Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 42

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 42

Người tạo phước, phía trước nói đắp nặn hình tượng Phật Bồ-tát, thêu vẽ hình ảnh Phật Bồ-tát có thể khơi dậy tính sáng suốt quý báu nhất trong a-lại-da thức của rất nhiều chúng sanh. Tính sáng suốt này nếu thường xuyên phát huy, thì khoảng cách tu hành chứng quả của họ sẽ rút ngắn. Nếu họ thành Phật, thành Bồ-tát, quý vị thử nghĩ xem họ độ được bao nhiêu chúng sanh? Chúng sanh mà họ độ, nhờ chúng ta ở trên nhân địa tu một chút phước cho họ, nên chúng ta được thơm lây, do có duyên với Phật Bồ-tát. Huống chi tự mình tu hành, mình ở trước hình tượng Phật Bồ-tát, cung kính hành lễ, hương hoa cúng dường, biểu diễn cho người khác thấy, nhất là người không tin. Họ nhìn thấy những người chúng ta đây, chúng ta không mê tín, không ngu si, cũng không ngốc, cũng không khờ, tại sao nhìn thấy hình tượng Phật Bồ-tát lại lễ kính như vậy? Họ nhìn thấy rồi, có khi họ cũng sẽ hỏi, thỉnh giáo, tại sao anh làm như vậy? Đây là cơ hội giáo dục rồi, bạn bèn có thể giải thích rõ cho họ biết lợi ích công đức này. Đây là thuộc về cơ hội giáo dục. Chùa chiền Phật giáo Trung Quốc, hầu như mỗi một huyện thị, thậm chí là làng xã đạo tràng mọc lên như nấm, những đạo tràng có lịch sử, có giá trị nghệ thuật này, hiện nay quốc gia mở cửa làm điểm tham quan du lịch. Bạn phải biết công đức này lớn cỡ nào? Rất nhiều khách tham quan nước ngoài, cả đời họ xưa nay chưa có tiếp xúc được Phật pháp, chưa từng thấy hình tượng Phật Bồ-tát, họ đến nơi này tham quan du lịch nhìn thấy, là đã gieo vào hạt giống Phật Bồ-tát trong a-lại-da thức rồi, lợi ích thù thắng chúng ta không có cách gì nói hết được. Nhưng người thế gian không biết, đây là nói thấy tượng, nghe tên. Nếu như có đệ tử Phật thông đạt Phật pháp nữa, bất kể là tại gia hay xuất gia, có thể nhân cơ hội này, đem nghĩa thú tượng trưng của hình tượng Phật, Bồ-tát giới thiệu tỉ mỉ, thì họ được lợi ích ngay trong hiện tại, lợi ích này của họ không phải đến đời sau, không phải đời sau nữa, mà họ hiện nay đã được lợi ích. Cũng như nói đến nơi đây để tham quan du lịch là đến để đi học, bạn đã dạy cho họ một tiết học. Số tiền họ bỏ ra để đến đây tham quan du lịch cũng như trả học phí, học phí không có vô ích. Chúng ta thu học phí rất ít, lợi ích họ thu được rất lớn. Đây là tại sao ở trong trường hợp này chúng ta phải đặc biệt làm đúng như pháp, chúng ta đang diễn kịch, biểu diễn cho những người chưa có học Phật đó thấy, khiến cho họ sinh tâm cung kính, khiến cho họ khởi lên nghi vấn, sau đó chúng ta giải đáp cho họ. Chúng ta giải đáp cho một người, thì rất nhiều người tham quan du lịch họ sẽ vây quanh lại, mọi người đều đến nghe. Trong trường hợp này phải biết biểu diễn. Nếu không có người hỏi, thì tìm một người của mình giao hẹn trước, tôi ở đây biểu diễn, anh đến hỏi, hát kịch, hát cho người khác xem, cho người ta nghe. Cách hỏi này trong kinh có, gọi là hỏi vì lợi lạc hữu tình. Họ không hiểu, họ có thể hỏi thì tốt! Thử xem bên cạnh không có người hỏi, nếu không có người hỏi thì người của chúng ta đến hỏi. Hỏi để họ được lợi ích. Cho nên những đạo tràng, chùa chiền này là giảng đường, lớp học để giáo hóa chúng sanh trên toàn thế giới, đây là sự cống hiến của Phật pháp Đại Thừa đối với nhân dân toàn thế giới, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa này, sau đó bạn mới biết lợi ích công đức thù thắng. Những nhà từ thiện thế gian đó tuyệt đối không thể sánh bằng. Nhà từ thiện giúp đỡ người ta chỉ một đời một kiếp, còn Phật pháp giúp đỡ người ta đời đời kiếp kiếp, lợi ích này làm sao có thể sánh bằng, cho nên quả báo đương nhiên là khác nhau. Phía dưới đây là nói phước báo của họ:

  “Như thị đẳng bối” tức là nói những người tu phước này.

  “Trong đời hiện tại và đời vị lai” câu phía sau này quan trọng. Họ không phải một đời, họ còn có phước báo đời sau. “Thường được trăm nghìn quỷ thần ngày đêm bảo vệ”. Thần hộ pháp phù hộ bạn. Tại sao họ phù hộ bạn? Bởi vì bạn hoằng pháp lợi sinh, vì bạn hoằng dương Phật pháp. Những vị thần hộ pháp này đều là đệ tử Phật. Thậm chí là trong những vị quỷ thần này thật sự có chư Phật Như-lai, pháp thân đại sĩ thị hiện trong đó nữa. Mặc dù quỉ thần ngu muội không biết, các ngài ở trong đó hướng dẫn, ở trong đó làm mẫu, đây là khuyến thiện. Làm một chút việc thiện này, mà được lợi ích lớn như vậy thì ai không muốn làm việc thiện? Ai không muốn đi làm việc tốt? Đây là một loại cách thức khuyến thiện.

  “Bất lệnh ác sự triếp văn kỳ nhĩ, hà huống thân thọ chư hoạnh” (Còn không cho những việc hung dữ đến tai người đó, huống là để cho người đó phải chịu các tai vạ bất ngờ!)

  Đây chính là chúng ta hiện nay gọi là tiêu tai miễn nạn. Tất cả mọi thứ tai nạn, không những bản thân bạn không gặp phải, mà âm thanh của tai nạn bạn cũng không có nghe thấy, tin tức bạn cũng không có nghe thấy, có thể được phước báo lớn như vậy. Chúng ta phải khẳng định, tin tưởng lời Phật nói trong kinh mỗi câu đều chân thật, không có một chữ nào là hư dối. Như-lai quả thật sự là nói lời chân, nói lời thật, nói lời như, nói lời không dối, từng câu đều là thành thật. Trong chú giải hy vọng quý vị đồng tu xem cho thật kỹ, đoạn chú giải này của pháp sư Thanh Liên chú giải rất hay. Trích dẫn sách vở thời xưa để chứng minh nhạc giáo,  là công năng giáo hóa của âm nhạc.

  Chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn này dưới đây:

  “Phục thứ Phổ Quảng, vị lai thế trung nhược hữu ác nhân cập ác thần, ác quỉ kiến hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân quy kính cúng dường, tán thán chiêm lễ Địa Tạng Bồ-tát hình tượng, hoặc vọng sanh cơ hủy báng vô công đức cập lợi ích sự.” (Lại nữa này Phổ Quảng Bồ-tát! Trong đời sau, như có người ác và ác thần, ác quỉ nòa thấy kẻ thiện nam, người thiện nữ quy y cung kính, cúng dường khen ngợi chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ-tát, mà vọng sanh khinh chê là không có công đức cùng không có lợi ích.)

  Cũng chính là nói không có công đức, không có lợi ích, nói bạn mê tín.

  “Hoặc lộ xỉ tiếu, hoặc diện bối phi” (Hoặc nhăn răng ra cười, hoặc chê sau lưng hay chê trước mặt.)

  Diện là trước mặt, bối là sau lưng.

  “Hoặc khuyên nhân cộng phi, hoặc nhất nhân phi, hoặc đa nhân phi, nãi chí nhất niệm sanh cơ hủy giả.” (Hoặc khuyên bảo người khác cùng chê, hoặc khuyên bảo một người cùng chê hay nhiều người cùng chê, cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm.)

  Đây là nói tạo nghiệp. Hiện nay người tạo loại nghiệp ác này quả thật là có, chúng ta thường hay nghe thấy, có khi cũng nhìn thấy. Đặc biệt là ở thời đại này của chúng ta, Trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói thời đại này: “Tà sư thuyết pháp nhiều như cát sông Hằng.” Tà sư là ai vậy? Yêu, ma, quỉ, quái. “Kinh Lăng Nghiêm” quyển thứ tư, Phật nói cho chúng ta biết bốn loại thanh tịnh minh hối, đoạn kinh văn đó vô cùng quan trọng. Nói rõ cho chúng ta biết trong thế gian này loại nào là yêu? Loại nào là ma? Loại nào là quỉ? Loại nào là quái? Chúng ta nhìn thấy đều là người. Diện mạo là con người, nhưng tâm của họ không phải tâm người, là tâm yêu ma quỉ quái. Cho nên Phật ở trong “Kinh Diệt Pháp” có tiên tri, người hiện nay gọi là tiên đoán. Tương lai Phật pháp, bộ kinh đầu tiên bị tiêu diệt là “Kinh Lăng Nghiêm”, bộ cuối cùng bị tiêu diệt là “Kinh Vô Lượng Thọ”. Tại sao “Kinh Lăng Nghiêm” bị tiêu diệt đầu tiên? Tôi đọc đến quyển kinh văn đó, tôi liền biết kinh này nhất định sẽ bị tiêu diệt trước. Kinh này không còn nữa thì yêu, ma, quỉ, quái, ở thế gian bạn sẽ không nhận biết được. Bạn không những không nhận biết họ là yêu ma quỉ quái, mà còn xem họ như là Phật Bồ-tát, họ giả dạng rất giống, rất giống Phật Bồ-tát. Họ không phải là Phật Bồ-tát thật. Cho nên chương kinh văn thanh tịnh minh hối đó, trước đây tôi giảng “Kinh Lăng Nghiêm”, tôi nói đoạn này là kính chiếu yêu. Yêu ma quỉ quái nhức đầu với kinh này, luôn nghĩ cách tiêu hủy kinh này, không để cho bạn lưu thông, để cho nó dễ tác oai tác quái. Trong “Tả Truyện” của Nho Gia có một câu danh ngôn, dạy cho chúng ta phân biệt được thế nào là yêu. Tả Khưu Minh nói: “Con người mà bỏ đi luân thường thì yêu quái hưng thịnh”. Câu nói này gợi ý cho chúng ta rất lớn. Thường là gì? Nho Gia nói ngũ thường: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nếu con người bỏ đi hết những thứ này, không cần nữa. Hay nói cách khác, việc họ làm là bất nhân, bất nghĩa, không nói đến lễ, không giữ chữ tín, thì người này chính là yêu. Bất kể địa vị của họ ở trong xã hội cao cỡ nào, họ giàu có cỡ nào, họ cũng không phải con người. Nho Gia nhận định, khẳng định tiêu chuẩn của con người nhất định phải nói đến nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Cũng chính là nói năm điều kiện cơ bản của làm người. Trong Phật pháp bạn thấy từ xưa đến nay, những vị tổ sư đại đức này, đã đem ngũ thường này phối hợp với ngũ giới: Không sát sanh là nhân, không trộm cắp là nghĩa, không tà dâm là lễ, không nói dối là tín, không uống rượu là trí. Từ đó cho thấy, đầy đủ ngũ giới đây là con người. Người nào phá hủy, vi phạm tất cả ngũ giới là yêu, yêu ma, không phải con người. Tuy hiện nay là được thân người, mà nghiệp họ tạo là nghiệp của yêu ma quỉ quái, tương lai chắc chắn đọa tam đồ, đây là điều mà trong tất cả kinh Đại Tiểu thừa đều nói rất tỉ mỉ. Phật pháp được tất cả đại chúng công nhận là con mắt của trời người, là chỉ dẫn sáng suốt. Người ta tu học tán thán, còn bạn đi chướng ngại, phỉ báng, thì tội nghiệp đó rất nặng rồi! Ba loại chúng sanh mà chỗ này nói. “Người ác”, phần lớn là người ngu si. Vì ngu si mới dễ dàng bị những thứ yêu ma quỉ quái này lợi dụng, nghe tin theo lời nói dối của chúng, hoài nghi chánh pháp. Yêu ma quỉ quái cũng có tài tranh biện, cũng có tà tuệ. Năm mươi loại ngũ ấm ma mà phía sau “Kinh Lăng Nghiêm” nói. Loại là chủng loại. Đem những thứ ma này chia thành năm mươi loại. Trong mỗi một loại, chúng ta xem thấy trong kinh, nếu như không phải thật sự thông đạt Phật pháp đại thừa, thì quả thật chúng ta đều xem chúng là Phật Bồ-tát. Chúng ở thế gian này có phước báo, phước báo rất lớn, có đồ chúng, đồ chúng rất nhiều, có thế lực, chúng cũng có thần hộ pháp. Thân của chúng cũng sắc vàng, có hào quang. Phàm phu đâu thể sánh bằng chúng được? Phật ở trong kinh nói cho chúng ta biết. Hào quang của Phật Bồ-tát là nhu hòa, bạn tiếp xúc cảm thấy rất dễ chịu. Hào quang của ma là có uy lực, mạnh mẽ, bạn tiếp xúc cảm thấy sợ hãi. Hào quang của họ chói mắt, giống như ánh nắng mặt trời vậy, chúng ta không cách gì mở mắt ra nhìn lâu được. Nhìn lâu trong ánh sáng này có tia tử ngoại sẽ hại cho mắt. Cho nên ánh nắng mặt trời nhất định không được nhìn lâu. Hào quang của ma là thuộc loại này. Hào quang của Phật nhu hòa. Tại sao có hiện tượng này? Hào quang của Phật là lưu xuất ra từ trong tâm từ bi của tự tánh. Hào quang của ma, vẫn là lưu xuất ra từ tham sân si. Cho nên tuy hào quang rất lớn, mà tính chất khác nhau, đây là điều chúng ta phải biết. Ma lợi dụng con người, có khi con người cũng lợi dụng ma. Con người thích cầu danh vọng lợi dưỡng, ma cho họ danh vọng lợi dưỡng, thế là đạo ma, pháp ma xuất hiện ở thế gian này. Có thể khiến tất cả chúng sanh mê hoặc điên đảo, bỏ thiện theo ác, vậy là tạo nghiệp ác, không chịu tu thiện, từ bỏ chánh pháp. Chúng ta thường hay cảm nhận thấy có rất nhiều người tin tà không tin chánh, thích nghe lừa gạt, không chịu nghe khuyên bảo, đây đích thực là kẻ đáng thương mà trong kinh điển nói, thật sự rất đáng thương. Họ vẫn tự cho rằng mình thông minh, tự cho mình là đúng. Khi họ nhìn thấy người thiện nam, người thiện nữ quy y cung kính cúng dường, khen ngợi, chiêm ngưỡng, đảnh lễ hình tượng Bồ-tát Địa Tạng. Đây chính là chúng ta thông thường gọi là lễ Phật, lễ Bồ-tát. Nhìn thấy có người lễ Phật, lễ Bồ-tát quý vị nhất định phải biết. Hễ là nhìn thấy người nào lễ Phật, lễ Bồ-tát, thì họ là chánh tín, rất tốt! Mê tín cũng tốt. Chỉ cần chịu lễ bái là tốt. Người chánh tín thì hiện tiền được lợi ích, còn người mê tín thì đời sau được lợi ích, không có chuyện không được lợi ích. Trong “Kinh Pháp Hoa” nói: “Một lần xưng nam mô Phật, đều đã thành Phật đạo” Chữ “Đã thành Phật đạo” đó không phải hiện tiền, có lẽ là ở vô lượng kiếp về sau. Chỉ là ngày nay họ mê tín, nhìn thấy Phật Bồ-tát, họ cung kính cúng dường lễ bái, chỉ tu một lần phước như vậy, vô lượng kiếp sau, nếu như gặp được lúc có Phật ra đời, có thể nhờ nhân duyên này mà có thể xuất gia theo Phật tu hành chứng quả. Chúng ta xem thấy trường hợp này ở trong kinh rất nhiều. Họ hoàn toàn không thật hiểu rõ, cũng hoàn toàn không thật hiểu đạo lý, lúc gặp tai nạn khẩn cấp, niệm một câu Quan Âm Bồ-tát, niệm một câu A-Di-Đà Phật, công đức đó là không thể nghĩ bàn. Huống chi chúng ta hiểu sâu sắc về những đạo lý này. Xưng một tiếng Phật hiệu, là một lần đánh thức tâm. Cung kính hành lễ, khen ngợi cúng dường đều là từ tánh đức lưu xuất. Minh tâm kiến tánh, tánh ở đâu? Tánh là từ đây lưu xuất.

  Họ “Vọng sanh khinh chê” đối với người tu tích công đức chân thật, người tu tích phước đức chân thật. “Vọng” là họ không hiểu đạo lý, không hiểu chân tướng sự thật ở trong đó, chạy theo vọng tưởng tri kiến của mình, từ trong vọng tưởng của họ nảy sinh ra chê bai phỉ báng, nói đây là mê tín. Lời nói này nếu như nghiên cứu thảo luận cho thật sâu, thì ý nghĩa rất sâu. Phật giáo không phải mê tín. Cho nên người mê tín Phật giáo, cũng không phải mê tín. Các bạn nghĩ xem lời nói này của tôi có đúng hay không? Bản thân Phật giáo không mê tín. Dù bạn mê tín nó cũng không mê tín. Âu Dương Cánh Vô nói: Tôn giáo là mê tín, dù biết đúng rồi tin nó vẫn là mê tín. Bản chất của nó là mê. Bản chất của Phật giáo không mê. Bạn cần hiểu rõ đạo lý này. Cho nên Phật giáo, bạn bước vào từ mê, sau đó có thể khai ngộ. Nếu như trong bản chất của nó thật sự là mê tín, dù họ biết mà bước vào cũng bị nó mê. Đạo lý này rất sâu, rất đáng để nghiền ngẫm. Sau đó bạn mới có thể khuyên bảo tất cả đại chúng, tuyệt đối không được phép chê bai phỉ báng, nếu chê bai phỉ báng là tạo nghiệp nặng rồi. Bạn nói họ không có công đức, nói họ không có lợi ích. Nói thực ra lợi ích công đức của họ là vô biên. Bạn “Nhe răng cười”, cười nhạo họ. “Phê bình trước mặt hoặc sau lưng” là phê bình họ, phê bình trước mặt, hoặc sau lưng, hoặc là bạn còn khuyên bảo mọi người, cùng nhau đi phê bình họ. Tổng kết cuối cùng:

  “Hoặc nhất nhân phi, hoặc đa nhân phi” (Hoặc khuyên bảo một người cùng chê, hoặc nhiều người cùng chê)

  Phê bình không phải bổn phận của mình, hoặc phi lý.

  “Nãi chí nhất niệm sanh cơ hủy giả” (Cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm) Đây là nói ít nhất, động ý nghĩ này. Bên dưới là nói quả báo của họ:

  “Như thị chi nhân hiền kiếp thiên Phật diệt độ, cơ hủy chi báo thượng tại A Tỳ địa ngục thọ cực trọng tội” (Thời những kẻ như thế đến sau khi một nghìn đức Phật trong Hiền Kiếp nhập diệt cả, bị tội báo khinh chê nên còn ở trong địa ngục A Tỳ chịu khổ rất nặng)

  Quả báo vẫn chưa xong, phía sau rất dài. Những người này thường hay tự cho rằng mình thông minh. Ở trong cửa Phật bất kể là họ trí tín hay là mê tín. Chúng ta nhìn thấy đều hoan hỷ tán thán. Tại sao vậy? Bản chất là chánh giác. Người mê tín cũng được phước, không có khác gì so với lời trong kinh nói. Lợi ích công đức thật sự là vô lượng vô biên, không có cùng tận. Tội báo của phê bình phỉ báng cũng không thể nghĩ bàn, cũng là không có cùng tận.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *