Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 98/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 98/195 (53A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học xin chào mọi người.

Đây là đoạn thứ bốn mươi mốt. Kinh văn chỉ có hai câu:

“Mạn kỳ tiên sinh, bạn kỳ sở sự”. (Khinh rẻ thầy dạy, phản bội người mình phải phụng sự.)

Đây là một số ví dụ nói về đại ác ở trong ác hạnh mà Thái Thượng nêu ra cho chúng ta.

“Tiên sinh” chính là ngày nay chúng ta gọi là thầy giáo. Ở trong chú giải này đều là dùng lời của cổ nhân nói. “Truyền đạo, truyền nghề và hóa giải những điều còn mê hoặc”. Nhà Phật thường nói, sinh mạng chúng ta có được là từ cha mẹ, huệ mạng của chúng ta có được là từ thầy. Phật Bồ-tát là thầy của chúng ta. Sinh mạng đem so sánh với huệ mạng thì huệ mạng phải quan trọng hơn sinh mạng. Nếu như người có huệ mạng thì người này đời đời kiếp kiếp chắc chắn không đọa ba đường ác, không những không đọa ba đường ác, mà nhất định còn có thể vượt thoát luân hồi, vượt khỏi mười pháp giới. Từ đó cho thấy, huệ mạng quan trọng hơn sinh mạng.

Ân đức của Phật Bồ-tát cao hơn cha mẹ. Đạo lý này chúng ta nhất định phải biết. Nhưng mà hiện nay ở thế gian này, vị thầy có thể thật sự khiến chúng ta có được huệ mạng thì hầu như không nhìn thấy nữa. Đây cũng là sự thật. Nhà Phật thường nói: “Ở trong cửa Phật không bỏ một ai”, nhưng tại sao chúng ta ngày nay phát tâm cầu pháp thân huệ mạng, Phật Bồ-tát không đến giúp chúng ta vậy? Chúng ta học Phật lâu như vậy rồi, đối với Kinh giáo cũng đã đọc qua chút ít, chúng ta có thể khẳng định lời của Phật Bồ-tát là lời chân thật, chắc chắn không phải vọng ngữ, hay nói cách khác, chắc chắn các Ngài sẽ không bỏ chúng ta, vấn đề là tâm cầu đạo của chúng ta là thật hay là giả. Nếu như tâm cầu đạo của chúng ta không chân thành tha thiết thì Phật Bồ-tát sẽ không đến, vì đến cũng không có ý nghĩa gì. Nếu như chúng ta thật sự khẩn thiết, thật tâm cầu thì chắc chắn có cảm ứng. Từ đó cho thấy, chúng ta cầu pháp tu hành, ở trong đời này có thể thành tựu hay không, thành tựu sớm hay muộn đều chính mình tự quyết định, không phải người khác quyết định cho chúng ta. Bản thân chúng ta có tâm chân thành, có tâm thanh tịnh, cần mẫn y giáo phụng hành thì Phật Bồ-tát sẽ đến ngay. Các Ngài có phương tiện thiện xảo bất khả tư nghì đang gia trì chúng ta. Nếu như bạn có một mảy may không thành thật, không thật thà thì chắc chắn không có cảm ứng. Tâm của người ngày nay chiêu cảm đều là yêu ma quỷ quái. Tại sao lại có hiện tượng này vậy? Ở trong tâm có tham sân si mạn, ở trong tâm có tà tư tà kiến. Tà với tà cảm ứng với nhau, chân cảm ứng với chân, đây là đạo lý nhất định.

Hiện nay bản thân chúng ta không biết cách tu học như thế nào. Tâm thành này không phát ra được, cha mẹ cũng không biết, thậm chí là hiện nay thầy cô cũng không biết. Đây là hiện tượng vô cùng đáng buồn. Khi tôi còn nhỏ, có lẽ là lúc bảy tuổi (ấn tượng này tôi nhớ rất rõ ràng), ngày đầu tiên đến trường tư thục (trường tư thục này ở trong một ngôi từ đường). Tôi còn nhớ, phụ thân tôi dắt theo tôi, còn chuẩn bị lễ vật để đến cúng dường thầy. Bước vào từ đường, nhìn thấy thầy, trước tiên dâng lễ vật lên, phụ thân tôi ở phía trước, tôi ở phía sau, bên trong có một cái lễ đường, ngay chính giữa lễ đường có thờ bài vị của Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Khổng Lão Phu Tử. Chúng tôi hướng về bài vị của Khổng Lão Phu Tử hành lễ tam quỳ cửu khấu. Phụ thân tôi ở trước, tôi bái lạy theo phía sau. Sau khi bái lạy xong, mời thầy ngồi ngay chính giữa, phụ thân tôi ở phía trước, tôi ở phía sau, cũng là hành lễ tam quỳ cửu khấu với thầy. Tôi có ấn tượng rất sâu sắc. Phụ huynh đem con em gửi gắm cho thầy, mời thầy quản lý giáo dục nghiêm khắc. Nghi lễ long trọng như vậy, cha mẹ phải lạy thầy, nếu như thầy không quản lý giáo dục học trò nghiêm túc, các bạn thử nghĩ, làm sao xứng đáng với cha mẹ của người ta? Sự tôn trọng như vậy hiện nay không còn nữa, không có người hiểu được rồi.

Năm xưa, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung đã lập ra một lớp “Nghiên Cứu Nội Điển”, học trò có tám người, thầy có sáu người, tôi cũng là một trong số đó. Chủ nhiệm của lớp này là lão sư Lý. Ngày khai giảng hôm đó, lão sư Lý mời năm vị thầy chúng tôi ngồi lên (năm người chúng tôi đều là học trò của thầy). Thầy dẫn theo học trò, thầy ở phía trước, tám học trò ở phía sau đảnh lễ ba lạy với chúng tôi. Lão sư Lý nói: “Tôi xin thay mặt cho phụ huynh học sinh”. Có lẽ chúng tôi đời này chỉ có gặp được một lần, không gặp lần thứ hai, không có việc này lần thứ hai nữa. Thầy làm đại biểu cho phụ huynh học sinh, dẫn đầu tám học sinh. Năm người chúng tôi ngồi ở trên, tiếp nhận thầy đảnh lễ ba lạy, nếu chúng tôi không nghiêm túc chỉ dạy những học sinh này, chúng tôi sẽ có lỗi với thầy. Người hiện nay đâu có hiểu đạo lý này! Không những chúng ta không nhìn thấy, ngay cả nghe cũng không nghe thấy. Cho nên vào thời xưa, thầy trò như cha con, thật sự còn thân hơn cha con; con cái của thầy với bản thân chúng tôi giống như anh em vậy, cả đời đều quan tâm lẫn nhau. Người làm thầy tuy rất vất vả, người có học đều rất bần hàn, nhưng mà họ vô cùng an ủi. Học trò được dạy tốt rồi, tương lai học trò có thể hơn người bình thường, đời con đời cháu của họ đều sẽ có người quan tâm, họ không có nỗi lo lắng về sau.

Người thời xưa có đạo nghĩa, hiện nay thì không còn nữa. Hiện nay chúng ta thấy kết cấu xã hội, kết cấu giữa người với người đều là lợi hại. Có lợi là bạn bè, là thân thuộc; khi không có lợi thì chính là oan gia, là đối đầu, bạn nói xem, đây là xã hội gì vậy? Từ những chỗ này chúng ta thật sự thể hội được tầm quan trọng của giáo dục Thánh Hiền. Mất đi giáo dục Thánh Hiền, đó đúng như lời Phu Tử nói, người so với cầm thú có khác gì đâu? Người cũng là động vật, so với động vật bình thường khác biệt ở chỗ nào vậy? Chính là người biết được đạo nghĩa, có thể biết được “đạo đức, nhân, nghĩa, lễ”, còn những động vật khác thì không biết. Người tại sao biết được “đạo đức, nhân, nghĩa, lễ” vậy? Do thầy dạy, cho nên đối với thầy sao có thể khinh mạn được?

“Mạn kỳ tiên sinh”. Nói lời thành thật, thầy đều là người có học, đều là người rõ lý, đối với những danh vọng lợi dưỡng xem rất tầm thường, cũng không mong người cung kính. Sự cung kính của học trò đối với thầy là kính điều gì vậy? Là kính cái học của mình. Đạo lý là ở chỗ này. Thầy dạy học trò, quan tâm đối với học trò thật sự là có khác nhau, đây là nguyên nhân gì vậy? Thầy quan sát học trò, thấy học trò này có một phần cung kính thì dạy một phần, có hai phần cung kính thì dạy hai phần. Nguyên nhân gì vậy? Quyết không phải mức độ cung kính đối với thầy nhiều hay ít, mà thầy quan sát thấy bạn có thể tiếp nhận được bao nhiêu. Ấn Tổ nói ở trong “Văn Sao”: “Một phần thành kính thì được một phần lợi ích”, nếu dạy bạn hai phần, vậy đã dư một phần rồi, là lãng phí rồi. Ví như cái ly chỉ chứa được chừng này, chỉ có lớn cỡ này, đem đổ đầy nước thì chỉ có thể đổ được cỡ này, nhiều hơn nữa là tràn ra ngoài rồi. Bạn có mười phần thành kính thì dung lượng này của bạn lớn rồi, đổ nhiều cho bạn một chút. Một phần thành kính, sức chứa nhỏ, đành phải cho bạn chút xíu thôi. Đạo lý là như vậy. Không phải thầy thích bạn, bạn cung kính thấy, nịnh hót thầy thì thầy sẽ dạy bạn, mà là xem bạn có thể tiếp nhận được bao nhiêu. Bạn có mười phần thành kính, thầy dạy bạn chín phần là có lỗi với bạn. Bạn có một phần thành kính, dạy bạn hai phần là nhiều quá, bạn tiếp nhận không nổi. Đạo lý chính là như vậy. Nếu như thầy vì ham muốn người ta cung kính thầy, vậy thầy là phàm phu, đâu phải là Thánh nhân. Cho nên, sự thành kính thật sự là thể hiện rõ cái tâm ham học, cái tâm ưa thích tiếp nhận, cái tâm y giáo phụng hành của chúng ta. Khi thầy giáo nhìn thấy, họ không thể không dạy bạn.

Trước đây, tôi có ba vị thầy. Vào thời đó, đời sống của tôi vô cùng thanh bần, nói lời thành thật, một xu cúng dường cũng không có. Tôi học với thầy Phương. Thầy Phương đặc biệt trích ra thời gian để dạy tôi, tôi không có đóng một xu học phí nào. Ba năm theo học với Đại Sư Chương Gia, tôi cũng không có một xu cúng dường Đại Sư Chương Gia. Điều này thầy biết, thầy hiểu rõ hoàn cảnh của tôi. Có khi thời gian nói chuyện lâu rồi, qua 12 giờ, thầy còn giữ tôi lại dùng cơm. Mười năm theo học với lão sư Lý, lão sư Lý thường hay cúng dường tôi, quan tâm tôi, tôi chưa hề chăm sóc cho thầy. Học trò của thầy nhiều, thầy nhận cúng dường nhiều. Thầy cho tôi thức ăn và thường hay tặng áo quần cho tôi. Tôi chưa từng đóng một xu học phí nào đối với cả ba vị thầy, nhưng được thầy đặc biệt quan tâm, đó là nguyên nhân gì vậy? Chính là thái độ thành khẩn, thật sự muốn học. Chúng ta phải biết, ba vị thầy này đều là Đại đức rất có danh tiếng, học trò rất nhiều, nhưng không có người nào được trọng đãi giống như tôi. Không phải có người đã dạy tôi, không ai dạy tôi, là từ nhỏ tôi đã chịu khổ nạn quá nhiều, gặp phải kháng chiến, thời gian tám năm sống quá vất vả, hằng ngày phải lánh nạn, bị người Nhật Bản truy đuổi ở phía sau. Suốt tám năm kháng chiến, tôi đã đi bộ qua mười tỉnh ở Giang Nam. Tôi có ấn tượng vô cùng sâu sắc, tôi là người từng trải. Vào thời đó không có phương tiện giao thông, phương tiện giao thông tốt nhất chính là thuyền bè, gặp nơi có sông ngòi mới có thuyền, nơi không có sông ngòi thì đi bộ. Tôi đã chịu khổ nạn quá nhiều, quá nhiều rồi. Tôi không có cơ hội đến trường để học, cho nên tâm cầu học của tôi vô cùng tha thiết, khi gặp được cơ hội này thì nhất định không chịu bỏ qua. Đời sống của người hiện nay giàu có hơn quá nhiều, quá nhiều so với tôi thời đó. Khi cuộc sống dễ dàng thì tâm cầu học sẽ mờ nhạt, học hay không học cũng không hề gì. Cho nên chúng tôi tôn sư trọng đạo, hầu như là phát xuất từ tự nhiên, phát xuất từ thiên tánh.

Trong tiểu chú có mấy câu rất hay. “Cha mẹ sanh ra thân ta, ắt phải nhờ thầy thành tựu học vấn cho ta”. Ý nghĩa hai chữ “ắt phải” này hay, ý nói là nhất định phải có thầy thành tựu pháp thân huệ mạng của ta.

“Vì thế, thầy được tôn trọng giống như vua và cha”. Nhân dân vào thời xưa, không ai mà không tôn trọng đế vương, tôn trọng người lãnh đạo quốc gia. Hiện nay bởi do loại bỏ giáo dục Thánh Hiền, cho nên tâm tôn kính đó đối với người lãnh đạo cũng không còn nữa. Thật đáng tiếc!

“Người hiện thời mời thầy dạy con, phần nhiều thường là biểu hiện lễ tiết theo hình thức”. Quyển sách này được viết vào cuối năm triều Thanh, đã chịu sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Nói thực ra, văn hóa phương Tây truyền vào Trung Quốc, đã đem truyền thống cổ xưa của Trung Quốc phá bỏ hết rồi, cho nên dân tộc quốc gia này hơn 100 năm trở lại đây, khoảng gần 200 năm, phải chịu khổ đau mà bất kỳ một dân tộc quốc gia nào trên thế giới cũng không hề có. Chúng ta cũng không thể trách người khác, mà phải trách mình vô tri, trách mình mê tín, mê tín văn minh vật chất phương Tây, đem của báu của mình vứt bỏ mất rồi. Điểm này chúng ta vĩnh viễn không bằng Nhật Bản. Người Nhật Bản thông minh hơn chúng ta, họ biết truyền thống Trung Quốc có giá trị, cho nên họ vĩnh viễn bảo lưu. Khoa học kỹ thuật phương Tây họ cũng cần phải học, họ coi trọng như nhau, cho nên quốc gia nhỏ như vậy mà lại lớn mạnh như thế. Chúng ta hoàn toàn quên mất cái của mình rồi, chỉ nhìn thấy cái của người khác hay. Cho rằng cái của mình quá cũ, quá xưa, không hợp thời đại, muốn vứt bỏ hoàn toàn. Tại sao người Nhật Bản không chịu bỏ? Đây là điều mà chúng ta không bằng Nhật Bản, đây là hiện tượng của cuối triều Thanh.

Mời thầy dạy con em nhưng tâm không đủ chân thành.

“Tiếc tiền, thiếu lễ”, cúng dường đối với thầy vô cùng ít ỏi, lễ nghi không còn chân thành như xưa.

“Thậm chí ăn nói chẳng nhũn nhặn, thiếu hẳn lễ độ theo lẽ thường, ôm lòng coi thường thầy”, xem thường, không coi trọng thầy. Gia cảnh thầy thanh bần, phần lớn đời sống vô cùng thanh bần. Ở đây nói những người này tầm nhìn nông cạn, không có khác gì so với cầm thú. Nhưng mà người làm thầy thì tuyệt đối không thể vì phụ huynh học sinh đối đãi với bạn không có lễ phép, coi khinh bạn thì bạn không chịu dạy nghiêm túc, vậy thì sai rồi, bạn không phải là một người có học. Bạn vẫn phải dạy nghiêm túc, làm tròn trách nhiệm bổn phận của bản thân bạn thì bạn là người có đạo đức, là người thật sự rõ lý. Nếu như ham muốn sự cúng dường của phụ huynh học sinh, cúng dường nhiều thì hết lòng dạy học sinh nhiều, cúng dường ít thì đối với học sinh cũng không thật hết lòng, vậy người thầy này không phải là thầy tốt, vị thầy này tương lai cũng phải gánh trách nhiệm nhân quả. Mỗi người có nhân quả của riêng họ. Vì thế, chúng ta thật sự hiểu được đạo lý nhân quả báo ứng, chỉ cần làm tròn bổn phận của mình, đem bổn phận của mình làm cho tận thiện tận mĩ, toàn tâm toàn lực mà làm, quả báo tốt nhất định ở phía sau. Tích lũy công đức, người đọc sách, dạy học, ở trong việc dạy học mà tích lũy công đức.