KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.
TỔNG CỘNG 102 TẬP
Tập 4
Phật, Bồ-tát giáo hóa chúng sanh, tại sao đặc biệt tán thán pháp môn Tịnh Tông vậy? Ba mục tiêu này thảy đều hàm nhiếp ở trong Pháp môn Tịnh Tông, quả thật mà nói đây là đại viên mãn. Cho nên tất cả chư Phật tán thán Phật A-Di-Đà, tôn ngài là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương” (Tạm dịch: Ánh sáng tôn quý nhất, vua của chư Phật), tức là Ngài giáo hóa chúng sanh, độ chúng sanh, ba mục tiêu đều viên mãn. Hơn nữa, thật sự Tịnh Tông dạy người ta là xây dựng ở trên cơ sở của hiếu kính. Tịnh nghiệp tam phước trong “Quán Kinh”, vừa mở đầu liền dạy chúng ta: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Người trước đây biết, cho nên làm cha mẹ dạy con cái thì việc nào là quan trọng nhất vậy? Tôn sư trọng đạo. Họ không có dạy gì khác. Thầy cô dạy học trò bài học quan trọng đứng đầu chính là hiếu thuận cha mẹ. Cho nên trẻ con từ nhỏ tiếp nhận cách giáo dục này. Thiếu thành nhược thiên tánh. (Tạm dịch: Tập thành từ lúc nhỏ, cũng như thiên tính) Truyền bá từ nhỏ, dạy bảo từ nhỏ sẽ bén rễ sâu trong tâm địa, trong a-lại-da thức của chúng, vĩnh viễn không thay đổi, chúng có thể tận hiếu. Ở trong hiếu bao gồm tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, ở đây không thể nói kỹ. Ở nhà biết hiếu cha mẹ, biết yêu thương anh em, đây chính là đễ. Biết đền ơn quốc gia chính là trung. Cho nên ở trong bát đức: Hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, thì hiếu là gốc rễ, 7 đức còn lại đều là hiếu biểu hiện ở trong các sự tướng khác nhau mà thiết lập danh tướng cho nó. Thực ra chỉ là một chữ “hiếu”. Ở trong Phật pháp, Tam Học, Tứ Nhiếp, Lục Độ, vô lượng vô biên pháp môn đều là một chữ hiếu. Chánh pháp thế gian và xuất thế gian nhất định là thiết lập ở trên cơ sở của đạo hiếu.
Khi xây dựng đạo tràng, đại chúng cùng nhau huân tu, tại sao bộ kinh đầu tiên phải giảng là “Kinh Địa Tạng”? Thiết bị phần cứng của đạo tràng (cơ sở vật chất) xây dựng rồi. Sau khi xây dựng xong phần cứng này, thì cần phải thiết lập phần mềm, tức là xây dựng tâm ở nơi này. Tâm chánh thì hạnh chánh, liền tương ưng với đạo, tương ưng với tâm tánh, tương ưng với chân tướng vũ trụ nhân sinh.
Chỗ đặc biệt thù thắng của “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, là hiếu bắt đầu làm từ chỗ độ mẹ. Trong thế gian người thân mật nhất là mẹ, cha vẫn là đứng nhì. Một đứa bé sinh ra đời, được sự quan tâm, chăm sóc của mẹ, ơn đức đó không có gì sánh bằng. Cho nên nói hiếu thân thì người đầu tiên là mẹ. Ở trong kinh này chúng ta xem thấy Bồ-tát Địa Tạng. Bồ-tát Địa Tạng tức là người tu học pháp môn Địa Tạng này. Bồ-tát Địa Tạng không phải một người. Phàm là người nào tu học hiếu thân tôn sư, thì người này chính là Bồ-tát Địa Tạng. Phàm là người nào tu học từ bi cứu tất cả chúng sanh khổ nạn thì người ấy chính là Bồ-tát Quán Thế Âm. Ý nghĩa này chúng ta phải hiểu. Chúng ta trọn đời phải làm đầy đủ tất cả Bồ-tát mới có thể viên thành Phật đạo, đây chính là ý nghĩa đích thực của pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Chúng ta phải học hạnh hiếu kính của Địa Tạng, phải học hạnh từ bi của Quán Âm, phải học trí tuệ của Văn Thù. “Chúng ta ngày nay nói là lý trí”, phải học thực tiễn của Bồ-tát Phổ Hiền, đây chẳng phải một thân mà đã đầy đủ 4 Bồ-tát lớn sao? 4 Bồ-tát lớn nếu phân chia tiếp chính là vô lượng vô biên tất cả Bồ-tát. Đây gọi là pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Từ chỗ này quý vị cũng có thể thể hội được lời ở trong kinh điển Tịnh Tông, Hoa Nghiêm nói: “Một tức tất cả”. Một pháp môn nhất định hàm nhiếp tất cả pháp môn. Địa Tạng hiếu kính, trong hiếu kinh đương nhiên có từ bi, trong hiếu kính có lý trí, hiếu kính có thực tiễn. Một vị Địa Tạng là đầy đủ Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, chẳng phải thảy đều đầy đủ hết sao? Bồ-tát Phổ Hiền thực tiễn. Ở trong thực tiễn nhất định có hiếu hạnh, nhất định có từ bi, nhất định có trí tuệ, đó không phải một vị Bồ-tát lại đầy đủ tất cả Bồ-tát sao? Cho nên mới nói với bạn: “Một tức tất cả, tất cả tức một” pháp nào cũng viên dung, pháp nào cũng vô ngại, bạn mới thật sự biết Phật pháp là bất khả tư nghì. Cho nên chúng ta ở chỗ này xem thấy Ngài là phát tâm vì mẹ, đây là thân thiết hơn hết. Dạy chúng ta làm sao sinh khởi tâm hiếu thuận? Là độ mẹ. Ơn đức của mẹ đối với chúng ta lớn như vậy, chúng ta bất kể ở nơi nào, vào lúc nào, niệm niệm không quên. Niệm niệm không quên là ở trong tâm. Để báo ơn mẹ, không những chúng ta không được phép làm việc sai, mà ngay cả một niệm ác cũng không được sinh khởi. Tại sao vậy? Có lỗi với mẹ. Đây không phải sự kỳ vọng của mẹ đối với con cái. Mỗi năm cử hành một lần cúng tế đó là đề xướng đạo hiếu, phát triển đạo hiếu, dụng ý là ở chỗ này, là để lợi lạc cho người. Niệm niệm đoạn ác, niệm niệm tu thiện, đây là tâm hiếu với mẹ buộc chúng ta nhất định phải làm như vậy. Bạn nói sức mạnh của chữ hiếu này bao lớn! Thúc đẩy chúng ta luôn tinh tấn không lười biếng trên đường Bồ đề.
Từ chỗ hiếu với mẹ khiến chúng ta liên tưởng đến thầy cô dạy bảo chúng ta. Không có thầy cô, chúng ta làm sao biết được đạo hiếu. Cho nên ơn đức của thầy cô không thể quên. Cụ Phác viết bốn chữ: “Biết ơn báo ơn”. 4 cái chữ này Thế Tôn nói ở trong “Kinh Đại Bát Nhã”, là pháp môn tu học của Bồ-tát nhị địa. Trong “Kinh Đại Bát Nhã” nói Bồ-tát nhị địa có 8 khoa mục tu học chính, biết ơn báo ơn là một khoa trong 8 khoa mục này. Ở thời đại ngày nay đặc biệt đáng đề xướng, xã hội hiện nay người vong ơn bội nghĩa rất nhiều. Vong ơn bội nghĩa là hành vi tội ác, là lỗi lầm, là khổ báo. Biết ơn báo ơn là hành vi chân chánh, hạnh Bồ-tát, quả báo là báo vui, khác nhau. Đại chúng xã hội ngày nay phạm lỗi lầm gì, thì chúng ta phải nhắm vào những sai lầm này mà tiến hành hướng dẫn, giúp đỡ, như vậy là đúng rồi.
Cho nên là phát tâm vì mẹ, vậy là quá thân thiết rồi. Cách giáo dục như vậy khiến chúng ta thể hội được, Thế Tôn có trí tuệ cao độ, trí tuệ viên mãn, cực kỳ phương tiện thiện xảo, phương tiện thiện xảo đạt đến cực điểm, khiến chúng ta nghe thấy, tiếp xúc đến không thể không tin, không thể không học. Toàn bộ tất cả thiện pháp, toàn bộ tất cả thiện hạnh đều là từ hiếu thuận mẹ, cứu độ mẹ mà phát sinh ra, đây đích thực là căn bản. Chánh hạnh của chúng ta trên đường Bồ đề thành tựu càng thù thắng thì sự hiếu kính đối với mẹ càng viên mãn. Cho nên tôi thường nói người làm được cứu cánh viên mãn đạo hiếu chỉ có một người, đó là Phật. Phật quả viên giáo, đây là đạt đến cứu cánh viên mãn. Bồ-tát đẳng giác vẫn còn một phẩm sanh tướng viên mãn chưa phá, nên đạo hiếu vẫn thiếu một phần.
Tại sao chúng ta phải phát tâm độ chúng sanh, tại sao phải phát tâm đoạn phiền não, tại sao phải phát tâm học pháp môn, thành Phật đạo? Để báo ơn mẹ. Chúng ta không làm như vậy là có lỗi với cha mẹ, đặc biệt là mẹ. Chánh giáo, đại pháp của Như-lai được xây dựng ở trên cơ sở này.
Cho nên tứ hoằng thệ nguyện là nguyện chung, là bổn nguyện của tất cả chư Phật Như-lai. Bồ-tát Địa Tạng đặc biệt dùng tâm bi không gì sánh bằng, hướng về chúng sanh thọ khổ. Chúng sanh thọ khổ nạn càng nhiều thì tâm bi của Bồ-tát càng mạnh. Cho nên trong kinh xưng ngài là: “Vĩnh tố U-minh giáo chủ” (Tạm dịch: Vĩnh viễn làm giáo chủ cõi U-minh). U-minh là địa ngục. Thệ nguyện của Bồ-tát: “Địa ngục bất không, thệ bất thành Phật” (Tạm dịch: Địa ngục chưa trống, thề không thành Phật) Tâm bi đã đến cực điểm. Chốn địa ngục khổ nạn này, hầu hết mọi người chẳng chịu đến. Người khác không chịu đến thì ngài đến. Người khác không chịu nếm khổ đau, ngài chịu nếm. Vào địa ngục thì nhất định phải hiện thân cùng loại địa ngục. Không hiện thân cùng loại, làm sao có thể giáo hóa chúng sanh? Phải tu hạnh cùng loại. Chúng sanh địa ngục bị những nỗi khổ đó, Bồ-tát ở trong đó cũng phải thị hiện bị những nỗi khổ đó, không được đặc biệt, không được ngoại lệ, mới có thể cảm hóa được chúng sanh địa ngục giác ngộ, sám hối, quay đầu. Cho nên là nhẫn chịu khổ nạn, đại từ đại bi, đây là bổn nguyện của Bồ-tát Địa Tạng, khiến cho người sơ phát tâm tu học đại thừa chúng ta phải học Bồ-tát Địa Tạng.
Tôi hôm qua gợi ý với quý vị, chữ U-minh còn có ý nghĩa khác là khiêm tốn, khiêm hạ, vĩnh viễn ở dưới người khác, chăm chỉ nỗ lực tu học giáo hóa chúng sanh. Danh vọng lợi dưỡng hết thảy mọi thứ hưởng thụ đều hiến dâng cho người khác, bản thân vĩnh viễn ở vị trí thấp, đây là ý nghĩa của U-minh.
Biệt đề của đề kinh là giới thiệu đến chỗ này. Sau cùng có chữ “Kinh”.
Kinh là thông đề. Tất cả pháp mà chư Phật Như-lai nói, chúng ta đều tôn xưng là “Kinh”. Cách xưng hô này là thuận theo thói quen của người Trung Quốc. Trước khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, người Trung Quốc đối với lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền đều gọi đó là “kinh”. Như Nho gia có “Thập Tam Kinh”, Đạo gia của Lão Tử tôn xưng là “Đạo Đức Kinh”. Trang Tử tôn xưng là “Nam Hoa Kinh”. Đối với lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền đều là xưng hô như vậy. Sau khi Phật pháp truyền đến Trung Quốc, người Trung Quốc tôn kính Phật pháp, nên cũng tôn xưng là kinh giống như vậy. Căn cứ cách giải thích trong kinh điển, nguyên văn tiếng Phạn gọi là “tu-đa-la”. Ý chính của tu-đa-la là tuyến “sợi chỉ”. Bởi vì trước đây kinh Phật là được viết trên lá Bối. Sau khi viết xong dùi lỗ hai bên, dùng dây xâu chung lại, cho nên gọi là tuyến. Người Trung Quốc thấy cách gọi tuyến này không tôn trọng, nên họ tôn xưng là kinh.
Chữ tu-đa-la có một số ý nghĩa, thông thường nói có 5 ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là “Dũng tuyền”(Tạm dịch: suối tuôn trào). Giống như dòng suối tuôn ra từ trong đất vậy. Nghĩa thú Phật nói là vô cùng tận. Chúng ta hiện nay nói là rất có sức lôi cuốn, càng đọc càng thấy thú vị. Không giống như văn tự thế gian. Văn tự thế gian nếu như quý vị xem báo, tạp chí, xem qua một lần thì không muốn xem lần nữa. Tại sao vậy? Một lần là hết thú vị rồi, không còn hứng thú nữa, cái ý vị này rất nhạt, không đậm. Những tác phẩm văn học hay của thế gian mọi người thích xem, thích đọc. Nhưng nếu như đọc đến 10 lần, 20 lần, 30 lần thì không muốn xem nữa. Ý vị của nó đậm hơn nhiều so với báo, tạp chí. Nó có thể khiến cho bạn xem 10 mấy lần, mấy chục lần. Nhưng kinh điển thì khác. Ý vị của kinh điển thì vĩnh viễn không bị suy giảm. Chúng ta có thể làm cuộc so sánh, tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc, 4 cuốn tiểu thuyết lớn: Tây Du Ký, Thủy Hử Truyện, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hồng Lâu Mộng, đây là 4 cuốn tiểu thuyết văn nghệ lớn nổi tiếng của Trung Quốc. Bạn có thể xem bao nhiêu lần? Xem 10 lần, 20 lần là không muốn xem nữa. Xin thưa với qúy vị, tôi đã xem qua 10 mấy hai chục lần rồi, là lúc tôi còn là học sinh. Sách dày như vậy, tôi nói cho quý vị đồng tu biết, cuốn sách này tôi đọc một lần từ đầu đến cuối nhiều nhất là một tuần. Tôi bắt đầu xem tiểu thuyết văn nghệ cổ điển Trung Quốc từ năm lớp 4 tiểu học, tôi xem đến đầu năm cấp hai thì sau đó không xem nữa. Tiểu thuyết này không còn thú vị nữa. Nhưng mà “Tứ Thư” “Ngũ Kinh” “Cổ Văn” bạn đọc từ tiểu học đến khi râu tóc bạc phơ vẫn còn thấy thú vị, vẫn còn say mê thích thú, là khác nhau, thú vị vô cùng. Niềm hứng thú trong kinh Phật thì đậm đà hơn nữa. Nếu như quý vị có thể khế nhập vào trong kinh điển Đại Thừa của Phật, thì sách vở thế gian sẽ không còn muốn xem nữa.
Tôi trước đây lúc mới học, rất có hứng thú về tâm lý học, đã sưu tập không ít sách tâm lý học nổi tiếng trong nước, ngoài nước, chưa xem xong. Về sau tiếp xúc được Phật pháp, tiếp xúc được môn Pháp Tướng Duy Thức của Phật pháp, thì thấy toàn bộ sách tâm lý học trên thế giới nếu sánh với Pháp Tướng Duy Thức thì kém nhau quá xa rồi. Ý vị của Phật pháp đậm đà, giống như nước suối tuôn ra từ lòng đất vậy.
Ý nghĩa thứ hai là “sinh ra”, có thể sinh ra hết thảy thiện pháp vi diệu. Sau khi đọc kinh Phật rồi, tâm của bạn thiện, hạnh của bạn tự nhiên sẽ thiện ngay, đem tánh đức của bạn khơi dẫn ra, cho nên cái thiện này không phải do học mà có.
Ý nghĩa thứ ba là “dây mực”. Dùng cách nói hiện nay để nói, dây mực là tiêu chuẩn, là tiêu chuẩn nhất định, tiêu chuẩn tuyệt đối của chân vọng, tà chánh, đúng sai, thiện ác, lợi hại. Dây mực là ví dụ, có lẽ ở Trung Quốc hiện nay vẫn còn. Thợ mộc cưa cây, dùng cái ống mực kéo một đường mực lấy dấu, sau đó cưa theo đó. Hiện nay người phương Tây đã không còn dùng dụng cụ này nữa. Ý nghĩa của nó là tiêu chuẩn.
Ý nghĩa thứ tư là “Hiển bày”. Nó có thể hiển bày chân lý.
Ý nghĩa thứ 5 là “Kết man”. Kết man chính là xuyên suốt các pháp. Dùng cách nói hiện nay của chúng ta chính là khoa phán, chính là học phân tích chương cú. Tổ chức văn tự của nó từ đầu đến cuối có liên hệ liền mạch với nhau, rành mạch phân minh, là lấy ý nghĩa này. Kết câu văn tự nghiêm chỉnh, thì hệ thống tư tưởng sẽ rất rõ ràng.
Chữ tu-đa-la có 5 ý nghĩa này. Còn có nhiều ý nghĩa, giống như đại sư Thanh Lương đã nói 10 ý nghĩa trong “Kinh Hoa Nghiêm”. “Hoa Nghiêm” là dùng số 10 đại biểu cho viên mãn. Nhưng chúng ta thông thường giải thích ý nghĩa của kinh, phần lớn là dùng 4 chữ “Quán nhiếp thường pháp” để giải thích. Đây là cách giải thích phổ biến, cũng nói rất hay.
Ý nghĩa của “Quán” chính là kết man, chính là xuyên suốt. Tức là Phật thuyết pháp rất có trật tự, rất có thứ lớp, rành mạch phân minh, đây chính là cái học khoa phán. Trong giới học thuật Trung Quốc thời kỳ sau này, có môn học là phân tích chương cú. Thực ra học phân tích chương cú chính là từ học khoa phán của kinh Phật biến chuyển qua. Phật pháp có ảnh hưởng rất sâu đối với giới học thuật Trung Quốc. Ghép âm cũng là học được từ chữ cái trong kinh Hoa Nghiêm. Đây là ý nghĩa của chữ quán.
“Nhiếp” nghĩa là nhiếp thọ, nghĩa là dòng suối tuôn ra như vừa mới nói. Ở trong đây ý vị vô cùng, có thể nhiếp thọ nhân tâm, khiến bạn sau khi tiếp xúc đến, đọc đến muốn ngưng mà không được, bạn sẽ vô cùng hứng thú. Nó có sức mạnh như vậy. Vả lại, loại pháp vị này vĩnh viễn không suy giảm, càng thâm nhập càng say mê, đây là điều mà bất kỳ sách vở thế gian nào cũng không thể làm được. Nó có sức hấp dẫn mạnh mẽ như vậy.
“Thường” nghĩa là cách lý luận và phương pháp trong kinh nói vĩnh viễn không thay đổi, vượt qua không gian và thời gian. Vào 3000 năm trước, tuân theo những lý luận, phương pháp này tu học được thành tựu, hiện nay 3000 năm sau người hiện đại dùng phương pháp này, dùng lý luận này cũng có thể thành tựu y như vậy, là vượt qua thời gian. Vào thời xưa người Ấn Độ dùng phương pháp này có thể thành tựu, hiện nay người Trung Quốc dùng phương pháp này cũng có thể thành tựu, là vượt qua không gian. Tác phẩm vượt qua không gian thời gian, đây là chân lý. “Pháp” là phép tắc, quy củ. Dựa theo phương pháp này tu hành, bạn chắc chắn thành công. Kinh điển có đầy đủ 4 ý nghĩa: Quán, nhiếp, thường, pháp.
Đề kinh chúng ta chỉ giới thiệu đến chỗ này. Đề mục của kinh hợp chung lại là: “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”. Chúng ta dựa theo phương pháp, lý luận của bộ kinh điển này mà tu học, để thành tựu pháp môn Địa Tạng của mình. Dùng cái này làm cơ sở, mới có thể thiết lập tất cả Phật pháp Đại Thừa, thiết lập Phật pháp Tịnh Độ. Lìa khỏi cơ sở này, xin thưa với quý vị, bất luận Phật pháp gì cũng thảy đều không thể thiết lập được. Tất cả pháp Đại Thừa, pháp môn Tịnh Độ cũng xây dựng ở trên cơ sở này, lìa khỏi cơ sở này thì không có Phật pháp. Diểm này là quan trọng hơn hết. Cho nên học Phật chân chánh hy vọng mình trong đời này có thể thành tựu thì pháp môn này không thể không coi trọng, không thể không chăm chỉ mà tu học.
Dưới đây chúng ta xem Nhân Đề, chính là người phiên dịch bản kinh này. “Đường Vu Điền Quốc, Tam Tạng sa-môn Thực-Xoa-Nan-Đà dịch” (Tạm Dịch: Sa Môn Thực Xoa Nan Đà, người nước Vu Điền, đời Đường dịch). Trong kinh Phật người phiên dịch là rất quan trọng, cũng là để cho chúng ta sinh khởi tín tâm. Kinh Phật là được phiên dịch qua từ Phạn văn của Ấn Độ, là lời mà Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa còn tại thế nói ra. Nói rõ nó không phải do ngụy tạo, nó không phải do lên đồng hay thần tiên giáng thế viết ra. Những thứ đó không thể khiến người ta sinh tín tâm.
Chuyện lên đồng viết chữ này, lúc tôi còn rất nhỏ, dường như là lúc học tiểu học, ở Phúc Kiến, tôi nhìn thấy tập tục lên đồng viết chữ ở đó rất thịnh. Tôi thấy cách làm đó của họ tôi có thể tin được. Bởi vì người lên đồng, lên đồng ở trên bàn bằng cát, cái đó cũng rất cầu kỳ. Loan bút còn gọi là phù cơ, bút cơ. Họ chạm một cái đầu rồng, khi lưỡi của rồng thè ra, đó chính là cán bút, dùng một cái nia nhỏ, cũng trang hoàng rất đẹp. Người lên đồng phần lớn là tìm những người gánh nước, bán củi ở trên đường. Vào lúc đó trước thời kháng chiến, thông thường trong nhà người ta không có nước máy, phải mua nước, có người chuyên gánh nước để bán. Những người này không biết chữ. Có người bán củi, chưa từng đi học, không biết chữ. Tìm bất cứ người nào ở ngoài đường này đến, mời họ vào cầm cơ. Họ viết chữ trên bàn cát, chúng tôi ở bên cạnh cũng nhận ra được, họ viết chữ rất ngay ngắn, không có viết ẩu tí nào cả. Từng nét chữ viết ra, đại khái khoảng nửa giờ đến một giờ, có thể viết được mấy chục chữ, người ta chép chữ đó lại. Tôi rất tin chuyện này, bởi vì bản thân họ không biết chữ, đặc biệt là không phải người nào cố định, mà là tìm đến bất kỳ người nào. Tôi rất tin việc này. Còn ở Đài Loan nhìn thấy cách lên đồng đó, thì tôi không tin. Tại sao vậy? Người lên đồng là một người nhất định, người cầm cơ là một người cố định. Vả lại khi bàn cơ vừa chuyển động, cái cơ đó chạy chúng tôi nhìn như thế nào cũng không thể nhìn ra được một chữ nào cả. Hơn nữa chỉ trong vòng nửa giờ miệng họ đọc ra cả một, hai ngàn chữ. Cho nên tôi nhìn thấy cái đó tôi không tin. Đại khái cái đó là ngụy tạo, không phải thật.
Kinh Phật không phải do bút cơ của những quỷ thần viết ra, đích thực là được phiên dịch ra từ Phạn văn Ấn Độ. Cho nên có ghi niên đại phiên dịch, có nơi chốn phiên dịch, có người phiên dịch, đủ để chứng minh tính chân thật của kinh. Người dịch trong cái đề này, triều đại là đại biểu thời gian, đây là đời Đường, thời đại triều Đường. Pháp sư phiên dịch chúng ta cũng phải biết. Vào thời xưa việc dịch kinh không phải do một người làm. Cho nên có dịch trường. Dịch trường là do nhà nước xây dựng, chính là địa điểm dịch kinh. Người tham gia làm việc ở nơi phiên dịch đó rất nhiều. Công việc ở trong đó cũng phân công rất tỉ mỉ. Người dịch là người chịu trách nhiệm của nơi dịch. Giống như họ là viện trưởng của viện dịch kinh. Toàn bộ những sách phiên dịch này đều do họ đứng tên, họ chịu trách nhiệm, là giống như cấp trên ở trong một cơ quan vậy. Làm công việc này có thể là do người cấp dưới của vị đó làm. Trong đây cũng có rất nhiều pháp sư, cư sĩ tham gia công tác dịch kinh. Sau khi kinh dịch xong, dùng tên của vị ấy, do vị ấy chịu trách nhiệm. Cũng giống như tổ chức chính phủ vậy. Cấp trên trong chính phủ, một vị thị trưởng, tất cả những văn kiện, thông báo do thị trưởng ban hành này, đều là do nhân viên, thư ký, trưởng khoa cấp dưới thay ông soạn thảo. Ông xem xong ban hành, ông đóng dấu, ký tên của ông, ông chịu trách nhiệm. Điều này chúng ta nhất định phải biết, không nhất định là do đích thân ông phiên dịch.
Vị pháp sư này ở “Nước Vu Điền”. Vu Điền là Tân Cương hiện nay của chúng ta. Vào đời Đường nó là một quốc gia nhỏ ở Tây Vực. Chỗ này là nói rõ quê quán của pháp sư, sư là người nơi nào, sư xuất hiện ở thời đại nào. Đường là đại biểu cho thời đại. Nước Vu Điền là đại biểu cho quê quán của sư. “Tam Tạng Sa Môn” là đại biểu cho trình độ học vấn của sư. Thông thường gọi là Tam Tạng Pháp Sư. Bản thân Ngài khiêm nhường, không dám xưng pháp sư, mà xưng là Sa Môn. Sa Môn là cách xưng hô rất khiêm nhường. Nếu dùng cách nói hiện nay để nói chính là học trò, là người đang học tập, không dám xưng thầy, xưng là học trò, địa vị là bình đẳng với mọi người, chúng ta là bạn học. “Tam Tạng” đây là nhất định phải ghi lên. Nếu như không thông đạt Tam Tạng thì không có tư cách dịch kinh. Pháp sư dịch kinh nhất định là thông đạt Tam Tạng, mới có tư cách dịch kinh. Tam tạng Kinh, Luật, Luận họ đều thông suốt.
“Sa Môn” là tiếng Phạn. Ấn Độ xưa phàm là người xuất gia đều xưng là Sa Môn, không nhất định phải là Phật giáo. Người xuất gia tu hành trong những tôn giáo khác, giống như Bà La Môn giáo, Du Già, Số Luận, chỉ cần là người xuất gia tu hành đều xưng là Sa Môn. Danh xưng Sa Môn này sau khi truyền đến Trung Quốc thì biến thành từ chuyên gọi cho người xuất gia tu hành Phật giáo. Ý nghĩa của nó là: “siêng tu giới định tuệ, dập tắt tham sân si”, thì bèn xưng là Sa Môn. Đây là cách xưng hô khiêm nhường của pháp sư.
“Thật Xoa Nan Đà”, cũng là do dịch âm từ tiếng Phạn qua. Dịch thành ý nghĩa tiếng Trung Quốc là thích học, yêu thích học tập.
“Dịch” là phiên dịch. Cái này thì không cần nói nhiều nữa.
Đại sư Thật Xoa Nan Đà là người dịch ra bộ kinh này. Pháp sư ở Trung Quốc còn có dịch một bộ nữa là “Bát Thập Hoa Nghiêm” mà hiện nay mọi người hay đọc tụng. 80 quyển “Hoa Nghiêm”, cũng là do đích thân Ngài phiên dịch, cho nên sư rất có cống hiến đối với Phật giáo Trung Quốc. Chúng ta ở nơi đây đọc kinh, đại ơn đại đức của người truyền pháp này, chúng ta cũng không được quên. Nếu không có ngài phiên dịch, thì chúng ta không thể đọc được bộ kinh này. Không có tổ sư đại đức truyền từ đời này qua đời khác thì chúng ta cũng không có duyên nhìn thấy bộ kinh này. Vì vậy chúng ta cần phải có tâm biết ơn đối với tổ sư nhiều đời. Biết ơn nhất định phải báo ơn. Báo ơn thì phải nghiêm túc học tập. Đây mới là “Trên đền bốn ơn nặng” đích thực. Biết báo ơn, thì nhất định “Dưới cứu khổ ba đường”. Cho nên báo ơn, độ khổ là một sự việc. Hạnh báo ơn này của bạn khiến cho chúng sanh sau khi nhìn thấy có thể sinh khởi rung động, có thể giác ngộ, có thể quay đầu, có thể sửa chữa sai lầm, là thu được hiệu quả độ hóa chúng sanh đích thực.
Kinh văn của bản kinh tổng cộng có 13 phẩm. Phẩm thứ nhất là phẩm tựa. Tên của phẩm này là: “Đao Lợi Thiên Cung Thần Thông Phẩm Đệ Nhất”. Ở trong phẩm kinh này, Phật nói rõ cho chúng ta, Phật Thích Ca Mâu Ni biểu diễn cho chúng ta thấy. Ngài ở thế gian này thị hiện tu học, thành đạo, dạy học, đó gọi là chuyển pháp luân, độ chúng sanh. Duyên giáo hóa chúng sanh khi sắp đến lúc kết thúc, thì Phật Thích Ca Mâu Ni phải thị hiện diệt độ. Trước khi diệt độ đã đặc biệt vì chúng ta thị hiện báo ơn mẹ. Chúng ta xem thấy ở trong kinh, sau khi Thế Tôn ra đời, thì mẹ của ngài liền qua đời. Mẹ ngài sinh lên cõi trời Đao Lợi. Nên ngài nhất định phải đến cung trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ, và đã trụ ở Trời Đao Lợi 3 tháng. Thuyết pháp cho mẫu thân nghe, chính là thuyết bộ “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” này. Pháp hội lần này ở cung trời Đao Lợi vô cùng vô cùng thù thắng. Thế Tôn vì chúng ta nói ra những nhân, duyên công án độ mẫu thân trong nhân địa quá khứ của Bồ-tát Địa Tạng. Chúng ta thông thường gọi là câu chuyện. Hy vọng chúng ta sau khi nghe xong có thể xúc động, học tập, noi theo Bồ-tát Địa Tạng, đặt nền tảng vững chắc cho tu học Đại Thừa. Đây là nghĩa thú của phẩm kinh này. Bây giờ chúng ta xem kinh văn.
Kinh văn vừa mở đầu: “Như thị ngã văn: Nhất thời Phật tại Đao Lợi Thiên, vị mẫu thuyết pháp”.
Ở đây có một chút khác so với mở đầu của những kinh điển khác. Như thị ngã văn, bốn chữ này giảng đơn giản, là do người kết tập kinh điển nói, là do tôn giả A Nan nói ra. “Như thị” bộ “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” này là do “ngã”. Ngã là tôn giả A Nan tự xưng, đích thân nghe Phật nói, chứ không phải nghe kể lại, là đích thân nghe Phật nói. Là giống như lời trưởng giả Lý nói ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, tôn giả A Nan nói lại cho chúng ta bộ kinh này, từng câu từng chữ giống như những gì Phật nói, là lời Phật nói, nhất định không dám xen một mảy may ý của mình vào trong đó. Đây là ý nghĩa của bốn chữ “Như thị ngã văn” này.
“Nhất thời”. Nói thực ra thời gian này là vô cùng vô cùng rõ ràng, là 3 tháng trước khi Phật diệt độ, nhưng vẫn cứ dùng chữ “Nhất thời” là hay. Nhất thời là lúc có cảm ứng đạo giao, lúc thầy trò hợp ý nhau. Cho nên ý nghĩa của chữ nhất thời là vô cùng sâu đậm, vô cùng viên mãn. Nếu như ghi năm, tháng, ngày, giờ thì pháp môn này coi như là quá khứ rồi, không thể trở lại. Nhất thời là từ sống động, nó không phải từ chết cứng. Giống như trước đây đại sư Trí Giả tông Thiên Thai đọc “Kinh Pháp Hoa”, trong khi vô tình Ngài nhập định, ở trong định Ngài nhìn thấy Phật Thích Ca Mâu Ni giảng “Kinh Pháp Hoa” ở núi Linh Thứu, Ngài còn ngồi lại nơi đó nghe một lát. Sau khi xuất định nói với người khác rằng, pháp hội Thế Tôn giảng “Kinh Pháp Hoa” ở núi Linh Thứu vẫn chưa giải tán, là sự thật. Là giống như lời Thế Tôn nói ở trong “Pháp Hoa”, “Thế gian tướng thường trụ”. Cận đại Einstein cũng nói, quá khứ, hiện tại, vị lai tồn tại đồng thời. Hiện nay vấn đề ở chỗ nào vậy? Chính là thời gian quá khứ với hiện tại và vị lai này làm thế nào đột phá. Hiện nay nhà khoa học biết quá khứ, hiện tại, vị lai là tồn tại đồng thời, không có cách gì đột phá được. Nếu như đột phá được thì bạn có thể quay về quá khứ, cũng có thể tiến bước đến vị lai. Hay nói cách khác, quá khứ vị lai việc gì bạn cũng biết, bạn cũng hiểu rõ. Họ không biết dùng phương pháp gì để đột phá, giống như dùng máy móc khoa học. Trên thực tế Phật pháp chúng ta dùng thiền định, dùng công phu thiền định. Định lực của bạn càng sâu, thì diện đột phá của bạn càng rộng. Vì vậy chúng ta có thể thể hội được thiền định này của đại sư Trí Giả có thể đột phá được 2000 năm. Thời đó của ngài cách chúng ta hiện nay đại khái là khoảng chừng 1400 năm, cách thời Phật Thích Ca Mâu Ni có lẽ là xấp xỉ chưa đến 2000 năm, đại khái khoảng chừng một ngàn bảy, một ngàn tám trăm năm. Ngài có thể đột phá một khoảng thời gian dài như vậy, có thể nhìn thấy Thế Tôn vẫn còn thuyết pháp ở Linh Thứu. Người hiện nay nói là đi ngược thời gian. Ngài có thể quay về quá khứ. Đây là chứng minh nhất thời có đạo vị. Nhất thời là lúc nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn chính là thiền định. Tại sao chúng ta hiện nay không thể đi về quá khứ? Không thể bước đến tương lai vậy? Tâm của chúng ta tạp loạn, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước quá nhiều, cho nên năng lực này bị mất hết. Quý vị nên biết, năng lực này là bản năng, là vốn có. Bản năng vốn có, hiện nay không còn nữa, đây là mất hết rồi. Cho nên Phật dạy chúng ta tu thiền định, pháp môn Tịnh Tông dạy chúng ta niệm Phật, nhất tâm bất loạn.
Bạn đạt được nhất tâm bất loạn, nói thực ra bạn có thể được sự nhất tâm bất loạn thì ba ngàn năm trước với ba ngàn năm sau sẽ không thành vấn đề, bạn chắc chắn biết. Nếu như đạt được lý nhất tâm bất loạn thì việc của quá khứ, vị lai tận hư không khắp pháp giới bạn thảy đều biết cả. Năng lực của bạn là ngang bằng với chư Phật Như-lai. Cho nên “Nhất thời” là chính xác. Đây là điểm đáng để chúng ta tán thán.
Thôi, chúng ta hôm nay chỉ giảng đến chỗ này.
*************
Cẩn dịch: Viên Đạt Cư Sĩ