THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 74/195 (39A – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học, xin chào mọi người.
Hôm qua đã giảng đến đoạn thứ 30 của Cảm Ứng Thiên:
“Thọ nhục bất oán” (Bị nhục chẳng oán).
Sự việc này là rất khó làm, thế nhưng cần phải làm được, vì sao vậy? Vì có quan hệ lợi hại mật thiết rất lớn đối với chúng ta. Thông thường người thế gian, có người nào ở trong một đời mà không phải gặp rất nhiều những sự việc ân oán hay không? Phật pháp nói với chúng ta về tám khổ, oán tắng hội, ái biệt ly, đây là những việc mà xưa nay trong nước ngoài nước không thể không khiến người cảm thán. Hai sự việc này đều không phải là chúng ta muốn gặp, thế nhưng ở trong một đời vẫn phải gặp, mọi lúc đều gặp phải, mọi nơi đều gặp phải. Nguyên nhân là gì? Nguyên nhân chính là không thể nhẫn nhục, từ oán nhỏ kết thành thâm cừu đại hận. Trong đoạn mở đầu của Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn, Văn Xương Đế Quân nói rõ, ông ngày trước, những sự việc báo ân báo oán này vô cùng thê thảm, nếu không gặp được Phật pháp thì rất khó giác ngộ, rất khó quay đầu, đây là chân thật si mê, nên ông mới tạo ra những ác nghiệp này.
Phật Bồ-tát, Thánh Hiền nhân dạy bảo chúng ta chắc chắn có đạo lý, chắc chắn có chỗ tốt, có lợi ích. Các Ngài dạy chúng ta: “Thường nhớ đến chỗ tốt của người khác, không nên nhớ đến cái xấu của người. Thường nhớ cái ân của người khác, không nên nhớ oán của người”. Hai câu nói này rất quan trọng, nếu bạn có thể chân thật làm được thì đời đời kiếp kiếp hưởng phước, đời đời kiếp kiếp sẽ gặp được rất nhiều người kính yêu giúp đỡ. Thế nhưng vẫn có rất nhiều người không thể nhẫn.
Tôi xin nói qua một vài thí dụ. Ngày trước khi tôi đi học, tôi có thể nhẫn nhục. Sự nhẫn nhục này của tôi là học được từ lúc còn là học sinh trong trường học, do một bạn học của tôi dạy cho tôi. Sau thời kỳ kháng chiến, tôi đi học ở Nam Kinh, tôi có một người bạn học cùng lớp. Tên của người này tôi nhớ rất sâu sắc, anh ấy đã dạy tôi nhẫn nhục. Anh tên là Bạch Chấn Ninh. Không biết hiện nay người này còn sống không. Con người này có tu dưỡng, tôi rất bội phục đối với anh ấy. Khi còn trẻ, ở trong trường học tôi rất hiếu thắng, cũng thật sự được thầy cô yêu thương, bạn bè tôn kính, hiện tại gọi là lãnh tụ học sinh. Người bạn học họ Bạch này, tôi xem thường anh ấy nhất, lúc nào cũng làm cho anh ấy mất mặt, sỉ nhục anh ấy, nhưng anh ấy không chút tức giận. Việc này rất khó làm được, hơn nữa ở sau lưng tôi, anh ấy còn tán thán tôi, chưa từng nói xấu tôi một câu nào. Sau khi hết một học kỳ, tôi bị anh ấy làm cảm động, anh đã dùng thân giáo dạy tôi, điều này thật khó làm được. Cho nên tôi đã học được cái bản lĩnh này.
Sau khi học được rồi, tôi đích thực có được thọ dụng rất lớn, bất cứ ở trong trường hợp nào, người ta vô lễ, làm nhục tôi ngay trước mặt, mắng tôi, hủy báng tôi, tôi cảm thấy như không có việc gì, tôi không nói một câu nào, bạn muốn mắng, tôi để bạn mắng, mắng mệt rồi thì bạn sẽ không mắng nữa. Bạn muốn đánh, tôi liền để cho bạn đánh, quyết không đánh lại, bạn đánh mệt rồi thì bạn sẽ không đánh nữa. Tôi học được bản lĩnh này. Thế nhưng người bạn họ Bạch này của tôi, phải một học kỳ, đại khái là bốn đến năm tháng, tôi mới bị anh ấy làm cảm động, cho nên tôi là một con người rất khó cảm hóa. Khi đồng sự của tôi đánh tôi, mắng tôi, không quá ba ngày sau, họ giác ngộ đặc biệt nhanh, sau ba ngày liền mua lễ vật đến thăm tôi và xin lỗi với tôi, nói là họ sai rồi. Tôi nói: “Anh không hề sai!”. Họ lợi hại hơn tôi, không đến một tuần lễ, họ liền bị cảm động, liền quay đầu. Kỳ thật, họ đối với tôi như vậy có gì không tốt không? Chỗ tốt thật quá lớn, kết quả kiểm tra của tôi xếp hạng nhất chính là nhờ có họ giúp đỡ. Cho nên bạn có thể nhẫn, không chỉ không bị thiệt thòi mà còn được phần lợi ích lớn. Bạn phục vụ ở trong công ty xí nghiệp, giám đốc, ông chủ cảm thấy bạn có tu dưỡng thì sẽ tán thưởng bạn, đồng nghiệp tôn trọng bạn, cơ hội thăng tiến của bạn đều xếp ở thứ nhất, ai giúp bạn vậy? Những người mắng bạn, những người đánh bạn, những người làm nhục bạn sẽ giúp đỡ rất lớn. Nếu bạn không thể nhẫn, bạn muốn tranh, bạn muốn cãi vả thì sẽ tạo thành sự tổn hại rất lớn đối với bạn. Đây là sự thật trước mắt, lợi hại trước mắt, có mấy người có thể nhận biết?
“Chịu nhục không oán” nhà Phật gọi là hoa báo, còn quả báo thì càng thù thắng. Hoa báo là ngay đời này, quả báo là ở đời sau, oan gia đối đầu của bạn đều hóa giải rồi, đều biến thành bạn bè, đều biến thành lực lượng nhiệt tâm giúp đỡ bạn; bất luận bạn làm bất cứ việc gì, bạn đều dễ dàng thành tựu. Cho nên Phật Bồ-tát thường dạy bảo chúng ta, thà bỏ thân mạng cũng không kết oán thù với người.
Sinh mạng không đáng kể gì, tất cả chúng sanh đều không thể tránh được việc xả thân và thọ thân, đây là việc nhỏ, cho nên nói “sanh tử” là việc nhỏ, “tử sanh” là việc lớn. Hai chữ này đảo ngược lại, ý nghĩa không như nhau. Sanh tử là sự việc của ngay đời này, là việc nhỏ. Sau khi chết rồi bạn sẽ sanh vào cõi nào, đây mới là việc lớn. Cái thân này chết rồi thì biến thành súc sanh, biến thành ngạ quỷ, đọa địa ngục, bạn nói xem, việc này có lớn hay không? Cái thân thể này chết rồi được làm Phật, được làm Bồ-tát, được sanh thiên. Cho nên sau khi chết rồi đi về đâu, đây là việc lớn. Sự việc này có mấy người hiểu được chứ? có mấy người tin tưởng?
Xã hội thời xưa, đại đa số mọi người đều tin tưởng [việc này], vì nhận qua giáo dục của Thánh Hiền. Người hiện nay tin tưởng thì càng ngày càng ít. Thế nhưng chỉ cần người có đầu óc bình lặng, tư duy cẩn thận thì những người này vẫn sẽ tin tưởng. Hiện tại, người học khoa học nhiều, mê tín khoa học. Khoa học đòi phải lấy chứng cứ, không có chứng cứ thì không tin. Cho nên lúc trước lão sư Lý giảng Kinh, nhắc đến sự việc này thầy liền nêu ra một thí dụ rất vui, thầy nói: “Anh có cha, anh tin là có hay không? Anh thấy qua rồi. Ông nội của anh, anh có tin là có hay không? Tin, vì anh cũng đã thấy qua. Ông cố nội của anh, anh có tin là có hay không? Ông cố nội thì chưa nhìn thấy qua, chưa thấy qua thì là không có, vậy thì không tin là có rồi. Điều này là phù hợp với khoa học mà.” Những sự thật chưa nhìn thấy được trong thế gian thì rất nhiều, những sự việc chưa được chứng minh cũng có rất nhiều. Hai trăm năm trước, bạn nói địa cầu này là hình tròn, không có chứng cứ, ai chịu tin chứ? Đến sau này khoa học kỹ thuật phát triển, đã chứng minh rồi, nói rõ chân tướng sự thật. Tình trạng của sáu cõi luân hồi, hiện tại khoa học kỹ thuật vẫn chưa thể đạt đến, đợi khoa học kỹ thuật phát triển hơn, đích thực chứng minh được rồi, lúc đó xem bạn sẽ nói thế nào? Cho nên nhất định không thể nói, tôi không chính mắt thấy được thì tôi không tin. Loại lòng tin này, chân thật gọi là mê tín. Người thông minh có thể suy lý.
Tôi nghĩ, có rất nhiều đồng tu đều có kinh nghiệm, chúng ta lần đầu tiên đi đến một nơi xa lạ, đột nhiên cảm thấy nơi đó rất quen thuộc, dường như trước đây đã đi qua, thậm chí những kiến trúc trên đường đều có thể phán đoán ra được, đi đến chỗ nào có những kiến trúc gì, thật sự là chỉ mới đi đến đây lần đầu, trước đó chưa đi qua. Chúng ta thường hay ra bên ngoài du lịch, nhìn thấy những nơi phong cảnh xinh đẹp, đột nhiên có cái ý niệm là nơi này dường như đã đi qua rồi, nhưng không phải trong đời này. Nếu không phải trong đời quá khứ đã đến nơi đó rồi thì làm gì có thể có loại tình huống này. Tôi nói đến sự việc này, ngày trước ở Dallas – Hoa Kỳ, có một vị cư sĩ tên là Thái Văn Hùng, ông chính là từ chỗ này mà tin tưởng con người có đời quá khứ. Khi tôi nhắc nhở ông, ông nói với tôi một sự việc, ông nói đích thực lần đầu tiên ông đến San Francisco, khi lái xe bị lạc đường, đi đến một thị trấn nhỏ, đột nhiên cảm thấy cái trấn nhỏ này rất quen thuộc, ông chỉ dẫn cho người lái xe, nên lái đi như thế nào, có công trình kiến trúc gì, quả nhiên không sai, đích thực là ông ấy lần đầu tiên đến trấn nhỏ đó, cho nên ông cảm thấy rất là khó hiểu, tại vì sao có thể có tình huống này? Tôi nói với ông ấy, San Francisco ngày trước là nơi đãi vàng, đại khái ông là công nhân đãi vàng, ông đã ở trong cái trấn nhỏ này, sau khi ông chết rồi lần này đầu thai đến đây. Ông nghĩ lại thấy “rất có đạo lý!”. Cư sĩ Thái Văn Hùng các vị đều quen biết ông ấy. Cho nên mọi người ngồi lại với nhau, nghĩ lại những việc chính mình gặp được trong quá trình đi đây đi đó. Nếu như không có đời quá khứ thì làm sao có thể có hiện tượng này? Vài người cùng nhau ngồi trên xe, khi đến cái trấn nhỏ đó, tại vì sao ông có mà người khác không có? Vì trong đời quá khứ đã ở qua nơi đó rồi.
Ở Hoa Kỳ rất thịnh hành thuật thôi miên, dùng cách thức thôi miên để người này nói ra đời trước của họ. Đời trước có người từ cõi người đầu thai đến, có người từ cõi súc sanh đầu thai đến, còn có người không phải là sinh vật của địa cầu này đến nơi đây để đầu thai. Loại sự việc này, ở Hoa Kỳ đã có mấy vạn trường hợp rồi; có một số thông qua truyền thông đưa tin, báo cáo cũng có đến một, hai ngàn sự việc; có một số trường hợp chúng ta cũng đã thấy được, cho nên họ tin tưởng nhà Phật nói về sáu cõi luân hồi. Biết được có sáu cõi luân hồi, vậy chúng ta liền nghĩ đến đời sau phải làm sao.
Thời gian đời này rất ngắn ngủi, cho dù sống trên 100 năm, chân thật chẳng qua là một cái khảy móng tay mà thôi. Tôi sống đến hơn 70 tuổi rồi, sự việc của 5-6 tuổi, tôi vẫn còn nhớ, cũng giống như chuyện mới ngày hôm qua vậy. Cho nên nghĩ lại, nhân sanh có ý nghĩa gì chứ? Tại vì sao phải tạo ác nghiệp? Tại vì sao phải gây khó dễ với người khác làm chi? Phải nên suy nghĩ nhiều, nên đối xử tốt với người, nhất định không nên kết ác duyên với người. Người ta dùng ác ý đối đãi chúng ta, chúng ta nhất định phải hồi đầu phản tỉnh, không nên chỉ nhớ đến việc làm sai của họ, không hề thấy. Họ dùng ác ý đối với ta, tại sao họ không dùng ác ý đối với người khác? Cho nên chính mình bình lặng mà suy nghĩ, tâm mà có thể bình lặng lại, bình lặng liền sanh trí tuệ. Không phải do chính mình làm không tốt, thì cũng là lời nói đã nói sai, nên đã vô ý đắc tội với người. Người khác có thái độ không tốt đối với ta, ta phải cảm thấy đó là việc đúng, ta đã tạo nhân bất thiện thì đáng phải nhận lấy quả báo này. Mọi việc nếu đều đẩy về phía đối phương, đều trách móc người khác thì đây là lỗi lầm cực lớn, cho dù trong đời này không kết oán với người, nhưng ở đời trước bạn đã kết oán với người ta. Chúng ta là người học Phật, đều tin tưởng có đời sau, có đời trước. Cái oán này chúng ta chấp nhận, chắc chắn không có tâm muốn báo thù thì cái nợ này đến đây là kết thúc rồi.
Nhẫn nhường là quan trọng hơn bất cứ thứ gì, đặc biệt là việc nhỏ, những việc vụn vặt không đáng kể thì càng không nên tính toán, bị nhục to lớn còn không tính toán huống hồ là việc nhỏ. Nhất định phải dùng trí huệ, phải dùng từ bi để hóa giải. Con người không có chuyện không thể cảm hóa. Không thể cảm hóa người là do công phu đức hạnh của chính chúng ta chưa đủ, trí huệ của chúng ta không đủ. Trong lịch sử Trung Quốc, các vị đều biết Nghiêu Thuấn, Vũ Thang, các đại Thánh nhân thời xưa. Vua Thuấn, bạn thấy gia cảnh của ông, cha và mẹ kế của ông, em trai do mẹ kế của ông sanh ra, tình cảnh trong gia đình của ông tồi tệ đến cùng tột, thế mà ông có thể nhẫn, sở trường lớn nhất của ông chính là không thấy lỗi lầm của người khác, chỉ nhìn thấy lỗi lầm của chính mình. Ông có thể trở thành đại Thánh, nguyên nhân chính ngay chỗ này. Ông có thể làm cảm động cha mẹ của ông, có thể làm cảm động bà con hàng xóm của ông, sau cùng làm cảm động quốc vương. Vua Nghiêu nghe được sự việc như vậy, triệu kiến ông, đem ngôi vua nhường cho ông, đem hai người con gái gả cho ông, ông kế vị ngôi vua. Ở Trung Quốc có 24 gương hiếu hạnh, ông xếp ở hàng thứ nhất. Vì sao ông có năng lực lớn đến như vậy? Không gì khác, chính là chính mình phản tỉnh, tất cả lỗi lầm quy về chính mình, tất cả thiện lợi quy về người khác. Việc này chúng ta phải học tập. Đại sư Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay: “Nếu là người chân chánh tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Ai làm được điều này? Vua Thuấn làm được rồi, các vị nghĩ xem có đúng không? Đại sư Lục Tổ Huệ Năng bản thân Ngài làm được rồi. Chúng ta xem thấy ở trong Đàn Kinh, Đại sư Ngài đối nhân xử thế tiếp vật thật là khiêm tốn, một chút thái độ ngã mạn cũng không hề có. Chúng ta muốn học Phật, từ chỗ nào mà học? Những người này đều là tấm gương cho chúng ta, mà điều này quan trọng hơn tất cả những điều giáo huấn.
Chúng ta đọc qua Kinh Kim Cang, Phật dạy Bồ-tát tu học sáu cương lĩnh, trong đó đã nói rất nhiều về bố thí và nhẫn nhục, nói cách khác, Phật rất xem trọng đối với hai điều cương lĩnh này. Bố thí là dạy bạn buông xả, nhẫn nhục là then chốt của thành bại. Bạn có thể nhẫn thì bạn có thành tựu, không thể nhẫn thì bạn không thể có thành tựu, cho nên nói “nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn“. Nhất thiết pháp này là bao gồm thế gian pháp, xuất thế gian pháp. Thế xuất thế gian pháp có thể có thành tựu hay không then chốt là ở “nhẫn nại”. Đại nhẫn thì có đại thành tựu, tiểu nhẫn thì có tiểu thành tựu, không nhẫn thì không thể thành tựu. Sự việc này, chúng ta phải suy nghĩ nhiều.
Xưa nay trong ngoài nước, người lãnh đạo có địa vị, họ muốn chọn người làm trợ thủ, tuyển chọn cán bộ thì nhẫn nại là điều kiện vô cùng quan trọng. Người có tài hoa, thế nhưng không có lòng nhẫn nại cũng không ích gì, thông minh đến đâu cũng không thể gánh vác trọng trách. Người mà tài hoa kém khuyết một chút, thế nhưng họ có thể nhẫn nhục thì con người này có thể gánh vác trọng trách, tài hoa kém khuyết một chút không sao cả, tìm một số người có tài năng để cho họ tham mưu, để giúp đỡ họ thì họ có thể thành tựu. Người có thể nhẫn nại, đầu óc rõ ràng tỉnh táo, không mơ hồ, tâm tư của họ không mê loạn; không mê không loạn thì liền có trí huệ, liền có thể quyết đoán; nghe thêm một số ý kiến của người khác, họ liền biết được ý kiến nào, tương lai sẽ có được hậu quả như thế nào, họ có thể chọn lựa, họ sẽ làm người quyết định sau cùng. Những thí dụ này rất nhiều.
Cho nên, câu giáo huấn này chúng ta phải đặc biệt xem trọng, hy vọng các đồng tu phải nhớ lấy. Nhớ cái thiện của người, không nhớ cái xấu ác của người, thành tựu đại đức đại hạnh của chúng ta. Nhớ cái ân của người, không nhớ cái oán của người. Người ta có oán đối với ta, có bất thiện, một mực xóa sạch hết, quyết không nhớ ở trong lòng. Cái thiện của người thì ta phải ghi nhớ, ân đức của người khác đối với ta thì không thể quên, mà phải tri ân báo ân. Người khác có lỗi lầm, có bất thiện, phải biết là người ta rồi sẽ sửa lỗi, gọi là “lãng tử hồi đầu”. Người xưa dạy chúng ta: “Con người không phải Thánh Hiền, ai mà không có lỗi? Có lỗi mà có thể sửa thì còn gì tốt hơn”. Cho dù họ có xấu, nếu họ chân thật sửa lỗi hướng thiện thì có thể vượt qua chúng ta, chúng ta vẫn không thể sánh được với người ta, vậy làm sao có thể xem thường họ chứ? Chúng ta xem Thánh Hiền thế xuất thế gian, hoài bão của các Ngài quang minh lỗi lạc, các Ngài tu từ chỗ nào vậy? Tu từ chỗ này.
Một người tâm địa thuần thiện, không ác, gặp phải người ác, việc ác, cảnh ác, đều không để ở trong tâm, trong tâm không có. Người thiện, việc thiện, thuận cảnh thường hay để ở trong tâm, bạn nói xem, đời này trải qua một đời sống tốt đẹp cỡ nào. Họ trải qua đời sống thật hạnh phúc. Người mà việc tốt không để ở trong lòng, trong lòng dốc sức ghi nhớ việc xấu thì đời sống của người này thật thống khổ, buổi tối đều mơ thấy ác mộng. Ai tìm đến vậy? Tự làm tự chịu, không phải người khác làm cho họ, kiết hung họa phước ở ngay trong một niệm của chính chúng ta. Một niệm thuần chánh, chúng ta cả đời hạnh phúc, cả đời trải qua tốt đẹp mỹ mãn. Một niệm bất thiện, cả đời sẽ trải qua rất là thống khổ. Trong “Cảm Ứng Thiên” đã nói tường tận tỉ mỉ cho chúng ta những chân tướng sự thật và đạo lý này rồi.