Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 41

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 41

Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển trung, trang 39 kinh văn:

  “Phục thứ Phổ Quảng. Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân năng đối Bồ-tát tượng tiền tác chư kỹ nhạc cập ca vịnh tán thán, hương hoa cúng dường nãi chí khuyên ư nhất nhân đa nhân. Như thị đẳng bối hiện tại thế trung cập vị lai thế, thường đắc bách thiên quỷ thần nhật dạ hộ vệ, bất lệnh ác sự triếp văn kỳ nhĩ, hà huống thân thọ chư hoạnh.” (Lại nữa, này Phổ Quảng! Như có người thiện nam, người thiện nữ nào có thể đối trước tượng của Địa Tạng Bồ-tát mà trổi các thứ kỹ nhạc, ngâm ca khen ngợi, dùng hương hoa cúng dường, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người. Những hạng người đó ở trong đời hiện tại cùng thuở vị lai sau, thường được trăm nghìn vị Quỉ Thần ngày đêm hộ vệ còn không cho những việc hung dữ đến tai người đó, huống là để cho người đó phải chịu các tai vạ bất ngờ!)

  Trong “Kinh Địa Tạng” chúng ta xem thấy rất nhiều cách thức cúng Phật. Chỗ này là dùng kỹ nhạc. “Kỹ” chính là chúng ta hiện nay gọi là ca múa, âm nhạc. Ở trong Phật Pháp Đại Thừa, chúng ta xem thấy trong những bức tranh biến tướng đồ vẽ Thế Tôn hoằng pháp vào thời cổ đại, chư thiên ca hát, nhảy múa để cúng dường khi Thế Tôn đang giảng kinh thuyết pháp. Những sự việc này là nhất định không có trong Phật pháp Tiểu Thừa. Như “Bát Quan Trai Giới”, “Sa Di Giới”, “Tỳ Kheo Giới” tuyệt đối ngăn cấm đến những chỗ ca múa, nhưng Bồ-tát Đại Thừa thì khác. Chúng ta có thể thấy vô cùng rõ ràng, Tiểu Thừa là phương tiện thiện xảo mà Phật thiết lập ra đối với xã hội bảo thủ, đối với người bảo thủ. Phật pháp Đại Thừa là đối với xã hội cởi mở, là đối với những chúng sanh cởi mở này. Đây là chứng tỏ Phật quả thật không có pháp cố định, không có pháp nhất định, Phật giáo hóa chúng sanh đều là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Chúng ta thấy ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” đặc biệt nói rất rõ ràng những chỗ này, Ngài thật sự là ứng cơ. Phật đương nhiên là có trí tuệ, có đức năng, Ngài nhìn một chúng sanh có thể nhìn thấy nhân duyên vô lượng kiếp về trước. Chúng ta không có năng lực này. Cho nên Phật nhiếp thọ chúng sanh, Ngài dùng tứ nhiếp pháp rất viên mãn. Sau cùng của Tứ Nhiếp Pháp là lợi hành, đồng sự. Đồng sự đây là cởi mở. Nếu như không cởi mở thì sao có thể đồng sự với chúng sanh được? Đây là trí tuệ cao độ, thiền định rất sâu, Ngài có thể thuận chúng sanh, có thể ở trong đó dẫn dụ chúng sanh, khiến cho chúng sanh giác ngộ, khiến cho chúng sanh quay đầu, cải tà quy chánh, đoạn ác tu thiện, Phật có năng lực này. Nếu như mình không có trí tuệ, không có định công, mà cũng muốn học làm như thế này thì rất khó chống lại sự cám dỗ của cảnh giới bên ngoài. Có rất nhiều người không đủ định tuệ, bị cảnh giới bên ngoài cám dỗ mà thối chuyển, mất đạo tâm, chúng ta thấy nhan nhản khắp nơi, từ thời đại Phật Thích Ca Mâu Ni đến nay mỗi thời đại đều có. Người xuất gia đọa lạc, người xuất gia hoàn tục, thực ra hoàn tục vẫn tốt hơn so với đọa lạc. Họ từ bỏ hình ảnh người xuất gia để hoàn tục làm người tu hành tại gia, cũng tốt, cũng có thể thành tựu. Cho nên xuất gia ở trong cửa Phật hoàn tục là một hiện tượng rất bình thường, cũng là hiện tượng tốt, chúng ta không nên nhìn bằng ánh mắt khác, như vậy thì bản thân chúng ta có tội. Như hiện nay những quốc gia Tiểu Thừa, họ có hình thức xuất gia trong thời gian ngắn. Ở Thái Lan ngay cả Vua cũng phải xuất gia ba tháng, sau ba tháng lại hoàn tục, đây là tiếp nhận nền giáo dục Phật giáo, sống đời sống Phật giáo, điều này chắc chắn có lợi ích, giúp ích đối với xã hội. Đoạn này là nói rõ phước báo có được khi dùng ca múa, âm nhạc cúng dường Bồ-tát. Đoạn phía trước là nói cúng dường, đoạn phía sau là nói họ được phước. Từ đoạn kinh văn này, chúng ta cũng có thể thể hội được, và suy rộng ra dùng cách thức nghệ thuật để hoằng pháp lợi sinh. Ở trong “Đại Tạng Kinh”, tôi xem thấy ở trong “Gia Khánh Tạng”, “Gia Khánh Tạng” là biên tập vào thời Minh, “Tạng Kinh” rất dày, hiện nay là đóng bìa cứng, đại khái là hai cuốn dày cỡ này. Nội dung là gì? Toàn là ca từ, phổ nhạc, ca từ phổ thành nhạc, cũng có thể biểu diễn. Từ đó cho thấy, thời xưa dùng cách thức này để khuyến hóa chúng sanh là việc rất thường thấy. Bởi vì chúng sanh thích tiếp nhận cách thức này, biên tập thành kịch bản để biểu diễn tương đối ít. Tại sao vậy? Phải nhiều điều kiện, không phải một người, vài người là có thể làm được. Một vài người dùng ca hát, loại biểu diễn nghệ thuật dân gian này, vào thời xưa là rất thường thấy,  đặc biệt là biểu diễn trong pháp hội. Bởi vì lúc có pháp hội thì người nhiều, dùng cách thức này để tuyên dương Phật pháp, dùng phương thức này để khuyến hóa chúng sanh, là một cách thuyết pháp hay vô cùng. “Kinh Địa Tạng” nếu như chúng ta đem những câu chuyện về Quang Mục Nữ, Bà La Môn Nữ ở phía trước này, dùng phương thức ca múa, kịch tuồng để biểu diễn ra, thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều so với chúng ta giảng kinh trên bục giảng, đường lối này hy vọng các đồng tu phải nhớ kỹ. Chúng tôi ngày nay là lực bất tòng tâm. Nếu như có đủ điều kiện thì phải đem Phật pháp đại thừa lên sân khấu. Nếu như có dựng thành phim truyền hình nhiều tập, chiếu trên đài truyền hình, bạn thử nghĩ xem sẽ giáo hóa được bao nhiêu chúng sanh? Sẽ nhận được sự hoan nghênh của đại chúng khắp nơi, đây là điều chúng ta cần phải nghĩ đến. Vào thời xưa ở trong kịch bản, cổ đức cũng có biên tập. Tác phẩm tôi nhìn thấy là kịch bản Bình Kịch, “Quy Nguyên Kính”. Trong đây có ba câu chuyện, đều là của Tịnh Độ Tông chúng ta. Đoạn thứ nhất là chuyện về Đại Sư Huệ Viễn, đoạn thứ hai là chuyện về Đại Sư Vĩnh Minh Diên Thọ, đoạn thứ ba là chuyện về Đại sư Liên Trì. Biên tập rất hay! Nó là dùng cách thức Bình Kịch, để biểu diễn trên sân khấu. Diễn viên đó chính là Bồ-tát, là đang giảng kinh thuyết pháp. Lần trước cư sĩ Du Bổn Xương đến viếng thăm Singapore, có đến thăm tôi, đặc biệt nhắc đến, ông muốn dùng phương pháp nghệ thuật, để giúp Phật giáo. Tôi nói sai rồi! Anh không phải giúp Phật giáo, không phải giúp pháp sư, anh chính là đại pháp sư, anh dùng phương pháp này hoằng pháp lợi sinh, vậy mới là chính xác. Cho nên kế hoạch của ông lần này, sau khi làm xong tập thứ hai, tập thứ ba ông sẽ diễn Tế Công thuyết pháp, chính thức là đại pháp sư. Chúng tôi vô cùng hy vọng nguyện vọng của ông có thể thực hiện được, cũng hoan nghênh ông sẽ đóng vai Bồ-tát Địa Tạng. Trước đây tôi nghe nói ở trong điện ảnh có người đóng vai Bồ-tát Quan Âm, Bồ-tát Địa Tạng, nhưng mà không có dựa theo nghĩa kinh của kinh văn để biểu diễn. Dựa theo nghĩa kinh biểu diễn, mới thật sự là lợi ích tất cả đại chúng.

  Chữ mấu chốt ở trong đoạn kinh văn này vẫn là chữ “Thiện”. Thiện nam tử, thiện nữ nhân” vẫn là ở chữ thiện. Có thể thấy mục đích ca múa, biểu diễn của họ, là nhằm khuyến hóa chúng sanh, chứ không phải kinh doanh kiếm lời. Hiện nay mục đích của mọi thứ giải trí thế gian đều là nhằm kinh doanh kiếm lời. Nếu như lợi nhuận không khá thì họ sẽ không chịu làm, biểu diễn nhất định phải bán vé. Còn dụng tâm của thiện nam tử, thiện nữ nhân thì khác, mục đích của họ là giáo hóa xã hội, là tuyên dương Phật pháp, lợi ích chúng sanh, mấu chốt là ở chỗ này.

 “Năng đối Bồ-tát tượng tiền tác hư kỹ nhạc cập ca vịnh tán thán hương hoa cúng dường, nãi chí khuyên ư nhất nhân đa nhân.” (Có thể đối trước tượng của Địa Tạng Bồ-tát mà trổi các thứ kỹ nhạc, ngâm ca khen ngợi, dùng hương hoa cúng dường, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người.)

  Tốt nhất là lợi dụng nơi có pháp hội. Thời xưa vào những ngày lễ Phật Bồ-tát thường có diễn kịch. Diễn kịch là có căn cứ, là có trong kinh văn này. Nhưng xem bạn là diễn kịch gì? Nội dung diễn kịch, mục đích diễn kịch là ở chỗ nào. Nếu như mục đích của diễn kịch là nhằm thu hút tín đồ, thế thì sai lầm. Mục đích nhất định là dùng cách thức này để giảng kinh thuyết pháp, phổ độ chúng sanh, vậy là thiện rồi, mấu chốt là ở điểm này. Chúng ta hãy bàn một chút, rốt cuộc họ sẽ được những công đức gì? Lợi ích của họ từ đâu mà có? Hiện nay hầu hết người thế gian cho những cách làm này của Phật pháp là mê tín. Thế trong quan niệm của họ, tu phước cần phải tu ở đâu? Cần phải làm nhiều sự nghiệp từ thiện, như giúp đỡ những chúng sanh nghèo khổ, chúng sanh già yếu, chúng sanh tàn tật, chúng sanh nhiều bệnh tật trong xã hội, làm những sự nghiệp từ thiện này, thì được chính phủ nhà nước khen thưởng, đại chúng xã hội khen ngợi. Còn pháp hội Phật giáo chúng ta ở nơi đây diễn một vở kịch không có ai coi trọng. Trong ý nghĩ của họ cho rằng việc đó đâu thể sánh bằng nhà từ thiện xã hội? Chúng ta làm vậy là mê tín, là vơ vét của cải, đem lại ấn tượng rất không tốt cho xã hội. Những chuyện này chúng tôi không dám nói là không có. Nhưng tất cả những phương tiện Phật pháp chân chánh, nó đều là mang mục tiêu giáo dục. Đem giáo dục kết hợp với nghệ thuật trở thành nghệ thuật giáo dục, đây là cách cao siêu nhất, đạt đến đỉnh cao trong phương pháp giáo dục. Thế Tôn từng giây từng phút đang đề xướng, chúng ta ở trong tất cả kinh, bộ kinh nào cũng lặp lại rất nhiều lần, Phật Đà dạy chúng ta “Thọ trì, đọc tụng, vì người diễn thuyết.” Diễn chính là biểu diễn. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của Thế Tôn. Hôm qua chúng ta có nói đến Chủ Dược Thần ở trong hội Hoa Nghiêm và thuận tiện nói đến tu phước. Bởi vì Chủ Dược Thần là trị bệnh cho người ta. Thế gian có ba loại người không bị bệnh. Phải biết thầy thuốc cao siêu nhất là có thể làm cho người ta không sinh bệnh, thì mới gọi là cao siêu. Họ bị bệnh rồi mới trị bệnh cho họ thì không gọi là cao siêu. Làm sao có thể khiến cho tất cả chúng sanh không sinh bệnh? Phật là đại y vương, Phật có năng lực. Ba loại người này là, loại người thứ nhất là người có phước báo, cho nên bạn phải biết tu phước, người có phước không sinh bệnh. Loại người thứ hai là người có định công không sinh bệnh. Loại thứ ba là người có trí tuệ không sinh bệnh. Tuệ đó không phải là thông minh trí tuệ của thế gian chúng ta. Nhà Phật nói minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ. Tại sao nói ba loại người này không sinh bệnh vậy? Vì ba loại người này có thể ngăn cản được nhân tố sinh bệnh. Người có phước báo, thì nhân tố sinh bệnh ít. Người có công phu thiền định có thể khống chế được nhân tố sinh bệnh, khiến cho những nhân tố đó không khởi tác dụng, cho nên họ không sinh bệnh. Người khai ngộ, minh tâm kiến tánh thì càng siêu tuyệt hơn nữa, đem tất cả nhân tố của bệnh tật, giống như hóa học hiện nay vậy, đều đem nó hóa giải biến thành trí tuệ, đều biến thành công đức cả, cho nên họ không sinh bệnh. Đạo lý và chân tướng sự thật này, chỉ có Phật biết. Phật chỉ dạy chúng ta, chúng ta phải tin. Cho nên Phật pháp là nền giáo dục chí thiện viên mãn của chúng sanh trong chín pháp giới. Lý luận viên mãn, phương pháp xảo diệu. Phật nói trong kinh là khéo léo tài tình đến cực điểm. Đáng tiếc là đồng tu học Phật chúng ta ngu muội không biết, không thể hội được tâm ý của Phật, không hiểu cách thức Phật giáo hóa chúng sanh. Tuy học Phật mà vẫn không đạt được lợi ích của Phật pháp như cũ. Nói không đạt được lợi ích của Phật pháp là nói hiện tại. Nhưng lợi ích chân thật, lợi ích sâu xa đều đạt được. Quả báo không phải ở đời này, không phải ở kiếp này. Vì thế người thế gian cũng không thể tin được, đối với việc cúng Phật này họ cũng coi thường, cũng lơ là hết. Đồng tu học Phật chúng ta thường hay nghe thấy, cổ đức thường nói: “Vừa qua căn tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo”, vừa qua căn mắt cũng vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo. Căn là sáu căn. Sáu căn là lấy căn mắt làm đại biểu. Nói căn mắt là nói đến sáu căn, phải hiểu được ý nghĩa này. Nói căn nào bạn liền chấp trước vào căn đó, thì bạn khó dạy rồi. Dạy học trong pháp thế gian còn coi trọng từ một suy ra ba, nghe một biết mười. Trên hội Lăng Nghiêm nói sáu căn, Phật cũng chỉ nói một căn, nói một cái kiến tánh, mười lần hiển thị kiến. Bạn hiểu được mười lần hiển thị kiến, cùng một đạo lý như vậy, cũng liền hiển thị văn, hiển thị giác, hiển thị tri, thảy đều có cả. Cho nên nói: “Vừa qua căn tai, vĩnh viễn thành hạt giống đạo” chúng ta thảy đều hiểu rõ rồi. Mắt thấy cũng là hạt giống đạo, thân xúc chạm cũng là hạt giống đạo, lưỡi nếm cũng là hạt giống đạo, mũi ngửi vẫn là hạt giống đạo như thường. Như vậy bạn mới hiểu được tạo tượng trong Phật pháp, công đức của tạo tượng Phật rất lớn. Trong “Đại Tạng Kinh” có “Kinh Công Đức Tạo Tượng” quả báo không thể nghĩ bàn. Bạn muốn hỏi tại sao? Tượng đúc có thể truyền được dài lâu, còn ảnh vẻ khiến người ta nhìn thấy liền gieo hạt giống thành Phật. Khi họ nhìn thấy tượng Phật, tượng Bồ-tát sẽ đem hạt giống thập pháp giới hàm chứa trong a-lại-da thức của họ, hạt giống của pháp giới Phật, pháp giới Bồ-tát sẽ hiện hành một lần. Tất cả công đức, phước đức thế gian và xuất thế gian, có cái nào có thể lớn hơn so với cái này? Trong a-lại-da thức của mỗi chúng sanh đều có đầy đủ hạt giống của mười pháp giới. Chúng ta thọ sanh ở nơi nào trong thập pháp giới? Sống đời sống ở trong pháp giới nào? Điều đó phải xem niệm cuối cùng lúc bạn sắp lâm chung. Niệm này là niệm gì? Nếu như niệm lúc lâm chung là niệm Phật, thì họ sẽ về pháp giới Phật. Niệm lúc lâm chung là niệm Bồ-tát, họ sẽ về pháp giới Bồ-tát. Hiểu rõ đạo lý này mới biết được việc tu phước trong cửa Phật là không thể nghĩ bàn. Công đức của tạo tượng đâu phải là mê tín? Không những không phải mê tín, mà là trí tuệ chân thật, vô lượng phước báo. Bức tôn tượng này không những khiến cho mình được phước, phàm là người có duyên nhìn thấy đều là khơi dậy hạt giống Phật Bồ-tát trong ruộng tám thức của họ. Thấy một lần là giống như tia chớp vậy, tỏa sáng một lần. Nên biết một lần tỏa sáng này là vô cùng hy hữu hiếm gặp. Bởi vì nếu họ không được thân người, không gặp được Phật pháp, thì họ sẽ không có duyên này, không có cơ hội này. Tuy trong ruộng tám thức có hạt giống Phật mà không có duyên khơi nó dậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *