KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập
Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.
Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051
Tập 46
Mời xem kinh văn dưới đây:
“Thử giai thị nhất sanh, thập sanh, bách sanh, thiên sanh, quá khứ phụ mẫu, nam nữ đệ muội, phu thê quyến thuộc tại ư ác thú, vị đắc xuất ly, vô xứ hy vọng phước lực cứu bạt, đương cáo túc thế cốt nhục, sử tác phương tiện, nguyện ly ác đạo.” (Đó đều là vì hoặc cha mẹ, con em, hoặc chồng vợ, quyến thuộc trong một đời, mười đời, hay trăm nghìn đời về thuở quá khứ bị đọa lạc vào ác đạo chưa được ra khỏi, không biết trông mong vào phước lực nơi nào để cứu vớt nỗi khổ não, nên mới mách bảo với người có tình cốt nhục trong đời trước cầu mong làm phương tiện gì để hầu được thoát khỏi ác đạo.)
Phải nhớ kỹ là họ đến cầu mong bạn giúp đỡ. Bạn không học Phật họ không đến cầu bạn. Tại sao vậy? Bạn không có năng lực giúp đỡ họ. Hiện nay bạn học Phật rồi, họ biết bạn có năng lực giúp đỡ họ, nên họ đến cầu bạn. Cho nên hễ chiêm bao thấy cảnh giới này, thì chúng ta niệm Phật hồi hướng cho họ, tụng kinh hồi hướng cho họ. Bạn tụng “Kinh Địa Tạng” cũng rất tốt, niệm danh hiệu Bồ-tát cũng rất tốt, tụng “Kinh Vô Lượng Thọ”, tụng “Kinh A-Di-Đà”, niệm danh hiệu A-Di-Đà Phật đều tốt. Đây là pháp môn tu chính của chúng ta. Sức mạnh của pháp môn tu chính vô cùng thù thắng. Tại sao vậy? Tụng hằng ngày, niệm mỗi ngày, chúng ta đặc biệt hồi hướng cho họ. Họ là đến cầu mong giúp đỡ, cầu mong cứu vớt. Trong “Ảnh Trần Hồi ức Lục”, chúng ta xem thấy có một câu chuyện, do pháp sư Đàm Hư kể, là “Tám năm lặng lẽ đọc Lăng Nghiêm”, bạn xem đoạn đó. Vào thời đó họ đều là cư sĩ tại gia, tiếp xúc được Phật pháp, biết Phật pháp hay, họ vô cùng ưa thích “Kinh Lăng Nghiêm”, có mấy người chí đồng đạo hợp mỗi ngày cùng nghiên cứu, đọc tụng. Cũng là do cơ duyên không chín muồi, vì phương Bắc rất ít có người giảng kinh, cho nên chỉ có mấy người tự mình nghiên cứu, dựa theo phương pháp này mà tu học. Nhưng họ cũng thật hiếm có, có thể mấy người cùng với nhau tham cứu, học tập theo một bộ kinh, có thể duy trì thời gian đến tám năm, thật là hiếm có! Có thời gian dài như vậy, thì nhiều ít cũng có chút công phu, chút công phu này là vô cùng hiếm có, là vô cùng hy hữu, cảm động quỉ thần đến cầu siêu độ. Cụ Đàm nói đó không phải cụ, là một người bạn của cụ. Họ hùn vốn với nhau mở một cửa tiệm thuốc bắc nhỏ để duy trì đời sống. Buổi trưa lúc buôn bán thưa khách, mấy người này ngủ lơ mơ trên quầy hàng, một người bạn của cụ lúc ngủ lơ mơ, thì nhìn thấy hai người bước vào. Đây là sau khi họ đã tỉnh rồi, mới kể lại với nhóm bạn của pháp sư Đàm Hư nghe. Ông nói hai người bước vào này, là oan gia trái chủ trước đây, vì tranh chấp tiền của nên đi kiện. Vụ kiện này ông ấy thắng rồi, nên hai người này treo cổ tự sát, vì chuyện này nên ông ấy cũng thường hay cảm thấy rất áy náy. Khi ép trả nợ khiến cho hai người này bị chết, cũng cảm thấy rất áy náy. Hai người này họ đến há chẳng phải để kiếm chuyện sao? Sợ là trả thù. Sau khi nhìn thấy hai người này bước vào, sắc mặt rất ôn hòa, nên trong lòng cũng tương đối an. Bèn hỏi họ, các anh đến làm gì? Họ nói là đến cầu mong siêu độ. Tâm ông liền thấy an ổn lại, họ không phải đến kiếm chuyện, là đến cầu siêu độ. Ông nói được! Cách siêu độ như thế nào? Họ nói, chỉ cần ông nhận lời là được rồi. Thế thì được, tôi nhận lời anh. Liền nhìn thấy hồn của hai con quỉ này, nhảy lên đầu gối của ông, đạp lên vai của ông rồi sanh thiên. Chỉ cần nhận lời siêu độ là được. Bạn hỏi dựa vào sức mạnh nào? Dựa vào sức mạnh tám năm lặng lẽ đọc “Kinh Lăng Nghiêm”. Sau khi hai người này đi rồi, chưa bao lâu lại có hai người đến nữa. Hai người một người là nữ, còn dắt theo một đứa trẻ. Nhìn kỹ lại là người vợ và đứa con trai đã qua đời của ông, đứa con trai đã chết, hai người đến, ông bèn hỏi bà, làm gì? Cũng là đến cầu siêu độ, phương pháp giống nhau là nhận lời. Tôi nhận lời bà, siêu độ bà. Liền nhìn thấy hồn quỉ này đạp lên đầu gối, nhảy lên vai rồi sanh thiên. Không cần bất kỳ nghi thức nào. Người siêu độ chân chánh, họ thật sự có công phu mới được. Nếu họ không có công phu, thì nghi thức như thế nào cũng không thể có tác dụng được. Nhất định phải tự mình thật sự có công lực tu hành. Hay nói cách khác, tối nằm chiêm bao thấy những quỉ thần này đến tìm bạn siêu độ, là chứng minh bạn vẫn có chút công phu. Nếu bạn không có công phu thì họ sẽ không đến. Vì thế chúng ta bình thường đọc kinh, niệm Phật, lễ Phật, thậm chí là giảng kinh trên bục giảng, xong thời khóa này chúng ta đều có hồi hướng. Hồi hướng nhất định là dùng tâm chân thành: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Từng li từng tí công phu tu học thường ngày của chúng ta đều là vì chúng sanh, không phải vì mình, thì công đức hồi hướng này mới viên mãn. Ta hôm nay mở quyển kinh ra đọc bộ kinh này, vì ai? Vì tất cả chúng sanh. Ta hôm nay bước vào niệm Phật đường, niệm một câu A-Di-Đà Phật này, là giống như trong kinh nói, niệm mấy phút cũng tốt, niệm mấy giờ, niệm nửa ngày, một ngày, niệm hai ngày hai đêm, niệm vì ai? Niệm vì tất cả chúng sanh, thì công đức hồi hướng này của họ viên mãn. Chúng ta ngày nay học giáo, phát tâm giảng kinh thuyết pháp, vì ai? Vì tất cả chúng sanh. Nếu như nói phát tâm là vì mình, thì lợi ích rất nhỏ, công đức không lớn. Vì tất cả chúng sanh, vì Phật pháp trụ lâu ở thế gian thì công đức là không thể nghĩ bàn. Công đức trong kinh nói đều là chỉ cái này. Quý vị nhất định phải biết, vì mình thì công đức rất nhỏ. Làm một việc như nhau, nếu vì chúng sanh, vì Phật pháp thì lợi ích công đức vô lượng vô biên. Bởi vì chúng sanh vô biên, Phật pháp vô biên, nên lợi ích công đức của bạn là vô biên. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này, thì tại sao mỗi niệm lại vẽ cái vòng này nhỏ như vậy. Vì mình, vì gia đình này của ta, vì tập thể nhỏ này của ta, cùng làm một việc giống như vậy, mà được phước nhỏ, được công đức nhỏ, được lợi ích nhỏ. Người ta cũng làm công việc như vậy, tại sao được lợi ích công đức vô lượng vô biên? Chỉ trong khoảng một niệm. Phật pháp nói một niệm tương ưng. Họ một niệm có tương ưng hay không? Tương ưng với tự tánh, tương ưng với chân tâm. Tự tánh chính là pháp giới, chân tâm chính là pháp giới. Đức Phật đã nói rất nhiều rồi, chúng ta nhất định phải thể hội cho được, phải nhớ cho thật kỹ, y giáo tu hành. Sau này gặp phải tình cảnh này, có một số tín đồ đến thăm chúng ta, nói ra những sự việc này với chúng ta, chúng ta biết trong “Kinh Địa Tạng” có, liền có thể nói với họ, trở về đọc kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ. Và có một số người không tin Phật, hoặc giả là mới vừa tiếp xúc Phật pháp, gặp phải chiêm bao thấy quỉ thần đến tìm họ. Năm xưa tôi có một người bạn đồng nghiệp, vợ của anh ta, trong một tuần lễ thấy chiêm bao liên tục ba lần, cho nên cô rất hoài nghi. Chiêm bao thấy gì? Chiêm bao thấy người hàng xóm, người vợ đó cũng là vừa mới qua đời, đại khái qua đời chưa đến nửa năm. Ba lần thấy chiêm bao, hỏi bà xin tiền, mong bà giúp đỡ. Bà ta nói bà vô cùng khó khăn, đời sống vô cùng khó khăn. Lúc bà trong cơn chiêm bao, cũng không nghĩ đến bà ấy đã chết rồi, không hề nghĩ đến. Bà thấy làm lạ, bà nói, chị sống khổ không nên tìm đến tôi, chị nên về hỏi chồng chị ấy. Bà ấy nói, chồng tôi không có tiền, mong chị giúp đỡ. Một tuần chiêm bao thấy ba lần. Bà bèn đến tìm tôi. Tôi với bà cũng rất quen biết nhau, với nhà bên đó cũng rất thân quen. Ồ! Tôi liền nghĩ đến. Tôi nói, họ là tín đồ Cơ Đốc Giáo, là không có tiền. Tín đồ Cơ Đốc Giáo không đốt giấy tiền. Tôi nói không sao đâu! Cô đốt một ít giấy tiền cho bà ấy. Bà quả nhiên nghĩ thông rồi. Sau khi đốt một ít giấy tiền xong, thì cũng không còn chiêm bao thấy nữa. Cơ Đốc Giáo không đốt giấy tiền. Bà ấy ở cõi quỉ. Cõi quỉ đốt giấy tiền thật sự vẫn có tác dụng. Cho nên chuyện đốt giấy tiền này, bạn thấy lão pháp sư Ấn Quang có nói qua ở trong “Văn Sao”. Ngài đối với chuyện này là vừa không tán thành cũng không phản đối. Tại sao không tán thành? Trong Phật pháp không có. Trong Phật pháp nói siêu độ, chỉ là niệm danh hiệu Phật Bồ-tát, tụng kinh hồi hướng cho họ. Nhưng không phản đối? Con người sau khi chết rồi, luân hồi có sáu nơi để đi. Giấy tiền chỉ có cõi quỉ, họ có thể thọ dụng được, còn những cõi khác đều không thọ dụng được. Nếu như họ rơi vào cõi quỉ, người ta đốt giấy tiền, bạn không cho họ đốt, chẳng phải chặn đứt đường tiền tài của người ta sao? Việc này cũng là việc phiền phức. Họ sẽ khởi tâm sân hận đối với bạn, cho nên cũng không phản đối. Chúng ta học theo thái độ này của lão pháp sư là rất tốt, không đề xướng nhưng cũng không phản đối. Đây là phong tục tập quán của dân gian, chứ không liên quan gì đến Phật pháp. Người học Phật chân chánh thì không dùng những thứ này. Cho nên biết rằng trong cảnh mộng, mộng thấy những quỉ thần này là đều có quan hệ với mình. Nếu như họ nói là thân thuộc trong đời quá khứ, mười đời, trăm đời, nghìn đời, thì đương nhiên chúng ta không biết được. Tuy không biết nhưng những quỉ thần này biết bạn có duyên với họ. Có nhân duyên nhiều đời, họ vẫn sẽ đến tìm bạn cầu bạn giúp đỡ. Tuổi thọ của quỉ rất dài, tuổi thọ của nhân gian ngắn. Phật ở trong kinh nói cho chúng ta biết, một ngày trong cõi Ngạ Quỉ bằng một tháng của nhân gian. Cho nên chúng ta cúng tế quỉ thần, mồng một, ngày rằm là đúng vào lúc họ ăn trưa, ăn tối. Một ngày của họ là một tháng của chúng ta, phải hiểu rõ đạo lý này. Vả lại tuổi thọ của cõi Ngạ Quỉ, đại khái đều là một nghìn năm trở lên, tuổi thọ dài. Nơi đó cũng tính là một năm có ba trăm sáu mươi ngày, là một năm, họ thọ một nghìn năm. Bạn nên biết một ngày của họ là một tháng của nhân gian chúng ta. Cho nên Chương Thái Viêm vào thời đó làm phán quan ở Đông Nhạc Đại Đế, ở trong cõi quỉ vẫn nhìn thấy những người như Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên. Ngay cả những người chết vào triều Hán, ông cũng đều gặp mặt họ ở trong cõi quỉ. Triều Hán đến nay chí ít là hai nghìn năm. Nên tuổi thọ của quỉ dài hơn tuổi thọ của con người quá nhiều rồi. Trong lục đạo thật sự tuổi thọ của con người ngắn. Tuổi thọ con người cũng có lúc dài. Chúng ta sống vào lúc tuổi thọ ngắn. Trong kinh Phật nói, tuổi thọ của con người dài nhất là tám mươi bốn nghìn năm. Chúng ta là đang ở vào gian đoạn của kiếp giảm, phước báo rất mỏng. Tuổi thọ dài thì phước báo sẽ lớn, tuổi thọ ngắn thì phước báo rất mỏng. Tuy phước mỏng, nhưng nếu chịu tu sẽ rất dễ dàng, cũng không khó khăn, trái lại duyên tu phước đến cũng rất thù thắng, dùng thời gian ngắn tu phước báo lớn. Đây là người thông minh, người có trí tuệ. Cho nên kinh văn này chúng ta phải nhớ kỹ, đây đều là cha mẹ, người thân quyến thuộc trong quá khứ của mình, có nhân duyên đến nhờ giúp đỡ. Bên dưới đây là phương pháp giúp đỡ:
“Phổ Quảng! Nhữ dĩ thần lực, khiên thị quyến thuộc, lệnh đối chư Phật Bồ-tát tượng tiền, chí tâm tự độc thử kinh, hoặc thỉnh nhân độc kỳ số tam biến, hoặc thất biến” (Này Phổ Quảng! Ông nên dùng sức oai thần, khiến hàng quyến thuộc đó đối trước hình tượng của chư Phật, chư Bồ-tát chí tâm tự đọc kinh này, hoặc thỉnh người khác đọc đủ số ba biến hoặc đến bảy biến.)
Đây là làm Phật sự siêu độ. Cho nên làm Phật sự siêu độ, cũng là từ trong “Kinh Địa Tạng” mà ra. Tự mình có thể đọc là tốt nhất. Bởi vì tâm của mình thành khẩn, là người thân quyến thuộc của mình, ta vì họ, nên tâm này vô cùng thành kính. Nếu tự mình không thể đọc thì sao? Mời người, mời người khác đọc. Hiện nay thông thường đều mời người xuất gia. Bởi vì trong kinh nói, người khác đọc cho họ thì họ chỉ có thể được một phần bảy lợi ích, cho nên thông thường người ta mời bảy người đọc, họ mới được một phần, đạo lý là như vậy. Mời bảy người đọc, họ mới được một phần. Đọc ba biến, bảy biến, đọc như vậy rất tốt. Lý luận, phương pháp của siêu độ, chúng ta nhất định phải hiểu thì nó mới không rơi vào mê tín. Bạn phải nói cho người ta tin, nó là sự thật.
“Như thị ác đạo quyến thuộc, kinh thanh tất thị biến số, đương đắc giải thoát, nãi chí mộng mị chi trung vĩnh bất phục kiến.” (Như vậy kẻ quyến thuộc đương mắc trong ác đạo kia, khi tiếng tụng kinh đủ số mấy biến đó xong sẽ đặng giải thoát, cho đến trong khi mơ ngủ không còn thấy hiện về nữa)
Bạn sẽ không còn mơ thấy họ nữa. Không còn mơ thấy là họ đã thoát khỏi cõi quỉ rồi, họ được lợi ích rồi. Thoát khỏi cõi quỉ, phần lớn họ lại đến cõi người để đầu thai, hoặc giả người có lợi ích phước báo lớn, họ có thể sinh về cõi trời. Cõi trời thường là từ trời Đao Lợi trở xuống, sanh về Tứ Vương Thiên, Đao Lợi Thiên. Trong kinh nói phần lớn là nói sơ lược. Nếu như nói tỉ mỉ thì cấp bậc phước báo trong Tứ Vương Thiên đến Đao Lợi Thiên vẫn là khác nhau. Mặc dù sanh về Đao Lợi Thiên thì phước báo mỗi người vẫn là khác nhau. Là giống như chúng ta cùng sanh về cõi người. Bạn thấy mỗi người thọ dụng trong đời đều khác nhau, có người giàu sang tột bậc, có người nghèo khổ thấp hèn, cùng được thân người mà phước báo không giống nhau. Từ đó cho thấy cùng được thân Trời như nhau nhưng phước báo cũng khác nhau. Thiên nhân không có phước, thiên nhân phước rất mỏng, thì hoàn cảnh đời sống vật chất của họ có khi còn không bằng người phước báo lớn ở nhân gian, vẫn không bằng. Nhưng thân của họ là thân Trời. Đạo lý này thực ra không khó hiểu, bạn thử nghĩ xem người chúng ta, được thân người trong cõi người, cõi súc sanh thường không bằng cõi người, có một số súc sanh hưởng thụ, có khi người nghèo khổ chúng ta không bằng nó, không bằng súc sanh. Đây chẳng phải là cùng đạo lý sao? Cho nên nếu bạn quan sát tỉ mỉ tình trạng trong lục đạo luân hồi, thì dần dần bạn có thể thể hội được. Gia đình giàu có nuôi thú cưng súc sanh, người nghèo khổ thật sự không bằng, thua xa nó. Sự ăn uống sinh hoạt của nó bao nhiêu người phải chăm sóc, khi bị bệnh còn có viện thú y, đưa đi bệnh viện còn có xe đưa đón. Bạn thấy người nghèo khổ làm gì có phúc phận này? Cho nên nó là thân súc sanh, súc sanh có phước báo còn tốt phước hơn người nghèo khổ chúng ta nhiều. Cùng một đạo lý giống nhau, trong thiên nhân người không có phước báo, đời sống không bằng con người, đây là cùng một đạo lý. Cho nên tuy sanh thiên cũng phải có phước báo mới được. Sanh thiên dựa vào điều kiện gì? Tu ngũ giới, thập thiện cho tốt, sẽ sanh thiên. Nếu như không tu bố thí, không chịu giúp đỡ người khác cho thật nhiều, thì sanh thiên cũng không có phước báo. Có thể thấy tu phước rất quan trọng, bạn thật sự có phước báo, thì bất kể bạn ở trong cõi nào, họ đều hưởng phước. Cho nên phước báo có thể mang theo được, là không bị mất đi. Công đức cũng có thể mang đi được, nhưng công đức là rất dễ bị mất. Trong kinh thường nói: “Một cơn sân hận đốt cháy cả rừng công đức”, cho nên công đức rất khó duy trì. Phước đức thì không có vấn đề gì, phước đức có thể duy trì. Công đức rất khó duy trì. Xin thưa quý vị, công đức là tâm thanh tịnh, là định tuệ. Khi có tâm tham khởi lên, tâm sân hận khởi lên, thì tâm thanh tịnh của bạn lập tức bị mất hết, bạn lập tức bị mê rồi, định tuệ không còn nữa. Định tuệ là công đức, nó khác với phước đức. Xem tiếp đoạn này dưới đây, đoạn này là:
“Hạ tiện cầu hối” (Người hạ tiện cầu sám hối)
Đây là pháp tu sám hối.
“Phục thứ Phổ Quảng! Nhược vị lai thế hữu chư hạ tiện đẳng nhân, hoặc nô, hoặc tỳ, nãi chí chư bất tự do chi nhân, giác tri túc nghiệp yếu sám hối giả” (Lại nữa, này Phổ Quảng! Như đời sau này có những hạng người hạ tiện, hoặc tớ trai, hoặc tớ gái nhẫn đến những kẻ không được quyền tự do, rõ biết là do tội nghiệp đời trước gây ra cần phải sám hối đó.)
Đây là nêu ra một nhóm chúng sanh sám hối trước. Bần tiện là người rất khổ trong nhân gian. Bần là không có của cải. Tiện là không có địa vị. Ở thế gian nó là đối lập với phú quý. Phú là có của cải. Quý là có địa vị. Bần tiện với phú quý khác biệt rất lớn. Tạo nên sự khác biệt này, là do nghiệp mà chúng ta tạo trong đời quá khứ sinh ra. Nếu như trách xã hội giàu nghèo không đồng đều, giàu nghèo tuyệt đối là không thể đồng đều được, đây là đạo lý nhất định. Tại sao vậy? Nghiệp mà mỗi người tạo khác nhau, thì đâu thể xuất hiện quả báo giống nhau được? Là việc không thể. Cho nên giáo huấn của bậc thánh hiền là hy vọng đôi bên có thể hiểu rõ sự thật về nhân quả báo ứng, thì mọi người đều không có oán hận nhau. Người phú quý có nghĩa vụ giúp đỡ người bần tiện. Người bần tiện biết được mình phải tu phước, phải sám hối, biết phải tu phước thì xã hội mới có thể hài hòa, mới có thể ổn định phồn vinh được. Đôi bên tôn trọng lẫn nhau. Ngày nay họ phú quý là do đời trước họ tu tốt. Ta ngày nay bần tiện là do ta không có tu, sao có thể trách người ta được? Gieo dưa được dưa, gieo đậu được đậu. Hiểu rõ đạo lý này, thì sẽ không oán trời trách người. Biết mình không có tu. Không tu không sao cả, hiện nay tu vẫn còn kịp. Ta hiện nay chịu tu thì đời sau sẽ tốt. Nếu người phú quý không chịu tu, chỉ hưởng phước không tu phước nữa, thì đời sau sẽ trở thành bần tiện, đây mới là đạo lý đích thực. Trong đoạn này Pháp sư Thanh Liên trích dẫn trong “Kinh Biện Ý” nói. Đây là Phật nói: “Ngũ sự thường sanh ty tiện, vi nhân nô tỳ.” (Có năm việc thường sanh làm người thấp hèn, làm đầy tớ cho người)
Làm đầy tớ là không có địa vị trong xã hội. Không có địa vị gọi là tiện. Phật nói có năm loại nghiệp nhân phải thọ quả báo này.
“Đệ nhất, kiêu mạn bất kính nhị thân” (Thứ nhất: Kiêu ngạo không kính trọng song thân.”
Nhị thân là cha mẹ, có thái độ ngạo mạn với cha mẹ, không có tôn kính đối với cha mẹ, bất hiếu, thì đời sau họ sẽ bị quả báo này.
“Đệ nhị, cang cường vô khác tâm” (Tâm ương ngạnh không tôn kính)
Khác là tôn kính, là cung kính. Loại người này cũng sẽ gặp quả báo này. Tự cho mình là đúng, mọi mặt đều không chịu nhường người khác. Phật ở trong kinh cũng thường hay cảm thán rằng: “Chúng sanh cõi Diêm Phù Đề ương ngạnh khó giáo hóa”. Tại sao Phật nói khó giáo hóa? Tập khí rất nặng. Chúng ta thông thường nói là người có cá tính rất mạnh, không dễ tiếp thu sự khuyên bảo của người khác.
“Đệ tam, phóng dật bất lễ tam tôn” (Thứ ba, phóng dật, không lễ kính Tam Bảo)
Tam tôn là nói Tam Bảo, khinh chê Tam Bảo. Điều thứ nhất phía trước là không kính trọng cha mẹ, còn đây là không kính trọng thầy. Đạo lớn của thế gian và xuất thế gian là hiếu thảo cha mẹ, tôn trọng thầy tổ. Bất kính cha mẹ, bất kính thầy tổ. Tam Bảo là mẫu mực đứng đầu trong đạo làm thầy. Phật pháp là đạo làm thầy, là mô phạm, điển hình của thầy giáo. Bạn sao có thể tùy tiện không có một chút tâm cung kính nào đối với họ được?
“Đệ tứ, đạo thiết dĩ vi sanh nghiệp” (Thứ tư, sống bằng nghề trộm cắp.”
Cả đời đi trộm cắp để duy trì đời sống của mình. Thủ đoạn trộm cắp rất nhiều. Nhất định phải hiểu ý nghĩa đích thực của trộm cắp. Trong Phật pháp nói không cho mà lấy, đó đều gọi là trộm cắp. Cũng là như chúng ta thường nói của bất nghĩa. Nếu như bạn lấy của bất nghĩa làm kế sống cho cuộc đời của bạn, như thế là phạm vào điều này rồi. Của bạn không xứng đáng có, nếu bạn chiếm hữu nó, nếu bạn giành được nó, đây cũng là nghiệp nhân của thấp hèn.
“Đệ ngũ, phụ trái đào tị bất thường” (Thứ năm, thiếu nợ trốn tránh không trả.)
Người thiếu nợ không chịu trả nợ. Đời này không chịu trả nợ, đời sau gặp lại cũng phải trả, không thể trốn được. Điểm này chúng ta nhất định phải biết, thiếu nợ chúng ta nhất định phải trả, nợ mạng vẫn phải đền mạng. Nhà Phật nói nhân quả thông ba đời, không phải một đời này. Đời này bạn trốn được rồi, đời sau làm thế nào? Còn có đời sau nữa. Đời đời kiếp kiếp khi gặp lại vẫn phải trả. Thiếu mạng phải trả mạng, thiếu tiền phải trả tiền. Trừ khi đối phương giác ngộ. Chỉ có học Phật mới giác ngộ, đối phương giác ngộ rồi. Món nợ anh nợ tôi, thôi khỏi tính, không cần anh trả nữa. Anh nợ mạng tôi cũng không cần anh trả, hết rồi, thế mới được. Nếu như không gặp được người giác ngộ, họ niệm niệm để ở trong tâm, đến đòi nợ, đòi mạng, vậy thì vô phương rồi! Trong văn tự ghi chép của nhà Phật, đại sư An Thế Cao của triều Hán, truyện ký của An Thế Cao, trong quyển thứ nhất của “Cao Tăng Truyện”. Ngài đến Trung Quốc hai lần để đền nợ mạng. Trong đời quá khứ Ngài cũng là ngộ sát hai người, nên đời này đến nơi đặc biệt này để trả hai lần nợ mạng. Hai lần này cũng là ngộ sát. Ngài ngộ sát người ta, người ta cũng ngộ sát Ngài. Đây là Bồ-tát thị hiện nói cho chúng ta biết thành Phật, thành Bồ-tát rồi cũng vô phương, vẫn là phải trả nợ mạng, nợ tiền vẫn phải trả tiền, nợ mạng vẫn phải trả mạng. Không thể nói bạn thành Phật, thành Bồ-tát rồi, thì có thể không cần trả, không có đạo lý này, vậy thì luật nhân quả sẽ bị lật đổ. Làm Phật làm Bồ-tát vẫn không miễn được, huống chi phàm phu chúng ta? Phàm phu không cam lòng trả nợ, trả mạng. Không cam lòng thì sẽ gây ra phiền phức lớn, trả qua trả lại không bao giờ dứt, sẽ bị cái phiền phức này, đòi nợ trả nợ, đòi mạng, đền mạng không bao giờ dứt, đời đời kiếp kiếp làm cái việc này, khổ không thể tả. Phật Bồ-tát tốt ở chỗ nào? Họ thảy đều biết rất rõ, sáng tỏ. Họ có túc mạng thông, có tha tâm thông, có thiên nhãn thông, nhân duyên nhiều đời nhìn thấy rất rõ ràng, cho nên họ trả dứt từng món nợ, về sau không còn việc gì nữa. Họ là cam lòng tình nguyện trả. Bị người ta giết cũng cam lòng tình nguyện, tuyệt đối không có tâm báo thù, nợ đến đây chấm dứt. Phàm phu không chấm dứt nổi món nợ này, tức là họ không cam lòng tình nguyện, vẫn còn tâm trả thù, kết oán thù đời đời kiếp kiếp không bao giờ dứt, vô cùng đáng sợ. Nếu như quý vị thể hội những sự tướng này thật kỹ, sau đó mới biết tại sao phải tôn trọng Tam Bảo, tại sao lợi ích công đức của Tam Bảo lớn như vậy, bạn mới có thể thể hội được chút ít. Chỉ có Tam Bảo mới có thể thật sự giải quyết vấn đề cho chúng ta. Đời đời kiếp kiếp không thể giải quyết vấn đề, gặp được Phật pháp đều có thể giải quyết được. Đây là điểm mà bất kỳ pháp môn nào của thế gian cũng không thể làm được. Chúng ta biết mình rơi vào bần cùng hạ tiện, rơi vào địa vị này, thì biết rằng đây là do mình tạo ác nghiệp trong đời quá khứ chiêu cảm nên quả báo này. Hiểu rõ đạo lý này, thấy rõ sự thật, liền có phương pháp để cứu vãn. Phương pháp cứu vãn là sám hối.
“Giác tri túc nghiệp” (Rõ biết là do nghiệp đời trước)
Đây là bạn rõ biết rồi. “Rõ biết là do nghiệp đời trước”, không dựa vào Phật pháp thì vô phương. Trong pháp thế gian cũng có, tuy có mà không rốt ráo. Người có học vấn, người có đức hạnh, và một số nhà tôn giáo trong thế gian, họ cũng biết, một số sự lý về nhân quả báo ứng, cũng biết tu pháp sám hối. Nhưng tri kiến của họ không viên mãn, không rốt ráo. Vì thế phần lớn sám hối của họ là thuộc về Sự, có thể giúp ích được, nhưng rất nhỏ, không thể giải quyết vấn đề triệt để. Giải quyết vấn đề triệt để, nhất định phải giúp người ta ra khỏi Tam Giới, vậy mới xem là triệt để. Không thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, thì thường để lại phiền phức ở phía sau. Trước mắt hòa hoãn được đôi chút, nhưng sự việc này chẳng chấm dứt được. Vậy mới biết Phật pháp là vô cùng thù thắng. Dưới đây Phật dạy cho chúng ta phương pháp:
“Chí tâm chiêm lễ Địa Tạng Bồ-tát hình tượng” (Thời nên chí tâm chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ-tát.)
Mấu chốt là ở “Chí tâm”. Dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh. Tâm chân thành, thanh tịnh chính là pháp sám hối. Từ đó cho thấy, hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ-tát là tăng thượng duyên cho chúng ta sám hối. Tại sao bạn có thể tiêu trừ được nghiệp chướng vậy? Là bởi vì bạn chí tâm. Bình thường bạn dùng tâm là dùng vọng tâm. Hôm nay đối trước hình ảnh Phật Bồ-tát là tâm chân thành.
“Nãi chí nhất thất nhật trung, niệm Bồ-tát danh khả mãn vạn biến” (Rồi trong bảy ngày niệm danh hiệu của Địa Tạng Bồ-tát đủ một muôn biến)
“Nhất thất”. Thất là một con số viên mãn. Bạn tìm ra thời gian cố gắng tu tập bảy ngày, trong bảy ngày chấp trì danh hiệu Bồ-tát. Đây thông thường gọi là tu Địa Tạng thất, hoặc giả đọc “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, niệm danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng bảy ngày, trong một thất. Thật sự kết thất niệm Phật, nói thực ra là bảy ngày bảy đêm không được gián đoạn. Lợi ích công đức này vô cùng thù thắng. Bảy ngày bảy đêm không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, thì người căn tánh nhạy bén sẽ được nhất tâm. Được nhất tâm là siêu phàm nhập thánh rồi. Phần trước chúng ta xem thấy Quang Mục Nữ, Bà La Môn Nữ, họ dùng phương pháp niệm Phật một ngày một đêm, đó là người căn tánh nhạy bén, một ngày một đêm thì được nhất tâm. Được nhất tâm chính là Bồ-tát, chứ không phải người phàm. Cho nên họ có thể đi tham quan viếng thăm địa ngục. Quỉ vương ở địa ngục, cô hỏi Quỉ vương đây là nơi nào? Quỉ vương nói cho cô biết đây là địa ngục. Sao tôi có thể đến được? Quỉ vương nói với cô rằng, có hai loại người có thể đến được địa ngục, một là Bồ-tát, hai là người thọ tội. Từ đó cho thấy, cô một ngày một đêm, cô niệm đến sự nhất tâm bất loạn, mới có năng lực đi viếng thăm địa ngục. Đây là trong “Kinh Di Đà” nói, nếu một ngày cho đến bảy ngày. Người căn tánh nhạy bén thì một ngày, một ngày đêm sẽ được nhất tâm. Người căn tánh chậm lụt thì bảy ngày, bảy ngày bảy đêm cũng có thể được nhất tâm. Chúng ta hiện nay đồng tu niệm Phật trong niệm Phật đường đừng nói bảy ngày, tu liên tục bốn chín ngày cũng không thể được nhất tâm. Nguyên nhân gì vậy? Niệm Phật không đúng như pháp. Việc phiền phức nhất chính là xen tạp. Lúc họ niệm Phật, vẫn còn vọng niệm xen tạp ở trong đó, vậy thì không đúng như pháp. Thật sự phải không có vọng niệm, thật sự đạt đến tiêu chuẩn này: Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, bảy ngày bảy đêm thật sự có thể thành công.
Chúng ta thấy trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, “Vãng Sanh Truyện”, trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục” có truyện pháp sư Oánh Kha triều Tống. Ngài là người xuất gia phá giới, tập khí rất nặng, Ngài tự mình biết rõ, biết tương lai nhất định phải đọa địa ngục, tạo tội nghiệp quá nhiều, tự mình cũng không có cách gì khống chế mình được, tâm chuyển theo cảnh, thế thì có cách gì bây giờ? Ngài chỉ có một niệm sáng suốt biết mình này, “giác tri túc nghiệp”, cái hay của Ngài chính là bốn chữ này. Ngài biết bản thân Ngài tương lai nhất định đọa địa ngục. Nghĩ đến đọa địa ngục bèn sợ hãi, liền lo sợ ngay. Làm sao có thể không đọa địa ngục? Ngài thỉnh giáo đồng tu của mình. Những vị đồng tu này bèn tặng cho Ngài cuốn “Vãng Sanh Truyện”. Ngài xem “Vãng Sanh Truyện”, mỗi khi đọc một truyện Ngài đều cảm động đến rơi lệ. Sau khi xem xong Ngài tự mình phát tâm, quyết định cầu vãng sanh, đóng cửa phòng lại niệm A-Di-Đà Phật, ba ngày ba đêm không ăn, không ngủ, ngay cả nước cũng không uống. Ba ngày ba đêm chí tâm chiêm lễ, tâm chân thành nên cảm động Phật A-Di-Đà. Phật A-Di-Đà liền đến ngay. Ngài là niệm suốt ba ngày ba đêm đến lúc không chịu nổi nữa rồi ngã gục xuống. Trong lúc hôn trầm, ngủ gục mộng thấy Phật A-Di-Đà đến. Ngài là trong mộng thấy, bèn xin đức Phật A-Di-Đà muốn cầu vãng sanh. Phật A-Di-Đà nói với Ngài, thọ mạng của ngươi còn mười năm, ngươi cố gắng dụng công. Sau mười năm, lúc tuổi thọ ngươi hết Ta sẽ đến tiếp dẫn ngươi. Ngài thật sự sáng suốt biết mình. Ngài nói tập khí của con rất nặng, thời gian mười năm dài như vậy, sợ không chống cự nổi với cám dỗ bên ngoài, lại không biết sẽ tạo bao nhiêu tội nghiệp nữa, vậy có nguy hiểm không? Con không cần mười năm tuổi thọ nữa, con muốn đi với Ngài bây giờ. Sau khi Phật A-Di-Đà nghe xong cũng đồng ý, vậy được rồi ba ngày sau ta sẽ đến tiếp dẫn ngươi. Pháp sư Oánh Kha rất vui mừng, ngay lúc này bỗng giật mình tỉnh dậy, việc này không giả, bèn tuyên bố với đại chúng, ba ngày sau Ngài sẽ vãng sanh. Cảnh giới hoàn toàn giống như Quang Mục Nữ, Bà La Môn nữ, là ba ngày ba đêm. Cho nên trong “Kinh Di Đà” nói: Nếu một ngày cho đến bảy ngày là không giả. Vấn đề là bạn có chí tâm hay không? Bạn có không xen tạp hay không? Chúng ta ngày nay niệm Phật công phu không thể thành tựu, nói thực ra hiện nay hoài nghi là tương đối ít, nhưng mà không thể nói là không có. Nỗi hoài nghi đó bản thân bạn cũng không biết. Nguyên nhân gì vậy? Bạn chưa có hiểu rõ thấu triệt đối với niệm Phật vãng sanh và chân tướng sự thật, nên tâm nghi của bạn không dứt được, do chưa hiểu rõ thấu triệt. Thật sự hiểu rõ thấu triệt rồi thì không còn hoài nghi. Không hoài nghi, thì nhất định không có lưu luyến đối với thế gian này. Cho nên còn lưu luyến đối với thế gian chứng tỏ họ vẫn còn nghi. Dứt nghi sinh tín, mục đích của giảng kinh thuyết pháp là ở chỗ này, thật sự giúp mọi người dứt nghi sinh tín. Sau đó công phu mới là không xen tạp. Thật sự làm được không xen tạp, không gián đoạn thì không có người nào không thành tựu. Cho nên người đang đứng mà đi, đang ngồi mà đi, không bị bệnh, như Oánh Kha là không bị bệnh, biết rất rõ ràng niệm Phật vãng sanh. Sự việc này đến thời cận đại cũng có rất nhiều người. Sao chúng ta có thể nói không tin được? Tại sao họ làm không được? Không bị bệnh là do sám trừ hết nghiệp chướng rồi. Chí tâm thì có thể sám trừ được nghiệp chướng. Chúng ta vẫn còn bị bệnh là do nghiệp chướng. Bạn không chịu chăm chỉ sám trừ nghiệp chướng, nên bạn vẫn còn bị ma bệnh trói buộc. Thật tâm sám hối, thì nghiệp chướng sẽ tiêu trừ. Bệnh nghiệp chướng, sám hối có thể khỏi. Công đức mà bạn thật sự sám hối đó, thì oan gia trái chủ của bạn cũng rời đi, họ cũng được hưởng lây, được lợi ích. Cho nên pháp môn sám hối, nói lời thành thật tám vạn bốn ngàn pháp môn thảy đều thuộc về pháp sám hối. Hai chữ “Sám Hối” hàm chứa hết tất cả pháp môn tu hành của Bồ-tát, không có pháp môn nào không phải là pháp môn sám hối. Phía sau là nói quả báo đạt được.
“Như thị đẳng nhân, tận thử báo hậu, thiên vạn sanh trung thường sanh tôn quý, cánh bất kinh tam ác đạo khổ”
(Những người trên đó, sau khi mãn báo thân hạ tiện ở hiện đời trong nghìn muôn đời về sau thường sanh vào bực tôn quí, trọn không bao giờ còn phải sa đọa vào ba đường ác khổ nữa.)
Đây là quả báo. Cho nên hiện nay bần cùng hạ tiện, thì nhất định phải biết nghiệp nhân của mình. Biết được nghiệp nhân liền quay đầu lại tu Bồ-tát đạo. Nếu như nói là, đây là nói trước đây bạn làm đầy tớ cho người ta, phải bị chủ nhân chi phối, bản thân bạn không được tự do, không thể có được bảy ngày bảy đêm để tu hành thì bình thường tu hành cũng được. Và trong tu hành, pháp môn thù thắng nhất không gì bằng niệm Phật. Pháp môn niệm Phật không có chướng ngại, mọi lúc, mọi nơi trong tâm chỉ có A-Di-Đà Phật. Nhớ Phật niệm Phật cũng không cản trở công việc của bạn, bạn làm việc gì bạn vẫn cứ làm như thường, bạn còn làm tốt hơn, còn viên mãn hơn nữa. Trong tâm tất cả đều buông xả, nhất tâm niệm Phật, có khả năng thì có thể đọc kinh. Không có khả năng đọc kinh, thì niệm một câu A-Di-Đà Phật này là đủ rồi. Chúng tôi trong thời cận đại nhìn thấy không ít người chỉ thọ trì một câu A-Di-Đà Phật, mà tướng lành lúc vãng sanh thù thắng vô cùng, lợi ích công đức chính mắt chúng tôi trông thấy. Cho nên nhất định phải niệm Phật, niệm Phật là công đức hàng đầu, niệm Phật được phước đức thù thắng vô biên. Nghiệp chướng tiêu trừ rồi, thì phước báo tự nhiên sẽ hiện tiền. Nghiệp chướng chưa tiêu trừ cũng mặc kệ, cứ chăm chỉ nỗ lực mà tu học, đời sau nhất định có quả báo thù thắng. Không những không đọa ba ác đạo, còn có thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, còn có thể độ rất nhiều chúng sanh, thật sự là tự hành hóa tha. Chuyển thân tội báo thành thân Bồ-tát, há chẳng phải ứng hóa cùng Bồ-tát sao? Cần dùng thân đầy tớ để độ, liền hiện thân đầy tớ. Chẳng phải giống nhau sao? Vấn đề là bản thân bạn có thật sự giác ngộ hay không? Thật sự giác ngộ bèn dùng thân này để tu, bèn dùng thân này để chứng quả, bèn dùng thân này độ hóa tất cả chúng sanh. Bạn niệm Phật thành tựu, vãng sanh tự tại, nếu bạn có thể biểu hiện đang đứng vãng sanh, đang ngồi vãng sanh, là bạn độ được người trong gia đình này rồi. Trước đây vợ của chủ nhân Đông Lâm Giác Xã ở Hồng Kông là phu nhân Hà Đông niệm Phật vãng sanh độ người trong gia đình bà. Cả gia đình bà đều tín ngưỡng Cơ Đốc Giáo, chỉ có cụ là niệm Phật. Nhưng con cái của cụ rất hiếu thảo, cũng rất thông minh. Tuy tín ngưỡng khác nhau, nhưng gia đình họ rất tự do, đều rất tôn trọng. Cụ bà ăn chay niệm Phật, con cái, con dâu của cụ đều là tín đồ thành kính Cơ Đốc Giáo, đôi bên đều tôn trọng lẫn nhau. Khi cụ bà vãng sanh, bà nói với con trai và con dâu, cả đời chúng ta luôn tôn trọng và không can thiệp vào tín ngưỡng của nhau. Cụ nói, mẹ hôm nay phải vãng sanh, mẹ có một yêu cầu với các con, các con niệm Phật tiễn mẹ. Người con trai và con dâu cũng thấu hiểu nhân tình. Dạ được! Chúng con niệm Phật tiễn mẹ. Bà cụ thật sự là vãng sanh tư thế đang ngồi, người nhà niệm Phật tiễn cụ đi. Nhìn thấy tình cảnh này, mới biết Phật giáo không phải là giả, toàn bộ con trai và con dâu đều niệm Phật, toàn bộ đều quay đầu. Bạn thấy cụ rất có tâm nhẫn nại độ người nhà cụ, cuối cùng biểu diễn cho bạn thấy. Bình thường không khuyên bạn, chẳng nói một câu nào, rất tôn trọng bạn, cuối cùng biểu diễn ra cho bạn thấy. Thử xem Cơ Đốc Giáo của bạn có đang ngồi mà đi được hay không? Có thể biết trước giờ đi hay không? Phương pháp này độ được người trong gia đình cụ rồi. Không những độ người trong gia đình, mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Đây không phải là gia đình thông thường. Ký giả đến phỏng vấn, khi đăng bài lên báo, bạn thử xem ảnh hưởng được bao nhiêu người? Đây mới thật sự là có trí tuệ. Độ người thân quyến thuộc là có phương pháp, bạn phải thật sự hiểu được, bạn phải thật sự biểu diễn cho họ thấy. Người hiện nay nói họ không tin, bạn làm nên tấm gương cho họ thấy, thì họ không thể không tin được. Trong trang 56 của chú giải, quý vị thử xem. Đây là trích dẫn trong kinh Phật, trong “Kinh Biện Ý” nói, hàng thứ nhất trang 56.
“Phật cáo Biện Ý! Hữu ngũ sự đắc vi tôn quý, chúng nhân sở kính” (Đức Phật bảo với Ngài Biện Ý Bồ-tát: Có năm sự việc được tôn quý, và được mọi người kính trọng.)
Đây đều là nói nghiệp nhân. Chỉ cần bạn chịu tu thì sẽ được phước báo.
“Đệ nhất, thí huệ phổ quảng” (Thứ nhất, bố thí rộng khắp) Chính là bố thí nhiều, tu bố thí. Dùng tâm bình đẳng, tâm thanh tịnh tu bố thí, bạn sẽ được thân tôn quý.
“Đệ nhị, lễ kính Tam Bảo cập chúng trưởng giả” (Thứ hai, lễ kính Tam Bảo và các bậc trưởng giả có đức hạnh)
Đây chính là hộ trì Phật pháp, tôn kính sư trưởng.
“Đệ tam, nhẫn nhục vô hữu sân nhuế. Đệ tứ, nhu hòa khiêm hạ” (Thứ ba, nhẫn nhục không có sân hận. Thứ tư, nhu hòa khiêm hạ)
Đối nhân xử thế cần phải có thái độ tốt.
“Đệ ngũ, bác văn kinh giới” (Thứ năm, nghe rộng kinh giới)
Họ thông đạt về kinh điển. Đối với giới luật họ cũng hiểu rõ, sáng tỏ, họ có thể tuân thủ, họ có thể làm được. Đây là Phật dạy trong kinh, có năm loại nghiệp nhân được quả báo người ta tôn kính, và có địa vị tôn quý trong xã hội. Cho nên bạn không tu nhân thì làm sao bạn được quả báo? Bạn muốn được quả báo thù thắng, thì bạn phải biết tu nhân thù thắng như thế nào. Nghiệp nhân quả báo, không mảy may sai chạy.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.
MP3 tự động phát trên Mobile. Nếu không tự động phát vui lòng ấn nút play ▶️ dưới cùng.