Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 45

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 45

Xin mời mở bản kinh ra, khoa chú quyển trung, trang 49. Mời xem kinh văn:

  “Hà huống thiện nam tử, thiện nữ nhân tự thư thử kinh hoặc giáo nhân thư, hoặc tự tố họa Bồ-tát hình tượng, nãi chí giáo nhân tố họa, sở thọ quả báo tất hoạch đại lợi.” (Huống nữa là người thiện nam, người thiện nữ nào tự mình biên chép kinh này, hoặc bảo người biên chép, hoặc tự mình đắp vẽ hình tượng của Bồ-tát, cho đến bảo người khác vẽ đắp, người đó khi thọ quả báo chắc đặng nhiều lợi lớn.)

  Phía trước nói là người thân quyến thuộc, bạn bè thân thuộc trước lúc họ lâm chung, dùng tiền của của họ thay họ tu phước, thì họ được phước báo sẽ vô cùng thù thắng. Nếu như trong lúc mình còn khỏe mạnh, có thể tự mình tu phước, như thế đương nhiên quả báo sẽ thù thắng hơn nữa, đoạn này nói về cái lý này. Huống nữa là người thiện nam, người thiện nữ nào. Thư là ghi chép. Vào thời xưa khi kỹ thuật in ấn còn chưa phát minh, thì kinh sách và hình tượng Phật Bồ-tát, phần lớn là ghi chép, thêu vẽ. Chép thêm một bộ kinh thì thế gian sẽ có thêm một bộ kinh, nó có thể làm tăng thượng duyên Phật pháp cho một số chúng sanh, cho nên công đức này lớn vô cùng. Phật không còn trụ thế, Phật pháp có thể trụ lâu dài ở thế gian, nhất định phải dựa vào kinh điển. Kinh điển phải có người hộ trì lưu thông. Lưu thông kinh điển, hộ trì Phật pháp, công đức này thật sự là thuộc hàng đầu thế gian và xuất thế gian. Bởi vì chỉ có Phật pháp mới có thể khiến chúng sanh giác ngộ, có thể khiến chúng sanh phá mê. Phá mê khai ngộ vậy mới có thể được vô lượng phước báo. Đức Phật thành thật nói với chúng ta, phước báo chân thật của tất cả chúng sanh là vốn đầy đủ trong tự tánh. Nhưng nếu bạn không giác ngộ, tự tánh của bạn bị che đậy. Tuy có phước báo, là giống như kho báu vậy, giấu kỹ trong núi sâu, vùi sâu dưới lòng đất, tuy có đó mà bạn không sử dụng được. Nhà của bạn được xây dựng ở trên mỏ vàng, bên dưới là mỏ vàng vô tận, bạn chưa có khai thác, bạn vẫn phải chịu quả báo nghèo khổ, vì bạn không thể sử dụng được. Cho nên Phật pháp là dạy người ta khai trí tuệ, khai thác kho báu trong tự tánh của bạn ra, thì phước báo đó là không có cùng tận. Trong Phật pháp dạy người ta tu phước. Tu phước là nguyên nhân gì vậy? Do bạn chưa có kiến tánh. Chưa có kiến tánh muốn hưởng được phước báo, phải làm thế nào? Chỉ có dựa vào tu. Cho nên phước do tu này, có được phước này không phải phước trong tự tánh. Phước trong tự tánh mới là không có cùng tận. Giống như chúng ta ở trong kinh Tịnh Độ xem thấy thế giới cực lạc của Phật A-Di-Đà, đó là phước báo của tự tánh. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói đến thế giới Hoa Tạng của Phật Tỳ Lô Giá Na cũng là phước báo của tự tánh. Quý vị phải hiểu rõ, nếu như chúng ta khai ngộ, phá mê khai ngộ, minh tâm kiến tánh, thì cảnh giới như thế giới Hoa Tạng, như thế giới Cực lạc, y chánh trang nghiêm sẽ hiện tiền. Đương nhiên nói thì dễ, nhưng khi thật sự làm sẽ rất khó khăn. Trước khi chúng ta chưa có kiến tánh muốn hưởng được phước, phương pháp duy nhất phải dựa vào tu. Bạn tu được nhiều thì phước báo của bạn sẽ lớn, bạn tu được ít thì phước báo của bạn sẽ nhỏ. Và tu phước ở trong cửa Phật là thù thắng nhất. Nhưng ở chỗ này chúng ta phải có trí tuệ biện biệt, cửa Phật Thế Tôn ở trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói đến thời kỳ mạt pháp của chúng ta là: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sống Hằng”. Đây chính là nhắc nhở chúng ta trong thời kỳ này có Phật pháp giả, có Phật pháp giả mạo. Phật pháp giả, Phật pháp giả mạo, gieo phước ở trong đây rất khó khăn, không phải nói không có, nói trên lý luận là có. Nhưng bạn không thể dùng được, chỉ là gieo hạt giống vào trong a-lại-da thức, đến khi nào có thể hưởng thụ được, quá khó! Trong kinh có ví dụ nói, sau vô lượng kiếp mới hưởng thụ được. Nếu như chúng ta gieo phước, hiện tiền có thể hưởng thụ được, thì bạn phải nhận thức rõ ràng đó là Phật pháp thật, là đạo tràng Phật pháp thật, có đại chúng tu hành chân chánh. Bất kể là chúng xuất gia hay chúng tại gia, thật sự có tu hành thì cúng dường này sẽ được phước. Cho nên mọi người cũng không nên có thành kiến, nhất định phải là chúng xuất gia thì chúng ta mới cung kính đối với họ, còn chúng tại gia thì kém hơn một bậc. Thế gian luôn luôn có loại phân biệt sai lầm này. Nhất định phải biết trong đồng tu tại gia, cũng có người tu rất tốt. Chư Phật, Bồ-tát thị hiện thân phận tại gia rất nhiều, đạo lý này nhất định phải biết. Phàm là người tốt, người thiện, người hiền nào có sức ảnh hưởng giáo hóa nhất định đối với xã hội, đối với địa phương, đối với phong tục chúng ta đều phải nên cúng dường, đều phải nên học tập theo họ, như vậy mới đúng. Mình chịu chép kinh, hiện nay không cần chép kinh nữa, hiện nay kỹ thuật in ấn phát triển, khoa học kỹ thuật phát triển, hiện nay in kinh là tốt. Chúng ta chọn bản kinh nào hay, bản chú giải nào hay, in ấn lưu thông với số lượng lớn. Cho nên hiện nay tu phước quả thật thuận tiện hơn so với người xưa. Người hiện nay tu phước quả báo không bằng người xưa, đó là có nhân tố khác. Nhân tố này là gì? Tâm không có thành kính như người xưa, không có cung kính bằng người xưa, không có khẩn thiết bằng người xưa. Làm việc nhiều hơn người xưa, nhưng được phước thì ít hơn. Đây chính là lời pháp sư Ấn Quang nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích.” Hiện nay việc chúng ta làm nhiều hơn gấp trăm, gấp nghìn lần người xưa, nhưng được phước thì không bằng người xưa. Đó là do lòng thành kính của người xưa có một trăm phần, còn thành kính của chúng ta hiện nay chỉ có một vài phần, cho nên phải hiểu được đạo lý này. Nếu như chúng ta có lòng thành kính giống như người xưa, thì hiện nay tu phước, chắc chắn hơn gấp trăm gấp nghìn lần người xưa, phước báo bạn được cũng là gấp trăm gấp nghìn lần, điều này không thể không biết, vì vậy đã bỏ lỡ có rất nhiều cơ hội ngay trước mắt, điều đó thật sự đáng tiếc! Đây là nói lưu thông kinh điển.

  Bên dưới là nói đắp nặn tượng Phật. Hiện nay đắp nặn hình tượng Phật Bồ-tát rất thuận tiện. Hiện nay có thể làm khuôn, làm khuôn xong rồi có thể đúc ra đến mấy nghìn, mấy chục nghìn bức tượng Phật, giá thành thấp. Hiện nay là cơ giới hóa, trước đây là thủ công mỹ nghệ. Nếu như tranh vẽ, thì in sẽ thuận tiện hơn nữa. Cho nên phải biết chúng ta làm sao có thể có được tâm chân thành cung kính, tâm khẩn thiết lợi ích chúng sanh giống như đại đức xưa thì bạn mới có thể được lợi ích lớn.

  “Sở thọ quả báo, tất hoạch đại lợi” (Người đó khi thọ quả báo chắc đặng nhiều lợi lớn.)

 Chúng ta tự mình làm, và dạy người khác làm. Nếu như mình không có nhân duyên, không có đủ điều kiện thì chúng ta khuyên người khác làm, lợi ích đều là rất lớn.

  Chúng ta mở bản chú giải ra, trang 50, hàng thứ nhất. Trong chú giải của pháp sư Thanh Liên có trích dẫn một đoạn trong “Kinh Niết Bàn”, đoạn này rất quan trọng. Tôi ở đây đọc qua một lượt, mọi người lắng nghe. Trong “Kinh Niết Bàn” nói: “Ư ác thế trung, thư tả kinh quyển” (Trong đời ác, ghi chép kinh) chúng ta hiện nay nói là in kinh.

  “Diệc khuyên tha nhân, lệnh đắc thư tả, cụ túc năng giải, tận kỳ nghĩa vị”  (Và khuyên người khác ghi chép, có thể hiểu rõ đầy đủ hết ý nghĩa của kinh)

  Không những mình lưu thông kinh sách, mà còn có thể thông đạt, sáng tỏ về ý nghĩa trong kinh sách nói.

  “Tố họa hình tượng” (Đắp nặn, vẽ hình tượng)

  Đây là chép kinh. Bên dưới là nói tạo tượng. Tạo tượng là đắp nặn tượng cũng được, vẽ tượng cũng được.

  Trong “Kinh Tạo Tượng” nói: “Tác Phật Bồ-tát hình tượng, kỳ phước vô lượng, vô cùng tận thời, bất khả xưng số.” (Tạo hình tượng Phật, Bồ-tát, phước ấy vô lượng, không có cùng tận, không thể đếm được.)

  Hai đoạn nhỏ này đều là trong kinh nói, quả báo phước đức thật sự là vô lượng vô biên. Trong kinh nói: “Cụ túc năng giải, tận kỳ nghĩa vị” Hai câu này rất quan trọng. Bạn thật sự hiểu rõ đạo lý này, thấy ra sự thật của quả báo, bạn mới chịu làm thật, không có hoài nghi, làm với tâm chân thành cung kính. Xã hội hiện nay Phật pháp thật sự là suy rồi. Tại sao suy vậy? Không có thiện tri thức chỉ dạy. Tuy lượng kinh điển lưu thông rất nhiều, mà không có người giảng giải. Họ chỉ có đọc tụng, họ đọc tụng mà không thể hiểu được. Họ cũng biết tạo tượng là tốt, cũng phát tâm tạo tượng, nhưng gặp những vị ác tri thức nói với họ rằng: Anh làm vậy là mê tín, không có công đức. Sau khi họ nghe xong rất dễ thối tâm. Nếu như duyên ác này rất rộng, gặp một người, một người cũng nói như vậy, gặp hai người, hai người cũng nói như vậy, gặp bốn năm người, họ cũng đều nói như vậy, thì niềm tin của bạn sẽ bị dao động. Có khả năng gặp rất nhiều người đều là nói như vậy hay không? Rất có thể. Phật nói: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng”, vậy bạn gặp tám hay mười người thì có gì là lạ đâu! Gặp 100 người, một nghìn người đều nói như vậy, thì bạn làm thế nào? Đến lúc này rốt cuộc chúng ta tin lời Phật hay là tin lời của mọi người? Nhất định phải hiểu được nghĩa kinh, điều này rất quan trọng. Chúng ta hiểu rõ, chúng ta có nghĩa vụ tuyên dương, có nghĩa vụ không ngại phiền phức đem nghĩa chân thật của kinh Phật giảng giải cho người khác nghe, giúp người ta giác ngộ, làm kiên định thêm tín tâm và nguyện tâm của họ, thành tựu lợi ích phước đức tự thân của họ, đây là để tốt cho họ. Phật pháp tất cả vì chúng sanh, tuyệt đối không phải vì mình. Chư Phật Bồ-tát tuyệt đối không có thành kiến, tuyệt đối không có ý riêng của mình. Tất cả kinh Phật nói Ngài có ý riêng của mình hay không? Không có. Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp 49 năm không có một câu, một chữ nào là ý của mình. Nếu như nói là ý của mình thì đây là phàm phu. Phàm phu mới có tôi, tôi là chấp ngã kiên cố, chưa phá chấp ngã, là phàm phu lục đạo luân hồi. Họ làm sao có thể thuyết pháp được? Phật là người đã đoạn hết hai loại chấp trước ngã, pháp rồi. Ngài làm gì có ngã, làm gì có ý của tôi. Đã không có ngã, không có ý của tôi thì làm sao nói ra kinh Phật được? Kinh Phật nói ra như thế nào, nói thực ra vừa mở quyển kinh ra, câu đầu tiên đã nói với bạn là “Như thị ngã văn”. Ý nghĩa của bốn chữ này là tự tánh lưu xuất ra, vậy mới gọi là như thị. “Như thị” là lưu xuất ra từ trong chân như tự tánh. Chân như tự tánh là chúng sanh bình đẳng với Phật. Kinh Phật lưu xuất ra từ trong tự tánh của Ngài. Hay nói cách khác cũng là lưu xuất ra từ trong tự tánh của chúng ta, sự việc nó là như vậy. Cho nên nó chân thật không giả dối, chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Đến lúc tương lai chúng ta minh tâm kiến tánh. Phật pháp thường nói: “Chứng”, tín, giải, hành, chứng. Bạn chứng cái gì? Chứng minh tất cả kinh mà Phật nói là từ tự tánh của ta lưu xuất ra, đây gọi là chứng quả. Tự tánh của Phật với tự tánh của ta không có khác biệt, là một không phải hai, là chứng minh sự việc này. Sanh Phật không hai, chúng sanh với Phật không hai, là một. Phật đã kiến tánh rồi, chúng ta hiện nay chưa kiến tánh. Chúng ta nghe theo lời Phật nói chính là thuận theo tự tánh, tuyệt đối không phải bị Phật Thích Ca Mâu Ni xỏ mũi dắt đi, không phải vậy. Bạn y giáo phụng hành là tánh đức của tự tánh hiển lộ, thì lời dạy của Phật mới thật sự đạt đến cao minh, thật sự đạt đến thiện viên mãn tột cùng. Trong quá trình học tập nhất định phải biết hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, đây là Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta. Tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc tu hành là làm sao có thể khiến cho sự việc này làm đến chí thiện, làm đến viên mãn. Chí thiện là nhất định không làm trái lại tánh đức, không làm trái lại lý, là phải khế lý, đó là chí thiện. Viên mãn là khế cơ. Cơ là đại chúng hiện tiền. Hôm qua tôi triệu tập những pháp sư dẫn chúng của niệm Phật đường, tôi nói với họ đạo lý này, làm sao đưa niệm Phật đường đến chí thiện viên mãn. Nhất định phải biết khế cơ, khế lý. Khế lý là không làm trái lại kinh giáo, nương theo phương pháp, nguyên lý, nguyên tắc của kinh giáo mà tu học. Khế cơ thì sao? Nhất định phải khiến cho đại chúng ở niệm Phật đường niệm đến mức sinh tâm hoan hỷ, niệm cho thật đúng như pháp, nhất định khiến cho họ có thể điều phục được phiền não. Chúng ta không dám nói diệt, nhất định điều phục được phiền não trong niệm Phật đường, có thể tương ưng với nhất tâm. Không thể đạt được cảnh giới của nhất tâm thì chí ít cũng là công phu thành khối. Trong thời gian ở niệm Phật đường không có vọng tưởng, trong tâm chỉ có một câu A-Di-Đà Phật. Nhớ Phật niệm Phật thì hiện tiền tương lai chắc chắn thấy Phật. Cho nên phải chăm lo đến mỗi đại chúng niệm Phật, phải thường xuyên quan tâm họ, thường xuyên hỏi thăm họ. Anh có ý kiến gì về niệm Phật đường hay không? Anh có cảm thấy chỗ nào chưa thỏa đáng không? Mời mọi người đưa ra ý kiến, chúng ta nghiêm túc cải tiến. Mỗi ngày phải phát hiện ra khuyết điểm của mình, mỗi ngày phải cải tiến sai lầm. Một ngày không cải tiến thì một ngày không có tiến bộ. Mình thường không nhìn thấy được lỗi lầm của mình, nhưng người khác nhìn thấy. Người khác nhìn thấy nhưng không nói vậy thì làm thế nào? Chúng ta đành phải đi thỉnh giáo vậy. Chúng ta nên hoan hỷ nghe lỗi lầm, mạnh dạn sửa lỗi, đây là nguyên tắc, nguyên tắc quan trọng trong tu hành mà Phật dạy cho chúng ta. Đây gọi là pháp môn sám hối, đây là pháp môn tinh tấn, biết lỗi liền sửa, vui vẻ khi người khác đưa ra ý kiến. Họ kiến nghị, họ phê bình, chúng ta phải nghiêm túc soi lại, sửa chữa lỗi lầm, thì đạo tràng này mới có tiền đồ, đạo tràng này mới có thể trở thành đạo tràng mô phạm, đạo tràng điển hình của thế gian, chúng ta ở đây mới thật sự có thể có thành tựu, điểm này vô cùng vô cùng quan trọng. Người thành công trong thế gian và xuất thế gian, người thật sự thành công, không có người nào mà không tu học như vậy. Cho dù họ có thành tựu, nếu không muốn nghe kiến nghị của người khác, cố chấp thành kiến của mình, dù sự nghiệp của họ làm lớn đi nữa cũng không thể lâu dài. Chỉ có tôn trọng ý kiến của đại chúng, thì sự nghiệp của họ mới được dài lâu, mới vĩnh viễn không bị thất bại. Đạo lý này thánh nhân thế gian và xuất thế gian đều chỉ dạy chúng ta, chúng ta nhất định phải ghi nhớ. Xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây:

  “Thị cố Phổ Quảng nhược kiến hữu nhân độc tụng thị kinh, nãi chí nhất niệm tán thán thị kinh hoặc cung kính giả, nhữ tu bách thiên phương tiện, khuyến thị đẳng nhân cần tâm mạc thoái, năng đắc vị lai hiện tại thiên vạn ức bất khả tư nghị công đức.” (Này Phổ Quảng Bồ-tát! Vì thế nên, nếu ông thấy có người nào đọc tụng kinh này, cho đến chỉ trong một niệm khen ngợi kinh này, hoặc là có lòng cung kính đối với kinh, thời ông cần phải dùng trăm nghìn phương chước khuyến hóa người đó, phát lòng siêng năng chớ đừng thối thất, thời có thể được trăm nghìn muôn ức công đức không thể nghĩ bàn ở hiện tại và vị lai.)

  Đây là khuyên tu. Cho nên nhìn thấy người đọc kinh, nhìn thấy người cung kính đối với Tam Bảo thì nhất định phải khích lệ họ, phải khen ngợi họ. Kiểu khích lệ, khen ngợi này không những có lợi ích rất lớn đối với họ. Trên thực tế cũng là dạy bảo những người không biết. Khi họ nhìn thấy người này khen ngợi đọc kinh, khuyến khích đọc kinh có thể khơi gợi dậy niềm tin của họ. Cho nên khuyên một người, chính là khuyên rất nhiều người, quả báo thù thắng không thể nghĩ bàn, cho nên họ mới có thể được trăm nghìn muôn ức công đức không thể nghĩ bàn ở hiện tại và vị lai. Đây là chúng ta thường nói: “Vừa qua căn tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo”. Công đức không thể nghĩ bàn là nói từ chỗ này. Nếu như người này ba thứ thiện căn, phước đức, nhân duyên này đều đầy đủ, thì đời này họ thành tựu, đây là điều rất khó. Nhưng mà không phải không có, trong thời mạt pháp ngũ trược ác thế cũng có như thường. Người có thiện căn kém, tuy hiện tiền không thể được lợi ích, nhưng hạt giống Kim Cang gieo vào trong a-lại-da thức. Chúng ta người hiện nay gọi là gieo vào trong ấn tượng của bạn, ấn tượng của bạn rất sâu sắc, vĩnh viễn không bị xóa mất, tương lai gặp được duyên, tức là gặp được một số điều kiện thì hạt giống này sẽ khởi hiện hành, nó có thể giúp bạn tu hành chứng quả. Hiện nay chúng ta đừng sợ người khác nói chúng ta mê tín. Thực ra mê tín không phải chúng ta, mê tín là họ. Sao gọi là mê tín? Chân tướng sự thật chưa có hiểu rõ ràng mà bạn đã tin, đây gọi là mê tín. Người học Phật chúng ta, đối với chân tướng sự thật chưa có hiểu rõ ràng mà đã tin Phật pháp, niệm kinh lễ Phật. Đây là mê tín, không sai! Người họ nói chúng ta mê tín, họ cũng mê tín. Tại sao vậy? Họ cũng chưa hiểu rõ, chưa làm sáng tỏ về Phật pháp, mà đã dám nói nó là mê tín, cho nên họ nói mê tín đó cũng là mê tín. Cái mê tín này của chúng ta có lợi ích, còn cái mê tín đó của họ có hại, không có lợi ích, cho nên đều là mê tín. Bạn thật sự hiểu rõ ràng, minh bạch Phật pháp rồi, bạn nói chúng tôi là tín hay là mê tín, cách nói đó của bạn là đúng. Chưa có hiểu rõ ràng đã nói chúng ta là mê tín, tôi cảm thấy họ là mê tín hạng nhất, trên cả mê tín. Chúng ta chỉ mê tín một lớp, còn họ mê tín đến hai lớp. Cho nên nếu thật sự muốn đưa ra lời phê bìn, bạn nhất định phải hiểu cho rõ ràng. Nếu bạn không hiểu rõ ràng, tùy tiện nói bừa sẽ rất dễ đắc tội, dễ gặp phải ác báo như trong kinh nói. Ác báo hình thành như thế nào? Do ngu si. Ngu si là sao? Chưa có hiểu rõ ràng đã tùy tiện nói, tùy tiện phê bình, vậy là điều không nên. Ở trong thái độ làm học vấn như vậy là sai lầm, không phải chính xác. Nghe người ta nói cũng không được. Người ta nói có đáng tin không? Khi nghe người ta nói, bản thân chúng ta vẫn phải đi sâu vào nghiên cứu, tìm cách chứng thực. Là giống như người học Phật chúng ta vậy, chúng ta đọc kinh điển của Phật Thích Ca Mâu Ni, không phải một mực nghe theo Ngài. Chúng ta ở trong đây tu học tìm cách chứng thực, chứng minh lời Phật nói là thật, không phải giả. Đây là sự thù thắng của nền giáo dục Phật Đà. Phật nói với bạn, nói xong là để cho bạn hiểu, tín, giải, hành, chứng. Bạn tin rồi, tin rồi sau đó mong hiểu. Chỉ có tin thì không được, nhất định phải hiểu rõ. Sau khi hiểu rõ rồi, bạn phải tìm cách chứng minh. Chứng minh điều bạn tin, điều bạn hiểu đích thực là tự tánh vốn đầy đủ, không phải có từ bên ngoài. Phật pháp gọi là nội học, ý nghĩa là ở chỗ này.

 “Cần tâm mạc thoái” (Phát lòng siêng năng chớ đừng thối thất)

Bốn chữ này là chữ mấu chốt trong đoạn này. Chúng ta khích lệ một người, khuyến khích một người mục đích là ở chỗ này, hy vọng họ dũng mãnh tinh tấn, không được thối chuyển. Như thế họ trong một đời nhất định thành tựu. Trong chú giải có một đoạn cũng là trích dẫn kinh văn, ở hàng thứ ba của chú giải trang 51, câu sau cùng này. Trong “Kinh Kiên Ý” có một đoạn: “Phật cáo A Nan, kỳ hữu hảo tâm thiện ý chi nhân, văn Phật minh pháp, nhất tâm nhi thính, năng nhất nhật khả.” (Phật bảo A Nan, người có tâm tốt, ý thiện ấy, nghe sáng tỏ pháp của Phật, nhất tâm lắng nghe trong một ngày cũng được.)

  Họ có thể nghe được một ngày. Cũng được!

  “Bất năng nhất nhật, bán nhật khả” (Không thể nghe một ngày, thì nửa ngày cũng được.)

Họ không có thời gian, họ không thể nghe một ngày, thì nghe nửa ngày cũng được.

“Bất năng bán nhật, nhất thời khả.” (Không thể nghe được nửa ngày thì nghe một thời cũng được)

  Đây là lúc Phật còn tại thế. Nhất thời lúc ấy bằng bốn giờ đồng hồ hiện nay của chúng ta. Bởi vì Ấn Độ lúc đó, “thời” là ngày ba thời, đêm ba thời, ngày đêm sáu thời. Nhất thời Ngài nói chỗ này tức là bốn giờ đồng hồ hiện nay của chúng ta.

  “Bất năng nhất thời, bán thời khả.” (Không thể nghe được nhất thời, thì nghe nửa thời cũng được)

  Bán thời tức là hai giờ đồng hồ.

  “Bất năng bán thời, tu du khả.” (Không thể nghe được nửa thời, thì nghe chốc lát cũng được)

  Tu du là thời gian rất ngắn. Nghe mười phút, năm phút đều rất tốt.

“Kỳ phước bất khả lượng” (Phước ấy không thể đo lường)

Phước báo của họ không thể đo lường. Sau cùng Ngài ở chỗ này đưa ra kết luận: Nghe trong chốc lát còn được phước lớn như vậy. Tại sao phước này lớn như vậy? Bởi vì một người, ở trong lục đạo luân hồi được thân người rất khó, thân người khó được. Có được thân người, nghe được Phật pháp rất khó. Có thể trong vô số kiếp, bạn mới có cơ hội nghe được mấy câu Phật pháp như vậy. Và mấy câu Phật pháp này rơi vào trong a-lại-da thức chính là nhân duyên được độ trong tương lai. Cho nên phước báo này không thể đo lường. Chúng ta ngày nay tạo nhân duyên cho người có hạt giống Phật. Bạn biết quả báo là thù thắng biết bao? Chúng ta trong bất kỳ trường hợp nào, như trong trường hợp có đại chúng, chúng ta cúi đầu, chắp tay, niệm một câu A-Di-Đà Phật, bao nhiêu người nhìn thấy, bao nhiêu người nghe thấy. Người nhìn thấy, người nghe thấy, đã gieo hạt giống vào trong a-lại-da thức rồi. Đó là trong thời gian chốc lát, chúng ta đang biểu diễn. Mục đích chúng ta biểu diễn là gieo hạt giống Kim Cang cho tất cả đại chúng, như vậy gọi là phát tâm Bồ đề, hành Bồ-tát đạo. Bất kể người thấy, người nghe có tin hay không, hạt giống đã gieo vào rồi. Đúng như lời Phật nói phước ấy không thể tính đếm được. Chúng ta thường thường cũng đang tu phước, đang tạo phước, nhưng hằng ngày cũng đang tạo tội, tạo lỗi. Nếu chúng ta so sánh tội phước, mỗi ngày ta tạo phước nhiều hay là tội nhiều. Tạo tội nghiệp, thì quả báo của tội nghiệp đó cũng không thể đo lường được, đó cũng là chuyện phiền phức lớn. Làm sao thật sự giác ngộ? Không tạo tội nghiệp, chuyên tu phước báo, thì tiền đồ của chúng ta sẽ tươi sáng. Nhất định phải giác ngộ đời người là rất ngắn ngủi, đời người là rất khổ. Khổ, chúng ta phải cắn răng thật chặt, nhẫn nại chịu đựng, dù khổ cũng không tạo nghiệp. Tuyệt đối không vì muốn cải thiện hoàn cảnh đời sống trước mắt của ta mà tạo tác đủ thứ tội nghiệp. Trước mắt được một chút vị ngọt mà hậu quả thì lại không thể tưởng tượng được. Người thông minh không làm việc khờ dại này. Khổ báo trước mắt là do ta trong quá khứ, và đời nay không có tu phước, nay ta thọ quả báo. Phật pháp nói rất rõ ràng: Muốn biết nhân đời trước, xem thọ nhận đời nay. Những gì ta thọ nhận đời này, là do đời trước tạo. Đời trước tu phước, thì đời này hưởng phước. Đời trước không tu phước, thì đời này làm gì có phước để hưởng? Không oán trời, không trách người. Muốn biết quả đời sau, xem tạo tác đời nay. Những hành vi tạo tác trong đời nay của ta, đây là gieo nhân cho quả báo đời sau. Nếu như đời này nhân ta tạo, ta gieo phước lớn, nhân thù thắng, thì đời này đã thay đổi hoàn cảnh sống của bản thân chúng ta rồi. “Liễu Phàm Tứ Huấn” là điển hình rất rõ rệt. Thành tựu giống như Viên Liễu Phàm vậy ở trong Phật pháp có không biết bao nhiêu người, vì không có viết ra, không có nói ra mà thôi, quá nhiều quá nhiều! Hiện tiền có thể thay đổi hoàn cảnh sống của chúng ta. Chỉ cần bạn chăm chỉ nỗ lực, đoạn ác tu thiện, loại phước này là thật, hơn nữa là lâu dài, là phước báo chân thật. Nếu như bạn dùng thủ đoạn bất chánh đoạt lấy tiền của bất nghĩa để được phước rồi, thì phước báo này của bạn là giả, là rất ngắn ngủi. Phước hưởng hết rồi, thì ác báo hiện tiền, điều đó vô cùng đáng sợ. Cho nên nhất định phải tìm hiểu những sự lý này cho thật rõ ràng, minh bạch. Đời người ngắn như vậy, việc gì phải tạo tội nghiệp trong thời gian ngắn ngủi này, không đáng, vô cùng không đáng. Thường xuyên đọc “Kinh Địa Tạng” rất có lợi ích, đọc một lần sẽ đánh thức sự cảnh giác cao độ của mình, mỗi câu ở trong đây đều là chân thật, không có câu nào là hù dọa người, là để uy hiếp bạn, không có. Mỗi câu Phật nói đều là lời chân thật. Mạng người vô thường, quốc độ nguy cấp, tại sao không tu phước? Tại sao không nghĩ đến đời sau? Thời gian đời sau dài, thời gian đời này ngắn. Người thông minh phải suy tính cho lâu dài, không nên lo nghĩ cho hiện tiền ngắn ngủi này. Hiện tiền bất kể vinh hoa phú quý như thế nào cũng chỉ là nhất thời, không đáng ngưỡng mộ, không đáng đuổi theo. Đời sống thanh bần, cực khổ một chút cũng tốt, thường xuyên đánh thức tâm cảnh giác, thường xuyên khởi lên tâm thoát ly, hy vọng thoát khỏi lục đạo luân hồi. Đoạn này chỉ giới thiệu đến chỗ này. Xem tiếp đoạn này dưới đây:

 “Mộng mị kiến quỉ.” (Trong chiêm bao thấy các hạng quỉ)

Đây cũng là việc thường xảy ra. Trời đất quỉ thần thật sự có. Có biết bao nhiêu người đã đích thân trải nghiệm qua. Bản thân tôi lúc còn trẻ cũng đã từng trải qua, sao có thể không tin được? Ở nước ngoài, chuyện thấy quỉ ở nước ngoài cũng rất nhiều. Trong thành phố nào cũng có rất nhiều ngôi nhà quỉ, cho nên sự việc này là thật chứ không phải giả. Tôi có một vị đồng tu ở California, hiện nay người này mấy năm trước đã qua đời rồi. Hai vợ chồng già mua một căn nhà ở California, sau khi vào ở mới biết là ngôi nhà quỉ. Con quỉ đó rất dễ sợ, quỉ là người Mỹ, có lẽ là chủ của căn nhà trước đây, sau khi chết rồi không xả bỏ được căn nhà đó, không có rời đi, quỉ vẫn ở trong đó. Đương nhiên có người khác đến ở thì họ sẽ không vui, cho nên đến mỗi tối thì con quỉ đó xuất hiện, đồ dùng trong nhà có âm thanh di động, cửa nhà tự động mở. Ở trong đó thấy khủng khiếp, sợ hãi, nhưng cũng không có cách gì. Có một lần lúc ông cụ này đang tắm, đại khái lúc đó cụ cũng hơn 60 tuổi, lúc đó vẫn còn buổi chiều, không phải tối, tắm buổi chiều. Bỗng nhiên cửa phòng tắm mở ra, tự động mở, toàn thân ông cụ sởn da gà. Tiện đó cụ bèn hỏi, anh tên gì? Con quỉ đó lại có thể nói ra tên của mình. Sau khi nói ra, ông cụ sợ chết khiếp! Liền chạy mau ra ngoài, chưa kịp mặc quần áo đã chạy ra ngoài, gặp phải sự việc như vậy. Con quỉ đó thật sự nói ra tên của nó. Sau đó cụ kể cho chúng tôi nghe, kiểu nhà quỉ này ở Mỹ rất nhiều, quá nhiều, quá nhiều rồi! Có một số ngôi nhà quỉ nổi tiếng không có ai dám ở, ngôi nhà đó cũng không bán được, mọi người đều biết đó là ngôi nhà quỉ, cho nên điều này thật sự có, không phải giả. Mời xem kinh văn:

  “Phục thứ Phổ Quảng. Nhược vị lai thế chư chúng sanh đẳng, hoặc mộng hoặc mị, kiến chư quỉ thần, nãi cập chư hình.” (Lại nữa, này Phổ Quảng Bồ-tát! Như những chúng sanh đời sau, hoặc trong giấc ngủ, hoặc trong chiêm bao thấy các hạng Quỉ, Thần nhẫn đến các hình lạ.)

  Đủ thứ hình dạng này.

  “Hoặc bi hoặc đề, hoặc sầu hoặc thán, hoặc khủng hoặc bố.” (Rồi hoặc buồn bã, hoặc khóc lóc, hoặc rầu rĩ, hoặc than thở, hoặc hãi hùng, hoặc sợ sệt..)

  Đây là nói, bạn ở trong chiêm bao nhìn thấy những hình tượng này. Trong ngữ khí này của Phật, chúng ta có thể thấy được. “Nhược vị lai thế chư chúng sanh.” (Như những chúng sanh đời sau)

Lúc đó Phật nói đời sau, vậy chúng ta hiện nay chính là đời sau mà Ngài đã nói. Chúng ta hiện nay rất nhiều chúng sanh ở trong chiêm bao nhìn thấy quỉ thần. Mộng là mơ hồ không rõ ràng. Mị chính là ngủ. Hễ là lúc nào mơ hồ không rõ ràng, loại cảnh giới lúc có lúc không này đều gọi là cảnh mộng. Và trong lúc ngủ, cảnh mộng thường hay xuất hiện, hầu như mỗi người đều có kinh nghiệm này. Nhìn thấy một số quỉ thần, nhất là nhìn thấy người thân quyến thuộc đã qua đời, hoặc giả mộng thấy người mình hoàn toàn không quen biết. Những quỉ thần này, nhìn thấy hình dạng của họ rất đáng thương. Phía sau nói buồn bã, khóc lóc, rầu rỉ, than thở, hãi hùng, sợ sệt, nhìn thấy những hình ảnh này. Người không có học Phật nhìn thấy cảnh giới hãi hùng nhiều, chưa có học Phật. Sau khi chúng ta học Phật cảnh giới hãi hùng trong mộng ít rồi. Loại này thuộc về ác mộng, mộng hãi hùng ít rồi, nhưng mộng thấy những quỉ thần buồn bã, khóc lóc, rầu rỉ, than thở nhiều. Thường hay có cảnh giới này hiện tiền, gặp phải những việc này là do nguyên nhân gì? Phật ở trong kinh nói cho chúng ta biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *