Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 84

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 84

  Nguyện là tùy duyên. Cầu là phan duyên. Tôi xin nêu ra ví dụ để nói, mọi người sẽ dễ dàng hiểu được. Chúng ta mong cầu có một ngôi niệm Phật đường tốt thì cái mong cầu này là nguyện. Tôi mong cầu lúc nào vậy? Các bạn thử xem tôi viết trong bản bút ký, vào năm 1961, là lúc tôi cầu, đây là cầu nguyện, tôi không có phan duyên, không có đi khắp nơi nói với người ta để hóa duyên, để xây dựng, không có. Hơn ba mươi năm nay cứ thuận theo tự nhiên, đến nơi đây, chỉ nói qua là họ thật sự làm được, đây gọi là tùy duyên. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên và đồng tu bên đây họ làm thật, làm hết lòng. Chẳng qua chúng tôi chỉ khởi cái vọng tưởng mà thôi, đã khởi vọng tưởng hơn ba mươi năm, chứ hoàn toàn không có mong cầu trong đời này tôi sẽ thật sự xây cái đạo tràng này, không có cái ý nghĩ này, không có ý nghĩ. Họ nghe tôi nói như vậy bèn cố gắng làm, là việc tốt, tôi bèn thuận thuyền theo nước. Từ chỗ này quý vị sẽ nhận ra nguyện khác với cầu, thuận theo tự nhiên mà thành tựu, chứ không có mảy may miễn cưỡng, bạn liền tự tại ngay. Nếu như cầu mỗi ngày, hy vọng có thể nhanh chóng thành công, thế chẳng phải mệt chết, khổ chết sao? Cái gánh này của bạn nặng cỡ nào! Có nguyện không có mong cầu, thì không có mảy may gánh nặng nào cả. Chúng sanh có phước, thì chư Phật thiện thần ủng hộ, nó tự nhiên sẽ xuất hiện. Chúng sanh không có phước báo, chúng ta miễn cưỡng thế nào đi nữa cũng làm không thành công. Nhà Phật thường nói: “Ở trong cửa Phật có cầu ắt ứng.” Chữ cầu đó là nguyện. Nguyện là tùy duyên, chứ không phải loại mong cầu đó của thế gian, kiểu cầu đó là phan duyên. Phan duyên mặc dù thành tựu, nhưng phiền phức rất nhiều, nó không phải tự nhiên thành, nó thành tựu rất miễn cưỡng, hậu quả về sau nhất định là bất như ý, không lý tưởng. Từ xưa đến nay rất nhiều bậc đại đức, trong hành nghi các Ngài thị hiện độ hóa chúng sanh chúng ta có thể nhìn thấy, không có gượng ép. Trong đời tôi, tôi chưa từng có ý nghĩ đi xây đạo tràng, không có. Tại sao vậy? Thấy phước của mình rất mỏng. Trong đời xưa nay chưa hề mở miệng đi hóa duyên người ta bao giờ, đây là thiên tánh của tôi. Chìa tay xin tiền người ta là tôi cảm thấy rất ái ngại. Làm cho bản thân tôi tôi còn không chịu, thì làm sao làm cho người khác, làm gì có đạo lý này? Cho nên chỉ có nói qua ở trên bục giảng thôi. Tôi người nói thì vô tâm, nhưng người nghe thì hữu ý, họ làm thật. Làm thật, tốt! Các bạn cứ làm, tôi cũng không phản đối, cũng không ngăn cản. Thư viện Hoa Tạng Cảnh Mỹ Đài Bắc là được thành tựu như vậy. Sự thành tựu của thư viện đó rất nhiều người không biết, là do thính chúng nổi giận mà nên. Có một năm tại pháp hội Nhân Vương, lúc đó hội pháp thí Hoa Tạng, do viện trưởng Hàn dẫn đầu, lúc đó còn có lão pháp sư Đạo An nữa. Chúng tôi thuê đạo tràng hội Phật giáo Đài Bắc Trung Quốc, mượn đạo tràng này để giảng “Kinh Nhân Vương” hai mươi ngày. Những vị pháp sư đại đức trong hội Phật giáo này làm khó chúng tôi, họ nghĩ đủ mọi cách để ngăn cản chúng tôi giảng kinh viên mãn. Bởi vì giảng kinh này là cầu phước cho quốc gia, chúng tôi phải kiên quyết nhất định phải giảng viên mãn. Họ làm thật không vui, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giảng kinh cho xong. Sau khi giảng xong, hội Phật Giáo bèn nói, đạo tràng của họ vĩnh viễn không cho bất kỳ người nào thuê để giảng kinh. Thính chúng của chúng tôi nghe thấy sự việc này mới nổi giận. Anh không cho mượn, thì tự chúng tôi xây đạo tràng. Mọi người mới hùn tiền mua thư viện Cảnh Mỹ, tôi không có bảo họ mua, tự mọi người họ phát tâm. Cho nên thư viện Cảnh Mỹ là do thính chúng nổi giận mà có, cũng hay, dành cho chúng tôi ở bên ấy giảng kinh hơn hai mươi năm. Đã đặt cơ sở hoằng pháp cho chúng tôi, tự nhiên tùy duyên mà thành tựu. Đạo tràng thứ hai ở Đài Loan, là Hội Cơ Kim Giáo Dục Phật Đà, không phải tôi tìm họ, mà họ tìm tôi. Đó là tài sản của cư sĩ Giản Phong Văn, ông xây cao ốc này, phát tâm muốn tặng cho tôi một tầng làm giảng đường. Tôi cũng không quen biết ông, bình thường cũng không có qua lại, đột nhiên đến muốn tặng cho tôi một tầng lầu. Cái tầng lầu đó không phải ít tiền. Ông nói như vậy tôi thấy rất hoài nghi, nghĩ nghe cho vui thôi, anh tặng cũng tốt, không tặng cũng tốt, hoàn toàn không có để tâm. Ông biết tôi không có niềm tin đối với ông. Qua hai tuần sau, ông đã viết một lá thư gởi đến tôi, biểu thị ông có thành tâm, thành ý cúng dường đạo tràng này. Lá thư đó không có hiệu quả trên pháp luật, chỉ là biểu đạt thành ý của ông. Chúng tôi cũng rất hoan hỷ tiếp nhận. Tốt, khen ngợi mấy câu, thôi! Đi đi! Sau đó tôi đến nước Mỹ để hoằng pháp, và để lấy được thẻ xanh ở Mỹ, cho nên dường như sống ở Mỹ khoảng mười tháng, thời gian ở Mỹ lần đó là dài nhất. Sau khi trở về, cao ốc này của ông xây xong rồi. Ông ra sân bay để tiếp đón tôi, và đem giấy quyền sở hữu giao cho tôi, đây là thật chứ không phải giả. Đây mới được xem là thật. Tôi bèn hỏi ông, tôi hỏi, ông quyên hiến tặng rồi, sau này có muốn lấy lại không? Ông nói, không cần, nhất định sẽ không lấy lại. Tôi nói, tốt. Không lấy lại, thì tôi sẽ làm một cái công chứng cho ông, chúng ta ra tòa án công chứng. Ông nói tôi không cần nơi đó. Bèn thành lập “Hội Cơ Kim Giáo Dục Phật Đà”, đây là tài sản của hội Cơ Kim. Đến ngày nào hội Cơ Kim giải tán, không làm nữa, thì tài sản này thuộc về quốc gia, chứ không thuộc về bất kỳ người nào. Ông đồng ý. Chúng tôi bèn làm như thế này. Anh tặng cho tôi, tôi không lấy. Đạo tràng này tự nhiên thành tựu, tôi không có yêu cầu ông. Đạo tràng ở Dallas Mỹ của chúng ta, nơi đó tôi không thích. Quán Trưởng cũng không thích, mà họ cứ xây ở bên đó, là do Phật Bồ Tát xây dựng. Mọi người mang tiền đến tặng, đạo tràng xây xong thì tiền cũng hết đến, không có ra ngoài hóa duyên, không có xin tiền người khác, thành tựu một cách rất tự nhiên. Cho nên đời này chúng tôi sống rất tự tại, sống rất hạnh phúc, không có một tí áp lực nào. Chúng tôi tuyệt đối không tự gây phiền phức cho mình, tuyệt đối không khiến cho mình sống trong đau khổ. Cầu người khác rất khổ, dò xét vẻ mặt người ta, rất khó coi. Ở nước ngoài mượn tiền ngân hàng, bạn nói gánh nặng đó nặng cỡ nào! Tôi thì không được, nếu tôi có mắc nợ thì tối không thể ngủ được. Có một số người rất có bản lĩnh, họ nợ đầy mình mà tối vẫn ngủ ngon, tôi rất khâm phục họ. Tôi tuyệt đối không làm chuyện nợ nần, tuyệt đối không thể làm cái việc đi cầu người khác. Chúng tôi sống trong lành, khổ cực đi nữa, nhưng thân tâm yên ổn, tự tại an vui, không có mảy may gánh nặng nào cả. Như vậy bạn mới có thể tự nhiên lìa khỏi biển khổ. Tu hành cũng lại như thế. Niệm Phật thật thà niệm là được, phát nguyện cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, đừng nên sốt ruột, đừng nên trông ngóng mỗi ngày, sao Phật A Di Đà vẫn chưa đến? Tôi vẫn chưa có nhìn thấy? Nếu bạn có tâm như vậy, vậy là có cầu, là tâm phan duyên, e rằng sẽ không thể đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tại sao vậy? Lúc bạn niệm Phật bị xen tạp, xen tạp cái vọng tưởng này. Chỉ cần một câu Phật hiệu niệm đến cùng, nguyện sanh Tây Phương, đi ngày nào cũng được, khi nào Phật đến cũng được, không nên phan duyên, tùy duyên mới tốt. Nếu vẫn chưa đi, thân thể này vẫn còn ở thế gian, thì hết lòng hết sức giới thiệu, tiến cử pháp môn này cho tất cả đại chúng, đem lợi ích công đức cái hay của pháp môn này giảng giải rõ ràng cho mọi người, vậy là rất tốt. Cứ như vậy mà yên tâm đợi đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn bạn, không có sốt ruột tí nào cả, vậy là tốt. Chú giải dưới đây chúng ta xem tiếp. Thị cố hành giả ưng đương chí tâm. Nhược chí tâm giả, sở cầu tất hoạch, xuất khổ chứng lạc(Do đó hành giả nên chí tâm, nếu chí tâm thì cầu gì cũng đều được, thoát khổ chứng được an vui) Mấy câu này nói rất hay. Hành giả chính là người y giáo tu hành. Bạn cần phải tu như thế nào? Cần phải dùng chân tâm. Chí tâm chính là chân tâm, bạn cần phải dùng chân tâm để tu. Nếu xen tạp vọng tưởng vào thì không phải chân tâm, không được phép xen tạp vọng tưởng, chỉ cần là chân tâm tu học, thì nhất định có cảm ứng. “Sở cầu tất hoạch” (Cầu gì cũng đều được) Cầu ở đây là nguyện. Nguyện của bạn nhất định sẽ được mãn nguyện. “Xuất khổ chứng lạc” (Thoát khổ chứng được an vui). Không những thoát khỏi lục đạo, còn phải thoát khỏi thập pháp giới, vãng sanh bất thoái thành Phật. Sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc đều làm Bồ Tát A Duy Việt Trí. Loại lợi ích công đức thù thắng này, thật sự là hiếm có. Sau cùng mấy câu này: “Thử chánh Giáo Chủ thiên cung phó chúc chi tâm(Đó chính là tâm của Giáo Chủ phó chúc ở nơi cung trời.) Giáo Chủ chính là Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Thiên cung, bộ kinh này là giảng tại cung trời Đao Lợi. Đem sự nghiệp độ hóa chúng sanh sau khi Thế Tôn diệt độ giao phó cho Bồ Tát Địa Tạng. Diệc Địa Tạng u đồ hóa nhân chi niệm thiết tại chuyên hành, nhân quả bất sảng như mao phát giả(Cũng là ý niệm của Địa Tạng giáo hóa chúng sanh ở chốn u đồ, mấu chốt ở chỗ chuyên hành, nhân quả dẫu nhỏ như sợi tóc cũng chẳng sai.) Ở đây một bên là người phó thác, một bên là người tiếp nhận lời phó thác. Bồ Tát Địa Tạng tiếp nhận sự phó thác của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài vô cùng từ bi, phát nguyện làm giáo chủ cõi U Minh. U Minh, mọi người thường hay nhìn thấy hai chữ này liền nghĩ đến là ngạ quỷ, địa ngục. Thực ra ý nghĩa của hai chữ này rất rộng. U Minh là vô minh, vô minh chưa phá thì đều ở trong U Minh cả. Nhìn từ ý nghĩa này thì thập pháp giới cũng là U Minh. Phật, Bồ Tát ở trong thập pháp giới chưa có phá vô minh, chưa có thấy pháp thân. Cho nên phạm vi của hai chữ U Minh này rất rộng. Bồ Tát Địa Tạng phải gánh vác sứ mệnh độ hóa chúng sanh của Thế Tôn ở trong thập pháp giới. “Dĩ thị chi cố, đắc đại ủng hộ.” (Vì thế nên được sự ủng hộ to lớn.) Hai câu này tổng kết, bởi vì nguyên nhân này, cho nên bạn được chư thiên, thiên vương, thiên thần ủng hộ. Phẩm này giảng đến đây là xong rồi.

  Dưới đây phẩm này là phẩm thứ mười hai: Thấy Nghe Được Lợi Ích. Trong phần Lưu Thông thì đây là Kiến Văn Lợi Ích Lưu Thông. Hàng thứ nhất trang bốn mươi sáu của chú giải, có một cách giới thiệu đơn giản, giới thiệu về chương này: “Vị kiến Địa Tạng chi tượng, văn Địa Tạng chi danh, vô bất hoạch đại lợi ích. Liệt đồng Quán Âm văn danh, kiến thân tâm niệm giả giai năng diệt khổ” (Nói nhìn thấy tượng Địa Tạng Bồ Tát, nghe danh hiệu Địa Tạng, chẳng có ai không đạt được lợi ích to lớn. Xếp cùng với nghe danh hiệu, nhìn thấy hóa thân, tâm niệm Quán Âm đều có thể diệt khổ.) Ý nghĩa ở trong đây rất sâu. Nhìn thấy hình tượng Bồ Tát, nghe thấy danh hiệu Bồ Tát có thật sự có thể diệt khổ hay không? Là thật. Nhưng mà không phải hiện tại mà là tương lai. Hiện nay gieo là nhân, như câu nói: “Vừa qua căn tai vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo.” Mắt bạn thấy tướng, đó là “Vừa qua căn mắt vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo.” Cho nên lợi ích này là không thể nghĩ bàn. Lợi ích này đến khi nào đạt được vậy? Phải xem đến khi nào tâm hạnh của bạn tương ưng với Bồ Tát, thì lợi ích này mới có thể hiện tiền. Tuy là thấy hình tượng, nghe danh hiệu. Nhưng tâm của bạn, hành vi của bạn không tương ưng với Bồ Tát, thì lợi ích này hiện nay không thể hiện tiền, đạo lý là ở chỗ này. Dưới đây nói: “Kiến thân trí lễ, tức thân nghiệp cơ.” (Thấy thân biết lễ, đó là nghiệp thân) Nhìn thấy thân Bồ Tát, bạn liền biết lễ kính, đây là thuộc về nghiệp thân. Nghe danh hiệu bạn cũng biết xưng niệm, bạn biết niệm “Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát” đây là nghiệp khẩu. Bạn có thể thân lễ bái, khẩu xưng danh, đây là ý nghiệp. “Cơ cảm ký thành, minh hiển tự ứng” (Cơ cảm đã thành thì sẽ tự ứng âm thầm hay rõ rệt) Dưới đây là nêu ra ví dụ để nói. Cảm ứng đạo giao có cảm ứng âm thầm và rõ rệt. Thông thường chúng ta nói lợi ích công đức không thể hiện tiền đó là cảm ứng âm thầm, lợi ích công đức hiện tiền đó là cảm ứng rõ rệt. Cảm ứng rõ rệt là bạn lễ kính, xưng danh hiệu, tâm hạnh của bạn tương ưng với Bồ Tát. Hay nói cách khác là tương ưng với lý luận, phương pháp, cảnh giới trong kinh điển nói, thì sự cảm ứng này rất rõ rệt, là cảm ứng rõ rệt. Nếu như tuy chúng ta cũng lễ kính, cũng xưng danh hiệu, cũng đọc kinh, nhưng tư tưởng, hành vi của chúng ta không tương ưng với trong kinh nói. Những gì trong kinh nói chúng ta thảy đều chưa có làm được, thì cảm ứng của Phật Bồ Tát là cảm ứng âm thầm, không rõ rệt. Cũng chính là nói bạn hiện tiền vẫn thọ khổ như thường, vẫn gặp nạn như thường, thậm chí là vẫn phải đọa lạc như thường, vẫn rơi vào lục đạo luân hồi như cũ. Bạn không thể nói là không có cảm ứng, là cảm ứng âm thầm, sức cảm ứng đó rất yếu, nhưng chắc chắn là có cảm ứng, sóng không mạnh, rất yếu. Sóng tập khí phiền não của bạn rất mạnh, cho nên không thể hiển thị ra được sự phù hộ, gia trì của Phật Bồ Tát đến bạn. Nếu như bạn thật sự có thể y giáo phụng hành, bạn làm được, thì lực của bạn sẽ rất mạnh. Lực ứng của Phật Bồ Tát cũng mạnh, có thể chuyển nghiệp ngay hiện tại, đây là vô cùng rõ rệt. Đạo lý này chúng ta phải biết, nó giúp ích rất lớn cho việc tu học của chúng ta.

  Phẩm Thứ Mười Hai: Thấy Nghe Được Lợi Ích.

Đoạn này pháp sư Thánh Nhất ở núi Đại Dự xưng phẩm kinh này là Tăng Bảo. Ngài quy kết phần sau bản kinh vào Tam Bảo, đây là điểm mà đại đức xưa chưa từng nói. Pháp sư Thánh Nhất lần đầu tiên giảng bộ kinh này là ở núi Cửu Hoa, đoạn cuối Sư quy kết về Tam Bảo, giảng hay vô cùng, tôi rất khen ngợi về Sư. Quy về Tam Bảo đó mới là lợi ích chân thật. Bộ kinh này phối hợp trước sau rất hay, vừa mở đầu kinh văn đức Phật phóng ra vầng mây Đại Quang Minh. Lúc sắp kết thúc kinh, bạn thấy ở chỗ này lại phóng ra tia sáng lớn. Chúng tôi đọc qua rất nhiều kinh điển Đại Thừa, và nhìn thấy ở trong kinh đức Phật nói phóng quang phần lớn là chỉ một lần, loại kinh nói đến hai lần, ba lần, hoặc rất nhiều lần như vậy là không nhiều. Đức Phật ở trong hội này, trước sau đều phóng quang. Mời xem kinh văn:

  “Nhĩ thời Thế Tôn, tùng đảnh môn thượng phóng bách thiên vạn ức đại hào tướng quang.”

  (Lúc đó, từ trên đảnh môn đức Thế-Tôn phóng ra cả trăm nghìn muôn ức tia sáng lớn.)

  “Nhĩ thời”, là lúc Thế Tôn giảng xong, người y giáo tu hành này được Kiên Lao Địa Thần, vua trời Dục Giới, vua trời Sắc Giới, thiên thần ủng hộ. Và đã nói ra lý do họ ủng hộ người này. Sau khi nói xong, thì từ trên đảnh môn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng quang. Trong chú giải cũng nói rất hay, chúng ta hãy đọc qua chú giải một lần. “Tự Nhĩ Thời chí cáo chư đại chúng, giai kinh gia sở thuật chi văn.(Từ chữ “Nhĩ thời” tới chữ “cáo chư đại chúng” đều là lời các vị kết tập kinh thuật lại.) Kinh Gia là người kết tập Kinh Tạng, các Ngài thuật kể lại chuyện này. Bởi vì đây không phải là lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói, đây là ghi lại tình hình lúc đó.

  Kháp ư Địa thần hộ pháp phẩm hậu phóng quang giả, vi chứng tiền khởi hậu, lịnh chư chúng sanh đổ tướng ngộ tâm, các các tự tri nhất đoạn bất tư nghị bổn hữu chi thường quang dã

  (Ở ngay sau phẩm Địa Thần Hộ Pháp, đức Phật liền phóng quang là để chứng minh những điều đã nói trong phần trước, dẫn khởi những điều sẽ giảng trong phần sau, khiến cho chúng sanh thấy tướng liền ngộ tâm, ai nấy đều biết tới một đoạn thường quang chẳng thể nghĩ bàn mà chính mình sẵn có.)

  Đây là nói rõ dụng ý phóng quang của đức Thế Tôn. “Chứng tiền khởi hậu”, phần trước ở phẩm hội tập, phẩm tựa tại cung trời Đao Lợi đức Phật phóng ra vầng mây sáng rỡ lớn. Trước sau hô ứng. Dụng ý ở chỗ này, mọi người nghe kinh, hầu như là nghe gần viên mãn rồi. Khiến cho đại chúng nhìn thấy tướng lành này có thể khai ngộ. Ngộ cái gì? Những gì đức Thế Tôn nói từ đầu đến cuối, đều là nói tự tánh của chúng ta. Đúng như câu nói: “Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”. Nhưng những gì trong bản kinh nói đều là nói tình trạng ở trong lục đạo Tam Đồ. Lục đạo, Tam Đồ từ đâu mà có vậy? Là do tự tánh biến hiện ra, không có lìa khỏi tự tánh. Điểm này chúng ta phải chiêm nghiệm cho thật kỹ. “Đảnh môn” là đỉnh đầu. Phóng quang từ đỉnh đầu. Chứng tỏ đây không phải ánh sáng bình thường, mà là phóng ánh sáng hiện tướng lành. Đảnh môn phóng quang, trong chú giải cũng có nói rõ, là biểu thị cho nhất thiết chủng trí. Điều này có cùng ý nghĩa với phóng quang hiện tướng lành ở trên hội Lăng Nghiêm của đức Thế Tôn. Trong chú giải hướng dẫn chúng ta, để cho chúng ta nhận ra được ý nghĩa của tướng lành này. “Do thử Địa Tạng diệu tượng gia danh, chiêm lễ xưng niệm nhi tiến ư cực quả giả” (Từ danh hiệu tốt đẹp và hình tượng nhiệm mầu của ngài Địa Tạng, người tu hành chiêm lễ, xưng niệm sẽ đạt đến cực quả.) Khiến chúng ta ngộ nhập ý nghĩa này. Bốn vị Bồ Tát lớn ở Trung Quốc là đại biểu cho cấp bậc tu học. Bắt đầu học từ đâu vậy? Bắt đầu học từ Địa Tạng. Nếu như dùng cách nói hiện nay để nói, thì Địa Tạng là đại biểu cho việc xây dựng tâm lý. Nếu như không phải là tâm tốt, không phải là tâm thiện, vậy thì không biết sẽ tu học từ đâu. Địa là tâm địa. Tạng là kho báu. Kho báu là dụ cho trí tuệ, đức năng. Ở trong chân tâm của chúng ta hàm chứa vô lượng trí tuệ, đức năng, đó gọi là Địa Tạng, bạn phải nhận ra được, phải mở ra được trí tuệ đức năng trong tự tánh. Dùng phương pháp gì để mở ra? Hiếu kính. Cho nên kinh này là kinh hiếu trong cửa Phật. Làm sao thực hiện hiếu kính đây? Gần đây chúng tôi giảng kinh thường hay nhắc đến, phải xem tất cả chúng sanh hữu tình là “Cha mẹ trong quá khứ, là chư Phật vị lai” của mình, bạn phải thực hiện hiếu kính đến mức như vậy. Toàn bộ tất cả chúng sanh chính là cha mẹ của mình, chính là chư Phật vị lai. Đối với cha mẹ của mình bạn biết tận hiếu, chư Phật vị lai bạn có thể tôn sư, đây là sự thực hiện hiếu kính. Tôi đã từng nói qua rất nhiều lần rồi, xem họ như là thì vẫn là cách một lớp, mà họ thật sự là cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai của mình. Không được xem họ như là. Như là thì xa rồi, phải thật sự là. Cho nên tôi khuyến khích những vị hộ pháp trong niệm Phật đường, tất cả những người hộ pháp niệm Phật đường này xem mỗi người niệm Phật như là cha mẹ, chư Phật Như Lai của mình. Bạn dùng tâm thái như vậy để phục vụ làng Di Đà, để chăm sóc niệm Phật đường, bạn mới cảm động được tất cả chư Phật hộ niệm. Trong kinh nói vua các cõi trời và thiên thần đến ủng hộ. Đạo lý gì vậy? Do tâm chân thành cảm ứng. Điều này khác với với viện dưỡng lão về hưu thông thường. Ngày nay trong xã hội này, con cái bạn chưa chắc có thể hiếu thảo với bạn, chưa chắc có thể tôn kính. Bạn tham gia vào làng Di Đà, niệm Phật đường Cư Sĩ Lâm ở Singapore, thì mỗi người đều xem bạn như là cha mẹ, xem bạn như là Như Lai. Tại sao đạo tràng này lại hưng vượng như vậy? Các bạn ở nơi đây niệm Phật mấy ngày, bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí ở nơi đây khác với tất cả đạo tràng ở nơi khác, do tâm người khác nhau. Tâm trạng họ đối xử với các bạn khác nhau, đây là điểm mà ở các đạo tràng khác không có. Tại sao người trong đạo tràng này có thể làm được? Vì hằng ngày nghe kinh, hằng ngày nghe pháp, chúng tôi giảng giải mỗi ngày, khuyến cáo mỗi ngày, dần dần họ giác ngộ, sáng tỏ, chuyển đổi ý nghĩ trở lại. Chúng tôi dùng tâm hiếu thảo, dùng tâm cung kính để đối xử tất cả chúng sanh. Không chỉ là trong niệm Phật đường, mà đối với mọi người, mọi sự, mọi vật, chúng tôi đều dùng tâm hiếu thảo, tâm cung kính để đối xử. Tâm chuyển đổi rồi, tư tưởng chuyển đổi rồi, kiến giải chuyển đổi rồi, đây chính là chuyển phàm thành thánh. Cho nên xây đạo tràng không khó, hiện nay mọi người đều có tiền của và sức lực này. Khó ở chỗ là tìm ở đâu ra số con cháu hiếu hiền như vậy? Bạn đi tìm ở đâu ra? Con hiếu cháu hiền là ai? Là chư Phật Như Lai, pháp thân đại sĩ, các Ngài mới là con hiếu cháu hiền đích thực, người như vậy không dễ gì tìm được. Có những người này hộ niệm, có những người này ủng hộ. Ủng hộ tức là hộ pháp, thì đạo tràng này mới thù thắng, đạo tràng này mới có thể thành tựu cho người trong một đời vãng sanh bất thoái làm Phật. Cho nên đạo tràng này hy hữu là ở chỗ này, khó gặp cũng là ở chỗ này. Có đạo tràng mà không có người đến thâm nhập giảng giải, nói rõ tường tận thì không được, không thể tương ưng. Công tác này phải dựa vào những vị đồng học, xuất gia phát tâm học giáo này của các bạn, các bạn phải phát tâm gánh vác sứ mệnh này. Tất cả đại chúng ở đây làm thế nào tương ưng với kinh giáo, làm sao tương ưng với chư Phật Như Lai, phải dựa vào các bạn nghiêm túc, nỗ lực giảng giải, khuyến hóa. Mời xem đoạn kinh văn này dưới đây:

 “Sở vị bạch hào tướng quang, đại bạch hào tướng quang, thụy hào tướng quang, đại thụy hào tướng quang, ngọc hào tướng quang, đại ngọc hào tướng quang, tử hào tướng quang, đại tử hào tướng quang, thanh hào tướng quang, đại thanh hào tướng quang, bích hào tướng quang, đại bích hào tướng quang, hồng hào tướng quang, đại hồng hào tướng quang, lục hào tướng quang, đại lục hào tướng quang, kim hào tướng quang, đại kim hào tướng quang, khánh vân hào tướng quang, đại khánh vân hào tướng quang, thiên luân hào quang, đại thiên luân hào quang, bảo luân hào quang, đại bảo luân hào quang, nhật luân hào quang, đại nhật luân hào quang, nguyệt luân hào quang, đại nguyệt luân hào quang, cung điện hào quang, đại cung điện hào quang, hải vân hào quang, đại hải vân hào quang.”

  (Như là: tia sáng sắc trắng, tia sáng sắc trắng lớn, tia sáng lành tốt, tia sáng lành tốt lớn, tia sáng ngọc, tia sáng ngọc lớn, tia sáng sắc tía, tia sáng sắc tía lớn, tia sáng sắc xanh, tia sáng sắc xanh lớn, tia sáng sắc biếc, tia sáng sắc biếc lớn, tia sáng sắc hồng, tia sáng sắc hồng lớn, tia sáng màu lục, tia sáng màu lục lớn, tia sáng màu vàng y, tia sáng màu vàng y lớn, tia sáng tướng mây lành, tia sángtướng mây lành lớn, tia sáng tướng nghìn vòng tròn, tia sáng tướng nghìn vòng tròn lớn, tia sáng vòng tròn báu, tia sáng vòng tròn báu lớn, tia sáng vừng mặt trời, tia sáng vừng mặt trời lớn, tia sáng vừng mặt trăng, tia sáng vừng mặt trăng lớn, tia sáng tướng cung điện, tia sáng tướng cung điện lớn, tia sáng tướng mây biển, tia sáng tướng mây biển lớn.)

  Tổng cộng là mười sáu câu, ba mươi hai loại hào quang. Đoạn này ở trong chú giải nói rất tỉ mỉ. Trên đảnh môn tỏa ra hào quang. Hào là chỉ cái gì vậy? Bạch hào. Trên đỉnh đầu và giữa hai chân mày của đức Phật có hai sợi lông trắng. Lông trắng là một trong ba mươi hai tướng tốt. Chúng ta thường hay niệm bài kệ tán Phật. “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di”. Báo thân của đức Phật rất lớn. Hai sợi lông này của Ngài xoắn lại với nhau, giống như hạt châu ở giữa lông mày vậy, thực ra nó không phải là hạt châu, mà do hai sợi lông trắng quấn vào nhau. Đức Phật thường hay phóng quang từ sợi lông trắng này. Trong chú giải nói: “Hào tướng thị nhất, tức dụng chi thể, quang sắc bất đồng, tức thể chi dụng.” (Hào tướng là một, là thể của dụng. Quang sắc khác nhau, là dụng của thể.) Điều này chứng tỏ mười sáu câu là một sự việc. “Một tức là nhiều, nhiều tức là một.” Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói pháp giới lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Ba mươi hai câu, trong chú giải cũng phân thành ba mươi hai câu để nói. Ba mươi hai tức là một, hào tướng quang, “Nhiều tức là một”. Trong hào quang có đủ thứ màu sắc khác nhau, “Một tức là nhiều”. Nói một là nói thể, nói nhiều là nói tác dụng. Tuy thể là một, nhưng tác dụng khác nhau. Ở chỗ này pháp sư Thanh Liên chú giải, Ngài trích dẫn “Pháp Hoa Văn Cú”, dùng năm màu để dụ cho năm đường: “Thanh sắc thí như địa ngục nhân quả, hoàng sắc tỉ dụ ngạ quỷ nhân quả, xích sắc biểu súc sanh nhân quả, bạch sắc biểu nhân thiên nhân quả.” (Màu xanh ví như nhân quả địa ngục, màu vàng ví dụ cho nhân quả ngạ quỷ, màu đỏ biểu thị cho nhân quả súc sanh, màu trắng biểu thị cho nhân quả cõi trời người.) Ở trong đây chia ra thành màu lớn và màu nhỏ. Màu nhỏ đây là dụ cho Nhị Thừa, màu lớn đây là dụ cho Bồ Tát. Phần sau còn có màu ngắn là dụ cho Bồ Tát Biệt Giáo. Màu dài là dụ cho nhân quả của Phật. Nhân quả của Phật chính là Bồ Tát của Biệt Giáo. “Chư văn khai hiệp tùy ý” (Các đoạn văn hiểu theo nghĩa rộng hay hẹp tùy ý.) Sự giảng giải kinh văn có thể hiểu theo ý, không có cách nói nhất định. Là hoàn toàn giống như ý nghĩa của pháp tượng trưng trong “Kinh Hoa Nghiêm” vậy. Người nhân từ sẽ thấy nhân từ, bậc trí sẽ thấy trí. Theo cái thấy của bản thân bạn, bạn thấy sâu, thì bạn hiểu sẽ sâu. Bạn thấy rộng thì bạn nói cũng sẽ rộng. Nhưng sâu hay rộng vẫn phải khế cơ. Bởi vì giảng kinh thuyết pháp ở trên bục giảng là không phải tự thọ dụng, mà là vì lợi tha, nên nhất định phải quan sát căn cơ của thính chúng, họ có thể tiếp nhận được bao nhiêu, thì bạn giảng bấy nhiêu. Nếu như chỉ giảng theo cảnh giới của riêng mình, thì thính chúng chưa chắc có thể tiếp nhận được. Họ không thể tiếp nhận được, đây chính là thuyết pháp không khế cơ. Khế cơ, khế lý vậy mới là Như Lai thuyết, Bồ Tát thuyết, chúng ta cần phải học tập. Phật ở trong Đại Kinh nói cho chúng ta biết, khế lý mà không khế cơ, thì đây không phải Phật thuyết. Đối với loại hiện tượng này, đức Phật dạy rất hay, đó là nói chuyện phiếm, rỗi hơi, khế lý không khế cơ. Không thể nói bạn sai, nhưng thính chúng nghe không hiểu, không lĩnh hội được, không có được chút lợi ích nào cả. Nói chuyện phiếm, nếu dùng lời hơi khó nghe thì đó là lời vô ích. Nếu như khế cơ mà không khế lý, đức Phật gọi đó là ma nói. Điểm đáng quý của Phật Bồ Tát thuyết pháp là khế cơ, khế lý. Khế lý là tương ưng với tánh đức, khế cơ là thích hợp với trình độ của thính chúng, đây là điểm chúng ta cần phải chú ý đến. Ý nghĩa pháp tượng trưng này của Tông Thiên Thai, sau cùng có hai câu nói rất hay: “Thử do Pháp Hoa cửu giới đồng quy, tam thừa hàm hội.” (Đó là do Pháp Hoa là nơi hướng về của chín pháp giới, là nơi hội tụ của Tam Thừa.) Hai câu nói này nói rất hay. Cửu giới là chỉ chín pháp giới. Tam Thừa là nói Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác. Cũng có người gọi là Ngũ Thừa. Ngũ Thừa lại thêm vào nhân, thiên nữa. Giống như trong Tịnh Độ nói “Ngũ Thừa khế nhập báo độ.” Là cảnh giới vô cùng không thể nghĩ bàn. Dưới đây, đây là tướng thứ nhất: “Bạch hào tướng quang”. Thứ nhất là nói màu trắng. Màu trắng là màu căn bản. Cách nói này là nói thuận theo chúng sanh, chúng sanh đều cho rằng màu trắng là màu căn bản. Đức Phật là hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, nên cũng nói màu trắng là màu căn bản. Tại sao vậy? Chỉ có màu trắng, nó mới có thể tiếp nhận tất cả màu sắc khác. Một tờ giấy trắng nếu bạn vẽ lên đó, bạn sẽ vẽ rất thoải mái, thích vẽ cái gì thì vẽ cái ấy. Nếu như đưa cho bạn giấy màu để vẽ tranh, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn. Giấy màu đỏ thì không thể tiếp nhận màu đỏ, nhất định phải là màu khác với nó thì mới có thể hiện màu lên được. Giấy màu xanh thì không thể tiếp nhận màu xanh. Chỉ có giấy màu trắng mới có thể tiếp nhận bất kỳ màu sắc nào. Cho nên dùng nó để biểu thị cho màu căn bản. Bạch hào của đức Phật hiện giữa hai chân mày. Chỗ này nó có ý nghĩa tượng trưng của nó. Ở hàng thứ sáu của chú giải: “Đại Luận Vân”. “Đại Luận” là chỉ “Đại Trí Độ Luận”. Trong “Đại Trí Độ Luận” có cách nói như thế này: “Bạch hào mi gian trĩ. Bạch quang dụ lưu ly.” (Bạch hào đứng sừng sửng giữa lông mày, hào quang trắng tựa như Lưu Ly) Câu thứ nhất nói vị trí của bạch hào, là ngay giữa hai chân mày. Lúc nó phóng quang còn hơn cả lưu ly. Ý nghĩa dưới đây là rất quan trọng. “Tại nhân hành bố thí thời, thích khả tiền nhân ý, khởi tự tại nghiệp nhân duyên.” (Lúc tu nhân làm việc bố thí, nếu bố thí các vật vừa ý người nhận, sẽ tạo được nhân duyên các nghiệp tự tại.) Mấy câu nói này vô cùng quan trọng. Trong tướng tốt của Như Lai, tướng bạch hào là do đâu mà có vậy? Do tu bố thí. Bố thí cái gì? Là cái rất thích hợp với ý người nhận bố thí. Hay nói cách khác vật bố thí của bạn đúng là cái mà họ cần. Loại nhân hành này có thể cảm được quả báo bạch hào. “Khởi tự tại nghiệp nhân duyên.” Câu này nói rất hay, đức Phật được đại tự tại. Tại sao chúng ta ngày nay không được tự tại? Chúng ta cũng tu bố thí, kết quả bố thí như thế nào? Chưa chắc đúng như ý người nhận. Hoặc giả là bạn tu bố thí, bạn phát tâm rất gượng gạo, trong khi phát tâm có nghi ngờ. Ví dụ cứu giúp tai nạn, chúng ta nhìn thấy những tai nạn này ở Đại Lục, lần lũ lụt chưa từng thấy này, rất nhiều người muốn bố thí. Bố thí lại hoài nghi, số tiền bố thí này của tôi có đến được tay người dân gặp tai nạn không? Có bị người trung gian cắt xén bớt không? Nghi ngờ đủ thứ, không dám bố thí. Muốn bố thí lại không dám bố thí, thì sao bạn có thể tự tại được? Loại tình trạng giống như vậy là quá nhiều, quá nhiều. Biết đây là việc tốt, vừa muốn làm lại không dám làm. Lúc tu bố thí suy nghĩ quá nhiều, đắn đo quá nhiều, nên bạn được quả báo sẽ không như ý. Trong kinh phổ thông đức Phật dạy, bố thí tài được giàu có. Bạn kiếm tiền kiếm được không như ý, kiếm được rất vất vả. Đó chính là lúc bạn tu bố thí tài không đúng như lý, bạn bố thí không sẵn lòng, bố thí rất vất vả. Tương lại bạn được quả báo cũng rất đau khổ, cũng không tự tại, đạo lý nó là như vậy. Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây thôi. A Di Đà Phật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *