THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 89/195 (48B – bộ 128 đĩa)
Cảm Ứng Thiên đoạn thứ ba mươi bảy nói đến tổng cương của ác báo. “Phi nghĩa nhi động, bội lý nhi hành”, câu nói này chúng tôi đã giảng qua hai lần. Hai chữ “nghĩa lý” vô cùng quan trọng, không chỉ là làm người cần phải hiểu rõ, mà tu hành chứng quả vĩnh viễn không làm trái lại. Có thể nói, nguồn gốc của tất cả thiện pháp thế xuất thế gian là sâu rộng vô tận. Nếu như là “phi nghĩa”, “bội lý”, đây chính là nguồn gốc của các ác. Ở chỗ này Thái Thượng đặc biệt nhắc nhở chúng ta. Ở trong Phật pháp nói, nhận thức hai chữ này càng sâu sắc thì phẩm vị sẽ càng cao. Nhận thức hai chữ này đến cứu cánh viên mãn, chính là quả địa Như Lai. “Nghĩa” là gì, “lý” là gì, chúng ta nhất định phải hiểu rõ ràng.
Bốn câu sau cùng là kết luận của chú giải, rất hay: “Do thấy nghĩa lý chuyên ròng, nhuần nhuyễn; vì thế, vâng giữ, tuân theo, xuất phát tự nhiên”. Hai câu phía trước là sự nhận biết về nghĩa lý. Hai câu sau là sự thực tiễn đối với nghĩa lý, hiện nay gọi là ứng dụng. Cho nên, làm tự nhiên như vậy. Tại sao Phật Bồ-tát, các bậc Thánh Hiền làm được tự nhiên như vậy, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều có thể thuận theo nghĩa lý? Không gì ngoài việc đã nhận thức thấu triệt. Phàm phu chúng ta khởi tâm động niệm trái ngược nghĩa lý, đối với hai chữ này nhận thức không rõ ràng, không đủ thấu triệt. Vấn đề phát sinh là ở chỗ này.
****************
Câu tiếp theo: “Dĩ ác vi năng”. (Coi chuyện làm ác là tài năng)
Chúng ta tuyệt đối không được phép xem thường câu này. Tại sao vậy? Câu này chính là bệnh của bản thân chúng ta. Phạm vi của ác quá lớn, quá rộng. Tiêu chuẩn của Phật pháp đối với thiện ác là khởi tâm động niệm vì mình là ác, khởi tâm động niệm vì người khác là thiện. Tại sao Phật dùng tiêu chuẩn này? Người thế gian nghe thấy thì nghi ngờ, vì có người nào không vì mình đâu? Vì mình mà xem là sai sao? Mỗi người đều cho rằng vì mình là đúng. Đặc biệt là ở trong xã hội hiện nay còn có quyền bí mật đời tư, đâu đâu cũng muốn coi trọng việc làm sao bảo vệ mình không bị người khác làm tổn thương, pháp luật cũng bảo hộ. Tại sao Phật nói đây là ác vậy? Dụng ý tiêu chuẩn của Phật, chúng ta phải hiểu. Tiêu chuẩn của pháp thế gian là không ra khỏi luân hồi, không ra khỏi tam giới. Tiêu chuẩn của Phật pháp là dạy chúng ta dứt sanh tử, thoát luân hồi, ra khỏi tam giới. Nghiệp nhân của tam giới lục đạo chính là chấp ngã. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi thì mới biết Phật đặt ra tiêu chuẩn này là chính xác. Phật đem những nhân tố này quy thành ba loại lớn là vọng tưởng, phân biệt và chấp trước. Chúng ta hiện nay dùng cách nói này để nói mọi người dễ hiểu. Thuật ngữ ở trong Kinh Phật là vô minh, kiến tư, trần sa phiền não. Vô minh chính là vọng tưởng, trần sa chính là phân biệt, kiến tư là chấp trước. Ba loại phiền não này bạn đều có đủ, đây chính là chúng sanh ở lục đạo.
Trong chấp trước, điều nghiêm trọng nhất chính là “ngã”, khởi tâm động niệm đều là “ngã”. “Ngã”, cái chấp trước này là cội nguồn của mọi ác, cho nên ngày nay chúng ta là “dĩ ác vi năng”. Chúng ta thử nghĩ, chúng ta có phải vậy không? Đúng vậy, một chút cũng không sai! Tự cho mình là đúng, tự cho mình là giỏi! Đến khi nào giác ngộ rồi, từ bỏ chấp ngã, không còn chấp trước ngã nữa, không còn chấp trước tự tư tự lợi nữa, khởi tâm động niệm đều có thể vì tất cả chúng sanh, đây là thiện. Cho nên Phật nói, tham sân si là tam độc phiền não. Ngược lại là vô tham, vô sân, vô si, đây là ba thiện căn. Tất cả mọi thiện pháp sinh ra từ vô tham, vô sân, vô si. Phật ở chỗ này mới nói rõ ràng, nói minh bạch, thật sự đã giải quyết vấn đề cho chúng ta rồi. Bản thân chúng ta phải hiểu rõ, phải luôn làm rõ ràng sự việc này. Phật dạy cho các đệ tử, chí ít mỗi ngày phải làm thời khóa sáng tối. Ý nghĩa của thời khóa sáng tối, chúng tôi cũng đã nói rất nhiều lần. Khóa sáng là nhắc nhở bản thân. Khóa tối là phản tỉnh, kiểm điểm, sám hối, sửa chữa lỗi lầm. Mỗi ngày sám hối, mỗi ngày phản tỉnh, mỗi ngày sửa lỗi, đây gọi là chân tu hành, như vậy thì giới-định-huệ tam học của chúng ta mới có thể tăng trưởng. Bạn càng thấu triệt nghĩa lý thì bạn buông xả sẽ càng nhiều.
Người buông xả tự tư tự lợi thì mới gọi là “thỉ giác”, người này bắt đầu giác ngộ rồi. Từ trên nền tảng này phải không ngừng nâng cao lên thêm. Nếu lấy quả vị Bồ-tát Đại Thừa để nói thì thỉ giác là Bồ-tát quả vị sơ tín. Lên trên nữa còn có 42 cấp bậc, vậy mới có thể đạt đến cứu cánh viên mãn. Sau đó bạn mới biết, nhà Phật chúng ta nói thấy đạo. Đạo là gì? Dùng lời chỗ này để nói, “nghĩa lý” chính là đạo. Thấy càng thấu triệt thì phẩm vị của bạn sẽ càng cao. Từ thập tín đến thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đến Đẳng Giác, Diệu Giác viên mãn rồi. Quí vị thử nghĩ xem, đây có phải là điều mà trong Kinh Hoa Nghiêm nói “một tức tất cả, tất cả tức một” không? Một chút cũng không sai!
Chú giải ở chỗ này cũng rất hay. Ông nói, bốn chữ “dĩ ác vi năng chính là cội gốc khiến cho kẻ ác dù lớn hay nhỏ bị mắc bệnh (chuốc lấy phiền não) trong ngàn đời vạn kiếp vậy! Vì thế, xếp điều này đứng đầu các sự ác. Lời này nói rất hay, một chút cũng không sai. Chúng sanh lục đạo, người nào mà không “coi chuyện làm ác là tài năng”? Ai đã giác ngộ? Ai đã quay đầu? Người thời xưa đọc sách Thánh Hiền, đọc sách Phật mới khai ngộ (khai ngộ chính là đối với sự việc này, nhìn chung là sáng tỏ một hai phần). Người hiện đại không đọc sách Thánh Hiền, cũng không coi trọng Phật pháp, gốc bệnh này trước đó đã dưỡng thành thói quen rồi, giống như hút ma túy vậy, họ đã bị nghiện rồi, không có cách gì đoạn dứt. Vào lúc này phải làm thế nào? Phật Bồ-tát từ bi, ngày nay muốn cứu vãn thế đạo nhân tâm (lòng người thói đời), dạy người hiểu rõ nghĩa lý, khuyên dạy người đoạn ác tu thiện, chỉ có dựa vào giáo dục tôn giáo. Giáo dục xã hội đã không nói đến điều này, hình như đã không thể rồi, cho nên giáo dục tôn giáo phải đến bù đắp.
Lần này tôi ở Úc, nghe thấy các đồng tu Úc nói với tôi là chính phủ Úc đã có pháp luật quy định, học sinh đi học ở trường, học sinh tiểu học chỉ cần có vài ba người tin một tôn giáo nào đó thì phụ huynh học sinh có thể yêu cầu nhà trường mời thầy truyền giáo của tôn giáo đó đến dạy cho các em học sinh nhỏ này. Họ hiện nay đã suy nghĩ đến việc này rồi. Giáo dục tôn giáo bắt đầu từ khi nào vậy? Bắt đầu từ lúc mẫu giáo, bắt đầu từ tiểu học. Thật tuyệt vời, họ thật sự giác ngộ rồi! Họ yêu cầu chúng tôi giúp họ biên soạn giáo trình dạy học tôn giáo cho các em nhỏ. Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin này rồi. Hiện nay giáo trình học ở cấp tiểu học của họ là có một cuốn “Truyện ký Phật Thích Ca Mâu Ni” của Đài Loan in, dùng quyển sách giáo khoa này. Giáo trình để dạy các cháu nhỏ mẫu giáo thì phải lấy tranh ảnh làm chủ, chữ càng ít càng tốt. Triển khai giáo dục đối với các học sinh mẫu giáo. Ngày nay ở ngoại quốc, tôi tin Úc chịu sự ảnh hưởng của người Anh, họ đã nghĩ đến rồi. Giáo dục đạo đức phải bắt đầu dạy từ nhỏ. Mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học đều có môn tôn giáo. Bạn tín ngưỡng tôn giáo nào thì có thể mời thầy truyền giáo của tôn giáo ấy đến dạy cho bạn. Đây là điều đáng để chúng ta tôn kính, đáng để chúng ta tán thán, cũng đáng để chúng ta tuyên dương rộng khắp. Cái hay này của người ta, chúng ta phải học tập.
Trung Quốc cũng là quốc gia Phật giáo, nhưng hiện nay vẫn chưa có nghĩ đến việc này. Những quốc gia Cơ Đốc giáo, quốc gia Thiên Chúa giáo, họ đã nghĩ đến vấn đề này. Hơn nữa, tâm lượng của họ lớn, có thể bao dung, bất luận tôn giáo nào, bất kể bạn tin tôn giáo gì, bạn đều có thể yêu cầu nhà trường mời thầy truyền giáo đến dạy, hoàn toàn không hạn chế sỉ số học sinh, vài ba học sinh là có thể yêu cầu nhà trường mời thầy đến dạy. Ví dụ như ở trong trường, có mấy em học sinh ở nhà là người học Phật, thì phụ huynh có thể mời Pháp sư đến dạy cho những học sinh này. Chúng ta nhìn thấy rồi, nghe thấy rồi, điều này đáng được chúng ta phản tỉnh sâu sắc. Thế kỷ sắp tới, sức nước tăng trưởng, sức nước lớn mạnh không phải là do khoa học kỹ thuật, mà do đạo đức. Khoa học kỹ thuật phát triển đến đâu đi nữa, công thương nghiệp phát triển đến đâu đi nữa, mà đạo đức không có, thì giữa người với người, tâm thương yêu không còn nữa, mọi thứ giao thiệp đều lấy lợi hại làm tiêu chuẩn. Giao thiệp có lợi là bạn bè, còn giao thiệp không có lợi là kẻ địch, vậy có nguy không? Xã hội này sao mà không loạn động cho được? Quốc gia này đã tràn đầy nguy cơ. Nguy cơ không phải đến từ bên ngoài, mà là ở nội bộ. Cho nên thế gian có những người trí tuệ cao độ, những chí sĩ nhân từ đã nhìn thấy chỗ nguy cơ của vấn đề này, lấy giáo dục tôn giáo để bù đắp, để bồi dưỡng giáo dục đạo đức.
Trung Quốc thời xưa, Hán Vũ Đế chính thức dùng “tư tưởng Khổng Mạnh” làm phương châm giáo dục cho quốc gia. Chính sách này mãi cho đến thời Mãn Thanh cũng không có thay đổi, đã liên tiếp thực hiện được 2.000 năm. Mãi cho đến thời Dân Quốc, một mực học tập theo phương Tây, đem lời giáo huấn của cổ Thánh tiên Hiền vứt bỏ hết rồi. Chúng ta gần một trăm năm nay gặp phải khổ nạn lớn như vậy. Chúng ta phải biết nguồn gốc của khổ nạn từ đâu mà ra. Chúng ta vứt bỏ cách thức thành công của tổ tiên rồi, cho nên mới gặp nạn. Người Nhật Bản, một quốc gia nhỏ như vậy, nhưng có thể gọi là cường quốc hàng đầu ở trên thế giới là dựa vào điều gì? Dựa vào giáo dục của Nho gia. Chúng ta thì vứt bỏ rồi, còn họ thì đang phụng hành. Họ gìn giữ, không để mất, một mặt theo học khoa học kỹ thuật của phương Tây, cho nên Nhật Bản được xưng là cường quốc đứng đầu thế giới, người phương Tây còn không theo kịp họ. Chúng ta chân thật là có kho báu, hiện nay người phương Tây đã phát hiện được, họ áp dụng, họ học tập. Nếu như chúng ta vẫn không giác ngộ, vẫn không thể gắng sức đuổi theo thì trong 20 năm, 30 năm sau, họ đều thành công rồi, chúng ta lại sa sút ở phía sau. Đây là điểm đáng để chúng ta cảnh giác. Hy vọng mọi người chúng ta đều có tâm cảnh giác.
Chúng ta học Cảm Ứng Thiên phải giống như học Kinh Phật vậy, phải hiểu sâu nghĩa thú, phải cố gắng phản tỉnh, tìm cho ra tất cả nguồn gốc không thể tu thiện, không thể khai ngộ, không thể thành tựu của chúng ta, sau đó đem nó điều chỉnh trở lại. Đây gọi là tu từ căn bản. Mỗi một câu trong Cảm Ứng Thiên đều có rất nhiều, rất nhiều chuyện ví dụ ở trong đời sống hành trì thường ngày để cho chúng ta làm tham khảo, cho chúng ta học tập. Những gì là thiện? Những gì là ác? Những gì là giác? Những gì là mê? Chúng ta đều phải hiểu rõ ràng, đều phải làm sáng tỏ, sau đó đoạn ác tu thiện mới không đến nỗi trở thành một câu nói suông. Chúng ta cần mẫn thực hành mới đạt được lợi ích công đức thù thắng chân thật. Ở trong chú giải cũng đã nêu rất nhiều ví dụ, chúng tôi không thể giảng kỹ, nhưng vẫn phải nêu ra mấy điều để chúng ta sau khi học rồi ở trong tâm cảm thấy rất thiết thực. Nghĩ thử, “dĩ ác vi năng”, ta đã bị phạm ở chỗ nào, phạm những việc nào rồi?
Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta tôi chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật!