Thái Thượng Cảm Ứng Thiên – Tập 30/195

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN –  Tập 30/195 (14A – bộ 128 đĩa)

Các vị đồng học, xin chào mọi người!

Phần trước giảng đến tích đức lũy công”, trong phần giải thích của sách Vựng Biên đã trích dẫn đoạn Tích Thiện trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn. Đoạn này trước đây tuy đã giảng qua rất nhiều lần, thế nhưng tôi vẫn phải thường giảng lại. Vì sao vậy? Tuy đã giảng rồi nhưng chúng ta chưa làm được. Vì sao không làm được? Chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều, phải tìm cho được nguyên nhân vì sao không làm được, rồi tiêu trừ sạch nguyên nhân không làm được thì chúng ta mới được cứu. Nếu không sẽ nhìn thấy tiền đồ của chúng ta là một màu đen tối, phải đi về hướng tam đồ, địa ngục. Những lời này đều là sự thật, nhưng chúng ta luôn luôn không chú ý. Chúng ta không đi đường Bồ-đề mà đi vào ba đường ác.

Cho nên lời khai thị này là vô cùng quan trọng. Văn trích ra rất dài, chúng ta chỉ chọn lấy mấy điều về phân biệt thiện ác để cùng với mọi người nghiên cứu một lần nữa. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn nói: “Thiện có chân giả, có đoan khúc”. “Đoan” tức là hành vi ngay thẳng chính trực. “Khúc” tức là hành vi không ngay thẳng chính trực. “Có âm, có dương”. “Dương” là bạn hành thiện mọi người đều biết, được mọi người trong xã hội tán thán. “Âm” là bạn làm việc thiện không có ai biết, nhưng báo đáp của trời đất quỷ thần cho bạn sẽ vô cùng hậu hĩ. “Có phải có trái, có lệch có ngay, có vơi có đầy, có lớn có nhỏ, có khó có dễ.” Ông nói nhiều như vậy để giúp chúng ta phân biệt. Hai chữ “thiện ác” khi xem thấy dường như rất dễ dàng, nhưng trên thực tế rất khó phân biệt. Quả báo cảm được kiết hung họa phước vô cùng vi diệu.

Phần trước chúng ta đã đọc qua, đúng là lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát. Một người cả đời, đời đời kiếp kiếp ở trong vòng nhân quả báo ứng. Một gia đình, một đoàn thể, một xã hội, một quốc gia, ngày nay chúng ta nói đến trái đất này, thế giới này, các vị hãy suy nghĩ quan sát thật kỹ, có gì chẳng phải là nhân duyên quả báo đâu chứ? Cho nên nhà Phật dùng hai chữ “nhân quả”, đã khái quát hết tất cả pháp thế xuất thế gian. Không những pháp thế gian là nhân duyên quả báo, mà pháp xuất thế gian cũng không ngoại lệ. Ở trong kinh luận thường nói: “Phật pháp nhân duyên sanh” (Phật pháp do nhân duyên sanh). Thấu triệt đạo lý nhân duyên quả báo và chân tướng sự thật thì người này chính là Phật, là Bồ-tát. Đối với cái chân tướng sự thật này mê mà không giác thì người này là phàm phu. Tiên sinh Liễu Phàm dựa theo tâm đắc tu học cả đời của chính ông, đã viết ra mười điều này cung cấp cho chúng ta làm tham khảo.

Chúng ta cần nên đọc thật kỹ, nghĩ thật sâu, đặt nền móng cho học Phật, cho làm người, vậy thì tốt không gì bằng. Ông có câu nói rất hay: “Làm thiện mà không rõ lý, tự cho rằng mình hành trì đúng, đâu biết là đang tạo nghiệp, chỉ uổng phí, khổ tâm, vô ích vậy” đây là lời giáo huấn chân thực, là tâm đắc chân thực của cả đời ông. Bạn muốn đoạn ác tu thiện mà chưa đủ thấu triệt đạo lý đoạn ác tu thiện, không hiểu rõ, luôn luôn tự mình cho rằng đã làm việc tốt, thực ra là tạo nghiệp. Loại hiện tượng này xưa nay trong và ngoài nước có thể thấy từng giờ, đặc biệt là hiện nay, người hiện nay không đọc sách xưa.

Chúng ta nên biết là những ghi chép trong sách xưa là kinh nghiệm của lịch sử, là kinh nghiệm của mấy ngàn năm đời đời truyền lại, sai lầm của nó không lớn, độ tin cậy rất cao. Nếu chúng ta dựa vào kinh nghiệm một đời của mình, cả đời bạn cũng chẳng qua là kinh nghiệm của mấy mươi năm mà thôi, so với kinh nghiệm mấy ngàn năm của người ta thì còn kém rất xa. Luôn luôn tự cho mình là đúng, tự cho là thiện, tạo tác chiêu cảm đến tai họa mà tự mình không thừa nhận, cho rằng đây là thảm họa thiên nhiên. Trong phút chốc đã đùn đẩy cái trách nhiệm này, giống như chẳng liên quan gì với ta, ta là người đại thiện, không biết được chính mình đã tạo nghiệt.

Tôi ở trong các buổi giảng cũng thường nói: thế gian kiết hung họa phước là ai tạo ra? Người giác ngộ thì biết là chính mình tạo nên. Người mê hoặc thì đùn đẩy trách nhiệm này cho người khác, không liên quan gì với ta. Người giác ngộ biết là do chính mình tạo nên, chính mình không làm tốt, chính mình đã không để ý. Đặc biệt là ngày nay, bản thân chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm không đủ để làm tấm gương tốt cho người thế gian, đây chính là bản thân đã tạo nghiệt, chúng ta làm chưa đủ tốt. Chư Phật Bồ-tát thị hiện ở thế gian này, cũng cảm thán như vậy, bản thân làm vẫn chưa đủ tốt nên không thể cảm hóa người thế gian. Phật Bồ-tát quy trách nhiệm về chính mình để thành tựu đức lớn của chính mình.

Vì sao Phật Bồ-tát không thể độ người thế gian? Nhà Phật thường nói thời kỳ mạt pháp “Pháp nhược ma cường”, ma cũng làm ra đủ dạng thị hiện. Ma dùng đủ thứ dụ dỗ, tập khí nghiệp chướng phiền não của người thế gian sâu nặng, mê hoặc điên đảo, nhận giả mà không nhận thật. Ma thì hùa theo sở thích của họ, ma dạy người cái gì vậy? Dạy người tham sân si, dạy người tự tư tự lợi. Giáo pháp của Phật lại hoàn toàn tương phản với điều này nên người thế gian khó tiếp nhận, đây là chân tướng sự thật hiện nay của chúng ta. Nhà Phật cũng thường nói: “Phật không độ người không có duyên”. Chúng sanh không chịu quay đầu thì Phật không thể giúp đỡ họ. Thật sự chịu quay đầu thì Phật mới có thể giúp. Chúng sanh không chịu quay đầu thì Phật vẫn làm ra đủ dạng thị hiện, vẫn là cứ khổ tâm dẫn dắt, mong mỏi họ quay đầu. Đây là đại từ đại bi của nhà Phật, đó gọi là “ở trong cửa Phật không bỏ một ai”.

Tiên sinh Liễu Phàm đã nêu ra một ví dụ về việc chân giả, trước đây có một số thư sinh đi thăm Hòa thượng Trung Phong. Hòa thượng Trung Phong là người sống vào đời nhà Nguyên. Trước đây người đọc sách nhiều hay ít đều có xem qua kinh điển của nhà Phật. Họ thỉnh giáo với Thiền sư Trung Phong, nhà Phật nói về thiện ác, “thiện ác báo ứng như bóng theo hình”. Họ nói hiện nay có người hành thiện nhưng gia đạo rất suy, có người làm ác mà gia nghiệp của họ vô cùng hưng vượng. Họ nhìn thấy những hiện tượng này nên nói nhà Phật nói thiện ác báo ứng là giả, không phải là thật. Câu trả lời của Thiền sư Trung Phong rất hay. Ngài nói tình thức phàm phu của các người chưa đoạn được sạch sẽ, tập khí phiền não đều còn nguyên, trí huệ chưa khai, đạo nhãn chưa khai, thấy thiện cho là ác, thấy ác cho là thiện, loại điên đảo phải trái này luôn còn đó, hơn nữa tự mình không biết phản tỉnh, không biết quay đầu, ngược lại đi oán trời trách người, nói ông trời không công bằng, không có báo ứng, điều này sai rồi.

Cách nói này của Thiền sư Trung Phong là chính xác, dường như mọi người chúng ta đều biết hai chữ “thiện ác”, thực ra không hiểu biết gì cả. Có mấy người thật sự hiểu được thiện ác, người chân thật hiểu được thiện ác mới biết đoạn ác tu thiện. Ngày nay họ không có cách gì đoạn ác tu thiện vì còn không hiểu hai chữ này. Ý nghĩa của hai chữ này sâu rộng vô hạn, bạn có thể hiểu được bao nhiêu? Thế là những người học trò này liền hỏi Thiền sư Trung Phong: “Theo thầy thế nào là thiện, thế nào là ác?” Thiền sư Trung Phong liền hỏi họ, đánh người, mắng người là ác, tán thán người, lễ kính người là thiện, bạn thấy có đúng không? Họ đều cho là đúng. Thiền sư liền nói: “Sai rồi! Bạn chỉ nhìn thấy trên hiện tướng, chưa có quan sát tỉ mỉ. Nếu người này thật lòng yêu thương họ thì đánh họ, mắng họ là để khiến họ quay đầu. Vậy thì đánh họ, mắng họ đó là thiện. Còn tán thán họ, lễ kính họ, nếu là nịnh bợ họ, cầu cạnh nơi họ, hối lộ họ, đó là ác không phải là thiện. Chỉ từ trên hình thức bên ngoài thì bạn không thể nhìn ra, bạn phải quan sát sâu thêm một tầng thì mới biết cái gì là thiện, cái gì là ác”.

Một người khác nói: Tham tiền của, lấy bừa là ác. Liêm khiết, có phẩm hạnh là thiện. Thiền sư Trung Phong lắc đầu trả lời: “Đó là nhìn từ bên ngoài, chưa hẳn là như vậy. Thiện ác có tiêu chuẩn, không cần nói tiêu chuẩn quá cao xa, chỉ nói tiêu chuẩn thông thường, chúng ta phải biết: phàm là việc có ích cho người, có ích cho xã hội, có ích cho chúng sanh thì gọi là thiện. Hễ là có ích thì đánh họ, mắng họ cũng là thiện. Phàm là việc có ích cho bản thân chính là ác. Dù là nịnh hót, bợ đỡ người, loại lễ kính đó cũng là ác. Vì sao vậy? Cầu danh vọng lợi dưỡng cho chính mình, là vì tư, không phải vì công”.

Người thế gian luôn chỉ nhìn thấy bên ngoài, không nhìn thấy được chỗ dụng tâm. Thánh nhân thế xuất thế gian đều dạy chúng ta cách dụng tâm như thế nào, làm thế nào để giữ tâm tốt. Cái tâm này làm lợi ích cho chúng sanh, lợi ích cho xã hội, lợi ích cho người khác, mỗi niệm phải giữ tâm như vậy thì hạnh của bạn là thiện. Nếu mỗi niệm đều vì chính mình thì cái tâm này chính là ác, tự tư, tự lợi. Tự tư, tự lợi mà làm đủ thứ việc tốt thì vẫn là ác. Ngạn ngữ gọi là “ham cầu danh lợi tiếng tăm”, không phải là chân thiện. Người như vậy sau khi chết rồi vẫn phải đọa vào tam đồ, cõi trời và cõi người đều không có phần. Chúng ta không thể không biết đạo lý này. Nếu cõi trời, người còn không có phần thì các vị thử nghĩ xem các vị còn có thể sinh về thế giới Cực Lạc được không?

Sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc phải là đại thiện, trong kinh đã nói rất rõ ràng, nơi đó là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ” (các bậc thượng thiện tụ họp một chỗ). Chúng ta chỉ cần tâm chân, ý thành thì an tâm can đảm mà làm, không nên do dự. Ta dùng tâm tốt làm sự việc này, số tiền đó bị người khác dùng không đúng nên sự việc không thành công, đó là chuyện của họ, không phải là việc của mình, mỗi người có quả báo của riêng mình.

Lần trước khi tôi từ Úc trở về, hội trưởng Lý nói với tôi, ở Phước Kiến có một ngôi chùa, vị Hòa thượng vì tham tiền, biết lão Hòa thượng trong người có tiền, liền giết chết lão Hòa thượng, cướp đi 300 ngàn nhân dân tệ rồi bỏ trốn lên phương Bắc. Nhưng không bao lâu người này bị bắt về. Sau khi bị bắt về đương nhiên là bị xử tử hình. Số tiền đó của ngôi chùa là do lão Pháp sư Đàm Thiền ở bên này bố thí, để lão Hòa thượng xây chùa. Pháp sư Đàm Thiền biết sự việc này, gật đầu nói, thật đúng người đúng tội, mỗi người có quả báo của riêng mình.

Pháp sư Đàm Thiền phát tâm xây chùa, là thuần thiện, không có một chút ác ý, ác tâm. Các anh thấy tiền khởi ý giết người cướp của, đó là tội ác của các anh. Hoàn toàn không phải Pháp sư Đàm Thiền có ý hãm hại người. Trong sự việc này chúng ta phải hiểu rõ quả báo thiện ác. Hơn nữa, Pháp sư Đàm Thiền khi trao số tiền này đã nói rất rõ ràng: “Tôi bố thí cho ông là nhân quả của tôi, sự tạo tác của bản thân các ông, tương lai nhận quả báo là nhân quả của các ông”. Lời nói này rất rõ ràng, minh bạch. Mỗi người có nhân quả báo ứng riêng của mình, không ai thay thế cho ai được.

Cho nên mỗi niệm đều vì lợi ích của chúng sanh, cái tâm này là tâm thiện, là tâm tốt, tuyệt đối không có tư dục ở trong đó, quyết không cầu báo đáp, đây là chân thiện. Hơn nữa, hành thiện mà không có điều kiện là chân thiện, có điều kiện là giả thiện, không phải là chân thiện. Ngày nay chúng ta thấy rất nhiều người làm một chút việc tốt đều kèm theo rất nhiều điều kiện, cho nên quả báo không được tốt. Phàm là bố thí vô điều kiện, cúng dường vô điều kiện thì tự mình tâm địa thanh tịnh, thuận theo tự nhiên mà làm thì quả báo hậu hĩ, có đại phước báo. Những lý này ở trong kinh Phật nói rất nhiều, Nho gia, Đạo gia nói cũng không ít. Những việc này xưa nay trong và ngoài nước, nếu như chúng ta bình tâm một chút, khách quan một chút, ở trong hoàn cảnh hiện thực, bạn sẽ nhìn thấy rất rõ ràng, minh bạch. Thật sự nếu muốn hành thiện thì phải hạ công phu ở trên tâm địa.

Đề kinh của Kinh Vô Lượng Thọ quá hay, “Thanh tịnh, bình đẳng, giác”, khởi tâm động niệm tương ưng với năm chữ này, lời nói việc làm tương ưng với năm chữ này là chân thiện. Nếu đi ngược lại với năm chữ này thì thiện sẽ không chân, sẽ không thuần. Làm thế nào để có thể tương ưng với năm chữ này? Đây là chỗ chúng ta cần hiểu rõ, cần học tập. Không chỉ là đã đặt nền móng ở trên đường Bồ-đề, mà đây cũng là căn bản trong đạo lý làm người. Cho nên với hai chữ “thiện ác” này, chúng ta không thể không dùng một chút thời gian để thảo luận. Chúng ta dựa vào cương lĩnh của cư sĩ Liễu Phàm, bỏ công phu nghiên cứu một thời gian, dùng cái này làm nền tảng, phát triển nó rộng ra thêm, đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức thì có thể sẽ thu được một chút hiệu quả. Nếu không tham cứu tỉ mỉ sâu sắc thì e rằng chúng ta sẽ hiểu điên đảo hai chữ “thiện ác”, tạo tội nghiệp đầy người mà tự mình vẫn cho là đang tu thiện, đó là quá đỗi sai lầm rồi!