THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 102/195 (58A- bộ 128 đĩa)
Các vị đồng học xin, chào mọi người.
Trong Cảm Ứng Thiên, kinh văn nói về ác báo rất dài. Bảy đoạn nhỏ phía trước là nói căn bản đại ác, cũng chính là nói cội gốc của vạn ác. “Nếu có kẻ làm những điều phi nghĩa, trái nghịch đạo lý [như sau]: Coi thủ đoạn độc ác là tài năng, nhẫn tâm làm chuyện tàn ác, độc hại, ngầm hại người lương thiện, ngầm khinh vua và cha mẹ, khinh rẻ thầy dạy, phản bội người mình phải phụng sự, lừa kẻ không hiểu biết, gièm báng bạn học, dối trá, hư ngụy, công kích thân thuộc, ương bướng bất nhân, sử dụng những thủ đoạn độc ác, tàn nhẫn”. Đến chỗ này, tổng cộng có bảy đoạn nhỏ. Chúng ta mỗi lúc phải nên cảnh giác. Bảy sự việc này, nếu như chúng ta tỉ mỉ mà phản tỉnh, mà tư duy, chúng ta đều phạm rồi, chỉ là mức độ phạm có cạn sâu khác nhau, phạm vi ảnh hưởng có rộng hẹp không như nhau, đương nhiên kết tội quả báo cũng không giống nhau. Tóm lại mà nói, đây là ác nghiệp, do ác nghiệp mới chiêu cảm thiên tai nhân họa, vô số quả báo bất thiện. Nếu như chúng ta không thể phản tỉnh kiểm điểm thật kỹ, sửa đổi làm mới từ căn bản, thì không chỉ đạo nghiệp của chúng ta không thể thành tựu, mà còn sợ thân người cũng không thể giữ được, phước báo nhân gian thì càng không cần phải nói. Đây là điều mà một người học Phật trước tiên cần phải giác ngộ. Đoạn văn này chúng tôi vẫn chưa giảng xong, hôm nay chúng ta xem tiếp đoạn nhỏ thứ sáu:
“Hư vu trá ngụy, công kiết tông thân” (Dối trá, hư ngụy, công kích thân thuộc
“Hư” là hư vọng, không có căn cứ xác thực mà đã tùy tiện bàn luận. “Trá”, trong chú giải nói là “Dùng quỷ kế gạt gẫm người khác thì gọi là Trá “, âm mưu ngụy kế, lừa gạt đối với người khác. ” Dùng những cách thức dối đời trái lẽ thì gọi là Ngụy “, đó là hư ngụy. Làm người có thái độ và tâm thái như vậy thì không có chút thành ý nào. Hiện tại đích thực như vậy, không chỉ đối với xã hội, đối với đại chúng không có chút thành ý nào, mà đối với vợ con và cha mẹ của mình cũng không có chút thành ý, thêm nữa, cũng không thành ý đối với chính bản thân họ. Hiện tại là xã hội như vậy thì sao mà không gặp nạn? Tại sao có thể có loại tình trạng này? Tại vì sao có sự việc như vậy? Truy đến cội gốc là chúng ta bỏ mất đi giáo dục của Thánh Hiền, cho nên mới rơi vào bước đường này. Chúng ta có may mắn tiếp nhận được một phần nhỏ của giáo dục Thánh Hiền, chúng ta đối với đạo lý của thiện ác, nhân quả của thiện ác có thể hiểu rõ một chút, có được chút năng lực phân biệt, thế nhưng tất nhiên năng lực này của chúng ta vẫn chưa đủ. Thế gian có rất nhiều sự việc tưởng như đúng mà lại sai, nhất là giống như những người ác nói ở chỗ này, tâm địa bất thiện, diện mạo hư ngụy, chúng ta rất khó nhìn thấy được. Hư tình giả ý, ngay đến người thân thuộc, họ cũng công kích bơi móc, cũng đều nhiễu hại, huống hồ người ngoài. Chúng ta ở trong xã hội gặp những sự việc này có thể trách người sao? Không thể nào. Tỉ mỉ mà quán sát, họ làm được không tệ. Tại vì sao không tệ? Tùy thuận phiền não tập khí từ vô lượng kiếp của họ, “tiên nhân bất thiện”, cha mẹ không dạy họ, tôn trưởng không dạy họ, thầy giáo không dạy họ, họ không phải Thánh Hiền trời sanh, cho nên họ làm ác là phải rồi. Nếu họ không làm ác thì họ chính là Phật Bồ-tát tái sanh, không phải là phàm phu. Người phàm thì có lý nào không làm ác? Chúng ta có thể từ góc độ này mà quán sát, tâm của chúng ta liền bình. Tâm bình khí hòa, trong đây liền sanh trí huệ, vậy mới thấy được rõ ràng chân tướng sự thật.
Làm thế nào cứu vãn những chúng sanh khổ nạn này? Vẫn là một phương pháp cũ, toàn tâm toàn lực đề xướng giáo dục Thánh Hiền, đề xướng giáo dục Phật-đà, cho dù có một số phê bình ác ý, kháng cự, nhiễu hại cũng không hề gì. Vì sao vậy? Họ vô tri, họ đáng thương. Nếu như họ chân thật tường tận rồi, tự nhiên họ liền sám hối, họ liền quay đầu. Cho nên chúng ta đối với người không rõ lý, người vô tri, lấy thế pháp mà xem thì phải lượng thứ họ, không nên trách cứ họ, dùng Phật Bồ-tát để nhìn thì phải thương xót họ, phải cứu họ. Hiện tại bạn đi cứu giúp họ, có những phương thức họ không thể tiếp nhận, đó là do thiện căn phước đức của họ chưa đạt đến, cho nên cần phải dùng phương tiện khéo léo, trước phải bao dung, phải khoan dung nhẫn nại, ngay đời này không cứu được thì đợi đời sau, đời sau không cứu được thì đời sau nữa. Phật độ chúng sanh thỉ chung không bỏ một người, lúc nào họ chịu quay đầu thì đến lúc đó sẽ giúp đỡ họ. Nếu không thể quay đầu thì đứng ở bên cạnh nhìn, chân thật là nhìn họ tạo nghiệp, nhìn họ đọa lạc, nhìn họ đọa địa ngục, nhìn họ chịu vô số khổ. Vì sao vậy? Bạn nói thiện ngôn thiện ngữ đối với họ, họ nghe không lọt vào, họ không tin tưởng, họ không thể tiếp nhận, họ có phân biệt chấp trước kiên cố. Không phải Phật Bồ-tát không giúp đỡ họ, mà do chấp trước kiên cố của họ quá mạnh, nghe không được lời thiện, không thấy được việc thiện chân thật. Vì sao vậy? Tâm của họ là hư vọng, cái họ thấy được cũng là hư vọng, cho nên chân thành là quan trọng nhất. Trong chú giải nhỏ này nêu ra cho chúng ta rất hay, “Thành là đạo của trời, suy nghĩ chân thành là đạo của người”. Chúng ta tu học, đem sự chân thành xếp ở vị trí thứ nhất. Có chân thành sau đó mới có “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, có “thanh tịnh, bình đẳng, giác” thì sau mới có “đại từ đại bi”.
“Suy nghĩ chân thành” chính là trong Phật pháp gọi là phát tâm Bồ-đề. Thể của Tâm Bồ-đề, trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói là tâm chí thành, chân thành đến tột đỉnh, tâm này chính là tâm Bồ-đề. Thâm tâm, đại bi tâm là tác dụng của tâm Bồ-đề. Tâm chí thành là thể tánh của tâm Bồ-đề. Nếu chúng ta không phát ra tâm chân thành thì tâm Bồ-đề từ đâu mà ra? Căn bản sẽ không có. Tâm chân thành là chân thật làm đến không lừa gạt chính mình, không lừa gạt chúng sanh, đây là chân thành. Chỉ có tâm chân thành mới có thể tuân theo giáo huấn của Phật, “lìa tất cả tướng, tu tất cả thiện”. Nếu tâm không chân thành thì phải quấy thiện ác luôn luôn điên đảo, đem ác xem thành thiện, đem việc thiện xem thành ác. Thấy sai rồi! Người như vậy, ở thời đại hiện nay này không ít. Chúng ta chính mình phải nỗ lực phản tỉnh, xem có phải mình cũng là loại người này hay không? Không phản tỉnh, không kiểm điểm, bạn không thể nào nhận ra, làm sao có thể quay đầu? Tự mình luôn cho rằng chính mình tu không tệ, tu rất tốt, đâu biết được việc mình làm chính là nghiệp nhân của địa ngục? Cho nên, chúng ta dùng Cảm Ứng Thiên, dùng Liễu Phàm Tứ Huấn, dùng An Sĩ Toàn Thư (đây là Ấn Tổ dạy bảo chúng ta) làm một sự nỗ lực phản tỉnh kiểm điểm. Ở ngay trong giáo huấn của Phật, chúng ta đặc biệt đề xướng Phát Khởi Bồ-tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh. Ngày trước, tôi đã từng giảng qua ba lần. Hiện tại cũng có đồng tu y cứ theo băng ghi hình này chỉnh lý thành văn tự, cũng có chỗ đã in thành sách, lưu thông bên ngoài. Những văn tự này tôi sẽ tìm thời gian để xem qua một lần. Sau khi tu đính mới có thể chính thức lưu thông. Những thứ này đều là giúp chúng ta cải ác hướng thiện, làm thành nấc thang thứ nhất để chúng ta vào đạo tu học.
Trong Vựng Biên nói rất hay: “Chúng ta ngày nay xả bỏ lòng thành mà theo hư dối trá ngụy. Đây là trái với đạo Trời, đánh mất đi đạo người”. Trong sáu cõi luân hồi, cõi trời mất đi rồi, cõi người mất đi rồi, các vị nghĩ xem, còn nơi nào để đi? Quả báo ở ba đường ác, chúng ta làm sao có thể không cảnh giác? Sinh mạng của con người rất là mong manh. Trận động đất lớn ở Đài Loan là minh chứng cho lời giáo huấn của Phật. Trên Kinh Phật nói cho chúng ta nghe rất nhiều, “mạng người vô thường, cõi nước mong manh”. Chúng ta cư ngụ ở trên địa cầu này, Phật nhìn thấy rất là nguy nan, khó tránh được đổ vỡ. Khoa học gia có dự đoán, ngay trong vũ trụ có rất nhiều hành tinh nhỏ, đường kính của hành tinh nhỏ này là mười cây số, mấy chục cây số, một trăm cây số, lớn nhỏ đều có. Nếu hành tinh nhỏ này va vào địa cầu, địa cầu sẽ tan vỡ, tất cả sinh mạng trên địa cầu, trong khoảng sát-na liền bị tiêu diệt hết. Tình hình này đã có xảy ra hay chưa? Có! Nhà sử học, nhà khảo cổ học nói với chúng ta, ngày xưa địa cầu đã từng bị những hành tinh nhỏ này (vẫn không phải quá lớn) va chạm rồi. Họ đã nói, ngày trước những loài khủng long bị tuyệt chủng trên địa cầu là do nguyên nhân gì? Hành tinh nhỏ đụng vào địa cầu. Bề rộng của hành tinh nhỏ đó không vượt quá mười cây số, nếu như là mấy chục cây số thì địa cầu đã vỡ tan rồi. Rất là mong manh! Mạng người là vô thường. Chúng ta ngày nay được thân người, cư ngụ ở địa cầu này, gặp được chánh pháp, bạn mới biết được cơ duyên này thật khó được, thật là đáng quý.
Phật dạy chúng ta ngay trong một đời này phải nên làm những việc gì? Phật nói: “Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân” (Mọi thứ không mang được, chỉ có nghiệp theo thân). Những gì không thể mang theo thì chúng ta phải buông xả, còn những gì mang đi được thì chúng ta phải thật làm. Những thứ nào có thể mang đi được? Nghiệp mà bạn tạo thì mang đi được. Hạt giống nghiệp tập vĩnh viễn không mất. Vậy thì bạn tạo là ác nghiệp, bạn mang đi, tương lai biến thành quả báo ba đường ác; bạn tạo là thiện nghiệp mang đi, tương lai thì bạn hưởng phước báo trời người, cái này bạn mang đi được, không thể mất đi. Phật vì chúng ta nói rõ chân tướng sự thật, chúng ta chính mình phải biết được nên chọn lựa thế nào. Chúng ta phải nên chọn lấy nghiệp thiện, đây là Phật dạy chúng ta. Không những phải tu tất cả thiện, mà còn phải lìa tướng tu thiện. Vì sao vậy? Lìa tướng tu thiện thì quả báo ở pháp giới Phật, ở pháp giới Phật Bồ-tát; chấp tướng tu thiện thì quả báo ở pháp giới trời, người.
Phật từ bi đến tột đỉnh. Chúng ta tu thiện thì phải lìa tướng, không thể nào nhiễm trước đối với thế xuất thế gian pháp. Mọi lúc, mọi nơi, ngay trong tất cả cảnh duyên thường phải giữ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là đối với tất cả các pháp không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm. Người thế gian mê, ta không mê. Người thế gian không chịu làm, ta đến làm, lìa tướng tu thiện. Người thế gian không chịu làm, người tường tận nên chịu làm, người giác ngộ chịu làm.