Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 82

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 82

  Mời xem đoạn kinh văn dưới đây:

  “Nhược vị lai thế trung hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân cúng dường Bồ Tát cập chuyển độc thị kinh, đản y Địa Tạng Bổn Nguyện kinh nhất sự tu hành giả, nhữ dĩ bổn thần lực nhi ủng hộ chi, vật lịnh nhất thiết tai hại cập bất như ý sự triếp văn ư nhĩ, hà huống lịnh thọ.”

  (Này Địa Thần! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào cúng dường Địa-Tạng Bồ Tát cùng đọc tụng kinh điển này, chỉ có thể tu hành theo một việc mà trong kinh ‘Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện’ đã dạy. Thời ông nên dùng thần lực của ông mà ủng hộ người đó, chớ để tất cả sự tai hại cùng sự không vừa ý đến nghe nơi tai, huống nữa là để cho phải chịu.)

  Đoạn văn này chúng ta xem thấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni giao phó việc hộ trì chúng sanh cho địa thần, dặn dò địa thần hộ pháp, hộ trì những người y giáo tu hành. Cửu Hoa là đạo tràng Bồ Tát, là căn cứ của Bồ Tát giáo hóa chúng sanh. Nếu như chúng ta hiểu rõ thì sẽ biết cần phải làm như thế nào. Chúng ta nên phát tâm đến cúng dường, nên phát tâm đến xây dựng Đạo tràng này, khiến cho đạo tràng này rạng rỡ rộng lớn hơn, chúng ta phải giúp đỡ Kiên Lao địa thần, giúp đỡ Bồ Tát Địa Tạng, đem tinh thần của Địa Tạng hoằng dương đến toàn quốc, đến toàn thế giới, thì chúng ta được phước là vô lượng vô biên. Kinh văn giảng đến chỗ này, khiến cho chúng ta có cảm xúc rất sâu sắc, sau khi đức Thế Tôn diệt độ, đức Phật kế tiếp là Phật Di Lặc, trước khi Ngài còn chưa xuất hiện ở thế giới này, trong khoảng này có một đoạn thời gian rất dài. Trong “Kinh Di Lặc Hạ Sanh” đức Phật đã nói cho chúng ta biết, dùng niên đại của thế gian chúng ta để tính, có lẽ là hơn 5,6 tỉ năm nữa. Trong khoảng thời gian dài như vậy không có Phật ra đời, không có người giáo hóa chúng sanh. Chúng sanh không nghe được thiện pháp, cứ theo tham, sân, si, mạn của mình mà tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, cảm thọ khổ báo, vậy là khổ không thể tả. Thế Tôn đại từ đại bi đem việc giáo hóa chúng sanh phó thác cho Bồ Tát Địa Tạng. Hay nói cách khác, khi đức Phật không trụ thế, thì Bồ Tát Địa Tạng là người thay thế cho đức Phật, nên địa vị của Bồ Tát không giống như địa vị của những Bồ Tát khác. Đúng như lời Kiên Lao địa thần nói ở phía trước, những vị đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm này cũng vô cùng từ bi độ hóa chúng sanh, nhưng Thế Tôn không có đem cái khoảng thời gian không có Phật xuất hiện này phó thác cho họ, không có. Ngài đem việc lớn này đặc biệt phó thác cho Bồ Tát Địa Tạng. Chúng ta thử nghĩ xem nguyên nhân là ở chỗ nào? Cần phải khéo nhận ra. Nơi không có Phật pháp, chúng sanh quen tạo tác tội nghiệp. Làm thế nào mới có thể cứu độ những chúng sanh này tránh khỏi, không bị đọa ba ác đạo. Mọi người thử nghĩ xem dùng phương pháp gì để dạy? Phương pháp có thể cứu vãn không có gì bằng “Hiếu kính”. Đây là chúng sanh tạo tác nghiệp ác, nếu như bạn khuyên bảo họ, họ cũng có thể tiếp nhận. Giúp đỡ mọi người phải thiết lập từ tâm lý. Địa là tâm địa. Tạng là trí tuệ, đức năng chân thật hàm chứa ở trong tâm địa, kho báu tâm địa. Cho nên pháp môn này đối với chúng sanh trong khoảng thời gian 5,6 tỉ năm này, thì pháp môn này là khế hợp căn cơ nhất đối với những chúng sanh trong khoảng thời gian này. Cho nên nói là muốn giúp đỡ chúng sanh, cứu tế chúng sanh tránh bị đọa ác đạo, thì bộ kinh này là kinh cứu mạng, là dạy chúng ta ở hai cõi trời người đứng vững trên đôi chân, không bị mất thân người, không bị đọa ác đạo. Công đức, lợi ích vô cùng thù thắng của kinh điển này là ở chỗ này. Lấy cái này làm cơ sở, sau đó dùng “Kinh Vô Lượng Thọ”, dùng những kinh luận vãng sanh này, giúp bạn thoát khỏi lục đạo luân hồi, thoát khỏi thập pháp giới, chỉ trong một đời làm Phật, làm tổ. Đây là pháp môn bất nhị để Phật độ chúng sanh ở thời kỳ mạt pháp. Nhưng mà mạt pháp cũng chỉ còn chín nghìn năm. Sau chín nghìn năm thì kinh không còn nữa, chúng sanh rất khổ, hoàn toàn phải dựa vào Bồ Tát Địa Tạng thị hiện. Vậy thì không phải Phật thuyết “Kinh Địa Tạng”, Bồ Tát Địa Tạng muốn giúp đỡ tất cả chúng sanh. Chúng ta có thể tưởng tượng được, Bồ Tát Địa Tạng nhất định là khuyên tất cả chúng sanh đoạn thập ác, tu thập thiện, hiếu kính cha mẹ, tôn kính thầy tổ, như vậy mới tránh khỏi bị đọa ác đạo. Cho nên pháp môn bổn nguyện Địa Tạng đối với bất kỳ người nào trong chúng ta cũng là vô cùng quan trọng, cũng vô cùng thân thiết, chúng ta cần phải phát tâm chăm chỉ tu học, chăm chỉ tuyên dương. Trong kinh văn ở chỗ này chữ quan trọng là “Cúng dường” và “chuyển độc”. “Đản y Địa Tạng Bổn Nguyện kinh nhất sự tu hành giả.” (Chỉ có thể tu hành theo một việc mà trong kinh ‘Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện’ đã dạy.) Đây là dạy chúng ta chuyên tu chuyên hoằng. Trong chú giải trích dẫn lời đức Phật nói: “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện dã” (Chế tâm vào một chỗ thì chẳng có việc gì mà không thành.) Cái quý báu nhất trong pháp thế gian và xuất thế gian là nhất tâm. Chuyên tinh thì không có gì không thành tựu. Điều đáng sợ nhất là phân tâm, học quá nhiều, học quá xen tạp thì không có cách gì thành tựu được. Không những là Phật pháp, mà ngay cả pháp pháp thế gian thành tựu cũng rất khó khăn. Pháp thế gian có nghiệp nhân quả báo của pháp thế gian. Phật pháp muốn thành tựu phải hoàn toàn dựa vào tinh tấn. Trong kinh luận đức Phật thường nói, thiện căn của pháp thế gian có ba loại là; không tham, không sân, không si, là ba thiện căn này. Thiện căn của pháp xuất thế gian chỉ có một loại là “Tinh tấn”. Tinh là chuyên nhất, thuần chứ không xen tạp. “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” (Chế tâm một chỗ thì chẳng có việc gì mà không thành tựu.) Bạn có thể thành tựu. Lúc tôi mới học Phật pháp, tôi vừa xuất gia liền đi dạy viện Phật học, tôi chưa từng làm học sinh. Lúc tôi dạy ở viện Phật học, tôi có một ý tưởng muốn kiến nghị với người phụ trách viện Phật học. Tôi hy vọng viện Phật học có một phương thức tốt, để cho mỗi học sinh chuyên học một bộ kinh, hoặc giả là một bộ luận. Hy vọng học sinh đem tinh thần, công lực cả đời chuyên chú vào trong một môn này. Không cần học quá nhiều, quá xen tạp, tôi nghĩ như vậy là rất khó thành tựu. Nếu như trong viện Phật học, có một hai trăm người, mỗi người học một bộ kinh, vậy là có một trăm bộ kinh, mỗi bộ kinh đều là chuyên gia. Học “Kinh Địa Tạng” thì cả đời chuyên chú vào “Kinh Địa Tạng”, mỗi ngày chuyên niệm “Kinh Địa Tạng”, chuyên tu hành theo “Kinh Địa Tạng”, chuyên giảng “Kinh Địa Tạng”, vậy người này chính là Bồ Tát Địa Tạng, là chuyên gia, đứng đầu thế giới. Nơi nào muốn mời giảng “Kinh Địa Tạng” thì mời Bồ Tát Địa Tạng đi giảng. Chuyên học “Phẩm Phổ Môn”, thì cả đời chuyên chú vào bộ kinh này, tu hành theo “Phẩm Phổ Môn”, mỗi ngày đọc tụng “Phẩm Phổ Môn”, tuyên giảng “Phẩm Phổ Môn”, vậy người này chính là Bồ Tát Quan Thế Âm, không nên học nhiều, không nên học xen tạp, chỉ học một thứ thôi. Làm chuyên gia, chứ đừng làm thông gia. Thông gia rất khó làm, thông gia nhất định phải là người đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh mới có thể làm được. Phàm phu căn tánh trung hạ chắc chắn là không thể làm được. Nhưng người căn tánh hạ hạ, nếu như họ chuyên tu, chuyên chú vào một môn thì vẫn có thể thành tựu. Tại sao vậy? “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện.” (Chú tâm vào một chỗ thì chẳng có việc gì mà không thành tựu.) Học “Kinh Lăng Nghiêm”, thì chuyên học “Kinh Lăng Nghiêm”, mỗi ngày đọc “Kinh Lăng Nghiêm”, tu hành theo “Kinh Lăng Nghiêm”, chuyên hoằng dương “Kinh Lăng Nghiêm”, vậy người này là vua Thủ Lăng Nghiêm. Vào năm 1977 tôi giảng “Kinh Lăng Nghiêm” tại Hồng Kông, vào lúc đó “Kinh Lăng Nghiêm” dường như là tôi giảng lần thứ bảy. Có một hôm tôi gặp pháp sư Diễn Bồi, pháp sư Diễn Bồi tìm tôi nói: “Thầy là vua Thủ Lăng Nghiêm”. Tuy là chỉ nói vui, nhưng chuyên công chuyên hoằng rất hữu hiệu. Tôi học Lăng Nghiêm dưới hội thầy Lý Bỉnh Nam, tôi học mười năm dưới hội của thầy được năm bộ kinh, mười năm học năm bộ kinh. Bộ thứ nhất là: “Kinh A Nam Vấn Sự Phật Kiết Hung.” Các bạn nhìn thấy bản kinh này của tôi, là bộ kinh tôi học đầu tiên vào năm đó. Bộ thứ hai là “Kinh Phật Thuyết A Di Đà”, bộ thứ ba là “Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm”, bộ thứ tư là “Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”, bộ thứ năm là “Kinh Lăng Nghiêm”, tôi mười năm học năm bộ kinh. Nhưng tôi đem toàn bộ tinh thần sức lực dùng vào trong “Kinh Lăng Nghiêm”. Cho nên “Kinh Lăng Nghiêm” trước sau tổng cộng là tôi giảng bảy lần. Thầy Lý lúc tuổi về chiều, chúng tôi có tám người đồng học phát khởi ý nguyện thỉnh thầy giảng “Hoa Nghiêm”. Nguyên nhân gì phát khởi ý nguyện vậy? Bản thân ông cụ có một lần giảng kinh tại làng Trung Hưng Tân, chúng tôi là chúng thường đi theo, đại khái có vài ba chục người. Ông cụ đến nơi nào chúng tôi những người này cũng đều đi theo cùng. Trong lúc giảng kinh thầy đã từng nói với mọi người thầy sinh tử tự tại, thầy muốn vãng sanh lúc nào là có thể vãng sanh lúc đó, trụ thêm mấy năm cũng chẳng sao. Sau khi chúng tôi nghe xong, trở về bàn tính với các đồng học, thầy đã sinh tử tự tại thì hy vọng thầy có thể thường trụ thế gian. Muốn thầy thường trụ thế gian dùng cách gì bây giờ? Ông cụ trụ thế không có gì khác là giảng kinh. Suy nghĩ thấy “Kinh Hoa Nghiêm” rất dài, bèn tìm một bộ kinh dài để cho thầy giảng, nếu Thầy chưa giảng xong thì không thể nào ra đi được. Cho nên tám người liên kết với nhau thỉnh thầy giảng “Kinh Hoa Nghiêm”. Tôi còn cúng dường thầy một bộ “Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao”, bản “Sớ Sao” đó là đóng bìa bằng dây chỉ, do hội Kinh Hoa Nghiêm Thượng Hải in. Bộ này gồm có bốn mươi tập, tôi đem bộ “Sớ Sao” này tặng cho thầy. Thầy còn đặc biệt nói với tôi, bản “Sớ Sao” tôi phải đánh dấu ở trên đó. Tôi nói, không sao cả, con đã cúng dường thầy, thầy thích đánh dấu như thế nào thì tùy ý thầy. Lúc đó thầy Lý cũng dự tính dùng thời gian khoảng ba tháng sẽ giảng xong “Kinh Hoa Nghiêm”. Mỗi tuần thầy giảng một lần, hơn nữa còn có phiên dịch sang tiếng Đài Loan, tiến độ vô cùng chậm chạp. Lúc tôi ở Đài Trung cũng nghe được một quyển. Tám mươi quyển nghe thầy mở đầu như thế nào. Vì mở đầu rất khó giảng, xem thầy mở đầu như thế nào. Sau khi nghe xong quyển này rồi, tôi đến Đài Bắc cũng giảng “Hoa Nghiêm”. Tiến độ tôi giảng nhanh hơn thầy, tôi giảng tỉ mỉ hơn thầy, dùng thời gian nhiều hơn thầy. Thầy giảng được một nửa thì vãng sanh rồi. Việc này cũng có nhân duyên đặc biệt, vốn dĩ thầy đã từng nói, giảng “Kinh Hoa Nghiêm” viên mãn, cuối cùng giảng tiếp bộ “Kinh A Di Đà” thì thầy sẽ vãng sanh. Tôi căn cứ theo tiến độ của thầy để tính, thì chí ít thầy phải sống đến một trăm ba chục tuổi, thầy mới giảng xong số kinh này. Năm chín mươi bảy tuổi này thầy đi rồi. Nguyên nhân là gì? Thầy bị ngộ độc thức ăn. Đây là do đồng tu mang đến cúng dường. Thói quen của thầy Lý vô cùng từ bi, nhất định là ăn ngay trước mặt người ta để cho họ sinh tâm hoan hỷ, đây là thói quen của thầy Lý. Sau khi ăn xong thầy cảm thấy lạ, đương nhiên không phải đồng tu hại thầy, đồng tu là thật tâm cúng dường thầy, cúng dường với tâm tốt, với thiện tâm. Nhưng có lẽ là do thức ăn để quá lâu, không sạch sẽ. Nhất là hiện nay ở trong thức ăn có rất nhiều thành phần hóa học, có rất nhiều thứ trong đó chứa chất bảo quản, đối với người tuổi tác cao mà nói, sức đề kháng tương đối suy yếu. Cho nên khi thầy ăn xong, thầy là một thầy thuốc Đông Y rất giỏi. Sau khi ăn xong người ta đi rồi, thầy giải độc, lần thứ nhất giải độc hết, không có ảnh hưởng, chẳng có chuyện gì. Trải qua mấy tháng sau lại gặp một lần nữa, thầy cũng ăn, sau khi ăn xong, sau khi người này đi rồi, thầy tìm thuốc giải độc để uống, thì không kịp nữa, chất độc đó phát tán quá nhanh, lần này thầy bị bệnh ba tháng, thể lực suy sút rất nhanh. Tôi đến Đài Trung để thăm thầy, thầy bèn đưa ra lời cảnh cáo, nói với tôi, dứt khoát không được ăn đồ ăn ở tiệm. Cho nên tôi ở Đài Loan chưa bao giờ đi ăn tiệm. Câu nói này thầy đã nhắc đi nhắc lại với tôi đến mười mấy lần, nên tôi rất ấn tượng. Nói với tôi khi ăn đồ gì cũng nhất định phải cẩn thận. Thức ăn hiện nay, bao bì thì rất đẹp, rất bắt mắt, thực ra không sạch sẽ. Không những khu vực như Đài Loan, Trung Quốc, ở nước Mỹ cũng vậy. Đừng nên cho rằng quốc gia tiên tiến thì thức ăn đều đáng tin cậy, chưa chắc. Những thứ vệ sinh môi trường này của Mỹ không hoàn toàn như ý đâu. Nói tóm lại phải luôn luôn chú ý, cẩn thận. Đây là sự từ bi của thầy Lý. Cho nên thầy đi rồi, nói thực ra cũng là do chúng sanh vô phước. Chúng sanh có phước, thì ông cụ nhất định có thể trụ thế thêm một khoảng thời gian nữa. Cho nên “Kinh Hoa Nghiêm” thầy giảng đến “Phẩm Thập Hồi Hướng”, Phẩm Thập Hồi Hướng giảng xong, tiếp sau đó là “Phẩm Thập Địa”. Phẩm Thập Địa thì chưa giảng. Thập Hồi Hướng giảng xong thì thầy đi rồi. Bộ kinh này giảng viên mãn là tương đối khó khăn. Chúng sanh ở khu vực này có phước báo lớn, chúng sanh ở vùng này có phước báo lớn, thì mới có thể có sự cảm ứng này. Quý vị phải biết, giảng “Kinh Địa Tạng” thì có Kiên Lao địa thần và rất nhiều thần chúng đến hộ trì đạo tràng. Nếu giảng “Kinh Hoa Nghiêm” thì càng không thể nghĩ bàn nữa. Ngày nay đạo tràng Cư Sĩ Lâm thù thắng, người rõ lý biết, bởi vì giảng đại kinh nên được chư Phật hộ niệm, tất cả long thiên, thiện thần đều tập trung hộ trì đạo tràng này, thì đạo tràng đâu có lý nào không hưng vượng? Lại thêm niệm Phật ở niệm Phật đường nữa, nên được Phật Tỳ Nô Giá Na và Phật A Di Đà cùng hộ trì, hiện tượng này bạn tìm ở đâu ra? Thật sự là trăm nghìn muôn kiếp hy hữu khó gặp. Chúng ta may mắn gặp được thắng hội này, duyên này chín muồi tại nơi đây, không thể nghĩ bàn. Chúng ta tin tưởng sâu sắc, nhân duyên thù thắng như thế này tương lai nhất định sẽ chín muồi tại Trung Quốc. Hơn nữa tôi tin rằng thời cơ chín muồi tại Trung Quốc sẽ ngày càng gần. Từ chỗ nào mà biết vậy? Từ trong tin tức truyền đến, người Trung Quốc niệm Phật, niệm “Kinh Vô Lượng Thọ” ngày càng nhiều, đây là dấu hiệu vô cùng tốt lành. Nơi Singapore này là Phật quốc ở Nam Dương, nơi này nhỏ. Nếu Trung Quốc trở thành Phật quốc, thì người trên toàn thế giới có phước. Chúng ta xem thấy ở trong kinh này, Bồ Tát Địa Tạng ở trong nhân địa thuở xưa đã từng làm vua nước nhỏ, bạn của Ngài cũng là vua nước lân cận, hai vị vua này đều là dùng Phật pháp để trị quốc, dùng thập thiện nghiệp đạo giáo hóa nhân dân. Chúng ta xem thấy ở trong kinh, dùng thập thiện nghiệp làm gốc rễ trị quốc, đó là vị vua Bồ Tát, là Như Lai hóa thân. Đây là hết thảy chúng sanh, hết thảy nhân dân thật sự có phước báo, nên cảm ứng được chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát hóa hiện thành người lãnh đạo của quốc gia, đây là việc lớn hy hữu khó gặp. Có lẽ chúng ta ở trong đời này có thể nhìn thấy, người lãnh đạo của quốc gia này là do chư Phật Như Lai thị hiện, một số quan chức ở trong chính phủ là do Bồ Tát thị hiện, là nhân dân có phước. Phần sau cùng của chú giải ở hàng thứ ba, chúng ta hãy bắt đầu đọc từ câu sau cùng này, tôi sẽ đọc cho mọi người nghe: “Kim chuyên độc bất tư nghị khai hiển chi kinh.” (Nay chuyên đọc kinh mở mang trí tuệ hiển bày chân lý chẳng thể nghĩ bàn) Câu nói này quan trọng. Cho nên “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” thật sự mà nói là cùng một loại với “Kinh Vô Lượng Thọ” và “Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm”. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” bạn thấy vừa mở đầu liền nói với chúng ta: “Khai hóa hiển thị chân thực chi tế.” (Khai hóa hiển thị bờ mé chân thật) là cùng một ý nghĩa với “Bất tư nghị khai hiển”, vậy thì “Hoa Nghiêm” là không cần phải nói nữa. Chúng tôi đã giảng bảy mươi buổi tại nơi này rồi, tuy kinh văn giảng không được xem là quá dài, nhưng giảng rất tỉ mỉ, quý vị đều có thể lĩnh hội được, kinh khai mở hiển thị không thể nghĩ bàn. Ba bộ kinh này đều là kinh khai mở hiển bày không thể nghĩ bàn. “Tội đốn tiêu nhi công tốc thành, hà sự đa cầu tạp loạn tâm chí.” (Tội tiêu nhanh mà công chóng thành tựu, việc gì phải mong cầu nhiều khiến cho tạp loạn tâm chí) đây là khuyên chúng ta. Chỉ nương vào một việc trong “Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện” mà tu hành. “Kinh Hoa Nghiêm” lớn, bạn có thể chuyên chú nương vào một phẩm, một chương mà tu hành thì cũng có thể thành tựu công đức không thể nghĩ bàn. “Tội đốn tiêu” (Tội tiêu nhanh) diệt tội nhanh, công đức sẽ thành tựu rất nhanh. “Hà sự đa cầu tạp loạn tâm chí.” (Việc gì phải mong cầu nhiều khiến cho tạp loạn tâm chí.) Hai câu nói này vô cùng quan trọng! Ngày nay chúng ta có bao nhiêu đại đức tại gia, xuất gia trẻ tuổi phát tâm rất dũng mãnh tinh tấn, nhưng đến cuối cùng chẳng có biểu hiện thành tích gì tốt đẹp, là do họ học quá nhiều, tu quá tạp rồi. Kinh nghiệm trong đời này của tôi cho tôi biết, tôi chuyên tu, chuyên hoằng, thâm nhập một môn. Tôi là chuyên nương theo “Kinh A Di Đà.” Lúc về già tuyên giảng “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh Vô Lượng Thọ” là đại bổn của “Kinh A Di Đà”. Trong “Kinh A Di Đà” tôi chuyên công vào yếu giải của Ngẫu Ích Đại Sư và “Sớ Sao” của Liên Trì Đại Sư. Công lực cả đời của tôi dùng vào trong đây. Giảng những kinh luận còn lại là do tiếp nhận lời mời, nhìn thấy không có người giảng. Bởi vì vào lúc đó tôi cần phải học tập kinh nghiệm trên bục giảng. Bạn phát tâm giảng kinh thì kinh nghiệm trên bục giảng là vô cùng quan trọng, không được rời khỏi bục giảng, đây là lời thầy Lý dặn dò trước đây. Thầy có nêu ra ví dụ nói: Khúc bất ly khẩu, quyền bất ly thủ. Khúc là ca hát. Ca hát thì mỗi ngày phải hát, mỗi ngày phải luyện giọng. Người học võ thì mỗi ngày phải luyện tập, ba tháng không luyện tập thì gân cốt xơ cứng. Giảng kinh cũng như vậy, mỗi ngày phải rèn luyện suốt ở trên bục giảng. Cho nên người ta mời tôi giảng kinh gì thì tôi liền giảng kinh ấy, tôi coi đó là cơ hội thực tập, là lấy được kinh nghiệm ở trên bục giảng. Theo ý của tôi mà nói tôi muốn giảng một bộ “Kinh Di Đà” thôi, chứ không muốn giảng bộ kinh thứ hai. Nhưng tôi giảng bộ kinh này mọi người không muốn, họ thích nghe kinh này, kinh nọ nên phải hằng thuận chúng sanh. Từ trong hằng thuận chúng sanh học tùy hỷ công đức. Tùy hỷ công đức là gì? Là kinh nghiệm trên bục giảng, kết pháp duyên với mọi người, thu được kinh nghiệm trên bục giảng, đạo lý là như vậy. Một nhân tố khác nữa là do người giảng kinh quá ít, tôi giảng thêm mấy bộ kinh lưu lại số băng ghi âm, băng ghi hình này cho người hậu học làm tư liệu tham khảo, giúp hàng hậu học, đây cũng là nguyện vọng của tôi. Cho nên tôi giảng không phải là sở học của tôi, sở học của tôi chính là một bộ “Kinh A Di Đà”. Cho nên nói một việc tu hành là vô cùng quan trọng. Thân tâm thế giới tất cả buông xả, ngay cả Phật pháp cũng phải buông xả. Đức Phật dạy chúng ta: “Pháp còn phải xả huống chi phi pháp”. Năm xưa tại nơi này đã giảng qua bộ “Kinh Kim Cang” cũng giảng tương đối tỉ mỉ. Bộ kinh này do hai người là Hàn Quán Trưởng với một vị cư sĩ đồng tu ở nơi đây là Trịnh Anh Lương phát tâm thỉnh mời. Tôi suy nghĩ thấy có một số người niệm Phật, niệm không đúng như pháp, không được thọ dụng, cho nên họ thỉnh mời tôi giảng cũng tốt, để họ nghe qua pháp môn Bát Nhã, giúp họ thấy ra, giúp họ buông xả, sau đó niệm câu Phật hiệu này mới đắc lực. Cho nên dùng phương pháp này để phụ trợ cho công đức niệm Phật. Chúng ta hãy tiếp tục xem tiếp: “Thử tức Nam Nhạc hữu tướng an lạc hạnh dã.” (Đây chính là An Lạc Hạnh hữu tướng của ngài Nam Nhạc) Đó là tông Thiên Thai. “Ngôn tu hành giả vị như thuyết nhi hành, nhược văn nhi bất hành, như thuyết thực sổ bửu, hà tế cơ bần.” (Nói người tu hành thì phải tu hành như đã dạy, nếu nghe mà không thực hiện thì giống như kể chuyện ăn, đếm của báu, chứ nào có giúp gì được cho đói nghèo.) “Nhan vân: Thuyết đắc nhất trượng, bất như hành đắc nhất thốn, thị chân thực huấn thế ngữ nhĩ.” (Nhan Hồi nói: Nói được một trượng không bằng làm được một tấc, đó mới là giáo huấn chân thật cho người đời.) Mấy câu sau cùng này rất hay, khuyên chúng ta phải thật sự tu hành. Học Phật điều đầu tiên phải xây dựng lòng tin. Chúng ta tin thầy, thầy là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thầy chắc chắn là không lừa dối chúng ta. Tin chắc rằng thầy luôn chỉ dạy chân thành, từ bi, sau đó phải hiểu được ý thầy chỉ dạy, phải hiểu được ý nghĩa của lời dạy đó. Sau khi hiểu nghĩa rồi phải chăm chỉ làm, y giáo phụng hành, như vậy mới có thể được lợi ích chân thật. Xem tiếp đoạn kinh văn dưới đây:

  “Nhữ dĩ bổn thần lực nhi ủng hộ chi, vật lịnh nhất thiết tai hại cập bất như ý sự triếp văn ư nhĩ, hà huống lịnh thọ.”

  (Thời ông nên dùng thần lực của ông mà ủng hộ người đó, chớ để tất cả sự tai hại cùng sự không vừa ýđến nghe nơi tai, huống nữa là để cho phải chịu.)

  Đây là lời Thế Tôn nói với Kiên Lao Địa Thần. “Nhữ dĩ” (Ông dùng) “Nhữ” là chỉ Kiên Lao Địa Thần. “Nhữ dĩ bổn thần lực nhi ủng hộ chi.” (Thời ông nên dùng thần lực của ông mà ủng hộ người đó.) Ủng hộ người một việc tu hành, người chuyên tu chuyên hoằng này, ông dùng thần lực của mình mà ủng hộ người đó. Người thế gian chúng ta nói là phù hộ họ, gia trì họ, khiến cho hết thảy tai hại và những việc bất như ý này không đến tai họ, huống chi là chuyện họ thọ nhận? Đương nhiên họ sẽ không gặp phải. Đoạn này là Thế Tôn dặn dò Kiên Lao Địa Thần, khuyên Kiên Lao Địa Thần phải phù hộ những người này, giúp họ thành tựu. Chúng ta cũng đọc qua chú giải một lượt, đoạn này chú giải rất hay: “Sắc địa thần ủng hộ giả” Sắc là người trên nói với người dưới, đây là bảo địa thần. “Dĩ thử thiện tín, nhược Phật hiện tại túc xưng tứ tín. Kim ư diệt hậu khả đương ngũ phẩm.” (Do vậy Thiện Tín, nếu Phật còn tại thế, đáng xưng là bậc đạt Tứ Tín. Nay do Phật đã diệt độ, nên họ có thể đạt được Ngũ Phẩm) Tứ tín và ngũ phẩm đều là tên gọi về địa vị của tông Thiên Thai. Trí Giả Đại Sư của tông Thiên Thai, đây là Như Lai thị hiện, rất nhiều người đều biết, trong Sử Truyện cũng có ghi chép, nói Ngài là Phật Thích Ca Mâu Ni tái lai. Phật Thích Ca Mâu Ni ứng hóa ở Trung Quốc. Chư Phật Bồ Tát tái lai thị hiện là rất nhiều rất nhiều, các Ngài không để lộ thân phận, nên phàm phu chúng ta không nhận ra, không biết. Và Ngài Trí Giả thị hiện, niệm Phật vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, lúc Ngài vãng sanh, học trò của Ngài thỉnh giáo Ngài: Thưa thầy, thầy vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc là ở phẩm vị nào? Trí Giả đại sư rất khiêm tốn, “Bởi do tôi phải lãnh chúng”. Lãnh chúng là gì? Quản lý mọi việc, lo lắng, “Cho nên phẩm vị không cao, vãng sanh địa vị ngũ phẩm”. Địa vị Ngũ phẩm là sanh Phàm Thánh Đồng Cư Độ, đây là thị hiện để dạy chúng ta, vì đại chúng phục vụ, quản lý những nghiệp vụ hành chính này, là hy sinh bản thân, quên mình vì người. Ý chính là nói, nếu như Ngài không lãnh chúng, không quản lý mọi việc, Ngài chỉ có tu hành thanh tịnh, thì phẩm vị cao rồi. Hy sinh phẩm vị của mình để thành tựu cho đại chúng nên công đức là vô lượng vô biên, đây là đại từ đại bi, không mong cầu lợi ích cho mình, hy sinh lợi ích của mình để thành tựu cho mọi người, đây là Bồ Tát. Nhưng ở chỗ này chúng ta phải quan sát tỉ mỉ, sự hy sinh của Ngài là có giới hạn, không phải nói vì quản lý việc đại chúng mà tương lai mình không thể vãng sanh, vẫn phải vào lục đạo luân hồi, vậy thì quá đỗi sai lầm rồi! Ngài vẫn có giới hạn. Nhất định vãng sanh, vãng sanh phẩm vị kém một chút cũng không có sao cả, hy vọng người trong các bạn vãng sanh phẩm vị đều cao hơn tôi. Tôi thấp hơn các bạn thì được! Tôi chắc chắn được sanh. Cho nên Ngài là có giới hạn, chứ không phải không thể vãng sanh, chắc chắn được sanh Tịnh Độ. Cho nên nhất định phải hiểu được ý nghĩa này, không phải nói chỉ chuyên vì người khác, mà bỏ lỡ chuyện vãng sanh tương lai của mình, không phải cái ý nghĩa này. Đây là Trí Giả Đại Sư thị hiện để gợi mở cho chúng ta. Quả vị ngũ phẩm là gì? Chỗ này cũng là nói quả vị Ngũ Phẩm. Người một việc tu hành này, cúng dường, chuyển độc, nương theo kinh, y giáo phụng hành, thâm nhập một môn. Quả vị Ngũ Phẩm của Thiên Thai, thứ nhất là “tùy hỷ”, ở trong tùy hỷ dứt nghi ngờ, dứt tâm tán loạn, chuyên tu, chuyên hoằng. Chuyên là phá tâm tán loạn, tâm thần của họ chuyên chú, họ không tán loạn. Hay nói cách khác, họ ít vọng tưởng. Thứ hai “Đọc tụng”, họ đọc tụng, chuyên đọc một bộ kinh, chuyên học một bộ kinh, họ không xen tạp, giảm bớt ô nhiễm. Thứ ba là “Hoan hỷ thuyết pháp”, phá trừ bỏn xẻn pháp. Người thế gian bỏn xẻn tiền tài. Người học Phật, người xuất gia không có tiền tài. Không có tiền tài nhưng có pháp. Sợ là bỏn xẻn pháp. Bạn có pháp mà không chịu dạy người ta, không chịu truyền cho người ta. Hoan hỷ thuyết pháp để phá trừ bỏn xẻn pháp, đây là chướng ngại, đây là đại phiền não. Thứ tư là “Kiêm hạnh lục độ”, thứ năm là “Chánh hạnh lục độ”. Kiêm hạnh lục độ là gì? Là tự mình tu. Cái lục độ này là tự lợi, không phải đối với người, cho nên gọi là kiêm hạnh, là tự lợi. Bố thí là gì? Bố thí là buông xả. Buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây là bố thí. Loại bố thí này không có lợi ích đối với người khác. Trì giới là mình trong đời sống rất có nề nếp, tự mình dụng công, làm việc có thứ tự, theo khuôn phép, đều vì chính mình. Nhẫn nhục là có tâm nhẫn nại, có tâm nhẫn nại trong tu học, cho nên cái lục độ này hoàn toàn là đối nội, là đối với mình, kiêm hạnh lục độ. Hiệu quả của nó là phá trừ vô minh, tăng trưởng trí tuệ. Chánh hạnh lục độ là giúp đỡ chúng sanh từ trên sự tướng, cho nên khác biệt giữa chánh hạnh lục độ với kiêm hạnh lục độ là ở chỗ này. Bố thí của chánh hạnh là lợi ích chúng sanh, bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy là đối với bên ngoài, đối với người khác, không phải đối với mình. Kiêm hạnh lục độ là đối với mình. Chánh hạnh lục độ là đối với người khác. Cho nên ở trong chánh hạnh phải phá trừ bốn tướng. Giống như trong “Kinh Kim Cang” nói: “Tức tướng ly tướng” (Ngay nơi tướng mà lìa tướng). Không phải không làm, làm rất chăm chỉ, rất nỗ lực, tuy làm mà không dính tướng, ngay trong đây tu: “Không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả”. Trong “Kinh Bát Nhã” nói “Tam luân thể không”. Loại pháp tu học này có cả tự lợi lợi tha. Lãnh chúng tu hành là chánh hạnh lục độ. Nhưng ở trong chánh hạnh lục độ có thể lìa tất cả tướng, thì đó chính là kiêm hạnh lục độ. Chánh hạnh chính là lợi tha, kiêm hạnh là tự lợi. Không dính tướng là tự lợi, có thể phá trừ được vô minh. Dính tướng thì không thể phá trừ vô minh được. Dính tướng thì biến thành phước báo, biến thành pháp môn thế gian, là tu phước. Tu phước như vậy, giống như ngày nay cư sĩ Lý Mộc Nguyên chủ trì Cư Sĩ Lâm, Tịnh Tông Học Hội, nói thực ra là giống như Trí Giả đại sư vậy, nếu như ông dính tướng thì quả báo tương lai là Đại Phạm Thiên Vương. Nếu ông không dính tướng liền đi làm Phật ở Tây Phương rồi. Cái tu này là phước báo chân thật, phước báo lớn. Cho nên công đức tu hành của họ, Tông Thiên Thai nói là giống như “Ngũ đình tâm quán” của Tạng Giáo, cảnh giới gần giống nhau. Ngũ đình tâm quán, sổ tức đình tán. Ý nghĩa của đình tức là dừng. Quán sổ tức là dừng tán loạn. Quán bất tịnh là dừng tâm tham, tham dục. Quán từ bi là dừng sân hận. Quán nhân duyên là dừng ngu si. Niệm Phật là dừng hết thảy nghiệp chướng, cho nên gần giống với cảnh giới của Ngũ Đình Tâm Quán. Trí Giả đại sư nói, Ngài vãng sanh chỉ quả vị Ngũ Phẩm. “Khả đương ngũ phẩm, dĩ độc kinh thị đệ nhị phẩm, cúng dường nãi đệ tứ kiêm hạnh lục độ phẩm.” (Có thể đạt được Ngũ Phẩm, đọc kinh là phẩm thứ nhì, cúng dường cho đến phẩm thứ tư Kiêm Hạnh Lục Độ) Đây là tôi giới thiệu sơ lược qua đại ý của quả vị Ngũ Phẩm với quý vị. Chúng ta xem chú giải xem xuống hàng thứ hai: “Thỉ do nhất niệm tín giải” (Ban đầu là do một niệm tin, hiểu.) Ban đầu người mới học Phật chúng ta tiếp xúc tin, hiểu, sáng tỏ nó, hiểu rõ nó. “Dĩ chí thâm tín quán thành” (Cho đến tin sâu quán thành). Sau khi hiểu rõ rồi, lại có thể thật sự y giáo phụng hành thì niềm tin sẽ sâu thêm. Quán thành là gì? Cách nhìn của chúng ta đối với vũ trụ nhân sinh sẽ thay đổi, dần dần cách nhìn, cách nghĩ của chúng ta sẽ tiến gần đến cách nhìn, cách nghĩ của Như Lai, Bồ Tát, vậy là siêu phàm nhập thánh rồi. Siêu phàm là vượt qua kiến giải của phàm phu, tiếp cận cảnh giới Phật Bồ Tát. Phật, Bồ Tát là người, là giống với cách nghĩ, cách nhìn của chư Phật Bồ Tát. “Đương tri ngũ phẩm quán hạnh vi như Phật.” (Nên biết ngũ phẩm quán hạnh là giống như Phật.) Tuy Ngũ Phẩm quán không cao lắm, phàm phu có thể làm được. Nếu quá cao thì phàm phu không làm được. Ngũ phẩm quán là phàm phu có thể làm được. Loại tâm hạnh này của phàm phu cũng rất giống Phật, gần giống Phật, rất giống Phật. “Cố lệnh ủng hộ dã” (Cho nên ông phải ủng hộ). Cho nên Thế Tôn căn dặn, người một việc tu hành này, tuy họ là phàm phu, nhưng rất gần giống như Phật, là cùng một phương hướng, cùng một mục tiêu với Phật. Cho nên căn dặn Kiên Lao địa thần phải phù hộ họ, phải ủng hộ họ. Hàng sau cùng này, đây là lời trong “Kinh Kim Quang Minh” nói, trang bốn mươi ba, bắt đầu xem câu cuối cùng. “Kiên Lao bạch Phật ngôn:” (Kiên Lao địa thần bạch cùng đức Phật rằng) Đây là lời của Kiên Lao Địa Thần nói, tuy không phải ở trong pháp hội này, không phải ở trong bản kinh, có thể thấy Kiên Lao địa thần phát nguyện, cũng giống như Bồ Tát Địa Tạng vậy, nhiều lần phát nguyện. Ngài nói: “Thuyết pháp tỳ-kheo, tọa pháp tòa thời, ngã thường trú dạ vệ hộ bất ly, ẩn tế kỳ hình tại pháp tòa hạ, đỉnh tải kỳ túc(Tỳ-kheo thuyết pháp, lúc ngồi trên pháp tòa, con thường đêm ngày hộ vệ chẳng rời khỏi, ẩn hình dưới pháp tòa, đầu đội chân tỳ-kheo ấy.) Chúng tôi tin lời của ngài địa thần nói là chân thật, là hiện thực, cho nên thật sự phát tâm thuyết pháp, dùng tâm chân thành thuyết pháp, tâm vô tư thuyết pháp, tâm lợi ích chúng sanh thuyết pháp. Khi bạn ngồi ở trên cái ghế này, thì Kiên Lao địa thần sẽ ở dưới ghế, Địa Thần đang đội bạn trên đầu rất cung kính. Có thể thấy thăng tòa thuyết pháp không phải là chuyện đùa, phải dùng tâm nghiêm túc, không được có một mảy may sơ ý. Bạn sơ ý là bạn có tội với địa thần rồi. Cho nên khi người đăng đàn thuyết pháp mà không đúng như pháp, thì yêu ma quỷ quái vay quanh, đây là đạo lý nhất định. Cho nên ở những chỗ này chúng ta phải đặc biệt lưu ý, phải tin sâu lời Phật dạy. Lời đức Phật dạy câu nào cũng là chân thật. Ý nghĩa của đoạn này rất dài, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *