Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 51

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 51

Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển trung, trang 70.

  Phẩm Thứ Bảy Lợi Ích Cả Kẻ Còn Người Mất.

  Mời xem kinh văn:

“Nhĩ thời Địa Tạng Bồ-tát Ma Ha Tát bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Ngã quán thị Diêm Phù Đề chúng sanh, cử tâm động niệm vô phi thị phi, thoát hoạch thiện lợi đa thoái sơ tâm, nhược ngộ ác duyên niệm niệm tăng ích. Thị đẳng bối nhân, như lữ nê đồ, phụ ư trọng thạch, tiệm khốn tiệm trọng, túc bộ thâm thúy.”

  (Lúc đó Ngà Địa Tạng Bồ-tát bạch cùng đức Phật rằng: ‘Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề sanh tâm động niệm không chi là chẳng phải tội. Nếu gặp những việc về pháp sự lợi lành phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu. Còn hoặc khi gặp duyên sự bạo ác chẳng lành lại lần lần thêm lớn: Những hạng người trên đó như kẻ mang đá nặng đi trong bùn lầy càng nặng thêm lần, càng khốn đốn thêm lần, chân đạp lún lút sâu.’)

  Chúng ta xem đoạn này, đoạn này cũng là phần quan trọng trong bộ kinh này. Đặc biệt hiện nay là tháng bảy, dân gian đều biết về những pháp sự siêu độ này. Pháp sự siêu độ là bắt nguồn từ đâu? Căn cứ vào lý luận nào? Ở trong đoạn kinh văn này, cũng sẽ nói cho chúng ta biết rất rõ ràng. Vừa mở đầu bản kinh là Bồ-tát Địa Tạng đã nói một đoạn với đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là những tình trạng sự thật mà Ngài nhìn thấy ở thế gian trong khi độ hóa chúng sanh. “Diêm Phù chúng sanh”, đây là chỉ địa cầu này của chúng ta. “Cử tâm động niệm” chính là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm “không chi là chẳng phải tội”. Bồ-tát Địa Tạng nói câu này có hơi quá không? Chúng ta hãy nghiêm túc bình tĩnh mà tư duy, khởi tâm động niệm có phải là tội hay không? Phật nói ra bộ kinh này. Bộ kinh này là nói ở trên hội Phương Đẳng. Vào thời đó, ba nghìn năm trước Bồ-tát nói câu nói này, thật sự sẽ khiến chúng ta hoài nghi. Nếu như nói câu này ở thế gian thời hiện đại thì chúng ta sẽ rất đồng ý, thật sự là khởi tâm động niệm không có chi là chẳng phải tội. Nhưng ý của Bồ-tát rất sâu. Tại sao vậy? Khởi tâm động niệm chính là tội, lời này nói ra rất khó hiểu. Ở trên quả địa Như-lai, ở pháp thân đại sĩ, phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, chúng ta gọi là Bồ-tát sơ trụ viên giáo, các Ngài có còn khởi tâm động niệm hay không? Không còn nữa. Ý nghĩa này nếu quý vị nghe hiểu, thì bạn sẽ hiểu được khởi tâm động niệm liền rơi vào trong thập pháp giới. Cho nên tiêu chuẩn về tội đó Ngài đặt rất cao. Tiêu chuẩn đó là ranh giới giữa nhất chân pháp giới và thập pháp giới. Nếu bạn rơi vào thập pháp giới, như thế là bạn có tội. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát và Phật, Phật Thông Giáo, Phật Tạng Giáo ở trong thập pháp giới. Cho nên khởi tâm động niệm là gì? Là đã biến chân tâm, chân tánh của bạn thành thức rồi. Tiêu chuẩn tu hành ở trong tông Pháp Tướng là chuyển thức thành trí, chuyển tám thức thành bốn trí. Khởi tâm động niệm là chuyển bốn trí thành tám thức rồi, đây là tội, đây là nói từ trên tiêu chuẩn này. Tiêu chuẩn của thế gian chúng ta ngày nay thì thấp hơn nữa rồi. Tiêu chuẩn của thế gian ngày nay là gì? Là tiêu chuẩn của ba đường ác. Khi khởi tâm động niệm đều là tội nghiệp của ba đường ác. Đương nhiên ý này của Bồ-tát Địa Tạng thật sự là chỉ tiêu chuẩn của ba đường ác, thật sự là chỉ cho điều này, là phân biệt, chấp trước nghiêm trọng. Phân biệt, chấp trước ở trong thập pháp giới rất mỏng, rất thưa thớt, còn phân biệt, chấp trước ở trong lục đạo là nghiêm trọng, nhất là chúng sanh trong đường ác. Đức Phật ở trong Kinh Đại Thừa nói cho chúng ta biết nghiệp nhân của thập pháp giới, đây là điều mà người thật sự muốn học Phật nhất định phải hiểu cho thật rõ ràng, thật minh bạch. Thường xuyên dùng những lời giáo huấn này của Phật Đà để trắc nghiệm mình, xem công phu của chúng ta có đắc lực hay không? Chúng ta tu học có gì lệch lạc không, có gì sai lầm không? Dùng những lời giáo huấn này để kiểm điểm, để khảo sát. Giống như đọc sách vậy, phải thường xuyên kiểm tra xem thành tích của mình. Phật nói cho chúng ta biết nghiệp nhân của thập pháp giới. Đương nhiên nghiệp nhân này vô cùng phức tạp, ở trong phức tạp luôn luôn có một nhân tố quan trọng nhất, chúng ta gọi là nhân tố đứng đầu. Đức Phật nói cho chúng ta biết nhân tố đứng đầu ở trong thập pháp giới này. Nhân tố đứng đầu để đức Phật thành Phật là bình đẳng. Phật là tâm bình đẳng, nhìn chúng sanh bình đẳng. Nếu như có phân biệt là không bình đẳng rồi. Cho nên Phật nhìn hư không pháp giới tuyệt đối không có phân biệt, đó là nhất thể. Tâm bình đẳng là nhân tố đứng đầu của thành Phật. Tâm Bồ-tát là tâm lục độ. Khởi tâm động niệm có thể tương ưng với lục độ, thì người này là Bồ-tát. Tâm Duyên Giác là mười hai nhân duyên, niệm niệm tương ưng với mười hai nhân duyên đây là Phật Bích Chi. Niệm niệm tương ưng với Tứ Đế là Thanh Văn. Đây đều là nói nhân tố đứng đầu. Niệm niệm tương ưng với thập thiện, tứ vô lượng tâm, tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả, đây là thiên đạo ở trong lục đạo. Tại sao được sanh thiên? Thập thiện thượng phẩm, và phải có đầy đủ tứ vô lượng tâm, hạng người này sanh thiên. Vào trong cõi người được thân người, là tương ưng với Ngũ Giới. Chúng ta ngày nay được thân người, là do trong đời quá khứ tu hành tương ưng với ngũ giới, vậy là được thân người. Ba ác đạo, nếu tương ưng với tâm tham, thì đây là cõi ngạ quỷ, tương ưng với sân hận là cõi địa ngục, tương ưng với ngu si là cõi súc sanh. Ở trong thập pháp giới, trong đây còn có một cõi A-tu-la. Tu-la tương đối đặc thù. Tu-la là tu thiện, cũng tu thập thiện thượng phẩm, không có tứ vô lượng tâm, mà là cống cao ngã mạn, tâm đố kỵ rất nặng, tâm háo thắng rất mạnh, họ cũng tu thập thiện thượng phẩm, loại người này là nhân tu-la, đều là tội, không gì không phải là tội. Chúng ta thử nghĩ, chúng ta khởi tâm động niệm là tương ưng với cái nào? Ở trong đời sống thường ngày, nếu như chúng ta thật bình tĩnh mà quan sát, tư duy, cảm thấy mình khởi tâm động niệm tương ưng với pháp nào, thì tương lai sẽ đi thọ sanh vào trong cõi đó. Bạn đến đầu thai ở cõi nào, nói lời thành thật không có người người nào ở đây ép buộc bạn, không có! Hoàn toàn là do tự mình tạo tác tự mình cảm thọ. Ở trong đây không có người khác làm chủ tể cho bạn, Thượng Đế không thể làm chủ được, vua Diêm La cũng không thể làm chủ được, Phật Bồ-tát vẫn là không thể làm chủ như thường. Ai làm chủ vậy? Tự mình làm chủ. Tức là bạn khởi tâm động niệm tương ưng với pháp nào, đây là điều chúng ta không thể không biết. Chúng ta nắm vững được nguyên tắc này, mỗi ngày khởi tâm động niệm mình biết rất rõ ràng, biết ý nghĩ của mình rơi vào trong cõi nào, vậy người này là người giác ngộ, người sáng suốt. Nếu chúng ta muốn đi về cõi thiện, thuần thiện, chí thiện là hai đường Phật, Bồ-tát này. Nếu muốn làm Phật, Bồ-tát, thì bạn nhất định phải tu thanh tịnh, bình đẳng, giác. Dùng tâm thanh tịnh, bình đẳng, giác để tu lục độ, khởi tâm động niệm tương ưng với cái này, thì nơi bạn về là cõi Phật, bạn không có đi sai đường. Nếu như chúng ta khởi tâm động niệm, tương ưng với tham sân si, thì nơi bạn đến là ác đạo, là Tam Đồ. Đức Phật là nói ra chân tướng của vũ trụ nhân sinh cho chúng ta biết. Bản thân chúng ta đi về cõi nào, Ngài không thể quản được, Ngài không có năng lực đến hạn chế chúng ta. Cho nên trong Kinh Đại Thừa mới nói, đức Phật tự mình nói: “Phật không độ chúng sanh”, lời này là thật chứ không phải giả. Chúng sanh được độ là ai độ họ vậy? Tự mình ngộ, tự mình độ. Đức Phật chỉ là làm tăng thượng duyên cho bạn mà thôi. Cho nên Phật pháp là sư đạo. Phật, Bồ-tát là thầy của chúng ta, là giống như thầy ở trong trường thế gian vậy. Thầy có thể dạy cho chúng ta, giảng những đạo lý này cho chúng ta nghe, chúng ta hiểu rõ, giác ngộ rồi. Dạy cho chúng ta phương pháp, chúng ta phải tự mình làm, mới có thể được thành tích tốt. Cho nên thành tích tốt hay xấu không có liên quan gì đến thầy cả. Thầy có từ bi đi nữa, yêu thương chúng ta đi nữa, cũng không thể nâng cao thành tích của chúng ta lên được, phải dựa vào sự nỗ lực của mình. Cùng đạo lý như vậy, chúng ta học Phật tương lai muốn đến pháp giới nào? Muốn được kết quả như thế nào? Hoàn toàn phải dựa vào chính mình. Cho nên sự khác biệt giữa người học Phật với người không học Phật là rất lớn. Người không học Phật không hiểu rõ đạo lý này, không biết cách tu như thế nào? Làm nhiều việc thiện, đây là việc mà hầu hết người thế gian hiện nay rất tôn sùng, nhà đại từ thiện, làm nhiều việc thiện. Nếu như làm nhiều việc thiện, cộng thêm cái tâm háo thắng, muốn có danh. Ở trong xã hội họ muốn có địa vị, muốn mọi người tôn trọng họ, khen ngợi họ. Nếu có ý nghĩ này ở trong đó thì chúng ta biết, quả báo của họ là ở cõi Tu-la. Xem phước họ tu lớn hay nhỏ. Nếu phước lớn thì làm A-tu-la ở cõi Trời, thấp hơn một bậc thì làm A-tu-la ở cõi Người, thấp hơn nữa là làm A-tu-la trong cõi Ngạ Quỉ, Súc Sanh. Cho nên chỉ có tiếp nhận lời giáo huấn của đức Phật, biết được những chân tướng sự thật này, đoạn ác tu thiện và không chấp trước, tâm địa bình an điều hòa. Dùng cách nói của người hiện nay, là vĩnh viễn duy trì ở biên độ thấp, vậy mới tốt! Hướng bạn đi là Bồ-tát đạo. Phật, Bồ-tát đối với bất kỳ người nào cũng khiêm tốn, cung kính; khiêm tốn cung kính đối với người thiện, và cũng khiêm tốn cung kính đối với người ác, đạo lý này chúng ta nhất định phải hiểu. Gần đây chúng ta đang học tập “Hoa Nghiêm”, bộ kinh lớn này có thể nói là đã nói hết hư không pháp giới rồi, hết thảy loài chúng sanh, không có sót loài nào cả. Đến phần cuối cùng của kinh Đức Phật quy kết về Thập Đại Nguyện Vương, tổng kết thành mười cương lĩnh. Cho nên triển khai Thập Đại Nguyện Vương ra chính là toàn bộ “Kinh Hoa Nghiêm”. “Kinh Hoa Nghiêm” cô đọng đến cuối cùng chính là Thập Đại Nguyện Vương. Nếu bạn thật sự hiểu nghĩa thú và phương pháp tu học chứa đựng trong mười nguyện, mà bạn không hiểu toàn bộ “Kinh Hoa Nghiêm”, thì làm sao bạn có thể biết được? Làm sao bạn biết tu học? Đó là tổng cương mục. Nhưng tổng cương mục này, nếu chúng ta đơn giản hóa nó nữa, chúng tôi đưa ra hai mươi chữ: Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Thấy ra, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật. Quý vị thử nghĩ xem, hai mươi chữ này có tương ưng với Thập Đại Nguyện Vương không? Sau đó chúng ta tu hành dụng công mới thật sự nắm vững được yếu lĩnh. Chúng ta tu cái gì? Khởi tâm động niệm tương ưng với hai mươi chữ này, những ý nghĩ nào không tương ưng thảy đều điều chỉnh trở lại. Nếu niệm niệm đều tương ưng, vậy chúng ta biết hướng chúng ta đi là Bồ-tát đạo, hướng chúng ta đi là con đường thành Phật. “Hoa Nghiêm” đến cuối cùng quy kết về Tây Phương Tịnh Độ, Thập Đại Nguyện Vương dẫn về Cực lạc. Hai mươi chữ này của chúng ta cuối cùng là quy kết về niệm Phật. Cho nên ở trong pháp hành là càng đơn giản thì càng thuận tiện. Giải phải sâu, rộng. Pháp hành phải chuyên nhất, thì công phu mới đắc lực. Hiện nay có rất nhiều đồng tu tốt, người tu hành tốt, thường hay nói với tôi rằng công phu không đắc lực, rất muốn mình công phu đắc lực. Tại sao công phu không đắc lực, bạn phải biết nguyên nhân. Nhân tố không đắc lực chính là chúng ta khởi tâm động niệm không tương ưng, vẫn cứ tham, sân, si, mạn như cũ, thì làm sao mà tương ưng được? Đạo lý là ở chỗ này, nguyên nhân là ở chỗ này. Ở đây mấy câu nói ở phía sau này của Bồ-tát nói rất hay:

  “Thoát hoạch thiện lợi, đa thoái sơ tâm.” (Nếu gặp những việc về pháp sự lợi lành, phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu.)

  “Thoát” là thoát khỏi khổ, ba ác đạo. Bồ-tát giáo hóa chúng sanh ở trong ác đạo. Quý vị nên biết, giáo hóa chúng sanh ở trong ác đạo đều gọi là Địa Tạng Bồ-tát. Bồ-tát Quan Âm vào ác đạo giáo hóa chúng sanh, Bồ-tát Văn Thù vào trong ác đạo giáo hóa chúng sanh đều gọi là Địa Tạng Bồ-tát. Cho nên danh hiệu của Bồ-tát Địa Tạng, hoàn toàn không phải chuyên chỉ cho một người nào. Người học Phật chúng ta hiện nay là rất chấp trước, Bồ-tát Địa Tạng nhất định không phải Bồ-tát Quan Âm. Là giống như thầy giáo trong trường học chúng ta vậy, thầy này dạy Quốc Văn. Thầy Quốc Văn tuyệt đối không phải thầy Anh Văn. Đâu biết rằng ở trong lớp này thầy dạy Quốc Văn, còn dạy Anh Văn ở lớp bên cạnh nữa, thầy có nhiều tài năng, cái gì thầy cũng biết. Chúng ta hiểu sai rồi! Cho nên nếu bạn thật sự thông đạt, hiểu rõ, biết là một người, nhưng có đủ hàm cấp danh hiệu của hết thảy Bồ-tát, hết thảy Bồ-tát đều là họ. Họ ở trong trường hợp nào, thì chúng ta bèn xưng họ là Bồ-tát trong trường hợp đó. Chư Phật Như-lai cũng là như vậy. Đây là nói Ngài giáo hóa những chúng sanh này ở trong ba ác đạo, khó khăn lắm mới khiến cho họ tỉnh ngộ trở lại. Loại tỉnh ngộ này, một loại là do phương tiện thiện xảo trong việc dạy học của Bồ-tát, còn một loại khác nữa là do chúng sanh có thiện căn. Nếu như không có thiện căn thì Bồ-tát đối với họ cũng đành bó tay, giảng như thế nào họ cũng không tin, họ không thể tiếp nhận, họ còn bài xích. Người có thiện căn, bạn vừa nói ra họ nghe xong đồng ý, cảm thấy có đạo lý họ tin bạn. Người thiện căn sâu dày, họ có thể y giáo phụng hành, cho nên nhất định phải có thiện căn. Bồ-tát độ chúng sanh ở trong ác đạo đều là người thiện căn rất sâu dày. Những người này quay đầu hướng thiện, một niệm tâm quay đầu như vậy liền thoát khỏi ác đạo. Lìa khỏi ác đạo phần lớn là đến cõi trời người, đến cõi nhân gian nhiều, còn về cõi trời là thiểu số. Vả lại về cõi trời phần lớn là về trời Tứ Vương và trời Đao Lợi. Sanh về cõi nhân thiên đây là việc lợi lành, họ đạt được lợi lành rồi. Nhưng sau khi vừa sanh về nhân thiên, lại thối tâm, thối chuyển, lại mê hoặc rồi. Không những mê hoặc,   “Nhược ngộ ác duyên, niệm niệm tăng ích” (Còn hoặc khi gặp duyên sự bạo ác chẳng lành lại lần lần thêm lớn)

  “Ích” là nhiều thêm. Chúng ta thử xem hoàn cảnh xã hội hiện nay, những gì mà sáu căn tiếp xúc đều là ác duyên. Mình từ vô thủy kiếp đến nay tập khí phiền não rất nặng, lại nhìn thấy bên ngoài đủ thứ ác duyên cám dỗ này. Niệm niệm tăng ích chính là lại tạo tội nghiệp rồi. Mấy câu nói này thật sự là miêu tả một cách tường tận hiện tượng xã hội hiện nay của chúng ta, miêu tả quá rõ ràng, minh bạch. Bản thân chúng ta sống ở trong hoàn cảnh này mà không biết. Cho nên mấy câu kinh văn này chúng ta phải đặc biệt nhớ kỹ nó. Từng giây từng phút nghĩ đến lời giáo huấn của Bồ-tát, chúng ta thật sự là sống trong hoàn cảnh này. Nếu như không có sự cảnh giác cao độ, tuy đời này duyên rất thù thắng, được thân người, gặp được Phật pháp, tuy duyên thù thắng, nhưng quả báo tương lai không thù thắng, sợ là vẫn phải bị đọa Tam Đồ trở lại, muốn được thân người cũng không chắc lắm. Nếu bạn muốn đời sau được thân người, bạn thử nghĩ xem bạn có làm được ngũ giới, thập thiện hay không? Ngũ giới, thập thiện, tự mình hãy thật bình tĩnh khách quan mà quan sát, ngũ giới thập thiện chúng ta có thể đạt được 80 điểm, thì đời sau được thân người là không có vấn đề gì. Nếu như ngũ giới thập thiện có thể đạt được trọn vẹn, thì đời sau chắc chắn sanh thiên. Nếu như ngũ giới thập thiện ngay cả năm mươi điểm cũng không đạt được, thế thì nguy hiểm rồi, đi ba ác đạo rồi! Hầu hết người thế gian chúng ta nói, con người chết rồi đi làm quỉ. Ở trong lục đạo tại sao người chết nhất định sẽ làm quỉ vậy? Tại sao không nói người chết rồi sẽ trở lại làm người? Người chết rồi sẽ sanh thiên, tại sao không nói như vậy? Mọi người đều khẳng định người chết rồi đi làm quỉ. Cách nói này cũng không phải không có đạo lý. Cõi quỉ tâm tham nặng, tâm đố kỵ nặng, chúng ta thử xem có người nào không có tâm tham, khởi tâm động niệm đều là tham. Người thế gian ham muốn ngũ dục lục trần. Thế gian hiện nay đặc biệt tham tiền của. Người học Phật trong đó vẫn có tham, tham Phật pháp. Quý vị nên biết tham Phật pháp vẫn phải biến thành Ngạ Quỉ, không phải nói chúng ta đổi đối tượng của tham một chút là được, không được. Đức Phật là dạy chúng ta đoạn tâm tham, chứ không phải dạy chúng ta đổi đối tượng. Tham Phật pháp vẫn phải biến thành Ngạ Quỉ, chỉ là tương đối có phước báo ở trong cõi quỉ mà thôi. Lý, sự đều phải sáng tỏ, đều phải hiểu rõ. Sau đó mới biết mình hiện nay đời này là đi về cõi nào. Đoạn này dưới đây là ví dụ:

  “Thị đẳng bối nhân” (Những hạng người trên đó)

  Chính là chỉ những chúng sanh tạo tác tội nghiệp này. Đời trước tiếp nhận lời giáo huấn của Phật, Bồ-tát, vừa chuyển qua đời này là đã quên hết sạch sẽ chuyện đời trước. Trong đời này chưa chắc có thể gặp được pháp duyên, chưa chắc có thể tiếp tục tu học tiếp được, phần lớn đều là thối chuyển. Cho nên những người này:

  “Như lữ nê đồ, phụ ư trọng thạch” (Như kẻ mang đá nặng đi trong bùn lầy)

  Đây là nêu ra ví dụ nói, những người này giống như là đi trong vũng lầy, việc đó rất đáng sợ, rất nguy hiểm. Nếu không cẩn thận là sẽ lún sâu dưới vũng lầy, không những đi vào đường nguy hiểm, mà còn mang thêm đá nặng nữa. Hay nói cách khác, là càng đọa lạc nhanh thêm.

 “Tiệm khốn tiệm trọng, túc bộ thâm thúy” (Càng nặng thêm lần, càng khốn đốn thêm lần, chân đạp lún lút sâu.)

  Đây là sau khi rơi xuống bạn không có cách gì thoát ra được, rơi vào trong vũng lầy. Chúng ta biết điều này vô cùng nguy hiểm. Bởi vì rơi vào trong vũng lầy thì không nhúc nhích được, còn đáng sợ hơn bị rơi xuống nước. Ở dưới nước bạn có thể bơi được, động đậy được, còn ở trong vũng lầy thì không thể nhúc nhích được.

  “Nhược đắc ngộ tri thức thế dữ giảm phụ hoặc toàn dữ phụ, thị tri thức hữu đại lực cố, phục tương phù trợ, khuyến lệnh lao cước nhược đạt bình địa, tu tỉnh ác lộ vô tái kinh lịch”

  (Những người đó hoặc gặp hàng thiện tri thức đội giùm đá bớt cho, hoặc là độ giùm hết cả, vì hàng thiện tri thức đó có sức rất khỏe mạnh lại dìu đỡ người ấy khuyên gắng làm cho người ấy mạnh chân lên. Nếu khi ra khỏi bùn lầy đến chỗ đất bằng phẳng rồi, thời cần phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, đừng có đi vào đó nữa.)

  Từ ví dụ này, chúng ta quay lại bàn luận sự việc. Nếu như người này họ có duyên gặp được thiện tri thức. “Tri thức” mà chỗ này nói chính là Bồ-tát. Có duyên gặp được Phật, Bồ-tát, Phật Bồ-tát giúp đỡ bạn, điều này là nói từ ví dụ, hoặc là giúp đỡ bạn, giảm bớt gánh nặng cho bạn, hoặc là hoàn toàn đón nhận hết gánh nặng của bạn. Đây đều là ví dụ, nói vị tri thức này có “sức rất khỏe mạnh”, họ có năng lực, có sức mạnh này. “Sức rất khỏe mạnh” là chỉ cái gì? Trong Phật pháp gọi là ngũ căn, ngũ lực; tín, tấn, niệm, định, tuệ, thiện tri thức là người có sức rất khỏe mạnh này, đến hướng dẫn cho bạn, giúp đỡ bạn.

 “Khuyến lệnh lao cước.” (Khuyên gắng làm cho người ấy mạnh chân lên)

  Khuyên bạn đứng vững. Điều kiện để gặp thiện tri thức chính là có thiện tâm, thiện niệm. Trong Phật pháp Đại Thừa thường nói: “Trong cửa Phật, không bỏ rơi người nào cả.” Cho nên nếu thiện tâm, thiện niệm sinh khởi lên, thì có thể cảm động Phật Bồ-tát, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn. “lao cước” là dụ cho thiện tâm không thối chuyển, tức là chân của bạn đứng vững vàng.

“Nhược đạt bình địa” (Giống như đến chỗ đất bằng phẳng rồi.)

  “Bình địa” chính là siêu sanh. Là dụ cho hai cõi nhân thiên. Đại sư Thiên Thai giảng giải cho chúng ta biết thập pháp giới, Ngài nói rất khéo léo tài tình, triển khai thập pháp giới thành một trăm pháp giới. Trong mỗi một pháp giới đều có đầy đủ mười pháp giới, cho nên gọi là bách giới. Trong “Kinh Pháp Hoa” nói, mỗi pháp giới có thập như thị, trăm pháp giới có nghìn như thị. Tông Thiên Thai gọi là trăm pháp giới, nghìn như thị. Bách giới thiên như là nói chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Chúng ta ngày nay ở pháp giới người, trong pháp giới người có mười pháp giới. Như lời Phật dạy, chúng ta khởi tâm động niệm tương ưng với tự tánh bình đẳng, thì chúng ta chính là pháp giới Phật, khởi tâm động niệm tương ưng với lục độ, thì chúng ta chính là pháp giới Bồ-tát. Cho nên khởi tâm động niệm đều là tham sân si mạn, đây là pháp giới của ba ác đạo. Tuy hiện nay chúng ta vẫn còn ở cõi người, nhưng việc bạn tạo tác là nghiệp nhân của ba ác đạo, tương lai chắc chắn sẽ vào ba đường ác. Điều này là giống như chúng ta hiện nay đã bị rơi bào trong vũng bùn vậy. Gặp được thiện tri thức, gặp được Phật, Bồ-tát, Phật, Bồ-tát nói ra chân tướng sự thật này, chúng ta giác ngộ rồi. Giác ngộ rồi thì mau mau quay đầu, chân bước vững vàng, khởi tâm động niệm tất cả tạo tác, nhất định phải tương ưng với ngũ giới, thập thiện, tứ vô lượng tâm, đây chính là chân vững vàng, đây chính là đi trên đất bằng phẳng. Hai câu nói sau cùng này nói rất hay:

  “Tu tỉnh ác lộ, vô tái kinh lịch” (Thời cần phải xét nghĩ đến con đường hiểm xấu ấy, đừng có đi vào đó nữa.)

 “Ác lộ” là con đường đi đến cõi ác, tức là tham sân si mạn, đây là con đường đi đến cõi ác, không nên đi lại nữa. Nếu đi lại nữa thì không ai có thể giúp được. Khởi tâm động niệm có thể tương ưng với A-Di-Đà Phật, đây là con đường thành Phật. Làm thế nào mới có thể tương ưng với A-Di-Đà Phật? Dùng tâm bình đẳng niệm câu Phật hiệu này là tương ưng ngay. Tâm bình đẳng chính là tâm thanh tịnh. Cho nên đường chủ của niệm Phật đường thường hay nhắc nhở mọi người buông xả vạn duyên, buông xả thân tâm thế giới. Trong thế gian này người tốt cũng có, người xấu cũng có, tất cả đều không liên quan gì đến ta. Ta thấy như mù, nghe như điếc, chỉ dùng một tâm thanh tịnh bình đẳng để niệm A-Di-Đà Phật. Như thế con đường bạn đi là con đường thành Phật, nhất định không bị cảnh giới bên ngoài ảnh hưởng, là bạn thành công rồi. “Kinh Hoa Nghiêm” thật sự là pháp bảo vô thượng. Chúng ta xem thấy trong “Kinh Hoa Nghiêm” đủ thứ hiện tượng trong thế gian đều là do chư Phật Như-lai biến hiện ra. Có phải là thật hay không? Hoàn toàn là thật, không giả chút nào cả. Cho nên chúng ta đối với mọi người, mọi sự, mọi vật, dùng tâm gì để nhìn vậy? Nhìn bằng tâm thanh tịnh, bình đẳng, tất cả đều là chư Phật Bồ-tát thị hiện, phàm phu chỉ có mỗi mình ta, chỉ một mình ta là phàm phu. Lời nói này rất có đạo lý. Khẳng định là chư Phật Như-lai thị hiện, tại sao có thể khẳng định như vậy? Trong “Hoa Nghiêm” nói “Duy tâm sở hiện”. Tâm chính là chân như bản tánh, tâm chính là pháp thân viên mãn. Trong kinh mọi người thường hay niệm là “thanh tịnh pháp thân”. Thanh tịnh pháp thân biến hiện ra cảnh giới. Đây chính là chư Phật Như-lai ứng hóa, cần dùng thân gì độ được, các Ngài liền hiện thân ấy. Cho nên hết thảy thị hiện là để độ mỗi một mình ta. Đến khi nào ta hiểu rõ, giác ngộ trở lại rồi, nhìn thấy chúng sanh trên đại địa thảy đều là chư Phật Như-lai, như thế thì mình thành Phật rồi. Mắt Phật nhìn tất cả chúng sanh đều là Phật, mắt Bồ-tát nhìn chúng sanh đều là Bồ-tát, mắt phàm phu nhìn chư Phật Bồ-tát đều là phàm phu. Trong “Hoa Nghiêm” nói: “Một tức tất cả, tất cả tức một”. Bạn hôm nay khởi lên ý nghĩ gì, thì bạn chính là ở pháp giới đó. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ sự thật này, mới biết mình cần phải tu như thế nào, làm thế nào thành tựu Bồ đề vô thượng của mình. Đây là phương pháp tuyệt diệu để tu hành chứng quả. Khiến cho mình ở trong tất cả cảnh duyên, thật sự thành tựu tâm thanh tịnh, thật sự thành tựu bình đẳng giác. Cho nên đủ dạng thị hiện, đủ thứ tạo tác của tất cả chúng sanh chúng ta không nên để ở trong tâm, nên biết mình cần phải làm như thế nào. Chúng ta biết đủ dạng thị hiện đều là để độ mình, đều là khiến cho cái tâm này của mình bình ổn lại ở trong cảnh giới. Chúng ta nhìn thấy bất bình, thế là bản thân chúng ta vẫn còn phiền não, vẫn còn tập khí, vẫn còn vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, là lỗi ở mình. Tất cả mọi cảnh duyên, sau khi chúng ta tiếp xúc rồi, tâm là bình tĩnh, không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vào lúc này bạn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài sẽ sinh trí tuệ, thanh tịnh, bình đẳng, giác hiện tiền.

  “Tu tỉnh ác lộ, vô tái kinh lịch.” Tám chữ này là hết lòng đắng miệng rồi, chúng ta cần phải thể hội cho được. Xem tiếp kinh văn dưới đây:

  “Thế Tôn tập ác chúng sanh, tùng tiêm hào gian tiện chí vô lượng.” (Bạch đức Thế Tôn! Những chúng sanh quen thói ác, bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng.)

  “Tập” là tập tánh. Người bình thường chúng ta gọi là thói quen. Tập khí từ vô thủy kiếp đến nay, tập khí ác nhiều, còn tập khí thiện thì ít. Nếu như tập khí thiện nhiều, họ khởi tâm động niệm, tất cả tạo tác tự nhiên sẽ tương ưng với thiện. Tại sao tất cả tạo tác của chúng ta tương ưng với ác vậy? Là tập khí ác quá nặng. Khởi tâm động niệm: “Tùng tiêm hào gian tiện chí vô lượng.” (Bắt đầu từ mảy mún rồi lần đến nhiều vô lượng.) Đây là bị duyên ác bên ngoài ảnh hưởng. Trong chú giải của Ngài cũng chú giải rất hay, ác tập là chỉ cho hạt giống, tập ác là chỉ cho hiện hành. Cách nói này cũng rất hay, trong chúng ta có hạt giống ác tập, tập khí từ vô thủy kiếp đến nay, gặp phải duyên ác bên ngoài, họ liền khởi hiện hành ngay. Khởi hiện hành liền tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, sự việc này vô cùng đáng sợ. Cho nên đọa lạc vào trong tam đồ ác đạo, thì không dễ gì thoát ra được.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *