THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 8/195 (4B – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học, xin mời xem câu thứ hai của Cảm Ứng Thiên”: “Thiện báo, ác báo, như bóng theo hình”. Bốn câu mở đầu là tổng cương lĩnh của toàn văn. Phần văn tự sau đó là nói rõ bốn câu này. Hai câu đầu của tổng cương là “Họa và phước chẳng có cửa nẻo [nhất định], chỉ do con người tự chuốc lấy”, đây là nói nguyên lý của cảm ứng. Hai câu tiếp theo là “Thiện báo, ác báo, như bóng theo hình”, đây là nói rõ chân tướng sự thật của báo ứng. Trong bốn câu này có lý có sự. Hư không pháp giới, y chánh trang nghiêm là quả báo cảm ứng lớn. Một thế giới, một xã hội là một báo ứng nhân quả nhỏ. Còn nói đến một người, một gia đình thì đó là nghiệp nhân quả báo nhỏ nhất. Tất cả kinh Phật nói cũng không rời khỏi nguyên lý này. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Ngũ châu nhân quả”, kinh Pháp Hoa nói: “Nhất thừa nhân quả”. Do đây có thể biết, thế xuất thế pháp chính là nhân duyên quả báo rõ ràng. Cho nên nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”.
Ngày hôm qua, chúng ta nói đến chuyện Vệ Trọng Đạt đời nhà Tống. Trên thực tế là lấy ông để làm ví dụ, có một người nào, một chúng sanh nào mà không là như vậy. Cả đời chúng ta đã tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, đặc biệt là người hiện nay. Người thời xưa cũng tạo nghiệp, cứ lấy Vệ Trọng Đạt ra mà nói, ông đã tạo ác nghiệp quá nhiều, thế nhưng đem so với chúng ta hiện nay thì ông tạo nghiệp vẫn còn ít. Ác nghiệp mà người hiện nay đã tạo, so với ông thì ít nhất phải gấp trăm, ngàn lần. Nguyên nhân gì vậy? Người thời xưa từ nhỏ đã được giáo dục của Thánh Hiền, cho nên tất cả ác nghiệp mà Vệ Trọng Đạt đã tạo là ác nghiệp trong ý niệm, chưa trở thành hành vi ác, ý niệm ác tuy có, nhưng không dám làm việc ác. Vì sao họ không dám làm? Do họ được giáo huấn của Thánh Hiền. Người hiện nay không những có ác niệm mà còn dám làm, tội nghiệp lớn nhất là bất hiếu với cha mẹ, hủy nhục Tam Bảo. Chúng ta tự mình nghĩ xem có làm sự việc này hay không? Cả đời chúng ta khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác, tự mình nghĩ xem có xứng đáng với cha mẹ hay không? Có xứng đáng với Tam Bảo hay không? Tội nghiệp này thật quá mức, huống hồ còn có những tội nghiệp khác.
Trong kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay: “Tiên nhân vô tri (người đời trước không biết)”, hay nói cách khác, cũng không thể quá trách cứ họ. Người chánh nhân quân tử có thể lượng thứ một chút cho những người tạo tác tội nghiệp, thế nhưng quỷ thần sẽ không lượng thứ cho bạn. Phật Bồ-tát có thể lượng thứ cho bạn, nhưng quỷ thần thì không lượng thứ cho bạn. “Làm thiện hay ác sớm muộn cũng đều có báo ứng”, vấn đề chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi.
Đạo lý quả báo của sự việc này rất sâu, sự cũng rất phức tạp. Chúng ta không thể chỉ thấy những việc trước mắt. Đối với việc trước mắt, phải có trí tuệ chân thật thì bạn mới có thể thấy ra được, phàm phu thì làm sao có thể thấy được việc trước mắt. Người khác cố tình tạo tác, ta phải xem kết cuộc của họ, sau đó bạn mới thật sự hiểu được quả báo như bóng theo hình.
Nhà Phật nói có ba loại quả báo. Loại thứ nhất là “Hiện báo”. Phàm là quả báo thì đều có nhân có duyên, hợp thành nhân duyên quả báo. Nhân là đời quá khứ đã tạo, hiện tại gặp được cơ duyên, liền khiến cho những nghiệp nhân ở trong A-lại-da thức bị kéo ra, thế là biến thành quả báo hiện tiền. Quả báo thiện nhất định có chủng tử thiện, chủng tử là nhân, gặp được thiện duyên. Duyên có hai loại gọi là thuận cảnh tăng thượng duyên và nghịch cảnh tăng thượng duyên. Thuận nghịch tăng thượng duyên đều có quả báo rất tốt. Đó là vì sao? Vì có nhân tốt, trong A-lại-da thức có nhân thiện, có chủng tử thiện. Nếu trong A-lại-da thức của ta có nhân ác, chủng tử ác thì dù có gặp được thiện duyên cũng sẽ biến thành việc ác, cũng sẽ có quả báo ác hiện tiền.
Những chân tướng sự thật này, chúng ta chỉ cần bình lặng quan sát thì sẽ thấy rất rõ ràng tường tận. Những gì trong đời tôi đã gặp, những vị đồng tu theo tôi nhiều năm đều có thể thấy được rất rõ ràng. Những duyên mà tôi đã gặp có cả thiện duyên và ác duyên. Thiện duyên là tôi gặp được những vị lão sư tốt, như tiên sinh Phương Đông Mỹ tiếp dẫn tôi vào cửa Phật; Đại sư Chương Gia đặt định nền móng cho tôi; lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thành tựu cho tôi. Đây là thiện duyên thiện nhân. Về sau, trong quá trình hoằng pháp của tôi, đạo tràng mà tôi xuất gia đã không tiếp nhận tôi nữa, tôi bị đuổi đi, đây là ác duyên. Quý vị thử suy nghĩ quả báo về sau là tốt hay không tốt? Là quả báo tốt! Vì nếu tôi không bị đuổi đi thì đời này của tôi không thể thành tựu, nguyên nhân là gì? Thành tựu là phải dày công khổ luyện ở trên giảng đài. Đạo tràng đó cho dù đối với tôi có tốt hơn đi nữa, họ cũng không chịu để cho tôi giảng kinh, tôi không có cơ hội lên giảng đài. Cho nên, tuy có ác duyên này mà quả báo về sau tốt.
Sau đó tôi gặp được Hàn Quán Trưởng. Cả một đời bà trong suốt ba mươi năm đã giúp tôi thành tựu, cho tôi cơ hội giảng kinh. Bà hoàn toàn nắm giữ quyền quản lý đạo tràng. Có rất nhiều người xuất gia tại gia đã nói với tôi là Hàn Quán Trưởng đoạt quyền. Tôi chỉ cười nói: “Có người quản việc, không phải tốt hơn sao? Tôi không cần phải bận tâm lo lắng”. Phần đông người nhìn thấy đều cho rằng đây là nghịch duyên, nói sao mà tôi lại gặp phải một người như vậy? Đối với tôi mà nói thì đó là thiện duyên, vì bà đã thành tựu cho tôi. Bà ấy thì việc gì cũng đều muốn, tôi thì việc gì cũng đều giao cho bà, vì vậy tham sân si của tôi đoạn dứt rồi. Cho nên, nhân thiện của ta gặp phải duyên ác thì quả báo vẫn là thiện. Tôi có được thành tựu như ngày nay, người khác nói là bà không tốt, còn tôi thì cảm tạ đại ân đại đức của bà. Đây là điều mà phàm phu thế gian không nhìn thấy được.
Việc xây dựng đạo tràng là dùng danh nghĩa của bà. Sau khi bà vãng sanh thì con trai của bà thừa kế tài sản của đạo tràng. Chúng tôi không còn cách nào, toàn bộ đành phải rời đi. Quả báo này là tốt hay không tốt vậy? Tốt! Tôi vô cùng cảm kích Cao Quí Dân, vì sao vậy? Nếu như Cao Quí Dân tiếp tục giống như mẹ của ông mà hộ trì tôi, các vị thử nghĩ xem, tôi lớn tuổi rồi, sẽ phải vất vả. Sau khi Hàn Quán Trưởng vãng sanh, tôi phân phối thời gian là ở Mỹ ba tháng, ở Đài Loan ba tháng, ở Úc châu ba tháng, ở Singapore ba tháng. Đi đi lại lại khoảng cách xa như vậy thì rất là vất vả. Khi ông ấy thu lại toàn bộ, chúng tôi thảy đều rời khỏi. Cho nên tôi không cần đi Đài Loan nữa; tôi cũng có thể không đi Mỹ, không cần chịu khổ cực nhiều đến như vậy. Tâm tôi định ở Singapore, nên tôi có thể giảng được bộ kinh lớn như vậy, tôi làm sao mà không cảm kích ông ấy? Tôi không cần phải vất vả bôn ba, hoàn toàn định lại.
Ở nơi này tôi làm khách, không làm chủ. Người làm chủ nơi này là cư sĩ Lý Mộc Nguyên. Mọi thứ tôi đều không cần phải lo, tôi chỉ chuyên tâm dạy học, giảng kinh. Tôi vẫn là không quản ba việc: “Không quản người, không quản việc, không quản tiền”. Tất cả những phong bì cúng dường, tôi đều không xem, toàn bộ đem đến thôn Di Đà, một xu tôi cũng không lấy. Các vị nghĩ xem, tôi tự tại đến mức nào? Tôi làm sao không cảm kích Cao Quí Dân cho được?
Chỉ người thật sự có trí huệ mới có thể nhìn thấy được rõ ràng nghiệp nhân quả báo. Quan trọng nhất vẫn là cái tâm của bạn. Tâm là nhân, bên ngoài là duyên. Tâm của bạn tốt, nhân tốt, dù gặp phải ác duyên, về sau kết quả vẫn là tốt. Trồng nhân thiện được quả thiện, tạo nhân ác nhất định có ác báo. Đạo lý này, trong quyển sách này đã hiển thị rất rõ ràng, minh bạch. Tóm lại, quả báo có “Hiện báo”. Hiện báo là nhân của bạn mạnh và duyên cũng thù thắng.
Loại thứ hai gọi là “Sanh báo”. Sanh báo là trong đời này không thấy được quả báo, mà quả báo là ở đời sau. Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều loại sự việc này ở thế gian, có thiện báo, có ác báo, dường như chẳng phải là cái nhân của đời này. Con người này là người thiện, người tốt, thế nhưng quả báo của họ không tốt, đời sống nghèo khó; còn người kia là người ác, lại đại phú, đại quý. Điều này chúng ta phải nên biết, nhân phú quý của họ là do trồng từ đời trước, đến đời này thì đã chín muồi. Nghiệp tội mà họ đã tạo trong đời này sẽ nhận quả báo ở đời sau. Quả báo thông ba đời.
Loại thứ ba gọi là “Hậu báo”. Từ đời thứ ba về sau, không nhất định là đời nào, có khi là cách xa nhiều đời, khi nhân duyên hội đủ thì quả báo sẽ hiện tiền. Hiểu rõ đạo lý này thì khởi tâm động niệm của chúng ta phải “thuần”, tâm địa phải “hậu”. Người có tâm nhân hậu thì nhất định có hậu phước; người có tâm địa bạc ác thì nhất định có hung tai. Chúng ta phải hiểu đạo lý chân tướng sự thật này.
Trong chú giải có một đoạn nói: “Tạo tác thiện thiện, ác ác, báo ứng như bóng theo hình”. “Như bóng theo hình” là tỉ dụ. Hình là thân thể chúng ta. Thân thể ở dưới ánh sáng thì có cái bóng. Bóng thì nhất định đi theo thân hình của ta, không thể tách rời, ý nói báo ứng cũng là như vậy. Cho nên nhất thiết không nên hiểu lầm, tạo ác mà không thấy quả báo ác, thế là liền mất đi tín tâm. Người xưa nói, người tạo tội ác hiện tại không bị quả báo, là do phước báo đời trước của họ chưa hưởng hết, họ đang hưởng thụ phước báo của đời trước. Khi phước báo đời trước hưởng hết rồi, tội ác chất chồng thì quả báo của họ liền hiện tiền. Cùng một đạo lý này, tâm thiện, hành thiện mà không thấy phước báo hiện tiền, thậm chí còn nhìn thấy chính bản thân họ, gia đình họ vẫn gặp phải rất nhiều hung tai, rất nhiều người nhìn thấy hiện tượng này thì không còn tin việc nhân quả báo ứng nữa. Họ không hiểu được những hung tai ngày nay phải chịu chính là dư báo của ác báo trong đời quá khứ. Đợi đến khi dư báo của ác báo này thọ hết rồi thì phước liền hiện tiền, gọi là “thiện quả viên thành”. Thiện tâm, thiện hạnh của chúng ta quyết không suy thoái. Bất luận ở trong bất cứ nghịch cảnh, nghịch duyên nào, tín tâm của ta vẫn kiên định, thiện hạnh của ta không thoái chuyển thì chúng ta chân thật có phước báo.
Ngày trước, khi chúng tôi cầu học ở Đài Trung, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy chúng tôi học sách Ngũ Chủng Di Quy do Trần Hoằng Mưu biên soạn. Trong Ngũ Chủng Di Quy có một chương là Tâm Tướng Thiên của Trần Hy Di, lão sư đặc biệt chú trọng. Ngài bảo chúng tôi phải đọc cho kỹ, suy nghĩ tường tận, nỗ lực phụng hành, sửa đổi. Người chân thật tu hành thì hằng ngày phải kiểm điểm lỗi lầm của chính mình, bạn mỗi ngày có thể phát hiện được lỗi lầm, điều này trong nhà Phật gọi là khai ngộ. Bạn khai ngộ rồi. Mỗi ngày bạn có thể sửa đổi lại những lỗi lầm, đây gọi là chân thật tu hành, đây là công phu chân thật, phước báo về sau vô lượng vô biên. Sửa lỗi nhất định phải sửa từ nơi tâm. Tâm là gốc của họa phước. Một niệm thiện là gốc của phước, một niệm ác là gốc của họa, cho nên “Họa và phước chẳng có cửa nẻo [nhất định], chỉ do con người tự chuốc lấy”. Thời trước, ở nhà có cha mẹ dạy, đi học có thầy dạy. Thực tế mà nói, chúng sanh đời này rất là bất hạnh vì không có người dạy. Tầm tuổi của tôi thì còn tiếp xúc được một chút duyên, lúc nhỏ thì cha mẹ dạy, khi đi học thì thầy dạy, tiếp xúc được một chút duyên. Khi đến Đài Loan, tôi còn tiếp xúc được một chút đạo lý sư thừa, đây thật sự là rất may mắn, trong Phật pháp gọi là “trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu”.
Tôi thân cận lão sư, rất nhiều người khác cũng thân cận lão sư, học trò của tiên sinh Phương Đông Mỹ rất nhiều, học trò của Đại sư Chương Gia cũng rất nhiều, học trò của Ngài Lý Bỉnh Nam cũng rất nhiều, nhưng vì sao thành tựu không giống nhau? Tôi đã từng nói với các vị, là do hiếu học. Nếu bạn hiếu học, bạn gặp được những thiện tri thức này thì bạn sẽ có thành tựu. Nếu bạn không hiếu học thì có gặp được thiện tri thức cũng như không. Hiếu học là cái nhân của chính mình, gặp được những đại thiện tri thức này là thiện duyên. Cho nên, quan trọng nhất vẫn là nhân hạnh của chính mình. Nhân hạnh này là do nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ tích lũy tu tạo mà thành, không phải là nhân hạnh trong đời này.
Cho nên chúng tôi gặp được lão sư tốt, học trò của lão sư rất nhiều nhưng chân thật có thành tựu thì không nhiều, đạo lý là ở chỗ này. Duyên giống nhau nhưng nhân không giống nhau, nên quả báo cũng không như nhau. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật thì liền biết được tự mình phải nên tu học như thế nào. Ngày nay, các vị đều biết được thế gian sẽ có tai nạn. Không chỉ là tiên tri cổ xưa của Đông, Tây phương đã nói như vậy, mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Từ chỗ nào nhìn ra được? Từ nhân tâm. Trong sách cổ Trung Quốc đã nói rất nhiều, nhân tâm nhân hậu, thành thật thì xã hội an định, nhân dân có phước. Nếu như người thế gian đều tràn đầy ngờ vực, hiềm nghi, tham-sân-si-mạn, thị phi nhân ngã thì xã hội này không thể an định, thế giới này không thể thái bình. Nếu muốn cứu vãn kiếp nạn này, thực tế mà nói, hai bộ sách Liễu Phàm Tứ Huấn và Cảm Ứng Thiên rất có hiệu quả. Chúng ta mỗi ngày đọc tụng, thọ trì, y giáo phụng hành, lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, ta nhất định có thể làm Phật. Cho nên, các vị đồng tu yêu cầu tôi giảng hai bộ sách này, tôi cũng rất hoan hỷ. Hiện nay giảng hai bộ này là khế hợp thời cơ nhất, nhà Phật gọi là khế cơ, khế lý.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng tôi chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật!