Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 118/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 118/195 (17B – bộ 128 đĩa)

Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!

Mời xem đoạn thứ 55 trong Cảm Ứng Thiên.

Nhập khinh vi trọng.” (Tội nhẹ mà xét nặng)

Đoạn thứ 56:

Kiến sát gia nộ (Thấy người khác bị tội chết mà còn oán giận)

Từ phần trước “Thị phi bất đương, hướng bối quai nghi.” (chẳng phân biệt đúng sai, hành xử không thích đáng) đến chỗ này tổng cộng có 12 câu. Mười hai câu này tuy là nói “tội ác của kẻ làm quan” nhưng thực ra là nói những lỗi lầm mà đa phần người trong xã hội hiện nay thường phạm phải, chỉ là nặng nhẹ không giống nhau mà thôi. Chúng ta biết thời điểm sách này được hoàn thành là rất lâu về trước, xã hội lúc đó hoàn toàn khác với xã hội hiện nay. Vào thời xưa, giáo dục mặc dù không được phổ cập như bây giờ, nhưng hiệu quả thực tế của giáo dục thì thời nay kém xa thời xưa. Thời xưa trong gia đình có giáo dục, cha mẹ, trưởng bối đa phần đều có khái niệm là làm tấm gương tốt cho con cái đệ tử, cho người trẻ tuổi noi theo.

Cơ hội giáo dục đều được các tầng lớp lãnh đạo quốc gia tôn trọng, hết sức đề xướng, điều này được thể hiện trong hí kịch, ca múa, âm nhạc, mỹ thuật, mọi mặt đều hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Quan điểm “ngụ giáo ư nhạc” (đưa giáo dục vào trong âm nhạc) không phải lấy giải trí làm mục đích, mà đạt được mục đích giáo dục trong lúc giải trí. Xã hội hiện nay không như vậy nữa, đề xướng dân chủ, tự do, khoa học, kỹ thuật, hoàn toàn từ bỏ giáo dục của cổ Thánh tiên Hiền, do đó mới tạo thành nguy cơ cho xã hội hiện nay.

Chúng ta đều hiểu được chỗ khác biệt căn bản giữa giáo dục phương Đông và giáo dục phương Tây là phương Đông chú trọng đạo nghĩa, phương Tây chú trọng công danh lợi lộc. Chúng ta hiện nay từ bỏ đạo nghĩa, bắt chước người phương Tây, người người đều trở thành tham cái lợi trước mắt. Xã hội hiện nay ai cũng đều có quan niệm cạnh tranh, không cạnh tranh thì không có cách nào sinh tồn. Cạnh tranh tới sau cùng thì có kết quả gì? Kết quả cuối cùng của cạnh tranh không giống với tư tưởng đạo nghĩa của phương Đông. Tư tưởng đạo nghĩa là nhường nhịn lẫn nhau, làm gì có cạnh tranh! Mấy ngàn năm qua Thánh Hiền xưa đều dạy người lễ phép nhường nhịn nhau, không hề nghe thấy từ “tranh”, hễ tranh thì xong rồi? Đây là điểm căn bản khác nhau giữa giáo dục phương Đông và phương Tây, chúng ta phải nhận thức rõ ràng.

Nhân nghĩa đạo đức có thể duy trì xã hội an định và hòa bình lâu dài, công danh lợi lộc chẳng qua chỉ là phù dung sớm nở tối tàn, sau đó thì không còn gì nữa, nhất định phải nhận thức rõ điều này. Thế nên các hành vi ác trong 12 câu này đa phần người trong xã hội hiện nay đều phạm phải.

  “Tội nhẹ mà xét nặng” nghĩa là gì? Trong chú giải nói rất hay, “Thư viết”, trong Kinh Thư nói rằng “tội nghi duy khinh” (Có tội chỉ nên nghĩ là nhẹ). Khi một người có lỗi lầm, phạm tội rồi, chúng ta nên có cách nghĩ như thế nào về họ? Không nên nghĩ “tội lỗi mà anh ta phạm quá nặng, tội không thể tha”. Người như thế một chút tâm từ bi cũng không có, chúng ta thường nói “lòng dạ độc ác”, không phải là người nhân từ. Người nhân từ khi nhìn thấy người phạm lỗi nặng thì phải nghĩ lỗi lầm này có nghiêm trọng hay không, đều nghĩ về phía nhẹ tội. Một quan tòa nhân từ phán đoán một vụ án, mọi mặt đều hi vọng giúp rửa sạch tội lỗi của họ, chứ không phải nhìn thấy kẻ phạm tội nhẹ lại xử thành nặng thêm.

Thế nhưng hiện nay người bình thường chúng ta đối với tội ác to lớn mà mình phạm phải thì tự mình có thể tha thứ cho chính mình, còn lỗi lầm nhỏ xíu của người khác thì lại muốn cho cái lỗi đó tăng lên gấp nhiều lần. Tại sao lại có tâm lý như vậy? Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Căn nguyên thực tình mà nói chính là đánh mất văn hóa giáo dục truyền thống, bị ảnh hưởng của người nước ngoài.

Thời còn trẻ tôi tới nước Mỹ, các đồng tu ở đó nói với tôi, chính phủ Mỹ, hải quan Mỹ đối với bất kỳ ai cũng đều hoài nghi, hoài nghi quý vị là kẻ phạm tội, là kẻ hành vi không đoan chính, quý vị phải dùng rất nhiều cách để chứng minh bản thân chưa từng phạm tội, chứng minh mình là người tốt, chứng minh quý vị chưa từng phạm tội. Điều này không giống với phương Đông chúng ta, người phương Đông chúng ta nhìn thấy ai cũng là người tốt, còn họ thì nhìn thấy ai cũng là người xấu. Thế nên đời người trong thế gian này, sanh ra trong xã hội này còn có ý nghĩa gì chứ?

Chúng ta nghĩ tới điều này, nhìn thấy chân tướng sự thật này, chúng ta không thể không tôn kính Phật Bồ-tát, Phật Bồ-tát ở trong xã hội này vẫn tin tưởng [chúng sanh] như vậy, vẫn từ bi cứu độ [chúng sanh] như vậy. Chư Phật Bồ-tát thuần thiện không chút ác ý, giúp đỡ mọi người, nhưng mọi người hướng tới chư Phật Bồ-tát có ác ý, hủy báng, hãm hại, nhiễu loạn hết lần này đến lần khác. Phật Bồ-tát nếu có thái độ giống như chúng ta, “Bỏ đi, đi thôi! Hà tất phải ở đây nữa”, chư Phật Bồ-tát không như vậy, [chúng sanh] nhục mạ các Ngài như thế nào đi chăng nữa, các Ngài đều tiếp nhận, thiện tâm thiện ý thiện hành giáo hóa hết thảy chúng sanh, còn phải chịu đựng sự sỉ nhục của chúng sanh. Chúng ta đối với chư Phật Bồ-tát không thể không tôn kính, không thể không xưng tán. Thực sự như trong kinh Phật giảng, các Ngài không phải người phàm, không chấp nhặt như người phàm, điều này chúng ta phải học tập, chúng ta phải noi theo.

Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói rất hay, Phật nói những chúng sanh này “tiên nhân bất thiện”, “tiên nhân” là thế hệ trên của họ, cha mẹ của họ, tổ tiên của họ, trưởng bối của họ, thầy giáo của họ, “bất thức đạo đức”, đều bị văn minh phương Tây làm mê mờ, bị chủ nghĩa công danh lợi lộc, bị hình thái ý thức tham công cầu lợi mê mờ tâm trí, khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi. Phương Đông từ xưa tới nay, mọi người thử mở sách xưa mà xem, không có ba chữ “quyền riêng tư”. Tư Mã Quang nói với mọi người, một đời của ông “không có chuyện gì không thể nói với người”, ông thẳng thắn, công khai, không có chuyện gì không thể kể cho người khác, thật quang minh lỗi lạc. Trong luật của nước ngoài có “quyền riêng tư”, đây là chỗ bất đồng, chỗ khác biệt trong văn hóa. Một đời người có rất nhiều việc che giấu người khác, không thể để người khác biết, quý vị nói xem tâm trạng như vậy khổ sở biết bao! Không dám nói với người khác, không thể nói với người khác, đương nhiên không phải là chuyện tốt; chuyện tốt thì sao không thể để người khác biết chứ! Đều là chuyện mất mặt. Thế nên chúng ta phải tỉ mỉ quan sát, phải học Phật cho tốt.

Tối hôm qua các vị Pháp sư, các vị hộ pháp của niệm Phật đường, nhất định muốn mời tôi ăn tối. Tôi gặp gỡ họ cũng tương đối ít nên tôi đồng ý gặp mọi người một buổi, nhân tiện cũng nói với họ niệm Phật như thế nào? Niệm Phật không được vì bản thân. Niệm Phật đường của chúng ta được thành lập là dẫn dắt đại chúng huân tu, vì hết thảy chúng sanh khổ nạn. Niệm Phật phải có cảm ứng, cảm ứng đến từ tâm chân thành, nếu chỉ niệm suông thì làm gì có cảm ứng? Miệng niệm Phật thì tâm phải nghĩ tới Phật. Đại Thế Chí Bồ-tát dạy chúng ta “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật niệm Phật, hiện tại hoặc tương lai nhất định gặp Phật.” “Ức” là trong lòng nhớ nghĩ, trong lòng thường có Phật thì công phu niệm Phật mới đắc lực. Thế nên niệm Phật nhất định phải nghe kinh, nhất định phải rõ đạo lý, chưa buông bỏ ý niệm tự tư tự lợi thì có niệm Phật nhiều hơn chăng nữa cũng không thể vãng sanh.

Tối hôm qua tôi đi thăm hội trưởng Lý, ông ấy nói với tôi cuối tháng trước ông dẫn đoàn đi Trung Quốc lên núi lễ Phật, tham bái. Đoàn này có hơn 100 người, đều là người niệm Phật rất tinh tấn. Kết quả là trên đoạn đường lên núi lễ Phật, nhìn thấy khởi tâm động niệm của đồng tu đều là tự tư tự lợi. Ông ấy nói lúc ăn cơm có người còn lựa chọn chỗ ngồi.

Hội trưởng nói: “Tại sao anh lại ngồi chỗ này?”

Anh ấy nói: “Vị trí này an toàn”

Hội trưởng nói: “Cái gì an toàn?”

Anh ấy nói: “Bên đó có người bê món ăn, bê canh lên không cẩn thận sẽ làm dơ quần áo, bên này thì không bị. Hội trưởng, ông cùng ngồi bên này đi”

Hội trưởng nói: “Anh nhất định không thể vãng sanh”

Tại sao vậy? Từ chỗ này mà nhìn ra được đó là tự tư tự lợi. Phật  Bồ-tát đem chỗ tốt nhường cho người khác, khổ nạn thì chính mình đón nhận, người như vậy nhất định có thể vãng sanh. Ngược lại, nơi nơi đều mong được lợi, người như vậy niệm Phật nhiều hơn đi nữa, hội trưởng Lý nói: “chắc chắn anh sẽ không vãng sanh”. Chúng ta thường nói, khởi tâm động niệm đều vì bản thân là phàm phu, người khởi tâm động niệm đều vì người khác là Bồ-tát, mê mờ hay giác ngộ đều là từ chỗ này mà xét.

Đi xe buýt, vừa mới lên là phải đi chiếm ngay chỗ tốt ngồi. Từ chỗ này mà xét, họ không biết quan tâm những người lớn tuổi. Quý vị xem cư sỹ Lý, ông ấy luôn đi sau người khác, không đi trước người khác nên cái mà ông nhận được là sự tôn kính của mọi người dành cho ông, nơi nào ông cũng vì người khác. Nếu quý vị nơi nào cũng nghĩ đến mình, chiếm chỗ tiện lợi, đẩy người khác xuống. Không tồi, quý vị có thể chiếm được cái lợi trước mắt nhưng ngày sau phải đi vào luân hồi, phải trải qua ngày tháng trong ba đường ác. Nếu trong một đời này, nơi nơi đều nhường người khác, đều đi phía sau người khác, trước mắt thì thấy có vẻ thua thiệt nhưng tương lai nhất định được sanh nơi đất Phật. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, phải hiểu được sự thực này, phải có thể tha thứ cho hết thảy lỗi lầm của mọi người, không nên trách cứ người khác.

Thực tình mà nói, chúng ta không có tư cách trách cứ người khác, tại sao vậy? Chính bản thân chúng ta còn có lỗi lầm, nếu chính mình không có lỗi lầm thì mới có thể trách cứ người khác. Ai không có lỗi lầm? Phật không có lỗi lầm. Thế nên Bồ-tát gặp người đều rất khiêm tốn, vì sao vậy? Đẳng giác Bồ-tát còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, các Ngài còn có tâm hổ thẹn, đến quả địa Như Lai mới không có lỗi lầm. Thế nhưng chư Phật Như Lai trách cứ người khác đều vô cùng từ bi, chúng ta học Phật phải học từ những chỗ này.

Câu phía sau, “Kiến sát gia nộ” (thấy người khác bị tội chết mà còn oán giận). Đây là nói tới người phạm tội bị kết án tử hình, lúc thi hành án tử hình họ, chúng ta không có tâm thương xót, ngược lại còn sân hận, cái tâm này không tốt. Vào thời xưa, những người chấp pháp trong lúc hành hình tử tù đều rơi nước mắt. Mặc dù tội của phạm nhân đáng bị như vậy, nhưng họ cũng không nhẫn tâm nhìn người khác chết. Đặc biệt là những người vô tội, oan uổng, càng khiến người ta đau lòng, phải tìm mọi cách để cứu giúp bảo hộ họ, làm sao có thể oán giận thêm, làm sao còn có tâm sân hận chứ? Tâm như vậy là vô cùng tàn nhẫn, quả báo chúng ta có thể thấy biết được. Thế nên đối với người gặp nạn, phải nên có tâm thương xót, nên có tâm thông cảm, phải sanh tâm cứu giúp bảo hộ, đây là tâm nhân từ. Tâm tham sân si là tâm đọa vào tam đồ ác đạo. Tâm của Bồ-tát nhân từ vô cùng, tâm Phật là chân thành, bình đẳng, chúng ta phải nhận thức rõ ràng, phải biết làm thế nào học tập theo.

Đoạn này chúng tôi giới thiệu tới đây, đoạn tiếp theo nói đến những tội ác mà người bình thường phạm phải. Hôm nay giảng tới đây thôi. A Di Đà Phật.