Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 179/195


THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 179/195 (117A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học! Xin chào mọi người.

Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 109:

Khinh mạn tiên linh. Vi nghịch thượng mệnh.” (Khinh rẻ tổ tiên. Vi phạm mệnh lệnh của bề trên).

Trong câu này “tiên linh” là tổ tiên. Trong chú giải nói rất đơn giản mà rõ ràng, ngôn ngữ tuy đơn giản, nhưng ý nghĩa vô cùng sâu rộng. “‘Tiên linh” là hương linh tổ tiên. Phàm tẫn liệm vô lễ, cư tang không theo chế định của lễ nghi, chẳng nhanh chóng an táng, trai giới, cúng quải chẳng có lòng thành, chẳng siêng năng thăm viếng, quét dọn mộ phần, miếu thờ không ngăn nắp, hương đèn khi có khi không, đều là khinh mạn!”. Đây là nêu ra vài ví dụ. “Ôi! Nguồn nước, cội cây, há dám quên bẵng? Nếu kẻ nào phạm sai sót đối với chuyện này, tôi chẳng biết nên gọi hạng người đó là gì nữa?”. Câu sau cùng này vô cùng cảm thán. Những lời này chính là bản chất nòng cốt trong nền văn hóa Trung Hoa, là hạt nhân. Thế nhưng ở những nước Phương Tây thì lại xem rất nhẹ. Họ không có quan niệm này, cũng chính là nói họ không có quan niệm về hiếu đạo. “Hiếu – Đễ – Trung – Tín” trong quan niệm của họ là vô cùng mờ nhạt. Việc này hoàn toàn trái ngược với văn hóa Phương Đông.

Người Trung Quốc hiện đại dường như đã bị người Phương Tây đồng hóa rồi. Người Trung Quốc ngày xưa trong quan niệm của họ nhìn mọi người đều là người tốt, hết thảy mọi việc đều là việc tốt. Thế nhưng trong quan niệm của người ngoại quốc thì ngược lại 180 độ. Người ngoại quốc khởi tâm động niệm thì người khác đều là người xấu, không có việc gì là tốt, nên họ nhất định muốn bạn phải đưa ra rất nhiều chứng cứ chứng minh bạn là người tốt. Việc này thật sự khác với chúng ta. Quan niệm căn bản là việc tế tổ, yêu thương cha mẹ, kính nhớ tổ tiên. Người ngoại quốc đối với việc tế tổ của chúng ta thì hoài nghi không hiểu nổi. Họ thường hỏi “Tổ tiên đã mấy trăm năm, mấy ngàn năm rồi, bạn cũng chưa gặp mặt qua thì bạn tế họ để làm gì? Họ không biết bạn, bạn cũng không biết họ”. Cho nên họ cảm thấy rất ngạc nhiên. Nhưng chúng ta là người uống nước nhớ nguồn, chúng ta có nguồn, có cội. Nguồn cội này là từ tổ tiên xa xưa, cách đây mấy ngàn năm mấy vạn năm. Nguồn gốc của chúng ta là từ đâu mà ra? Chúng ta vô cùng xem trọng đối với việc này. Có nên xem trọng hay không? Phải nên. Vì sao nói là phải nên? Giống như một cây đại thụ, bản thân chúng ta giống như những chiếc lá trên cây, chúng ta phải tìm về gốc. Cái lá này từ đâu mà ra? Cái lá này sinh ra từ chồi lá, sinh từ chồi cây. Chồi cây là từ đâu mà ra? Là từ cành nhánh mà mọc ra. Vậy cành cây là từ đâu ra? Cành cây là từ thân cây mà ra, thân cây thì từ gốc mà ra, gốc thì từ rễ mà ra. Phải tìm về gốc rễ. Sau đó mới biết cả cây đại thụ là một. Người ngoại quốc không hiểu đạo lý này, cũng không hiểu các phương pháp này.

Trong kinh giáo Đại Thừa, Phật đã nói với chúng ta: Hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới cùng với chính mình là một thân. Cả cây đại thụ giống như pháp thân, bản thân chúng ta giống như một cái lá ở trên cây đại thụ này mà thôi. Cái lá này và cả cây đại thụ là một thể, không phải là hai thể. Chúng ta thì gọi là cây đại thụ còn trong nhà Phật thì gọi là “pháp thân”. “Thập phương tam thế Phật cộng đồng nhất pháp thân, nhất tâm nhất trí huệ”. Cho nên Phật mới đi tìm căn nguyên. Trong kinh thường nói: “Triệt pháp để nguyên” (thấu triệt nguồn pháp). Hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sinh, biết được giữa người với người, giữa người với hết thảy chúng sanh là mối quan hệ gì. Việc này các tôn giáo khác đều không nói rõ ràng đến như vậy, không nói minh bạch đến như vậy. Học thuật thế gian cũng không đạt đến. Cổ Thánh tiên Hiền của Trung Quốc cũng nói đến, tuy là nói đến chỗ gốc rễ nhưng không nói được rõ ràng. Đối với thân và cành thì có thể nói tương đối rõ ràng, nhưng đi sâu hơn thì lại rất mơ hồ. Phật pháp nói rất rõ ràng. Thánh Hiền chỉ nói đến chỗ yêu thương con người, còn Phật pháp thì nói đến chỗ hết thảy chúng sanh. Không phải chỉ một thế giới này của chúng ta, mà là tận hư không khắp pháp giới, vô lượng vô biên thế giới, hết thảy chúng sanh và chúng ta là cùng một căn, một bản. Căn là gì? Là “tâm” mà trong Phật pháp thường nói. Còn bản là gì? Bản là “thức” mà Phật pháp đã nói. Kinh Hoa Nghiêm nói hư không pháp giới hết thảy chúng sanh duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Tâm và thức là căn bản.

Trong cổ lễ của Trung Quốc, trong ngũ lễ thì điều đầu tiên là tế lễ, tế tổ tiên, ái kính tổ tiên. Tổ tiên trăm ngàn năm rồi mà bạn đều kính ái như vậy thì cha mẹ ở ngay trước mắt làm gì có đạo lý không hiếu thuận chứ? Hiếu đạo là từ đâu mà xây dựng? Hiếu đạo xây dựng từ trên tế tự. Con người ngày nay không hiếu thuận cha mẹ, bỏ mất chuyện cúng tế thì họ làm sao biết hiếu thuận cha mẹ? Việc tế lễ là cha mẹ làm tấm gương hiếu thuận cho thế hệ sau xem. Ý nghĩa vô cùng trọng đại. Người lớn tuổi thì cha mẹ ông bà đều đã qua đời rồi, bạn nói bạn hiếu thuận nhưng con cháu của bạn không thể nhìn thấy. Chúng là từ việc tế tự của bạn mà nhìn thấy được. Tắm gội, chay tịnh, tế tự tiên linh. Hiệu quả của nó thì Phu Tử nói rất hay: “Dân đức quy hậu”. Hiệu quả của nó là giúp cho phong tục thuần hậu của xã hội tăng trưởng, xã hội này mới có thể an hòa lợi lạc, nhân dân mới có được đời sống hạnh phúc mỹ mãn. Đây là hiệu quả ở ngay trước mắt, còn lợi ích sâu xa là vô tận. Chúng ta từ trong toàn bộ Phật Pháp mà nhìn, khi hiếu đạo đạt đến cứu cánh viên mãn thì người này thành Phật. Nhà Phật dạy học bắt đầu từ hiếu kính. Bạn xem tịnh nghiệp tam phước, câu đầu tiên là “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, là từ đây mà bắt đầu. Đến sau cùng viên mãn vẫn là hai câu này. Tu hành chứng đến địa vị Đẳng Giác Bồ-Tát, nếu hiếu kính vẫn còn thiếu một phần thì vẫn chưa thể đạt đến viên mãn. Vì sao vậy? Vì bạn vẫn còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, vẫn là có lỗi đối với cha mẹ, có lỗi với lão sư. Cần phải phá xong một phẩm sanh tướng vô minh sau cùng mới chứng được Phật quả viên mãn. Hiếu thân viên mãn rồi, kính lão sư cũng viên mãn rồi. Giáo dục của nhà Phật không chỉ là Phật Thích-ca, mà hết thảy mười phương ba đời chư Phật Như Lai dạy học cũng là như vậy mà thôi. Chúng ta phải rõ ràng, phải minh bạch. Học Phật là học cái gì? Là học hiếu dưỡng phụ mẫu, học phụng sự sư trưởng. Sự tu dưỡng của bạn nâng cao đến hạnh Phổ Hiền. Cha mẹ được nói trong hạnh Phổ Hiền thì hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta. Đem cái tâm và hành vi hiếu dưỡng phụ mẫu này để đối với hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới, đây là hạnh Phổ Hiền. Nếu không phải vì hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới mà vì thế giới này của chúng ta, quả địa cầu này, thế giới Ta-bà này của chúng ta thì đó chỉ là hạnh Bồ-tát, không phải hạnh Phổ Hiền Bồ-tát. Hạnh của Phổ Hiền Bồ-tát là tận hư không khắp pháp giới. Cái tâm hiếu mở rộng ra đến tận hư không khắp pháp giới. Hết thảy chúng sanh đều là thiện tri thức của ta, thiện tri thức chính là lão sư. Trong Kinh Hoa Nghiêm chúng ta nhìn thấy Thiện Tài Đồng Tử, chỉ riêng bản thân mình là phàm phu, là học trò, còn lại tất cả đều là thiện hữu. Đây là cái tâm kính thầy, mở rộng ra đến hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới, đây gọi là hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền không dễ tu. Nếu bạn vẫn còn phân biệt với hết thảy chúng sanh, còn có chấp trước thì không phải là hạnh Phổ Hiền. Vậy thì tu hành thì bắt đầu từ đâu?

Ở chỗ này Thái Thượng Lão Quân có nói: Đối với người lớn tuổi, đối với cha mẹ tôn trưởng, nhất định không có ý niệm khinh mạn. Khinh là gì? Là khinh thường, không để ở trong tâm. Lời thông thường hay nói là không xem ra gì. “Mạn” là ngạo mạn, vô lễ. Người ngày nay thì khó rồi, nói người hiện nay “vô lễ” thì nói hơi quá. Vô lễ là gì? Là hiểu lễ nhưng không làm nên gọi là vô lễ. Hiện tại thế nào là lễ họ còn không hiểu. Cho nên hai chữ “vô lễ” này thì không thể bàn đến được nữa rồi. Xã hội ngày nay thật là bi ai. Tôi cũng thường nói các tôn giáo nước ngoài vì sao lại nói đến ngày tàn của thế giới? Ý niệm về ngày tàn của thế giới là từ đâu mà có? Tôi nghĩ đại khái là con người thế gian hiện tại cái gì cũng không hiểu. “Đạo – Đức – Nhân – Nghĩa – Lễ” đều không hiểu. Vậy thì biết phải làm sao? Chỉ còn cách hủy diệt thế giới này đi và làm lại thế giới mới. Tôi nghĩ tư tưởng về ngày tận thế là từ đây mà ra.

Vì sao tạo thành cái hiện tượng này vậy? Người xưa thường nói là “thất giáo”. Giáo là giáo dục, đã đánh mất đi sự giáo dục rồi. Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả”. Là do không có người dạy bạn, người của cả thế giới đều không biết cách dạy dỗ đời sau. Việc này chúng ta có thể lý giải được. Vì sao vậy? Vì không biết dạy chính mình thì họ làm sao biết dạy người khác, họ làm sao biết dạy đời sau. Sách của cổ Thánh tiên Hiền để ở trước mặt không xem, có đọc cũng không hiểu. Vấn đề này nghiêm trọng rồi. Chúng ta trong đời này nếu chân thật có thể thọ trì những sách như vậy, một hoặc hai quyển thì đủ rồi. Đặc biệt là thời đại này, nếu [sách] có một chút độ sâu sắc thì người thông thường không thể tiếp nhận, căn bản họ không hiểu. Phật giúp đỡ hết thảy chúng sanh vô cùng chú trọng ở căn cơ. Người hiện nay căn cơ như thế nào? Ứng cơ thuyết pháp mới có thể có được hiệu quả.

Sự truyền thừa đạo của Thánh Hiền truyền đến ngày nay vì sao lại biến thành như vậy? Chúng ta hãy bình tâm mà quan sát. Trong đây khó tránh khỏi một việc là sự truyền thừa của các cổ Đức đã lơ là đi hiện thực, đàm huyền thuyết diệu không thiết thực với thực tế, phong khí này đến hiện nay vẫn còn. Chúng ta nhìn thấy rất nhiều sách được xuất bản, đây không phải là sách cũ mà là sách mới. Lại xem đến rất nhiều các loại tạp chí, là tạp chí trong nhà Phật, đều là đang nghiên cứu một số lý luận, đàm luận một số học thuật của tâm tánh. Đâu có tác dụng gì! Không sát với thực tế. Như câu nói “gãi không đúng chỗ ngứa”, quả thật không sai. Không thể cứu vãn được sai lầm của xã hội đại chúng. Việc này trong nhà Phật nói là khế lý mà không khế cơ. Trên lý nói thì không sai, nhưng không khế hợp với căn cơ của chúng sanh. Cho nên chúng tôi nghĩ đến Ấn Quang Đại sư vì sao đặc biệt đề xướng Liễu Phàm Tứ Huấn, Cảm Ứng Thiên, An Sĩ Toàn Thư. An Sĩ Toàn Thư do cư sĩ Chu An Sĩ biên soạn ra. Trong bộ sách này thực tế là có 4 chương. Thiên thứ nhất là “Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn”. Tính chất thì hoàn toàn tương đồng với Cảm Ứng Thiên, là thiện nhân thiện quả ác nhân ác báo, là tiêu chuẩn của thiện ác. Đây là sự lợi hại đối với bản thân chúng ta, không thể không biết. Thiên thứ hai là “Vạn Thiện Tiên Tư”, khuyên người giới sát. Thiên thứ ba là “Dục Hải Hồi Cuồng”, khuyên người đoạn dâm. Sát và dâm là hai đại ác nghiêm trọng nhất trong tất cả cái ác. Nếu đoạn được hai cái ác này rồi những cái ác khác đều rất dễ đoạn. Đó chỉ là cành lá, còn đây là gốc. Thiên thứ tư là Tịnh Độ, khuyên người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, đó là “Tây Quy Trực Chỉ”. Ấn Tổ đề xướng những quyển sách này mà không đề xướng các kinh luận, chúng ta hiểu được đây là trí huệ chân thật, là giáo huấn chân thật, đích thực có thể cứu vãn kiếp vận hiện nay. Chúng ta nếu hiểu được ý của Đại sư, hiểu được cách làm của Đại sư thì chúng ta sẽ hoan hỷ tiếp nhận, y giáo phụng hành. Trong thời đại trược ác đến cùng cực này chúng ta vẫn còn có thể tự cứu chính mình, chúng ta cũng có thể giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Điều này chúng ta phải sâu sắc suy nghĩ, phải ra sức thực hành. Có năng lực thì có thể nghiên cứu thêm một số kinh luận, sách thiện để giúp chúng ta tu học, giúp chúng ta hoằng pháp. Nếu không đủ năng lực thì cứ tuân theo chú giải của cổ Đại đức về những quyển sách này thì cũng đủ dùng, cũng rất tốt, khế lý khế cơ.