THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN GIẢNG GIẢI
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng từ ngày 11/05/1999 đến 20/04/2000
Giảng tại Singapore, Australia, Hồng Kông.
Tổng cộng 195 Tập (AMTB)
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Mã AMTB: 19-012-0001 đến 19-012-0195
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN – Tập 142/195 (82B – bộ 128 đĩa)
Các vị đồng tu! Xin mời xem Cảm Ứng Thiên đoạn thứ 77, tổng cộng có bốn câu:
“Vô cố tiễn tài, phi lễ phanh tể. Tán khí ngũ cốc, lao nhiễu chúng sanh” (Không duyên cớ mà may quần áo mới. Không có lễ tiết mà giết mổ súc vật. Vung vãi hoang phí ngũ cốc. Làm nhọc sức chúng sanh).
Người thông thường xem những điều này là chuyện nhỏ, là chuyện lặt vặt không đáng kể. Đây là điều dễ phạm phải nhất, trong cuộc sống thường nhật không biết tiết kiệm. Trong kinh giáo Phật dạy chúng ta: “Thực tồn ngũ quán” (lúc ăn làm năm phép quán), hằng ngày khi chúng ta ăn cơm đều phải quán tưởng. Nội dung quán tưởng là để chúng ta biết yêu quý vật lực và nhân lực từ đó mà sanh khởi ý niệm cảm ân, mỗi sợi chỉ sợi tơ, hạt cơm giọt nước có được đều không dễ dàng gì. Chúng ta cần phải biết nhờ sự vất vả của người nông dân và công nhân thì chúng ta mới có được sự tiện lợi trong cuộc sống hằng ngày. Tuy ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, tiết kiệm được rất nhiều nhân công, lợi dụng máy móc để trồng trọt, sản lượng đã được tăng lên, thế nhưng chúng ta vẫn cần phải tiết kiệm.
Tiết kiệm là mỹ đức, tiết kiệm là tánh đức. Chúng ta hãy xem chư Phật Bồ-tát, xem những Thánh nhân của nhiều tôn giáo khác thì hầu như vị nào cũng an bần lạc đạo. Vì sao các Ngài lại thị hiện như vậy? Chúng ta cần suy nghĩ nhiều, cần suy nghĩ tỉ mỉ để thể hội. Các Ngài có cần thiết phải làm như vậy không? Bình lặng tư duy và quan sát, chúng ta sẽ hiểu các Ngài không vì bản thân mình mà vì chúng sanh khổ nạn. Tuy khoa học kỹ thuật phát triển cao độ nhưng chúng sanh vẫn không thắng nổi nghiệp lực. Mỗi một người, thành thật mà nói nếu như không thể chuyển mê thành ngộ thì cả đời sẽ bị vận mạng trói buộc, giống như nhà tiên tri người Pháp đã nói: Con người không thoát khỏi sự chi phối của vận mạng, cuộc đời của con người đều chịu sự an bài của vận mạng, giống như vở kịch vậy, căn cứ theo kịch bản mà diễn. Có mấy ai trong cuộc sống có thể thay đổi được vận mạng của chính mình? Nếu có thể thì người đó chính là người tu hành chân thật của tôn giáo đó. Người tu hành bất luận ở tôn giáo nào tóm lại đều dạy bạn đoạn tham sân si, đều dạy bạn mỗi ý niệm, mỗi hành vi đều vì hết thảy chúng sanh mà tạo phước thì đó là người chân thật tu hành, họ nhất định hoan hỷ làm một tấm gương tốt cho đại chúng xã hội. Điều này trong Phật pháp gọi là: “Công đức chân thật”.
Cho nên trong cuộc sống hằng ngày không thể không tiết kiệm, trong cuộc sống hằng ngày miếng ăn miếng uống phải biết tiết kiệm. Mọi người vì đại chúng xã hội phục vụ nên nhất định sẽ không lãng phí, nhất định phải biết yêu thương xã hội, yêu thương chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh, tiếc phước, bồi phước và tạo phước. Chúng sanh có phước thì người chứng quả tu hành sẽ rất hoan hỷ. Chúng sanh chịu khổ chịu nạn thì người tu hành nhìn thấy sẽ rất đau lòng, nhưng cũng không biết làm sao. Vì sao vậy? Vì hoàn cảnh trong cả đời của hết thảy chúng sanh đều là tự làm tự chịu. Điều mà chư Phật Bồ-tát và đại Thánh đại Hiền có thể giúp đỡ được chính là dạy học, là hướng đạo. Người có trí huệ, người có phước đức khi gặp được rồi, có thể y giáo phụng hành, có thể tin, có thể giải, có thể hành, vận mạng của người này sẽ được chuyển trở lại. Nếu không chịu y giáo phụng hành thì không thể chuyển đổi vận mạng được. Người biết chuyển đổi thì chuyển từ trên ý niệm, vĩnh viễn giữ gìn thiện niệm thì đây là người chân thật biết tu hành. Mắt không nhìn tà sắc, cố hết sức phòng tránh, tai không nghe âm thanh xấu. Thế Tôn trong Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta nguyên tắc tu học khẩu nghiệp là: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người”.
Chúng ta là phàm phu có nghiệp chướng sâu nặng. Nghiệp chướng sâu nặng được nhìn từ chỗ nào? Chính là ác niệm của chúng ta, người xưa thường nói là “ác ý”, từ trước đến nay không xem người khác là người tốt. Đây chính là ác ý. Những điều nhìn thấy đều là lỗi lầm của người khác, sau khi nghe thấy lại đi tuyên truyền. Tất cả đều là chuyện đúng sai hay dở của người khác, chúng ta không biết được điều đó là đại ác. Chúng ta lại quan sát tỉ mỉ những người tu hành, vì sao họ có thể làm Bồ-tát, có thể làm Phật? Thành thật mà nói chính là câu mà Đại sư Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Người chân thật tu hành không nhìn lỗi thế gian” . Chúng ta nên lấy câu nói này làm lời răn cho chính mình, chân thật để vào trong tâm, chăm chỉ học tập không nhìn lỗi thế gian thì chúng ta liền thành tựu. Cho dù người thế gian có lỗi thì đó là lỗi của họ, đâu có can hệ gì với ta. Nếu ta đem lỗi của họ để vào trong tâm thì đó chính là lỗi của mình rồi. Tại sao lại làm việc ngu ngốc này chứ?
Tôi học Phật bốn mươi tám năm, có được một chút lợi ích trong Phật pháp cũng chính là từ điều dạy này mà được. Có người đến nói với tôi là có người huỷ báng tôi, nhục mạ tôi. Tôi không nghe và nói là: “Không cần nói nữa, tôi biết hết rồi, không cần nói thêm nữa”. Thậm chí họ còn đem văn tự đến cho tôi xem, tôi liền bỏ vào thùng rác, còn có người đem băng ghi hình đến cho tôi, tôi liền gửi trả lại băng ghi hình đó. Tôi không nghe, tôi không xem. Vì sao vậy? Vì trong tâm vĩnh viễn giữ ấn tượng tốt nhất đối với người khác. Như vậy tâm của chúng ta mới thiện được, tuyệt đối không cho phép trong tâm có tơ hào ấn tượng xấu ác nào. Tôi biết có ấn tượng ác ở trong A-lại-da thức thì quả báo tương lai sẽ ở trong ác đạo. Tôi vì sao phải làm như vậy chứ? Người khác hủy báng tôi, tôi quyết không hủy báng người khác mà tôi tán thán họ. Người khác nhục mạ tôi thì tôi cảm ơn họ đã thay tôi tiêu tai, thay tôi tiêu nghiệp chướng nên tôi cảm ơn còn không kịp, làm sao có tơ hào ác niệm, ác ý chứ. Tôi hiểu được mục tiêu, phương hướng tu học của chúng ta chính là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ, tâm từ bi. Tôi ngày ngày tu dưỡng những điều này. Nếu như thích nghe những chuyện thị phi nhân ngã, thích thăm dò những chuyện này thì sẽ làm hỏng năm loại tâm này. Ai làm hỏng vậy? Không phải người khác có thể làm hỏng được mà chính chúng ta làm hỏng chính mình. Bạn làm sao có thể trách người khác được chứ? Tôi biết cách giữ gìn, người khác muốn phá hỏng thì tôi nhất mực từ chối.
Có người đến nói với tôi: “Pháp sư, có người nói xấu Ngài.”. Tôi có thể không nghe, tôi có thể dùng lời nói để chuyển sang đề tài khác, không cho họ nói tiếp. Đây là gì? Là bảo vệ chính mình, là bảo vệ tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác của chính mình. Người không biết sẽ tự làm tổn thương chính mình. Khi nghe thấy người khác nói là có người nói xấu bạn thì lập tức yêu cầu: “Anh nói cho tôi nghe đi”, sau khi nghe xong thì sẽ nghĩ cách báo thù họ. Bạn xem, đây chính là tạo tác ác nghiệp. Lời mà người khác nói rốt cuộc là thật hay là giả, nếu không suy nghĩ tìm hiểu, không cân nhắc mà vội vàng tin tưởng, bạn nói xem người này có ngốc hay không? Chính mình làm hỏng đạo tâm của chính mình, cơ hội khó gặp được Phật pháp trăm nghìn vạn kiếp mới có được lại tùy tiện làm hỏng mất rồi.
Ma đến phá hoại, năng lực của ma cũng chỉ lớn đến như vậy mà thôi, nếu bạn không tiếp nhận thì chúng không làm gì được bạn, nếu bạn hoan hỉ tiếp nhận, bạn hợp tác với chúng thì năng lực của chúng mới biểu hiện ra ngoài. Nếu bạn không hợp tác với chúng, không nghe chúng, không để ý chúng thì pháp lực của ma có cao đến đâu đi nữa cũng không làm gì được bạn. Điều này khi Thế Tôn thị hiện tám tướng thành đạo hàng ma đã làm một tấm gương tốt cho chúng ta xem. Chúng ta vì sao không ghi nhớ, vì sao không chịu học tập?
Cho nên khi chúng ta xử sự đối người tiếp vật mà cảnh giới hiện tiền thì hãy nhớ đến Phật gặp phải cảnh giới này thì Ngài xử lý như thế nào? Chúng ta học theo cách làm của Phật, không được học theo ma. Chư Phật Như Lai vĩnh viễn sống trong sự từ bi. Nhà Phật thường nói: “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”. Từ bi là tâm yêu thương vô tư, vô điều kiện, là tâm yêu thương chân thành, là tâm yêu thương thanh tịnh bình đẳng, là tâm yêu thương hết thảy chúng sanh trong hư không pháp giới, nhất định không có một chút tơ hào phân biệt chấp trước, niệm niệm đều suy nghĩ vì lợi ích của người khác, suy nghĩ vì phước đức của người khác. Chính mình có thể nhẫn chịu, nhẫn chịu là hiển thị nhẫn nhục ba-la-mật. Phật chính là biểu thị đức hạnh hoàn mỹ nhất mà không có khiếm khuyết, tất cả đều ở trong kinh giáo.
Chúng ta hằng ngày đọc Kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã nói qua rất nhiều lần rồi, nếu có thể y giáo phụng hành những giáo huấn trong Kinh Vô Lượng Thọ, làm được một trăm phần trăm thì người này chính là Vô Lượng Thọ Phật, là A Di Đà Phật. Nếu có thể làm được một nửa, tuy là không làm được viên mãn thì người này thật sự là Bồ-tát ở thế giới Cực Lạc, nhất định được sanh Tịnh độ. Nếu như không sanh Tịnh độ mà nguyện quảng độ chúng sanh ở thế giới Ta-bà thì nhất định cũng được oai thần của A Di Đà Phật gia trì. Đây là đạo lý đương nhiên. Phật lực gia trì là việc tốt, nếu chính mình không có đủ giới định huệ, tuy là được Phật lực gia trì nhưng vẫn bị thối chuyển. Đạo lý này chúng ta không thể không biết. Khi bạn phát tâm chân thành thì sẽ được Phật lực gia trì. Khi tâm này bị thối chuyển thì sự gia trì của Phật cũng không còn nữa. Chúng ta nhất định phải có một phần công đức thì Phật sẽ gia trì một phần công đức. Nếu chúng ta có mười phần công đức, Phật sẽ gia trì mười phần. Nếu khi nào công đức của chúng ta không còn nữa thì đồng thời sự gia trì của Phật lực cũng không còn.
Công đức tương đối không dễ giữ gìn. Trong kinh Phật nhiều lần đã cảnh báo chúng ta: “Lửa thiêu rừng công đức”. Không giống như phước đức, phước đức có thể giữ được nhưng công đức rất khó giữ gìn. Vậy công đức là gì? Công đức chính là giới định huệ. Nếu bạn phá giới thì công đức liền không còn nữa. Tâm của bạn vừa tán loạn thì định liền mất, khi vừa mê hoặc ngu si thì huệ liền không còn nữa. Do đó công đức không dễ giữ gìn. Phước đức có thể giữ được thì có thể hưởng phước ở trong ba đường thiện. Trong ba đường ác, ngoài địa ngục thì trong cõi ngã quỷ và súc sanh vẫn có thể hưởng phước, thế nhưng bạn nên nhớ phước đức không thể giúp bạn siêu vượt tam giới, không thể giúp bạn tu hành chứng quả. Cho nên người tu hành chúng ta xác định rõ mục tiêu của mình là giới định huệ tam học.
Giới học là gì? Là tuân thủ luật pháp, tuân thủ quy định chứ không phải cứng nhắc trong giới luật. Khi ta mở Kinh Vô Lượng Thọ, bắt đầu từ “Như thị ngã văn” đến “Tín thọ phụng hành”, từng câu từng chữ đều là những giáo giới của Thế Tôn đối với chúng ta. Chúng ta nếu có thể tin, có thể giải, có thể hành thì chính là trì giới. Trong tam học giới định huệ thì giới học là nghĩa rộng không phải nghĩa hẹp. Chúng ta đem giáo huấn của Phật-đà áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, điều này gọi là trì giới. Nếu đồng thời có thể giữ tâm mình thanh tịnh, bình đẳng, điều này chính là tu định. Nguyên tắc tu định trong Kinh Kim Cang là: “Bất thủ ư tướng, như như bất động” (không chấp vào tướng, như như bất động). Câu này nếu dùng lời của chúng ta hiện nay để nói thì là: “Ngoài không dính tướng, trong không động tâm”. Đây là tu thiền định. Khó khăn lớn nhất của chúng ta chính là nhìn sắc tướng, nghe âm thanh rất dễ bị chấp tướng, khi vừa chấp tướng thì định liền không còn nữa. Không những định không còn nữa mà phiền não trong tâm liền sanh khởi như: Hỷ nộ ai lạc (mừng, giận, buồn, vui), thất tình ngũ dục. Như vậy giới cũng không còn nữa, tất cả đều bị phá hỏng rồi. Cho nên khi giới định huệ của bạn bị cảnh giới bên ngoài quấy rối, phá hỏng thì cảnh giới bên ngoài gọi là ma, cảnh giới ma. Nếu như cảnh giới ở bên ngoài không thể phá hỏng bạn, bạn kiên trì giữ được giới định huệ tam học thì cảnh giới bên ngoài gọi là Phật. Cho nên cảnh giới Phật và cảnh giới ma là một không phải hai. Bạn dùng tâm giới định huệ đối mặt với cảnh giới bên ngoài thì là cảnh giới Phật, nếu bạn dùng tâm tham sân si đối với cảnh giới bên ngoài thì cảnh giới bên ngoài là cảnh giới ma. Do đó Phật và ma từ đâu mà ra? Là từ trong tâm bạn sanh ra, một niệm giác thì đều là cảnh giới Phật, một niệm mê thì Phật cũng là ma, cho nên cần phải hiểu được đạo lý này thì chúng ta mới chân thật làm đến được “chí thiện”, chân thật làm đến được yêu người yêu vật. Thành toàn việc tốt cho người, không thành toàn việc xấu của người, như vậy thiện tâm sẽ được sanh khởi, thiện niệm ngày ngày tăng trưởng.
Đối với người hãm hại chúng ta thì ta cảm ơn vì đã tiêu nghiệp chướng cho ta, thành tựu được nhẫn nhục ba-la-mật của chính mình, thành tựu được thiền định ba-la-mật của chính mình, thành tựu được bát nhã ba-la-mật của chính mình. Lục ba-la-mật vẹn toàn rồi, cũng thành tựu trì giới ba-la-mật, cũng thành tựu bố thí ba-la-mật. Bố thí thế nào vậy? Là bố thí vô uý. Họ sỉ nhục tôi, huỷ báng tôi, hãm hại tôi thì tôi dùng tâm cảm ơn đối đãi họ. Họ sẽ không lo sợ, không báo thù tôi nữa, nếu không họ ngày ngày lo lắng là người kia sẽ báo thù họ, tâm họ không yên ổn. Chúng ta ngược lại không báo thù mà còn cảm ơn, điều này gọi là bố thí vô uý. Lục độ viên mãn rồi. Đây là điều mà chúng tôi khi giảng kinh thường khuyên các vị đồng tu: Trong cuộc sống hằng ngày, từng ly từng tí, khởi tâm động niệm không có điều gì là không có đủ sáu ba-la-mật. Người có đủ tâm hạnh sáu ba-la-mật thì người này là Bồ-tát. Bồ-tát đối người tiếp vật vĩnh viễn là từ bi, vĩnh viễn không gây tổn hại, tuyệt đối không “lao nhiễu chúng sanh”. Dùng lời hiện nay mà nói là nhất quyết không gây phiền phức cho chúng sanh.
Được rồi, hôm nay thời gian đã hết. Chúng ta tạm dừng tại đây. A Di Đà Phật!