Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Tập 73

KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Giảng tại Tịnh Tông Học Hội Singapore
Tổng cộng 51 Tập (AMTB) – Bản dịch 102 Tập

Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ.

Mã AMTB: 14-012-0001 đến 14-012-0051

Tập 73

Xin mời mở bản kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang 13. Mời xem kinh văn:

  “Cánh năng ư tháp miếu tiền phát hồi hướng tâm, như thị quốc vương nãi cập chư nhân tận thành Phật đạo, dĩ thử quả báo vô lượng vô biên.”

  (Nếu lại ở trước chùa tháp có thể phát tâm đem công đức cúng dường bố thí đó mà hồi hướng về đạo vô thượng chánh giác, được như vậy thời vị Quốc Vương đó cho đến tất cả mọi người đều sẽ thành Phật cả, bởi quả báo ấy rộng lớn vô lượng vô biên)

  Đây là nói công đức có được khi bố thí cho đạo tràng nhà Phật, như tu bổ kinh sách cũ và hình tượng Phật, Bồ Tát. Phần trước nói nếu gieo được nhân này, thì được quả báo là trong một trăm nghìn đời làm Chuyển Luân Thánh Vương. Từ đó cho thấy phước báo của bố thí là không thể nghĩ bàn. Trong kinh điển đức Phật nói cho chúng ta biết, người giàu sang nhất ở nhân gian là Chuyển Luân Thánh Vương. Nghiệp nhân mà chuyển luân thánh vương tạo, trong kinh này có nói. Chú giải ở đây có trích dẫn lời của cổ đức, ở trang mười ba, hàng thứ nhất, câu sau cùng. “Diệu huyền vân”. Chữ diệu là “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”. Huyền là huyền nghĩa. Là do đại sư Trí Giả biên soạn. Những lời mà đại sư Trí Giả nói đây, đều là trích dẫn từ trong kinh điển. Đoạn này nói: “Giai thị tán tâm trì giới, kiêm dĩ từ tâm khuyến tha vi phước.” (Phước này đều là do tán tâm trì giới và dùng tâm từ khuyên người ta làm phước.) Câu này vô cùng quan trọng. Tại sao họ được phước lớn như vậy? Ở nhân gian chúng ta người giống như Chuyển Luân Thánh Vương, giống như những lãnh tụ của các nước lớn trong thế gian hiện nay, những vị này giống như Chuyển Luân Thánh Vương. Thế giới hiện nay nước Mỹ là hùng mạnh nhất, rất nhiều quốc gia, tuy người Mỹ không thể thống trị, nhưng đều chịu sự ảnh hưởng của họ, thậm chí là bị thế lực của họ chi phối. Tổng thống Mỹ đích thực có đầy đủ ý nghĩa của Chuyển Luân Thánh Vương, nhưng không có phước báo lớn bằng chuyển luân thánh vương. Tại sao vậy? Nhiệm kỳ của họ chỉ có bốn năm, hơn nữa còn phải bị đủ thứ ràng buộc của quốc hội, không thể làm việc tùy theo ý mình, cho nên vẫn còn kém rất xa so với Chuyển Luân Thánh Vương. Hơn hai trăm năm trước đây, ở Trung Quốc Khang Hy, Ung Chính, Càng Long ba đời này, có thể nói cũng có chút giống như Chuyển Luân Thánh Vương. Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc vào thời đó vô cùng hùng mạnh, rất nhiều nước nhỏ ở Á Châu đều có triều cống cho triều Thanh, và trở thành nước chư hầu của đế quốc Thanh. Cho nên chúng ta mở bản đồ lúc thịnh vượng nhất của triều Thanh ra xem, có lẽ diện tích phải lớn gấp ba lần so với Trung Quốc hiện nay. Hiện nay đất đai của Trung Quốc nếu như so với thời Càng Long, chỉ còn lại chỉ một phần ba. Cho nên vị quốc vương như vậy thì chỉ có chút giống như Chuyển Luân Thánh Vương. Phước báo đó của họ được tu như thế nào vậy? Đây là trí giả Đại Sư ở trong “Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa” nói cho chúng ta biết là do “Tán tâm trì giới”, họ không phải chuyên tâm. Họ có trì giới hay không? Có. “Kiêm dĩ từ tâm khuyến tha vi phước” (Và dùng tâm từ khuyên người khác làm phước) Tâm địa lương thiện. Tự mình tu phước, còn thúc đẩy rất nhiều người tu phước. Khi phước báo của họ hiện tiền, bản thân họ làm vua, còn những người cùng tu phước với họ đều là đại thần của họ, đều là thuộc hạ của họ. Trong đó người phước báo nhỏ thì làm vua nước nhỏ. Chế độ trước đây Tổng Đốc chính là vua nước nhỏ, Tuần Phủ cũng là vua nước nhỏ. Tuần Phủ là tương đương với tỉnh trưởng hiện nay, và thông thường Tổng Đốc là quản lý hai tỉnh, những vị này đều thuộc vào thân phận vua nước nhỏ. Những vị làm vua của những nước nhỏ, nước chư hầu nơi những vùng biên địa xa xôi, phước báo đó là tu như vậy mà có. “Thích Thiêm Vân”. Phía dưới giảng Thích Thiêm, câu sau cùng của hàng thứ hai. Thích Thiêm là “Huyền Nghĩa Thích Thiêm”. “Huyền Nghĩa” là do đại sư Trí Giả biên soạn. Đây là chú giải của “Huyền Nghĩa”, do pháp sư Trạm Nhiên biên soạn. Ngài nói tương đối tường tận, đều có trích dẫn kinh để thuyết minh. Ngài nói “Tiên hành thất pháp” (Làm bảy pháp trước). Đây là nói một đời hành thiện. Họ làm những việc thiện nào vậy?

  “Nhất, cấp thí bần phiếm” (Thứ nhất, thí cho những người nghèo cùng, thiếu thốn).

  Họ quan tâm đối với những chúng sanh nghèo khó, chăm sóc vô cùng hết lòng. Cho nên trong quả báo, họ cảm được rất nhiều người ủng hộ họ, đây là có ơn đức, là báo ơn.

  “Nhị, kính dân, hiếu dưỡng”

   (Thứ hai, kính trọng nhân dân, hiếu dưỡng cha mẹ).

  Họ tôn kính người khác, và có thể hiếu dưỡng, nhất là người có thể hiếu dưỡng đối với cha mẹ và các bậc tôn trưởng, họ là đặc biệt tôn kính.

  “Tam, tứ thời bát tiết, dĩ tế tứ hải”

   (Thứ ba, bốn mùa, tám tiết cúng tế bốn biển) Đây chính là sự cung kính đối với quỷ thần. Hai điều ở phía trước là đối với người, còn điều này là đối với trời đất quỷ thần, điểm này người hiện đại lơ là rồi. Con người chúng ta sống ở đời có quan hệ vô cùng mật thiết với trời đất quỷ thần. Quan hệ chung sống giữa con người với nhau phải tốt đẹp, quan hệ giữa con người với trời đất quỷ thần cũng phải tốt đẹp, cổ nhân hiểu được đạo lý này. Không những cổ nhân Trung Quốc hiểu được, chúng ta thấy cổ nhân trên toàn thế giới đều hiểu được, đều biết cúng tế quỷ thần. Người hiện nay coi những chuyện này là mê tín, cật lực bài xích, làm hỏng đi quan hệ với quỷ thần rồi. Hay nói cách khác, không được quỷ thần giúp đỡ. Nếu như quỷ thần lại làm loạn, phá hoại từ trong đó nữa, thì chúng ta liền bị khổ ngay. Chúng ta không có khả năng chống đỡ. Đến khi nào thế giới này mới có thể khôi phục lại ổn định, phồn vinh, hưng vượng giống như trước đây, hãy tùy xem mọi người có giác ngộ hay không, chúng ta cần chung sống hài hòa với trời đất quỷ thần.

  Trong cổ lễ của Trung Quốc, quý vị thử xem ba bộ sách nói về lễ: “Chu Lễ”, “Nghi Lễ” và “Lễ Ký”, là xếp cúng tế lên vị trí hàng đầu. Cúng tế là lập ngoại giao với trời đất quỷ thần, làm tốt mối quan hệ này, đây là sự thật chứ không phải giả dối. Không phải nói bạn tin mới có, không tin thì không có, không có đơn giản như vậy được. Bạn tin sự việc này vẫn có, không tin vẫn có sự việc này, đây là sự thật, nhất định phải biết. Tuy miệng người thế gian nói rất cứng rắn là họ không tin, nhưng sự thật đều có trải qua, trong đời sống đều có trải nghiệm, nghe thấy rất nhiều, có rất nhiều người đã đích thân trải qua, sự thật này chúng ta nhất định phải chú trọng, cúng tế tổ tiên, cúng tế trời đất quỷ thần.

  “Tứ, thời tu nhẫn nhục”

  (Thứ tư, thường tu nhẫn nhục).

  Cho nên phước báo của họ có thể giữ vững được, có thể hưởng thụ trong trăm nghìn đời, là do nguyên nhân họ biết nhẫn nhục. Nếu như không biết nhẫn nhục thì dù phước báo lớn đi nữa, chỉ một đời là hưởng hết. Nhà Phật nói rất hay, bố thí là tu phước, nhẫn nhục là giữ gìn. Bạn không nhẫn được, thì không thể giữ được, sẽ báo hết rất nhanh.

  Phía sau còn có ba điều, nhất định phải đoạn tham, đoạn sân, đoạn si, đây là tam độc. Đây là do lúc còn sống tu được bảy loại nhân thiện thù thắng này. Sau đó lại phát tâm phục vụ cho đại chúng, cho nên mới có được sự cảm ứng thù thắng này, có được quả báo tốt như vậy.

  Từ phẩm kinh này, phẩm kinh này là phẩm quan trọng nhất trong toàn bộ “Kinh Địa Tạng”. Kinh Địa Tạng  sau cùng quy kết về Tam Bảo. “Phẩm Danh Hiệu” là Phật Bảo. “Phẩm Bố Thí” là Pháp Bảo. Sau cùng “Phẩm Lợi Ích Tồn Vong” này là Tăng Bảo. Tam Bảo, Khi Phật không còn ở đời, thì trong Tam Bảo Pháp Bảo là quan trọng nhất, khuyên chúng ta tu bố thí. Định nghĩa của hai chữ bố thí này, nhất định phải hiểu cho rõ ràng tỉ mỉ. Bố thí chính là phục vụ. Bố thí cho tất cả chúng sanh, chính là phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho xã hội, phục vụ cho chúng sanh trong thập pháp giới, đó là Phật đạo, là Bồ Tát đạo. Cho nên chúng ta đừng hiểu sai chữ bố thí, đừng cho rằng quyên tặng một chút tiền của vào trong cửa Phật, như vậy gọi là bố thí. Bạn hiểu chữ bố thí quá đơn giản rồi, quá hạn hẹp rồi. Trong hạnh Bồ Tát, đức Phật đã nói cho chúng ta sáu nguyên tắc, sáu điều. Trong kinh điển gọi là Lục Độ, Lục ba-la-mật, chính là sáu nguyên tắc trong hành vi của Bồ Tát. Thứ nhất chính là bố thí, thứ hai vẫn là bố thí, thứ ba vẫn là bố thí. Đức Phật nói với chúng ta bố thí chia thành ba loại; loại thứ nhất là bố thí tài, loại thứ hai là bố thí pháp, loại thứ ba là bố thí vô úy. Bạn thấy trong sáu điều, đứng đầu là bố thí. Trong bố thí đã bao gồm cả tài, pháp, vô úy. Thứ hai là trì giới, trì giới là giữ phép tắc. Thứ ba là nhẫn nhục. Giữ phép tắc với nhẫn nhục đều là thuộc về bố thí vô úy. Tinh tấn, thiền định, bát-nhã phía sau, đều là thuộc về bố thí pháp. Cho nên hạnh Bồ Tát nếu bạn quy nạp chung nó lại chính là hai chữ bố thí. Cách giảng của hai chữ bố thí chính là vì tất cả đại chúng phục vụ. Bất kể thân phận của bạn là gì, bất kể bạn làm trong ngành nghề nào, tất cả vì chúng sanh, tất cả vì xã hội, tất cả vì nhân dân, đó chính là tu bố thí ba-la-mật. Mỗi người chúng ta, lợi sanh là làm tấm gương tốt cho chúng sanh, đó chính là tu bố thí ba-la-mật. Một người có tâm địa tốt, phẩm đức tốt, hành vi tốt trong thế gian, làm nên tấm gương tốt cho xã hội, là đã bố thí cái thân này rồi, thân tâm đều đang tu bố thí. Đời sống của chúng ta bất kể là sống giàu sang hay là nghèo hèn, nếu giàu sang thì làm tấm gương tốt của giàu sang, nếu nghèo hèn thì làm tấm gương tốt của nghèo hèn. Người nghèo hèn giữ bổn phận, an với phận nghèo vui với đạo, đây chính là bố thí. Người giàu sang làm nên tấm gương tốt của người giàu sang, dùng số tiền của dư trong đời sống của mình đem cứu giúp người nghèo cùng xung quanh, làm tấm gương tốt của người giàu sang, có phước thì hưởng chung với tất cả chúng sanh. Bạn làm chính trị thì vì nhân dân phục vụ, bạn làm thương mại cũng vì nhân dân phục vụ, bạn làm công vẫn là vì nhân dân phục vụ. Chúng ta xuất gia, người xuất gia nghiên cứu thấu triệt kinh giáo Phật Pháp, giảng giải tường tận cho tất cả chúng sanh, cũng là vì nhân dân phục vụ. Giúp mọi người phá mê khai ngộ, giúp mọi người nâng cao mức sống của mình, người xuất gia cũng là vì nhân dân phục vụ. Toàn bộ Phật Pháp không có gì khác, nói tổng quy kết đến cuối cùng là vì tất cả chúng sanh phục vụ mà thôi. Bản thân chúng ta phát tâm vì chúng sanh phục vụ, và khuyên bảo hướng dẫn tất cả chúng sanh cũng phải vì chúng sanh phục vụ, thật sự có thể hy sinh bản thân, quên mình vì người, người này bèn gọi là Bồ Tát, niệm niệm luôn nhớ nghĩ chúng sanh, luôn nhớ nghĩ đến toàn bộ xã hội, nhớ nghĩ đến tất cả nhân dân, không có nghĩ đến mình, gia đình mình. Mình và gia đình mình là một phần tử trong đoàn thể này. Cả đoàn thể tốt, thì mình đâu có lý nào không tốt được? Cho nên họ có phước báo lớn như vậy, phước báo này nó đến là có lý do của nó, chúng ta hiểu rõ rồi. Đoạn kinh văn này dưới đây, bạn có thể mở rộng tâm lượng phục vụ ra nữa thì phước báo của bạn sẽ càng lớn.

  “Cánh năng ư tháp miếu tiền phát hồi hướng tâm.”

  (Nếu lại ở trước chùa tháp có thể phát tâm đem công đức cúng dường bố thí đó mà hồi hướng về đạo vô thượng chánh giác.)

  Sao gọi là tâm hồi hướng? Chúng ta ngày nay phục vụ, về mặt sự là một khu vực, hoặc là nhỏ hơn nữa là một đoàn thể, hiệp hội, một khu vực, mở rộng ra nữa là một quốc gia, ngày nay nói là một thế giới, đây là chúng ta có thể làm được ở trên sự, phía trước đã nói rồi. Tâm hồi hướng, tuy sự chúng ta chưa đạt được, nhưng tâm nguyện của chúng ta đã đạt được rồi. Tâm nguyện phục vụ của chúng ta là tận hư không khắp pháp giới, không giới hạn ở địa cầu này. Nói lời này có phải nói suông không? Không nói suông, thật sự có tâm nguyện, thế thì không phải nói suông. Đáng tiếc hiện nay chúng ta không có năng lực này, đến ngày nào đắc thần thông rồi, biến hóa bay đi tự tại, chúng ta thật sự là rất vui lòng giúp tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới. Là giống như chư Phật Bồ Tát vậy, tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp ở trong tận hư không khắp pháp giới, đây là tâm hồi hướng. Tâm lượng của bạn mở rộng rồi, khi tâm lượng này mở rộng thì quả báo của bạn không phải chỉ làm thân vua Chuyển Luân trong một trăm nghìn đời, mà còn hơn thế nữa.

  “Như thị quốc vương nãi cập chư nhân tận thành Phật đạo, dĩ thử quả báo vô lượng vô biên.”

  (Được như vậy thời vị Quốc Vương đó cho đến tất cả mọi người đều sẽ thành Phật cả, bởi quả báo ấy rộng lớn vô lượng vô biên.)

  Tại sao vừa hồi hướng liền thành Phật vậy? Vì tâm hồi hướng này là tâm Phật. Tâm là tâm Phật thì sao không thể thành Phật đạo được? Đương nhiên là thành Phật. Cái tâm ở phía trước đó không phải là tâm Phật, đó là tâm người. Ở trong bốn loại từ bi đó là chúng sanh duyên từ bi, cho nên quả báo của họ là thân vua Chuyển Luân. Khi phát nguyện hồi hướng như vậy, thì tâm này là tâm Phật, cái từ bi này là đại từ đại bi, không có điều kiện. “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi.” Cho nên chắc chắn thành Phật đạo. Bất kể là phát tâm dẫn đầu khuyên bảo mọi người, hoặc là cùng nhau làm, đều trọn thành Phật đạo. Trọn thành Phật đạo, quý vị phải biết, những người này đều phát tâm hồi hướng, họ mới có thể thành Phật đạo. Ở trong đây nhiều người như vậy, nếu như có một số người không thể phát tâm lớn được như thế này, thì họ vẫn không thể thành Phật đạo được. Người thật sự phát tâm lớn thành Phật rồi, quả báo thành Phật mới là cứu cánh viên mãn. Ở trên quả vị Phật, cần dùng thân vua Chuyển Luân mà được độ, thì họ liền thị hiện làm vua Chuyển Luân. Cần dùng thân vua Trời mà được độ, họ liền thị hiện làm vua Trời. Bạn thấy tự tại biết bao! Không có cái tâm lượng lớn này, tuy tu phước báo lớn như vậy, làm thân vua Chuyển Luân. Thân vua Chuyển Luân vẫn là không tự tại, họ không thể tùy ý đi làm vua Trời được, họ cũng không thể tùy ý đi làm Quỷ Vương được, họ không thể tùy theo ý muốn của mình. Nếu như thành Phật, thành Bồ Tát là tùy theo ý muốn của mình, bất kỳ thân phận nào cũng có thể thị hiện được. Hơn nữa thị hiện vẫn không chỉ là thị hiện một thân, cùng lúc, cùng một nơi có thể thị hiện vô lượng thân, thị hiện đủ loại thân phận khác nhau. Khả năng này chỉ có ở trên quả vị Phật và đại Bồ Tát mới có thể làm được. Cho nên phát nguyện hồi hướng là rất quan trọng. Thế Tôn ở trong “Kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ” nói cho chúng ta biết tâm Bồ-Đề. Tâm chí thành là thể, bản thể của tâm Bồ-Đề. Tất cả pháp đều lưu xuất ra từ trong cái tâm này, đều được xây dựng nên từ trong cái tâm này. Nếu tâm người chân thành, chân thành đến cực điểm, không những không có tâm tư lợi, mà ngay cả một cái vọng tưởng cũng không có, đây là nói thể, bản thể. Có thể thì đương nhiên có dụng. Trong dụng lại chia thành hai loại; một cái là tự thọ dụng, một cái là tha thọ dụng. Lời nói này nếu dùng cách nói hiện đại để nói là bạn dùng tâm như thế nào đối với mình? Dùng tâm như thế nào đối với người khác? Đối với mình là tự thọ dụng, đối với người khác là tha thọ dụng. Đức Phật dạy chúng ta, đối với mình là tâm sâu lắng. Tâm sâu lắng là thích thiện, mến đức. Mình thích tu thiện tích đức, đây là đối với mình. Đối với người khác là phát nguyện hồi hướng, phát tâm hồi hướng. Phát nguyện hồi hướng là đại từ đại bi, phát nguyện hồi hướng tức là phát nguyện vì tất cả chúng sanh phục vụ. Bất luận là vào lúc nào, bất luận là ở trong hoàn cảnh nào, cũng toàn tâm toàn lực phục vụ cho đại chúng, việc phục vụ này hoàn toàn là thiện nguyện, không mong cầu đền đáp gì cả. Người thế gian phục vụ là mong được đền đáp, còn Phật Bồ Tát phục vụ thì không mong đền đáp, toàn bộ là dâng hiến. Hiện nay gọi là thiện nguyện, hoàn toàn là thiện nguyện. Nếu như có cái quan niệm thiện nguyện này, như thế vẫn không phải Phật Bồ Tát. Tại sao vậy? Tâm yêu thương đó của họ vẫn còn thấp hơn một cấp, đó là pháp duyên từ, chứ không phải đại từ đại bi. Đại từ đại bi thì ngay cả cái ý nghĩ thiện nguyện này cũng không có. Công việc họ làm là công việc thiện nguyện thật sự, nhưng tuyệt đối không có cái ý nghĩ thiện nguyện này, đây mới là Phật Bồ Tát đích thực.

  “Dĩ thử quả báo, vô lượng vô biên.”

  (Bởi quả báo ấy rộng lớn vô lượng vô biên.)

  Pháp sư Thanh Liên ở trong chú giải, cũng trích dẫn một số câu chuyện. Chuyện này quý vị hãy tự xem, sau khi bạn nghe tôi kể, thì có thể hiểu được câu chuyện này, vậy thì chúng ta không cần nói nhiều nữa. Mời xem kinh văn dưới đây, kinh văn dưới đây là đoạn thứ tư của bố thí, phước báo có được khi “Thí lão, bệnh, sản phụ” (Bố thí cho người già, bệnh tật và sản phụ).

  “Phục thứ”

  (Lại nữa)

  Trong kinh thêm vào chữ “Phục thứ”, tức là khởi đầu cho một sự việc khác. Đức Phật ở chỗ này đã dạy cho chúng ta đủ loại bố thí, đây là loại thứ tư. Ngài nói:

  “Phục thứ, Địa Tạng! Vị lai thế trung, hữu chư quốc vương cập Bà-La-Môn đẳng.”

  (Lại vầy nữa, này Địa-Tạng Bồ Tát! Trong đời sau, như có vị Quốc Vương hay hàng Bà La Môn.)

  Câu này là nói người hay bố thí. Có nhiều người phát tâm bố thí như vậy, thân phận, địa vị, phước báo của họ đều khác nhau, nhưng đều có thể phát tâm tu bố thí. Phước mà bố thí nhận được hoàn toàn xem tâm thái của người bố thí, chứ tuyệt đối không phải ở địa vị của họ cao hay thấp. Được phước báo lớn hay nhỏ thì không liên quan gì với địa vị cao hay thấp của họ, và cũng không liên quan gì đến tài lực, vật lực của họ. Nó chỉ quan hệ ở sự phát tâm của họ, tâm của họ có chân thành hay không, có viên mãn hay không, có thật sự hết lòng hết sức hay không? Phước báo lớn hay nhỏ là phải xét từ chỗ này. Có thể thấy tu vô lượng vô biên phước báo, mỗi người chúng ta đều có phần, mỗi người đều có thể làm được cả. Dưới đây là đối tượng bố thí của họ.

  “Kiến chư lão bệnh cập sanh sản phụ nữ, nhược nhất niệm gian cụ đại từ tâm.”

  (Gặp những người già yếu tật bịnh và kẻ phụ nữ sanh đẻ, nếu trong khoảng chừng một niệm sanh lòng từ lớn.)

  Mấu chốt là ở chỗ “Đại từ tâm”. Đại từ tâm là tâm Phật, tâm thái của pháp thân đại sĩ, đây không phải người bình thường, là không có điều kiện, nhìn thấy là nhất định giúp ngay.

  “Bố thí y dược, ẩm thực, ngọa cụ sử lịnh an lạc.”

  (Đem thuốc men, cơm nước, giường chiếu bố thí, làm cho những kẻ ấy được an vui.)

  Thấy họ gặp khổ nạn, lập tức liền ra tay giúp đỡ họ. Hiện nay xã hội này có rất nhiều người già, người bệnh rất đáng thương, không có người chăm sóc. Tại sao toàn bộ xã hội lại biến ra tình trạng này? Do sai lầm của chính sách giáo dục. Giáo dục hiện nay đều là giáo dục theo chủ nghĩa thực dụng, khác với thời xưa của chúng ta. Nền giáo dục thời xưa là nền giáo dục đạo đức, nền giáo dục nhân nghĩa, tôn trọng đạo, đức, nhân, nghĩa. Nền giáo dục hiện nay là nền giáo dục thực dụng, là nền giáo dục lợi hại. Có lợi cho tôi là bạn bè, không có lợi cho tôi thì là kẻ địch. Bạn nói vậy thì nguy hiểm biết bao? Nếu xã hội này trên dưới đều tranh lợi với nhau, Mạnh Tử nói quốc gia này sẽ gặp nguy hiểm. Mối nguy hiểm này là nói rõ sẽ có tai nạn lớn sắp xảy ra, hoặc là thiên tai, hoặc là nhân họa, đều do do nghiệp cảm của chúng sanh tạo nên, mọi người tạo nghiệp bất thiện. Cho nên cổ thánh tiên vương thời cổ đại, tại sao người đời sau tôn kính họ? Tại sao sùng bái họ? Vì họ có trí tuệ. Họ lập nên chính quyền giáo hóa chúng sanh, dạy chúng sanh đạo, đức, nhân, nghĩa, lễ. Sáng đạo, tu đức, hành nhân, trọn nghĩa, giữ lễ, nên xã hội này ổn định, nhân dân an lạc, biết hỗ trợ hợp tác, chung sống hòa thuận. Đây là đế vương vì nhân dân phục vụ, đã làm nên tấm gương rất tốt cho đại chúng xã hội. Ngày nay xã hội thực dụng, mỗi người chỉ tìm cầu lợi ích cho bản thân mình, chẳng quan tâm đến gia đình, thật sự là vong ơn bội nghĩa. Cha mẹ nuôi dưỡng bạn khó nhọc cỡ nào, đến khi cha mẹ tuổi già, không cần nữa, vứt bỏ, cho rằng hiếu dưỡng cha mẹ là gánh nặng, họ không muốn gánh vác cái gánh nặng này, từ bỏ, cha mẹ sống hay chết không có liên quan với mình. Cha mẹ bị bệnh không có người chăm sóc, cha mẹ tuổi già từ bỏ, cũng không có người chăm sóc. Hiện nay ở nước ngoài có chế độ phúc lợi cho người già, quốc gia đứng ra nuôi người già, quốc gia phải có tài lực này mới được. Sự nghiệp phúc lợi xã hội là do người Mỹ đề xướng trước nhất. Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, thì tiềm lực nước Mỹ là giàu mạnh nhất nên họ khởi xướng chế độ này. Rất nhiều quốc gia dân tộc trên thế giới đều noi theo. Hiện nay xuất hiện tệ nạn rồi, quốc gia gánh vác quá nặng, làm cho tài chánh quốc gia sụp đổ. Nhưng có ai dám hủy bỏ chế độ này hay không? Không ai dám cả. Quốc gia đó là xã hội dân chủ, nếu như bạn muốn hủy bỏ chế độ này, thì nhân dân sẽ không bỏ phiếu cho bạn, bạn sẽ không trúng cử. Vì lá phiếu bầu cử, nên họ vẫn phải cố chịu đựng duy trì chế độ này. Hiện nay nước Mỹ gánh nợ, hầu như mỗi người trên thế giới đều biết, bốn đời cũng không trả hết. Nó vốn dĩ là nước chủ nợ, hiện nay biến thành nước gánh nợ. Đây đều là do chính sách sai lầm. Cho nên chính phủ Singapore rất thông minh, họ nhìn thấy xu thế bệnh của xã hội này. Singapore có phúc lợi xã hội hay không? Có. Nguồn phúc lợi chủ yếu của xã hội là do sự tích trữ của nhân dân. Họ ở đây gọi là “Công Tích Kim” (Tiền tích trữ chung) Đây là chính phủ ép bạn phải tích trữ. Nguồn tích trữ này là để dự phòng khi bạn bị bệnh và tuổi già, bạn có thể tự mình nuôi sống chính mình. Thật sự có khó khăn đi nữa, thì chính phủ sẽ hỗ trợ thêm một chút. Chế độ này hay! Nước ngoài bởi vì có chế độ phúc lợi xã hội, cho nên nhân dân không có quan niệm tích trữ, già rồi không lo, có nhà nước nuôi. Thu nhập mỗi tháng, họ đều tiêu hết sạch sẽ, đa số còn lạm chi, tạo nên hiện tượng thiếu nợ phổ biến.

  Trong nền giáo dục cổ xưa của Trung Quốc, thiếu nợ là điều sỉ nhục. Sao bạn có thể sống trong nợ nần được? Trong ngạn ngữ thường nói: “Không nợ nhẹ cả người”. Đời sống sống nghèo khó không sợ, không thiếu nợ, đời sống không có áp lực, họ sống thoải mái biết bao. Nhưng ở nước ngoài những quốc gia tiên tiến, hầu như không có ai mà không thiếu nợ. Áp lực đời sống rất lớn, xã hội như vậy, tôi sống ở bên đó hơn hai chục năm, tôi nhìn thấy rất khó chịu. Con người sống ở thế gian để làm gì? Để trả nợ. Bạn nói đáng thương biết bao! Bi ai biết bao! Mỗi ngày nỗ lực làm việc là để trả nợ, trả nợ ngân hàng, vay tiền ngân hàng. Nhà cửa, đất đai của bạn là do vay ngân hàng mà có, xe bạn lái ra đường cũng do vay ngân hàng mà có, tất cả mọi thiết bị điện trong nhà đều là do vay ngân hàng mà có, vay công ty bảo hiểm mà có. Tiền mỗi tháng kiếm được trước tiên phải trả ngân hàng, trả cho công ty bảo hiểm, còn thừa lại một chút xíu dành chi phí cho sinh hoạt. Tôi ở nước Mỹ, đại đa số người Mỹ có thể nói là thu nhập rất khá, mỗi tháng có thể thu nhập đến ba nghìn đô la. Ba nghìn đô này họ phải đóng thuế, phải trả vay ngân hàng, phải trả cho công ty bảo hiểm. Trên thực tế ba nghìn này sau khi trả xong, đại khái có thể còn lại khoảng tám trăm đô. Cho nên thu nhập ba nghìn, trên thực tế họ chỉ có thể cầm được tám trăm đô. Tám trăm đô chi dùng cho sinh hoạt, là cao hơn quá nhiều so với Trung Quốc chúng ta rồi, nhưng chỉ đủ cho họ sống một tháng một cách rất miễn cưỡng. Người Trung Quốc hay hơn người nước ngoài, người Trung Quốc biết tiết kiệm. Mỗi tháng họ có thể dành dụm được hai trăm đồng là giỏi lắm rồi! Là rất hiếm có rồi. Cho nên thu nhập ba nghìn, nếu họ thật sự có thể dành dụm thì cũng chỉ dành dụm được hai trăm đồng mà thôi. Họ sống đời sống gì vậy? Người già rồi, tài chánh mỗi bang của nước Mỹ là độc lập, nước Mỹ là nước liên bang, mỗi bang là giống như một nước nhỏ vậy, cũng có rất nhiều luật lệ độc lập, nhưng nó không trái lại hiến pháp liên bang. Bởi vì của cải của mỗi bang khác nhau, cho nên phúc lợi xã hội cũng khác nhau. Như tiểu bang Cali là tương đối giàu có, người già của bang Cali mỗi tháng có thể lãnh được năm trăm đô tiền dưỡng lão. Năm trăm đồng có thể sống được một tháng, mà không có vấn đề gì. Tôi ở tiểu bang Texas, hoàn cảnh kinh tế của Texas kém hơn Cali, cho nên tiền dưỡng lão của Texas chỉ được hơn ba trăm đồng. Mức sống ở Texas cũng hơi thấp hơn Cali một chút, đây là quốc gia dưỡng lão. Sau khi người già về hưu, đời sống vật chất có thể gượng gạo sống được, nhưng đời sống tinh thần thì đau khổ, thật sự là ngồi ăn chờ chết. Mỗi ngày sau khi ăn no thì đi tắm nắng, không có ai nói chuyện với họ. Chúng tôi đến viếng thăm viện dưỡng lão, người già nhìn thấy chúng tôi đều thích nói chuyện, họ cảm thấy an ủi khi có người nói chuyện với họ. Sở dĩ chúng tôi nhìn thấy hiện tượng thê thảm khi tuổi về chiều, vậy mới khiến chúng tôi nảy sinh ý tưởng phải xây dựng làng Di Đà, giúp họ giải quyết nỗi khổ nạn của họ, cho họ đời sống tinh thần. Có một số viện dưỡng lão làm rất tốt, mỗi tuần có tổ chức một lần có tính chất giống như vui chơi vậy, trong đó cũng có biểu diễn, cũng có ca hát, khiêu vũ. Những người nào vậy? Đều do người già tự tổ chức, tự mình làm. Người tuổi tác còn hơi trẻ một chút, thể lực còn tốt, họ đứng ra biểu diễn. Người tuổi tác cao, có rất nhiều động tác không thuận tiện phải ngồi xe lăn, những người này ngồi xung quanh sân khấu làm khán giả, vậy coi như là khá rồi. Nhưng chúng tôi cảm thấy như vậy là chưa đủ, chúng ta cần có người trẻ tuổi, thường xuyên vào trong đây để diễn xuất. Đặc biệt là khuyến khích những em học sinh trẻ tuổi, những em nhỏ thường xuyên vào trong làng Di Đà để biểu diễn, để cho người già với những người trẻ có thể thường xuyên gặp mặt nhau, thường xuyên tiếp xúc với nhau, khiến cho họ được an ủi về mặt tịnh thần. Trên thế giới có rất nhiều đoàn ca múa, các đoàn xiết tạp kỹ của Trung Quốc có trình độ biểu diễn cao, chúng ta có thể mời họ, có thể đến Làng Di Đà để biểu diễn. Cho nên làng Di Đà không phải chỉ đơn thuần niệm Phật, bên trong còn có rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Chúng tôi hy vọng có thể giúp người già, trải qua khoảng thời gian sống này của họ được cảm thấy hạnh phúc nhất. Chúng ta là hướng theo mục tiêu này mà làm, vì người già, vì người bệnh phục vụ. Trong kinh nhắc đến phụ nữ sinh đẻ. Hiện nay y học phát triển, chăm sóc phụ nữ sinh đẻ, đã không cần chúng ta lo lắng nữa rồi. Thời cổ đại phụ nữ sinh đẻ vô cùng đau khổ, không có người chăm sóc. Cho nên lúc sinh đẻ là lúc quan hệ đến mạng sống, là lúc cần có người giúp đỡ. Hiện nay trừ khi là những khu vực rất lạc hậu, những khu vực chưa phát triển. Những quốc gia đã phát triển hoặc là đang phát triển, về mặt đại thể là đều không có vấn đề. Đức Phật ở đây khuyên chúng ta đối với những người khổ nạn này, những chúng sanh cấp bách cần sự giúp đỡ này, cần bố thí thuốc men chữa trị, đồ ăn uống, giường chiếu, những thứ họ cần cấp bách. Bạn cần chăm sóc cho được những thứ đó. Mục đích là “Sử lệnh an lạc” (Làm cho họ được an vui), khiến cho họ được thân tâm bình an, lìa khổ được vui.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *