Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 151/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 151/195 (98A – bộ 128 đĩa)

Chư vị đồng học, xin chào mọi người.

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 85:

Khuể nộ sư phó. Để xúc phụ huynh.” (Oán giận thầy dạy của chính mình. Xung đột với cha anh).

Trong chú giải đã nói rất rõ ràng về hai câu này, “Điều này so với lỗi ‘mạn kỳ tiên sinh’ (khinh thường thầy dạy) có khác biệt.” “Mạn” là khinh mạn, thông thường chúng ta nói là không xem sư phụ ra gì, “mạn” là vô cớ mà ngạo mạn. Câu “oán giận thầy dạy của mình”, đó là “[do thầy] dạy dỗ quở trách mà nổi giận”. Thầy dạy dỗ học trò, học trò không phục, trong tâm phẫn nộ, trong tâm căm hận. “Nộ” là biểu hiện ở bên ngoài. “Cổ nhân sự sư chi đạo, vô phạm vô ẩn” (Đạo thờ thầy của người xưa là không xúc phạm, không che giấu).  Đây là thái độ mà người đi học đối đãi với thầy của mình vào thời xưa, “phàm là người dạy ta thì đều phải dùng tâm khiêm tốn và hòa khí để tiếp nhận, lẽ nào lại có thể sân nộ, người sân nộ thì nhất định phước phần của mình sẽ bị mỏng đi hoặc vô phước mà thôi”., Đoạn này chúng ta phải nên ghi nhớ.

Hiện tại nếp sống xã hội mỗi ngày mỗi khác, sư đạo đã không còn tồn tại nữa, không những sư đạo không còn, thực tại mà nói thì hiếu đạo cũng không còn . Xã hội ngày nay chúng ta có thể nhìn thấy, hoặc nghe thấy tình trạng phổ biến là con cái bất hiếu với cha mẹ, học trò bất kính với thầy, việc này đã trở thành nếp sống rồi. Chúng ta sống trong xã hội này phải nên làm thế nào? Vậy phải hỏi chính mình trước, phải chăng muốn thành tựu đạo nghiệp?Nếu muốn thành tựu đạo nghiệp thì vẫn phải tuân thủ giáo huấn của cổ Đức. Nếu không muốn thành tựu đạo nghiệp thì có thể tùy thuận theo nếp sống, thế nên chính mình phải có điểm dừng. Bản thân chúng ta phải nên chọn đi theo con đường nào? Những lời giáo huấn của các lão sư, nếu chúng ta cảm thấy Thầy đã sai, người xưa rất có tu dưỡng, họ không dám mạo phạm, sự tu dưỡng của chúng ta chưa đủ, có thể thỉnh giáo với  lão sư về sự quở trách của Thầy, xem mình đã phạm những sai lầm gì? Bản thân con cảm thấy mình không phạm sai lầm, Thầy cho rằng con đã phạm sai lầm, vậy con phạm sai ở chỗ nào? Có thể thưa hỏi để Thầy nói ra rõ ràng, minh bạch.  Tuổi tác của Thầy nhất định lớn hơn chúng ta, kinh nghiệm và học thức phong phú hơn chúng ta, nhìn nhận vấn đề cũng sâu sắc hơn chúng ta, nhìn xa rộng hơn chúng ta, đây là thực tế. Có những lúc chúng ta tự cho mình là đúng, chỉ nhìn vào việc trước mắt, nếu nhìn một cách xa rộng thì mới thấy là có lỗi lầm, đây là việc mà chúng ta luôn luôn không thể lý giải. Hơn nữa lại còn oán hận Thầy, các vị phải nên biết, nếu các vị oán hận lão sư của mình thì Thầy có dạy cho mình nữa hay không? Nhất định là không? Thầy sẽ rất khách sáo với bạn, sẽ không dám dạy bảo bạn thêm nữa. Vì sao vậy? Bởi vì đức độ của bạn quá nhỏ bé, bạn không thể nào dung nạp được, thế là Thầy sẽ không dạy bạn nữa.

Khi tôi còn trẻ thân cận với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, học trò tùy tùng đi theo Thầy rất nhiều, giáo huấn của Thầy đối với các học trò có sự khác biệt. Người nào có thể tiếp nhận sự trách mắng, thật sự là họ không dám mạo phạm thì Thầy trách mắng giáo huấn người đó đặc biệt nhiều. Dường như thường xuyên gặp mặt thì cũng là thường xuyên nghe Thầy răn dạy trách mắng. Nếu một đến hai lần biểu hiện ra dáng vẻ không sẵn lòng tiếp nhận, Thầy nhìn ra được thì từ đó về sau Thầy sẽ không nói người đó nữa, dù có lỗi cũng không nói nữa. Vì sao vậy? Vì không muốn kết oán với học trò, bạn thường hay nói mà họ lại không thể tiếp nhận, hơn nữa lại còn oán hận, vậy đây không phải là kết oán thù rồi sao? Cho nên vị lão sư thông minh thì sẽ không kết oán thù với người. Bạn có thể tiếp nhận thì tôi sẽ dạy bạn. Việc này Đại sư Ấn Quang có nói, bạn có một phần thành kính thì dạy bạn một phần, có hai phần thành kính thì dạy bạn hai phần, bạn không có tâm thành kính thì không dạy bạn nữa, lên lớp dạy học, bạn ngồi bên cạnh nghe là được rồi. Tuyệt đối sẽ không xem bạn là đối tượng để dạy bảo. Từ đây có thể thấy, tổn thất là ở ai vậy? Tổn thất là ở chính mình.

Câu kế tiếp: “xung đột với cha anh”. Trong nhà Phật có nói tám chữ, là căn bản của Phật pháp, việc dạy học của Phật pháp là từ hiếu kính mà bắt đầu. Các vị cũng biết câu đầu tiên của Tịnh Nghiệp Tam Phước là “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”. Phật Pháp là từ đâu mà bắt đầu? Là từ đây mà bắt đầu. Phật pháp cũng từ chỗ này mà viên mãn, thành Phật. Thành Phật nghĩa là gì? Nghĩa là hiếu thân tôn sư đạt đến cứu cánh viên mãn, đây gọi là thành Phật. Cho nên Phật Pháp là từ đây mà bắt đầu, mà cũng kết thúc ở tại chỗ này.

Người ta hỏi Phật giáo là gì? Chỉ là hiếu kính mà thôi. Đây là việc mà người học Phật nhất định phải nên biết. Học Phật là học điều gì? Chính là học hiếu học kính. Bất hiếu bất kính thì bất luận người đó tu học pháp môn gì đều không thể thành tựu, đây là việc mà chúng ta nhất định phải nên biết. Nhất định không nên cho rằng bốn câu trong điều đầu tiên của Tịnh Nghiệp Tam Phước rất là nông cạn, bé nhỏ không đáng kể thì bạn sai rồi. Hết thảy chư Phật Như Lai chứng được quả vị cứu cánh viên mãn, vẫn là do bốn câu này, “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”.

Mọi người thường thấy hình ảnh Phật, ở trên đầu có vòng hào quang, trên hào quang thường viết ba chữ. Ba chữ này có khi là dùng Phạn văn để viết, cũng có lúc dùng Tạng văn để viết, cũng có khi dùng Trung văn để viết. Ba chữ này là “Án, A, Hồng”, biểu thị sự viên mãn, viên mãn điều gì? “Án” nghĩa là thân nghiệp viên mãn, không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, viên mãn rồi. “A” là khẩu nghiệp viên mãn, không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ, “Hồng” là ý nghiệp viên mãn, không tham, không sân, không si. Chư vị phải nên hiểu, ba chữ này chính là thập thiện viên mãn, thập thiện viên mãn thì người này được gọi là Phật, chúng ta làm sao có thể xem nhẹ việc này chứ? Thậm chí hầu hết mọi người xem đây là một giới điều rất nhỏ, một giới nhỏ không đáng gì, không biết được từ giới điều nhỏ mà viên mãn thành Phật, đây là cái gốc.

Ngày nay hiếu đạo, sư đạo đã suy vi rồi. Chúng ta nếu chân thật phát Bồ-đề tâm, chân thật  muốn tự lợi lợi tha thì bắt đầu làm từ đâu? Bắt đầu từ hiếu kính mà làm, làm một tấm gương tốt cho đại chúng xã hội xem thì bạn chính là Bồ-tát, bạn chính là đang hoằng pháp lợi sanh.

Chúng tôi phỏng vấn bà Hứa Triết, đây là người thanh niên 101 tuổi. Chúng tôi có đi xem nhà cửa nơi bà ấy ở, nhà của bà rất ngay ngắn và sạch sẽ, không có trang trí hay bày biện gì. Tôi chỉ thấy trên bàn của bà có một tấm hình, trên đầu giường cũng có một tấm hình, là hình của mẹ bà. Chúng tôi liền hiểu được rằng bà là một người con có hiếu, bản thân đã 101 tuổi rồi, vậy mà trên bàn làm việc và đầu giường cũng không rời xa được hình ảnh của mẹ mình. Hiếu thân thì nhất định có thể tôn sư, mà hiếu thân tôn sư thì nhất định có thể hữu ái được hết thảy chúng sanh, đây là Bồ-tát, là Bồ-tát thật chứ không phải là giả. Cho nên tôi nói [về mặt] Tịnh Nghiệp Tam Phước, Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, nếu hiện tại có ai đó đến để cho điểm bà thì bà sẽ được tròn điểm, bà sẽ được 10 điểm. Bà chưa thọ qua tam quy, cũng chưa thọ qua ngũ giới, nhưng bà đều làm được rồi, thế nên chư Phật Bồ-tát, chúng thần đều sẽ bảo hộ bà, đây là sự thật.

Chúng tôi ngày nay trong hết thảy những việc hoằng pháp lợi sanh nơi căn phòng giảng nhỏ bé này, vì sao lại đem hình của các lão sư treo ở trên tường vậy? Hàn Quán Trưởng, hình của bà cũng được treo ở đây, là tri ân báo ân, niệm niệm không quên. Chúng tôi có thể nhận thức được Phật pháp, có thể lý giải được Phật pháp, có thể tu học Phật pháp, là từ đâu mà có vậy? Là từ các lão sư đã chỉ dạy. Chúng tôi ngày nay có thể có được một chút thành tựu, là nhờ có Hàn Quán Trưởng 30 năm tạo cho chúng tôi hoàn cảnh tu học. Lão sư thì giống như cha mẹ sanh tôi ra, còn người hộ pháp thì giống như cha mẹ nuôi tôi lớn lên. Có thể gọi lão sư là người sanh thành, nhưng nếu không có người hộ trì, không có hoàn cảnh tu tập thì vẫn là việc luống uổng, vẫn là chẳng thể làm được gì.

Xã hội ngày nay mọi người nhìn thấy đều là vong ơn phụ nghĩa, chúng ta nếu muốn cứu vãn xã hội này thì nhất định phải xem bệnh mà cho thuốc. Họ vong ơn bội nghĩa thì chúng ta đề xướng tri ân báo ân, họ khinh mạn, oán hận sư trưởng thì chúng ta đặc biệt cung kính đối với sư trưởng, Họ bất hiếu với cha mẹ, chống đối, mạo phạm cha mẹ thì chúng ta đặc biệt làm ra tấm gương hiếu thuận cho người thế gian xem. Đây chính là việc mà ở trong các kinh điển Thế Tôn thường hay dặn dò chúng ta, “thọ trì đọc tụng vì người diễn thuyết”. “Diễn ” là biểu diễn, “thuyết” là giải thích, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Phải xem người xưa đã tu học thành tựu như thế nào, họ chính là tấm gương cho chúng ta, là điển hình cho chúng ta.  Trong quá trình Thế Tôn dạy học, Ngài đã làm ra minh chứng cho chúng ta xem, để cho chúng ta có thể nghe được, nhìn thấy được, liền có thể đoạn nghi sanh tín, có thể tinh tấn không giải đãi, học nghiệp, đạo nghiệp tự nhiên có thể thành tựu.

Người xưa đã nói: “Phụ huynh ngũ luân chi thủ, hiếu đễ nhân đạo chi tiên” (Cha anh đứng đầu ngũ luân, hiếu đễ là điều đầu tiên của đạo làm người). Dù cho cha mẹ và sư trưởng không công bằng, có lòng thiên vị, thương người này nhiều, người kia ít, nhưng chúng ta nhất định phải hòa nhã vui vẻ, phục tùng thọ giáo, việc này chính mình được lợi ích. Đúng như Ấn Quang Đại sư đã từng nói “Một phần thành kính được một phần lợi ích”. Cho nên bất luận là thế xuất thế pháp, bạn cầu học có thể được bao nhiêu lợi ích, hoàn toàn là ở việc bạn tôn kính đối với lão sư, nhất định là tỉ lệ thuận, nhất định là không thể nào có người bất hiếu với cha mẹ, bất kính sư trưởng mà người đó có thể thành tựu. Các vị hãy mở lịch sử ra mà xem, không thể tìm được một người nào, lúc này chúng ta cần phải sâu sắc mà phản tỉnh.

Trong chú giải cũng có không ít những câu chuyện nhỏ, những câu chuyện này cũng có thể làm cảm động lòng người, bạn không nên xem nó như là những câu chuyện thần thoại, vậy thì bạn đã sai rồi. Câu chuyện đầu tiên là nói đến ông Uông Hội Đạo triều nhà Minh. Chúng ta đọc qua đoạn văn này một lần, “Uông Hội Đạo, tánh dĩnh ngộ”, nghĩa là ông rất thông minh, “thư quá mục triếp thành tụng”, ông đọc sách qua một lần là có thể thuộc lòng”, có  thiên bẩm tốt. “ Bát tuế năng văn”, “năng văn” nghĩa là có thể viết văn chương, tám tuổi thì ông có thể viết văn chương. “Nhiên sự sư phó, tắc ngạo mạn dị thường, sảo phất ý, tắc bội sư nộ lị” (“Nhưng đối với thầy dạy cực kỳ ngạo mạn, chỉ hơi trái ý liền giận dữ mắng chửi sau lưng thầy”. “Lị” có nghĩa là mắng, mắng lão sư ở sau lưng. “Nhất nhật độc tọa thư trai, hốt ha khiếm”, nghĩa là một ngày nọ lúc đọc sách ông ngáp một cái. “Khẩu trung dược xuất nhất quỷ”, khi ông ngáp một cái thì trong miệng liền nhảy ra một con quỷ, con quỷ này chỉ vào ông và nói:“Nhữ bổn đại khôi thiên hạ”. “Đại khôi thiên hạ” vào ngày xưa thì gọi là thi đỗ trạng nguyên, đáng lẽ ông đỗ trạng nguyên. “Nhân nhữ huệ nộ sư phó, Thượng Đế tước khứ lộc tịch, ngô diệc tùng thử khứ hĩ”, bởi vì phẫn nộ với thầy dạy mà Thượng Đế đã gạch tên của ông rồi. Sau khi quỷ ra đi thì “tầm phiên cố thiên, mang nhiên bất thức nhất tự”, nghĩa là sau này khi ông đọc sách không những là không nhớ được mà ngay cả chữ cũng không thể nhận ra. Mọi người đọc đến đoạn này, bạn có thể đem nó xem thành chuyện thần thoại cũng được, chúng ta từ chỗ này sâu sắc mà phản tỉnh. Đây là câu chuyện về gương xấu, phía sau vẫn còn mấy câu chuyện về tấm gương tốt, cho dù lão sư nhiều lần giáo huấn trách mắng nhưng họ vẫn ôn hòa phụng sự, những người này sau cùng nhất định sẽ có thành tựu.

Phật Pháp là sư đạo, mà sư đạo thì được xây dựng trên nền tảng hiếu đạo, cho nên người không thể hiếu thuận cha mẹ thì tuyệt đối không thể nào tôn kính sư trưởng, trên đạo nghiệp và học nghiệp đương nhiên sẽ rất khó thành tựu. Xưa nay trong và ngoài nước, trước mắt các vị chỉ cần tỉ mỉ mà quan sát thì các vị sẽ có thể hiểu rõ. Sau đó mới biết giáo huấn của Thánh nhân là chân thật bất hư, chúng ta phải nên khiêm tốn mà học tập.