KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 102
Mời xem kinh văn, trang 101, hàng cuối cùng:
“Phật cáo Hư Không Tạng Bồ Tát: “Đế thính! Đế thính! Ngô đương vị nhữ phân biệt thuyết chi”.
(Đức Phật bảo Ngài Hư Không Tạng Bồ Tát: ‘Lóng nghe! lóng nghe cho kỹ! Ta sẽ vì ông mà nói rõ việc ấy cho.)
Bồ Tát khải thỉnh, thì đức Phật nhất định sẽ nói cho Ngài biết. Trước khi thuyết pháp, đức Phật nhất định căn dặn ông phải “Đế thính” (lắng nghe). “Đế thính” dùng cách nói hiện nay để nói là “Lắng nghe cho kỹ”. Thâm ý của nó cũng không thể nghĩ bàn. Vừa mở đầu hàng thứ nhất của chú giải đã nói: “Phù thiện thuyết pháp giả, vô thuyết, vô thị. Thiện thính pháp giả, vô đắc, vô văn” (Phàm người khéo thuyết pháp thì không nói, không thị hiện. Người khéo nghe pháp thì không có gì để được, không nghe gì) đó là đế thính đích thực, cái này không phải cảnh giới của chúng ta, đây là cảnh giới của pháp thân đại sĩ. Cảnh giới của chúng ta là nghe cho kỹ là được rồi. Dưới đây đức Phật bèn khai thị:
“Nhược vị lai thế hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, kiến Địa Tạng hình tượng cập văn thử kinh, nãi chí độc tụng, hương hoa ẩm thực, y phục trân bảo, bố thí cúng dường, tán thán chiêm lễ, đắc nhị thập bát chủng lợi ích.”
(Trong đời sau, người thiện nam cùng thiện nữ nào thấy hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát và nghe kinh này, cho đến đọc tụng, dùng hương hoa, đồ ăn món uống, y phục, vật báu mà bố thí cúng dường ngợi khen chiêm lễ thời kẻ ấy được hai mươi tám điều lợi sau đây.)
Đoạn này là nói sơ lược cách tu, cũng chính là làm thế nào tu phước. Đoạn văn này không dài, chỉ có hai hàng. Nhưng trong đó có mấy chữ mấu chốt, chúng ta cần phải lưu ý đến. Chữ thứ nhất là chữ “Thiện”, “Thiện nam tử, thiện nữ nhân.” Tiêu chuẩn thấp nhất của chữ “Thiện” là ưa thiện mến đức, đây là điều kiện cần phải có. Người như vậy nhìn thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, cúng dường hình tượng Bồ Tát chắc chắn không phải là mê tín. Tại sao cúng dường hình tượng? Vì nhìn thấy hình tượng, liền nhắc nhở chúng ta nhớ lời chỉ dạy của Bồ Tát, là có ý nghĩa như vậy. Nếu như không nghe danh hiệu, không thấy hình tượng thì rất dễ quên lời chỉ dạy của Bồ Tát. Cho nên ý nghĩa quan trọng nhất của danh hiệu và hình tượng là luôn luôn nhắc nhở mình. Nếu biết noi theo Bồ Tát Địa Tạng, học tập Bồ Tát Địa Tạng thì phước báo của bạn sẽ rất lớn.
“Hương hoa ẩm thực, y phục trân bảo, bố thí cúng dường”
(Dùng hương hoa, đồ ăn món uống, y phục, vật báu mà bố thí cúng dường.)
Ý nghĩa này phần trước đã giảng qua tỉ mỉ rồi, là biểu thị lòng tôn kính của mình. Biểu thị chung cho sự phát tâm phát nguyện y giáo phụng hành của mình. Cho nên cúng dường không phải ở trên những hình thức này. Hình thức là tượng trưng. Cúng dường nhất định phải biết cúng dường bằng cách y giáo tu hành. Đây là sự kỳ vọng của Thế Tôn đối với chúng ta. Trong “Phẩm Hạnh Nguyện” Bồ Tát Phổ Hiền nói cho chúng ta biết, hết thảy sự cúng dường vật chất tóm lại không bằng cúng dường pháp. Bố thí cúng dường vô lượng vô biên không bằng cúng dường pháp. Trong cúng dường pháp đã nói với chúng ta bảy điều. Điều thứ nhất chính là: “Y giáo tu hành cúng dường.” Chúng ta dựa theo sự chỉ dạy trong kinh điển mà làm, đây chính là cúng dường đích thực. Cho nên trên mặt sự cúng dường là tượng trưng. “Hương” biểu thị cho tín, cho giới định. “Hoa” biểu thị cho nhân. “Ẩm thực” (đồ ăn thức uống) biểu thị cho tiếp nối huệ mạng Phật. “Y phục” (Quần áo) biểu thị cho nhẫn nhục. “Trân bảo” biểu thị cho phước lợi. Nó dùng để tượng trưng. Cho nên trong đây hoàn toàn không phải mê tín. “Tán thán” đây là đem pháp môn kinh điển này vì người diễn thuyết, giới thiệu cho người khác, tiến cử cho người khác, đây là tán thán. Ngôn giáo, là dùng ngôn ngữ để tuyên truyền, đây là tán thán. “Lễ chiêm” là thân giáo, thể hiện ra cho người ta thấy, làm như vậy bạn mới thật sự gọi là tu phước. Sau đó mới được:
“Nhị thập bát chủng lợi ích”
(Hai mươi tám loại lợi ích.)
Nhân quả nhất định là tương ưng. Nhưng có rất nhiều người đọc kinh này xong, sau đó đi thỉnh một bức hình tượng Bồ Tát Địa Tạng thờ ở trong nhà, hằng ngày thắp hương, cúng hoa, sáng tối cúng đồ ăn thức uống, mà không được quả báo. Trong hai mươi tám loại lợi ích sau cùng này họ chẳng được một lợi ích nào cả. Sau đó họ mắng chửi Phật, nói kinh này không linh, kinh này không đáng tin. Tại sao họ không thể cảm được quả báo vậy? Là hoàn toàn hiểu sai ý nghĩa rồi! Họ chỉ chú trọng những hình thức này, trong ý vẫn là tham, sân, si, mạn như cũ, vậy làm sao có thể cảm được quả báo? Từng câu từng chữ trong đoạn văn này, chúng ta đều phải hiểu nó cho rõ ràng, sáng tỏ. Tu nhân mới cảm được quả. Đây là lời của chính đức Thế Tôn nói ra, tuyệt đối không có vọng ngữ, chắc chắn không nói quá. Bạn thật sự có thể dựa theo “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” tu hành thì bạn sẽ được lợi ích, thứ nhất là:
“Nhất giả thiên long hộ niệm.”
(1. Các hàng Trời, Rồng thường hộ niệm.)
“Thiên long” (Trời rồng) là thần hộ pháp. Nhà Phật gọi là thiên long bát bộ, thần hộ pháp, họ hộ niệm bạn. Thông thường chúng ta gọi là họ phù hộ cho bạn.
“Nhị giả thiện quả nhật tăng”
(2. Quả lành càng ngày càng thêm lớn.)
Điều này chúng ta có thể tưởng tượng được. Người này tâm thiện hạnh thiện. Thấy tượng, nghe kinh, đọc tụng, cúng dường là hạnh thiện, lại có thể vì người diễn thuyết. Ở đây không có chữ nào là vì người diễn thuyết, Ngài dùng “tán thán lễ chiêm” chính là vì người diễn thuyết. Thông thường trong kinh đức Phật căn dặn chúng ta là: “Thọ trì đọc tụng, vì người diễn thuyết”, đức Phật thường nói lời này. Độ dài của “Kinh Kim Cang” rất ngắn, chỉ có hơn năm nghìn chữ, nhưng câu nói này đức Phật đã lặp lại rất nhiều lần. Tụng bộ “Kinh Kim Cang” xong, những câu khác không thể nhớ được, nhưng bạn sẽ nhớ câu này, vì số lần lặp lại quá nhiều: “Thọ trì đọc tụng, vì người diễn thuyết.” Quý vị thử nghĩ đoạn này có phải là mang ý nghĩa này không? Chính là thọ trì đọc tụng, vì người diễn thuyết. Tán thán là thuyết. Lễ chiêm là diễn, diễn thuyết. Cho nên quả thiện của họ đương nhiên là tăng trưởng mỗi ngày. Thiện tăng trưởng, thì ác sẽ tiêu trừ. Hay nói cách khác, người dựa theo lý luận, phương pháp của kinh văn này tu hành thì nghiệp chướng của họ sẽ tiêu trừ mỗi ngày, lực thiện của họ đang tăng trưởng mỗi ngày.
“Tam giả tập thánh thượng nhân”
(3. Chứa nhóm nhơn vô thượng của Thánh.)
“Thánh thượng nhân” (Nhơn vô thượng của Thánh) là nhân thành Phật. Bạn hiện nay đang tu nhân.
“Tứ giả Bồ Đề bất thoái.”
(4. Mãi không còn thối thất đạo Bồ Đề.)
“Bồ-đề” là nói tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề nói một cách đơn giản nhất, là không thối thất tâm giác ngộ. Người này ở trong đời sống thường ngày đối với người, với sự, với vật không mê hoặc, không điên đảo, họ giác ngộ, từng giây từng phút đều có sự cảnh giác cao độ.
“Ngũ giả, y thực phong túc.”
(5. Đồ mặc món ăn dồi dào đầy đủ.)
Chữ “Phong túc” (Dồi dào đầy đủ) không phải là rất nhiều rất nhiều như chúng ta thường tưởng tượng, không phải vậy, thế là sai rồi. “Phong túc” (Dồi dào đầy đủ) là nhất định không có thiếu thốn. Người tu đạo biết đủ thường vui, vậy mới là thật sự phong túc (dồi dào đầy đủ). Họ không bị thiếu thốn, cần cái gì thì họ có thể có cái đó, đều có thể đạt được.
“Lục giả, tật dịch bất lâm.”
(6. Những bịnh tật và ôn dịch không đến nơi thân.)
Có thể xa lìa bệnh tật. Hai chữ này phía trước là tật bệnh, phía sau chính là chúng ta hiện nay gọi là những bệnh truyền nhiễm, họ đều không bị gặp phải. Tại sao vậy? Tâm thanh tịnh, tâm từ bi, tâm lương thiện sẽ không bị gặp phải những loại bệnh khổ này. Những bệnh tật này có quan hệ mật thiết với tâm địa.
“Thất giả, ly thủy hỏa tai.”
(7. Khỏi những tai nạn về lửa và nước.)
Bạn sẽ không bị gặp phải những tai nạn này, bạn có thể tránh được.
“Bát giả, vô đạo tặc ách.”
(8. Không có bị hại vì trộm cướp.)
Đây là tai họa do con người tạo nên. Bọn cướp cướp bóc, kẻ cắp ăn cắp bạn đều không bị gặp phải. Không bị gặp phải loại này là nói trong số mạng của bạn đã định vào lúc nào đó bạn sẽ gặp phải những điều này, nhưng điều này có thể tránh được, đó mới là lợi ích thật sự. Nếu trong số mạng của bạn không có những mối quan hệ đòi nợ trả nợ này với người ta, cái đó thì không tính. Trong số mạng của bạn có, sẽ bị gặp phải, nhưng lúc này được miễn nạn, vậy mới tính là công đức tu hành của bạn thay đổi được cảnh giới.
“Cửu giả, nhân kiến khâm kính”
(9. Người khác thấy đến sanh lòng cung kính.)
Một người tu hành, người tu hành chân chánh, tâm địa lương thiện từ bi, đối xử với người thành khẩn, hòa nhã. Kẻ ác nhìn thấy bạn cũng sẽ đối với bạn rất cung kính, đây là đạo lý nhất định.
“Thập giả, quỷ thần trợ trì.”
(10. Các hàng Quỉ Thần theo hộ trì.)
Đúng như lời Kiên Lao Địa Thần nói. Người thật sự tu hành đúng như đã dạy, thì quỷ thần cũng hộ trì, họ luôn luôn phù hộ bạn.
“Thập nhất giả nữ chuyển nam thân.”
(11. Đời sau thân gái sẽ chuyển thành thân trai.)
Thân nữ có nhiều đặc điểm khổ hơn thân nam. Nếu như không muốn thọ thân nữ và muốn được thân nam, có thể chuyển được không? Chuyển được. Nhưng cũng có người muốn thọ thân nữ. Bên dưới nói:
“Thập nhị giả vi vương thần nữ.”
(12. Đời sau sẽ làm con gái các hàng Vương Giả, Đại Thần)
Quốc vương, đại thần, sinh vào trong gia đình phú quý đều có thể đạt được. Người phát tâm như vậy phần lớn đều là Bồ Tát, dùng loại thân phận này để độ hóa chúng sanh, để lợi ích xã hội.
“Thập tam giả, đoan chánh tướng hảo.”
(13. Thân tướng đoan chánh, xinh đẹp.)
Chúng ta thường nói tướng chuyển theo tâm. Tâm tốt thì tướng sẽ tốt.
“Thập tứ, đa sanh thiên thượng”
(14. Phần nhiều được sanh về cõi trời.)
Đây là nói bạn tu phước, phước bạn tu lớn. Phước báo lớn ở cõi nhân gian không có chỗ hưởng thụ, nên lên trời để hưởng phước.
“Thập ngũ giả hoặc vi đế vương.”
(15. Hoặc làm bực vua chúa.)
Chúng ta biết ở thế gian những vị vua thời xưa, hiện nay những vị lãnh tụ, lãnh đạo của mỗi quốc gia khu vực này đều là người trong đời quá khứ có tu phước báo lớn, họ mới cảm được. Người không có phước báo thì họ không thể có được địa vị này. Không những không có được, dù có cho họ họ cũng không đảm nhận nổi. Điều này đúng như câu nói: “Giọt nước hạt cơm đều do tiền định”. Trong số mạng bạn có thì chắc chắn sẽ có, trong số mạng không có thì dù có cầu cũng không được. Ở phần trước tôi đã từng nói qua với quý vị rồi, nếu không có phước báo lớn như vậy, dù có trao chức quan cho bạn, trong khi bạn còn chưa nhận chức thì bạn đã chết rồi. Điển hình này tôi đã thấy rất nhiều. Phần bạn chỉ có vị trí lớn mức đó, cao mức đó, nếu thăng cấp lên nữa, bạn còn chưa nhận chức thì bạn đã chết rồi. Cho nên nói là công danh lợi lộc thế gian, đều là do mình đời trước, đời nay tu mà có. Phần lớn con người đời trước có tu, thì đời nay bạn gặp được thiện tri thức chỉ dẫn, đời này tu thì đời này có thể chuyển nghiệp. Giống như người mà quý vị rất quen thuộc là tiên sinh Liễu Phàm. Những gì trong “Viên Liễu Phàm Gia Đình Tứ Huấn” nói, ông là chuyển nghiệp ngay trong đời, trong đây đều có đạo lý.
“Thập lục giả, túc trí mạng thông.”
(16. Có trí sáng biết rõ việc trong những đời trước.)
Là giống như những người có khả năng đặc biệt mà hiện nay quý vị biết, đó là họ tu từ nhiều đời trước. Mấy hôm trước có một người tặng cho tôi một đĩa Video, tôi cũng không biết do ai tặng. Hôm kia tôi đã xem qua, trong đó có một em nhỏ bốn tuổi viết thư pháp, viết đẹp vô cùng. Rõ ràng là chữ do em nhỏ bốn tuổi viết đó, đã được khắc vào bia, viết đẹp như vậy, là thiên tài! Đó là “Túc trí mạng thông”, chứ không phải do đời này, là trong đời quá khứ. Giống như chuyện này cũng là có rất nhiều.
“Thập thất giả, hữu cầu giai tùng.”
(17. Có mong cầu chi cũng được toại ý.)
Đây chính là chúng ta gọi là có cầu ắt ứng. Tại sao họ có cầu đều có ứng vậy? Vì nghiệp chướng của họ được tiêu trừ, không có chướng ngại, cho nên có cầu ắt ứng.
“Thập bát giả, quyến thuộc hoan lạc.”
(18. Quyến thuộc an vui.)
Đây là Nho Gia nói, mình thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, thì gia đình an vui, đều có đạo lý cả.
“Thập cửu giả, chư hoạnh tiêu diệt”
(19. Các tai vạ bất ngờ đều dứt sạch.)
Trong số mạng có tai nạn, chúng ta gọi là tai nạn bất ngờ. Hoạnh sự là tai nạn bất ngờ, là trong số mạng bạn sẽ gặp phải, đến lúc này nó cũng bị dứt sạch, do nghiệp chướng tiêu trừ rồi.
“Nhị thập giả, nghiệp đạo vĩnh trừ.”
(20. Các nghiệp về ác đạo đều trừ hẳn.)
“Nghiệp đạo” là nói ác đạo. Họ vốn dĩ có tội nghiệp phải bị đọa ác đạo, bây giờ chắc chắn không bị đọa ác đạo nữa.
“Nhị thập nhất, khứ xứ tận thông”
(21. Đi đến đâu cũng đều không bị sự trở ngại.)
“Khứ xứ” là người chúng ta sau khi chết rồi, thập pháp giới, bày ngay trước mặt chúng ta là mười con đường. Thông thường phàm phu bị nghiệp lực dẫn dắt, mình không cách gì lựa chọn được, điều này rất khổ não, bị nghiệp lực dẫn đi. Người giác ngộ, người có trí tuệ có thể tự mình lựa chọn, thế là tự tại. Bất kể chọn đi đường nào cũng đều thông suốt, đều không có chướng ngại. Trời Dục Giới, trời Sắc Giới, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát đều do mình lựa chọn.
“Nhị thập nhị giả, dạ mộng an lạc.”
(22. Đêm nằm chiêm bao an ổn vui vẻ.)
Phàm phu ai cũng nằm mộng, nói cho bạn biết sẽ không còn nằm thấy ác mộng nữa. Thường hay thấy ác mộng, thì tự mình phải cảnh giác. Tại sao bị thấy ác mộng? Có nhiều ý nghĩ ác, có nhiều tập khí ác, mới nằm thấy ác mộng. Cho nên từ trong nằm mộng cũng có thể nhận ra được mình tu hành có tiến bộ hay không?
“Nhị thập tam giả, tiên vong ly khổ.”
(23. Những người thân tộc đã chết nếu có tội thời được khỏi khổ.)
Người thân quyến thuộc của bạn đã qua đời, nhờ phước của bạn, bạn tu hành tốt, tu hành có công đức, họ được thơm lây, có thể lìa khỏi ác đạo, có thể giảm bớt đau khổ.
“Nhị thập tứ giả, túc phước thọ sanh.”
(24. Nếu về đời trước có phước thời được thọ sanh về cõi vui sướng.)
Tương lai bạn đầu thai, nhờ phước báo của bạn, bạn nhất định sẽ được sanh vào đất phước, sinh vào gia đình có phước.
“Nhị thập ngũ giả, chư thánh tán thán.”
(25. Các bực Thánh ngợi khen.)
“Chư thánh” là chỉ Phật, Bồ Tát.
“Nhị thập lục giả, thông minh lợi căn.”
(26. Căn tánh lanh lợi thông minh.)
“Thông minh lợi căn” là quả báo có được từ việc bố thí pháp. Trong đó bạn có khen ngợi, chiêm lễ.
“Nhị thập thất giả, nhiêu từ mẫu tâm.”
(27. Giàu lòng từ mẫn.)
Tâm từ bi, tâm thương hại, thương xót tất cả chúng sanh của bạn được tăng trưởng.
“Nhị thập bát giả, tất cánh thành Phật.”
(28. Rốt ráo thành Phật.)
“Tất cánh thành Phật” là nói cuối cùng. Đời này không có phát nguyện vãng sanh bất thối thành Phật, thì tương lai tóm lại sẽ có cái duyên này. Duyên này không nhất định là ở đời sau, không nhất định là ở đời sau nữa, nhưng chắc chắn sẽ gặp được. Bởi vì thường hay được chư Phật hộ niệm, được Bồ Tát Địa Tạng gia trì. Đây là nói bạn sẽ được lợi ích nhiều như vậy. Đoạn kinh văn này pháp sư Thanh Liên có chú giải, Ngài chú giải cũng hay vô cùng, quý vị có thể tự mình tham khảo. Xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây, ở trang một trăm lẻ bảy.
“Phục thứ Hư Không Tạng Bồ Tát! Nhược hiện tại vị lai, thiên long quỷ thần văn Địa Tạng danh, lễ Địa Tạng hình, hoặc văn Địa Tạng Bổn Nguyện sự hạnh, tán thán chiêm lễ.”
(Lại vầy nữa, nầy Hư Không Tạng Bồ Tát! Như hàng Trời, Rồng, Quỉ, Thần ở hiện tại và vị lai nghe danh hiệu của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, hoặc nghe các sự về bổn nguyện tu hành của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát mà ngợi khen chiêm lễ.) thời sẽ đặng bảy điều lợi ích:
Câu trả lời của Thế Tôn chia thành hai đoạn, đoạn phía trước này nói hai mươi tám loại phước lợi, là nói đối với người thiện nam, người thiện nữ, chúng sanh thời Mạt Pháp y giáo tu hành. Còn đoạn bên này, bởi vì Ngài hỏi bao gồm cả chúng sanh lục đạo. Cõi người y giáo tu hành sẽ được hai mươi tám loại lợi ích. Còn năm đường khác, như chư thiên quỷ thần, ở đây đức Phật cũng nói ra ý này rồi. Chữ mấu chốt ở trong đoạn này là “Văn Địa Tạng danh, lễ Địa Tạng hình” (Nghe danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ Tát, đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát). Trong “lễ” đã có tu hành, lễ kính, khen ngợi. Đây là nói thiên long quỷ thần hiện tại và vị lai. Chúng ta đọc kinh thấy có thiên long, quỷ thần đến nghe, mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy, nhưng có thể cảm nhận được. Tâm của bạn càng thanh tịnh thì sẽ càng dễ dàng cảm nhận được. Thậm chí là một người đọc kinh, ở trong phòng đọc kinh không có ai nhìn thấy, nhưng có thiên long quỷ thần, thường thường vào lúc này chúng ta sẽ ngửi thấy mùi thơm lạ, đó là chuyện bình thường hay gặp nhất. Mùi thơm từ đâu mà có vậy? Trong lúc chúng ta đọc kinh, đặc biệt là lúc mới học, mới học đọc kinh thường không có thắp hương. Cổ đức nói cho chúng ta biết là có thiên thân đi ngang qua nơi này, nhìn thấy bạn đọc kinh, họ dừng lại chắp tay cung kính khen ngợi, vì trên người họ có mùi thơm, nên bạn mới ngửi thấy mùi thơm lạ. Đôi khi có vài người cùng nhau thảo luận kinh điển, nếu tâm địa rất thanh tịnh, vào lúc này tâm địa từ bi, tâm địa lương thiện, bạn đang nghiên cứu thảo luận, có khi thiên long quỷ thần đi ngang qua, họ nhìn thấy, họ cũng dừng lại nơi này chắp tay cung kính chào bạn. Thường thường vào lúc đó những người cùng thảo luận với nhau này, mọi người đều ngửi thấy mùi thơm lạ. Chuyện này tôi thường hay nghe nói, bản thân cũng đã từng trải nghiệm qua. Cho nên chúng ta đọc kinh, chúng ta nghiên cứu thảo luận tu hành, đừng nên cho rằng không có người nhìn thấy. Mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy, nhưng có rất nhiều người vô hình nhìn thấy. Bạn hiểu được đạo lý này, hiểu rõ sự thật này, bạn phải giác ngộ. Chúng ta khởi niệm ác, làm việc xấu, đừng cho rằng không có người biết, thiên long quỷ thần biết tất cả. Bạn có thể che giấu được người, chứ không thể che giấu được quỷ thần. Có câu là “Ngẫng đầu ba thước có thần linh” lời nói này là thật chứ không phải giả, là sự thật.
“Văn Địa Tạng bổn nguyện sự hành.”
(Nghe các sự về bổn nguyện tu hành của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát.)
Làm sao nghe được? Là bởi vì chúng ta đọc kinh họ nghe thấy. Chúng ta đọc kinh có thành tiếng hay không thành tiếng không sao cả. Đọc thành tiếng đương nhiên là tốt hơn, không thành tiếng thì cứ đọc từng chữ như vậy cho đến hết, đều có thể có cảm ứng. Chúng ta cảm ứng đạo giao với trời đất quỷ thần và tất cả chúng sanh đều là do tác dụng của tâm. Phần trước có nói với quý vị rồi, khi tâm động niệm nó có sóng, dù sóng cực kỳ nhỏ bé thì quỷ thần cũng có thể khởi cảm ứng, có thể cảm ứng cùng với sóng của họ, nên họ sẽ biết, họ nhìn thấy, họ nghe thấy hết.
“Tán thán chiêm lễ”
(Ngợi khen chiêm lễ)
Chiêm lễ là kính chào.
“Đắc thất chủng lợi ích.”
(Thời sẽ đặng bảy điều lợi ích:)
Khi họ cung kính khen ngợi chiêm lễ, họ cũng được lợi ích.
“Nhất giả tốc siêu thánh địa”
- Mau chứng bực Thánh.)
“Thánh” là chỉ quả vị của Bồ Tát, có thể giúp họ nâng cao cảnh giới. Nếu như là thiện thông thường trong thế gian, là việc thiện trong pháp thế gian. Nói “thánh địa” đây là nói chư thiên. Chúng ta đọc thấy ở trong bút ký tiểu thuyết của người xưa, người đọc sách Nho Gia, người đọc sách Đạo Gia, thậm chí là người đọc kinh điển của tất cả tôn giáo khác cũng có thể cảm được thiên long quỷ thần nghe danh lễ kính. Họ được “tốc siêu thánh địa” (Mau chứng bực thánh.) đây là sinh thiên. Bởi vì những điều họ nghe được khác nhau. Kinh Phật có thể giúp họ siêu phàm nhập thánh. Chúng ta đọc kinh không những độ được người, mà còn độ được chúng sanh trong lục đạo.
“Nhị giả, ác nghiệp tiêu giảm”
- Nghiệp ác tiêu diệt.)
Những vị quỷ thần này là phàm phu, không phải thánh nhân, họ ở trong lục đạo chưa có lìa khỏi lục đạo, tập khí phiền não của họ vẫn còn rất nặng, họ thường hay nghe pháp, được Phật pháp hun đúc, nên hạt giống ác nghiệp dần dần bị tiêu diệt. Quỷ thần còn như vậy thì chúng ta đâu lẽ nào ngoại lệ được? Nếu chúng ta muốn công phu của mình đắc lực. Cho nên đức Phật dạy chúng ta, trong Tam Phước khuyên chúng ta nên “Đọc tụng Đại Thừa.” Nên đọc kinh mỗi ngày, không những phải đọc, tốt nhất là phải giảng mỗi ngày. Giảng là gì? Giảng là khuyên người ta. Khuyên người ta cũng là khuyên chính mình, người thật sự được lợi ích là mình. Chúng ta giảng một bộ kinh cần thời gian rất dài, bộ kinh này giảng từ đầu đến cuối, người được lợi ích lớn nhất là mình. Thính chúng có rất nhiều người không có thời gian họ sẽ không đến nghe, họ sẽ bị thiếu buổi, chứ người giảng thì không thiếu buổi nào, người nghe thường hay bị thiếu buổi, cho nên người giảng là được công đức viên mãn, người nghe chưa chắc được viên mãn, bạn nhất định phải hiểu đạo lý này. Trước khi chúng ta chưa có thành tựu, giảng kinh là tự lợi, cho nên chúng ta ở trên bục giảng, tôi cũng đã từng nói qua với quý vị đồng tu rất nhiều lần rồi, chúng ta là dùng thái độ học trò để thực tập báo cáo ở trên bục giảng. Người ngồi dưới bục giảng đều là thầy, đều là giám thị của chúng ta. Chúng ta ở trên bục giảng đem những gì mình tu hành trải nghiệm được, báo cáo lên thầy, lên giám thị, lên phụ huynh mà thôi. Dùng tâm thái như vậy thì lợi ích mình được sẽ viên mãn. Đến khi nào chúng ta thật sự minh tâm kiến tánh, thừa nguyện tái lai mới có thể nói là tôi giảng kinh thuyết pháp cho người khác nghe. Khi chưa có kiến tánh, chưa có thành tựu chỉ là giảng cho mình nghe, để khích lệ mình, mọi người cùng khích lệ lẫn nhau thì tập khí nghiệp ác sao mà không tiêu trừ được? Cho nên giảng không ngừng. Có rất nhiều người nói rằng tôi thích giảng kinh, tôi không phải thích giảng kinh, tôi muốn tiêu nghiệp chướng. Tôi dùng phương pháp này để tiêu trừ nghiệp chướng rất có hiệu quả. Cho nên nói lời thành thật, nếu ba tháng không giảng kinh, thì tập khí tật xấu liền xuất hiện ngay. Giảng mỗi ngày, khuyên mỗi ngày, đè mỗi ngày, mới hàng phục được. Mở bản kinh ra là đối diện với Phật Bồ Tát, tiếp nhận sự chỉ dạy của Phật Bồ Tát, phải hiểu được ý nghĩa này.
“Tam giả chư Phật hộ lâm”
- Chư Phật đến ủng hộ.)
“Hộ” là hộ niệm. “Lâm” là cảm ứng. Cảm được đức Phật đến hộ niệm.
“Tứ giả Bồ-đề bất thối.”
- Không thối thất Bồ Đề)
Thường xuyên duy trì tâm Bồ-đề, tâm giác ngộ, tâm ưa mến thiện, tâm lợi ích chúng sanh, đây là tâm Bồ-đề.
“Ngũ giả tăng trưởng bổn lực.”
- Bổn lực được tăng trưởng)
“Bổn” là vốn có. Là vốn có trong tự tánh. Lực vốn có là gì? Lực đó là không thể nghĩ bàn. Trong kinh đức Phật thường nói “Hai trí quyền thật”, là nói cái này nhiều nhất. Tăng trưởng căn bản trí. Căn bản trí là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Trong Kinh Đại Thừa gọi là “Tam muội chánh thọ”, ý nghĩa này cũng vô cùng sâu rộng. Thật không dễ gì đạt được căn bản trí. Chúng ta ngày nay chỉ đạt được ở mức tương tự, chứ không phải chân thật. Căn bản trí chân thật chỉ pháp thân đại sĩ mới có, chứ chúng sanh trong thập pháp giới không có. Chúng sanh trong thập pháp giới, pháp giới tứ thánh là quả vị tương tự. Phàm phu trong lục đạo tu tốt đi nữa cũng là quả vị quán hạnh, chúng ta tự mình nhất định phải biết rõ. Tại sao vậy? Tâm thanh tịnh không đạt đến mức độ này. Ngày nay chúng ta nói thanh tịnh, nhưng phiền não tập nghiệp vẫn còn khởi hiện hành, cũng tức là thị phi nhân ngã, tham, sân, si mạn bất giác nó vẫn khởi tác dụng. Căn bản trí từ đâu mà có? Căn bản trí là thanh tịnh, bình đẳng. Tâm thật sự đạt đến thanh tịnh, thanh tịnh là không sinh phiền não liền thanh tịnh ngay. Bình đẳng là nhất định không có phân biệt, mới có thể đạt đến bình đẳng. Tâm thanh tịnh, bình đẳng chính là căn bản trí. Trong “Kinh Bát Nhã” nói “Bát Nhã vô tri”, đây là căn bản trí. Khi nó khởi tác dụng là “Vô sở bất tri” (Không có gì không biết) “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri.” Ngày nay chúng ta là hữu tri (Có biết). Hữu tri (Có biết) vậy thì sẽ hữu sở bất tri (có chỗ không biết.) Chúng ta biến thành cái gì cũng không biết. Học tập cho rằng như vậy là biết, nhưng chưa chắc là biết chính xác, có khi lầm lẫn, xuyên tạc, hiểu sai rồi. Vậy mới phải nương vào kinh điển của Phật, những gì đức Phật nói là chánh tri chánh kiến (thấy biết chân thật). Những gì chúng ta thấy ra nên đối chiếu với kinh Phật, nếu như những gì chúng ta thấy ra giống với những gì trong kinh Phật nói, vậy thì cái thấy hiểu, tư tưởng của chúng ta là chính xác. Nếu như những gì chúng ta thấy ra khác với trong kinh điển nói, vậy thì tự mình nhất định phải soi lại, phải kiểm điểm, chúng ta sai rồi, chứ kinh Phật không sai. Dựa theo tiêu chuẩn của kinh Phật để điều chỉnh tư tưởng và sự thấy hiểu của chúng ta trở lại, vậy gọi là tu tâm, đây gọi là tu từ căn bản. Tâm địa thanh tịnh sẽ sinh trí tuệ. Trí tuệ này tự mình có thể thọ dụng, cũng có thể lợi ích tất cả chúng sanh, đây gọi là hậu đắc trí, vô sở bất tri (không có gì không biết). Cho nên nói là “Tăng trưởng bổn lực”. Trong chú giải nói đến: “Thâm hành Bồ Tát cụ túc bi trí nhị tăng.” (Hành sâu hạnh Bồ Tát, thì sẽ tăng trưởng đầy đủ cả hai bi trí.) Cách nói này cũng hay. Ngài ngoài nói trí, hai loại trí ra, còn nói từ bi nữa. Khi trí tuệ hiện tiền, thì nhất định sẽ sinh ra tâm từ bi. Trí tuệ càng rộng, thì tâm từ bi sẽ càng lớn, đây là đạo lý nhất định.
“Lục giả, túc mạng giai thông”
- Việc đời trước đều rõ biết)
Đây là chúng ta gọi là thần thông. Thần thông trong kinh đức Phật nói: “y định lực nhi hiện tiền.” (Nương vào định lực mà hiện ra.) Thần thông là bản năng. Tại sao bị mất hết bản năng vậy? Do tâm tư loạn, nên bản năng không hiện ra. Trước đây tôi ở nước Mỹ, có một vị đồng tu gặp được một người Trung Quốc đại lục có khả năng đặc biệt. Ông dựa vào mắt thường có thể nhìn thấy rõ nội tạng của một con người, có năng lực này. Chúng ta gọi là mắt X quang. Có một vị đồng tu bèn nhờ ông ta xem thử, ông kiểm tra xem qua. Cuối cùng sau khi ông ta xem xong, ông nói cô năm xưa bị bệnh lao phổi, hiện nay đã khỏi rồi, vẫn còn vết sẹo ở chỗ đó, nói cho cô biết, cô giật nẩy mình. Năm xưa quả thật là đã từng bị bệnh này, nhưng xưa nay không có ai biết cả. Kết hôn nhiều năm như vậy, mà ngay cả chồng cô cũng không biết, nay ông ta đã thấy ra rồi. Cô nói ông thật là tài giỏi. Sau đó bèn hỏi ông, khả năng này của ông có bị mất hay không? Ông trả lời, cũng có thể! Sao bị mất vậy? Biết quá nhiều chuyện, đầu óc phức tạp sẽ bị mất hết. Cho nên những người này họ rất ít tiếp xúc với bên ngoài, để giữ gìn tâm thanh tịnh của mình, là tương ưng với Phật pháp nói. Cho nên năng lực, trí tuệ đều sinh ra từ trong tâm thanh tịnh. Tâm của bạn càng thanh tịnh thì trí tuệ, đức năng của bạn sẽ càng mạnh, đạo lý là ở chỗ này. Nếu càng phức tạp thì sẽ càng yếu. Thị phi nhân ngã, tham, sân, si, mạn càng ít càng tốt, vậy thì trí tuệ, đức năng trong tự tánh của bạn mới bộc lộ ra được, những thứ này là chướng ngại lớn, tự mình nhất định phải biết rõ, phải sáng tỏ. Đặc biệt là nếu chúng ta muốn học giáo lý, để tương lai lợi ích chúng sanh, thì kinh điển là trí tuệ cứu cánh viên mãn. Chúng ta mở kinh điển ra nếu như dùng tâm phiền não, tâm sở loạn thì bạn chắc chắn sẽ không thu được lợi ích, bạn không thể hiểu được nghĩa của nó. Nếu quý vị đồng tu muốn giảng kinh giỏi, giảng thật viên mãn thì không có gì khác là tâm thanh tịnh mà thôi. Xa lìa danh vọng lợi dưỡng, xa lìa ngũ dục lục trần bạn mở quyển kinh ra liền sáng tỏ ý của đức Phật ngay. Tại sao sáng tỏ? Ý của đức Phật chính là tánh đức của mình, cho nên bạn mới có thể sáng tỏ được, là tánh đức của mình. “Túc mệnh giai thông” (Việc đời trước đều rõ biết)
“Thất giả, tất cánh thành Phật.”
- Rốt ráo thành Phật’)
Bởi vì sách bạn đọc là kinh Phật. Bất kỳ quyển kinh Phật nào đến cuối cùng cũng cùng quy về một gốc, chắc chắn là quy về Vô Thượng Bồ-đề, cho nên là “tất cánh thành Phật” (Rốt ráo thành Phật’). Đây là được bảy loại lợi ích. Chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn cuối cùng.
“Nhĩ thời thập phương nhất thiết chư lai, bất khả thuyết, bất khả thuyết chư Phật Như Lai, cập Đại Bồ Tát, thiên long bát bộ.”
(Bấy giờ, bất khả thuyết tất cả các Đức Phật và đại Bồ Tát cùng tám bộ chúng Trời, Rồng … ở mười phương đến dự Pháp-hội đó.)
Đại hội tại cung trời Đao Lợi, đại hội viên mãn rồi. Ở chỗ này chúng ta đặc biệt phải nhận ra được, khi đại hội mở đầu thì tất cả chư Phật mười phương đều đến dự. Số chư Phật Như Lai đến tham pháp hội này, không có vị nào nửa chừng bỏ về, không có. Đều là tham dự cho đến khi pháp hội viên mãn. Sự thù thắng này là không thể nghĩ bàn, trong tất cả kinh điển chúng ta chưa có nhìn thấy bao giờ. Có lần nào đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh mà có nhiều Phật đến nghe như vậy đâu? Không có. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, trong hội “Kinh Vô Lượng Thọ” chúng ta cũng nhìn thấy Bồ Tát mười phương đến tham dự, chứ không có nhìn thấy Phật đến. Khi đức Phật giảng đến chỗ quan trọng thì chư Phật đến chứng minh, đến thị hiện cho Ngài một lát, chứ đâu có như pháp hội này! Từ đầu đến cuối tất cả chư Phật mười phương không có thiếu một vị nào, thảy đều đến cả. Bạn mới biết tầm quan trọng của pháp hội này. Cho nên pháp này là pháp căn bản của nhà Phật. Trong pháp Đại Thừa, bất kể bạn tu học pháp môn nào, “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” vẫn là cơ sở, là căn bản. Lìa khỏi cơ sở này, bạn tu bất kỳ pháp môn nào cũng chắc chắn không thành công, nên cơ sở này là vô cùng quan trọng
“Văn Thích Ca Mâu Ni Phật xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ Tát đại oai thần lực, bất khả tư nghị, thán vị tằng hữu.”
(Nghe đức Thích Ca Mâu Ni Phật ngợi khen tuyên bày sức oai thần lớn chẳng thể nghĩ bàn của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, đều khen là việc chưa từng có.)
Câu này là lời khen ngợi của chư Phật Như Lai đối với đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chư Phật khen ngợi chính là làm chứng minh cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Những gì đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói ra, mỗi câu đều là chân thật, các Ngài đến làm chứng.
“Thị thời Đao Lợi thiên.”
(Lúc đó trời Đao Lợi.)
Đây là nói đạo tràng.
“Vũ vô lượng hương hoa, thiên y, châu anh.”
(Rưới vô lượng hương hoa, thiên y, chuỗi ngọc.)
Đây là điềm lành của trời đất.
“Cúng dường Thích Ca Mâu Ni Phật cập Địa Tạng Bồ Tát dĩ, nhất thiết chúng hội câu phục chiêm lễ, hiệp chưởng nhi thoái.”
(Để cúng dường đức Thích Ca Mâu Ni Phật và Địa-Tạng Bồ Tát xong rồi, tất cả đại chúng trong pháp hội đều lại chiêm lễ chắp tay mà lui ra.)
“Nhất thiết chúng hội” là bao gồm chư Phật Như Lai ở trong đó. Chiêm lễ một lần nữa, quyến luyến không muốn rời, sau đó mới giải tán. Chúng ta ở chỗ này thấy tổng kết kinh văn không giống như những kinh thông thường. Những kinh văn thông thường phía sau tổng kết có câu “y giáo phụng hành”, nhưng ở đây không có. Mà chỉ “Hiệp chưởng nhi thối.” (Chắp tay mà lui ra.) Tại sao vậy? Vì các Ngài là chư Phật Như Lai. Pháp hội này vô cùng khác thường. Pháp sư Thanh Liên chú giải ở chỗ này rất hay, quý vị có thể xem thật kỹ. Hôm nay chúng tôi đã giảng bộ kinh này viên mãn rồi. Lần này là vì đạo tràng Cửu Hoa Sơn, pháp hội năm nay là mở khóa giảng bộ kinh này.
Được rồi, hôm nay pháp hội đến đây là viên mãn. Cảm ơn quý vị! A Di Đà Phật
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.