Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 44/195


THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 44/195 (21A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Sáng hôm qua, chúng ta đã giảng giải đơn giản về chữ “Hiếu”. Hàm nghĩa của chữ “Hiếu” này sâu rộng vô hạn. Đây là pháp môn đại tổng trì của tất cả chúng sanh trong hư không pháp giới, cũng tức là nói ngang khắp mười phương, dọc cùng ba mé đều bao gồm ở trong chữ này. Phật pháp được xây dựng bắt đầu từ hiếu và kết thúc cũng vẫn là hiếu. Chư Phật Bồ-tát dạy người chẳng qua là tận hiếu, hành hiếu mà thôi.

Điều đầu tiên trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” dạy chúng ta là “hiếu dưỡng phụ mẫu”. Chúng ta muốn hành hiếu, tận hiếu phải thực hiện từ hiếu dưỡng phụ mẫu, sau đó mở rộng đến hiếu dưỡng tất cả chúng sanh. Trong Kinh Bồ-tát Giới, Thế Tôn nói với chúng ta rất rõ ràng là “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”. Đây là mở rộng hiếu dưỡng phụ mẫu đến hư không pháp giới, vậy mới có thể tận hiếu. Ai có thể tận hiếu một cách rất viên mãn vậy? Quả vị Như Lai mới thật sự làm được viên mãn, Bồ-tát Đẳng Giác vẫn chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Từ đó cho thấy, học Phật chính là học chữ “hiếu”, chính là học chữ “trung” này. Phật pháp không có gì khác, chỉ là “trung – hiếu” mà thôi.

Ân đức của cha mẹ đối với chúng ta quá lớn, mạng sống này có được từ cha mẹ, cho nên hiếu dưỡng phụ mẫu là đạo lý muôn đời. Đây mới được xem là làm người. Tu học từ trên cơ sở này mới có thể thành Bồ-tát, thành Phật. Chúng ta hiếu dưỡng phụ mẫu là dùng tâm hiếu để dưỡng phụ mẫu. Nhà Nho nói rất hay, chúng ta phải “dưỡng thân mạng của cha mẹ”, phải chăm lo đời sống vật chất cho cha mẹ; phải biết “dưỡng tâm của cha mẹ”, phải làm cho tâm trạng cha mẹ vui vẻ, không có lo lắng, không có phiền não. Muốn vậy thì chúng ta phải thuận, nếu như không thuận thì cha mẹ sẽ sinh phiền não, sẽ có lo lắng. Cho nên, chữ “hiếu” trong thực tiễn thật không dễ dàng. Nếu như không có tâm chân thành (chúng ta thường nói là “tâm chí thiện”, “tâm thuần hiếu”, “tâm thuần kính”), thì chữ “hiếu” này sẽ rất khó thực hiện. Nói tóm lại là chúng ta phải dùng chân tâm.

Ngoài ra, còn phải biết “dưỡng chí của cha mẹ”. Chí của cha mẹ là gì vậy? Là sự kỳ vọng đối với bạn. Chí của cha mẹ, chí nhỏ là hy vọng bạn thăng quan phát tài. Người có tầm nhìn tương đối xa, người xưa gọi là “mong con trai thành rồng, con gái thành phụng”, dùng cách nói hiện nay để nói là hy vọng bạn có thể vượt bậc xuất chúng, làm rạng rỡ tổ tông, khiến tổ tông, gia tộc đều lấy bạn làm vinh dự. Đây là sự kỳ vọng của bậc làm cha mẹ thông thường đối với con cái vào thời xưa. Nếu như cha mẹ giác ngộ thì sự kỳ vọng của họ về bạn là hy vọng bạn làm Bồ-tát, làm Phật, đạt đến cứu cánh viên mãn thật sự.

Chúng ta có thể khiến cha mẹ không thất vọng hay không? Làm Bồ-tát, làm Phật, bất kể thân phận gì, bất kể ngành nghề như thế nào đều có thể làm được. Làm Phật không nhất định là chỉ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Tướng mà cư sĩ Duy-ma hiện là tướng Phật tại gia, còn tướng mà Hòa thượng Phong Can, Hàn Sơn Thập Đắc hiện là hình tướng của người làm công quả rất bình thường. Quan sát họ tỉ mỉ, quả thật là hạnh Bồ-tát, quả thật là tướng Phật. Bồ-tát Quan Thế Âm có 32 ứng thân, 32 loại tướng Phật, 32 loại hạnh Bồ-tát. Cho nên bất kỳ thân phận gì, bất kỳ ngành nghề nào đều có thể làm Bồ-tát, đều có thể làm Phật.

Làm Bồ-tát, làm Phật có gì khác với phàm phu vậy? Tôi nghĩ đồng tu chúng ta đều hiểu rất rõ, đều rất sáng tỏ. Mỗi ngày chúng ta đang đọc tụng Kinh điển Đại Thừa, mỗi ngày đang nghiên cứu thảo luận nên có ấn tượng tương đối sâu sắc. Phật Bồ-tát không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, các Ngài chỉ có một tâm chân thành, tâm thuần thiện; thuần tâm yêu thương người, yêu thương tất cả chúng sanh; thuần tâm vì tất cả chúng sanh phục vụ, không có một niệm vì bản thân; niệm niệm nghĩ đến sự an định của xã hội, thế giới hòa bình, tất cả chúng sanh hạnh phúc chân thật; khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều tương ưng một cách viên mãn với “ngũ giới, thập thiện” mà Phật pháp đã nói. Cho nên thập thiện nghiệp đạo, chúng ta nhất định không được xem thường, xem lướt qua. Viên mãn của thập thiện nghiệp đạo là đạo hiếu viên mãn, Phật đạo viên mãn.

Chúng ta đã từng thấy qua biết bao nhiêu tượng Phật, tranh ảnh vẽ Phật, trên đỉnh Phật có vầng tròn sáng, trên vầng tròn sáng có viết ba chữ “Án – A – Hồng”, phần lớn là viết bằng chữ Phạn, cũng có khi viết bằng Hoa văn. Quí vị nhìn thấy là biết đọc. Ý nghĩa của ba chữ này chính là “Thân – Ngữ – Ý”, là thập thiện nghiệp đạo viên mãn. “Án” là “thân nghiệp”, “A” là “khẩu nghiệp”, “Hồng” là “ý nghiệp”. Ba chữ này là biểu thị cho ba nghiệp thanh tịnh. Trong thập thiện nghiệp đạo nói với chúng ta thân ba, khẩu bốn, ý ba, bạn có làm được thật sự thanh tịnh viên mãn hay chưa? Chư Phật Bồ-tát tu chính là tu ba chữ này, học cũng là học ba sự việc này, viên mãn vẫn là viên mãn ba sự việc này. Năm xưa, khi tôi mới bắt đầu tiếp xúc Phật pháp, rất may mắn gặp được Đại Sư Chương Gia, tôi xin thầy viết tặng cho tôi mấy chữ thư pháp. Thầy đã viết cho tôi ba chữ “Án – A – Hồng” trên một tờ giấy (do dời nhà quá nhiều lần nên thất lạc mất rồi). Thầy viết bằng chữ Tạng tặng cho tôi. Thầy đã giải thích tường tận cho tôi hiểu ý nghĩa của ba chữ này. Chúng ta phải biết học Phật là học cái gì. Nếu như khởi tâm động niệm, lời nói việc làm hoàn toàn trái ngược lại với điều này thì chúng ta không phải đang học Phật, mà là đang tạo nghiệp. Chúng ta cần phải hiểu rõ, cần phải sáng tỏ.

Tôi thường khuyên mọi người, muốn làm người tốt, muốn học Phật cho giống, trước tiên phải đem ý niệm tự tư tự lợi xả cho thật sạch sẽ, niệm niệm vì chúng sanh, vì Phật pháp cửu trụ ở thế gian thì chúng ta công phu sẽ đắc lực. Phật ở trong Kinh điển nói rất rõ ràng, rất minh bạch, pháp vận của Thich-ca Mâu-ni Phật vẫn còn chín ngàn năm nữa. Hiện nay, bên ngoài có rất nhiều lời tiên tri nói đã đến ngày tận thế rồi, nhưng tôi không tin. Tại sao tôi không tin vậy? Tôi tin lời của Phật. Tai nạn chắc chắn là có. Tại sao vậy? Do tâm người bất thiện, các nghiệp chiêu cảm, đương nhiên là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu tâm người có thể quay đầu, có thể hướng thiện thì tai nạn này sẽ giảm nhẹ, thời gian của tai nạn cũng tự nhiên rút ngắn.

Tôi thấy Trung Quốc là một vùng sáng lạn. Tôi thấy từ chỗ nào vậy? Người niệm Phật nhiều. Nghe nói hiện nay ở Trung Quốc người niệm “A Di Đà Phật”, người học Kinh Vô Lượng Thọ vượt hơn một trăm triệu người. Người niệm Phật nhiều như vậy thì thật hy hữu. Trong mười người, nếu có một người niệm Phật thì chín người kia sẽ được thơm lây. Ở Singapore, Đông Nam Á hiện nay, phong khí niệm Phật rất thịnh. Phàm là nơi có chánh pháp trụ thì chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần phù hộ. Đây là đạo lý nhất định, cái gọi là “người cùng tâm ấy, tâm cùng lý ấy”. Chúng ta có thiện tâm, tâm học Phật là tâm chí thiện, nhưng mà phải học cho giống. Học không giống thì đó là giả, không phải thật. Muốn thật sự có thể học giống thì phải buông xả được. Tôi lần đầu tiên gặp Đại Sư Chương Gia, hướng về thầy thỉnh giáo. Thầy dạy tôi sáu chữ: “Nhìn cho thấu, buông cho trót”. Tôi đời này gần 50 năm chính là học sáu chữ này, nhưng mới học giống có chút xíu.

Chúng ta thử xem, hành nghi cả đời của những Đại đức trước đây như Lão Hòa thượng Hư Vân, Ấn Quang Đại Sư cũng chính là sáu chữ này, thật sự nhìn thấu, buông xuống. Cả đời của Ấn Tổ và Lão Hòa thượng Hư Vân không có đạo tràng của riêng mình, cũng không có đồ chúng. Tín đồ của các Ngài rất nhiều, nhưng chỉ là khuyên mọi người niệm Phật, tu hành mà thôi, ngoài điều đó ra, ở trong tâm không nhiễm mảy bụi trần. Không giống hiện nay, có một số Pháp sư lưu lại họ tên, địa chỉ, điện thoại của tín đồ, còn muốn thêm vào hình ảnh, vì sợ quên mất tín đồ. Bạn nói xem, phiền phức biết bao! Chúng ta thử xem, những bậc Đại đức trước đây, tín đồ không đến tìm họ, họ đã quên rất sạch sẽ, tuyệt đối không để ở trong tâm, cho nên tôi nói họ không có tín đồ. Tâm địa của họ thật sự thanh tịnh, không nhiễm mảy bụi, họ không có phiền não, không có lo lắng, không có vướng mắc, trong tâm tràn đầy trí huệ, từ bi. Đây là điều chúng ta cần nên học, đây là chân thật học Phật. Có nhiều người chân chánh học Phật thì người thế gian này sẽ có phước, Phật pháp mới có thể trụ lâu ở thế gian. Các đồng tu nhất định phải phát tâm.

Bất kể là tại gia hay xuất gia, bạn nhất định phải nhớ kỹ, người xuất gia thì làm nên tấm gương tốt cho người xuất gia (tấm gương tốt nhất của người xuất gia là Thích-ca Mâu-ni Phật); tại gia thì phải làm tấm gương tốt cho người tại gia (tấm gương tốt của người tại gia là cư sĩ Duy-ma), vậy mới gọi là chân thật học Phật. Nếu chúng ta nói Thế Tôn và trưởng giả Duy-ma cách chúng ta quá xa, vậy thì chúng ta tìm thời gần đây. Thời gần đây quý vị cũng có thể tìm thấy, người xuất gia nên học Pháp sư Ấn Quang, học Lão Hòa thượng Hư Vân thì chắc chắn không sai, các Ngài là hình ảnh của Phật xuất gia. Lão cư sĩ Giang Vị Nông là tấm gương tốt cho người tại gia học Phật. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung cũng là tấm gương tốt, thật sự học rất giống cư sĩ Duy-ma, niệm niệm vì Phật pháp, niệm niệm vì chúng sanh, không vì chính mình.

Chúng ta học Phật, Phật dạy cho chúng ta rất nhiều phương pháp, không những chúng ta có căn cứ lý luận ở trên Kinh điển, mà chúng ta còn phải tìm một tấm gương tốt, tìm một khuôn mẫu, dựa vào khuôn mẫu này để trau dồi bản thân thì đời này chúng ta mới không đến nỗi luống qua, mới thật sự học đạt được thành tích, chắc chắn vãng sanh bất thoái thành Phật. Thế gian này, không những là thế pháp, mà ngay cả Phật pháp cũng phải buông xả cho thật sạch sẽ, không nhiễm mảy bụi thì chúng ta mới có thành tựu. Nếu còn một mảy may dính nhiễm thì đó là chướng ngại lớn nhất của chúng ta, không những Phật pháp không thể thành tựu, mà trong thế pháp cũng tạo vô lượng vô biên tội nghiệp. Ở trong đây, nhân quả trùng trùng, Cảm Ứng Thiên nói quá nhiều, quá nhiều rồi, chúng ta không thể không biết, không thể không lưu ý.

Về phần hiếu hạnh, chi tiết rất nhiều, nói mãi không hết. Thế nhưng chúng ta cũng cần nêu ra một cương lĩnh. Chúng ta phụng sự cha mẹ như thế nào, đối xử với anh em ra sao, làm sao để hòa mục tôn giáo, hòa mục chủng tộc, làm sao có thể mang lại an định hòa bình cho xã hội, cho chúng sanh? Những việc này đều không thể rời khỏi chữ “hiếu”, đều là thuộc về hiếu hạnh.