Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 95

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 95 

Mời mở bản kinh ra, khoa chú quyển hạ, trang 76. Mời xem kinh văn:

  “Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế, hữu chư nhân đẳng, y thực bất túc cầu giả quai nguyện, hoặc đa bệnh tật, hoặc đa hung suy, gia trạch bất an, quyến thuộc phân tán, hoặc chư hoạnh sự đa lai ngỗ thân, thùy mộng chi gian đa hữu kinh bố. Như thị nhân đẳng văn Địa Tạng danh, kiến Địa Tạng hình, chí tâm cung kính niệm mãn vạn biến, thị chư bất như ý sự tiệm tiệm tiêu diệt, tức đắc an lạc, y thực phong dật, nãi chí ư thùy mộng trung tất giai an lạc.”

  (Lại vầy nữa, này Quán Thế Âm Bồ Tát! Về trong đời sau, như có những người nào ăn mặc không đủ, cầu chi cũng không toại nguyện, hoặc thân nhiều tật bịnh, hoặc nhiều sự hung suy, nhà cửa không yên ổn, quyến thuộc chia lìa, hoặc các sự tai vạ cứ đến khuấy nhiễu nơi thân luôn, trong giấc mộng thường phải kinh sợ. Những người như thế đó, khi nghe danh hiệu của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, thấy hình tượng của Địa-Tạng Bồ Tát nên chí tâm cung kính niệm đủ một muôn biến, thời những sự không toại ý trên đó sẽ tiêu sạch lần lần, liền đặng an vui, đồ ăn mặc dư dật, cho đến trong giấc mộng thẩy đều an ổn vui vẻ.)

  Đến chỗ này là một đoạn. Đoạn này là nói chuyển nghiệp báo ác. Nếu như có sự khế nhập tương đối về Phật pháp, thì chúng ta có thể tin lời đức Phật nói. Đạo lý ở chỗ nào vậy? Nguyên lý là ở “Cảnh chuyển theo tâm”. Tâm có thể chuyển cảnh giới, chứ không phải cảnh giới chuyển tâm. Vẫn là nguyên tắc này, nếu như chúng ta thật sự có thể làm được tâm chuyển cảnh giới, thì đâu có chuyện không như nguyện được? Chúng ta xem kinh văn: “Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát!” (Lại vầy nữa, này Quán Thế Âm Bồ Tát!)

  Lại gọi đức Bồ Tát Quán Thế Âm tiếp, là bắt đầu một đoạn khác.

 “Nhược vị lai thế” (Như trong đời sau).

  Những gì chúng ta xem thấy trong phẩm kinh này đều là lời đức Phật nói cho chúng sanh thời mạt pháp. Việc cứu độ khổ nạn, không những là giao phó cho Bồ Tát Địa Tạng mà cũng có phần của Bồ Tát Quán Thế Âm nữa.

  “Hữu chư nhân đẳng, y thực bất túc cầu giả quai nguyện.”

 (Như có những người nào ăn mặc không đủ, cầu chi cũng không toại nguyện.)

  Thời hiện nay, thế gian này tai nạn dồn dập, những việc này có thể nói là nhìn thấy mỗi ngày. Do nguyên nhân gì tạo thành? Chúng ta phải biết, đây là do ác nghiệp nặng nề tích lũy từ vô thủy kiếp đến nay chiêu cảm nên. Tuy cách nói này là chân thật, nhưng người thế gian hiện nay không tiếp nhận, họ không tin. Vào thời xưa, bởi do sự chỉ dạy truyền thừa liên tục từ đời này qua đời khác, nên người tiếp nhận vẫn còn. Người hiện nay hoàn toàn từ bỏ lời chỉ dạy của cổ đức, họ cho rằng ý sáng tạo của mình, cách nghĩ, cách nhìn của mình là chính xác. Trái lại cho rằng lời dạy của cổ thánh tiên hiền đó là lỗi thời, không còn hợp thời đại nữa, cần phải từ bỏ hoàn toàn. Trào lưu tư tưởng mới, cách nghĩ mới, cách làm mới của họ kết quả như thế nào? Đây là điều đáng để chúng ta suy tư, xem xét thật kỹ. Người hiện nay không tin lục đạo luân hồi, không tin nhân quả báo ứng. Nhưng những sự thật về báo ứng này bày ngay trước mắt, họ không thể không thọ, họ vẫn cứ phải thọ.

  “Y thực bất túc” (Ăn mặc không đủ)

  Đây là việc đau khổ nhất trong thế gian. Lần này chúng tôi phát động việc cứu trợ tai nạn ở vùng Đông Bắc, hiện nay đã bước vào mùa đông rồi, thời tiết ở phương Bắc rất lạnh, đặc biệt là năm nay. Tôi nghe nói Đài Loan có một đoàn du lịch, cũng là do đồng tu Phật giáo chúng ta tổ chức, đến Đại Lục để tham quang du lịch, đi đến Thượng Hải đã cảm thấy quá lạnh, chịu không nổi rồi, liền quay về ngay. Thời tiết ở phương bắc còn lạnh hơn gấp bao nhiêu lần so với Thượng Hải. Những người này đều chịu không nổi. Những đồng bào sinh sống ở Đông Bắc này, họ làm sao đây? Chúng tôi đã tặng mười vạn bộ quần áo ấm. Bên đó có điện thoại cho tôi biết, hiện nay đã phân phát được hơn một vạn bộ rồi. Tôi bảo họ cứ làm tiếp và hãy tặng mau mau, không nên đợi làm xong hết rồi mới tặng. Làm được bao nhiêu lập tức tặng bấy nhiêu. Người nhận được họ đều rất vui mừng. Quần áo chúng tôi may toàn là đồ mới, không phải mua quần áo cũ để cứu trợ. Những đồng tu đến khu bị tai nạn tặng đồ này, sau khi trở về đều khóc thảm thiết. Nguyên nhân gì vậy? Nhìn thấy dân bị tai nạn quá khổ, hiện nay không có ăn, đang trong tình trạng đói khát. Vậy làm thế nào? Quần áo có rồi, mà không có lương thực. Tôi hỏi thăm lương thực có thể mua được hay không? Có thể mua được. Hiện nay lương thực ở phương Bắc Trung Quốc bị cấm xuất khẩu, nhưng có thể tiêu thụ tại chỗ, vả lại giá cả cũng không đắt lắm. Họ nói cho tôi biết, hiện nay vùng bị tai nạn họ dùng bắp làm thức ăn chính. Giá mỗi cân hiện nay chỉ có bốn hào, bốn hào nhân dân tệ. Tết âm lịch sắp đến rồi, chúng tôi còn gởi tặng một ít bột mì, tôi bảo họ cần khẩn trương cứu trợ. Họ bàn bạc với tôi, có nên giảm bớt một ít áo ấm để mua lương thực không? Tôi trả lời họ áo ấm cứ tiếp tục may, làm gấp rút, lương thực vẫn cứ mua. Không đủ tiền chúng tôi sẽ nghĩ cách, việc cứu trợ quan trọng. Nguồn gốc của tai nạn chúng ta biết, chúng ta hiểu rõ, nhưng nói ra thì người ta không tin, người ta không thể tiếp nhận. Cho nên đọc đoạn kinh văn này, cho rằng niệm qua danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng liền được độ, liền được cứu, đâu có chuyện này? Ai tin? Ngày nay chúng ta phát tâm đi cứu trợ, đây là trị ngọn chứ không phải trị gốc. Lời giáo huấn của đức Phật ở chỗ này là trị gốc, là cứu giúp tận gốc rễ. Đoạn phía trước này là nói tai nạn, những tai nạn này là ngay trước mắt chúng ta, chính mắt chúng ta trông thấy, chính tai mình nghe thấy. “Tật bệnh hung suy, gia trạch bất an, quyến thuộc phân tán.” ( Bệnh tật hung suy, nhà cửa không yên ổn, quyến thuộc chia lìa.) Vùng bị tai nạn có không ít người đi nơi khác lánh nạn. “Hoạnh sự” là tai họa bất ngờ. “Thùy mộng chi gian đa hữu kinh bố.” (Trong giấc mộng thường phải kinh sợ.) Đây là điều chúng ta có thể tưởng tượng được. Pháp sư Thanh Liên ở trong chú giải cũng nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Ngài nói ở trong đây rằng, những tai nạn này là bởi do: “Túc thế chi kiên tham, trí hữu kim sanh chi họa hoạn.” (Do tham lam keo kiệt nhiều đời, dẫn đến họa hoạn đời nay.) Ở chú giải đếm ngược đến hàng thứ tư, câu sau cùng: “Thử do túc thế chi kiên tham, trí hữu kim sanh chi họa hoạn” (Đó là do tham lam, keo kiệt nhiều đời, dẫn đến họa hoạn đời nay.) Cho nên đức Phật nói cho chúng ta biết, chúng ta có thể có được thân người trong đời này ở lục đạo. Được thân người đây gọi là Dẫn Nghiệp. Trong đời quá khứ đã từng tu ngũ giới, thập thiện. Bởi do nhân duyên này dẫn đường chúng ta đến cõi người đầu thai được thân người. Nhưng tuy được thân người mà sự giàu sang hay nghèo hèn của mỗi đều khác nhau, họa hay phúc mà đời này gặp phải cũng không giống nhau. Đây là do nguyên nhân gì? Đây gọi là mãn nghiệp. Trong pháp tướng Duy Thức nói rất rõ ràng, rất tường tận. Mãn nghiệp là nghiệp thiện và nghiệp ác đã tạo trong đời quá khứ. Đời quá khứ tạo tác nghiệp thiện, thì đời này bạn được phước báo đồ ăn mặc dư dật, mong cầu gì cũng được toại nguyện. Nếu như những đời trước tạo tác là ác nghiệp thì bạn sẽ cảm thọ đồ ăn mặc bị thiếu hụt, mong cầu không được toại nguyện, gặp phải những sự gian nan khốn khổ này. Nhưng sự việc này là do nhiều đời trước tạo, hiện nay hối hận cũng không kịp. Nếu như không nhờ đức Phật chỉ dạy chúng ta, làm sao chúng ta biết được nghiệp nhân quả báo của những sự việc này? Vì không hiểu rõ nghiệp nhân quả báo, thế là sinh tâm oán trời trách người, cho rằng ông trời không công bằng, những người thế gian này có lỗi với ta, bèn khởi tâm oán hận lại tạo nghiệp ác. Ác nghiệp sao có thể thay đổi được khổ báo này? Đây là điều không thể. Cho nên đức Thế Tôn ở đây dạy chúng ta: “Như thị nhân đẳng” (Những người như thế đó) Người gặp phải tai nạn cần phải giác ngộ. “Văn Địa Tạng danh, kiến Địa Tạng hình” (Khi nghe danh hiệu của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, thấy hình tượng của Địa-Tạng Bồ Tát) Trong kinh này chúng tôi đã nói rất nhiều, Địa Tạng là biểu thị cho điều gì? Biểu thị cho hiếu kính. Nghe thấy danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, nhìn thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng liền sinh khởi tâm hiếu thảo cha mẹ, tôn kính thầy tổ, vậy là có thể chuyển nghiệp báo, thay đổi tâm lý liền chuyển nghiệp báo. Hiếu kính là nguồn gốc của tất cả thiện pháp. Nhà Phật nói ba thiện căn là vô tham, vô sân, vô si, vẫn là dùng hiếu kính làm cơ sở. “Kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ”, đức Phật dạy chúng ta tu học câu đầu tiên chính là nói: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự thầy tổ, từ tâm không giết hại, tu thập thiện nghiệp” Bốn câu này chính là nội dung mà “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” dạy. Bộ kinh này nói thực ra, chính là nói bốn câu này. Chúng ta nghe thấy danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, nhìn thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, thì lời giáo huấn của đức Phật tự nhiên sinh khởi lên trong tâm chúng ta. Chuyển đổi ý nghĩ rồi, thì cảnh giới từ từ sẽ chuyển, điều này quan trọng. Mọi người gặp phải tai nạn, chúng ta hết lòng hết sức đến cứu trợ, đây là nhất thời. Nhưng người đời thường sinh khởi tâm cảm kích đối với cách làm của chúng ta, mà quên mất đi ơn giáo huấn của đức Phật. Việc cứu trợ nhất thời này của chúng ta có đáng gì đâu. Lời giáo huấn của đức Phật là gốc rễ, có thể giải quyết vĩnh viễn, ơn đức này lớn biết bao! Mấy người có thể nhận ra được? Mấy người biết được ơn đức này? Lần này ở vùng bị tai nạn, chúng ta cũng hưởng ứng lời kêu gọi của đồng bào vùng bị tai nạn, họ nói với chúng tôi có rất nhiều trường học hư hỏng trong trận lũ lụt lần này. Chúng tôi muốn phát động xây mười trường trung học, và hai mươi trường tiểu học, để cho các học sinh có thể đến lớp như thường. Trường trung học chúng ta xây đều đặt tên là “Từ Quang”, họ đồng ý cho chúng ta đặt tên trường. Chúng ta uống nước phải nhớ nguồn, mình có thể hiểu được đạo lý này, đây là nhờ sự chỉ dạy của thầy. Chúng ta luôn luôn không quên ơn đức của thầy. Sự nghiệp cả đời của thầy tôi, là ở “Thư viện Từ Quang”, Thầy đã lập nên thư viện, đặt tên là “Từ Quang”. Ngày nay chúng ta xây trường học ở Đại Lục, lấy tên “Từ Quang” để kỷ niệm thầy Lý. Tên của trường tiểu học chúng tôi đặt là “Hiếu Liêm”. Đây là phát huy bổn nguyện của Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát Địa Tạng biểu thị cho đạo hiếu. “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” là kinh hiếu của nhà Phật. Phật pháp là được xây dựng trên cơ sở này. Giáo dục tiểu học là nền tảng của giáo dục. Vào thời xưa ở Trung Quốc “hiếu liêm” là cách xưng hô đối với tú tài. Ý nghĩa này rất sâu, hy vọng bồi dưỡng tâm hiếu, bồi dưỡng tâm liêm khiết cho họ từ nhỏ. Liêm khiết là không tham. Không tham là thuộc ba thiện căn. Con người có thể làm được không tham, thì tự nhiên sẽ kéo theo  không sân, không si. Tham không được mới sân hận. Nếu tham được thì sao họ có tâm sân hận được? Cho nên ý nghĩa liêm khiết là có hàm chứa ba thiện căn trong Phật pháp. Chúng tôi dùng ý nghĩa này để đặt tên cho trường tiểu học. Chúng tôi hy vọng các đồng tu có năng lực, thì mọi người hãy đến hỗ trợ. Đây là đợt đầu tiên, chúng tôi xây mười trường trung học, hai mươi trường tiểu học. Đợt đầu tiên xây ở phương Bắc. Chúng tôi tu học mấy chục năm nay, được vậy cũng nhờ vào sự hộ trì của viện trưởng Hàn. Bà là người quê ở Đại Liên. Cho nên ba mươi ngôi trường học này xây ở phương Bắc, cũng là để báo đáp ơn hộ pháp của bà. Đức Phật dạy chúng ta biết ơn báo ơn. Chúng tôi hy vọng đem tinh thần này phát huy rạng rỡ thêm, không những tương lai có thể giúp đỡ các vùng ở Trung Quốc, mà chúng ta còn phải giúp đỡ nhân dân khổ nạn trên toàn thế giới. Năng lực của chúng tôi rất hữu hạn, chỉ cần làm với tâm chân thành thì chắc chắn được Phật, Bồ Tát giúp đỡ. Sức của con người không làm được, Phật Bồ Tát có khả năng này. Đây chính là lời mà cư sĩ Lý Mộc Nguyên thường nói, chúng ta không có phước báo, Phật A Di Đà có phước báo, chúng ta không có năng lực, Phật A Di Đà có năng lực. Chúng ta dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm đại từ bi để tu học, thì tự nhiên sẽ được cảm ứng. Câu nói quan trọng nhất trong đoạn này chỉ dạy chúng ta tu học chính là “Chí tâm cung kính”. Pháp sư Thanh Liên chú giải rất hay, tôi sẽ đọc qua chú giải của Ngài một lượt: “Chí tâm cung kính triệt đáo nguyên để dã.” (Chí tâm cung kính là đến tận cội nguồn vậy) Có thể thấy hàm nghĩa sâu rộng của bốn chữ này. “Triệt đáo nguyên để” (Đến tận cội nguồn) Cội nguồn là gì? Là chân tâm, là tự tánh. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” đức Phật nói cho chúng ta biết, hư không pháp giới, y chánh trang nghiêm duy tâm sở hiện. Cho nên tâm là cội nguồn của tất cả vạn pháp trong hư không pháp giới. “Chí tâm cung kính” thì sẽ đạt đến cội nguồn này. Chí tâm là chân thành đến cực điểm. Tại sao phải dùng câu này? Câu này là năng cảm (cái có thể cảm) là cảm ứng đạo giao. Tiêu trừ hết thảy tai nạn, đây là sở ứng (cái ứng đến). Chúng ta có cảm liền có ứng. Chúng ta nói Phật Bồ Tát có ứng. Phật, Bồ Tát có năng lực gì đến ứng vậy? Vẫn là sự cảm ứng của xứng tánh, vậy mới như lý, ở trên lý mới nói trôi chảy được. Không có lý luận này, sau khi chúng ta nghe xong vẫn cứ còn nghi hoặc như thường, không dễ dàng gì tiếp nhận. Dưới đây là nói với chúng ta, làm thế nào mới có thể làm được đến chí tâm.  “Văn danh bất hoặc ư danh, kiến tướng bất trước tướng, minh khế chân thật trung cơ, phương viết chí tâm” (Nghe danh mà không bị mê hoặc trên danh, thấy tướng mà chẳng chấp vào tướng, ngầm khế hợp nền tảng chân thật thì mới gọi là chí tâm) Mấy câu nói này rất hay. Từ đó cho thấy, hầu hết người thế gian gặp phải tai nạn, mặc dù đọc được kinh này, nghe được danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, nhìn thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, van cầu rất khổ sở mong Phật Bồ Tát phù hộ cho họ, cũng chưa chắc có thể được việc, chưa chắc có thể thật sự có hiệu quả. Là đạo lý gì? Chưa có làm được chí tâm. Nghe danh bị mê hoặc trên danh, thấy tướng chấp vào tướng, vậy là ngăn trở, không thông con đường cảm ứng rồi, cho nên cảnh giới khổ nạn, vẫn không thể chuyển được. Nhưng nếu con người làm được điểm này, nói thực ra dùng cách nói hiện nay để nói, là phải có sự tu dưỡng tương đối. Trong thuật ngữ Phật pháp là “Không phải phàm phu.” Tại sao vậy? Họ khai mở trí tuệ rồi. Chỉ có trí tuệ chân thật, mới nghe danh mà không bị mê hoặc trên danh. Không những là bạn không mê hoặc danh hiệu của Phật, Bồ Tát, mà toàn bộ tất cả danh tướng trên thế gian bạn cũng không bị mê hoặc. Một danh không bị mê thì tất cả danh cũng không bị mê. Không chấp một tướng thì cũng không chấp tất cả tướng. Quý vị nên biết, nếu đến cảnh giới này thì nghiệp đã tiêu hết rồi, cảnh giới chuyển rồi. Mấy người có thể làm được? Cho nên rất nhiều người đọc kinh này, cảm thấy kinh không linh, cảm thấy “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” nói là rất hay, nhưng trên sự thật thì không dùng được, không nhìn thấy hiệu quả, đạo lý là ở chỗ này. Không phải lời Phật dạy không có hiệu quả, là do chúng ta không hiểu được ý của đức Phật. Qua cách giải thích này của tổ sư đại đức, chúng ta hiểu được chút ít. Có phải thật sự hiểu rõ thấu triệt không? Vẫn còn vấn đề. Cho nên bên dưới mới bảo bạn “Niệm mãn vạn biến” (Niệm đủ một muôn biến). Ý nghĩa của niệm mãn vạn biến là gì? Huân tu nhiều lần, hy vọng bạn có thể ngộ nhập cảnh giới này. Nói với bạn một vài lần có tác dụng gì đâu, bạn vẫn cứ bị mê hoặc. Cho nên phải thường xuyên đọc, phải thường xuyên giảng kinh, tốt nhất phải thường xuyên giảng. Hiệu quả của giảng còn thù thắng hơn đọc. Bản thân tôi là người phàm phu, là người căn tánh bậc trung, không phải bậc thượng căn lợi trí. Ngày nay có thể được một chút lợi ích như thế này trong Phật pháp, không có gì khác chính là nhờ vào giảng kinh mỗi ngày. Mỗi một lần giảng tôi tự nói với mình đó là một lần huân tu. Tôi đã giảng bốn chục năm rồi, bốn chục năm huân tu không gián đoạn mỗi ngày, mới được một chút hiệu quả như thế này. Cho nên tôi cảm thấy hiệu quả của giảng còn thù thắng hơn đọc. Thấu hiểu sâu sắc việc dạy và học cùng giúp ích lẫn nhau, thấu hiểu tại sao Bồ Tát lại nhiệt tâm đi giáo hóa chúng sanh như vậy? Hóa ra là vì lợi ích cho chính mình. Bạn không có nhiệt thành giáo hóa chúng sanh, hay nói cách khác bạn sẽ không có cách gì tự lợi được. Tự lợi chắc chắn là xây dựng trên nền tảng của lợi tha. Không những giải môn là như vậy, mà hành, chứng cũng như vậy. Chúng ta nhìn thấy người ta gặp khổ nạn, không thể hết lòng hết sức giúp đỡ họ, thì tai nạn của bản thân chúng ta cũng không thể chuyển trở lại được. Hay nói cách khác bạn nhiệt tâm giúp đỡ người khác, chính là giúp đỡ chính mình. Tai nạn của bản thân bạn được tiêu trừ rồi. Cho nên thật sự tiêu tai miễn nạn, là nhiệt tâm, hết lòng hết sức giúp đỡ người khác. Bạn không chịu thật sự đi làm, dù giải ngộ của bạn viên mãn đi nữa, thì tai nạn của bạn vẫn không thể tránh được. Đạo lý này quý vị suy nghĩ thật kỹ xem. Cho nên ý nghĩa của “Chí tâm cung kính, niệm đủ một muôn biến” là rất sâu rộng. Lời đức Phật nói là chân thật không hư dối. Dưới đây là nói quả báo:

  “Thị chư bất như ý sự” (Thời những sự không toại ý trên đó.)

  “Bất như ý sự” là giống như những ví dụ nêu ra ở trên, đồ ăn mặc không đủ, cầu chi cũng không toại nguyện, bệnh tật, hung suy bất an, quyến thuộc chia lìa, những sự việc bất như ý như vậy, “Tiệm tiệm tiêu giảm” (Sẽ tiêu sạch lần lần). Đức Phật dùng từ “Tiệm tiệm” (Lần lần). Ý nghĩa của câu nói này rất sâu xa. Xem trình độ dụng tâm của bạn, xem thời gian huân tu của bạn dài hay ngắn, tai nạn này có khi được tiêu trừ trong thời gian rất ngắn, có khi trong thời gian rất dài mới được tiêu trừ được, điều này hoàn toàn xem bản thân chúng ta. Nếu như mình có thể đốn ngộ, nếu như có thể dũng mãnh tinh tấn tu học, thì trong khoảng thời gian ngắn là có thể nhìn thấy hiệu quả, tai nạn này được tiêu trừ rồi.

  “Tức đắc an lạc, y thực phong ích.” (Liền đặng an vui, đồ ăn mặc dư dật.) Chữ “Phong” nghĩa là đầy đủ. “Ích” là tăng thêm. Không những mình đủ dùng, mà còn có thể có dư thừa để giúp đỡ người khác.

  “Nãi chí ư thùy mộng trung, tất giai an lạc” (Cho đến trong giấc mộng thảy đều an ổn vui vẻ.)

  Trong mộng những ác mộng cũng sẽ không còn, thân tâm an ổn, chuyển họa thành phúc. Trong khoa đề nói: “Tu thiện tiêu diệt an lạc”. Câu này đối với người hiện đại mà nói, cần phải thêm mấy chữ nữa mới được. Nếu không họ sẽ nghĩ tu thiện sẽ tiêu diệt hết an lạc. Vậy là sinh ra hiểu lầm rồi! Tu thiện tiêu diệt các việc bất như ý, liền được an ổn vui vẻ, vậy thì ý nghĩa câu này sẽ rất viên mãn, mọi người sẽ không đến nỗi hiểu lầm. Lời dạy trong đoạn kinh này đối với người hiện nay chúng ta mà nói là nhu cầu cấp bách. Chúng ta nhất định phải thật nghiêm túc nỗ lực đi làm. Ngày nay chúng ta nhìn thấy người khác gặp tai nạn, không chừng ngày mai bản thân chúng ta cũng sẽ gặp phải tai nạn. Bản thân chúng ta không quan tâm người khác, đến khi bản thân chúng ta gặp tai nạn, thì ai quan tâm chúng ta? Chúng ta không chịu giúp đỡ người khác, đến khi bản thân chúng ta gặp tai nạn, thì ai đến giúp đỡ chúng ta? Phải biết nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy. Chúng ta hy vọng lúc mình gặp nạn, sẽ có người đến giúp đỡ chúng ta, đến an ủi chúng ta, thì khi chúng ta nhìn thấy người khác gặp nạn, hãy đi an ủi người ta, giúp đỡ người ta, bạn mới có thể nhận được quả báo này. Xem tiếp đoạn kinh văn dưới đây:

  “Phục thứ Quán Thế Âm Bồ Tát! Nhược vị lai thế hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc nhân trị sanh, hoặc nhân công tư, hoặc nhân sinh tử, hoặc nhân cấp sự nhập sơn lâm trung quá độ hà hải, nãi cập đại thủy hoặc kinh hiểm đạo.”

  (Lại vầy nữa, này Quán Thế Âm Bồ Tát! Về đời sau, nếu có người thiện nam thiện nữ nào, hoặc nhơn sự làm ăn, hoặc nhơn sự công chuyện tư, hoặc nhơn sự sanh cùng tử, hoặc nhơn việc gấp mà phải vào trong rừng núi, hay là qua sông vượt biển hoặc gặp nước lụt lớn, hoặc đi ngang đường hiểm trở.)

  Ý nghĩa mà trong đoạn kinh văn này nói chính là hiện nay gọi là đi du lịch bình an. Phương tiện giao thông của người hiện đại đi ra ngoài du lịch khác với thời xưa. Nhưng việc có thể gặp phải tai nạn, nói thực ra là không có gì khác. Khoa đề có tựa là “An thủy lục hiểm đạo” Tức là khi đi du lịch ở trên đường hiểm nơi đất liền và sông nước, có thể được bình an. Trong kinh văn nếu quý vị lưu ý xem kỹ thì bạn có thể nhận ra được, đoạn phía trước đức Phật gọi Bồ Tát Quán Thế Âm: “Nhược vị lai thế hữu chư nhân đẳng.” (Nếu trong đời vị lai có những người.) Bạn xem đoạn này: “Nhược vị lai thế hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân.” (Về đời sau, nếu có người thiện nam thiện nữ nào.) Mỗi đoạn kinh văn bạn hãy chú ý thật kỹ một chút. Nếu như nói là: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân” (Người thiện nam, thiện nữ) thì khả năng gặp phải tai nạn sẽ rất ít. Nếu không có thêm chữ “Thiện” như câu “Hữu chư nhân đẳng, y thực bất túc.” (Có những người, đồ ăn mặc không đủ) Nếu như thật sự là người hành thiện, sẽ rất ít gặp phải nạn này. Cho nên chúng ta cần phải lưu ý từng câu từng chữ trong kinh văn. Chỗ này là nói kẻ thiện nam, người thiện nữ. Chữ “Thiện” này phần trước đã giảng với quý vị rồi. Mức thấp nhất phải làm được điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước là “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự thầy tổ, từ tâm không giết hại, tu thập thiện nghiệp” thì đức Phật mới gọi họ là kẻ thiện nam, người thiện nữ. Quả báo của kẻ thiện nam, người thiện nữ, nếu quý vị đọc kỹ “Liễu Phàm Tứ Huấn” sẽ hiểu ngay. Tiên sinh Liễu Phàm thật sự là làm được bốn câu này, đây là tấm gương tốt của chúng ta. Đây là nói họ phải đi xa, đi xa đương nhiên là có việc. “Hoặc nhân trị sanh” (Hoặc nhơn sự làm ăn) “Trị sanh” là vì đời sống của họ, vì đời sống của mình, vì đời sống của gia đình mà đi ra ngoài mưu sinh. “Hoặc nhân công tư” (Hoặc nhơn sự công chuyện tư) Là đi vì việc công, hoặc là việc tư nhân. Việc tư, như thăm viếng người thân, thăm viếng bạn bè, là việc tư. Hoặc là bạn làm quan trong triều đình, hiện nay là nhân viên trong công ty, phái bạn đi công tác là việc công. “Hoặc nhân sanh tử” (Hoặc nhơn sự sanh cùng tử) “Tử” là việc ma chay. “Sanh” là trong nhà sinh con cái, đây là việc vui, trở về thăm viếng. “Hoặc nhân cấp sự” (Hoặc nhơn việc gấp) Tạm thời có việc cấp bách. Đây là nói rõ nguyên nhân đi xa nhà. Hiện nay còn có đi tham quan du lịch. Việc tham quan du lịch nêu ra ở đây không thuộc trong đây. “Nhập sơn lâm trung” (Vào trong rừng núi) Tức là khi bạn đi du lịch bạn sẽ đi qua những vùng rừng núi này, hoặc là phải đi qua sông, hoặc là đi trên biển. “Đại thủy” là giống như hồ, chằm. “Hoặc kinh hiểm đạo” (Hoặc đi ngang đường hiểm trở) Trong đường hiểm trở là gồm cả vùng có thú dữ, rắn độc, hoặc giả là có những kẻ cướp bóc, đây là thuộc về đường hiểm. Đường hiểm thời trước đây trên đất liền có, ở nơi sông nước cũng có, có hải tặc, nếu bạn gặp phải thì cũng rất phiền phức. Thời hiện đại giao thông thuận tiện hơn trước đây, đi du lịch nói thực ra là thoải mái hơn quá nhiều so với người trước đây. Nhưng sự cố về giao thông, những tai nạn giao thông này, chúng ta cũng thường hay nghe thấy. Làm sao có thể giữ bình an trong khi đi du lịch, có thể nói đó là điều mà tất cả người đi ra ngoài du lịch đều kỳ vọng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *