt giống tập khí ác khởi hiện hành. Vào lúc này người giác ngộ, niệm này vừa mới khởi lên thì họ lập tức khống chế, đè nó xuống. Người niệm Phật là dùng câu Phật hiệu để đè nó xuống, như vậy chính là công phu. Cho nên phải biết những hạt giống tập nghiệp trong a-lại-da-thức này từng giây từng phút khởi hiện hành, tối ngủ nằm mộng cũng là khởi hiện hành. Nếu nó không khởi hiện hành thì làm sao có cảnh giới trong mộng được? Cảnh giới trong mộng đều là do hạt giống tập nghiệp khởi hiện hành. Cho nên người biết dụng công sẽ hạ công phu ngay chỗ này. Dùng một câu Phật hiệu, một câu danh hiệu Bồ Tát đổi ý nghĩ này trở lại. Tại sao bảo bạn thường xuyên niệm Phật, niệm Phật nhiều? Bạn niệm Phật là gieo hạt giống Phật vào trong a-lại-da-thức. A-lại-da-thức hàm chứa vô lượng vô biên hạt giống. Cho nên biến hiện ra hư không pháp giới, thập pháp giới y chánh trang nghiêm, đều là do hạt giống tập nghiệp hiện hành, sao bạn có thể trách cảnh giới bên ngoài? Toàn bộ tất cả cảnh giới bên ngoài, cảnh thuận cũng vậy, cảnh nghịch cũng vậy đều là do hạt giống tập nghiệp của mình khởi hiện hành. Người ngu không hiểu rõ chân tướng sự thật, cho nên ở trong cảnh giới sinh vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, khởi tâm động niệm. Người giác ngộ hiểu rõ hiện tượng cảnh giới, biết nó là do đâu mà có, nên cảnh thuận cũng vậy, cảnh ác cũng vậy thảy đều là do hạt giống tập nghiệp trong a-lại-da-thức của mình biến hiện ra. Cho nên họ ở trong cảnh thuận cũng không khởi tâm động niệm, ở trong cảnh nghịch cũng không khởi tâm động niệm, thản nhiên đón nhận, đây gọi là chân tu hành. Ở trong tất cả cảnh duyên vĩnh viễn duy trì thanh tịnh, bình đẳng, giác, là công phu thật, tu hành thật. Thanh tịnh, bình đẳng chính là không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Giác là rất rõ ràng, rất sáng suốt, họ không mơ hồ, đối với hết thảy hiện tượng, lý sự tánh tướng, nghiệp nhân quả báo của nó không có gì là không biết rõ, không có gì không sáng tỏ, đây là chánh giác. Cho nên trong đề kinh của “Kinh Vô Lượng Thọ” là “Thanh tịnh, bình đẳng, giác.” Năm chữ này đã nói hết rồi. Chúng ta ở trong đời sống thường ngày có thể tương ưng với năm chữ này, thì đời sống bạn sống là đời sống của Phật Bồ Tát, cũng chính là trong kinh gọi là “Trụ tuệ chân thật”. Hết thảy hành vi việc làm của bạn đều là lợi ích tất cả chúng sanh. Trong kinh gọi là: “Huệ dĩ chân thật lợi ích” (Ban cho lợi ích chân thật). Đây mới là tích lũy công đức mà trong kinh đức Phật thường hay dạy chúng ta. Có thể thấy tích lũy công đức, nếu mình không phải trụ tuệ chân thật, ban cho chúng sanh lợi ích chân thật. Vậy thì câu nói này là hữu danh vô thực. Thật sự thực hiện, chúng ta biết cần phải làm như thế nào. Chúng ta thử xem thế gian này, đúng như lời đức Phật nói trong kinh: “Vị lai thế trung” (Trong đời vị lai) là chỉ sau khi đức Phật diệt độ. “Nhược thiên nhược nhân.” (Hoặc có trời hay người nào) Đây là nói hết thảy chúng sanh trong lục đạo. “Tùy nghiệp báo ứng”. Nói thực ra rốt cuộc chúng sanh trong lục đạo là như thế nào? Bốn chữ này cũng đã nói rõ ràng rồi. Chúng ta đến thế gian này, đời này đến làm người, chúng ta đến làm người để làm gì? “Tùy nghiệp báo ứng”. Nếu trong đời quá khứ làm việc thiện, thì bạn đến để hưởng thụ quả báo thiện. Nếu trong đời quá khứ tạo nghiệp ác, thì bạn đến đây để tiếp nhận ác báo. Cho nên đức Phật nói: “Thân người để trả nghiệp”. Bốn chữ này cũng chính là lời tổng kết cho đời người rồi. Con người sinh đến thế gian này để làm gì? Là đến để đền trả nghiệp báo, là bạn đến để làm việc này. Chúng sanh trong lục đạo không có chúng sanh nào là ngoại lệ cả, bạn đều là đến để đền trả nghiệp báo của chính mình. Nhưng chúng ta mê hoặc, trong lúc đền trả nghiệp báo, lại tiếp tục không ngừng đang tạo nghiệp, nên việc này là phiền phức rồi, đây thật sự là nhân quả tuần hoàn, không bao giờ dứt, phiền phức này là lớn rồi. Cho nên ở trong lục đạo luân hồi vĩnh viễn không có lúc nào thoát ra được. Hiện tượng luân hồi vô cùng tinh vi chặt chẽ, tuyệt đối không phải nói con người này của chúng ta sau khi sống mấy chục năm chết đi, lại luân hồi đến cõi nào, cái tướng này quá thô rồi. Tướng cực kỳ vi tế ở đâu vậy? Ý nghĩ. Bạn từ trong khởi tâm động niệm nhận ra được chân tướng của luân hồi, bạn mới bỗng nhiên vỡ lẽ. Luân hồi của chúng ta là từng niệm đang luân hồi, từng niệm là nhân quả tuần hoàn, nhân quả chuyển đổi, nhân quả tiếp nối, đây chính là chân tướng của luân hồi, cho nên nó ở trong từng niệm. Bởi vì có nhiều ý nghĩ ác, có nhiều hành vi ác nên “lạc tại ác thú” (Bị đọa lạc vào chốn ác đạo) “Ác thú” là chỉ ba ác đạo. Ba ác đạo, đại sư Thiên Thai nói cho chúng ta biết, Ngài nói thập pháp giới, ở trong mỗi pháp giới đều có đủ mười pháp giới, cho nên gọi là bách giới. Chúng ta căn cứ theo nguyên lý này mới biết ở trong lục đạo mỗi một đạo đều có đầy đủ lục đạo. Bạn quan sát thật kỹ sẽ thấy trong cõi người có cõi trời ở trong cõi người, có cõi Tu-la ở trong cõi người, có cõi súc sanh ở trong cõi người, có cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục ở trong cõi người. Chúng ta đều là được thân người, đây là cõi người. Trong Tướng Tông gọi đây là dẫn nghiệp, dẫn dắt chúng ta đến cõi này để đầu thai, chúng ta đều là được thân người. Nhưng hoàn cảnh mà chúng ta hưởng thụ có sáu cõi khác nhau; có người hưởng thụ đời sống cõi trời, là phước báo lớn, có người sống đời sống vô cùng khổ cực, như cảnh giới địa ngục. Cùng là thân người giống nhau, đây gọi là mãn nghiệp. Mãn nghiệp là quả báo thiện ác. Cho nên nghiệp chia thành hai loại; một loại là dẫn dắt bạn đến cõi nào để đầu thai, một loại khác là sau khi bạn thọ sanh, sự thọ dụng của bạn. Đại sư Thiên Thai nói thập pháp giới, nói mười giới phạm vi còn rộng hơn nữa. Trong cõi người có cõi Phật, là Phật trong cõi người, Bồ Tát trong cõi người, Thanh Văn, Duyên Giác trong cõi người, lại cộng thêm bốn loại này thành ra là thập pháp giới. Mỗi pháp giới đều có đủ mười pháp giới như vậy. Lời trong “Kinh Pháp Hoa” nói, trong mỗi pháp giới có đầy đủ mười pháp giới, vậy là một trăm pháp giới. Ở trong mỗi pháp giới có đầy đủ mười pháp giới như vậy, thành ra là một nghìn pháp giới như vậy. Đại sư Trí Giả đọc “Kinh Pháp Hoa”, đem đoạn kinh văn này trong “Kinh Pháp Hoa” triển khai ra, để cho chúng ta nhìn thấy chân tướng sự thật. Trí Giả đưa ra cho chúng ta ví dụ này, giống như công thức trong toán học vậy. Bạn phỏng theo ví dụ này để triển khai tiếp, bạn sẽ nhìn thấy chân tướng của pháp giới là trùng trùng vô tận. Trong “Hoa Nghiêm” nói với chúng ta bách giới, trong mỗi giới lại triển khai tiếp ra một trăm giới, vậy là thành một ức pháp giới, sau đó tiếp tục trong một pháp giới lại có đủ một ức pháp giới, vậy là trùng trùng vô tận. Trong Kinh Đại Thừa thường hay dùng lưới của Đại Phạm Thiên Vương để làm ví dụ, cũng là để nói rõ chân tướng sự thật này. Sau đó chúng ta mới có thể hiểu được chút ít về trí tuệ của chư Phật, Bồ Tát, sự quan sát của chư Phật, Bồ Tát. Chúng ta có thể nhìn thấy được mấy phần chân tướng sự thật? Các Ngài có thể thấy thấu triệt như vậy. Nếu như chúng ta ở nhân gian, ở trong nhân gian nhìn thấy được nhân gian có sáu cõi, thì tầm nhìn của bạn là rất khá rồi, bạn đã nhìn thấu được một lớp. Nhưng bất kỳ pháp giới nào cũng sâu không đáy và rộng vô biên. Bạn thấy càng sâu càng rộng, là chứng tỏ trí tuệ của bạn sâu rộng. Trí tuệ sâu rộng vô tận, pháp giới lý sự vô tận. Chúng ta từ chỗ này, mới có thể hiểu được chút xíu trí tuệ vô tận của chư Phật, Bồ Tát, các ngài quan sát được sự sâu rộng vô hạn của pháp giới. Chúng ta học Phật là phải học cái gì? Học cách khôi phục trí tuệ, đức năng của mình. Trong pháp giới thật sự sau khi khế nhập rồi, thì mặc kệ chân vọng, chẳng quan tâm có không, chẳng quan tâm đến đi, cũng mặc kệ ẩn hiện, vậy là bạn thật sự khế nhập rồi. Khi chưa khế nhập thì có thể có những cách nói này. Những cách nói này chung quy lại, chính là nhà khoa học ngày nay gọi là thuyết tương đối. Bạn chưa có khế nhập là tương đối. Chúng ta sống trong thế gian này, thế gian này là tương đối. Sau khi bước vào rồi thì chẳng còn tương đối nữa, khái niệm tương đối sẽ không còn, tiêu mất rồi. Sự tướng tương đối đương nhiên là càng không tồn tại, đây là mục tiêu cuối cùng của tu học Phật pháp, là kết quả mà người phát tâm học Phật chúng ta mong cầu. Lúc này mới có thể giải quyết hết tất cả vấn đề trong hư không pháp giới. Ở trong Phật pháp chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì trí tuệ đức năng trong tự tánh mới khôi phục được viên mãn. Hiện tiền viên mãn, không có mảy may khiếm khuyết nữa, vậy là vào cảnh giới này rồi. Kinh văn dưới đây là Thế Tôn giao phó cho Bồ Tát Địa Tạng, phải dùng thần lực trí tuệ của Ngài làm phương tiện cứu giúp bảo vệ chúng sanh. Đây là chứng tỏ sự yêu thương quan tâm của chư Phật Bồ Tát đối với tất cả chúng sanh. Ơn đức này mãi mãi là vô tận. Được rồi, hôm nay chúng ta chỉ giảng đến đây. A Di Đà Phật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *